CÂY TRÁI TRONG VƯỜN KỶ NIỆM

(Phần 1)

 

Ngày chúng tôi đặt chân đến Quận Cam, rất khó khăn khi muốn tìm mua một món thực phẩm, hay một loại hoa quả, không những hợp với khẩu vị còn lắm chất Việt trong máu, mà còn để đỡ nhớ nhà vì tìm thấy hình ảnh màu sắc cùng hương vị của quê hương. Những năm kế tiếp, xuất hiện dần là những rau cải, rau muống, mồng tơi, rau lang, khổ qua, mướp, cà pháo… cùng với hành ngò, rau thơm đủ loại. Mươi mười năm sau, đến lượt những trái mít to tròn, thơm lừng được bày bán trong chợ, bên cạnh những trái cây tươi khác như xoài, chuối, ổi, hồng dòn, hồng mềm, đu đủ… Trong một chuyến du lịch Mễ Tây Cơ bằng đường bộ, chúng tôi được chỉ cho thấy những nhà kính trồng rau tươi VN cùng những đồi núi trồng đầy các cây ăn trái VN như mít, xoài… và cho biết chủ nhân là một người Việt tỵ nạn đã ra sức gầy dựng trong nhiều năm qua để rồi mọc rễ luôn tại đây.

Ngày nay, sau bốn thập niên tại xứ người, cộng đồng người Việt hải ngoại không những đã vượt qua nhiều khó khăn trong mọi phương diện để đạt một cuộc sống ổn định với thế hệ con cháu thành đạt tốt đẹp mà còn góp phần vào việc bảo tồn văn hóa Việt Nam trong nhiều phương diện mà trong đó có sự tạo dựng lên những vườn cây ăn trái mang tính cách quê hương và được người Việt mình đặc biệt thích thú. Ai trong chúng ta lại không biết tên các vườn cây ăn trái Lái Thiêu, Cần Thơ, Long An, Biên Hoà… dù chưa một lần có cơ hội ghé đến chơi, ăn tại chỗ, rồi mua đem về. Tại Mỹ, ở Oceanside, tôi đã từng thán phục khu vườn trồng mấy trăm cây Bưởi của đàn anh dược sĩ Viễn; tôi đã ca ngợi không hết lời vườn cây Lựu và cây Bưởi của anh bà con Phan Huy Hùng ở Riverside; tôi đã sững sờ không nói nên lời khi đến thăm vườn cây Hồng Dòn và Hồng Mềm rộng cả chục mẫu của đôi vợ chồng bạn thân Hoàng Thống Lập & Hoàng Lệ Tường ở gần thủ phủ Tallahassee; tôi cũng quá vui thích khi lạc vào vườn trái cây ở Homestead, gần Miami, do một người Việt làm chủ, khi trông thấy bao nhiêu cây Nhãn, cây Bơ, cây Khế, cây Chôm Chôm, cây Vú Sữa, cây Lồng Mứt, cây Cốc, cây Vải…Và đây đó còn biết bao gia đình có những cây ăn trái mến chuộng tại vườn nhà mình, vừa nhìn, vừa ăn vừa làm quà cho bạn trong những dịp vui gặp nhau.

Nếu tôi thán phục và ca ngợi những người Việt ở hải ngoại đã và đang tích cực trong nghề trồng cây trái VN tại nước Mỹ này và tại nước Úc nơi tôi vừa đến du lịch, tôi lại càng hãnh diện khi nhìn lại bản thân mình cũng đã từng sống qua, biết qua nhiều cây trái ở Huế. Tại vườn nhà mình, vườn Ông Bà Nội tôi.

