TRƯỜNG YK HUẾ & CÁC KHOA TRƯỞNG (1961-1975). Phần 2

 

ĐHYKH GIAI ĐOẠN 2 (1968/1972)

Giai đoạn 2 bao gồm hai biến cố: Tết Mậu Thân và Mùa Hè đỏ lửa Quảng Trị.

 

“Lịch sử Y Khoa Huế có chuyện dỉ chuyện gì, cũng chẳng ai để ý. Dư luận chỉ nhớ đến YKhoa Huế qua huyền thoại “Tổng Hợp Đông Tây Y, lời tuyên thệ trước Hải Thượng Lãn Ông và các bộ Quốc Phục Việt Nam”. (BDT)

 

PHẦN 2a

 

Bác sĩ Bùi Duy Tâm cho biết ông sinh ngày 08/09/1934 năm Giáp Tuất, là giáo sư Trưởng khu (bộ môn) Sinh hóa ĐHYK Sài Gòn được bộ Giáo Dục bổ nhiệm Khoa trưởng ĐHYK Huế theo Sự vụ lệnh ngày 26/12/1967 và Nghị Định hợp thức hóa ngày 26.01.1968  (1).

Bác sĩ Bùi Duy Tâm, nói giọng Bắc, là một người giao du rộng, có tài ăn nói, ứng đáp sắc bén, quyết định nhanh, ưa thích làm văn nghệ, văn hóa, phong thái lãng tử như ông tự nhận, bất cần đời, chính kiến thì lưỡng diện, cao siêu.

Tính ông “không làm nhiều việc mọi người thường làm và hay làm những việc ít người muốn làm hay dám làm.”  (BDT “Đi Bắc Cực”, Tập san YKH Hải ngoại 2006, tr. 231)

Trong nước, trước 1975 thì ông tự hào: “Tôi rất thú vị được tưởng là CIA hay Việt Cộng,” ở hải ngoại thì ông thuộc diện “Thuyền Nhân Tị Nạn” và “Việt Kiều Yêu Nước” thành danh. (2)

Ông ít mặc âu phục, ưa thích lễ lạc thì mặc quốc phục Việt Nam, hoặc áo kiểu bà ba dài, cổ tròn, nhiều nút, để búi tó, đội mũ phớt.

Tuy là một người đặc biệt khác thường nhưng nói chung, ông là một người khá tốt đối với đồng nghiệp.

Phu nhân nhũ danh Nha sĩ Đỗ Thị Việt Hương mất tại Cali, Hoa Kỳ, tháng 3/2015, hưởng thọ 82 tuổi.

 

      

+GS Bùi Duy Tâm  +GS Bùi Duy Tâm  +Ô. Bà GS Bùi Duy Tâm và 2 cháu, 2005

 

Thời kỳ GS BD Tâm làm Khoa trưởng ĐHYK Huế 1968-1972 có thể được chia ra 2 giai đoạn:

1) trường di tản vào Sài gòn, sau Tết Mậu Thân 1968.

2) trường hồi cư về Huế, hè 1969

 

Tết Mậu Thân năm đó có ngày 30 Tết. Ở Huế mọi gia đình ngày càng khá giả, mua sắm Tết nhộn nhịp. Chợ hoa ở bên cầu Trường tiền đông nghẹt, hoa đào vàng lẫn hoa thược dược đỏ.

Huế tưng bừng hơn những năm trước.

GS Bùi Duy Tâm được bổ nhiệm đúng vào những ngày lễ nghỉ Tết Tây và Tết Nguyên Đán.

Ông ra Huế, tiếp xúc với Trường, được sinh viên chào mừng đón tiếp, rồi trở vào Sài Gòn ăn Tết.

“Huế rộn rã đón Xuân” thì chiến cuộc ác liệt đột ngột xẩy ra vào khuya mồng Một (30/1/1968), rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân, tức là vào ngày 31/1/1968 kéo dài cho đến ngày 24/2/1968.

 

  1) Giai đoạn Trường di tản vào Sài Gòn. “Triệu Tử Long Phò Ấu Chúa”. 

Thị xã Huế bất ngờ bị đánh chiếm và kiểm soát vào khuya mồng một Tết Mậu Thân (1968).

Chiến cuộc kéo dài gần một tháng. Huế bị tàn phá nặng.

Sau khi tình hình lắng dịu, BS Bùi Duy Tâm, Tân Khoa trưởng từ Sài Gòn ra, đem Trường tạm vào Sài Gòn học.

Quyết định này, được nhiều giới giáo dục, y tế, y khoa, quân y ở Sài gòn bàn đến, và đối với BS Tâm thuận lợi, là dời trường vào Sài gòn ông luôn ở cạnh, thường trực chăm lo.

Lúc quốc biến kích thích lòng yêu nước, trường YK Huế chạy lánh nạn vào Sài gòn được sự giúp đỡ tân tình của khắp mọi nơi : ĐHYK Sài gòn, trường Quân Y, Tổng Y viện Cọng Hòa (Quân đội), Bệnh viện Grall (Pháp), Viện Pasteur v.v….

 

Quyết định của GS Tân Khoa trưởng di tản Trường vào Sài gòn lúc đó thành công tốt đẹp, mọi người không tiếc lời khen ngợi, nhất là về phía các sinh viên, rất nhiều.

 

Bản thân GSTâm cũng kể lại: “…Tôi vừa là Tổng Tư Lệnh chiến dịch vừa là tài xế đưa đón các giáo sư đến giảng đường. Tôi xung đột tứ phía, hung hãn như Triệu Tử Long một đao, một ngựa vùng vẫy trong gươm giáo trận mạc để cứu Ấu Chúa của tôi là Sinh viên Y Khoa Huế, rồi ôm ấp bảo vệ nuôi dưỡng Ấu Chúa để đem về trả lại cho đất Mẹ- xứ Thần Kinh. Mọi người tưởng tôi thần thế lắm, được Nhà Nước và Mỹ ủng hộ…Tôi rất thú vị được tưởng là CIA hay Việt Cộng. ”(BDTâm, ‘Một Quãng Đời Qua’, Kỷ Yếu YKH 2009).

