CÂY TRÁI TRONG VƯỜN KỶ NIỆM

(Phần 3)

Lúc nhỏ, tôi không bao giờ biết một cây cao khoảng 2-3 thước, có nhiều cành nhỏ với vô số những hột xanh, vàng, đỏ và đỏ đen, nằm ngay trước nhà chính của ông Nội,  cùng trong một khoảng đất với các cây Nhãn, cây Dâu chua, cây Quýt… Cây Cà Phê, cho đến một ngày đầu Tết, khi mọi người trong gia tộc tụ tập trước Sân Chính để làm lễ chúc Tết Ông Nội, các anh các chị con bác, con chú, con cô đến gần cây, với ngắt và bóp trong tay vài trái đỏ của cây, rồi đưa lên mũi ngửi và kêu lên “Cây Cà Phê nè!” Tôi nhớ mình cũng có thử đưa hột Cà Phê lên ngửi, nhưng chẳng thấy mùi chi! Có lẽ đây là một loại cây hơi hiếm ở Huế vì tôi không thấy nơi nào có cây Cà Phê ngoại trừ ở vườn Ông Nội tôi. Sau lớn lên, khi được cho nếm thử cà phê sữa đặc, tôi mới bắt đầu liên hệ biết đích thực đó là cây Cà Phê, và từ hột nghiền ra thành bột, uống mỗi ngày đâm ra ghiền, “no coffee, no work” đúng quá! Nghe vài người bạn có dịp lên Cao Nguyên chơi gặp lúc Cà Phê trong các đồn điền dọc hai bên đường nở bông hàng loạt với hàng trăm chùm hoa trắng rất đẹp và thơm cả vùng đồi núi.

Khi vợ chồng chúng tôi về thăm mộ phần của đại gia đình ở Huế, cháu tôi cho biết Cây Trần Bì là một trong những cây hiếm quý nay hầu như biến mất tại Huế, sau khi một nhóm người cố tình mua đứt những cây Trần Bì rồi đốn ngã, để sau đó lại thấy trái Trần Bì được nhập cảng từ Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trên thị trường ở Huế. Có người nói Trần Bì là tên của da các trái cam quýt. Nhưng với tôi cây Trần Bì là một cây lớn rất sum sê với nhiều cành lá, nằm ở tuốt cuối vườn sau của Ông Nội. Cây mang nhiều chùm trái màu vàng khi chín, vỏ có vị the và hơi cay, bên trong hơi ngọt và có 1 chút chua. Người xưa thường xử dụng vỏ Trần Bì này như một loại thuốc cho đường tiêu hóa. Nhưng bệnh gì cho đường tiêu hóa, tôi hoàn toàn mù mịt.

Cây Bình Bát là một loại cây trái leo trên thân của những cây khác. Tôi vẫn nhớ những trái Bình Bát có màu rất đẹp, khi còn trái nhỏ có màu lục, rồi đổi sang màu vàng, đến khi chín hẳn có màu đỏ rất tươi, trông thật mát mắt. Cây Bình Bát nằm trong vườn nhà tôi và leo trên mấy cây tre, ngay sát hông với vườn Ông Nội, gần với cây hoa thiên lý, các cây thơm, các cây gừng, cây bình tinh, cây sắn, các bụi sả, bụi ớt… Mấy chú chim thường thích ăn trái Bình Bát này, làm rụng những hột đen nhỏ bên trong xuống đất. Anh chị em chúng tôi không ai thích ăn trái Bình Bát vì mùi vị rất nhạt, vô duyên, gọi là flat nếu xử dụng tiếng Mỹ để diễn tả một trái cây không có vị ngọt, chua, chát, mặn, the… Dù vậy, chúng tôi vẫn hái đem vào nhà nếu có cơ hội và để ở chỗ này chỗ kia vì màu đỏ tươi của trái, hay cho bạn bè trong xóm, trường học.

