BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ THẬP KỶ 1960. (Ph 1&2)

 

http://www.ykhoahuehaingoai.com/ky/images/hinhchoBVTUHue/1.jpg
BVTƯH 1960 từ cổng trước, 16 Lê Lợi nhìn thẳng ra cổng sau, 3 Ngô Quyền, cách xa khoảng 300 m, bằng chiều ngang sông Hương trước mặt bệnh viện.

 Thân tặng các bạn sinh viên các trường Đại học Y khoa Huế, Nữ hộ sinh, Cán sự Y tế Điều dưỡng, Y tá, Tá viên Điều dưỡng đã đi thực tập hoặc làm việc tại bệnh viện Trung Ương Huế, nhất là trong thập kỷ 1960.

Lê Bá Vận

 畫水無風空作浪,繡花雖好不聞香。
Ha thy vô phong không tác lãng. Tú hoa tuy ho bt văn hương.
 (V nước gió không, sao ni sóng. Hoa thêu tuy đp chng mùi hương)

Bệnh Viện Trung ương Huế (BVTUH) từ ngày thành lập đến nay đã trên 120 năm (1894-2016), trải qua bao thăng trầm gắn liền với lịch sử giàu biến cố của cố đô Huế, lúc thạnh lúc suy, thay xương đổi thịt lắm lần, song: “Min là cá dưới hồ, Cn con cũng có ngày to kết sù,“ để ngày nay trở thành một bệnh viện lầu cao dãy dọc, nguy nga đồ sộ, hoành tráng, nổi bật bên cạnh các cơ sở bao quanh như hạc giữa bầy gà, ngảnh mặt trông ra sông Hương thơ mộng, trên một con đường lớn và đẹp nhất của Thành phố, cạnh Quốc lộ 1A, sát chân Cầu Mới (cầu Phú Xuân) bắc ngang sông.
Lịch sử hình thành và phát triển BVTUH trong hơn một thế kỷ có thể giản lược như sau :

1. 1894 Thời kỳ phát khởi, lợp tranh ở bờ sông Hương, lớn dần thành một bệnh viện nhỏ.
2. 1907 Thời kỳ tái tạo, 200 giường, sau cơn bão dữ dội năm Giáp Thìn 1904.
3. 1920 Thời kỳ trưởng thành, trên 1000 giường bệnh; 1944, tên chính thức BVTUH.
4. 1947 Thời kỳ thu hẹp, quân đội Pháp chiếm đóng, b/viện chỉ còn 1/3 diện tích ở góc sau.
5. 1954 Thời kỳ phục hưng: hiệp định Genève, đình chiến; Pháp rút lui, trao trả cơ sở.
6. 1968 Thời kỳ hoán diện, xây dựng cao ốc tiếp sau biến cố Tết Mậu Thân 1968.
7. 1975 Thời kỳ Xã Hội Chủ Nghĩa, bao cấp và đổi mới.
Song thời kỳ thập kỷ 1960 là có những biến chuyển đổi đời.

l)Thập Kỷ 60 Và Các Năm 1959, 1968      
Khởi đầu thập kỷ 1960, BVTUH có thêm 2 thành viên mới.
Năm 1960 một khu điều tri trẻ em – khu Nhi Khoa – 3 tầng với 150 giường bệnh do quỹ UNICEF tài trợ được khánh thành và 1 tòa nhà mới cho khoa X quang kề cận phòng Mổ được xây dựng.

Quan trọng là thập kỷ 60 có hai thời điểm tạo khúc rẽ ngoặt mang ý nghĩa trọng đại đối với chức năng và phát triển của BVTUH. Sự việc lại trùng hợp đối với cá nhân tôi và gia đình trong tình cảm và lối sống, gắn bó với BVTUH.
Đó là 2 mốc thời gian 1959 và 1968.