GS Tâm cho biết ngoài việc học hành “…sinh viên được vui chơi trong những bữa tiệc (quán Ánh Hồng…), buổi trình diễn Nhạc Phạm Duy, với ca sĩ Thái Thanh, được Y Sĩ Đoàn tặng sách, được học bổng, được phát phần thưởng,… và được trở về cố đô, cố hương Huế trong niềm hân hoan của gia đình, của nhân dân Huế “(BDTâm, Kỷ Yếu YKH 2009).

Bác sĩ Vĩnh Chánh YK7 vừa mới vào trường, học năm thứ nhất, nhớ lại: “Các bạn tôi cũng không thể quên được lần Thầy (GSTâm) tổ chức trại hè lịch sử tại đảo Phú quốc với sự cọng tác của Hải quân và ban ca Gió Khơi (mà thầy là trưởng đoàn), trước khi trường chính thức trở về Huế” (ĐSan YKH 2006, tr.42).

 

Xem ra, sinh viên YK Huế di tản vào Sài Gòn học, như “chuột sa chĩnh gạo”.

Tuy nhiên “đem chuông đi đấm nước người”, chịu thương chịu khó, sinh viên YKH học rất tốt, được các thầy Sài Gòn khen ngợi ngang tài đồng sức với các sinh viên của họ.

 

Mọi việc dù tốt đến bao nhiêu cũng có mặt trái.

Trường YK Huế di tản vào Sài gòn năm 1968, ở lại một niên khóa rưỡi, một số bác sĩ, giáo sư trong ban giảng huấn theo Trường dọn vào Sài gòn, sau đó “đất lành chim đậu, ở lâu mến cảnh” cùng gia đình ở luôn trong đó, chỉ thỉnh thoảng ra Huế dạy; họ cũng ỷ y, theo gót ông Khoa Trưởng.

Năm 1972 mùa hè đỏ lửa Quảng Trị tình trạng cũng tương tự.

 

  2) Giai đoạn Trường hồi cư về Huế. “Trường Viện Phân Tranh”.

Trường YKH trở về Huế trong niềm vui hồ hởi toàn thắng, bắt đầu niên khóa học mới 1969/70.

Trường ốc thì không bị phá hủy gì, duy Bệnh viện Trung ương Huế bị phá sập phía trước, gần một nửa, khu hành chánh, các bệnh phòng nội và ngọai khoa, phòng mổ, thiệt hại nặng, còn chờ xây lại. Khoa Nhi, Sản, Dược, X-Quang, Xét nghiệm… còn nguyên vẹn.

Bệnh viện Huế rất rộng lớn nên việc tạm dồn phòng ốc cũng dễ dàng.

Việc học tập ở trường thì nguyên tắc GS BD Tâm đưa ra khi nhậm chức là phải mời các giáo sư, bác sĩ uy tín ở Sài gòn giảng dạy.

 Chủ trương lớn này được quảng bá nghe rất phấn khởi, là mặt tiền hào nháng của triều đại song thực tế mời các thầy Sài Gòn ra chi viện - thầy lớn uy tín thì quá bận bịu, thầy nhỏ có vài vị chịu ra – thêm giờ Đông Y, giờ chữ Hán, nói chung “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Chung qui, công lao chính vẫn là của ban giảng huấn tại chỗ, âm thầm làm việc, hợp sức cùng các bác sĩ ở BV Huế, Đà Nẵng.

Giai đoạn này rất giàu sự kiện và kết thúc với sự giải chức của GS Bùi Duy Tâm:

 

         2.1) Học hành. Sinh viên khóa 9, vào trường niên khóa 1969/70 đã viết về một quãng đời cách đây hơn 40 năm: “…Qua năm thứ ba, chúng tôi bắt đầu đi thực tập ở bệnh viện…Khóa 9 là khóa có nhiều thầy mới, môn học lạ. Các thầy Mỹ đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, có vị như mới về từ chiến trường với bốt-đờ-sô lấm bùn chiều hành quân, dạy 1, 2 bài rồi đi không bao giờ trở lại. Chúng tôi còn nhớ các thầy Momin, Pickering, Candela, Dupuis, Maes…

Khoảng thời gian này khóa 9 có khi còn được “lùa” đi học Đông Y. Vì không coi trọng môn học, khi đến giờ đông y chúng tôi thường “chạy trốn”. Đến nỗi thầy Tự phải đích thân bắt học trò vô lớp và than “thôi ta mệt lắm nờ, cứ như là cảnh sát” (thầy Đông Y: thầy Nguyễn Văn Ba, Sài gòn, và Trương Thìn, Quân Y)…

Còn có GS Đào Mộng Nam (Sài gòn) dạy chuyên về chữ Hán, nhất là cách viết. Nếu có ai đó tình cờ vào giảng đường Y Khoa vào giờ Hán tự có thể tưởng lầm là mình đang ở trong trường Văn khoa! (Lê Văn Hùng 49, YK9, “Khóa 9 – ĐHYKHuế”, Kỷ yếu YKH 2009).

 

        2.2) Sinh hoạt văn nghệ. Phong phú trong giai đoạn này.

