Mỗi khi Tết đến, hầu như gia đình nào ở hải ngoại đều có những chuẩn bị, như nghi thức cúng giao thừa, cầu nguyện ông bà tổ tiên, chúc mừng người thân, thức ăn truyền thống… Tuy nhiên cách chuẩn bị và tinh thần về Tết giữa ông bà, cha mẹ chắc hẳn phải khác với thế hệ con cháu. Bài “Tết và học sinh gốc Việt” giúp chúng ta học hỏi thêm vài khái niệm khi sinh hoạt chung với thế hệ thứ hai và thứ ba trong các ngày Tết.

Tác giả bài viết này là Tiến Sĩ Giáo Dục Nguyễn Lâm Kim Oanh, GS. CSU Long Beach và UCLA; Giám Đốc Strategic Language Initiative, CA State University System 2007-2011; Board of Education thị xả Garden Grove, 2006-2011; Director International and Foreign Language/US Department of Education 2012-2019; Senior Advisor, White House Initiative on Asian Americans 2017-2019; GS. Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Cao Cấp Hoa Kỳ, 2022 (Federal Executive Institute US Government); GS thỉnh giảng tại nhiều Đại Học Hoa Kỳ…


BBT chân thành cám ơn GS. Nguyễn Lâm Kim Oanh và mong sẽ còn nhận được nhiều bài viết lợi ích cho việc giáo dục các thế hệ tương lai gốc Việt.   

 

Ý Nghĩa, Truyền Thống Đón Xuân và

Học Sinh Gốc Việt Hải Ngoại

Nguyễn Lâm Kim Oanh

 


 

Ngày xưa còn bé, sự nôn nao mong chờ Tết đến chỉ là vì biết đó là dịp các chị em tôi được sắm áo quần mới, được tiền lì xì, được ăn đủ các loại bánh mứt, được gặp nhiều họ hàng, và nhất là không bị người lớn la rầy ít nhất là trong ba ngày đầu năm! Năm tôi lên mười ba tuổi là lần đầu tiên tôi bắt đầu cảm nhận hoặc lờ mờ ý thức Tết mang những ý nghĩa cao cả vượt trên những gì tôi hằng mong đợi trong những năm trước.

 

Tết năm ấy Ông Bà Nội từ quê lên ở cùng gia đình chúng tôi. Thỉnh thoảng Ông Bà Nội tôi cũng đã lên ở với gia đình chúng tôi một vài tháng. Lúc chị em tôi còn nhỏ, nhà ở Đà Lạt có khu vườn rộng, Ông tôi đã làm một căn nhà nhỏ cho chúng tôi chơi bán hàng. Ông đóng cái khung bằng gỗ rồi chặt những tàng cây thông sắp trên làm mái nhà. Ngồi bên trong căn nhà mùi lá thông toả ra thơm ngát. Có khi tôi bị các chị không cho chơi cùng, tôi khóc ầm lên thì Ông vẫy tôi theo ra một góc vườn đọc truyện cho tôi nghe. Sau đó Ông làm cho tôi một căn nhà khác, tuy nhỏ xiú nhưng là của riêng tôi. Vào tháng Năm những bụi hồng Ông chăm bón trong vườn nở rộ nhiều hoa; Ông chỉ cho chúng tôi hái đem vào làm thành từng bó nhỏ nhiều màu sắc để mỗi tối khi cả nhà đọc kinh xong thì chúng tôi có màn múa và dâng hoa cho Đức Mẹ.

 

Khi về lại Saigon thì chúng tôi đã lớn, không còn quấn quýt theo Ông như ngày trước. Một lần Ông đi ngang qua thấy tôi ngồi không, mơ mộng mông lung thì Ông vẫy tôi đi theo. Lên tới sân thượng Ông đưa tôi cuốn sách và bảo tôi đọc cho Ông nghe vì mắt Ông mờ rồi không thấy rõ được như trước. Từ đó tôi thường lãnh nhiệm vụ đọc sách cho Ông. Có những lúc tôi đọc một cách thích thú và hỏi Ông giảng nghĩa những gì tôi không hiểu. Có nhiều lần tôi đọc một cách qua loa, hoặc không để tâm, cứ nhấp nhổm vì có hẹn bạn. Những lần như thế thì Ông bảo tôi ngưng và nói Ông mệt rồi, phải đi nằm.