Khi còn nhỏ, chúng ta thường hay lang thang (mà không phải thơ thẩn vì chưa đến tuổi) đi rảo trong vườn, vườn nhà mình hay vườn nhà hàng xóm, thám hiểm cây cối, tìm nhìn các tổ chim, chơi đùa dưới cây với chúng bạn hay với anh chị em trong nhà, trốn núp sau khóm lá, đuổi theo bướm hay chuồn chuồn hoặc đom đóm, tìm bắt các con ve, thằn lằn, cắt kè, bọ hung, con cánh cam, con cắn tóc, hay leo cây bắt chim, hái trái... để tìm vui. Đến khi lớn lên, dù ở nơi xa xôi nào đó, những thoáng nghĩ về căn nhà nơi mình từng lớn lên, về làng xóm của mình, về quê ngoại hay quê nội, luôn đem ta về với ký ức của những kỷ niệm từ cái vườn quanh nhà, những âm thanh của côn trùng, những chim chóc cây cỏ, và nhất là hình ảnh của những cây trái lớn nhỏ. Dù lớn tôi vẫn khó hình dung được vườn Eden đẹp như thế nào, nhưng trong lòng tôi, vườn cây trái nhà tôi mới là khu vườn địa đàng của tôi, là một phần quan trọng gắn bó với tuổi thơ, cùng theo tôi lớn lên... Cắn một trái ổi dòn vừa hái trên cây xuống, bỏ vào miệng hút nước ngọt của trái nhãn, bóc vỏ một trái dâu, xẻ một trái mít, cầm nguyên cả một chùm đào trên tay, nhăn mặt vì một miếng khế chua, cắt khoanh một trái măng cụt, bóp mềm một trái vú sữa, dú trong cartable một trái thị vàng chín… dẫn ta về với bao nhiêu hương vị của thời xa xưa khó quên. Những kỷ niệm quá êm đềm gắn bó với tuổi xanh!

Tôi lớn lên ở xóm Đường Đá, bên hông Tòa Khâm Mạng, Phủ Cam. Vì nhà tôi nằm trong phần đất thuộc về đất của Ông Nội tôi, nên vườn trước và sau của nhà tôi ăn thông với vườn rất lớn của Ông Nội, trải dài từ góc dưới Đồn Girard/ Lăng Mả Tây (nơi có các ngôi mộ của các ông Ngô Đình Khải, Ngô Đình Khôi) bên kia đường của chùa Linh Quang, cho đến đường rầy xe lửa gần tới bờ sông Bến Ngự. Chính trong khu vườn này tôi đã dọc ngang, khám phá, vui chơi, leo trèo, thiếu điều hú lớn để nghe tiếng mình vang dội trong vườn trống, trèo đu trên các cành cây như Tarzan trong mấy phim đen trắng, rồi hái ăn thử, ăn thiệt, không biết bao nhiêu loại trái cây, đủ sắc, đủ vị, đủ loại khác nhau, bất chấp rắn rít, sâu bọ và sự bí ẩn chập chờn bên trong các lùm cây lớn nhỏ của một cái vườn quá rộng cho một thằng bé…

khe Cây trái đầu tiên tôi thường nhớ đến là cây Khế. Cây khế nhà tôi nằm ở vườn sau, cách nhà khoảng chừng 15 thước và trước mộ phần của đại gia đình. Dù là cây Khế chua nhưng tôi có lắm kỷ niệm, là cây tôi tập leo đầu tiên và cũng là nơi tôi bị té môt lần duy nhất từ trên cao xuống nhưng may mắn là không hề hấn gì và không một ai trong nhà hay biết. Từ lúc đọc câu chuyện "Ăn Khế Trả Vàng" tôi càng leo ngồi chơi trên cây Khế nhiều hơn, nhất là buổi trưa khi trốn ngủ. Trái Khế chua dễ sợ nhưng với tuổi con nít hồi đó, chấm ăn với muối hột sao mà ngon lạ! Ngoài ra tôi cũng cảm nhận được cái đẹp của những chùm hoa Khế nhỏ như các hột gạo, nhưng mềm mại, và có màu tím nhạt lẫn với màu trắng, thoáng tỏa ra một mùi hương nhẹ. Khế ngọt thường hiếm hơn, tôi chỉ thấy có một cây khế ngọt ở nhà OB Ưng Trạo ở ngay góc đường bên phải của dốc Phủ Cam, và một cây ở nhà Dì Thông tôi ở tuốt dưới đường Chi Lăng, quá trường Tiểu Học Gia Hội. Duy chỉ có Khế chua là được bán nhiều ở chợ, mua về xắt lát dày ăn với ruốt, hay xắt mỏng ăn cùng trái vả và các loại rau sống khác để tăng thêm khoái khẩu khi và cơm hến, hay ăn bánh xèo… Khế chua cũng được ngâm với nước mưa & nước gạo để giữ nấu canh chua khi mùa mưa tới. Cách đây 4 năm vợ chồng Phạm Đình Vinh & Như Liên từ Florida gởi một mớ Khế ngọt bằng bưu điện cho chị Tinh Châu và nhóm nhỏ chúng tôi cùng chia nhau ăn. Biết bao là tình! Trong chuyến ghé thăm Singapore tháng 3 vừa qua, tôi thật hả dạ khi ăn được trái Khế ngọt đến mấy lần, vừa dòn vừa ngọt mặn lại vừa mát lạnh. Quá đã!

