Tôn Thất Sang.
Từ trên thượng thành, gần Nam Đài (Thiên văn Đài) thành nội, cố đô Huế, nhìn dòng nước đục ngầu cuồn cuộn, tự nhiên Hoàng thấy một nỗi tức giận không cùng với dòng sông Hương yêu dấu mà đối với Hoàng là cả một trời thơ mộng, một biểu tượng hiền dịu thân thương và êm ái của quê chàng.
Chàng bồi hồi nhớ lại, lúc lớn lên, cứ mỗi khi có tâm sự buồn vui, nhất là mỗi khi có những nỗi xót xa, không biết tâm sự cùng ai, chàng thường, khi trời vừa nhạt nắng, trèo chiếc dốc thoai thoải lên thượng thành, tìm bóng mát bên khóm cây thơm hăng hắc mùi đồng nội, bụi cây hoang có những chùm hoa nho nhỏ khoản bằng những trự xu đồng xinh xắn, mà lúc nhỏ chàng thường cùng bọn trẻ đánh củi, đánh đáo. Chùm hoa có nhiều màu tím hơn màu vàng, những vành tím viền chung quanh như những hạt cườm lóng lánh như có ánh lân tinh. Khi hoa kết trái thành những hạt đen nhánh, lớn hơn hạt tiêu, màu đen bóng như hạt muồn, ăn có vị ngọt thanh mà bọn trẻ rất thích. Những chùm hoa hiền từ đong dưa trong gió, trong ánh chiều tà có vẽ kỳ bí, có lẽ vậy nên gọi là “bông mà ma”.
Trong khoảng không gian và thời gian đó, nhìn gòng sông Hương nước xanh biên biếc, lững lờ trôi từ hướng Kim Long, nhẹ nhàng vườn dưới chân cầu Bạch Hỗ tạo thành những gợn nước chung quanh những trụ cầu, dòng nước tỏa ra nhẹ nhàng, êm ái đi ngang qua Tòa Đại Biểu, Quốc học, Đồng Khánh, cercle sportif, ngang qua Phú Văn Lâu, bến đò Thừa Phủ, bến Thương Bạc, và cuối cùng, với tất cả nét dễ thương quyến rũ, Hương Giang dịu dàng hòa nhập chảy qua cầu Trường Tiền óng ánh sáng bạc, nhìn xa như con rồng trắng nằm vắt ngang qua một giải lụa màu lục!
Nhìn dòng sông, bất giác lòng Hoàng như dịu đi bao thương nhớ, bao ray rức, bao xót xa cay đắng dường như theo dòng nước dịu hiền cuốn ra biển cả.
Là người Huế, chàng mê dòng sông như mê người tình. Sông Hương đã cho chàng biết bao kỷ niệm lúc còn thơ, đâu đây như còn văng vẳng lời của me, âu yếm dặn dò con:
-Con đừng bao giò ra sông tắm nghe con, mẹ sợ lắm đó!
Hoàng rất ngạc nhiên không biết vì sao mẹ lại sợ chàng tắm sông . Sau nầy hiểu ra mẹ không cho đi tắm sông vì bà biết chàng mạng hỏa, hỏa khắc Thủy nên không thể tắm sông. Lý luận của bà theo thuyết ngũ hành tương khắc và mẹ rất cương quyết, nên mỗi lần tắm sông, chàng lại phải trốn mẹ, theo những thằng bạn quỷ sứ vùng vẫy dưới làn nước mát đến lịm người. Có lần mấy thằng quỉ sứ kéo giỡn chơi làm chàng hụt chân và uống một bữa no bụng. Lần đó may mắn thay mẹ chàng không biết nên chàng mừng lắm.
Chàng lại nhớ, lúc chàng còn ở tiểu học thì chị chàng, Kim Trâm, lúc đó đã là một nữ sinh Đồng Khánh xinh đẹp. Có lần, chàng theo chị qua bên kia sông, hai chị em đi chuyến đò ngang Thừa Phủ. Trời còn hơi sương lành lạnh, trên sông còn văn vẳng tiếng lanh canh lụp cụp của những người đánh cá, dùng mái chèo gõ vào nhau, hoặc gõ vào mạng thuyền. Tiếng chèo gõ chạm vào nhau, phát ra chuỗi âm thanh trong sáng nghe vui tai, rộn rả. Những người đánh cá tập họp nhau thành từng toán cùng khuấy động vùng nước để dồn cá vào nơi mà họ đã giăng lưới.
