Là dân Huế không ai trong chúng ta không từng nghe qua hay tận mắt nhìn thấy cảnh "Lên Đồng" hoặc chứng kiến đoàn diễn hành của Thiên Tiên Thánh Giáo.

Mục 99 Độ xin giới thiệu "Lên Đồng" mang tính cách huyền bí vì khó giải thích bằng khoa học hiện hữu nhưng cũng có thấy trong sách báo phương Tây với các phù thủy, hay trong điện ảnh như phim truyện Ghost. Mê tín dị đoan? Thần Giáo? Ma Xó? Cô Đồng mà không phải Ông Đồng? Vai trò xã hội của Lên Đồng?

Xin mời quý vị thưởng thức đề tài mới lạ này mà tác giả lại là một cựu nữ học sinh trường J'Anne D'Arc, Huế. BBT chân thành cám ơn chị Phương Lâm và ước mong tiếp tục đón nhận những bài khác của Chị.

BBT/YKHHN

Kể Chuyện Lên Đồng

Một buổi trưa tháng 5 năm 1983, chị chồng tôi ở huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị vào nói với chúng tôi:

-  Chị nghe người ta nói ở dưới Nong có bà thầy hay lắm, bà chỉ cho nhiều gia đình tìm được  xác thân nhân mất tích trong chiến tranh, cậu làm ơn đưa chị về dưới đó để nhờ coi thử tin tức của ba mấy đứa.


Triệu Phong (Quảng Trị)

Chồng của chị tên Đặng văn Vui cấp bậc Thiếu úy Địa Phương Quân, đơn vị của anh “canh gác” cho Tiểu khu tỉnh Quảng Trị; nhà anh cách thị xã Quảng trị mười bảy cây số về hướng Cửa Việt thuộc xã Triệu Thuận huyện Triệu Phong. Anh thường chạy lên chạy về sau mỗi buổi chiều tan sở. Năm 1967 tự nhiên anh không về nhà mà cũng không có trong đơn vị, ai cũng nghĩ anh ấy đã bị việt cộng rình bắt rồi; gia đình tìm kiếm, dọ hỏi khắp các thôn xóm trong huyện nhưng không có kết quả, hễ nghe nơi nào có thầy bói có lên đồng chị và các cháu đều đến hỏi thăm, tất cả đều vu vơ không rõ ràng. Mấy chục năm qua chị không từ bỏ ý định tìm tin tức anh ấy, hễ chị nghe tin có bà thầy hay, dù xa mấy chục cây số từ Quảng Trị chị cũng vội vã đi tìm để mong có chút tin cho gia đình an tâm.

Riêng tôi mấy lâu nay nghe bà con nói nhiều về chuyện lên đồng nhưng không hình dung ra sao, đây là dịp may tôi xin đi theo cho rõ sự tình.
Ông dôn ra lệnh sáng mai đi sớm để lên sớm. Năm giờ rưỡi sáng chúng tôi khởi hành tại Phủ Cam, chiếc xe Honda già nua ọp ẹp xịt khói đen gắng gượng cõng ba người trên lưng từ Huế chạy về hướng Đà Nẵng khoảng ba chục cây số thì tới cầu Nong, đứng lại bên ni cầu hỏi thăm bà con, họ đưa tay chỉ theo mé sông bên ni chạy cỡ cây số hỏi cô Lài ai cũng biết.



Cầu Nong

Chúng tôi đi bộ dắt xe vào con đường đất nhỏ hai bên tre và dứa gai, đứng lại trước một thửa ruộng lô nhô gốc rạ và đây cũng là cái chợ tự phát, bán đủ thứ, nhang đèn, giấy vàng mã, trái cây, cà phê, trà ấm, phở, bún, cháo, cơm, xôi, sắn khoai, không thiếu một thứ gì. Chúng tôi hỏi bà con am chỗ nào thì họ chỉ cái trại tranh nhỏ trong góc trái của thửa ruộng, hai phía là hai bờ tre già có cây ngả nằm gác ngọn lên trại, họ nói muốn coi thì vô đó lấy số.