mitCây trái kế tiếp tôi vẫn còn giữ rất nhiều kỷ niệm là cây t. Không kể trong vườn nhà Ông Nội, chỉ riêng vườn nhà tôi cũng có cả mươi cây Mít, vừa Mít Nghệ, mít Ráo, Mít Dừa và cả Mít Ướt. Có cây Mít ráo không to lắm ở ngay sát bên cây khế chua, nên tôi thường leo qua leo về ngồi chơi trên cả 2 bên. Khi đói ăn một vài dái mít với muối hột cũng thấy ngon như thường, dù dễ mắc nghẹn vì chát cả họng. Vào mùa Mít chín cây hàng loạt, các Dì bạn Măng tôi ở trường ĐK cũng như bạn của anh đầu tôi trong đó tôi còn nhớ có anh Kiệt và anh BS. Phùng Văn Hạnh, kéo đến thăm và được các anh chị tôi xẻ Mít mời. Anh thứ hai của tôi đích thân leo lên cây, búng ngón tay vào trái Mít nghe tiếng bịch bịch biết trái Mít chín tới thì tròng trái vào dây rồi cắt cuốn thả xuống từ từ. Có một năm, cây Mít gần chuồng heo có vài trái Mít thật lớn, trái nào trái nấy to hơn cả cái thúng, khiến cả xóm đến coi, khen nứt nở, và anh tôi đã phải dùng dây dừa cột chắc vào cành để tránh trái bị rụng sớm . Đôi khi hái không kịp có đêm Mít rụng nghe bịch bịch, may mà không rớt trúng đầu ai. Múi Mít đã thơm ngon, mà xơ, nhất là xơ cái cũng ngon không kém, thường được phơi khô để dành kho với cá. Còn hột Mít thì luộc hoặc lụi trong tro nóng vừa ăn vừa thổi. Và thổi đi luôn những luồng hơi không mấy trong lành. Còn vỏ Mít với những cái gai lởm chởm? Tôi cũng đã từng được các Sơ bắt quỳ trên đó khimit không chịu làm bài hoặc trả bài không thuộc. Nhiều năm liền, vườn Ông Nội rất được mùa Mít, con buôn vào xin mua khoán rất nhiều cây và chờ khi trái chín cho người đến hái hàng loạt đem bán. Đầu ngõ nhà tôi có một cây Mít nghệ to cao; vào một năm nào đó Ông Nội cho người đến chặt để làm một bộ ván rất lớn cho Bà Nội đồng thời một quan tài cho Ông khi hữu sự. 

Ở Huế không thấy có Mít Tố Nữ, mãi về sau khi vào chơi Sài Gòn tôi mới biết loại mít đó, bóc vỏ rất dễ và các múi dính chùm với nhau. Cầm nguyên cả chùm lớn, ngửa cổ ra cho từ từ từng múi vào miệng. Ngon hết chỗ nói! Nếu như Sầu Riêng cũng thuộc về gia đình mít, thì có lẽ ở Huế không có một cây sầu riêng nào, và người Huế cũng chẳng mấy ai thích ăn Sầu Riêng bao nhiêu, cho đến khi phải rời xa Huế. Có lẽ vì ai cũng đã có sẵn quá nhiều nỗi sầu riêng rồi?! Trong dịp từ Úc về Huế tháng 3 năm nay với bạn Bảo Đạt, con trai cụ Vĩnh Tiên, Tổng Thư Ký Trường YKH trước 1975, khi nghe tôi thèm ăn Mít ướt, cô Trang em gái út của Đạt, đem ngay chúng tôi đến chỗ bán. Về lại phòng khách sạn, mở bao mít ra, mùi bốc lên ngọt ngào mê hoặc nhưng nồng, hèn chi mà người ta thường viết “Em thơm như múi mít” cũng phải?! Hồi còn nhỏ, bạn bè thường hay chọc ghẹo nhau bằng câu “mặt chi mà như mít ướt vậy”, có nghĩa là o nớ, thằng nớ đụng một chút là chảy nước mắt, khóc nhè. Tôi không nhớ rõ ai trong các bạn tôi thuộc loại mít ướt, vì gần gũi với tôi dần dần cũng phải trở thành mít ráo thôi, nếu không thì khỏi cho chơi theo. Hiện tại ở CA, mít bán đầy trong chợ VN. Có vài lần mua về ăn, ăn vào cảm thấy tê tê chích chích khó chịu trong miệng & lưỡi, lại nghe nói ở VN người ta chích thuốc vào cuốn mít để trái mít chóng chín, bèn thôi không dám mua ăn nữa. Xém quên này! Có ai đã từng dùng mủ mít bỏ trên đầu cây dài chấm vào cánh các con ve sầu để bắt chúng về hát riêng cho mình nghe?!

