Hồng Ân

 
     
 

           
Dương Quang Hớn

     Tôi nghe có tiếng ru em. Nam vừa nói vừa ngẩng đầu, hướng mặt về phía cửa sổ cuối phòng.
-Có từ nảy giờ. Tại Nam ngủ say quá, tôi phải mở cửa sổ cho chú nghe đó. Đại úy Lâm nói tiếp: chắc có bà đến thăm, ru cháu ngủ trưa.
Nam vẫn nằm dài lắng nghe.
-Trưa thanh tịnh như vậy mà nghe tiếng ru em thật là êm đềm.
-Nam nói đúng đó. Đại úy Lâm tiếp: chú biết không? người Nga rất tự hào về khả năng thi phú của họ. Họ tự cho là hầu như mổi người Nga đều có thể làm được thơ. Riêng tôi cho là người Việt mình rất tài hoa, do thấm nhuần câu hò giọng hát từ nhỏ, đã tâm nhiểm ca dao ru em từ tấm bé, nên tâm hồn thi nhạc rất cao. Có nhiều người thất học mà ăn nói vẫn có vần có điệu, đôi khi còn xuất khẩu thành thơ, ngay cả mấy em bé chăn trâu cũng biết thổi tiêu thổi sáo. Tôi có biết một giáo sư âm nhạc người pháp tên Bartholemy. Ông đến Việt Nam theo chương trình trao đổi văn hóa. Cũng vì yêu thích cái mầm yêu nhạc không có cơ hội phát triển của người mình mà ông ấy tình nguyện ở lại Việt Nam. Ông dạy ở trường Quốc Gia Âm Nhạc trong thành nội Huế. Ông ấy còn phiên âm thành tên việt nam là Trần Lê Mỹ. Sau biến cố tết Mậu Thân, ông ấy dời vào Saigon, chơi kèn cho ban hòa tấu Tiếng Tơ Đồng của nhạc sỉ Hoàng Trọng.
- Thật vậy sao? Rồi thế nào em cũng tìm gặp ông ấy cho biết. Nam hăm hở nói, quên hẳn mình đang mang trọng bệnh.
Thiếu úy thiết giáp kỵ binh Nguyễn Văn Nam, bị AK 47 bắn bể đầu gối trái trong lúc ngồi trên M 113 xung trận tại chiến trường Quảng Trị. Nam đang ôm chân thì bị tung văng khỏi xe vì áp lực nổ của chiến xa bị đạn B40. Khi tỉnh lại, Nam không còn thấy gì và mắt đau nhức vô cùng.
Nam được tải thương về Bệnh Viện Trung Ương Huế thay vì Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương. Tại đây, đầu gối trái được mổ xếp lại xương và bó bột. Tròng mắt phải bị vở nên BS đành phải giải phẩu múc mắt, mắt trái chỉ còn thấy lờ mờ nhưng rất nhức xốn và không chịu được ánh sáng nên phải bịt mắt lại suốt ngày đêm, chỉ mở ra khi nhỏ thuốc. Nam được đưa xuống nằm trong một phòng nhỏ sau khu mắt tai mủi họng. Phòng này vốn là một nhà kho chứa thuốc và dụng cụ y khoa. Phòng được dọn dẹp đủ để kê thêm hai giường. Và tại đây Nam đã gặp Đại úy Lâm.
Đại úy Lâm cũng được tải thương về đây từ chiến trrường Quảng Trị trước đó một tuần. Một viên đạn AK đã xuyên phá lá phổi mặt. Trong lúc tản thương, chiếc trực thăng bị trúng đạn khi vừa cất cánh, cần lái kẹt cứng, chiếc trực thăng dội ngược xuống đất, hất Đại úy Lâm văng khói sàng nằm, chiếc nón sắt cũng văng mất, ót đập vào một tản đá khiến Đại úy Lâm bất tỉnh, may nhờ các phi công kịp thời kéo đi trước khi trực thăng nổ nên mới sống còn. Đại úy Lâm rất yếu và thường khó thở nên được nằm cạnh cửa sổ. Ông ngồi nhiều hơn nằm và cứ cách vài ngày BS phải đâm kim rút nước màng phổi cho ông dễ thở.