Trại nhỏ làm trên nền đất rất cao để chống lụt có lẽ là kho chứa vật dụng làm nông; chúng tôi trèo lên nền đất cao không bậc cấp để vào trại nơi làm am lên đồng. Giờ nầy mà khách đứng chen chúc nhau, nhìn giữa trại hai tấm ván kẹp lại làm bàn, bốn khúc tre chôn xuống nền làm chân, trên bàn một long to có nhiều gốc nhang, hai bên hai cái chõng tre bề ngang khoảng tám tấc hai một mét, người ngồi chật khừ, không thấy bàn thờ, một bà chị hỏi chúng tôi có coi không thì lấy số, chúng tôi gật đầu, bà đưa cho chúng tôi số 21. Nhìn con số mà ngao ngán với cảnh tượng nầy.
Tôi hỏi nhỏ ông dôn:
 -   Nghe nói các am miếu lên đồng có đàn ca múa nhảy, chút chừng ni họ lên đồng chỗ mô?
Có lẽ ông cũng thất vọng nên trả lời cộc lốc:
 -   Ai biết. Thôi chen ra ngoài để thở cái đã rồi tính sau.Tôi nghĩ trong đầu cơ ngơi như thế nầy mà sao đồn tới ngoài Quảng Trị coi hay lắm không biết chị ấy có nghe nhầm hay không. Ông dôn tui thở dài thườn thượt, tôi nói với ổng:
Tội nghiệp chị từ Quảng Trị lặn lội vô thấy cảnh ni chắc chị đang nản lòng.
Cũng chẳng hi vọng chi hay với cảnh nầy, chúng tôi ngồi vào bàn bán nước trà gọi một ấm nhâm nhi chờ thời, tôi nói giả lả với ông dôn:
-   Bán nước trà kiểu ni từ ngoài bắc di cư vô chớ xứ mình chưa hề thấy.
Cạnh bên chúng tôi một người đàn ông mặt mày sáng sủa, áo quần sạch sẽ ngồi một mình đang hút thuốc uống nước trà, ông ta quay qua góp ý:
-  Chị nói đúng, trong mình trà rót mời chứ đời thuở mô đem bán.

Chúng tôi bắt chuyện hỏi thăm nhau, số thứ thự của ông 18 nhà ở Tây Lộc. Ông về cùng vợ và cô con gái 21 tuổi đang ngồi giữ chỗ trong trại, ông tâm sự:
- Con gái tui học giỏi từ nhỏ tới lớn đi học về là quán xuyến việc nhà, mau mắn, vui vẻ, miệng bằng tay, tay bằng miệng; vợ tui suốt ngày ngồi ngoài chợ Tây Lộc. Tự nhiên hai năm ni cháu đổi tính, ít nói, hình như muốn xa lánh mọi người, rảnh việc là đi nằm, ngày càng xanh xao bạc nhược, nhiều khi tình cờ nghe cháu nói lảm nhảm. Tôi đã đưa cháu đi khám khắp nơi vào tận Sài Gòn vẫn không nơi nào tìm ra bệnh chi hết, tình hình cháu mỗi ngày có vẻ một nặng thêm. Mấy chị bạn của vợ tôi buôn bán ngoài chợ khuyên vợ tôi đưa cháu về đây coi thử, nhiều khi mắc bệnh đàng dưới, bà xã tôi năm lần bảy lượt hối thúc tôi đưa cháu về đây nhưng tôi phớt lờ không muốn đi, ông bà mình nói  “đói ăn rau đau uống thuốc,”  ba chuyện nhảm nhí nầy mà mấy bà cũng tin, rứa mà ngày mô chưa đi là ngày đó ăn không yên ngủ không ngon, rùm beng đủ thứ chuyện nhức đầu nhức óc nên thôi nhắm mắt đi đại cho xong chuyện.
 Qua lời tâm sự chúng ta thấy ông thi hành lệnh của bà vợ chứ ông chẳng hứng thú chi mà về đây.

Gần tám giờ sáng mọi người vui mừng xôn xao “cô tới… cô tới”, tôi hỏi chú bán nước trà:
-  Cô mô mà họ nói cô tới?
Theo hướng chỉ tay tôi càng thất vọng hơn, người đàn ông cõng sau lưng người phụ nữ không thấy chân, vạt áo dài màu đỏ lúp lên đầu không thấy mặt cõng vào trại tranh đó, chú bán nước trà nói:
-   Cô coi hay lắm đó.


Bà thầy lên đồng

Càng về trưa người tới càng đông, chúng tôi vẫn ngồi uống nước trà, hơn chín giờ chị vợ ông bạn ra báo tin đang coi cho số 16, chúng tôi chen vô để coi các thủ tục phải làm trước khi đến phiên chị chồng.
Số 17 bắt đầu, không có thủ tục cúng kiếng chi hết, có đặt tiền bao nhiêu cũng được mà có cũng được không cũng không sao, cô Lài ngồi trên chõng tre bên trái cái bàn, bát nhang đang bốc khói mù mịt hai chân bị tật áo dài phủ kín, không đoán được độ tuổi vì mặt trang điểm phấn son quá dài như mấy nghệ nhân diễn tuồng hát bội.
Gia đình số 17 hỏi về tình hình mất tích của anh quân nhân, cô Lài chỉ tỉ mỉ đường đi đến đồi Cồn Tiên điểm đặc biệt nơi xác anh ấy đang nằm, đi tìm có kết quả thì về báo lại cho cô biết.