*Năm 1959: BVTUH đổi đời.
Trường Đại Học Y Khoa Huế chào đời năm 1959 (NĐ/GD 21/8/1959) hai năm sau khi Sắc lệnh 45/GD ban hành ngày 1/3/1957 cho thiết lập tại Huế một Viện Đại Học Quốc Gia.
Mùa thu năm 1957, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm đã ra Huế đích thân chủ tọa  lễ khai mạc vừa  khai giảng niên khoá đầu tiên của Viện.
Sự hiện hữu của Viện ĐH Huế đã đem lại niềm tin tưởng và tự hào cho nhân dân miền Trung, đặc biệt cho cố đô Huế là vùng địa đầu của miền Nam tự do kề cận chế độ miền Bắc cọng sản.

Tuy nhiên Đại học Y khoa Huế thai nghén gặp phải khó khăn chống đối đến từ nhiều phía, cho rằng Huế mở trường Y khoa sẽ thiếu thầy dạy và thiếu trang bị, chất lượng đào tạo sẽ kém, nên dành tài nguyên quốc gia làm tốt một trường Y khoa Sài Gòn (Viện Đại Học Huế, Dòng Việt 1997).
Nếu không có TT. NĐDiệm, mà chỉ là một Tổng Thống khác thì chắc chưa thể có Viện ĐH Huế,
nói chi đến Trường ĐHYK mà Tổng Thống NĐDiệm đã dùng uy quyền để áp đặt sự thành lập.
Những năm 1956-60 đất nước thanh bình ổn định nhất.
Nếu để chậm hơn thì tình thế lại khác hẳn.

Đối với BVTUH năm 1959 đổi đời : với sự thành lập một trường Đại Học Y Khoa, BVTUH mặc nhiên đảm nhiệm thêm chức năng mới, chức năng giáo dục đào tạo của một bệnh viện thực hành ngoài chức năng điều trị vốn có. Trường và Viện sẽ cùng nhau chung sức đào tạo các cán bộ chuyên môn cao cấp nhất của ngành Y:
“Cha sinh mẹ dưỡng, đức cù lao lấy lượng nào đong.“

Kể từ 1959, BVTUH là một bệnh viện có bóng dáng các sinh viên Y khoa vào thực tập đông đảo, ngang hàng với các bệnh viện danh tiếng, Chợ Rẫy, Bình Dân… ở Thủ đô Sài gòn và do đó tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cơ sở, thiết bị, nhân lực không ngừng nâng cao chất lượng tầm mức một bệnh viện thực hành đầy đủ các khoa chuyên môn.
Thế mạnh của BVTUH là tập trung về một mối cận lâm sàng mà vào thời điểm này vốn đã sánh ngang với các bệnh viện lớn ở Hà Nội và Sài Gòn (Hà Nội thì năm 1954).
Thế mạnh của BVTUH lại là về Nội khoa, do có các giáo sư và bác sĩ người Đức đến Huế giảng dạy và diều trị trong thập kỷ 60. Nhi khoa thì có giáo thạc sĩ Krainick trưởng phái bộ Đức.
Ở Sài Gòn thì thế mạnh là khoa Ngoại và khoa Sản.

