SƠ LƯỢC VỀ GIÚP ĐỠ CỦA PHÁI BỘ GIÁO DỤC Y KHOA TÂY ĐỨC CHO

VNCH

   Trong buổi tiệc mừng Oktoberfest vào cuối tháng 10, 2022, tổ chức tại tư gia anh chị Nguyễn Viết Kim và Nguyễn Lâm Kim Oanh – mà chúng tôi thân ái kêu anh chị Song Kim, với anh là Tiến Sĩ Vật Lý từng du học Tây Đức từ thập niên 60, về sau làm việc cho cơ quan NASA; với chị là Tiến Sĩ Giáo Dục, Giáo Sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Cao Cấp Hoa Kỳ, 2022 và GS thỉnh giảng tại nhiều Đại Học Hoa Kỳ - ngoài một thực đơn với rất nhiều món ăn tiêu biểu cho lễ Oktoberfest của nước Đức, kể luôn cả bánh mì đen của Đức và bia Đức, khách mời còn được thưởng thức một chương trình tìm hiểu bao quát về nước Đức, trên nhiều phương diện như lịch sử, kinh tế chính trị, xã hội, nhân bản, văn hóa nghệ thuật mà chi tiết được đóng vào khung hình dưới đây.

Cá nhân tôi được giao trách nhiệm trình bày sinh hoạt của phái bộ Giáo Dục Y Khoa Tây Đức tại trường Đại Học Y Khoa Huế. Vì biết mình khó có thể nói hết được mọi chuyện trong thời gian cho phép 5-7 phút, nên tôi quyết định viết lại những gì tôi biết, qua nhiều tài liệu có trong tay, trên online, qua liên lạc thông tin với các Thầy YKH, các đàn anh đàn chị cựu sinh viên YKH của những năm đầu tiên khi trường YK Huế bắt đầu mở cửa, và qua lục soạn trí nhớ chưa quá tệ của cá nhân.

 


*****

Theo lời GS. Lê Thanh Minh Châu, trong chức vụ tổng thư ký Viện ĐH Huế, Giáo Sư tháp tùng Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện ĐH Huế đương thời, qua Pháp vào hè 1958, gặp và mời được Giáo Sư Thạc Sĩ Y Khoa Pháp Lê Tấn Vĩnh chấp nhận về Việt Nam, làm khoa trưởng trường ĐH YK Huế. Kế đó, hai vị đến Tây Đức, và qua trung gian của vị Giám Mục địa phương mà linh mục Cao Văn Luận đã liên hệ từ trước, họ đã tiếp xúc với ban điều hành ĐH YK Freiburg và nhận được lời cam kết một số các GS bác sĩ của ĐH YK Freiburg sẽ đến giảng dạy và giúp trường YKH.

Sau những kết quả tốt đẹp đó, phân khoa YK của ĐH Huế bắt đầu chính thức thành lập qua nghị định số 310/GD/VNCH ký vào ngày 21 tháng 8, 1959, nâng cao Viện ĐH Huế lên thêm một bước tiến quan trọng. Cơ sở trường YKH bắt đầu được xây cất. Kế đó là sự bổ nhiệm chính thức GS. Lê Tấn Vĩnh vào chức vụ khoa trưởng đầu tiên, qua sứ vụ lệnh số 1273/GD/VNCH, ký ngày 18 tháng 11, 1960. Và cuối cùng, gần một năm sau, khi nghị định số 1091/GD VNCH được ký ngày 19 tháng 8, 1961, trường ĐH YK Huế chính thức khai giảng năm Thứ Nhất vào giữa tháng 8, 1961, với sự hiện diện của phái bộ GD Y Khoa Tây Đức đến từ Freiburg ngay từ thời gian đầu tiên.

            Trong khi chờ đợi cơ sở trường YK Huế được xây cất xong, lớp năm Thứ Nhất học trong một giảng đường tại trường ĐH Luật Khoa tại Huế. Phái bộ Giáo Dục Y Khoa Đức gồm có các bác sĩ: Horst Gunther Krainick, GS. Nhi Khoa (cùng phu nhân là một chuyên viên trong phòng thí nghiệm), trưởng phái đoàn; Raymund Disher, Nội Thương Lâm Sàng; Kauffman, Lâm Sàng; Erick Wulff, Tâm Thần; Raymund Weil, Sinh Hóa Học; Schawecker, Da Liễu; Alterkoster, Truyền Nhiễm; Rudolf Zwirmer, Cơ Thể Học… Ngoài ra còn có khá nhiều BS Đức khác làm GS thỉnh giảng, không sống cố định tại Huế.