Đến số 18 số của con người bạn nước trà phường Tây Lộc, vợ và cô con gái của ông ấy đứng lên gần bàn chỗ khi nãy gia đình số 17 đứng, cô Lài hỏi.
-  Nữ cần chi mà tới đây?
Mẹ cô gái trả lời:
-  Thưa cô! Không biết răng cháu đây (bà chỉ vào cô con gái) đau không đau, lành không lành, suốt ngày lờ đờ mệt mỏi, trước đây vợ chồng em nhờ cháu quán xuyến việc nhà, hai năm ni tự nhiên cháu trở nên như vậy. Gia đình em đã chạy khắp nơi nhưng không biết bệnh chi, xin cô coi giúp cho cháu.
Cô Lài lấy miếng trầu cho vào miệng cười hỏi cô gái.
-  Nữ mỗi lần vào buồng đóng cửa lại nằm nhắm mắt một chút thì có người đàn ông đến nằm bên nữ phải không?
-  Dạ phải.
-  Rồi làm chuyện vợ chồng phải không?
-  Dạ phải.
-  Gần đây thỉnh thoảng nữ thấy nữ chơi với đứa bé gái hơn một năm tuổi phải không?
-  Dạ phải.
-  Đó là con của nữ với người đàn ông đó, mệt mỏi ốm xanh không chừng chuẩn bị mang bầu đứa thứ hai đó nghe chưa?
Cô gái bật khóc, người trong trại nhốn nháo đứng dậy nhìn tôi sửng sốt vì câu nói đó, bà mẹ run bần bật, mặt người ông bạn nước trà đổi sắc, bà mẹ vừa khóc vừa hỏi:
-  Thưa cô mần răng cứu con em xin cô giúp.
Cô Lài chỉ:
-  Về nhà thiết bàn thờ ra ngoài sân khấn, “nếu ở dương gian chúng tôi kiện ông về tội cưỡng dâm con gái tôi đến mang bầu có con, còn ông đã chết ông hãy ngưng ngay việc ông đang làm hại con gái tôi, chúng tôi sẽ nhờ chư vị cao cấp giải quyết.” Khấn liền ba đêm, nữ “chỉ vào cô con gái ”coi tình hình người đàn ông đó còn vô nằm với nữ không, sau ba đêm khấn về lại đây cho cô biết cô sẽ nhờ người giúp, đừng lo việc đó dễ giải quyết, hắn đang đứng ngoài đường chờ nữ, hắn cũng biết cô sẽ quyết liệt trị hắn, được rồi về đi.