Tuy cây Phượng không được người ta chú trọng mấy về trái phượng mà chỉ về hoa đỏ thắm rực rỡ, nhưng cây Phượng, cả hoa lẫn trái, có thật nhiều kỷ niệm với tôi đặc biệt nhất là trong thời gian 21 năm tôi làm “nội trú” ngay trong xóm trường ĐK. Khuôn viên trường ĐK có rất nhiều cây Phượng, nằm dọc theo các con đường chính, dọc theo phuongtrước các lớp học và ở sân trước văn phòng hiệu trưởng. Vườn nhà tôi ở Phủ Cam cũng có 2 cây và vườn ông Nội tôi có đến cả 5-6 cây, ít hoa nhiều lá vì nằm lẫn lộn trong đám rừng cây cao thấp.  Ai đó đã gọi cây Phượng là Cây Học Trò, có lẽ vì Phượng Vĩ quá gần gũi và thân thuộc với lứa tuổi học sinh, trổ bông khi hè đến, khi viết cho nhau những ước hẹn thân thương trong trang lưu niệm. Đúng vậy, mùa huy hoàng của Phượng là mùa Hè, mùa của thi cử. Thời gian này, hoa Phượng sáng rực cả một góc trời nhờ vào sắc đỏ của nụ hoa kết thành từng tảng lớn. Hoa Phượng có năm cánh, mềm như nhung. Nhụy hoa dài và cong. Xóm ĐK chúng tôi hái các chùm hoa Phượng cho nhau, chấm xem hoa nào đẹp hơn hoa nào. Rồi các o cắm hoa trên tóc và con trai chúng tôi chơi trò lấy các cọng râu của nhụy hoa cho đá với nhau. Cây Phượng được xem như một người bạn xa xưa, gắn bó với từng thế hệ học trò. Các chị đến học thi thường hay ngồi dưới tàn cây Phượng, nhờ tôi hái các chùm hoa phượng, cho vào giỏ xe trước khi đạp về nhà cuối ngày.

“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng

Em chở mùa hè của tôi đi đâu

Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám

thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…

Em chở mùa hè đi qua, còn tôi đứng lại

Nắng ngập đường một vạt tóc nào xa”.  (1)

Với chiếc quần xà lỏn trên người, tôi vui vẻ leo chồm ra các cành nhỏ trong khi phía dưới mấy chị hò hét vỗ tay chỉ chỏ. Khi lớn hơn vào tuổi 13-14, tôi bắt đầu biết dị nên thôi chơi trò khoe của. Vào nửa hè, những trái Phượng màu xanh ngọc bắt đầu có hột, tôi và các bạn “nội trú” xóm ĐK lại trổ nghề leo hái trái, một mặt dùng những trái phượng cứng thẳng làm kiếm đánh chơi với nhau, một mặt bẻ hoặc đập những trái phượng ra để ăn hột bên trong. Bùi, ngọt lợ lợ, và dẻo, nhất là cái bọc như đông sương. Ăn chơi mà thành thiệt vì… say. Thời gian sau, trái quá già và cứng, chúng tôi đem trái phượng nướng lên rồi bóc hột ra ăn. Khi mùa tựu trường đến, những cây phượng chỉ còn lá xanh với vài trái phượng đen lưa thưa trên cành cao. Phượng lại trở về dáng xưa quen thuộc, với hàng lá mọc song song hai bên cuống, trông như đuôi con chim, che rợp với cả khoảng sân với lá xanh um, hân hoan trong im lặng chào đón đám học trò mới với những con kén của sâu rọm, sâu đo, treo tòn teng trong gió, giữa những tiếng la hét sợ hãi của các cô bé áo trắng khi kén sâu rơi trên tóc.