Về phần Nam, sự tàn phế cơ thể khiến chàng trở nên bi phẩn. Nam thường la hét, chưởi rủa và nhiều lần có ý định quyên sinh; nhưng khi biết được  người cùng phòng là một Đại úy, Nam nằm tại giường trình diện thượng cấp, vì chân bó bột còn đang bị treo. Chàng cũng xin lổi về những lời khiếm nhả và từ đó trở nên hiền hòa hơn. Nam không còn chưởi bới nữa, nhưng vẫn còn la hét trong giấc ngủ mỗi đêm.
Dần dà hai người quen  nhau hơn, nói chuyện nhiều hơn, kể cho nhau nghe kinh nghiệm đời lính, chuyện gia đình, chuyện bạn bè…
Ở đây ngoài BS khám bệnh mỗi ngày, còn có bà Bạch Mai và anh Vinh là hai y tá thay phiên nhau săn sóc họ. Mỗi lần mở băng mắt nhỏ thuốc là một cực hình đối với Nam và chút ánh sáng cũng làm cho mắt Nam đau nhức vô cùng. Biết vậy Đại úy Lâm liền kể cho Nam nghe một câu chuyện về một đám tù binh bị giam trong một hầm kín, trần nhà tù chỉ có một kẻ nứt nhỏ. Vì ở với nhau lâu ngày trong bóng tối lạnh lẻo, chật chội và ngột ngạt. Họ như không còn sinh khí và trở nên lầm lì. Thế nhưng khi mặt trời đi ngang qua, rọi vòa một tia sáng xuyên qua kẻ nứt, mọi người như bừng tỉnh vì đó là niềm vui độc nhất mà họ có được. Họ biết được khoảng thời gian của ngày và trân quý chia đều nhau hưởng niềm vui ngắn ngửi đó. Có người săm soi tia sáng chạy dọc trên cánh tay, có người bụm tia sáng trong lòng hai bàn tay, có người ngẩn đầu nhắm mắt, mĩm cười để tia sáng di động trên mặt. Mọi người muốn tận hưởng chút ấm cúng nhỏ nhoi đó. Và họ rất buồn trong những ngày mây mù hay những ngày mưa tuyết.
Sau khi được phóng thích, họ phát biểu rằng: người đời xài ánh sáng mặt trời quá phung phí.
Nghe câu chuyện này Nam chẳng thấy thích thú gì, vì ánh sáng chỉ tổ làm cho mắt Nam đau đớn. Nghỉ tới phận mình còn trẻ mà phải chịu cảnh mù lòa, ruột Nam như đứt đoạn.
-Thiếu úy có bao giờ thấy thiên thần chưa?
Ngạc nhiên về câu hỏi, nhưng Nam vẫn cố gắng trả lời:
-Dạ có chớ Đại úy, em có thấy thiên thần trong sách truyện, trong mộng , trong nhà thờ và…trong nghĩa địa. Hiện em cũng muốn gặp các thiên thần lắm đấy.
Như không để ý đến câu trả lời chua xót của Nam, ông tiếp tục nói:
- Hồi còn ở Thủ Đức, tôi thường đến thăm một trường mù gần Lái Thiêu vì có cô em họ làm bà sơ coi sóc ở đó.
- A, Đại úy muốn nói đến các con chó dẫn dắt người mù đó à! Nam ngắt lời. Người ta gọi đó là các thiên thần của các người mù. loại chó đó khôn lắm, đi ngoài đường em chẳng thấy chúng ăn bậy và cũng chẳng nghe chúng sủa.
- Nam nói đúng đó, Đại uý Lâm tiếp. Chúng được huấn luyện đặc biệt, chỉ ăn với chủ mỗi ngày một lần và chỉ sủa khi chủ bị nạn…Nhưng tôi muốn nói đến các em bị mù bẩm sinh. Các trẻ em này vì mất khả năng thấy nên các giác quan khác trở nên bén nhạy, chỉ nghe tiếng bước chân các em biết là ai…khi biết tôi đến, các em thường vòi kẹo và nắm tay kéo tôi vào phòng đòi nghe kể chuyện. Nam biết không? Phần lớn các hành động, các cử chỉ như nhăn mặt, nhíu mày là do bắt chước mà ra. Các em bị mù bẩm sinh này, vì chưa hề thấy một nết hằn trên gương mặt buồn nản, cau có, giận dử hay thù hận…Nên khi nhìn những khuôn mặt ngây thơ, rạng rở đang náo nức chờ nghe kể chuyện, tôi thấy đó là những thiên thần.