 

Hột Xoay là loại trái trong vườn kỷ niệm của tôi mà cho đến giờ này tôi vẫn không biết và không thấy được cây mẹ, to lớn như cây Mít hay thấp lùn như cây Sim. Có điều tôi chắc Cây Xoay, mà có người kêu Cây Xay, ở trong rừng chứ không phải trong các vườn tược hay trên các đồi núi, và được các người sống gần rừng hái đem về bán cho dân thành phố. Dân lên xuống rừng thường đi ngang qua xóm Đường Đá nên nhà tôi hay có dịp mua cả rổ hột Xoay. Những lúc đó, anh chị em trong nhà xúm lại chia nhau vừa ăn, vừa giỡn vừa ca hát chuyện trò, và có lẽ tôi là người luôn luôn được cho phần nhiều, dù là nhỏ nhất. Tôi vẫn còn nhớ hột Xoay có dáng hơi dẹp, màu đen xám, da mịn như nhung. Ăn vào có vị chua ngọt y như Me Rốp, quả có thể chứa 1-2 hột, hơi dẹp. Nếu để hơi khô ăn sẽ mất ngon rất nhiều. 

Chỉ riêng vườn nhà ông Nội tôi mới có 3 Cây Sa Bô Chê, một cây nằm trước nhà chính, 2 cây còn lại nằm bên hông trên con đường từ cổng đi vào của xóm Đường Đá. Những cây này cao khoảng 4-5 thước và có tàng lá rộng. Cây này nằm trong danh sách được ÔBà Nội tôi ưa thích vì các trái Sa Bô Chê ngọt mềm. Đến mùa có trái, tôi cũng thường đứng dưới thân cây nhìn lên, chứ không dám leo hái, và cũng chưa bao giờ thấy hoa của cây. Từ nhỏ cho đến chín, trái Sa Bô Chê không thay đổi màu bao nhiêu, từ màu cà phê sữa nhạt cho đến hơi chút đậm, trái có hình bầu dục hoặc mình thon dài như quả trứng gà. Mình thịt bên trong có màu nâu, mịn, có vị ngọt như đường đen và hột đen tuyền. Nếu ăn phải trái chưa chín tới thì rất khó chịu vì bên trong còn cứng, chát và có mủ, vì thế cần phải dú trái nhiều ngày trước khi ăn và thường phải xoa bóp trái để lượng xem chín tới chưa. Trong thời SV YKH, tôi có thấy nhiều cây Sa Bô Chê ở vườn nhà bạn Nguyễn Chi, với trái to hơn và thơm ngọt hơn. Sau này còn có loại Hồng Xiêm, hay Lồng Mứt với trái thật lớn, dày thịt, ít mủ và không có hột-  ngon hơn Sa Bô Chê nhiều, bày bán ở các chợ Việt trong vùng Little Saigon khi gần cuối năm.

 

Hồi còn nhỏ, mỗi khi đi ăn kỵ trong đại gia đình, nhất là về phía bên Ngoại, tôi thường sợ khi thấy món xôi có màu đỏ tươi, nên chê không ăn. Khi lớn thêm vài tuổi, tôi mới biết đó là xôi nấu với thịt trái Gấc và từ đó bắt đầu biết thưởng thức mùi vị thơm béo của xôi Gấc. Cả vườn Ông Nội và vườn nhà tôi đều không có Cây Gấc, nhưng vườn nhà của một dì dượng ở hơi xa ở trong Thành Nội, gần tới Mang Cá, có vài ba cây Gấc leo bên hông nhà. Tôi nhớ những trái Gấc đó không mấy to, màu đỏ đậm, ngoài da sần sì với những gai, treo lủng lẳng trên các dây. Nhưng đến khi nhìn thấy giàn Gấc trong sân trước của cô bạn Bùi Thanh Hương của nhóm Thiên Hựu & J’Anne D’Arc, mới thấy tuyệt vời (hình bên cạnh), với một loạt trái Gấc to đều với nhau, đu đưa khoe màu đỏ thắm. Ngoài món xôi Gấc, tôi không biết Gấc còn được xử dụng trong thức ăn nào nữa!? Trong một chuyến về VN, một bạn thân của “boss” tặng một hộp lớn gần cả kílô thịt trái Gấc đông lạnh. Về đến nhà, “boss” tôi đem nguyên hộp biếu lại cho một người em họ chuyên tổ chức các tiệc kỵ hàng năm của đại gia đình, nói là “để trong nhà mình đến khi nào mới xài cho hết.” Vậy là chúng tôi có dịp ăn xôi Gấc dài dài, cứ mỗi 2-3 tháng.    