daoTrong vườn nhà Ông Nội tôi có 3-4 cây Đào (mà người Nam gọi là cây mận) khá lớn, trong đó một cây luôn cho trái màu xanh cho dù chín tới, trái của cây này lại ngọt và có cơm dầy; 3 cây còn lại có trái to hơn, hơi rỗng ruột một chút, màu hường/hồng nhẹ. Tôi thích nhất là khi với được mấy chùm Đào lủng lẳng gần đất hay bám sát thân cây. Khi leo cây Đào, tôi thường hay bị kiến cắn, bu quanh các chùm đào và rốn trái đào. Hoa đào có vẻ đẹp mơ với những chùm lông dịu màu trắng có núm vàng ở giữa, rung rung dưới cơn gió nhẹ. Nhưng tôi hoàn toàn không nhớ đến hương thơm của hoa Đào.So với mận đỏ Sài Gòn, Đào Huế nhỏ và chát hơn, và ít nơi trồng, vì vậy hiếm khi thấy Đào được bán nhiều ngoài chợ. Tôi cũng không biết từ đâu mà có danh từ “hai quả đào tiên.” Có chăng từ bản nhạc Thiên Thai qua câu “Thiên tiên, chúng em xin dâng hai trái đào tiên”? Nhà vợ chồng bạn Nguyễn Đình Minh Hùng ở Huntington Beach có một cây mận trái đỏ rất bắt mắt (xem hình), và lẽ đương nhiên có nhiều hơn 2 quả, vì vừa qua anh chị Hùng hái cả mấy bịch với từng chùm mận to nhỏ đem tặng cho các bạn tham dự ĐH YK Huế 2015.

bangNằm tuốt gần hàng rào ở vườn sau nhà tôi là một cây Bàng to, cao, trông rất uy nghiêm, tàng cây rất lớn. Các con chim lạ và lớn thường hay đậu hoặc làm tổ trên cây này. Muốn đến cây bàng là phải băng ngang qua mộ phần đại gia đình được xây dựng trên 3-4 thế đất có độ cao khác nhau, với ngôi mộ Ba tôi nằm chính giữa và dưới cùng, và mộ ÔB Cố Nội nằm trên thế đất cao nhất, gần phía cây Bàng. Các anh chị lớn tôi thường thách đố mấy đứa em nhỏ lên tận cây bàng vào ban đêm lượm 1 cái lá đem về sẽ được thưởng, nhưng chẳng có ai dám làm vì quá sợ ma, nhất là được nghe kể hoài câu chuyện cặp vợ chồng mặc áo trắng ngồi vắt vẻo trên cây, đu đưa ru võng cho con, khi khóc khi cười, trèo lên tụt xuống thân cây ban đêm… bangMỗi lần nghe câu chuyện là mỗi lần tôi vừa sợ vừa co rúm người lại, nhưng cảm thấy kích thích và muốn nghe hoài. Nằm ở ngã ba của một cành cây bàng, có một chùm cây lạ, thỉnh thoảng có bông nhỏ màu trắng rồi hột màu vàng. bangMãi về sau khi lớn hơn một chút, tôi mới biết đó là một loại hoa chùm gởi sống nhờ vào thân cây khác. Loại hoa này trở thành một phần đời của vợ chồng chúng tôi từ khi định cư tại Hoa Kỳ! Mấy chị em chúng tôi thường chạy lên cây bàng lượm lá bàng khô màu đỏ đậm, to hơn cả bàn tay, và kết chúng thành nón đội chơi trên đầu. Ngoài ra chúng tôi cũng lượm luôn những trái bàng, ăn lớp vỏ chín vàng mỏng bên ngoài, rồi đập trái tìm ăn hột bàng bên trong, nhiều khi cũng đập luôn ngón tay của mình. Lần du lịch Côn Đảo năm 2013, chúng tôi nhìn thấy cả trăm cây bàng với thân cây to cỡ 2-3 người ôm, mang bảng hiệu “Cây Bàng, Cây Di Sản Việt Nam” vì số tuổi trên cả vài trăm năm.