 

Giao thừa năm ấy tôi thấy Ông chăm chút sửa soạn cái bàn viết nhỏ trong phòng của Ông. Những giấy tờ, thư từ hằng ngày trên bàn Ông cất đi hết. Các cuốn sách của Ông được kê ngay ngắn trên kệ. Trên chiếc bàn trống, Ông đặt một chậu hoa thủy tiên còn búp nhưng gần nở ở góc phải bên trên; giữa bàn là một tập giấy trắng và hai cây bút lông nằm ngay ngắn bên trên cạnh bình mực đen. Khi tôi tò mò hỏi thì Ông nở nụ cười hiền lành hỏi lại tôi là ở nhà trường họ không dạy về tập tục này hay sao. Tôi lắc đầu nói Dạ không và càng muốn biết hơn. Hôm ấy Ông nói cho tôi ý nghĩa về giao thừa và ngày Tết. Tôi thích thú vặn hỏi Ông nhiều điều và Ông kiên nhẫn trả lời. Tôi không nhớ hết những gì Ông tôi nói vì lúc đó chưa đủ khôn lớn để ý thức sâu đậm những điều ấy. Mãi cho tới khi đón giao thừa lần đầu tiên trên đất Hoa Kỳ vào một ngày mùa đông, bên ngoài tuyết đóng băng lạnh lẽo, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương làm tôi hồi tưởng lại những lời Ông tôi dạy, và càng tìm hiểu tôi càng ý thức sự thiêng liêng của khoảnh khắc giao nhau giữa năm cũ và năm mới. Tôi nhớ Ông tôi nói, cũng như trong bài hát Giáng Sinh Đêm Thánh Vô Cùng có câu “Đất với Trời, xe chữ đồng” khi Chúa giáng trần, giao thừa cũng là khoảnh khắc khi “Trời” và “Đất” có sự kết nối hoặc không còn sự ngăn cách. Những gì biểu tượng cho lòng thành, các lời nguyện cầu, và các ước mong tốt đẹp diễn ra trong khoảng thời gia này mang tính cách thiêng liêng và có ảnh hưởng suốt năm hoặc suốt cuộc đời chúng ta. Ông dạy tôi sau khi dâng lời cảm tạ Thiên Chúa thì đến bàn thờ Ông Bà Tổ Tiên tỏ lòng biết ơn và sau đó ngồi vào bàn viết, ghi lại những ơn phước mình nhận được trong năm qua cùng với những lời hay ý đẹp mà mình muốn sống theo trong năm. Ông còn nói mỗi dịp đầu năm không chỉ là dịp để được mặc quần áo mới mà còn được “làm con người mới” nữa – nghĩa là khi nhìn lại những gì mình không thích về con người mình trong năm qua thì năm mới bỏ đi. Điều này làm cho tôi nhớ hoài và bắt đầu liên tưởng về Tết với sự hy vọng và cơ hội có “a new beginning,” nhất là mỗi khi tôi gặp khó khăn hoặc trở ngại lớn trong cuộc đời. Tôi cũng tập thói quen mỗi đầu năm âm lịch bắt đầu với một cuốn tập mới, ghi lại những ơn lành trong năm qua và những ý tưởng hướng thượng cho năm tới.

 

Ý tưởng mỗi năm mới là mỗi cơ hội cho chúng ta làm một bắt đầu mới, tạo một con người hoặc nếp sống tốt hơn là một khái niệm rất tích cực và liên kết mùa Xuân, đón Tết với sự lạc quan và niềm hy vọng. Đa số các thầy cô giáo dạy Việt ngữ khi dạy về ngày Tết ít khi nhắc tới khái niệm này.Trong vũ trụ, mùa Xuân là lúc các sinh vật trong thiên nhiên bừng lên một sức sống mới, từ nhữngcành cây đâm chồi nở lộc cho tới các con chim làm tổ và các con thú sinh con. Tôi nhớ ở Việt Nam lúc trước nhà nào cũng ráng thanh toán hết nợ nần trong những ngày cuối năm để bắt đầu một năm mới tốt đẹp hơn. Tập tục sơn phết dọn dẹp nhà cửa gọn gàng ngăn nắp cũng nói lên niềm tin và hy vọng một tương lai sáng lạng hơn. Khi nói về Tết Âm Lịch, đa số các con em sinh ra và lớn lên tại hải ngoại thường nhắc đến được lì xì, các món ăn Tết như bánh mứt và bánh chưng, các hoa trang hoàng ngày Tết như hoa mai, hoa cúc vàng và hoa lan. Một số các em hiểu ý nghĩa mừng tuổi ông bàvà còn nói được các câu chúc Tết đơn giản. Đối với các em bắt đầu vào tuổi trung học, tôi nghĩ nếuhiểu được các ý tưởng thiêng liêng và truyền  thống cao đẹp của ngày Tết, các em sẽ thích thú và quý trọng văn hoá Việt hơn. Chính kinh nghiệm bản thân cho thấy ngay khi được học các em có thể chưa ý thức hết nét đẹp sâu xa hoặc ý nghĩa sâu đậm của văn hoá Việt. Tuy nhiên sẽ có lúc các em sẽ hiểu và trân quý các món quà văn hoá và tinh thần mà thầy cô đã trao cho các em.

 

Sau đây là một vài khái niệm và sinh hoạt lớp về Tết Âm Lịch đề nghị cho các học sinh trong các trường và Trung Tâm Việt Ngữ:

 

1. Lòng Biết Ơn: Cho các em suy nghĩ rồi ghi xuống 3-5 điều gì mà các em cảm thấy may mắn có được, nhận được, hưởng được trong năm qua và tỏ lòng biết ơn những người nào hoặc hoàn cảnh nào đưa đến sự may mắn này.