*Năm 1968, BVTUH tang tóc.  “Bảy mươi chưa què chớ khoe mình lành”  lần đầu tiên ở tuổi 73, BVTUH chịu thương tích nặng, nếm mùi phá hoại chiến tranh.
Khuya mồng một, rạng mồng hai Tết Mậu Thân 1968 bộ đội cọng sản bất ngờ đánh úp và nhanh chóng kiểm soát Thành phố Huế.
Trận đánh tái chiếm Huế sau đó diễn ra ác liệt kéo dài ngót cả tháng giêng khiến nhà nhà sụp đổ ngổn ngang, người người chết chóc la liệt, kẻ bom rơi đạn lạc, kẻ xích tay trói chân vùi hố tập thể.
BVTUH cũng vạ lây, bị phá hủy nặng nhất là nửa trước bệnh viện, không còn nhận diện được, ngoài khả năng sửa chữa.
Họa trung hữu phúc, một thời gian ít năm sau đó bệnh viện được xây cất lại nửa phần trước, lầu 4 tầng, đại qui mô. Thi công kéo dài mấy năm khiến bệnh viện phải tạm thời co rút, thu hẹp cơ sở ra phía nửa sau, trước khi công trình xây dựng hoàn tất, khoảng năm 1973, nguy nga tráng lệ khác hẳn xưa; xưa là cô gái mộc mạc duyên dáng, hương đồng cỏ nội, nay lầu son gác tía hoàn toàn biến đổi, đài các kiều diễm, phấn son lộng lẫy, khó nhận ra.
Cũng là trường hợp các bệnh viện Chợ Rẫy, Bình Dân ở Sài Gòn, tuy không bị hủy hoại do chiến tranh nhưng cũng phải đập phá, xây lên cao ốc, nhằm tận dụng mặt bằng, mở rộng cơ sở, đáp ứng đà tiến triển nền y khoa hiện đại.


*****

ll) Nét Độc Đáo Của Cố Đô Huế. Năm 1959, cuối hè, tôi giải ngũ, từ giã Bệnh viện Quân Y Mang Cá, Thành Nội và một tháng sau đến nhận việc ở BVTUH.
Lúc đó coi như là lần đầu tiên tôi bước chân vào đây, trước kia chỉ đi ngang, rất nhiều lần và lắm khi tò mò nhìn vào để ngạc nhiên thấy xa tắp tuốt cổng đằng kia cũng có người đi, xe cộ qua lại và thầm khen bệnh viện thật rộng lớn, đẹp đẽ và khác thường.

Cố đô Huế có Cung điện và các Lăng tẩm, không nơi nào có nên không cần so sánh.
Huế lại có ba điểm độc đáo:
Đó là 1.Sông Hương/Cầu Trường Tiền, 2.Quốc Học/Đồng Khánh và 3. Bệnh viện TW Huế.

    1. Sông Hương đc bit. Cho đến năm 1959 tôi chưa từng thấy con sông lớn nào ở Việt Nam mà có công sở, phố xá, chợ búa  đông đúc ở cả hai bên bờ sông, tả và hữu ngạn như ở Huế.
Ở miền Nam, Sài Gòn, Mỹ Tho và ở miệt Hậu giang, các thành phố, thị xã đều nằm một bên bờ sông.
Miền Trung cũng vậy, như Quảng Ngãi hữu ngạn sông Trà Khúc, Đà Nẵng tả ngạn sông Hàn, Đồng Hới tả ngạn cửa sông Nhật Lệ rộng lớn, bên kia sông là động cát, có một làng câu nhỏ ven sông, thị xã Vinh ở tả ngạn sông Cả, thị xã Thanh Hóa nằm ở hữu ngạn sông Mã.
Ở miền Bắc, Hà Nội nằm ở hữu ngạn sông Hồng.
Sông Hương ở Huế như một giải Ngân Hà đầy sao lấp lánh cả hai bên bờ và cầu Trường Tiền sáu vài hình dãy nửa đồng tiền bắc ngang sông như cầu Ô thước, thật độc đáo.
Sông Hương, thiên nhiên và cầu Trường Tiền, nhân tạo là biểu tượng của Huế.

    2. Trường Quc hc/Đồng khánh là một độc đáo khác. Cũng cùng ngảnh mặt ra sông Hương, “không trường nào bì kịp”, tôi đã viết như vậy, “hai Trường Quốc Học/Đồng Khánh, trong một khung cảnh hữu tình, nằm sát cạnh nhau đẹp đẽ như Phụng cầu Hoàng mà vẫn giữ ý tứ lễ độ như đôi Sư cưu.” (Đặc san QH/ĐK Bắc Cali 2008, tr. 21.)
Phụng là chim Phượng, Hoàng là chim Phượng mái, Sư cưu là chim Sư cưu/Thư cưu, con trống con mái đi chung mà không hề bỡn cợt, vợ chồng người quân tử.
Thật là “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu. ”
Không đâu trên đất nước Việt Nam có hai trường Trung học lớn, nam nữ mà được chim liền cánh, cây liền cành, tỵ dực điểu, liên lý chi”, nên thơ như vậy.