vu-suaVườn nhà Ông Nội tôi có 2 cây Vú Sữa nếp, khá lớn, nhưng trái lại không to lắm, có lẽ vì đất khô, chứ nếu ở vùng Long Thọ, Nguyện Bi, Phường Đúc, Kim Long… trái vú sữa thường lớn và ngọt hơn. Vườn nhà ÔB. Ưng Trạo, nơi mà Măng tôi thường hay dẫn tôi theo mỗi khi đến thăm, có một cây Vú Sữa rất lớn, ở sân trước và đàng sau cây vả. Có lẽ vì có đầy đủ ánh sáng, nên trái vú sửa to và ngọt hơn của cây vườn Ông Nội tôi. Tuy nhiên cũng không bằng giống vú sữa của Miền Nam. Có loại vú sữa nếp với da màu trắng và vú sữa gạo với da màu tim tím. Các anh chị tôi thường hái trái vú sữa chưa chín đem về dấu trong thùng gạo, vì nếu trễ chim đến mổ dành ăn. Trước khi ăn trái vú sữa, cần phải xoa bóp cho thật mềm rồi mới nút vào cuống và sau đó cắt ra dùng muỗng xúc ăn, nhưng tôi vẫn không mấy thích vì mủ dính răng, cho dù tiếng gọi của trái rất tượng hình. 

nhanAi ở Huế mà lại không biết cây Nhãn, nhất là những cây nhãn “chùa” hai bên các đường trong thành Nội là nơi chúng tôi đạp xe đạp ban đêm đến nhìn người ta leo cây hái trộm và để cảnh sát rượt chạy cho vui. Vườn nhà Ông Nội tôi có 9-10 cây Nhãn thật lớn, nhất là 4 cây nằm ngay trước nhà chính. Với cây nhãn (có người gọi là cây nhỡn, không biết vì kỵ húy chi đây?), ít có con nít như tôi được leo lên cây. Vì đến mùa ra trái vừa vừa, Ông Nội tôi thuê người đến bao trùm các chùm trái nhãn bằng mo cau, và sau này bằng bao giấy dày để tránh chim ăn trái. Vì vậy mới gọi là Nhãn Lồng. Đến mùa thu hoạch, Ông Nội cho người lên cắt xuống, rồi phân phát cho từng gia đình các con cháu. Gia đình tôi vì đông anh chị em và vì ở gần nên có lẽ được chia phần nhiều hơn các gia đình khác. Đó cũng là một dịp các con cháu xúm lại đến thăm ÔB . Nội, vui chơi cả giờ với ÔB Nội và với nhau trước khi nhận phần nhãn đem về nhà. Nhà bác Bửu Sưu và Cô Hai Trinh tôi cũng có nhiều cây nhãn.

Có năm tôi bị đỏ mắt và đổ ghèn, nghe người lớn nói ăn nhãn nhiều làm nóng trong người? Chẳng biết trúng trật ra sao, nhưng cũng vì vậy mà từ đó tôi không thích ăn nhãn nữa, vui lắm thì 5-6 hột thôi. Tuy nhiên ăn chè Nhãn bọc hột sen nấu với đường phèn luôn là một món chè rất ưa thích trong gia đình tôi. Ở Little Saigon, những năm về sau này, nhãn được bày bán nhiều dần, vừa ngon vừa rẻ, có lẽ từ Florida chở qua. Sau lần ĐH ở Orlando năm 2012, nhóm chúng tôi gồm có vợ chồng Hoàng Ngọc Vinh & Mộng Thúy, chị em Hồng Loan & Vân, và vợ chồng chúng tôi giang hồ xuống tận mũi Key West, dừng lại vùng Homestead để chiêm ngưỡng những cây trái VN. Cây Nhãn đầy ngập cả trái nhưng không cần lồng bao, và còn biết bao cây trái khác. Qua năm sau, anh chị Châu Lam Sơn đem cả mấy chục ký nhãn từ Florida về cho Đại Hội tại Grand Garden. Thật là quý hóa!