Nam rất cảm mến Đại úy Lâm dù mới quen. Nhưng bất cứ chuyện gì gợi đến hiện trạng của Nam cũng đều làm cho Nam bực bội trong lòng. Vì còn trẻ và độc thân, Nam thích được nghe những chuyện Đại úy Lâm kể về con đường ái ân.
Vì phổi có nước, Đại úy Lâm ngồi nhiều hơn nằm. Hằng ngày ông ngồi tựa đầu giường, nhìn qua cửa sổ và kể cho Nam nghe các sinh hoạt trên con đường trước mặt; khi thì một đám nữ sinh vừa đi vừa cười đùa rượt nhau, khi thì một nàng thiếu nử áo tím hoa sim đi cạnh chàng trai. Ông còn thông báo cho Nam biết lúc nào o gánh bún bò hoặc bà bán chè đi qua.
- Có thời tôi ở gần đây nên biết rỏ khu nầy, đại úy Lâm nói. Con đường này ngắn thôi, nhưng vắng và rất nên thơ. Nó bắt đầu từ trường Nử Hộ Sinh, băng qua đường Nguyễn Huệ rồi đâm thẳng xuống bờ song An Cựu. Hai bên đường trồng toàn cây sầu đông. Lá cây sầu đông nhỏ và rậm nên khi trời có gió, đi bên đường ta nghe được tiếng lá thì thầm. Các cặp tình nhân thường hẹn hò hoặc đưa nhau đến đây đi dạo. Vì vậy không còn mấy ai nhớ tên thực của con đường này, mà gọi đó là con đường ân ái. Tôi cũng biết o bán bún bò. Mỗi sáng sớm o bắt đầu từ chợ An Cựu, bún bò o ngon vì sau chợ An Cựu có lò heo tươi. O bán dọc theo đường Nguyễn Huệ và thường o bán hết bún bò ở trạm chót là trường Nử Hộ Sinh. Nam phải nhìn o sữa soạn tô bún bò mới thấy được tài nghệ tuyệt với của o. Với chiếc vá dài bằng gổ trong tay, o chỉ khuấy nhẹ một vòng là tất cả miếng thịt trong nồi: bò, heo, giò, móng gì cũng lần lượt thứ tự theo nhau nổi lên trình diện o. O như thuộc lòng chúng và chỉ lắc nhẹ bàn tay, o vớt gọn miếng thịt o muốn. Trong số khách ăn quen, có một cậu sinh viên ở trọ, lúc nào cũng được o chọn cho một búp gìo non ngon nhất, cảm tình đặc biệt này thét rồi ai cũng biết. O người ít nói, chỉ mĩm cười hiền hòa mỗi khi bị trêu chọc rằng: “o đã chọn mặt gởi giò”.
Nam chép miệng, hít hà như đang ăn một tô bún bò cay:
-À, còn bà bán chè, sao mấy ngày nay em không nghe Đại úy nhắc đến.
-Ờ, tôi không thấy bà mấy ngày nay, không biết bà có đau ốm gì không? Tội nghiệp, bà ấy già rồi nhưng tánh tình vui vẻ, bà bán đủ thứ chè: chè đậu xanh, chè kê, chè đậu ván, chè sen, chè bắp… Thật ra muốn ăn chè bắp ngon phải qua Cồn; Cồn là nơi trồng bắp ngọt và dẻo. Nam à, tôi biết hai chuyện tình trái ngược có liên quan đến chè, không biết Nam có muốn nghe không?
-Đại úy kể cho em nghe đi, Nam háo hức thúc.