     3. BVTUH mô hình kiến trúc đc đáo.
Bệnh viện Trung ương Huế có số giường lớn và khuôn viên rộng nhất thời bấy giờ.
Tuy nhiên mô hình kiến trúc mới thực là độc đáo.

Tôi chưa từng thấy bệnh viện nào, dù lớn dù nhỏ trên toàn cõi đất nước mà ta có thể nhìn suốt từ cổng trước thẳng tít ra cổng sau, tầm mắt không hề bị ngăncản.
Lúc nhỏ tôi có ở Vinh, có vào bệnh viện, ở ngoài thành cổ, không xa dãy phố chính và chỉ nhớ
mang máng có mấy dãy nhà dài lợp ngói.
Tôi lại có ở Quảng Ngãi, bệnh viện nằm ở góc đông bắc trong thành cổ, sát cửa Hậu, có những nhà trên bờ thành, có những nhà nằm dưới giống ở bệnh viện Quân Y Mang cá, Huế , cũng đẹp.
Bệnh viện Đồng Hới quay lưng ra đường bờ sông, tuy nhỏ nhưng cũng có mỗi thứ một ít: phòng ngoại chẩn, khám và cấp thuốc, phòng mổ nhỏ, xét nghiệm đơn sơ và hai ba dãy bệnh phòng tuy thấp nhưng cũng lợp ngói tường gạch, tươm tất, giàu làm kép, hẹp làm đơn.
Bệnh viện Đà Nẵng đường Hùng Vương năm 1956 cũng là mấy dãy nhà dài, lúc vào thăm một bà con, là nhân viên, gia đình ở ngay trong bệnh viện, tôi tưởng là vào một trường tiểu học nào đó, có nhiều cây cối. Năm 1965 bệnh viện Đà Nẵng chuyển về địa chỉ mới, xây cao ốc, đường Nguyễn Hoàng , nay là đường Hải Phòng, cho đến bây giờ.

Lúc tôi ra Hà Nội học, những năm tháng trước ngày chia vĩ tuyến, năm1954, lúc đi thực tập và
sau đó làm sinh viên ngoại trú ở bệnh viện Bạch Mai (Nội Nhiễm) và Yersin (Ngoại Phẫu) là lúc tôi quan sát kỹ những bệnh viện lớn, lớn nhất ở Hà Nội.
Bệnh viện Bạch Mai nằm xa Hà Nội khoảng 8 km  về phía Nam, trên Quốc lộ 1 tương tự như Huế đi về bệnh viện Phú Lương.
Tôi đạp xe từ Học xá Trung Việt, đường Quan Thánh, Hồ Tây, đầu mút này Hà nội, xuống đầu mút kia, rồi băng qua nhiều đồng ruộng, dọc hồ Bảy Mẫu, để đến bệnh viện Bạch Mai, ở ngoại ô, nhiều khi trời mưa rét song cũng chẳng thấy mệt nhọc gì.
Trên đường khi thấy ló dạng nhà cửa, là một dãy quán nhỏ mé tay trái, thì biết đã đến bệnh viện vì dãy quán năm trước cổng bệnh viện. Rời đường Quốc lộ, rẽ phải băng ngay qua đường sắt là đến cổng bệnh viện Bạch Mai rộng lớn.

 
+Bệnh viện Bạch Mai, bị dội bom năm 1972. Trước cổng bệnh viện là con đường sắt xe lửa.
+ Bệnh viện Bạch Mai: một trại bệnh lây, xây hổng trên mặt đất, thập kỷ 1950.