 BS Vĩnh Chánh YK7 viết: “Ngoài cách hành xử cứng rắn nhưng đầy hiểu biết của một vị khoa trưởng, GS Bùi duy Tâm còn là một vị thầy có tâm hồn nghệ sĩ và rất tình cảm. Tôi còn nhớ những lần Thầy tổ chức cho cả trường đi chơi bằng thuyền từ dưới Đông Ba lên đến lăng Minh Mạng, hay những đêm nghe nhạc trên thuyền ở sông Hương, hoặc những đêm dạ vũ tại trường …, hoặc cùng chở nhau đến lăng Tự Đức rồi chạy qua lăng Khải Định, để cùng nhau hát hò với sự thành lập ngay tại chỗ ban nhạc “les tuberculeux’ gồm các anh…

Cũng không quên được chuyến đi chơi hè năm 1971 tại Đà Lạt…

Ngay khi Huế vừa tan mùi khói súng sau Tết 68, Thầy đã bay ra làm việc ở trường YK và mang theo một phái đoàn văn nghệ gồm có chị Nhã Ca và thân hữu Chu Mai để úy lạo sinh viên chúng tôi (ĐSan YKH 2006, tr.41, 42) (Nhà văn Nhã Ca, tác giả Giải Khăn Sô Cho Huế, chủ nhiệm Việt Báo DailyNews, chị tuy không học Y Khoa Huế nhưng luôn có ân tình sâu đậm với Y Khoa Huế - Westminster (Bình Sa), 31.7.2015).

 

    

+GS BD Tâm +GS BD Tâm trình diễn. +Đại Hội YKH, Cali 2015: Chị Nhã Ca, BS LB Vận, BS LĐ Thương YKH1

 

         2.3) Bước thăng trầm. Uy tín của GSBDTâm lên rất cao khi trường từ Sài gòn về lại Huế, nhưng sau đó bắt đầu xuất hiện những nứt rạn.  Trước đây khi GSTâm nhanh chóng nhận chức vụ Khoa Trưởng YK Huế và cứ hàng tháng ra Huế một lần ngắn ngủi, thì nhiều người đã nghĩ đây không phải là một “trường cửu chi kế”, hầu như một hạ sách phải chấp nhận, một tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa không vững bền. Biến cố Mậu Thân, Trường dời vào Sài gòn tạo cho ông có dịp thường xuyên ở cạnh, chu đáo lo cho Trường. Trường về lại Huế, ông không thể về theo.

“Công thành thân thoái” mới là thức thời vụ.

 

 Với thời gian:

     + Ở Trường có những bất bình trong ban giảng huấn về tư tưởng, chính kiến, đường lối, tác phong ... tăng dần khi mọi người lại biết Viện Đại học cũng bực mình.

     +GS Tâm (Tâm nhỏ, để đối với GS PBTâm) trích dẫn: “Sống trong chế độ mà tinh thần dân tộc không được chú ý, mang nặng đầu óc tự ti, sùng bái kỹ thuật nước ngoài, Ông Tâm vấp phải sự chống đối mãnh liệt nhất là trong các giáo sư, chính quyền lại chèn ép; cuối cùng đến năm 1972 Ông phải rời khỏi chức vụ khoa trưởng trường Y Khoa Huế” (BDT, ‘Một Quãng Đời Qua’, Kỷ Yếu YKH 2009).

     +Đòi hỏi từ Viện Đại học Huế yêu cầu BSTâm dành nhiều thời gian có mặt tại Huế, dự họp Hội đồng Viện, lo việc trường. GS Võ Đăng Đài, phó khoa trưởng họp thay thế không dám tự quyết định, khác với thời BS Lê khắc Quyến giữ chức phụ tá khoa trưởng nhưng lại quyết đoán tất cả.

GSĐài kể lại:”Trong những buổi họp Hội đồng Viện, Thầy (GS Nguyễn văn Hai) thường ít ủng hộ tôi” (Đsan YKH 2006, tr.12). Điều này cho thấy quan hệ Trường- Viện không tốt đẹp. Quan hệ này không thấy được cải tiến: mỗi lần BSTâm ra Huế không có chương trình tiếp xúc Viện Đại Học, thăm các phân khoa trường bạn...

     +Trong ban giảng huấn Việt ở trường hiện có nhiều giáo sư, giảng sư có thể đảm nhiệm chức vụ Khoa Trưởng.

     +BS Tâm không thể dành cho Huế nhiều thời gian hơn, ông quá bận vì làm Khoa trưởng nơi khác, với các chương trình Đông Tây Y tổng hợp lớn lao, lại cũng không có ý định rút lui, từ chức ở Huế khiến Trường Y Khoa và Viện Đại Học Huế ở trong thế giằng co bế tắc trong một hai năm trời, cho đến khi xẩy ra vụ “Mùa hè đỏ lửa 1972” giải quyết được sự phân tranh âm ỉ,  khủng hoảng kéo dài này.

 

        2.4) GS Bùi Duy Tâm giải chức.

Mùa hè đỏ lửa Quảng Trị từ tháng tư tháng 5, 1972 Quảng Trị bị đánh chiếm. Dân chúng gồng gánh

chạy bộ ùa vào Huế. Trận đánh Quảng Trị ác liệt kéo dài.

Nhân dân Huế lo sợ thảm họa Tết Mậu Thân 1968 tái diễn, chạy loạn vào Đà Nẵng.

Viện Đại học và trường YK cũng vậy. GS Lê thanh Minh Châu, cựu Viện trưởng ĐHHuế nhắc lại: “Sau Tết Mậu Thân lại đến mùa hè đỏ lửa Quảng Trị, đưa đến quyết định di tản Đại Học Huế vào Đà nẵng. Chỉ trong vòng mấy ngày, Đại Học Huế phải di tản hố sơ, thư viện, dụng cụ thí nghiệm, giáo sư, nhân viên, sinh viên vào Đà nẵng…Sau khi trường hồi cư từ Đà nẵng về lại Huế, thầy Lê bá Vận thay thầy Tâm trong chức vụ Khoa Trưởng.” (LTMC, diễn văn, Đặc san YKHuế 2009).

 

     

+ GS Lê Thanh Mimh Châu, Đại hội YKH, 2006. +GS Võ Đăng Đài, Đại hội YKH 2015  +Ô. Bà GS Bùi Duy Tâm, 2007.

 

Hè năm 1972 lại thêm một số thầy của YKH không di tản vào Đà Nẵng theo Viện và Trường mà dọn thẳng vào Sài Gòn ở luôn, có GS Khoa Trưởng tại đó, chỉ thỉnh thoảng bay ra Huế it hôm.