Trong các nghiên cứu về Lòng Biết Ơn – Gratitude trong thập niên qua, họ nhận thấy những ai sống với lòng biết ơn thường có hạnh phúc và vượt qua những khó khăn dễ dàng hơn những người khác. Gratitude được định nghĩa là sự ý thức những ơn lành hoặc may mắn mình có được hoàn toàn không phải do bất cứ yếu tố cá nhân nào cả (sự cố gắng, thông minh, kiên trì, bác ái, v..v..)

The Science of Gratitude - Mindful Gratitude - Harvard University

 

2. Năm Mới – Con Người Mới: Cho các em suy nghĩ về những gì các em trải qua trong năm rồi và ghi lại 1-2 điều các em muốn thay đổi để thành một con người mới theo ý các em– ví dụ như bỏ một thói quen các em cho là xấu hoặc tập một thói quen các em muốn có. Bảo các em ghi rõ sẽ làm gì để thay đổi, khi gặp cản trở hoặc nản chí thì phản ứng ra sao để đừng bỏ ngang. Đề nghị mỗi em có một “buddy” – người bạn đồng hành để hỗ trợ mình. Khuyến khích các em làm một biểu đồ (chart) để ghi lại tiến trình và chia sẻ mỗi tuần trong lớp.

Phong tục Hoa Kỳ đầu năm có New Year Resolutions, mỗi người viết ra hàng loạt

những điều họ muốn làm trong năm mới như tập thể dục nhiều hơn, bớt ăn ngọt đi,

đọc sách nhiều hơn…Tuy nhiên các thống kê cho thấy đa số các lời hứa này bị bỏ

ngang chỉ trong vài tháng. Để giúp tạo thành một thói quen mới, con người cần thực tập liên tục mỗi ngày trong vòng ít nhất là một tháng, song song với sự kiểm chứng hoặc chia sẻ với một người khác trong vòng 3 tháng.

 

3. Khai Bút Đầu Năm: Cho các em sưu tầm một số các câu danh ngôn, lời hay ý đẹp và đem vào lớp để chia sẻ với nhau và nhân đó thầy cô giảng dạy cho các em hiểu rõ hơn các câu châm ngôn Việt ngữ. Các em có thể lựa các câu Anh ngữ và viết lại bằng tiếng Việt. Cho mỗi em lựa ra hai câu mà các em cho là ý nghĩa nhất đối với các em. Thầy cô có thể làm một Art Project cho các em trong lớp, dùng viết lông mực đen viết lên giấy construction papers màu đỏ để treo lên tường, hoặc cho các em viết ở nhà trong lúc giao thừa và sau đó mang vào lớp. Điều quan trọng là giúp các em hiểu ý nghĩa của khoảnh khắc giao thừa và làm với sự cung kính.

Phong tục Việt Nam có truyền thống Khai bút đầu năm hay còn gọi là “chắp bút đầu năm.” Vào dịp đầu năm, người ta thường có tục lệ viết xuống những lời hay ý đẹp mong đem lại sự may mắn và thành công trong học tập và sự nghiệp. Có những người khác thì theo tục “xin chữ đầu xuân," họ đến thăm các thầy cô giáo trong dịp đầu năm khi ra về thường được thầy cô giáo tự tay viết tặng cho một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi lẽ sống cho người đó. Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với thầy cô của mình.

Khai bút đầu năm - Xem tục khai bút đầu năm (ngaydep.com)

 

Trong những năm vừa qua, khi có dịp làm việc với các trường và trung tâm Việt ngữ ở California và các tiểu bang khác, tôi thấy có sự tham gia tích cực hơn của các phụ huynh vì chính họ là những người không còn thông thạo tiếng Việt và không hiểu hết văn hoá Việt. Lớp phụ huynh trẻ này ý thức tầm quan trọng của việc duy trì và trau dồi Việt ngữ và văn hoá Việt và sẵn sàng hợp tác với nhà trường. Khi các thầy cô giáo dạy Việt ngữ biết tạo mối tương giao chặt chẻ với họ, chia sẻ các đề tài dạy trong lớp, đề nghị sự hổ trợ của gia đình trong việc hoàn tất bài tập hoặc giúp các em thực hành áp dụng Việt ngữ ở nhà, kết quả học tập của các em sẽ tiến triển nhiều hơn.

Chúng tôi biết ơn các thầy cô và phụ huynh tiếp tục bỏ công sức và thời gian quý báu trong suốt năm qua để giúp con em duy trì và phát triển Việt ngữ cũng như tìm hiểu để yêu quý hơn văn hóa gốc của mình. Thân ái chúc quý thầy cô và phụ huynh (cha mẹ và ông bà) có được những niềm vui mỗi khi thấy các nỗ lực của mình thể hiện qua con người của các con em, từ lời ăn tiếng nói, cách xưng hô, cư xử và các câu hỏi, thắc mắc để ý tới nguồn cội mình trong năm tới.



 

 

 

 

 


Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.