Nội khoa nằm mé hữu  (phía nam), gồm các dãy trại bệnh nối nhau bởi những hành lang dài có mái che. Giảng đường lớn nằm mé sau.
Lại có phòng dành cho Khoa Tai mũi Họng.
Bệnh viện dài nhưng có vẻ kém chiều sâu.
Mé giữa cũng là những tòa nhà và mé tả có những biệt thự và nhất là khu Lây (Truyền Nhiễm) gồm nhiều dãy trệt rất đặc biệt vì được xây nằm hổng trên mặt đất, giống các nhà sàn thấp, là các trại bệnh đậu mùa, thủy đậu ,rạ, sởi… và nhiều phòng Lao, lại có phòng mổ nhỏ để làm các thủ thuật ở màng phổi.                                                       
Hai bên hông và sau Bệnh viện toàn là đồng ruộng vắng vẻ.
Tôi nhớ mùa đông các bệnh phòng khoa nội gió lạnh và có vẻ ẩm ướt, sàn nhà trơn trợt.

 Bệnh viện Phủ Doãn (Yersin), ngoại phẫu nằm ở giữa trung tâm thủ đô Hà Nội với 3 mặt giáp đường Tràng Thi, Phủ Doãn, Quán Sứ với cổng chính quay ra phố Tràng Thi. 
Bước vào cổng là một tòa nhà lầu 2 tầng chứa Phòng Cấp cứu, khu Hành chánh và phòng trực của các sinh viên Nội, Ngoại Trú ở một phần lầu.
Phía sau khá rộng,hình chữ U đứt khúc, giữa phòng Mổ, trên lầu mổ sạch, dưới lầu mổ bẩn, phía sau là Giảng đường.
Mé hữu các trại bệnh, mé tả có hội trường lớn. Toàn bộ gọn gàng, khang trang.
Góc phải có ngôi nhà lầu Nha Khoa. Phía hông sau có tư thất BS Giám Đốc, BS Phạm biểu Tâm, cổng trổ ra phố Hàng Bông.
Hồi đó không như ở BVTUH, các bệnh viện khác chỉ có một hoặc hai tư thất dành cho bác sĩ Giám Đốc và/hoặc bác sĩ Thường Trú (nếu có.)
Trước mặt BV Phủ Doãn, bên kia đường là một Bệnh viện Quân Y nhỏ và một BV Ung Bướu.
Sau 1954 các bác sĩ và nhân viên bệnh viện Phủ Doãn hầu như toàn bộ chuyển vào bệnh viện Bình Dân, đường Phan Thanh Giản (nay đường Điện Biên Phủ), Sài Gòn và vẫn là một bệnh viện ngoại phẫu, khuôn viên chật hẹp, gồm các trại bệnh là các nhà trệt bao quanh lầu phòng mổ và một vườn hoa xinh xắn ở giữa. Nay thì bệnh viện, 30.000m2, đã lên cao ốc nhiều tầng.

http://www.36phophuong.vn/userfiles/vd.jpg  http://4.bp.blogspot.com/-daajQk8p75w/ViefCDB_bwI/AAAAAAAAUeM/Ijj7OQufxoQ/s1600/12088435_10153651261216530_2665570863901080206_n.jpg
+Bệnh viện Phủ Doãn (hoặc Yersin, nay Bv Việt Đức), cổng trước quay ra phổ Tràng Thi.
+Bênh Viện Bình Dân, đường Phan thanh Giản, Sài Gòn, thập kỷ 1960.