Tiếp theo số 19, người đàn ông bận áo trắng vải thô cụt tay chừng ngoài 50 ốm cao nước da đen mét tóc cắt ca rê, nhìn qua biết ngay là anh chàng vẹm, đứng lên vòng tay tiến về vị trí của chỗ thứ 18 vừa qua. Cô Lài hỏi:
-  Quan to mà cũng tới đây à, đang làm việc chi ở mô cần cô giúp chuyện chi cứ nói.
-  Dạ thưa cô tôi là bộ đội quân hàm Đại tá đơn vị đang đóng trong trại Tiểu đoàn Truyền tin của Quân đội miền Nam ngoài Phù Lương; tôi đến đây hỏi thăm việc nhà. Thưa cô gia đình tôi mấy chục năm qua rất đầm ấm, hòa thuận, nhưng mấy năm nay trong nhà chưa lúc nào yên, lúc nào cũng sóng gió, hết con tới vợ không chuyện nầy cũng chuyện khác, đến nỗi già như thế nầy mà bà vợ đòi cõng nhau ra tòa ly dị toàn là những chuyện vớ vẩn tôi chịu hết nỗi, nghe anh em nói chuyện về cô tôi vội vàng về đây có gì sai sót xin cô chỉ cho.
Cô Lài nói:
-  Nam có biết vì răng mà gia đình nam ra như rứa không? Cô cho nam hay gây nhau mà chưa giết nhau là phước nhà nam đang còn. May nam kịp về đây chứ trễ thì chắc chắn có án mạng người chết người đi tù, nhà nam đang ở trước là nhà bỏ trống, chủ nhà nhờ người bán mấy năm rồi nhưng chưa ai mua, nam vô thấy nhà đẹp hỏi thăm biết được nhà của ông quan ngày trước nên nam đến chiếm đưa gia đình vô ở có phải không?
-  Dạ phải! Tôi chiếm ở một thời gian gia đình lục đục mãi tôi nghĩ vì mình chiếm nhà người ta nên gia đạo bất yên, tôi hỏi thăm tìm đến thân nhân của chủ nhà cũ thương lượng trả tiền cho họ rồi coi như nhà đó tôi đã mua lại, cứ ngỡ là bình yên nào dè ngày càng rối rắm hơn.
-   Cô biết điều đó, nam nghe đây, nhà nam ngoài cửa ngõ đi vô phía bên tay trái có một cây khá to rồi tới cái giếng rồi tiếp theo cũng một cây đang ra trái, hàng rào bên sân phải cũng có bốn cây to sai trái phải rứa không?
-  Dạ phải.
-   Nam về đặt bàn thờ giữa sân khấn, “Tôi tới ở sau nên không biết các vị nằm trong phần đất nầy xin các vị bỏ qua cho, ngài mai tôi xin được di dời các vị đi nơi khác chôn cất đàng hoàng hơn,” rồi chuẩn bị bảy cái hòm nhỏ để di dời họ. Họ là nhà binh ông cũng vậy nên họ quậy ông mạnh tay hơn ông quan trước, nghe cho kỹ về mà làm. Từ gốc cây trong bên tay trái nam đo ba mét rưỡi ra sân nghĩa là ra phía tay phải đóng cọc tại đó, rồi từ gốc cây thứ ba bên tay phải đo hai mét ra sân, nghĩa là ra phía tay trái đóng cọc, đó là hai trụ tim nam đào một hầm ngang bốn mét mỗi bên hai mét đào vuông ra giữa sân sâu từ tám tấc tới một mét, nam tìm lấy cho hết bảy xác người, chôn cất đàng hoàng thì mọi chuyện sẽ êm xuôi, được rồi về làm liền đi.

Số 20 một cô gái khoảng hai bảy hai tám với người đàn bà khoảng trên dưới sáu chục.
Cô lài hỏi:
-  Nữ cần chi.
Người đàn bà thưa:
-  Thưa cô xin cô coi con gái con lần ni lấy chồng được chưa?
Cô Lài nói:
-  Nếu không giải quyết đâu ra đó thì không khi mô lấy chồng được, ai đụng tới con gái của nữ sẽ chết, lần thứ nhất sáng cưới trưa rước dâu ghe lật không ai chết cả chỉ mình chú rể chết có phải không?
-  Dạ phải.
-  Lần hai khi rước dâu bằng xe ba bánh, chú rể chuẩn bị trèo vô xe thì bị chiếc xe sau đâm vô chú rể chết tại chỗ phải không?
-  Dạ phải.
-  Lần ni cũng rứa đừng đưa người vô tội vô chỗ chết. Nghe cô hỏi đây trong sân nhà của nữ có cái am xưa từ chủ nhà trước để lại có phải không?
-  Dạ phải.
-  Gia đình nữ về không phá đi mà cũng không hương khói chi hết phải không?
-  Dạ phải.
-  Cái am nầy thờ một vị quyền cao chức trọng chính cô đây cũng sợ, Nữ “chỉ vào người con gái” về ba đêm thắp nhang trong am khấn: “Thưa ngài, ngài là người cõi âm, con là người cõi dương sống phải có tương lai trần thế, ngài thương con xin ngài giúp cho con tìm một người chồng để sau nầy về già có nơi nương thân nhờ cậy, nếu ngài cứ giữ con như vậy thà ngài giết con còn hơn.” Cứ như vậy khấn xin ba đêm liền rồi về đây cô dọ coi ý của ngài ra răng rồi cho biết.

Tiếp theo số 21 của chị chồng tôi.
Chị khai tên họ, ngày sinh năm mất của anh, muốn được cô cho biết xác anh ấy ở chỗ nào.
Cô Lài cho biết:
-  Buổi chiều họ đón đường làm cho anh té xe sau đó bắt anh đi vào làng Bích La Đông trói tay bịt mắt. Tối hôm đó khoảng tám giờ họ giết anh chôn xác anh cái cồn bên bờ sông, mấy chục năm cồn đó đã bị nước xói lở thành sông xác anh cũng trôi mất rồi.
Chúng tôi cũng lấy làm tiếc, nếu biết có nhiều chuyện hấp dẫn như vậy chúng tôi đã vào nghe từ số một.

Phương Lâm




 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.