Trên bến đò ngang đã vang tiếng ríu rít của từng đoàn học sinh Quốc học Đồng Khánh giành nhau qua đò. Trong không khí lành lạnh của buổi mai còn hơi sương, bến đò xôn xao hẳn lên, có những người buôn gánh bán bưng, có những công chức ở tỉnh đường Thừa Thiên và tòa Đại Biểu. Tuy nhiên, hầu hết là học sinh của hai trường QH và ĐK. Những anh Quốc Học áo chemise trắng tinh mà trên túi áo có thêu ba vạch màu xanh bên cạnh tên họ của mình, có vẽ người lớn và đã biết làm dáng, vì họ là những học sinh lớp cuối của năm Trung Học Đệ Nhị Cấp (lớp đệ nhất) và sắp trở thành ông tú đến nơi. Hoàng nhìn họ với vẻ ngưỡng mộ và ước mơ!
Các cô Đồng Khánh mặc đồng phục, quần trắng áo trắng, nên nhìn tổng thể chuyến đò ngang qua lớp sương mờ buổi sáng có vẽ lung linh, sáng trắng, liêu trai, huyền hoặc.
Chị Trâm nắm tay chàng thật chặt lần từng bước lên mạng đò tròng trành như muốn lật đến nơi.
-Thằng khỉ, coi chừng bổ tề. Chị Trâm nói.
-Em vịn chắc rồi, không răng mô.
Chợt tiếng chị Trâm vang lên:
-Bác Vạn ơi đưa tui chèo giùm cho.
-Mấy o ni chèo có được không, mà cứ dành chèo hoài.
-Dạ được bác ơi.
Chị Trâm và mấy chị bạn đứng gần mui đò vội vàng xếp vạt áo trước làm hai cho gọn và giành nhau mái chèo cười tíu tít. Cuối cùng chị cũng dành được mái chèo. Tiếng bác Vạn:
-Bà con lên đò hết chưa, ai nấy vịn cho chắc nghe, mấy cậu con nít ngồi xuống mạng đò hết đi, không thôi bổ thì chết đó. Tiếng chị Trâm lại vang lên:
-Chừ bát hay nạy đây bác Vạn?
-Nạy, khoan bát đã.
-Răng mà nặng rứa bát Vạn.
-Con khỉ ni tề, để tau giúp cho. Tiếng cô bạn của chị Trâm cùng với tiếng khúc khích của hai người. Hoàng nghe con đò rục rịch, tiếng lạo xạo của cát dưới đáy con đò đang bị cây sào của bác Vạn chống mạnh và con đò đang lừ lừ rời bến.
-Bát trái, bát trái, khéo đụng chiếc bên nớ tề! Tiếng la vội vã của bác Vạn.
Tiếng cười tinh nghịch của mấy chị Đồng Khánh lại vang trên dòng sông yên tĩnh:
-Con khỉ Trâm, mi không biết bát trái bát phải mà cũng dành chèo đò, thôi đễ tau chèo tiếp cho. Chiếc đò lại dược dịp rung lên theo tiếng cười của các chị.
Chợt một giọng ồ ề cất lên:
-Mấy o ni làm tui trễ giờ đầu rồi đây nì, đưa đây tôi chèo cho mau cho rồi.
Mấy chị nhìn anh chàng vừa nói, háy một cái đứt đuôi con mắt:
-Thôi đưa chèo cho anh Ngân ở Kim Long cho rồi bây ơi, anh ni trong nhà có xuồng, chèo một cây đó.
-Anh chàng Ngân thẹn thùng nắm lấy cây chèo, mặt đỏ lừ, rồi anh uyển chuyển đẩy đưa mái chèo và vận tốc con đò tăng dần trong tiếng kĩu kịt của tiếng mái chèo khua nước.