Các cựu SV YK Huế rất quý mến các thầy YK Đức. Không những vì tình nghĩa thầy trò gần gũi với nhau, mà vì tấm lòng thương yêu bệnh nhân, tận tụy chỉ dạy cho các trò của mình, và khá nhẫn nại với các SV, vì đa số không có sẵn vốn sinh ngữ tiếng Anh để học và trao đổi kiến thức với các thầy. 

Trong bài viết “Các GS BS Đức và gia đình tôi,” BS. Hoàng Thế Định, tốt nghiệp năm 1969, cho biết Thầy Disher rất vui lòng đến chăm sóc thân mẫu của anh Định khi bà cụ bị ung thư di căn trong giai đoạn cuối, không thể chữa trị được tại BV Grall và về nằm liệt trên giường tại nhà. Thầy Disher cho lệnh anh Định rút máu của mẹ mình, đem ngay đến phòng thí nghiệm của BV thử máu và sau đó xin BV mấy bịch máu đem về chuyền cho bà cụ. Nhờ vậy và cũng nhờ nhiều lần chuyền serum, uống thuốc chống đau mà Thầy phải xin gởi từ nước Tây Đức qua, bà cụ đã cầm cự được thêm mấy tháng và ra đi không đau đớn.

BS Định còn kể thêm 1 câu chuyện người cháu 9 tuổi, con của chị ruột của anh, bị sốt lui tới nhất là về chiều, nằm khoa Nhi nhưng không ai kiếm ra được chứng bệnh và càng ngày càng trở nặng thêm. Anh Định đến xin Thầy Disher chữa cho cháu mình. Nhờ Thầy Disher góp ý xin chuyển bệnh nhân từ trại Nhi qua trại bệnh Nội Thương người lớn của Thầy, và tự mình chú tâm tìm hiểu trường hợp kỳ lạ này để cuối cùng Thầy tìm ra được em bị viêm màng não do vi trùng Lao, sau khi làm nhiều thử nghiệm, kể cả chích lấy dịch tủy sống để thử nghiệm. Sau khi giải thích cho anh Định và mẹ của bệnh nhân, Thầy xin phép bơm thuốc trụ sinh chống lao vào ngay trong nước tủy sống, kèm theo lời giải thích bệnh nhân sẽ lành nhưng bệnh nhân có thể bị mù mắt vì biến chứng phụ của thuốc. Kết quả tốt đẹp, bệnh nhân được cứu sống, tuy nhiên có vấn đề với thị giác, mà mãi cả mấy chục năm sau mới dần dần khả quan hơn.

GS. Lê Thanh Minh Châu cũng cho biết Thầy, bấy giờ đang du học tại Mỹ, rất nhớ ơn BS. Disher đến tận nhà tại Kim Long điều trị và săn sóc mẹ Thầy trong giai đoạn cuối của ung thư. Về sau trong một chuyến công du tại Đức, Thầy Minh Châu, dù quá bận, vẫn nhớ để nhờ người mang tặng bà Disher 1 bó hoa kèm theo lá thư cám ơn.

Song song với sự hiện diện của phái bộ GD Y Tế Đức tại Huế, một số các giáo sư cơ hữu của trường YK được đưa sang Tây Đức tu nghiệp thêm về chuyên môn. Trong đó có Thầy Nguyễn Văn Bách, về môn Physiology; Thầy Bùi Minh Đức, về Tai Mũi Họng; Dược Sư Võ Đăng Đài, về Sinh Hóa Học; Thầy Nguyễn Văn Tự về Sản Phụ Khoa & Siêu Âm. Về sau, khoảng 1973, BS Trần Viết Phồn tu nghiệp Nội Thương, và 1974 BS Tôn Thất Hứa tu nghiệp về Giải Phẫu.

