TỪ TÂY LỘC LÊN QUỐC HỌC

 

Võ Văn Hòe YKH-15

 

Gia đình tôi di chuyển từ xóm đạo Dòng Chúa Cứu Thế đến Tây Lộc vào mùa hè năm 1962 khi còn là thằng nhỏ mới 6 tuổi, suốt ngày chỉ biết chạy chơi xung quanh khu chợ Tây Lộc đang kiến thiết.

 

Lớn lên trong khung trời ngây thơ của tuổi thơ, tôi bắt đầu đi học tiểu học vào năm 1962 tại trường tân lập Xuân Lộc do thầy Trương Đình Phú làm hiệu trưởng mà hiện nay thầy là anh vợ của tôi. Năm 1967 tôi thi đậu vào trường làng tân lập Trung Học Đệ Nhất Cấp Tây Lộc do Thầy Trần Văn Đông làm hiệu trưởng, thầy là Cha vợ của Bác Sĩ Trần Văn Diệp học sinh lớp 12B3 trường Quốc Học và cũng là bạn học cùng lớp của tôi từ thời Dự Bị Y Khoa ở Đại Học Khoa Học cho đến sinh viên Y Khoa Huế khóa 15, niên khóa 1975-1981. Loanh quanh, lẩn quẩn cũng là bà con với nhau ở vùng đất thơ mộng và nhỏ bé xứ Huế.    

 

 

 

Trường Trung Học Đệ Nhất Cấp Tây Lộc chỉ mở từ lớp đệ thất cho đến lớp đệ tứ, sau này gọi là lớp 9. Sau biến cố Mậu Thân trường Tây Lộc bị sụp đổ nặng nề, do đó chúng tôi phải làm học sinh “du mục” tại trường Hàm Nghi vào mỗi buổi chiều tối khi học sinh Hàm Nghi đã tan trường thì chúng tôi mới nhảy vào mượn lớp học. Cuối năm lớp 9 vào năm 1971 tôi không biết số phận mình sẽ đi về đâu? Chuyển qua Hàm Nghi hay Quốc Học để tiếp tục Đệ Nhị Cấp là hai chọn lựa cần làm. Ngạc nhiên thay là Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã ra văn thư cho trường Tây Lộc mở đệ nhị cấp. Các bạn tôi có nhiều người đã làm giấy chuyển qua Hàm Nghi hoặc Quốc Học, riêng tôi đã rút lui đơn chuyển trường để về học thử các lớp đệ nhị cấp của trường Tây Lộc, hơn nữa nghĩ đến trời mưa lụt mà phải đi bộ qua cầu mới đi học Quốc Học thì phát sợ luôn, bên cạnh đó mình cũng nhát gan, sợ qua bên Quốc Học chắc mình bị đè đầu, sống hết nổi. Thôi thì: “Ta về, ta tắm ao ta”! Nhờ các giáo sư tận tâm với học sinh trong 2 năm lớp 10 và 11 trưòng THĐNC Tây Lộc mà trí não tôi đã phát triển (full development).

 

Không may thay hết năm 11 thì trường TH Tây Lộc không có khả năng đào tạo tiếp học sinh lớp 12 để chuẩn bị đi thi tú tài. Nghĩ đến câu chuyện: “Tái Ông thất mã” mà tôi tự nhủ lòng, có lẽ đây là cơ hội thứ hai để làm học sinh Quốc Học trong cuộc đời của tôi. Cũng như 2 năm về trước học sinh có 2 chọn lựa là Hàm Nghi hay Quốc Học, không một phút do dự, tôi đã chọn trường Quốc Học là trạm dừng chân cuối cùng của cuộc đời học sinh trung học. Tôi còn nhớ rõ ràng và sống động (vividly) khi ôm chồng học bạ nạp cho văn phòng học vụ của trường Quốc Học tôi đã gặp thầy Hạo với niềm vui vẻ chào mừng tân học sinh Quốc Học.

 

Thế là giấc mơ làm học sinh Quốc Học đã trở thành hiện thực! Đây cũng là cơ hội “ngàn năm một thuở” để ngắm những nàng thiếu nữ diễm kiều Đồng Khánh trong chiếc áo dài màu trắng. Một học sinh trường làng của vùng đất nhỏ bé nằm giữa cửa Chánh Tây và cửa An Hòa đã vượt ra khỏi kinh thành để nhìn về bên bờ hữu ngạn Hương Giang. Thuở Ban Đầu đặt chân đến trường QH thật ngỡ ngàng và run sợ, tim đập nhanh hơn 100 lần một phút vì không biết mình có theo học kịp với các bạn học sinh “elite” của QH không. Thời gian là liều thuốc, là sự trả lời chính xác và thước đo tài năng của học sinh mới. Với Ban Giảng Huấn “straight A” cùng với lòng quyết tâm đạt được mơ ước, tôi đã vượt qua được lớp 12 QH ngoài sức tưởng tượng khi nhớ lại các bậc thầy đã dạy dỗ mình.