-Mai ni o Dung đi học trễ, o Dung chèo hay không thua anh ni mô, tiếng bác Vạn nói to.
-Con Dung mà chèo cặp với anh Ngân thì đẹp đôi lắm phải không bác Vạn?
Tiếng cả đò cười vang làm chàng Ngân e thẹn lỗi mấy nhịp chèo, con đò hơi khựng lại và rồi tiếp tục lướt êm dần đến bờ bên kia. Đến bến con đò giựt nhẹ làm cả bọn hầu như muốn té chồng lên nhau, lại tiếng cười tở mở, tiếng gọi nhau ơi ới.
Mấy chàng Quốc học lắc đầu:
-May nhờ thằng Ngân không thôi trễ giờ đầu rồi, mấy o ni thật quá quắt!
Mấy cô Đồng Khánh vẫn chưa tha anh chàng Ngân:
-Cám ơn anh Ngân, hẹn anh chuyến đò chiều nghe!
Chị Trâm và mấy cô bạn lại được dịp cười khúc khích và chợt chị nắm chắc tay Hoàng, cười hỏi:
-Em có sợ không?
-Em không sợ, đi đò như ri vui lắm, có đều chị chèo dở ẹc, chị chèo đò không đi chi hết, cứ xây ngang hoài!
Chị cú đầu Hoàng một cái nhẹ:
-Thằng khỉ, sáng nay chị nghỉ hai giờ dầu, chút nữa chị mua bánh bọc lọc nhà ông cai cho em ăn, thích không.
-Rứa răng sáng ni chị đi học sớm rứa?
-Thằng khỉ, em về đừng mét ba me nghe, chị đi sớm vì chị mượn bài làm của con Thảo, chị chép để nạp cho thầy trưa nay.
-Tối nay chị nhớ làm bài giúp em với nghe.
-Thằng khỉ, mi khi mô cũng nhác hết, cứ mượn tau làm bài hoài, không sợ thầy la à?
-Còn chị thì răng?
-Chị lại cú Hoàng một cái mạnh hơn, thằng khỉ ni cứ chọc tau hoài! Rồi hai chị em nhìn nhau cười.
*
Mới đó mà đã hơn 50 năm qua, 50 năm trôi nhanh như giấc mộng. Hoàng đi chuyến đò ngang cùng với chị Trâm vào năm 1953, mấy tháng sau, kinh đô Huế đã chịu một tai trời ách nước nhớ đời, trận lụt năm Thìn, Huế đã là một biển trời nước mênh mông. Tiếng trống, tiếng mõ, tiếng thùng thiếc theo nhịp ngũ liên vang lên liên hồi sau mấy ngày mưa lũ. Ngôi nhà Hoàng cũng khá cao ở trong thành nội mà nay nước đã vào lênh láng lên tận thắt lưng. Lúc đó lòng chàng sung sướng lắm, mặc sức mà lội nước, mà đùa giỡn với đúa em nhỏ. Lại có thằng bạn hàng xóm đóng bè chuối rũ ra vườn chèo, bè tròng trành, hai đứa té lên té xuống vui đùa chơi thoải mái, ước gì cứ lụt hoài như thế nầy thì vui biết mấy!! Tuy nhiên đêm khuya hôm đó, tiếng mưa rơi càng lúc càng lớn cùng tiếng gió hú cùng lúc nghe làng trên xóm dưới vang vang tiếng mõ ngũ liên (còn gọi là “mõ dãy”, đánh thúc cứ 3 tiếng một liên tiếp nhau, từng hồi bất tận, mỗi khi có giặc cướp, cháy nhà, trộm cắp v.v.. để loan báo cho nhau và cùng nhau tiếp cứu) tiếng mõ có âm thanh thúc giục, khẩn cấp, ma quái, nghe rợn người; tự nhiên Hoàng cảm thấy sợ và linh cảm vấn đề nghiêm trọng. Đêm hôm đó, mọi người đều thức canh con nước, trong tiếng ầm ầm như thác đổ, tự nhiên nghe xa xa có tiếng gì òa vỡ và đồng thời có tiếng rống to lên ầm ầm như trời sập và mặt nước xao động mạnh, dâng lên càng ngày càng nhanh đồng thời với tiếng người kêu cấp cứu trong đêm không ngớt!