Bệnh viện Chợ Rẫy lớn nhất miền Nam. Diện tích mặt bằng 53.000 m2.
Vào cổng chính ở đường Thuận Kiều một đoạn ngắn là một ngôi nhà lớn chắn ngang, hai tầng, dưới phòng Cấp cứu, trên phòng trực bác sĩ (hiếm khi đến), sinh viên Nội trú, Ngoại trú.
Phía sau ngôi nhà này là một con đường rộng nhưng cũng không dài, chia bệnh viện ra hai, mé trái có các lầu trại bệnh nội khoa mang số 22, 24 v.v. . . các trại bệnh ở đâu cũng tên chữ số hoặc chữ cái A, B, C... không như ở BVTUH tên người, mé phải là các trại bệnh ngoại khoa và phòng mổ lớn.
Từ tháng 6.1974 bệnh viện Chợ Rẫy khánh thành tòa cao ốc 11 tầng do chính phủ Nhật tài trợ và cổng chính của bệnh viện dời sang đường Nguyễn Chí Thanh.

http://4.bp.blogspot.com/-y9Ip_dS8za8/Vi9U0iTN6mI/AAAAAAAAMSw/ox8Zu9oIEYY/s1600/Ch%25E1%25BB%25A3%2BR%25E1%25BA%25ABy%2BHospital%2B-%2BCh%25E1%25BB%25A3%2BL%25E1%25BB%259Bn%2BS%25C3%25A0i%2BG%25C3%25B2n%2B1965.jpg  http://3.bp.blogspot.com/-WccDuoGVACM/VlcMRN3cnGI/AAAAAAAAUzc/kAPsR3o-czs/s1600/15115771056_89d8a692ce_o.jpg
+Bnh vin Ch Ry, đường Thun Kiu, Ch Ln.  +Bệnh viện Grall, nay Nhi Đồng 2

Ở Sài Gòn lại có nhiều bệnh viện lớn khác: BV Từ Dũ (Sản), BV Đô Thành ở bùng binh Sài gòn, nhìn xéo qua chợ Bến thành, bệnh viện Chợ Quán ở gần cầu chữ Y,  bệnh viện Đồn đất (BV Grall) của Pháp, danh tiếng có nhiều trại bệnh nằm xa nhau trên những mô đất cao thấp và khuôn viên rất rộng, cỡ  BVTUH, có tường cao bao quanh kín mít, ở ngoài nhìn vào chẳng thấy gì, cũng như trường hợp Nghĩa trang Mạc đĩnh Chi ở cùng trên đường Hai Bà Trưng, hoặc một Tu viện lớn thâm cung.
Các bệnh viện của người Hoa: Triều Châu, Sùng Chính và nhiều nữa, mỗi nơi đều có một vẻ đẹp riêng nào đó, “cúc tú lan hương”. Tuy nhiên BVTUH mới là ý nghĩa độc đáo, khác hẳn.

 Những điểm độc đáo khác của BVTUH là như sau:
- Tên các con đường bao quanh: Lê Lợi, vị vua chấm dứt nền Bắc thuộc lần 4, Trưng Trắc (Hai Bà Trưng) chấm dứt nền Bắc thuộc lần 1, Ngô Quyền chấm dứt nền Bắc thuộc lần 3.
Con đường thứ tư ngắn, chạy từ đường Lê Lợi mặt tiền đến đường Ngô Quyền phía sau, mang tên là đường Lâm Hoằng , nay đổi là Nguyễn Huy Tự.
Lâm Hoằng 1824-1883 Quảng Trị, đỗ Phó bảng năm 1868. Tháng 8/1883 Pháp tiến đánh cửa Thuận An. Sau ba ngày chống trả, nhiều quan binh của triều đình bị tử trận; không để rơi vào tay giặc, Lâm Hoằng đã gieo mình xuống sông tuẫn tiết. Thành Trấn Hải, Thuận An rơi vào tay giặc….Bài vị của Cụ được đưa vào thờ trong Đền Trung Chính của triều đình nhà Nguyễn.
Nguyễn Huy Tự (1743-1790), tác giả Truyện thơ Hoa Tiên.
Đặc biệt đường Ngô Quyền công cọng, lại chạy cắt ngang bệnh viện ở phần sau (hồi đó).
Ở Hà Nội, Bệnh viện Bach Mai phía trước là đường sắt tàu hỏa và Quốc lộ 1, nay đổi tên là đường Giải Phóng cho đoạn này.
Bệnh viện Phủ Doãn, nay là Việt Đức thì mặt tiền là phố Tràng Thi.
Ở Sài Gòn, cổng trước của Bệnh viện Chợ Rẫy ở đường Thuận Kiều, cổng trước của Bệnh Viện Bình Dân ở đường Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ.
Ở Đà Nẵng, mặt tiền bệnh viện là đường Nguyễn Hoàng, nay là đường Hải Phòng.