Đại úy Lâm cố đè cơn ho, trầm ngâm một lúc như lấy lại sức và như để sắp xếp câu chuyện. Ông nói: con gái Huế kín đáo và thâm trầm, phải trần ai gian khổ mới lọt được vào mắt xanh; diễm phúc lắm mới được nàng ân cần. Có một anh chàng nọ được nàng mời về nhà đãi chè đậu ngự. Nam cứ nhắm mắt hình dung: chính nàng ra vườn lựa từng trái đậu, cũng chính bàn tay nàng cẩn thận bóc vỏ, nâng niu từng hạt đậu cho khỏi bị dập bị trầy, rồi phải canh lửa, canh đường. đậu nấu chín đúng độ, khi ăn không phải nhai, chỉ lấy lưởi rà ép nhẹ đậu vào vòm miệng là cảm được sự rả rời của phiến đậu, kèm theo một mùi hương vương giả. Ở xứ Huế này, khi ăn miếng ngon, người ta có câu “ ngậm mà nghe”.
-“Chè ngự nấu như ri là nhất” anh chàng vừa ăn vừa tán dương lấy điểm. “vừa ngọt thanh vừa mềm, nước trong, không bọt không bợn; hạt đậu còn nguyên nằm ấp ủ lên nhau, nấu răng mà đậu vẫn còn giữ được màu xanh non, đẹp như màu xanh cánh con ngựa trời”. Anh chàng vừa khen vừa đắm đuối nhìn nàng. Nàng nghe xong lặng lẽ quay mình đi xuống bếp và từ đó tránh hẳn không cho gặp. Anh chàng đau khổ này chẳng biết mô tê vì răng cho đến khi có thằng bạn chuởi tưới vào mặt, anh chàng mới vỡ lẻ ra. “Mi có ngu cũng vừa thôi, mi có biết ở cái xứ ni nhà có con gái người ta tránh treo tranh ngựa. Mi là cái thớ chi, đã được cho ăn còn đem ví người ta với con ngựa trời. Con ngựa trời cái là chúa độc ác, nó ăn tươi nuốt sống con đực ngay sau cuộc làm tình. Nàng bỏ rơi mi là đáng đời mi lắm…Mi ví von bậy bạ”.
Nam cười ngất, tội cho anh chàng thích văn vẻ này, chỉ vì lở lời mà mất người đẹp.
-Vậy còn mối tình chè thứ hai thì sao? Nam cười hỏi tới.
-À, mối tình này thì xẩy ra ở tận Châu Đốc lận.
Nam reo lên: em biết rỏ Châu Đốc lắm, vì Tân Châu là quê em, xứ em cũng nổi tiếng về chè, bún, nhất là hàng lãnh Mỹ Á.
-Tôi thích nhất là chè trôi nước, đại úy Lâm nói. Nước chè màu vàng óng trông hấp dẫn, thường thì mỗi chén chè chỉ múc hai viên, trông chúng tròn trĩnh, tình tứ nằm bên nhau mà thương. Ăn chè trôi nước phải thấm miệng trước bằng nước chè, để nếm cái ngọt hơi gắt pha chút nồng của gừng, rồi mới ăn viên chè. Miếng cắn phải hào phóng, phải ngập răng và phải có cảm giác đầy miệng để hưởng cái thơm lừng của đậu xanh thoảng tì mùi hành xông lên ngợp mũi, người miền Nam nói “thơm điếc mũi” là vậy.
-Tại chợ Châu Đốc có hai chị em, cha chết trận, mẹ bệnh kinh niên, phải bán chè nuôi mẹ và hai em trai đi học; cả chợ ai cũng thương. Đồng thời có anh chàng vì có bà con dây mơ rể má gì đó với dẫy nhà lớn dòng họ Huỳnh, là dòng họ khai lập thành phố Châu Đốc, anh chàng chuyên thâu thuế chợ, nên cũng thường hống hách khó dễ với bạn hàng. Tuy còn trẻ nhưng gặp ai cũng xưng Qua. Anh Chàng phải lòng cô chị bán chè nên ngày nào cũng ghé qua buông lời ong bướm, đôi khi rất khả ố. Một hôm anh chàng dẫn thêm một người bạn đến ăn. Vừa ngồi xuống là anh chàng nhìn chòng chọc vào cô bán hàng vừa hắng giọng: “em hai á, em hai cho Qua một chén chè trôi nước, em hai lựa cho Qua một cặp (anh chàng chậm rải lên xuống giọng)mà em hai đã bỏ công nắn, em hai đã bỏ công vò, nựng, bóp cho nó bự nhé em hai”. Nói xong anh chàng khoái chí, xoay qua anh bạn ngồi bên cười hềnh hệch. Cô hàng mặt đỏ gấc, có lẽ vừa mắc cỡ vừa không còn chịu đựng được lối chọc ghẹo sàm sở này. Cô múc một viên chè bỏ vào lòng bàn tay, rồi trợn mắt nhìn thẳng anh chàng gằng từng tiếng một; “phải, phải lắm, còn viên nào không vừa ý thì tôi bóp cho nó nát như vậy nè.”Vừa nói nàng vừa bóp mạnh viên chè, bột và đậu trào qua khe hở giữa các ngón tay.