Trường YKH mất thêm ban giảng huấn, rất thiệt hại cho sinh viên thực tập lâm sàng tại bệnh viện.

 

Biến cố ‘Mùa hè đỏ lửa 1972’ rõ ràng cho thấy cấp lãnh đạo cần thường trực bám sát nhiệm sở.

Sau khi niên học mới 1972-73 bắt đầu, bộ Giáo Dục theo đề xuất của Viện ĐH Huế (?), ra quyết định BS BDTâm thôi giữ chức vụ Khoa Trưởng ĐHYK Huế.

Vụ giải chức này, chưa từng xẩy ở Trường trước đó, đột ngột tuy không quá bất ngờ đã tức khắc gây ra một tình trạng căng thẳng như chưa bao giờ thấy ở trường ĐHYK Huế.

Theo lẽ tự nhiên các phó Khoa trưởng sẽ  tạm thay thế, nhưng chuyện này không xẩy ra.

Không người lãnh đạo Trường như quân mất tướng, gây nhiều hoang mang và phản ứng dữ dội ??

Một nhóm sinh viên, vài chục người đã cùng GS Tâm giăng các biểu ngữ:“phản đối sự giải nhiệm dành cho GS KHOA TRƯỞNG ĐHYK”, “toàn thể SVYK biết ơn thầy” (BDTâm, ‘Một Quãng Đời Qua’, hình ảnh, Kỷ Yếu YKH 2009).

 

+ Sinh viên Y khoa Huế phản đối sự giải nhiệm GS Bùi Duy Tâm, 1972

 

Tình trạng có thể gây bạo động, lan tràn toàn trường và làm cho Viện Đại học lâm vào thế bất lợi, phải nhượng bộ hoặc còn gì nữa chưa biết.

 

Đến đây đang cơn dầu sôi lửa bỏng, nhiều người khen ngợi sự khéo léo của Viện Đại Học đã hóa giải nhiều được tình thế. Viện thông cáo: GS Viện Trưởng sẽ đảm nhiệm tạm điều hành trường YK (chờ Trường cử Khoa Trưởng mới), đồng thời GS Võ Đăng Đài được cử Phụ tá Viện trưởng.

GS Đài sau này có tiết lộ : “Tôi thật cám ơn Thầy (GSTâm) đã tin tưởng tôi …Tuy nhiên lời cám ơn này không xóa được cái ân hận mà tôi vẫn giữ mãi trong lòng về việc Thầy ra đi khỏi Huế. Một số áp lực ở Trường làm tôi không tìm mọi cách để giữ Thầy lại…” (VĐ Đài, ĐSan YKH 2006, tr 11).

 

       2.5) Hội đồng Khoa YKH khi tình thế nhanh chóng lắng dịu, họp cử Khoa trưởng, với sự hiện diện của Viện trưởng GS Lê Thanh Minh Châu.

Không có ứng cử viên, tôi (Lê Bá Vận) đang tạm xử lý thường vụ trường, được đề cử.

Cuộc bỏ phiếu kín tiến hành, kết quả toàn bộ phiếu chấp thuận, không có phiếu chống hoặc phiếu trắng. Rõ ràng các thành viên trong hội đồng Khoa, chung cuộc đã đồng lòng gạt bỏ các bất đồng, dị biệt vì tiền đồ của Trường, quyền lợi chung của sinh viên.

Kết quả này đưa ra làm tan dịu tất cả mọi dị nghị, chống đối dù ở đâu, Huế hoặc Sài gòn vì đó là ý nguyện của Trường, không do áp đặt.

Căn cứ trên biên bản Hội đồng Khoa ĐHYK và đề nghị của Viện Đại Học Huế, một tân Khoa Trưởng cho trường ĐHYK Huế được bộ Giáo Dục bổ nhiệm (với đầy đủ quyền hành và phụ cấp chức vụ). Một lễ nhậm chức đã được cử hành trọng thể.

 

Lê Bá Vận

 

      

+GS Bùi Duy Tâm +GS BDT dự Đại hội YKH Hải ngoại2006 +GSTSBS BDTâm nói chuyện tại trường ĐH NTT, 2013

 

Chú Thích:

 (1)Từ năm 1975, danh xưng Khoa Trưởng được gọi là Hiệu Trưởng trường ĐHYK HUẾ.

 (2) Ông Tâm nhỏ xin miễn bàn, ông này lắm chiêu nhiều phép, quậy tới bến.

(From: MC LAI Date: October 28, 2016 at 12:28:17 AM PD)

 

-----------------------

 

 

TRƯỜNG YK HUẾ & CÁC KHOA TRƯỞNG (1961-1975). Phần 2.

 

ĐHYKH GIAI ĐOẠN 2 (1968/1972)

Giai đoạn 2 bao gồm hai biến cố: Tết Mậu Thân và Mùa Hè đỏ lửa Quảng Trị.

Đại hội thường niên của Hội Ái Hữu ĐHYK Huế Hải ngoại. “Tiền quân bắc Tế Liễu” lai rai từ ngày July 23 đã có những họp mặt nhóm nhỏ từ 10 đến 20 người, đông nhất là tại nhà hàng Harvest .”Hậu kỵ tây Trường Dương...” kéo dài nhiều ngày.

 

 PHẦN 2b

 

I) Cuộc Sống Hải Ngoại. GS Lê Thanh Minh Châu, GS Bùi Duy Tâm, các Thầy trong ban giảng huấn của Trường cũ và tôi vẫn sinh hoạt thân thiết với các anh chị cựu sinh viên Hội Ái Hữu ĐHYK Huế hải ngoại. Đặc biệt đầu tháng 8, 2009 Hội Ái Hữu ĐHYK Huế tổ chức lễ Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường ĐHYK Huế 1959/2009 tại California, Hoa Kỳ, với sự tham dự đông đảo thầy trò cũ đến từ nhiều nơi trên thế giới, bao gồm những mấy chục anh chi cựu sinh viên đến từ Việt Nam.