     -Các trại bệnh trong BVTUH đều mang tên những danh nhân : trại NguyễnHữu Sum, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Diệu, Nguyễn Thiện Thuật… ngoại trừ tòa nhà khoa Nhi được xây cất hoàn thành sau này, trong thập kỷ 60 và khoa X-Quang không phải là trại bệnh.

     -BVTUH có khuôn viên rất rộng nên nhiều gia đình nhân viên được ở trong bệnh viện.
Đặc biệt có 7 tư thất biệt lập dành cho các bác sĩ, trong đó có 2 tư thất lầu và tư thất lớn nhất ở góc đường Lê Lợi / Trưng Trắc dành cho bác sĩ giám đốc Nha Y tế Trung phần, thường kiêm luôn chức vụ giám đốc bệnh viện.
Sau năm 1975, lúc đó phần nửa trước của bệnh viện bị phá hủy trong cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968 đã được xây lên cao ốc 4 tầng thay thế, thì vì dư chỗ nên ban lãnh đạo cách mạng bố trí chia nhau ở tại các tòa nhà mang số chẵn trên đường Ngô Quyền (lô đất bên kia đường Ngô Quyền rộng ngót 20.000 m2) nơi có phòng khám ngoại chẩn.
Với thời gian 25 năm qua, bệnh viện thì chưa mở rộng xây cất gì thêm để có nhu cầu thu hồi lại nhà, các gia chủ mua bán chuyển nhượng nhiều lần căn hộ của mình và nay lô đất này trở thành khu thương mãi tư nhân, có nhiều nhà thuốc, nhiều nhà nghỉ sang trọng, xây lầu, Map of Hue Central Hospitalđón khách là bệnh nhân của bệnh viện và thân nhân. Lại có cả trường trung học cơ sở Vĩnh Ninh, trên bản đồ thì tọa lạc ở lầu Nguyễn Tăng Chuẩn cũ.
BVTUH có thể xem là bệnh viện độc nhất trong nước bị mất diện tích sau thời chiến tranh kết thúc.
Tuy vậy, dù đánh mất lô đất phía nam đường Ngô Quyền, bệnh viện vẫn còn rất rộng, đủ mặt bằng để xây lên nhiều tòa cao ốc, từ đầu thế kỷ nay và hiện thời BVTUH cùng Bệnh viện Bạch Mai ở ngoài Bắc và Bệnh viện Chợ Rẫy ở trong Nam là ba bệnh viện lớn nhất tại Việt Nam.

      -BVTUH bị phá hủy nửa trước, thời chiến tranh, năm 1968.
Ở Hà Nội thì Bệnh viện Bạch Mai năm 1972. Chỉ 2 bênh viện rất lớnđó.

      - BVTUH là duy nhất có các trường Cán sự Y tế Điều Dưỡng, Đai Học Y khoa, Nữ hộ sinh vây quanh và dùng bệnh viện làm nơi thực tập lâm sàng cho các sinh viên Y khoa, Nữ hộ sinh, cán sự Y tế, Tá viên điều dưỡng.

       -Trong thập niên 1960 tại BVTUH có các giáo sư và bác sĩ ngoại quốc gồm Đức, Pháp, Mỹ, Bỉ…  đến làm việc, giảng dạy, điều trị.

Lê Bá Vận

(Còn tiếp...)

 

Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.