 

 

 

Thầy Nguyễn Châu (hiện ở San Jose, California cách chỗ tôi ở 1 giờ máy bay) với môn Triết Lý không bao giờ chán đã cho tôi hiểu rõ thế nào là định nghĩa của Triết Học. Với câu nói bất hủ của Frederich W, Nietzsche: “Hãy trở nên người mà bạn muốn trở thành” đã gây ấn tượng trong suốt cuộc đời của tôi.

 

Thầy Lê Quang Khanh dạy môn Lý Hóa (Hiện đang ở Yorba Linda, nơi sinh và thư viện của cố Tổng Thống R, Nixon, cách nhà tôi 30 phút lái xe) với lối trình bày dễ hiểu đã giúp tôi am tường thêm các môn Sinh Hóa sau này.

 

Thầy Phan Thuận An dạy môn Sử Địa đã cuốn hút tôi vào lịch sử Huế, cùng với những giờ đàm đạo riêng tại nhà thầy đã giúp cho tôi hiểu thật nhiều về các công trình xây dựng kinh thành và lăng tẩm ở Huế.

 

Thầy Hoàng Đức Thạc dạy môn Pháp Văn với lối sư phạm dễ hiểu đã làm tôi thêm yêu thích Pháp Văn và luôn là học sinh có điểm 20/20.

 

Thầy Cao Xuân Duẫn với môn Anh Văn với accent thì là dân Huế nói tiếng Anh 100%.

 

 

 

Thầy Hữu Bính với môn Công Dân, khuôn mặt “vênh váo, bất cần đời” đã đưa tôi vào chính trường thế giới một cách đam mê qua hai hệ thống lưỡng đảng tại Hoa Kỳ.

 

Thầy Lê Văn Thu dạy Toán cũng là thầy hướng dẫn lớp với môn Toán khô khan và lạnh lùng trong giờ học. Nhất là khi bị kêu lên bảng đen giải sin cosin thì coi như tiêu đời!!! Vui nhất là thầy chọn tôi làm “cô dâu” để tham gia đại Quảng Diễn Quốc Học với đề tài “Đám Cưới Việt Nam” của trường Quốc Học. Không biết mình giống Boy George hay Công chúa Huyền Trân như nhiều người nói đây. Nghĩ lại mà thấy rùng mình!!!

 

Sau cùng Thầy Nguyễn Quang Nghĩa với môn Vạn vật (Biology) hấp dẫn, với sự phát minh mới của DNA (deoxyribonucleic acid) và science project đã giúp tôi hiểu rõ cội nguồn cùa các loại bases, sugar, và các loại nối A-T, C-G, nhờ vậy đã làm thêm lòng say mê trong lãnh vực Y Học.

 

Nhìn lại một năm học lớp 12 vội vàng tại trường Quốc Học với thành quả học sinh đứng nhất lớp hàng tháng và đứng nhất hai kỳ thi Đệ Nhất và Đệ Nhị Cá Nguyệt cộng thêm Tú Tài Ưu Hạng IBM duy nhất của Việt Nam Cộng Hòa niên khóa 1973-1974 lại càng làm cho tôi thật hãnh diện là học sinh của ngôi trường danh tiếng Quốc Học.

 

Giờ đây mỗi người mỗi phương trên toàn cõi địa cầu, tôi vẫn luôn nhớ đến một năm huy hoàng làm học sinh trung học QH và luôn nhớ đến các bạn đồng môn,  đặc biệt hai người bạn cùng lớp là Trương Viên và Phạm Bá Thịnh vẫn còn vui sống trên đất thần kinh.

 

Ước mong những lời tâm tình của người con Quốc Học bên kia bờ Thái Bình Dương sẽ đem lại cho các bạn những kỷ niệm đẹp nhất của thời học trò. Giờ đây người còn, kẻ thì phải ra đi quá sớm ở tuổi lục tuần nhưng tình bạn bè trên toàn thế giới của trường Quốc Học luôn kết nối chặt chẽ, với mối giây liên lạc nồng thắm, với sự thăm viếng ân cần thường xuyên dành cho quý thầy của nhóm bạn quốc nội đã nói lên tinh thần “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” của ngôi trường danh tiếng.

 

 

 Võ Văn Hòe 12A2, niên khóa 1973-1974, Tú Tài IBM, Trường Quốc Học

Xuân Dinh Dậu 2017, Riverside, California

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.