       **GS.BS Gunther Krainick và Phu Nhân


Khi tôi đang học năm Thứ Nhất tại trường YKH, Ban Đại Diện sinh viên trường có tổ chức một tiệc Tất Niên rất lớn tại sảnh đường của trường vào tháng Giêng 1968. Trong những khách mời danh dự, bên cạnh GS. Lê Thanh Minh Châu, tân Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, còn có OB GS. Krainick, Thầy Disher, Thầy Alterkoster và hầu hết các Thầy Cô trong Ban Giảng Huấn của trường YKH. Các Thầy Đức được các sinh viên chúc mừng và kéo ra sàn nhảy. Một trong những bài hát trong đêm là bài “Biệt Ly”, được trình diễn rất tuyệt vời do phu nhân của GS. Nguyễn Mạnh Hùng, 1 agrégé Pharmacologie tốt nghiệp từ ĐH Sorbone. Chỉ mươi ngày sau đó là Tết Mậu Thân. Tất cả 4 người trong phái bộ  GD Y tế Tây Đức gồm OB Giáo Sư Krainick, Thầy Disher, Thầy Alterkoster đều bị VC bắt đem đi mất tích. Ngoài ra còn có GS. BS Nguyễn Văn Đệ cũng bị chúng bắt và sau đó được biết là chết trên đường giải ra Bắc. Xác các thầy Đức được tìm thấy vào tháng 4, 1968, trong vườn của chùa Tường Vân, trên đường Nam Giao, với 4 tử thi có cả 2 tay bị cột chéo sau lưng bằng dây điện thoại, mặt bị biến đổi với vết đạn bắn vào thái dương bên này xuyên qua bên kia, phá tan cả nền sọ, nằm chung với nhau trong 1 cái hầm dài khoảng 3 thước và sâu khoảng 1 thước. Những chi tiết này do BS. Tôn Thất Sang, khóa 3, ghi lại trong bài “Đi Nhận Xác Thầy”, có kèm theo hình.


Tin thảm sát này, kèm theo sự sát hại cả 5 ngàn người dân tại Huế làm chấn động lương tâm thế giới, đã cho thấy bộ mặt dã man của CS khi nhân danh giải phóng. Công việc giáo dục của phái bộ YK Đức tại trường ĐH YKH đành chấm dứt. Xác các Thầy được đưa quàn tại trụ sở Viện ĐH Huế, rồi chuyển vào Saigon. Linh cữu của 4 vị được đưa ra phi cơ về cố quốc vào ngày 14 tháng 4, 1968, trên chiếc xe ngựa có 4 con ngựa kéo, theo sau là khoảng 250 SV YKH và YK Saigon với biểu ngữ nói lên tấm lòng biết ơn đối với công ơn lớn lao của quý Thầy. Trong bài điếu văn, thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Kỷ Thuật VNCH phát biểu: “Bao nhiêu năm tôi đã từng tham dự nhiều buổi lễ ghi nhớ các anh hùng hy sinh cho tổ quốc, nhưng chưa bao giờ cảm động như hôm nay, khi tiễn biệt những bác sĩ dân sự này đã chết cho lý tưởng cao cả của y nghiệp và cho lòng tha nhân.”

Qua mùa hè năm sau, 1969, một bia tưởng niệm và ghi ơn các Thầy YK Đức đã bỏ mình cho y nghiệp được dựng lên ngay sát bên hông của trường YKH với quỹ xây dựng do các đàn anh YKH các khóa lớn quyên góp. Buổi khánh thành rất long trọng với sự hiện diện của GS Lê Thanh Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, phái đoàn quân dân chính của tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế, toàn thể quý thầy cô trong Ban Giảng Huấn cùng nhân viên và cả trăm sinh viên YK Huế.


Sau 1975, bia tưởng niệm này bị nhóm 7-8 sinh viên YK thuộc loại 30 tháng 4, đập phá trong đêm và vứt bỏ xuống ruộng rau muống, theo chỉ thị của cấp trên của chúng. Thật khó nghĩ và thật đáng ghê tởm khi các thầy Đức bị giết hại do chủ trương CS qua tay những tên đao phủ trong đó có Hoàng Phủ Ngọc Phan, vốn là cựu sinh viên y khoa Huế; và nay các Thầy lại bị giết lần thứ hai cũng do một nhóm sinh viên YKH – trong đó có cả một người từng nhận sự dạy dỗ của các Thầy Đức -  nhưng tất cả đều không biết chữ Tâm và chữ Dưỡng bởi chúng bị nhuộm đỏ, mất hết nhân tính, thì làm sao chúng có được lương tâm của “lương y như từ mẫu”. Hành động bỉ ổi này một lần nữa chứng minh cho sự luôn chối bỏ những tang chứng sát nhân tàn nhẫn mà chế độ CS muốn xóa hẳn. Nhưng dù bia đá có bị vứt bỏ, đập bể hay bị xoáy mòn theo dòng thời gian, các chứng tích nạn nhân Tết Mậu Thân bị phá đổ, lịch sử nhân loại không thể quên sự kiện trò giết thầy, VC giết dân lành.