Mọi người nhìn nhau sợ hãi và tảng sáng, cả nhà quyết định lên nhà bà con ở thượng thành tránh lụt. Lúc đó mới biết hồi hôm tiếng động mạn là do sức nước phá vỡ các cửa thành Thượng Tứ, cửa Ngăn, Chương Đức, Nhà Đồ (tất cả các của ở phía Nam Kinh Thành, gần bờ sông Hương). Kinh Đô Huế trở thành một biển nước mênh mông!
Hoàng được o Dương, người giúp việc, cõng đi băng qua các khu vườn lân cận, tìm lối đi lên thượng thành.
Nhìn về phía cửa Nhà Đồ, Hoàng rợn người vì chiếc cổng khổng lồ bằng gõ lim nặng hằng cả chục tấn đóng im ỉm hàng chục năm nay, bây giờ đả đổ lệch qua một bên, cổng thành dày hàng chục thước giờ đây thủng một lỗ toang hoác dưới sức công phá của dòng nước hung dư, cuồn cuộn chảy như thác tạo thành một vùng nước xoáy ghê hồn!
Trên Thượng Thành, năm đó, nhìn xuống dòng sông Hương yêu quí, Hoàng không còn nhận ra một chút gì nét dịu hiền quen thuộc. Còn đâu dòng nước xanh biên biếc, chảy lặn lờ từ tốn! Sông Hương bây giờ là một biển nước mênh mông, là dòng hải lưu dữ dội như dòng Amazon hung ác cuồn cuộn, cuốn phăng đi cả làng Bản Lãng, cả những buôn thượng hiền từ, cả trâu bò gà vịt, nhà cửa của cải và nhân mạng biết bao người!! Chàng thấy bồng bềnh trôi nổi giữa dòng thác là những mái nhà tranh có sừon bằng gỗ, mà trên đó có cả gia đình cố bám víu, rã rời, đang kêu cứu, quanh họ là những gia súc như trâu bò khi chìm khi nỗi giũa dòng nước bạ hung dữ! Tính mạng tất cả như chỉ màng treo chuông, có đó mất đó trong từng sát na một. Nhìn thảm cảnh mà lòng quặn đau, thấy chết mà không biết làm sao mà giải cứu. Mọi người quanh Hoàng đều chắc lưỡi xót xa, nước mắt đoanh tròng chỉ biết nguyện cầu cho họ tai qua nạn khỏi!
Trong khoản khắc đó, tự nhiên chàng thấy thù ghét sông Hương như thù ghét người yêu phản bội mình!! Căm thù sông Hương như căm thù người thân đổi tính, sông Hương như biến thành con sông nào khác, con ngưòi nào khác; không phải là con người yêu dấu dịu hiền năm xưa... Xa xa, trong cơn lũ cuồn cuộn, núi lở thành xiêu, cầu Trường Tiền chỉ còn là một nét mờ nhạt rất tội nghiệp, nhịp cầu mấp mé với dòng nước cuồng loạn, có cảm tưởng như sẽ bị cuốn phăng bất cứ lúc nào!!
Sông Hương bội phản, sông Hương đang trở thành hung hăng tàn bạo như một tên phù thủy đầy quyền lực, cùng hung cực ác!
Sau khi trận lụt đi qua, Hoàng nhớ là có rất nhiều người chết, làng Bản Lãng bị cuốn nguyên làng, thiệt hại nhân mạng không kể xiết. Nhà cửa, gia súc, gia cầm chết đầy sông đầy chợ, xác người cũng vương vãi khắp nơi!!! Kinh thành Huế là chốn kinh đô của một vương quốc hùng mạnh thuộc Nguyễn Triều cũng lâm cảnh tường xiêu ngói đỗ.