oiCó lẽ mọi người ở Huế không ít thì nhiều đều có kỷ niệm với cây Ổi. Vườn Ông Nội tôi có trên cả chục cây Ổi, đa số là Ổi sẻ nằm tụm lại trong khu mộ hình bán nguyệt của người Chiêm Thành, về bên hông trái của đường chính từ hướng Đồn Girard đi vào nhà, mà mỗi lần tôi vào hái ổi, cho dù là ban trưa tôi đều cảm thấy e dè sợ hãi, như vào một nơi linh thiêng. Trái ổi ở đây nhỏ và cơm màu hườm đỏ bên trong. oiNgược lại vườn nhà tôi chỉ có 2 cây ổi nằm gần hàng rào sân trước, thuộc loại ổi nếp, trái to hơn và cơm màu trắng. Ngon hơn hẳn ổi sẻ. Bắt chước anh tôi, tôi cũng tìm vài nạng chỉa hai của cành cây ổi cắt ngắn và gọt sạch làm ná bắn chim, vừa chắc lại vừa đẹp vì cân xứng cả hai bên. Hầu như vườn nhà ai cũng có cây ổi và hái ổi thường dễ, nên tôi cũng có vài lần chui qua hàng rào vài nhà bên cạnh hái trộm. Có lần bị con chó đứng ngay dưới cây ổi sủa inh ỏi và dương nanh đe dọa, tôi sợ không dám trèo xuống, ngồi miết trên cây mà khóc. Người hàng xóm ra đem tôi xuống và đưa về nhà.oi Chiều lại khi Măng tôi về, các chị tôi mách lại, Măng tôi cầm roi quất cho tôi mấy cái rồi đem tôi qua nhà bên cạnh bắt tôi xin lỗi. Ở California mươi năm sau này rất nhiều nhà người Việt ta có trồng cây ổi xá lị. Nhà bạn Bùi Thạch Thuần có 4-5 cây ổi, năm nào cũng rất sai trái, thường kêu tôi xuống, không những hái sẵn cho cả bao lớn đầy trái ổi đã rửa sạch, mà còn gói theo 1 bịch muối ớt bỏ chung vào với vài trái ngon lựa sẵn, ý như mời ăn ngay trong xe không cần phải chờ về tận nhà. Nhà tôi cũng có một cây ổi, tuy trên 30 tuổi, nhưng trái vẫn còn lớn, dòn, và ngọt mặn mà rất có duyên. Có một năm vào dịp Tết Âm Lịch, quý chị Trần Quang Hân và Lê Khắc Tánh ghé đến nhà và được mời ra vườn hái lộc ổi đầu năm. Trong mùa ổi năm vừa qua, chúng tôi hái nhiều đợt và gởi Priority đến nhiều bạn YKH kèm theo 1 bao muối ớt. Hình trên là do Nguyễn Hồng Loan gởi ngược lại sau khi nhận thùng ổi. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng xử dụng lá ổi non để gói tré.         

sauTôi nghĩ không phải ai ở Huế cũng biết cây Sấu, vì cây Sấu rất hiếm. Tôi chỉ thấy một cây Sấu duy nhất khi gia đình Măng tôi di chuyển vào ở trong trường ĐK vào năm 1952. Cây Sấu nằm ngay ở sân Thể Dục ở phía sau Preaux và gần với bức tường ra ngã đường Ngô Quyền, ở góc nhìn về phía nhà Lao Thừa Phủ. Mỗi khi đến mùa trái, chúng tôi kéo ra xúm nhau leo lên hái trái chia nhau ăn. sauTrái Sấu tròn và to hơn hòn bi, da hơi sần sùi và có màu xanh xám. Khi chín, da bên ngoài dày hẳn ra và ăn vừa dòn vừa dai, bên trong không có hột mà chỉ có cơm màu vàng đậm, chua chua ngọt ngọt, rất hấp dẫn (đối với lũ con nít hồi đó). Sau vài ba mùa trái, bỗng nhiên bà Hiệu Trưởng ra lệnh chặt cây sấu để dành chỗ làm sân điền kinh có hình bầu dục cho các nữ sinh tập chạy, cùng với các bệ nhảy cao, nhảy dài và thang leo dây. Sau một vài năm, chương trình thể thao điền kinh được bãi bỏ và thế bằng loại thể thao nhẹ nhàng theo kiểu aerobic múa tay chân tại sân Preaux hay các con đường xung quanh cột cờ. 