Trong dịp này GS BDTâm đã đọc một bài diễn văn rất cảm động nói lên những cảm tình tha thiết của ông đối với Trường Huế, với sinh viên YK Huế mà ông xem như gia đình ruột thịt, yêu mến vô cùng và mãi mãi như trong một phần đời của ông (diễn văn).

 

Tuy nhiên ít tháng sau đó, vào cuối năm 2009 ông nghênh đón tại tư gia ở San Francisco Hoa Kỳ, phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, và phái đoàn sang viếng thăm Hoa Kỳ.

Sự việc, ngôn ngữ và tác phong của ông gây bất bình lớn trong cộng đồng người Việt tị nạn cũng như trong Hội Ái Hữu YKHuế hải ngoại khiến ông buộc phải rời Hội kể từ ngày đó, đoạn tình với các học trò cũ YKH mà ông thương mến. (1)

 

                                     “Nhất thất túc thành  thiên cổ hận,

                                       Tái hồi đầu dĩ bách niên thân.“

 

Cũng như năm xưa, năm 1972 cách 37 năm trước ông buộc lòng rời bỏ ĐHYK Huế với nhiều luyến tiếc, và viết :“ …Họ (các SV) là một phần đời tôi. Ngày rời trường, tôi cho họ tất cả số lương tôi vừa lãnh. Họ dùng tất cả số tiền đó để mua một bức tranh sơn mài rất qúi về “Cảnh Huế, người Huế” đề tặng tôi với dòng chữ:

                                         “NGƯỜI ĐẾN TRONG GIAN NGUY và RA ĐI KHI AN BÌNH”

(BDT, Kỷ yếu YKH 2009).

 

 

(Chú giải: Thực sự thì GS BDTâm đến Huế lúc thanh bình, trước biến cố tết Mậu Thân và sống an bình ở Sài Gòn, xa Huế, xa Trường suốt thời chiến).

 

Với nhiều giới, đặc biệt sinh viên, BS Tâm là Khoa trưởng được nhớ đến của biến cố Tết Mậu Thân và Mùa hè đỏ lửa Quảng Trị mà có các tác dụng trái ngược trên sự nghiệp của ông, song điều làm ông tự hào, mãn nguyện nhớ đời là như ông đã viết:

 

“…Nhưng mọi người (cả Việt Nam lẫn ngoại quốc) đã gắn liền tôi vào Y khoa Huế, dù ai muốn hay không muốn. Lịch sử Y Khoa Huế có chuyện dỉ chuyện gì, cũng chẳng ai để ý.

Dư luận chỉ nhớ đến YKhoa Huế qua huyền thoại “Tổng Hợp Đông Tây Y, lời tuyên thệ trước Hải Thượng Lãn Ông và các bộ Quốc Phục Việt Nam”. Gần hai chục năm sau, mọi người còn trân trọng nhắc nhở đến các việc làm của tôi ngày xưa ở Huế…

 

                                                             Thế mới biết:

 

                                                   “Trăm năm bia đá thời mòn,

                                                  Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ...”

                                     (Bùi Duy Tâm “Một Quãng Đời Qua”, Kỷ Yếu YKH 2009).

 

  

+GS BDTâm tiếp quan khách + GS BDTâm nghênh đón phái đoàn Phó Thủ Tướng Trương Vĩnh Trọng, 2009.

 

 

  II) Nhận Định Về GS Bùi Duy Tâm, Khoa trưởng ĐHYK Huế 1968-1972

Muốn nhận định trung thực về con người của GS Bùi Duy Tâm thì tất nhiên phải xem xét những gì ông đã viết trong các hồi ký mà ông kể lể sự việc, đặc biệt vào lúc ông nhậm chức.

 

               1) Lời tuyên bố lúc nhậm chức.

Lúc đó tôi (Lê Bá Vận) đang học ở Mỹ, nghe tin GS Bùi Duy Tâm về làm Khoa trưởng YK Huế thì tôi có đôi chút ngạc nhiên vì GS Tâm chưa hề giúp gì cho trường Huế và còn rất trẻ, học dưới tôi.

Tuy vậy tôi cũng chẳng có gì thắc mắc thêm, cho rằng ông chịu ra Huế là điều tốt cho Trường thôi.

Sau này tôi được biết bộ Giáo Dục có tiếp xúc mời một số giáo sư, bác sĩ đàn anh song các vị ấy đều từ chối dù rằng vào năm 1967 ở Huế rất phồn thịnh, yên vui.

Các vị ấy có lẽ nhận thức nếu làm Khoa Trưởng YKH, một trường đại học công lập, mà không ra sống tại nơi thì về lâu về dài, do tự trọng, họ thấy cũng không phải nhẽ.

 

Chuyện cũ chẳng ai nhắc nhở.

Mãi đến những trên 40 năm sau, vào năm 2009, ở hải ngoại, tôi đọc được 2 bài viết của GS Bùi Duy Tâm: “Một Quãng Đời Qua” và “Lịch Sử Y Khoa Đại Học Huế” đăng trong Kỷ Yếu YKH Hải Ngoại 2009. Những thông tin tôi chẳng biết, do đang ở nước ngoài lúc đó và không hề có ý tìm hỏi, nay đột nhiên xuất hiện trước mắt, lại do chính bút tích GS Tâm, khiến tôi phải đọc kỹ.

Tôi vẫn ngỡ GS Bùi Duy Tâm ắt nắm rõ lịch sử trường YKH từ đầu.

Song đọc kỹ thì những phán quyết của ông lúc nhậm chức, ngôn từ khinh bạc về trường làm tôi tá hỏa, vì trái ngược với sự hiểu biết của tôi, đặc biệt trong những năm đầu tiên của trường YKH.