Cây Cốc duy nhất ở vườn Ông Nội là một trong những cây mà tôi thường ưa leo trèo, hái trái. Không hiểu vì sao mà bọn nhỏ chúng tôi lại ưa ăn các trái cây “độc địa” như ổi, xoài tượng, me, cốc… Phải chăng vị chua luôn là vị hấp dẫn của trẻ nít?! Hay vì tên gọi cười đùa Cốc Ma Ru? Nằm giữa vườn sau lưng nhà chính, cây cao nhưng lại dễ leo vì có nhiều nhánh thấp. Ở dưới nhìn lên, các chùm Cốc trông thật ngon lành. Trái Cốc vườn này không to lắm, vỏ hơi cứng, ở giữa có hột tua tủa với gai mềm và cơm bên trong chua, nên thường phải chấm với muối ớt mới ngon. Tôi nhớ dưới Vỹ Dạ, trong Thành Nội, Kim Long và ở An Cựu cũng có cây Cốc. Ở Huế chẳng thấy ai bày bán trái Cốc, đa số bạn bè chuyền tay cho nhau khi đi học ở trường. Khi vào Sài Gòn, tôi mê mẩn nhìn mấy xe ba gác trưng bày những trái Cốc xanh tươi trong lồng kính, một đầu được cắt xòe ra một cách mỹ thuật, có trái được ngâm sẵn vào trong nước muối đường có thêm vị cam thảo, có trái nằm trên đống nước đá mát lạnh và được cắm vào 1 que tre từ cuốn, bán với gói nhỏ muối ớt, nhai dòn tan và ăn vào thấy cả một thiên đường khi trời nóng kinh khủng bên ngoài. Về lại VN mấy lần, cũng nhìn thấy những chiếc xe ba gác đó, nhưng tôi không dám thử lại vì không những sợ đau bụng, mà còn vì mình đến tuổi chỉ thích ngọt thôi.    

Như đa số những Cây Lựu tôi thấy được từ Huế, nhất là trong vườn nhà của các gia đình lớn hay của các cụ các quan của thời triều đình, 2 Cây Lựu nhà Ông Nội tôi được trồng trong chậu kiểng, đặt ngay ở sân trước của nhà chính, gần với các chậu kiểng Kim Quất. Thân cây gầy ốm và do đó các trái lựu cũng nhỏ và có màu vàng úa, chứ không đỏ hẳn và lớn như cây Lựu ở sân trước nhà tôi hiện nay ở Mission Viejo (hình bên cạnh). Hồi đó tôi không nhìn thấy hoa Lựu, nhưng trong những năm vừa qua, cây Lựu trước nhà tôi ra hoa có màu sắc đỏ tươi thắm, mũm mĩm thật dễ thương. Mỗi lần nhìn cây Lựu trước nhà, tôi cứ tâm tưởng đến 2 chậu Lựu kiểng ở nhà Ông Nội tôi năm xưa qua hình ảnh ông tôi đứng tần ngần nhìn ngắm các trái lựu bé tí trong chậu kiểng một cách thỏa mãn và bình an. Vào thời đó, đời sống của những cụ ông thật đơn giản! Mấy năm sau này, cây Lựu nhà sai trái, nên bà xã thường xuyên xay hột trái Lựu làm nước uống. Nội nhìn màu đỏ tươi hấp dẫn của nước ép cũng đủ thấy thương rồi. 

Tuy vườn nhà không có Cây Cà Na, hột Cà Na đã ăn sâu trong đầu tôi từ thủa bé khi được cho ăn những hột Cà Na khô, ngọt bùi, bán ở các tiệm bánh kẹo và đồ ăn khô của người Tàu, như trái Cắn Chỉ, Nhãn khô, Táo Tàu… Khi tôi vào Tourane học lớp Terminale ở Lycée Blaise Pascal, tôi ở trọ trong nhà người chị con Bác ruột ở đường Nguyễn Thị Giang. Hầu như mỗi cuối tuần bắt đầu từ tháng 8 cho đến gần tháng 12, nhạc phụ của chị họ tôi đem nhiều sản phẩm từ vườn nhà ông ta ở Hòa Vang về cho các cháu nội trong nhà. Một trong những trái cây thường thấy nhất là trái Cà Na. Lúc đầu tôi ăn sống chưa quen nên thấy không mấy ngon. Nhưng dần dần, càng ăn càng thấy thích, càng cảm nhận được mùi vị béo béo, bùi bùi, lớ lớ chát chát, đắng đắng của trái Cà Na, và càng ngon hơn nếu trái được dầm vài ba ngày trong nước muối. Ở tiệm họ bán trái Cà Na ngâm trong nước muối, đường và cam thảo. Cũng trong cùng năm học, một người bạn cùng lớp, tên là Long “đen”, ở ngay đối diện nhà chị họ tôi, có lẽ “kết” với tôi, nên thỉnh thoảng rủ tôi đạp xe đạp cùng nhau về thăm quê ngoại ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng. Tại nơi đây, tôi mới nhìn thấy cây Cà Na như thế nào, các trái Cà Na có hình bầu dục, nhỏ cỡ ngón tay cái, nằm từng chùm trên các cành cây, có dáng và màu hơi giống nho xanh, rất dễ hái bằng tay hoặc  bằng khèo cây. Sau này tôi nghe nói cây Cà Nà được trồng rất nhiều ở Ninh Thuận và đồng bằng sông Cửu Long. Bây giờ nếu thèm hay nhớ đến Cà Na, mời các bạn cùng tôi đến các tiệm Vua Khô Bò có trưng bày 4-5 loại Cà Na khác nhau. Bưa sức mua đem về nhà để có “một thời để ăn và một thời để nhớ.” 

Vườn Ông Nội tôi có chừng 3-4 cây Cây Trứng Gà; nhà ÔB. Ưng Trạo và nhà dì Thông tôi ở tuốt phía cuối đường Chi Lăng, Gia Hội, mỗi nhà có một cây. Tôi nhớ mình rất thích cây này vì dễ leo hái, cây thường có rất nhiều trái cho mỗi mùa, và nhất là trái Trứng Gà thật ngon tuy dễ nghẹn khi ăn. Có đôi khi tôi đang ở trên cây thì Bà Nội đi ra, đứng dưới cây chỉ chỏ cho tôi hái trái này trái kia, có lẽ vì sợ tôi hái lầm trái còn quá sống. Đẹp nhất là các trái Trứng Gà chín đồng loạt trên cây, đâu đâu cũng là những trái màu vàng khè, riêng rẽ từng trái hay nằm chung với nhau từng chùm 2-3 trái xen lẫn với các chùm lá xanh. Tôi chưa thấy trái Trứng Gà nào chín trên cây, mà thường hái khi thấy đủ lớn rồi đem về dú vài ba ngày hay đôi khi cả tuần. Trái ngon thường có dạng trái tim với đầu nhọn, vỏ mỏng. Đến khi chín, chỉ cần dùng tay bẻ nhẹ thấy bên trong cơm màu vàng thắm, bở, thơm ngọt. Nếu trái còn hơi sống, thịt cứng và có vị chát. Hột bên trong có một mặt màu nâu đậm trơn láng, một mặt luôn bám bởi thịt vàng. Lần về SG, tôi được đàn em YKH Mai Thu Cúc cho ăn trái Trứng Gà theo yêu cầu, tuy vẫn thấy ngọt, bở, thơm ngon, nhưng không đủ để cảm thấy hạnh phúc như khi còn nhỏ cùng ngồi ăn trái Trứng Gà với các anh chị mình bên cạnh. Người ta còn gọi trái Trứng Gà là trái Ô Ma (?), cái tên nghe kỳ cục quá!

Đang viết hơn nửa bài này, chị kế tôi gọi qua, và cả hai chúng tôi say sưa nhắc đến những cây trái trong vườn nhà mình và vườn Ông Nội. Vì sợ tôi quên, nên chị nhắc chừng vài loại cây trái, trong đó có Cây Mâm Xôi, nằm ngay vườn trước nhà tôi, gần với mấy cây Mít và leo vươn lên hàng rào hướng về phía Lăng Mộ Tây. Mấy bụi cây Mâm Xôi này hình như mọc lên trong khoảng mùa hè, cho trái trong vài tháng, sau đó tàn đi rồi bỗng trở lại năm sau và năm sau nữa. Cây có vẻ mọc hoang, cho ra từng cụm hoa màu trắng để khi trái mọc ra thành từng chùm với nhiều quả Mâm Xôi bên nhau, màu đỏ tươi, có vị ngọt chua, phảng phất mùi vị của Dâu Tây (Fraise) nhưng không thể nào đẹp bằng và ngon bằng. Khi qua đến Mỹ, mỗi lần nhìn thấy hộp Rasberry trong chợ, tôi hình dung đến những trái Mâm Xôi trong thời trẻ dại của tôi. 

 

Vườn Ông Nội có một Cây Lý, vườn nhà tôi cũng có một Cây Lý, hai cây cách một hàng rào tre. Cây Lý phía bên vườn tôi cao và lớn hơn cây bên vườn Ông Nội, có lẽ vì không bị ánh mặt trời che như phía bên kia. Mỗi khi cây Đào bên vườn Ông Nội nở hoa rồi ra trái, thì 2 cây Lý này cũng nở hoa và đậu trái trong cùng một thời gian. Không những hình dáng của trái Lý gần giống như hình dáng của trái Đào mà hoa của cây Lý cũng rất giống hoa của cây Đào với những chùm lông trắng dài hơn, mướt hơn và trắng hơn. Nếu hoa của cây Lý nhìn đẹp hơn hẳn hoa cây Đào, thì ngược lại, trái Đào đẹp mặt hơn và ăn ngon hơn trái Lý.


Nhắc về giàn Su Le, giàn nằm về phía hông trái của nhà, hơi gần với hàng rào. Cột của giàn được làm bằng thân cây tre với các nhánh tre che phủ ở trên. Đây là nơi các con ong thường bay lui tới khi Su Le đến mùa trổ hoa có màu trắng vàng. Sau một thời gian, vào những tháng 11-12, những trái su nho nhỏ có màu ngọc bích xuất hiện, treo tòng teng dưới giàn. Càng lớn, trái Su Le càng có dáng như trái lê, và da bên ngoài hơi sần sùi với những gai nhỏ nổi trên mình. Khi tôi lớn hơn, từ các Cha người Pháp dạy tôi ở trường Providence, tôi được biết tên Pháp của Su Le là Chouchou, cũng vì vậy mà có nhiều người kêu Su Le là Su Su, một loại cây được người Pháp đưa vào Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ 20 từ các thuộc địa Pháp như đảo Madagasca, Reunion, Nouvelle Calédonie… Đang viết bỗng nhớ, không biết tên Su Su của con trai đầu bạn cùng lớp Trần T. Ngạc và tên Chou Chou của con trai bạn Trần T. Bích Thụy, cũng cùng một lớp, có dính dáng đến giàn Su Le của tôi không?
Các anh chị tôi thường hái các trái Su Le khi chúng đang còn nhỏ và xanh le, cắt ra bên trong hạt màu trắng, mềm và có hình thuẩn. Nếu để già hơn, phía dưới của trái, chỗ chẻ hai, sẽ có cái lưỡi mầm le ra, và trái này sẽ được giữ gây giống, trồng xuống đất trong vài tuần tới. Phải chăng đây cũng là lý do mà trái được gọi là Su Le?! Với Su Le, Măng tôi làm các món chiên xào, luộc hay hầm xúp. Ngoài ra, Su Le cũng được cắt lát và phơi khô, cho vào trong thẩu dưa món của Tết. Ngon hết sẩy! Qua đến nuớc Mỹ, trái Su Le có tên là Vegetable Pear. Ở đây da của trái Vegetable Pear hoàn toàn trơn láng, và mướt, bán đầy quanh năm trong các siêu thị Việt Nam. Món Su Le xào với thịt gà và món Su Le hầm với sườn non luôn là những món các con chúng tôi ưa thích khi chúng còn chưa bay nhảy khỏi tổ ấm. Và cũng ở Mỹ này tôi mới biết có thêm trái Su Hào mà tôi chỉ ăn qua vài lần.
Vào hè năm học Quatrième, tôi có tham gia cuộc đi trại hè với các thanh niên thuộc nhóm Cha Phục của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Cũng ba lô trên vai, cũng đi bộ từ dưới Cầu Hai cho đến tận đỉnh Núi Bạch Mã không thua gì các anh lớn trong đoàn. Trong bảy ngày đêm đóng trại ở trên núi Bạch Mã, món Su Le non xào với tôm khô luôn để lại cho tôi hương vị khoái khẩu mà giờ đây, mỗi khi hình dung đến chuyến cắm trại năm ấy, tôi luôn nhớ đến món Su Le xào.   

Cây Sim
“Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt.
Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Khi còn tóc búi vai”  (2)
Từ xửa từ xưa cho đến bây giờ, không một ai không biết đến bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” tuyệt tác trứ danh của thi sĩ Hữu Loan được phổ nhạc qua bản “Những Đồi Hoa Sim.” Cây Sim mọc hoang ở các bìa rừng hay trên các ngọn đồi trọc. Chỉ những khi tôi được Măng tôi cho đi theo lên thăm nhà dòng Thiên An, hay cùng gia đình đi chơi ở vùng núi Ngự Bình, các lăng tẩm, hoặc trên đường ra viếng nhà thờ La Vang thì họa may các anh chị em chúng tôi tôi mới nhìn thấy các cây Sim mọc rải rác hay từng cụm bên đường, trong rừng thông hay trên các cánh đồi của núi Ngự Bình hoặc dọc theo quốc lộ ra Quảng Trị.
Cây Sim thường thấp, nhiều lắm là cao ngang đầu gối, mọc trên các triền đất đá khô. Mùa nở hoa phải là vào cuối xuân, là những cánh hoa tím tím hồng hồng với nhụy vàng bên trong thật vừa dễ thương vừa kiên cường giữa một không gian hiu quạnh và khắc nghiệt, để khi mùa nóng cháy da của hè đến, các trái Sim màu tím đậm hay nhạt, bắt đầu xuất hiện từ từ và âm thầm lớn dần dưới trời nắng chang chang. Có lẽ chỉ có con nít mới tò mò hái trái Sim ăn thử cho biết mùi vị cũng như để vui cười với nhau khi thấy miệng lưỡi đứa nào cũng tím. Trái Sim không thể mập mạp và to hơn đầu ngón tay cái. Trái vừa chín tới không có hột, nhưng để già thì hột bên trong cứng dần. Tôi ăn trái Sim bằng cách cho phần đầu vào miệng trước, giữ phần đuôi trong 2 ngón tay, cắn bụp ngay gần phần đuôi, vứt phần đuôi còn lại đồng thời nhai trái Sim trong miệng
Sau này, khi vào Nhảy Dù và trên đường tiến đánh chiếm lại ngọn Đồi 1062 ở Thường Đức / Đại Lộc vào tháng 7, 1974, tôi di hành theo chân với TĐ1ND, vượt qua rất nhiều đồi trọc tràn ngập bởi một màu tím Hoa Sim. Một màu tím đẹp… chết người, và nguy hiểm vì địch đã chôn đầy những mìn cá nhân trên quảng đường lắt léo quanh co qua các ngọn đồi lên đến bìa rừng trên cao, đề phòng và chống trực thăng vận của phe ta. Sau khi công binh mở đường dò mìn đi trước, mọi người trong đơn vị được căn dặn cẩn thận đi hàng một, người sau theo đúng chân người đi trước. Ngay cả khi lệnh trên cho nghỉ, hay cá nhân muốn đi tiêu tiểu, đều phải đứng trên con đường nhỏ. Một chuẩn úy trong đại đội chỉ huy bước ra ngoài con đường, cách bộ chỉ huy TĐ và tôi đang đứng nghỉ không quá 20 thước. Trong một tích tắc một tiếng nổ ầm vang lên cùng với bụi khói và mùi thuốc súng, anh đã gục ngã tại chỗ, giữa những bụi cây Sim tím, với cả 2 cẳng chân hoàn toàn bị cắt lìa do sức nổ. Đó là cái chết đầu tiên tôi phải đau khổ chứng kiến dù đã nhanh tay làm hồi sinh cấp cứu. 

Tuy biết Cây Sầu Đông không phải là một loại cây ăn trái, nhưng tôi vẫn muốn viết về cây này. Ngay ngõ trước nhà tôi và nằm về hướng tay trái nếu từ ngoài đường đi vào, là cây Sầu Đông, còn được gọi là cây Sầu Đâu, cây Xoan. Gần đó là 2 cây Mít và hàng chè tàu dọc theo con đường nhỏ từ ngõ trước đi vào đến gần nhà tôi. 
Từ nhỏ tôi leo lên cây Sầu Đông ngồi chơi rất nhiều lần, nhất là những lúc trông chờ Măng tôi đi làm về buổi chiều. Vì nhà tôi ở nơi cao nhất của xóm Đường Đá, chỉ thua Đồn Tây Girard nằm trên đồi cao sau nhà, nên khi vắt vẻo trên cây Sầu Đông, tôi nhìn thấy rõ Măng tôi từ xa đang từ từ leo lên dốc. Tôi vội tuột xuống cây, chạy nhanh xuống dốc đón Măng tôi, kéo tay Người đi nhanh lên dốc hay lục lọi túi xách tìm bánh kẹo, phụ Người mang đồ. Tôi đã từng ăn thử hột Sầu Đông vàng ngậy khi chín tới nhưng hột đắng dễ sợ, đắng đến nỗi một đứa con nít luôn thèm ăn vì đói như tôi cũng đành phải nhăn mặt nhổ ra sau khi lỡ cắn vào. Ngoài những chùm hột Sầu Đông bắt mắt, từ màu xanh lục khi còn nhỏ cho đến màu vàng óng ánh khi chín, còn có hoa Sầu Đông cũng đáng nhớ, với những chùm hoa nhỏ, mịn màng có màu tím nhẹ, đặc biệt rất thơm nồng, nhất là khi chiều tối. Lá Sầu Đông còn được xử dụng để dú các trái cây cho mau chín tới.
Con đường giữa trường ĐK và Lao Thừa Phủ, có một loạt cây Sầu Đông bên cạnh những cây Phượng. Bạn bè “nội trú” trong cùng lứa tuổi thường ra hái các hột Sầu Đông để quăng ném nhau. Sát bên hông Cirque Sportif Huế, gần bờ sông, bên kia Đập Đá và khu vực dạo nào của Chè Cồn cũng có những cây Sầu Đông cao lớn. Gần đây, trong chuyến thăm Huế một mùa Đông, đây đó là các cây Sầu Đông trơ trụi với các chùm hột khô queo trên cành, làm tôi chạnh nhớ đến mối tình bất hạnh của nàng Đông Nghi, muốn thoát ly ra đi với người yêu là lính Pháo Binh trong truyện “Mưa Trên Cây Sầu Đông” của Nhã Ca, một truyện nổi tiếng trong giới học sinh, sinh viên dạo nào ở đất Thần Kinh.

Dọc theo con đường trong trường ĐK, từ cột cờ đến sân chơi Preaux, là hai hàng Cây Mù U nằm cả hai phía, với thân cây thấp bằng nửa chiều cao cột cờ, có tàng cây rộng, lá dày và xanh tươi. Cây Mù U nở hoa quanh năm, cho nên nhìn lên cây, bao giờ tôi cũng thấy các chùm hoa màu trắng khá đẹp với nhụy vàng ở giữa, giải thích vì đâu các con ong nghệ hay làm tổ ở đây, bay vù vù đe dọa chúng tôi khi chúng tôi leo cây hái các hột Mù U để quăng nhau, nếu ai bị trúng vào đầu cũng la làng vì đau.  Tôi không nhớ hoa Mù U có hương thơm và mùi hương như thế nào. Nhưng các hột Mù U tròn đồng đều, xanh, và có nhân rất cứng. Khi chín, hột có màu nâu vàng. Và cũng như hột Sầu Đông, tôi đã thử hột Mù U không thể nào ăn được vì đắng và có mủ. Ở phía sau của hồ bơi Cirque Sportif, gần bức tường mà sau này trở thành con đường mở rộng cho cầu Hương Giang với góc đường Lê Lợi, có khá nhiều cây Mù U rất cao, mà mỗi lần chúng tôi bước lên tầng cao nhất để plonger đều có thể nắm giựt vài hột Mù U quăng nhau, hay tạm ngồi chơi trên đó và hưởng bóng mát từ tàng cây buổi xế chiều. Trong mấy năm gần đây, bỗng nhiên tôi thấy nhạc mẫu tôi có mấy chai dầu Mù U. Bà thường xoa dầu này khi bị ngứa, bị đau nhức, bị nóng phỏng… Tôi không mấy thích dầu này vì mùi ngai ngái như ammoniac.

Trong chuyến tìm về thăm “cảnh cũ lối xưa” sau 38 năm xa xứ, khung gian xưa ấy nay thật tàn tạ. Con đường đi vào nhà ÔB. Nội từ phía chùa Linh Quang và Đồn Girad bị thu hẹp khiến xe taxi len lỏi một cách khó khăn. Căn nhà 3 tầng sơn màu trắng toát và bề thế dạo nào của ÔB. tôi nay mang một màu vàng úa nhớp nhúa với những loang lổ tàn phai của thời gian, và bảng hiệu của một công ty xây dựng trên tường. Nơi xưa kia từng là chỗ của những cây trái cao lớn, những bụi hoa trái rực rỡ màu sắc trong vườn địa đàng của tôi đã biến mất, nhường chỗ cho vô số những căn nhà lụp xụp, vô trật tự mà thoạt nhìn vào khách cứ tưởng như cả một làng nhỏ mọc lên không đồng đều. Bên cạnh nhà chính là căn nhà nhỏ 2 tầng, nơi Ông Nội tôi dọn ra ở riêng một mình trong mấy năm cuối đời, và là nơi tập trung bao nhiêu sách viết bằng tiếng Nôm của Ông, nay để trống, trông còn thảm thương hơn nữa, với mái ngói hầu như đổ nát, vách tường bám đầy rong rêu, cây cỏ bò đến tận chân tường, cửa chính và các cửa sổ xiêu vẹo, cái mở cái đóng. Hờ hững, lạnh lùng.  
Tôi ngập ngừng bước qua phía vườn nhà mình, nơi mảnh đất từng là nghĩa trang uy nghiêm đại gia đình, đã bị dời đến một nơi khác sau 1975, nay hoàn toàn hoang phế trong ngậm ngùi, mất dấu trong rừng cỏ dại. Các cây Khế, cây Bàng, cây Mít, cây Tre, cây Cau, bụi Chuối … tất cả đều không còn. Miếng đất trở nên khô cằn, vô cảm, thể như sự sống và linh hồn đều bị lấy mất, cho dù có đến 3-4 cái nhà ngang nhiên chiếm nằm trên thửa đất của căn nhà cũ tôi từng ở.  

Khi viết bài, tôi không có tham vọng giới thiệu tất cả các cây trái của vườn Việt Nam. Mục đích của tôi chỉ giới hạn đến hình ảnh và câu chuyện xung quanh cây trái mà tôi đã nhìn thấy, ôm trèo, thèm khát, khèo hái, cầm ăn, thu dấu, ghi nhận, thách thức, cảm xúc, sống qua, mơ mộng, chơi đùa, lưu luyến… riêng một mình tôi hay chung với các anh chị tôi, bên cạnh Măng tôi, trong vườn nhỏ của nhà tôi, trong vườn quá lớn của ÔBà Nội tôi, hay trong khuôn viên trường Đồng Khánh, hoặc trong căn nhà đầy thương yêu, luôn tràn ngập những tiếng cười vui chan hòa hạnh phúc của sáu anh chị em chúng tôi.
Tôi đã sống thời thơ ấu và niên thiếu của mình trong một khung trời gần gũi với thiên nhiên cây cỏ, gắn bó với đại gia đình và xóm làng. Khúc tình ca quê hương hẳn phải là những ấn tượng sâu đậm phát xuất từ một tuổi thơ trong trắng, được thương yêu, bình yên và đơn sơ. Đấy là những màu sắc góp phần vun xới cuộc đời tôi sau này, hướng tôi trở nên một con người lạc quan, trong rèn luyện học hỏi, trong thử thách nguy khốn, trong binh đao khói lửa, trong tù đày cùng cực, khi bấp bênh trên biển cả, khi xuôi ngược trên xứ người…
Vườn sau nhà chúng tôi hiện nay có một cây Khế ngọt, lớn, mua từ Vườn Cây Mimosa. Tuy trồng xuống đất từ 4 năm qua, nhưng cây Khế vẫn èo uột, thân cây không cao thêm, không to ra, các cành cây lần lượt trở nên khô héo dần, các lá đâm ra nhỏ và dễ vàng úa, chùm hoa khế cũng nhỏ và chóng chết khô. Và đương nhiên cây Khế chưa một lần cho ra trái, dù chúng tôi cưng chiều, chăm bón tận tình. Những khó khăn tương tự cũng xẩy đến với cây Quýt, cây Chuối, tuy tương đối đỡ hơn. Không hạp khí hậu thời tiết ư? Không đúng phong thủy? Đất đồi quá cứng chăng? Trồng xuống đất không đúng mùa? Thiếu nước, úng nước? Thấy dễ vậy nhưng chẳng dễ chút nào! Nhìn cây Khế ương ương dở dở mà lòng cứ đau xót và tức nghẹn.Trồng cây của mình ở quê hương thứ hai khó như vậy, huồng hồ là trồng người cho nên người ở xứ này!

Người Mỹ có câu “There are two things you give your children: one is root, the other is wings.” Tôi có. Tôi được cho cả hai. Một cội nguồn căn bản vững chắc, một đôi cánh vươn cao không giới hạn. Ước mong con cháu tôi cũng được như tôi. 

Vĩnh Chánh YKH-7
Tháng 9, 2015
Bên bờ hồ Mission Viejo, CA

  1. Đỗ Trung Quân
  2. Dzũng Chinh

 

 

.

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.