Chàng cũng đã theo chân đoàn người hiếu kỳ lên tận kỳ đài tầng thứ ba, dưới chân cột cờ to lớn nhìn xem con trút dài khoảng hơn một thước, ngang khoảng một gang tay, nằm cuộn tròn gần chân cột, mình đầy những vảy tròn như đồng xu màu nâu. Theo người dân kể thì con trút, thường mang điềm xui đến, ở tận rừng sâu, theo cơn lũ về tận kinh thành, cỗng thành vơ,õ con trút đã theo con nước, bò lên tận cột cờ. Hoàng nhìn chăm chú con trút kỳ lạ và chợt có ý nghĩ là triều đại nhà Nguyễn khí thế đã tận nên các cổng kinh thành đều bị vở, luồng nứoc phá nát Kinh Đô, hơn nửa, con trút mới bò lên đến cột cờ là chốn tượng trưng cho quyền lực. Khí thế của cả một triều đại đã bị tước đoạt, trút đi tất cả!
Quả nhiên vào năm 1955, ông Ngô Đình Diệm, với chức vụ Thủ tướng chính phủ do chính Quốc Trưởng Bão Đại bổ nhiệm đã làm một cuộc trưng cầu dân ý sắp đặt trước quá tinh ma “Xanh bỏ giỏ, Đỏ bỏ bì” (Phiếu màu xanh có hình Quốc Trưởng, liệng vào giỏ rác, phiếu màu đỏ có hình ông Diệm thì bỏ vào phong thư, vào thùng phiếu.), kết quả là triều đại nhà Nguyễn đã vĩnh viễn ra đi cùng với vị Hoàng Đế cuối cùng của triều Nguyễn!
... Bây giờ, thỉnh thoảng, hằng năm, Hương Giang, vào mùa bảo lụt, thói cũ không chừa, lại gây đại nạn cho dân chúng vùng Thừa Thiên Huế, hợp cùng với những cơn bão thổi qua, gây lụt lội, tàn phá người dân nghèo.
Lỗi tại ai? Tại dòng sông yêu quí đang trở thành hung giữ hay do lỗi phá rừng chặt cây bừa bãi làm mất đi cân bằng sinh thái môi sinh, mất lớp thấm của núi rừng!
Nguyên nhân sâu xa?
Do nhân dân quá đói khổ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc phải lên rừng đốn củi làm than, triệt hạ hết tài nguyên phong phú của đất nước?
Hay tại ông trời cũng chán kẻ gian manh, muốn trừng phạt chúng?
Cầu cho kẻ gian manh sớm bị diệt trừ để dòng sông Hương khỏi phải làm nhiệm vụ trừng phạt, mà vẫn mãi là dòng sông hiền hòa nên thơ, tưới nước cho ruộng đồng phì nhiêu, vẫn mãi là dòng sông xanh thơm thơ mộng của cố đô yêu dấu; vẫn mãi mãi là nguồn cảm hứng cho tao nhân mặc khách và vẫn mãi là dòng sông hiền hoà, thơm ngát, quyến rũ hơn cả giòng Danube!
Ước mơ dòng sông vẫn mãi là hậu thân của các cô gài nhân hậu, dịu hiền xinh đẹp, đằm thắm và nết na...
Lái xe qua chiếc cầu Tower Brigde, dưới bầu trời xám, làn mưa nghiêng bay, quất mạnh vào cái gạt nứoc, nhìn dòng nước đục ngầu, chảy mạnh của dòng sông American River, không một nét quyến rũ! Hoàng chợt nhớ tiếng mưa rơi êm đềm trên mái của cơn mưa xứ Huế; qua CD là tiếng hát mựot mà đấm ấm của Lê Dung, bài Trên Sông Hương của nhạc sĩ Nguyễn văn Thương với điệu luân vũ dìu dặt.. Đột nhiên Hoàng thấy nhớ dòng Hương Giang đằm thắm của quê nhà đến da diếc; chàng lẩm bẩm:
“Còn khuya, mới ghét em được”
..Trên sông Hương
Bến nước mơ chan chứa bao tình
Hằng Nga vừa lên
Nhìn qua khóm cây
Dưới ánh mơ
Khách du thiền lòng nghe đắm say
Hồn tràn nguồn thơTrứoc cảnh hưong bình..
Tôn Thất Sang.
(Để nhớ những mùa bão lụt ở Huế) |