 

GS BDTâm viết trong “Một Quãng Đời Qua”:

 

         “Bộ Giáo Dục Đại Học cử tôi ra Huế đảm trách trường Y Khoa trong tình trạng gần như tuyệt vọng (cuối năm 1967)…

          Họ cử tôi ra Huế, không trông mong nhiều phép lạ, nhưng có lẽ muốn làm một ân huệ cuối cùng trước khi quyết định dẹp bỏ một gánh nặng.

 

          Trong lúc tiếp xúc với Bộ Giáo Dục để làm trường Huế, tôi đã nghĩ ngay ra việc Y Khoa Huế phải có sắc thái đặc biệt để không phải chỉ là phó bản của Y Khoa Sài Gòn, thì mới tồn tại được…

Và đó là lý do khẩn cấp nhất của việc hô hoán om sòm lên rằng:

  .Đại Học Y Khoa Huế tổng hợp Đông Tây Y và tiến tới 1 nền Quốc Y Việt Nam.

  .Lời Tuyên Thệ của Bác Sĩ Y Khoa Huế có đề cao tên tuổi của Y Tổ Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông, bên cạnh Hippocrate, Y Tổ Hi Lạp của Tây Phương.

Từ nay trong Lễ Tốt Nghiệp, các Bác Sĩ Y Khoa Huế vận Quốc Phục Việt Nam thay vì áo choàng tây (toge)  (2)

 

         Thực ra tôi đâu có xin phép và đâu có được cho phép gì đâu, vì tôi biết nếu xin phép thì còn lâu mới tới. Nhưng tôi đã đạt được mục tiêu của tôi là “Không còn ai nghĩ đến việc đóng cửa trường Y Khoa Huế nữa, vì Y Khoa Huế là 1 hiện hữu độc đáo…”

(BDTâm  “Một Quãng Đời Qua”, Kỷ Yếu YKH 2009).

 

                        Nhận định về lời tuyên bố: 4 điểm.

 

                       1- GS Tâm: Trường Y Khoa trong tình trạng gần như tuyệt vọng (cuối năm 1967).”

Chẩn đoán này là sai nhầm. Vào cuối năm 1967, trường YKH sức khỏe bình thường.

Ban giảng huấn YKH trong đó có các giáo sư, bác sĩ người Đức, Pháp… là nguyên vẹn.

Các bác sĩ của Trường được gởi ra nước ngoài tu nghiệp từ các năm trước, lần lượt trở về.

Mẻ thép đầu tiên được ra lò, đi vào sản xuất. Thực vậy:

 

Ngày 21/11/1967 trường YKH tổ chức trình luận án Tiến Sĩ Y Khoa và lễ tuyên thệ cho 4 bác sĩ tân khoa đầu tiên: Lê Quốc Bảo, Nguyễn Văn Thuận, Lê Đình Thương, Hoàng Quỳnh (theo thứ tự từ trái qua phải trong hình) trong số 28 sinh viên cùng khóa, do 4 vị này đã hoàn thành xong luận án và đề biện trước tiên.

 

  

1)YKSG 1966 và 2)YKH 1967: các bác sĩ tân khoa đang tuyên thệ lời thề Y Tổ Hippocrate.

(YKSG 1966 từ trái qua phải: các bác sĩ: Lê Mỹ Phượng, Trần Gia Khải, Dương Hồng Huấn (mặc áo choàng đen), Nguyễn Hoàng Hải và Nguyễn Thanh Lâm và YKH 1967: Lê Quốc Bảo, Nguyễn Văn Thuận, Lê Đình Thương, Hoàng Quỳnh)

 

 “Rượu champagne lần đầu được mở mừng cho sự trưởng thành trọn vẹn của trường…”

 

BS Nguyễn văn Thuận (Texas, Hoa Kỳ), Khóa 1 Y khoa Huế, tốt nghiệp hôm đó, đã viết như vậy (NVT “Trường ĐHYK Huế”, Dòng  Việt 1997, tr.90).  GS Tâm có biết chuyện này hay không?

 

BS Lê Khắc Quyến, năm 1966 vì lý do chính trị, bị ép buộc phải rời Huế. 

Trường YKH đã có một Xử lý thường vụ là BS LV Bách và Bộ Giáo Dục đang từ từ kiếm một khoa trưởng, dù để làm vì, thì GS BDTâm diễn dịch là được Bộ mời để “ra tay tế độ”, cứu trường YKH đang cơn hấp hối, gần như tuyệt vọng.

Khoa trưởng là chức vụ hành chánh. GS Bùi Duy Tâm có bằng tiến sĩ Sinh hóa học thì lúc ấy cũng chưa giúp ích gì thêm vì YKH đã có GS Võ Đăng Đài cũng tiến sĩ Sinh hóa học.

 

                      2- GS Tâm: một ân huệ cuối cùng trước khi quyết định dẹp bỏ một gánh nặng.”

Nghe giống như cho tử tù ăn bữa cơm chót có rượu,thịt.

ĐHYK Huế chưa bao giờ là một gánh nặng cho bộ Giáo Dục, hoặc cho trường YK Sài Gòn.

YKH chưa từng đòi hỏi họ cung cấp ban giảng huấn, phương tiện, mè nheo, yêu sách…

Mọi thứ tại trường YKH đều được phái bộ Đức và Pháp chu toàn.

Cũng không thể nói GS BD Tâm là ”ân huệ” cuối cùng mà Bộ Giáo Dục dành cho YKH.

Bộ GD không có ý đó.

Nhiều lắm thì GSTâm chỉ có thể là một “cơ hội”, mà cũng không phải là cơ hội cuối cùng.

BS Lê Văn Bách đang Xử Lý Thường vụ Trường là người dự bị, có thể được bổ nhiệm Quyền Khoa Trưởng bất cứ lúc nào và Bộ GD  không hề khẩn trương trong việc này.

Mặt khác, GS Tâm được bổ nhiệm Khoa trưởng YKH là trước biến cố Tết Mậu Thân 1968.

YKH chưa hề khai phá sản với Bộ vào thời điểm này và xin Bộ cử người ra Huế thanh lý.