Đến đây Đại úy Lâm ngừng kể. Nam nóng lòng dục: rồi sao nữa Đại úy? Sao ngừng ngang xương vậy rồi chuyện đó ra sao?
-Thì anh chàng ngồi chết điếng chớ còn sao nửa, Đại úy Lâm kể tiếp. Nhưng rồi anh chàng nổi lên một tràng cười ha hả, vừa lắc lắc cái đầu vừa nói: “đã quá, đã quá, Qua chịu em hai lắm đó nhé, em hai coi oai phong lẫm liệt thật là nữ tướng thứ thiệt. Thôi nếu Qua có lời nào không phải em hai bớt giận bỏ qua cho. Qua xin lổi, em hai để Qua đền viên chè bể này đi”. Anh chàng vừa để tiền lên sạp vừa nói với anh bạn: “bửa nay xui tận mạng, cô hàng không được vui, tụi mình chuồn lẹ đi kiếm cái gì khác ăn tạm”.
Đại úy Lâm chậm rải kể tiếp: “sau vụ đó, anh chàng vẫn đến ăn chè đều đều. Nhưng ăn xong trả tiền nói cám ơn rồi đi, không còn tán hưu tán vượn gì hết. Vậy mà sau này họ thành vợ chồng mới lạ chớ. Ngày hai anh chị cưới nhau, ngoài bà con cô bác, bạn bè hai họ, còn có cả chợ rủ nhau đi dự tiệc”.
Nam cũng mừng theo câu chuyện có hậu này. Mỗi lần nhớ lại Nam vẫn còn cười rúc rích một mình.
Sáng nay BS đến khám bệnh có dẫn theo một sĩ quan người Mỹ cao lớn. Họ vừa khám vừa bàn chuyện với nhau. Sau đó bà y tá Mai xuống bảo Nam sẵn sàng để di chuyển. Đến trưa, Nam cùng hai người bệnh khác theo ông sĩ quan người Mỹ đáp trực thăng ra hạm đội Thứ Bảy đậu ngoài khơi Thái Bình Dương. Tại đây đầu gối bó bột được chụp hình, khui ra, bắt thêm vít. Con mắt trái bị phỏng, đục và chứa đầy các mảnh vụn li ti. Một cuộc phẩu thuật thay giác mạc thành công, giúp Nam lấy lại gần 90 % thị giác. Ngày mở băng là ngày sung sướng nhất đời Nam. Nam như muốn hét lên; tất cả đều huy hoàng rực rỡ. Nam ngắm ngía, săm coi mọi thứ. Nam thấy cái gì cũng đẹp, ngay cả cuốn giấy vệ sinh.
Sau đó, con mắt mặt cũng được mổ đặt thêm con mắt giả, trông như mắt thật. Nam bình phục rất lẹ, chỉ sau một tháng Nam chống gậy đi tới đi lui. Nam được trả về đất liền sớm hơn dự định. Ngày đi trình diện các BS ở bệnh viện Trung Ương Huế, Nam ghé chợ từ sáng sớm mua một chén chè trôi nước hai viên, rồi thuê xe đến nhà thương. Chàng chống nạn đi thẳng vào căn phòng nhỏ sau khu Tai Mắt Mủi Họng. Tại đây chàng thấy hai chiếc giường vẫn còn đó, nhưng chẳng có ai nằm. Nam còn đang đứng loay hoay thì bà y tá Mai mở cữa đi vào.
-Tôi nghe y tá trực nói có Thiếu úy hỏi thăm nên tui đi tìm. Bà vừa nói vừa tiến gần đến Nam. “ui chu choa, răng mà mạnh khoẻ đẹp đẻ rứa hè! rồi bà nhìn Nam từ đầu đến chân “trông Thiếu úy khác hỉ”.