Vườn nhà tôi không có cây Cam, nhưng vườn nhà Ông Nội tôi có khoảng 7-8 cây Cam nằm gần nhau ở phía sau nhà chính và xa tuốt trên mấy đồi nhỏ. camĐa số cây Cam đều già, cằn cỗi, cao chừng 3-4 thước với những trái cam nhỏ và chua lè, có lẽ do thiếu ánh sáng mặt trời vì dưới tàng các cây lớn. Ở Huế đa số những trái cam mà tôi ăn thử trái đều chua cả. Không biết vì sao, nhưng chắc cùng một giống hay vì đất mà ra. Cho đến sau này, khoảng từ năm 1956, nhà dòng Thiên An bắt đầu thành lập một đồn điền trồng cam, bên cạnh hồ nuôi cá rô phi. Măng tôi có mua cam trực tiếp từ nhà dòng và những trái cam đó lớn hơn và ngọt hơn bình thường. Không rõ sau 1975 vườn Cam và hồ nuôi cá còn hay không? Có lần đang vít cành cây cam xuống để hái, tôi bỗng nhìn thấy một tổ ong thật lớn nằm trên chóp cây, tôi liền thả cành trong tay ra thật nhanh, làm cho cành cây này đập trúng tổ ong. Những con ong nghệ bay túa ra, nhưng tôi nhanh chân chạy một mách ngang qua bên hông nhà Ông Nội khi đó đang đứng trước cửa. Ông vẫy tay kêu tôi lại, hỏi đôi ba câu rồi kéo tôi vào phòng cho mấy miếng bánh lạt. Thật là hú vía! Khi lớn lên vào Sài Gòn, ăn được những trái cam nhập cảng mang nhãn hiệu Sun Kiss mới thấy cam ngon tuyệt. Trong trí nhớ, tôi có nghe qua và có ăn Cam Xã Đoài, với hình dáng hơi bầu, vỏ bên ngoài xanh vàng mỏng và bên trong ngọt mặn, nhưng thật tình không biết giống cam này xuất phát từ đâu. Giờ đây nhà chúng tôi luôn có những trái cam ngọt trên dĩa trái cây.

quytVườn Ông Nội tôi có 2 cây Quýt, được kêu là Quýt ngọt, vì trái quýt này ngọt hơn trái cam nhưng thật ra là ngọt lơ lớ, 1/3 ngọt, 2/3 chua. Không hiểu vì sao mà Ông Nội tôi có vẻ ưa chuộng 2 cây Quýt này, có thể vì cả hai cây nằm gần ngay trong sân trước mặt nhà chính của Ông tôi nên Ông tôi hưởng được mùi thơm của hoa Quýt, hay vì trái Quýt khi chín trông vàng rất đẹp hoặc vì cây không quá cao nên Ông có thể với tay lên cao là hái được ngay. Cho nên tôi đã từng được Bà Nội dạy cho biết không được hái quýt. Thỉnh thoảng thấy tôi đứng dưới cây quýt nhìn trái, Ông kêu vào cho một trái; Bà Nội thì nhất định mấy cũng để dành cho Ông Nội ăn mà không cho ai. Hồi còn nhỏ, tôi khó đoán biết trái cam khác với trái quýt ra làm sao. Mãi đến khoảng 5-6 tuổi mới biết được vì nhìn được trái cam tròn còn trái quýt hơi dẹp xuống chút. Và bóc vỏ trái quýt dễ hơn, trái cam cần phải dùng dao cắt ra. Huế ta có Quýt Hương Cần nổi tiếng, đặc biệt ngọt và đậm đà vì có 1 chút chua nhẹ và mặn. Trong khi đó loại Quýt Đường ở Miền Nam thì quả là ngọt thiệt nhưng lại không có duyên như quýt Hương Cần.

 

Vĩnh Chánh YKH-7

 

*** Bài viết được chia làm 3 phần, xin mời quý vị đón xem phần 2 vào kỳ tới.

BBT kính mời.

 

.

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.