 

                      3- GS Tâm: Y Khoa Huếphải có sắc thái đặc biệt để không phải chỉ là phó bản của Y Khoa Sài Gòn, thì mới tồn tại được…”

GS Tâm om sòm hô hoán như vậy là không đúng, do thiếu hiểu biết về lịch sử YKH, lý luận duy ý chí.

Cho dù YKH có là phó bản của trường YK Sài Gòn thì cũng chẳng sao, miễn là dạy tốt.

ĐHYK được mở (1959) vì lý do bác sĩ Việt Nam thiếu quá nhiều cho nhân dân, nhất là ở miền Trung.

GS H. Krainick, trưởng phái bộ Đại Học Freiburg, Đức, được xem như là giám đốc học vụ, nói với sinh

viên ông có quyết tâm đào tạo các bác sĩ ra trường tại Huế có trình độ ngang hàng với bất cứ nơi nào tiên tiến trên thế giới. Người Đức đã nói là làm được

 

YKH không hề có vấn nạn “sắc thái đặc biệt… phó bản” để tồn tại, ngay từ khi thành lập.

Đó là sản phẩm của GS Tâm, là Đông Y, lời thề Hải Thượng Lãn Ông, bộ quốc phục Việt Nam khăn đen áo dài… được ông xem là những yếu tố đột phá giúp trường ĐHYK Huế có lý do tồn tại (!)

“Bệnh quỉ thuốc tiên” xem ra duy Đông Y là chữa được căn bệnh (tưởng tượng) của trường YKH.

GS BD Tâm áp đặt các “sắc thái đặc biệt” của ông mà không thông qua Hội đồng Khoa.

(BDT:Thực ra tôi đâu có xin phép và đâu có được cho phép gì đâu…)

Do đó tất cả đã theo gót ông vĩnh viễn ra đi mất dạng, lúc ông buộc phải rời trường năm 1972, như có thể thấy từ các hình ảnh dưới đây:

 

      

+YKH 1973, các thầy mặc áo choàng đại học các bác sĩ tân khoa mặc âu phục (GS Lê Văn Bách đang đứng). +ĐHYDK Huế 2015, Lễ tốt nghiệp và trao bằng bác sĩ Y khoa…bác sĩ tân khoa (đại diện) vận áo choàng đại học. +ĐHYDK Tp HCM 2012, các bác sĩ tân khoa y học cổ truyền, song vẫn mặc áo choàng đại học.

             

                      4- GS Tâm: Không còn ai nghĩ đến việc đóng cửa trường Y Khoa Huế nữa, vì Y Khoa Huế là 1 hiện hữu độc đáo…”

“Lo bò trắng răng”, chẳng ai, kể cả bộ GD, có thể đóng cửa trường YKH, dù YKH độc đáo hoặc không.

ĐH Huế, YK Huế là niềm tự hào của nhân dân Huế, nhân dân miền Trung, có ý nghĩa và tầm cỡ chính trị to lớn thời đó, là một quốc sách mà chỉ tổng thống mới có quyền quyết định.

Trường YKH do đích thân Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho phép thành lập và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, người miền Trung cũng cương quyết chẳng kém, ra lệnh cho tất cả các cơ quan, sau Tết Mậu Thân, không được di chuyển rời Huế.

 

Kết luận:  Các nhận định của GS Bùi Duy Tâm về trường YKH khi ông nhậm chức rất lệch lạc.

Do thiếu thông tin hiểu biết, mới đến, còn trẻ tuổi, mà ông bộp chộp phán quyết nặng lời, không thân thiện, hầu như khinh miệt, hạ nhục trường YKH trước đó, mà các đàn anh cùng các giáo sư, bác sĩ nước ngoài tiên tiến, Đức, Pháp đã bỏ công bỏ của đến gầy dựng với biết bao thiện chí giúp đỡ.

 

Đối với các sinh viên YKH lắm người xuýt xoát chỉ kém ông 4, 5 tuổi, riêng bạn Đỗ Văn Minh YKH1 mà sau này là Trưởng ty Y tế Thừa Thiên - Huế, do vào học chậm, tuổi còn lớn hơn ông, thì lúc vừa ra Huế GS Tâm đã mô tả họ là “cái lũ học trò khát khao học hành như con đói sữa” và sau đó ít tháng là “cái lũ học trò với bộ mặt nhớn nhác trong biến cố Tết Mậu Thân…”

(BDT “Một Quảng Đời Qua” Kỷ Yếu YKH 2009)

 

Đi xa hơn nữa, GS Tâm gọi giai đoạn đầu 1961-1967 của trường ĐHYK Huế là “bi thảm”.

(BDT “Lịch Sử Y Khoa Đại Học Huế” Kỷ Yếu YKH Hải Ngoại 2009).

Điều này dễ gây hiểu lầm ông có chủ tâm, dụng ý.

Như vậy là không tốt, ngay từ khởi đầu.

Bô bô quảng cáo YKH thành một trường dạy Đông Y ồ ạt khiến các sinh viên YK Sài Gòn cười thầm, lắm người nhắc nhở đến bác sĩ tốt nghiệp YKHuế với khi dễ,  nói bóng gió là kém trình độ về Tây Y.

Các bác sĩ YKH ở hải ngoại đã nhiều lần phải thanh minh, đính chính.

Riêng tôi nhận thức tôi có bổn phận phải nói lên sự thật để bảo toàn danh dự cho Trường.

 

Ban Biên Tập YKH Hải Ngoại khi cho đăng 2 bài viết của GS Bùi Duy Tâm cũng đã cảnh báo:

“Bài viết dưới đây rất giá trị và nhiều công phu. Tuy nhiên một vài đoạn có thể làm một số bạn đọc khó chịu. Vì sự tôn trọng đối với độc giả cũng như tác giả, BBT xin được đăng nguyên văn…”

 

                2) Trường di tản vào Sài Gòn 1968-1969.

GS BD Tâm có công lớn trong giai đoạn này.

Nhưng ông kể: “Tôi xung đột tứ phía, hung hãn như Triệu Tử Long một đao, một ngựa vùng vẫy trong gươm giáo trận mạc để cứu Ấu Chúa…” thì ‘nổ’ và ‘hài’.

Tôi rất thú vị được tưởng là CIA hay Việt Cộng” thì là siêu nhân bất bình thường! (2)

 

                3) Trường hồi cư về Huế 1969-1972

Khác với giai đoạn trước mà GS Tâm có thể lo chu đáo cho Trường, cho sinh viên, tại Sài Gòn, nay Trường hồi cư về Huế thì GS Tâm chỉ có thể hàng tháng, hoặc hơn, tùy lễ, nghỉ hè… từ Sài Gòn bay ra Huế, hôm nay đi, ngày mai về.

Ông từ chối không ở lại Huế lâu hơn và “dù ai nói đông nói tây”, ông vẫn kiên định.

Rốt cuộc, dù chật vật, người ta buộc phải giải chức ông với lý do chính đáng.

 

                4) GS Bùi Duy Tâm giải chức 1972

Là chuyện chẳng đặng đừng.

Ngẫm lại, các Khoa trưởng YKH thì mỗi người buộc rời trường trong một hoàn cảnh.

-GS Lê Tấn Vĩnh không tham quyền, về lại Pháp rồi gởi thư từ chức; đó là tự nhiên và phải lẽ nhất.

-BS Lê Khắc Quyến làm chính trị thì bị quân đội cách ly Huế, bộ GD không can dự.

-GS Bùi Duy Tâm ỷ y nhiều đại công thì Bộ ra quyết định giải chức.

Nhiều người nghĩ rằng GS BDTâm có công cứu giá Trường YKH sau biến cố Tết Mậu Thân 1968.

Điều này là đúng, tuy nhiên cũng do “thời thế tạo anh hùng”.

Quan trọng hơn nhiều là chuyện trước biến cố Tết Mậu Thân; GS Tâm nhận đảm trách trường YKH (mà ông đánh giá) đang ở trong tình trạng gần như tuyệt vọng, cuối năm 1967. Gặp ông là đúng thầy.

Do nhờ ông có những linh dược: Đông Y, lời thề Hải Thượng Lãn Ông, bộ Quốc Phục Việt Nam?

-Tôi (Lê Bá Vận) thì cùng các viên chức đại học chế độ cũ, ngụy quyền diện “rô hai” (02) được lưu dụng, chỉ học tập cải tạo ở cơ quan, sau ngày 30/4/1975.

 

                 5) Sống với quá khứ huyền thoại.

GS Tâm viết: “...Dư luận chỉ nhớ đến YKhoa Huế qua huyền thoại “Tổng Hợp Đông Tây Y, lời tuyên thệ trước Hải Thượng Lãn Ông và các bộ Quốc Phục Việt Nam”. Gần hai chục năm sau, mọi người còn trân trọng nhắc nhở đến các việc làm của tôi ngày xưa ở Huế.”

Tuy vậy, nếu có nhắc nhở thì chắc không phải trân trọng, mà là nhớ lại một trải nghiệm bi hài.

Thực tế là ngay sau khi GS Tâm giải nhiệm, vị tân khoa trưởng (là tôi) trở về truyền thống cũ của trường khi thành lập, bãi bỏ dạy Đông Y tràn lan (các sinh viên thường bỏ trốn giờ Đông Y), bãi bỏ lời thề Hải Thượng Lãn Ông, không bắt buộc sinh viên vận quốc phục Việt Nam trong buổi lễ tốt nghiệp.

Sinh viên được để tùy ý, nhưng tất cả đều chọn mặc âu phục, có khi mặc áo choàng Đại học, nếu có.

Các thầy thì mặc áo choàng Đại Học, là tài sản chung của Viện Đại Học.

 

“Huyền thoại… trân trọng”, những phát biểu cường điệu đưa chúng ta say men hoài cổ trở về quá khứ huy hoàng trong bộ Quốc Phục Việt Nam, vang bóng một thời “Lều Chõng”. (2)

Lời phát biểu giúp chúng ta hiểu được tâm tư của GS Bùi Duy Tâm, cựu Khoa trưởng trường ĐHYKI Huế 1968-1972. (2)

 

Lê Bá Vận

 

      

1)Lời thề Hải Thượng Lãn Ông, Y Tổ Việt Nam & GS.BDT   2)YKH, 1969, từ trái qua phải, ngồi:  BS Phạm Thị Xuân Quế, GS Bùi Duy Tâm, BS Nguyễn Thị Tinh Châu; đứng: các bác sĩ Trịnh Bình Tây, Đặng Ngọc Hồ, Đoàn Yến, Nguyễn Đại Hiền và Phạm Lương Giỏng. 3) Nam Định: Các tân khoa được ban mũ, áo, hia ( 安南An Nam 403. TONKIN – Nam-Dinh. Lettrés au Concours)

 

Chú Thích:

 

 (1)Thư ngỏ của BCHYKHHN. California 27/11 năm 2009. BS Lại đức Thuần, Chủ Tịch.

 (2) Đó là một người rất đặc bit và khác thường, thể hiện bằng một số việc làm khác người ở trường ĐH Y khoa Huế. (mauthan68hue.blogspot.com/.../bui-duy-tam-nguoi-du-duong-thu)

 

Các tân khoa được Tổng đốc thay mặt nhà vua ban yến. Các khoa thi của triều Nguyễn được tổ chức cho đến năm 1919 thì chấm dứt.

 

 

* Còn tiếp...

 

* Bài viết trường Y Khoa Huế & các Khoa Trưởng (1961-1975). Tác giả: Thầy Lê bá Vận gồm có 3 phần.

Phần 3 sẽ được đăng vào lần tới, xin mời quý vị nhớ đón xem.

BBT/YKHHN

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.