Nam cũng vui vẻ nói: “dạ cám ơn bà Mai. Mắt tôi bây giờ thấy rỏ lắm, còn cái chân trái, tuy ngắn hơn cái chân mặt một chút, nhưng BS nói chỉ cần một vài tháng nữa là tôi có thể bỏ nạn tự đi một mình. Hôm nay tôi đi trình diện BS chỉnh hình và BS mắt nên ghé thăm Bà, anh Vinh và Đại úy Lâm. Ủa, mà đại úy Lâm đâu rồi? ông ấy đã bình phục và xuất viện rồi hả?”.
-Mô có, ông ấy chết rồi.
Nam thối lui, đưa tay vịn thành giường. Không ngăn được xúc động, Nam hỏi dồn:
-Bà nói sao? Đại úy Lâm chết rồi à. Ông ấy chết hồi nào, tại sao? Ông ấy chết có đau đớn gì không?
Bà Mai ôn tồn trả lời:
-Sau khi Thiếu úy đi khoảng một hai tuần, ông ấy lên cơn sốt nặng và qua đời trong đêm, sáng ra mới biết, mền đắp vẫn còn ngay ngắn.
Nam cảm thấy khó thở, cuống họng như bị nghẻn. Chàng đưa tay đẩy tung cánh cửa sổ, hít vội không khí ban mai. Nam mím môi lặng lẽ nhìn ra ngoài trời. Bổng Nam la hoảng:
-Ủa! cái gì gì nè. Nam quay lại hỏi bà Mai. Cái ao này ở đâu mà ra. Còn cái nhà lớn kia có phải là trường Nữ Hộ Sinh không?
- Có phải mô, bà Mai nói. Đây là cái ruộng nước nhà thương dùng để trồng rau muống, còn đó là mặt hông của trường YK Huế.
-Vậy còn con đường Ân Ái ở đâu? Tôi đâu có thấy con đường nào đâu nà, Nam ấp úng hỏi.
-Thiếu úy cũng biết con đường Ân Ái nữa à!? Nó ở phía bên ni, bà Mai vui vẽ nói vừa hất đầu về phía sau. Nhìn hướng ni mô mà thấy được.
-Nhưng mà mỗi ngày, Đại úy Lâm nhìn ra đây, kể cho tôi nghe không biết bao nhiêu chuyện trên con đường Ân ái đó.
-Ông nớ có thấy chi mô mà kể, bà Mai bùi ngùi nói. Ổng rớt trực thăng bị chấn thương nảo, ổng gần như đui hẳn, chỉ thấy lờ mờ cách vài thước…Rồi bà nhìn Nam ái ngại, hồi nớ Thiếu úy bị thương cũng nặng lắm, tình trạng thật thảm hại; chính Thiếu úy cũng không còn muốn sống. Biết vậy có lẽ ông ấy…rồi bà trầm ngâm, chắc Đại úy Lâm muốn an ủi và nâng đở tinh thần Thiếu úy …Nói xong bà giục, thôi Thiếu úy mau lên trình diện phòng xương rồi còn trở về đây gặp BS nữa. Gặp lại Thiếu úy như ri, chắc ông ấy mừng lắm.
-Bà Mai cho phép tôi ở đây thêm một chút nữa được không?
-Thiếu úy cứ tự nhiên, bà Mai mau mắn trả lời. Tôi còn phải lo sắp xếp hồ sơ trước khi BS đến khám bệnh.
Đợi bà Mai đi khuất, Nam dựa chiếc nạng vào tường, hai tay bưng đặt chén chè ngay giữa mặt bàn và để cái muổng nhựa nằm ngay ngắn bên cạnh. Nam xoay mình về phía đầu giường ngập tràn ánh sáng ban mai. Nam chụm chân đứng thẳng, lòng bồi hồi cảm khái nhớ lời dạy Đại úy Lâm nói:
-Người đời không biết trân quý, xài quá phung phí ánh sáng trời ban.

                                                                 Đầu đông cuối 2005.

 

 

 
 
mission | staff | researches | announcements | events
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved