VÁ và VÀNG

 

1946-Con Vá

 

Tin cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu làm thành phố Huế xôn xao. Ủy ban nhân dân ra lệnh đồng bào tản cư. Gia đình Dì tôi và Mẹ tôi cùng thuê một chiếc đò để đưa mọi người về Kế Môn, có Cậu bà con tôi ở đó. Ai cũng được dặn dò chỉ được đem theo những thứ rất cần thiết. Cái cần thiết nhất của tôi lúc bấy giờ là con Vá, con chó thân yêu và trung thành của tôi. Nó không chỉ là người bạn mà còn là người bảo vệ của tôi, nhờ nó mà không có đứa trẻ nào trong xóm dám ăn hiếp tôi, cứ mỗi lần đánh bi, đánh đáo, hễ có đứa nào sừng sộ, muốn gây lộn, đánh đập tôi là nó lại chạy đến bên cạnh nhe răng ra, đứa nào cũng sợ hết. Vì từ Huế về Kế Môn cũng khá xa mà vì sợ máy bay Pháp nên đò chỉ chèo về đêm, chủ đò không chịu cho đem con Vá theo, Dì tôi và Mẹ tôi cũng vậy. Tôi phải khóc lóc năn nỉ thiệt nhiều, cuối cùng họ bằng lòng với điều kiện tôi phải giữ không cho nó sủa bậy và không làm dơ bẩn đò. Đi đến nơi xa xôi một mình làm sao tôi có thể không có con Vá được.

 

Xa lìa một thành phố đông đảo, nóng nực, không khí nặng mùi chiến tranh, để trở về vùng quê yên tĩnh, gió mát trăng thanh, chợ búa còn nhộn nhịp, dân chúng còn vui vẻ chăm lo việc đồng áng, chúng tôi ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng, và ngày nào tôi cũng chạy rông cùng làng với con Vá. Đùng một cái, tin Tây về Thanh Lương, cả làng xôn xao chuẩn bị. Thanh niên phải vào đội du kích, hằng ngày mang theo dao, gậy mã tấu ra đình làng để tập, thiếu niên cũng được tập để vào đội liên lạc. Tôi vì nhỏ con và ốm yếu nên được miễn. Các lò rèn trong làng được lệnh phải làm thật nhiều mã tấu. Các gia đình phải chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để khi Tây đến thì rút hết vào trong rú, đốt nhà, đốt chợ theo đúng chính sách tiêu thổ kháng chiến mà trên đã ban xuống. Tôi thấy gia đình của Dì tôi và Mẹ tôi lo sợ ra mặt, nhưng dân trong làng nhất là Cậu tôi thì lại có vẻ rất hăng say, chỉ chờ Tây đến là đánh.

 

Nhưng rồi cái ngày đau buồn nhất của tôi đã đến. Vì sợ các cuộc hành quân của bộ đội và du kích bị lộ, các gia đình được lệnh phải giết chó và cái ngày cuối cùng phải giết chó đã định. Có lẽ biết tôi rất thương con Vá nên muốn cho tôi được sống với nó thêm ít ngày

mà chưa ai nhắc chuyện đó với tôi, nhưng tôi vô cùng hoảng hốt, phải làm sao cứu sống nó, giết nó chẳng khác gì giết tôi. Sáng ngày đó khi mọi người còn ngủ tôi xuống bếp lấy mấy củ khoai rồi cùng con Vá chạy ra khỏi làng đi vào trong rú, tìm một lùm cây thật kín chui vào. Tôi ôm chặt con Vá vào người, nhìn nó mà lòng đau như cắt, tôi nói với nó: mình có mấy củ khoai, ráng ăn đỡ, chịu đói trong ít ngày, yên ổn rồi mình sẽ trở về. Hình như linh tính nó cho biết có cái gì rất nguy hiểm đang đến với nó, nó nằm im và lộ vẻ rất sợ sệt. Trưa lại khi tôi đang bẻ củ khoai để cho nó một nửa, tôi một nửa thì nghe tiếng lao xao và tiếng gọi tên tôi ở đằng xa, mọi người đang đi tìm tôi. Con Vá vùng đứng dậy, người tôi run lên, tôi bật khóc và khóc thành tiếng. Người thấy chúng tôi trước nhất là Mẹ tôi. Mẹ chui vào lùm cây, ôm lấy tôi, lấy vạt áo lau nước mắt cho tôi, lấy tay xoa đầu tôi rồi xoa đầu con Vá, Mẹ nói: về đi con, không ai giết nó mô.

 

Tôi và con Vá về lại nhà. Mẹ tôi lấy cơm cho tôi ăn; Mẹ tôi cũng múc cho con Vá một đọi cơm đầy, chan cho nó một ít nước cá và trộn cho nó một cái đầu cá. Tôi tìm một sợi dây cột nó vào tay tôi. Ai nhìn tôi cũng có vẻ thương hại, nhưng không ai nói ra một lời. Cuối cùng Cậu tôi đã đến tìm tôi, nói chuyện với tôi: Con thương con Vá lắm phải không? Cậu cũng thương nó lắm, nhưng hiện giờ làng mình đang lập phòng tuyến chống Pháp. Cậu và các anh, các chị cũng như mọi người trong làng đều là du kích, sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ tổ quốc, giữ con Vá lại trong làng rất nguy hiểm cho họ, con đưa nó cho Cậu để gửi cho người quen của Cậu ở làng khác nuôi. Con thương Cậu, thương các anh các chị, các bác các chú trong làng, thương tổ quốc của con không? Tôi ngần ngừ, nhớ lại mới năm ngoái đây khi Nhật chưa đầu hàng mỗi trưa tôi cố gắng xin Mẹ một xu chạy qua ngả giữa mua cho được tờ Việt Nam Tân Báo  để đọc tin tức và đọc những bài viết về độc lập, tự do, tình yêu quê hương tổ quốc, tôi nhớ đến Cậu Bé, ở cạnh bên nhà tôi, người đã dạy tôi học và trước khi Cậu vào trường Thanh Niên Tiền Tuyến đã dạy tôi hát: xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân…, tôi cũng nhớ cái buổi chiều mưa lất phất bay, tôi đứng ở trước trường Khải Định cũ, đưa tiễn đoàn quân đầu tiên trong đó có Cậu Bé và một số lớn Thanh Niên Tiền Tuyến đi đến nhà ga trên đường Nam tiến. Nhìn họ hiên ngang vai đeo súng và ba lô, vừa đi vừa hát: Một là đi là không trở về, một là đi là không trở về… máu trong người tôi như sôi lên, trông sao cho mau lớn để tham gia chiến đấu với họ. Tôi có thể trả lời chắc chắn với Cậu tôi là tôi có yêu tổ quốc tôi, nhưng tôi không biết làm sao gắn liền tình yêu đó với mạng sống của con Vá được. Cuối cùng, mặc dầu biết 99%  Cậu tôi đã nói láo với tôi, tôi đã giao con Vá cho Cậu với 1% hy vọng còn lại, Cậu tôi sẽ đưa nó cho người khác nuôi. Chiều đó tôi khóc không ngừng nghỉ, bữa cơm tối nuốt không vô, Mẹ tôi gắp cho tôi mấy miếng thịt, tôi để lại, sợ rằng đó là thịt của con Vá.

 

Tối đến tôi ra bờ sông, vừa ngồi xuống là lại khóc, vì con Vá không còn ở bên cạnh như thường ngày. Tôi nói: Vá ơi chắc bây giờ mi đã chết rồi, thôi để tau tìm trên trời, con sao nào sáng nhất là mi đang ở đó. Một sao băng xẹt qua, Vá đi rồi đó: Vá ơi thôi từ biệt! Mi hãy đi thật xa, thật xa, đừng bao giờ trở lại với loài người nữa, vì họ luôn luôn sẵn sàng để giết mi với những lời lẽ tốt đẹp nhất.

 

1975- Con Vàng  

 

Mùa thu năm 1975, tôi một mình trở về Huế để đi dạy lại như cũ. Bước chân vào căn nhà tôi đã từng sinh sống từ hồi thơ ấu mà bao năm nay tôi ít khi trở lại, tôi chẳng thấy ngỡ ngàng tí nào, phía trước Bà Cụ tôi cho thuê, phía sau giữ lại để có ai về thì ở. Hai vợ chồng người thuê nhà thấy tôi thì vồn vã lắm. Họ nói: Nghe tin Ông về chúng tôi ráng ở lại để trao chìa khóa cho Ông, ngày mai chúng tôi sẽ về quê để làm ăn, hiện nay mất biên chế không biết lấy gì mà sống. Số tiền thuê nhà còn thiếu của Bà Cụ chắc chúng tôi không trả được. Sợ họ áy náy tôi nói, trước khi đi không nghe Bà Cụ tôi nhắc chi đến chuyện tiền thiếu cả. Đang nói chuyện vui vẻ bỗng từ đằng sau vườn một con chó vàng, ốm nhom, ghẻ lở đầy lưng, cố lấy hết sức vừa chạy vừa rên, đến bên tôi chồm lên, ngoe nguẩy đuôi mừng rỡ. Ồ con Vàng đây rồi, bảy tám năm rồi mi còn nhớ tau, lạ thiệt. Tôi nghĩ. Ông thuê nhà nhìn con Vàng rồi nói: Khi Bà Cụ đi chúng tôi vẫn nuôi nó bình thường nhưng từ ngày tiếp thu đến bây giờ tiền lương không đủ ăn rồi lại mất biên chế, tiền dành dụm càng ngày càng cạn, chúng tôi bị đói là thường, nên không còn cho nó ăn đầy đủ. Tôi cáo biệt hai ông bà xách vali vào nhà trong, con Vàng lẽo đẽo đi theo, tôi mở ngay vali, lôi ra ổ mì tôi đã mua ở sân ga, định để tối nay ăn, bẻ hết cho con Vàng. Sắp đặt mọi việc xong, tôi lấy cái khăn lông, cục xà phòng rồi kêu con Vàng chạy ra sông tắm. Tôi nhảy xuống nước, vẫy tay cho con Vàng xuống mà nó không xuống, ngày xưa khi nào tôi nhảy xuống tắm là nó cũng xuống theo, có lẽ lưng của nó bị lở. Nhưng hôm nay thế nào tôi cũng phải tắm cho nó, tôi bẻ cục xà phòng làm hai, lấy một nửa, dội nước và chà xát cho nó, nó đau, rên lên nhưng không chống cự. Vàng ơi, có lẽ mi không bao giờ nghĩ rằng có ngày mi được Cậu Chủ tự tay săn sóc như thế này. Tối lại nằm ngủ trên phản ngựa, thấy con Vàng nằm yên ở dưới chân. Tôi buồn buồn nghĩ thầm, trong đời của mình ngoài mẹ mình không biết còn ai thương và trung thành với mình như con Vàng.

 

Ông bà thuê nhà dọn đi thì gia đình bà chị bà con của tôi dọn đến. Vì không muốn làm phiền Chị, tôi ăn hai bữa cơm tại quán cơm tháng, nhưng tôi có đưa cho Chị một ít tiền để nấu thêm cho con Vàng. Chị tôi làm ở nhà thương nên tôi nhờ Chị xin một ít thuốc xức cho nó. Thế là tôi và Chị tôi hợp sức săn sóc và nuôi nấng nó, chỉ vài tháng sau, nó đã lấy lại sức, lưng không còn ghẻ lở, thân hình cũng không còn ốm tong teo nữa. Không biết cả ngày nó làm gì nhưng chiều lại đạp xe về đến cửa là thấy nó nằm ở cửa, mõm đặt lên bậc thềm vừa rên vừa ngoe nguẩy đuôi mừng tôi, chờ cho đến khi tôi bước qua khỏi thềm nó mới đứng dậy, tiếp tục ngoắc đuôi và theo tôi. Hằng tháng nhu yếu phẩm lãnh được tôi đều đưa hết cho bà chủ quán, do đó mà cứ mỗi tháng tôi có một bữa ăn đặc biệt, cơm thì vẫn độn khoai, sắn hay bo bo, nhưng đồ ăn có thêm được vài miếng thịt nhỏ. Ngày đó thế nào tôi cũng để dành cho con Vàng một miếng.

 

Hôm nay thì rất đặc biệt, không phải là miếng thịt nhỏ mà là tóp mỡ, tôi có được món cơm bobo trộn tóp mỡ. Tôi lấy riêng tóp mỡ ra, đem hết về cho nó. Trên đường đi tưởng tượng khi nó ăn, ngoe nguẩy đuôi như thế nào, ăn xong liếm mép rồi nhìn lên tôi để xin thêm như thế nào mà đã thấy vui rồi. Đạp xe đến nhà nhìn lên cửa không thấy hình bóng của nó, có cái gì xảy ra cho nó rồi. Tôi vội vã vào nhà hỏi mấy đứa con của Chị tôi, không ai biết, tôi ra sau vườn kêu tên nó một lúc cũng không có. Thôi chắc nó đi đâu đó tối nó sẽ về, ai bắt nó làm chi. Sáng sớm mai lại nó cũng chưa về, tôi đi làm mà trong lòng rất lo âu, bồn chồn, cả ngày đó cứ trông đến chiều về để xem sao. Từ đằng xa ngó thấy cái mõm của nó trên bậc thềm, cả gánh nặng ngàn cân như trút ra khỏi người tôi, cái âm điệu rên rỉ của nó sao hôm nay nghe sao du dương quá vậy. Tôi đánh khẽ vào mông của nó rồi đi vào nhà, tôi tìm lại gói tóp mỡ tôi còn để dành trút cho nó ăn. Tôi chợt thấy một dây vải bị dựt đứt, cột vào cổ của nó. Ai đó đã bắt trói nó và nó đã dùng sức dựt đứt chạy về. Tôi nói: Vàng, từ nay về sau tau không cho mi đi nữa, sáng và tối tau dắt mi ra vườn, thì giờ còn lại tau cột mi, mi đừng trách tau, mi đi ra ngoài người ta sẽ giết mi để ăn thịt. Thế là tôi bắt đầu cột nó, những ngày đầu nó còn vui nhưng qua những ngày sau thấy nó có vẻ buồn quá, tôi đi về nó không còn mừng nhiều như trước nữa. Chiều đó tôi mở trói cho nó và nói: Tau thả mi đi gặp bồ của mi đây, ráng cẩn thận, và mau về. Và từ đó tôi không gặp được nó nữa. Hỏi thăm lối xóm thì họ nói, mấy lúc này xung quanh đây bị mất chó nhiều lắm, bộ đội đóng trong trường học, có con chó nào lọt vào là bị bắt làm thịt hết, ngày nào cũng nghe thấy tiếng chó kêu inh ỏi sau sân trường, hình như bộ đội cũng có nuôi một hai con chó, không biết có phải chính những con này đã rủ rê những con khác đến.

 

Vì những lo âu trong cuộc sống, cố gắng thích nghi với những thay đổi, cố giữ cái tâm niệm là dù với hoàn cảnh nào mình cũng sẽ ráng để thành người hữu ích, tôi không có thì giờ để nghĩ đến con Vàng, tôi nhanh chóng quên hẳn nó.

 

Trời đã qua thu mà Huế vẫn còn rất nóng, như thường lệ tôi đem ghế ra bến sông sau vườn ngồi hóng mát, nhìn những chiếc đò chèo qua lại, thấy khung cảnh êm đềm yên tĩnh mà không biết ngày mai sẽ ra sao. Thôi cứ để dòng đời trôi như dòng nước. Một áng mây đen bay qua che lấp mặt trăng, không gian tối sầm lại; tôi nhìn qua bụi cây nhà bên cạnh bỗng thấy một con chó đang chạy lại phía tôi. Tôi đứng dậy, buột miệng: Vàng mi về rồi hả. Nhưng không phải, đó chỉ là ảo giác. Tôi ngồi xuống thở dài, tau quên, người ta đã gỉải phóng cho mi rồi, và tự nhiên nước mắt tôi trào ra.

 

Đăng Trình

 


 

 

Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.