 Tập thể YKH chân chính, những anh chị em từng học với các Thầy Đức, tại hải ngoại hay còn lại trong nước, mãi mãi sẽ không bao giờ quên ơn các Thầy Đức đã góp công xây dựng trường YKH, đã ra sức vun xới, giảng dạy cho các SV, đã chu toàn trách nhiệm y nghiệp và y đức trong phụng sự y đạo một cách nhân bản, để cuối cùng bị giết chết trên quê hương thứ hai này. 

Vào tháng 7, năm 1991, Hội YKH Hải Ngoại tổ chức một cuộc thăm viếng nước Đức, với mục đích đặt tấm bia tưởng niệm tri ân các Thầy GS Đức đã cống hiến đời mình cho nền Giáo Dục YK tại Huế, trong một nghĩa trang nằm gần Freiburg. Nhiều anh chị em trong phái đoàn YKH Hải Ngoại đã phải ê dề cúi mặt nuốt nỗi đau khi nghe câu nói trách móc nhẹ nhàng kèm theo ánh mắt thiếu thiện cảm của phu nhân Thầy Disher “Các sinh viên YKH của các người đã giết chồng tôi!!”.


Năm 2000, nhân đại hội Y Sĩ Việt Nam trong thế giới Tự Do nhóm tại Paris, Ban Tổ Chức đã trân trọng trao tận tay phu nhân Disher một tấm plaque ghi nhận công ơn của Thầy Disher trong giáo dục Y Khoa tại Huế, trước khi bà mất mươi năm sau.  Hội YKH Hải Ngoại vẫn tiếp tục liên lạc với bà Almuth Krainick, con gái Thầy Krainick, mời bà tham dự đại hội YKH nhiều lần tại Little Saigon, New Jersey, Montreal… Cũng như tặng quỹ học bổng $12.000.00 cho cháu của Bà Disher tiếp tục theo học đại học.

Song song với phái bộ GD YK Đức tại Huế, Tây Đức có gởi con tàu bệnh viện Helgoland sang VN từ năm 1966. Sau 1 thời gian ngắn phục vụ tại Saigon, tàu BV Helgoland được điều động ra trụ ở cảng Đà Nẵng. Với chiều dài 92 thước, tàu BV có 150 giường bệnh và một đoàn chuyên môn phục vụ gồm 10 bs, 30 y tá. Theo công ước quốc tế, tàu BV chữa trị tất cả các bệnh nhân dân sự không phân biệt bên này hay bên kia. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, VC nhắm pháo kích vào tàu BV Helgoland, vì vậy cho đến khi tàu rời VN vào cuối năm 1971, tàu phải di chuyển nằm xa ngoài khơi mỗi đêm để tránh đạn pháo, và tiến lại vào bờ khi trời sáng. Trong suốt thời gian gần 6 năm, trên 11 ngàn bệnh nhân đã được nằm chữa trị trên tàu BV này, chưa kể hàng mấy chục ngàn bệnh nhân khác được khám và chữa trị tại phòng ngoại chẩn của tàu.


Để chuẩn bị cho sự thành lập một BV nằm trên đất liền, hội đoàn thiện nguyện Malteser của Tây Đức đã có những toán y tế nằm rải rác tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hội An, An Hòa. Chính tại bệnh viện Quân Dân Y phối hợp tại Hội An là nơi tôi tình nguyện xin vào thực tập trong 2 mùa hè 1970 và 1971, tôi gặp và kết thân với toán y tế và kỹ thuật của Malteser nằm trong BV, và qua đó, tôi có thử vài món ăn của Đức như Bratwurst (hot dog), bánh mì đen và bia Đức. Ngoài ra, Hội Malteser còn thành lập một trung tâm nuôi và săn sóc trẻ mồ côi, một trung tâm săn sóc người bệnh tâm thần, trường học, và cung cấp một xe cấp cứu cho thị xã Đà Nẵng.  

Cũng như CS xé lệnh hưu chiến trong Tết Mậu Thân - vì với chúng, phải chăng công ước quốc tế chỉ được áp dụng một chiều là với chính quyền VNCH - du kích VC mưu mô bắt 5 y tá của Hội Malteser vào năm 1969, gồm 3 nữ và 2 nam. Là cô Marie-Luise Kerber (lúc bị bắt mới 19 tuổi), cô Hindrika Kortmann (28t), cô Monika Schwinn (27t), anh Georg Bartsch (25t) và anh Bernhard Diehl (23t). Dù để bảo đảm an ninh, trước khi xuất phát trên một chiếc xe Jeep mang dấu của Malteser, họ đều mặc đồng phục của Hội, nhưng bị một ông nông dân già lường gạt nhóm người này bằng cách ra dấu muốn dẫn họ đến chỗ một người bệnh để du kích VC bắt họ.

Họ bị hỏi cung, bị tra tấn, bị bỏ đói và bị biệt giam. Marie-Luise Kerber, Hindrika Kortmann và Georg Bartsch đã chết trong 3 tháng đầu tiên của thời gian bị bắt giữ. Monika Schwinn và Bernhard Diehl sống sót được qua 4 năm ngục tù ở nhiều trại giam khác nhau, phải đi bộ ra miền Bắc và chỉ được trả tự do cùng với các tù binh Mỹ sau Hiệp định Paris năm 1973. Trở về lại Tây Đức, cô Monika Schwinn sau đó trở lại làm y tá, chăm sóc trẻ sơ sinh.  Bà cũng giúp đỡ khi những người Việt tỵ nạn đến thành phố bà – hiểu như đó là một điều tất nhiên. Monika Schwinn qua đời ngày 11 tháng 3 năm 2019, hưởng thọ 79 tuổi.

Riêng ông Bernhard Diehl về sau trở thành một tiến sĩ y khoa chuyên ngành tâm lý học. Năm 2013, gần 40 năm sau chiến tranh, ông đã gửi đơn khiếu nại lên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Nhà bác sĩ tâm lý học chỉ yêu cầu chính phủ Hà Nội trao trả lại cho ông các ghi chép và những bài thơ ông làm trong tù nhưng đã bị cai tù tịch thu khi ông được trả tự do. Kết quả như thế nào, không ai biết. Tiếng Huế ta có câu: kiện cái củ khoai!!


Để sửa soạn cho tàu BV Helgoland rời VN, hội từ thiện Malteser đài thọ xây cất một bệnh viện trên đất, nằm bên cạnh BV Đa khoa Đà Nẵng, từ năm 1968 cho đến đầu năm 1972. Trong suốt thời gian 4 năm nói trên, dưới sự hướng dẫn và chỉ huy sáng suốt của Đại Tá thị trưởng Nguyễn Ngọc Khôi, Đà Nẵng dần dần trở thành một thị xã an ninh, mở mang tốt đẹp và phát triển mạnh, chỉ đứng hàng thứ nhì sau Saigon. Bệnh viện Malteser này, dưới tên mới là BV Việt Đức, được long trọng khánh thành vào ngày 18 tháng Giêng 1972,   với sự hiện diện của Thủ Tướng Trần Thiệm Khiêm, Đại Sứ Tây Đức, Tổng Trưởng Y Tế VNCH, các phái đoàn ngoại giao, thị trưởng Nguyễn Ngọc Khôi, các chỉ huy trưởng quân lực VNCH và Hoa Kỳ cùng nhiều thân hào nhân sĩ danh dự khác.

Qua liên hệ từ trước, trường Đại Học YKH gởi các bác sĩ ưu tú đã tốt nghiệp của mình vào làm việc tại BV Việt Đức từ năm 1973, với cam kết bán chính thức là về sau các BS này sẽ nhận được học bổng tu nghiệp tại Tây Đức. Đó là quý đàn anh BS. Nguyễn Văn Chữ, về Giải Phẫu (BS. Chữ: RIP, tai nạn phi cơ bị không tặc nổ trên bầu trời Phan Rang tháng 9, 1974), Nguyễn Thị Bảy, Giải Phẫu; Ngô Văn Tường, Trần Lương Hoa, Nội Thương. Kèm theo bên dưới là tài liệu chứng nhận BS. Trần Lương Hoa làm việc tại tàu BV Helgoland và tại BV Malteser Việt Đức. Ngoài công việc trong bệnh viện, vào các cuối tuần các BS Việt Nam và Đức còn đến chữa trị và theo dõi các bệnh nhân cùi tại trại Cùi Hòa Vân, nằm riêng biệt dưới chân núi Hải Vân. Họ cũng đưa nhiều bệnh nhân có âm tính với cùi sau 1 thời gian chữa trị về BV Việt Đức để giúp ghép lông mày.




Sau 1975, BV Việt Đức bị chính quyền mới đổi tên thành BV C Đà Nẵng, chỉ chữa trị cho các cán bộ trung cấp cùng gia đình của họ mà thôi. Về sau, một số BS tốt nghiệp từ trường YKH được tuyển dụng làm việc tại BV C, như BS. Nguyễn Chi, Tôn Thất Thiện, Phan Kiều Nga…


Khoảng thập niên cuối 80, chính phủ Tây Đức biệt phái BS Tôn Thất Hứa, bấy giờ còn ở tại Wursburg, Tây Đức sau khi tốt nghiệp chuyên môn, về VN làm việc cùng với phái đoàn thiện nguyện y khoa Tây Đức về giải phẫu tái tạo và thẩm mỹ cho các bệnh nhân bị các chứng bệnh về Răng, Hàm, Môi mà đa số là do bệnh khuyết tật bẩm sinh, như sứt môi, hở hàm…

Trong thập niên 80 trở về sau, với quan hệ ngoại giao tốt đẹp dần giữa VN CS và Tây Đức, BS Tôn Thất Hứa có xin tổ chức công giáo KAAD tại Freiburg vài học bổng cho vài BS YKH tốt nghiệp dưới chế độ mới, qua tu nghiệp thêm tại Tây Đức. Tuy nhiên chương trình đó bị gián đoạn khi một nữ BS YKH đang tu nghiệp tại Đức được chấp nhận cho tỵ nạn chính trị vào Mỹ, sau khi trình những chứng cớ cho thấy cơ sở kinh doanh công nghệ của gia đình chồng của cô bị chính quyền CS Huế trưng dụng và chồng cô bị gây khó dễ.

Xin được nhấn mạnh, cho phần kết, những giúp đỡ y tế cho VNCH trước 1975 là từ nước Tây Đức. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào tháng 10, 1990 đưa đến sự thống nhất giữa 2 nước Tây và Đông Đức thành nước Cộng Hòa Liên Bang Đức, chương trình học bổng quốc gia DAAD của Cộng Hòa Liên Bang Đức giúp đỡ cho giáo dục y tế về sau, cho Việt Nam CS nói chung và Huế nói riêng, không nằm trong khuôn khổ bài viết này.

Tác giả chân thành cám ơn TS. Nguyễn Viết Kim cùng phu nhân Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, BS. Thú Y Hà Ngọc Giao, TS. Bùi Văn Chúc, Trưởng Khoa Việt Văn ĐH UCLA (tức nhà văn Quyên Di, chủ bút tạp chí của Tuổi Ngọc trước 1975), quý bác sĩ Tôn Thất Hứa, Lê Đình Thương, Hà Như Minh, Trần Tiễn Lương Hoa, Lê Văn Danh, Ngô Trọng Thọ, Đồng Sĩ Nam, Nguyễn Văn Chi… đã cung cấp thêm nhiều ý kiến và tài liệu tham khảo có giá trị.

Tháng 11, 2022

Mission Viejo, CA

Vĩnh Chánh

 

* https://phanba.wordpress.com/2019/04/27/ngay-27-thang-4-nam-tinh-nguyen-vien-cua-hoi-tu-thien-malteser-bi-bat/ 

 

 

 

 


Tháng 11, 2024

Tháng 10, 2024

Tháng 9, 2024

Tháng 8, 2024

Tháng 7, 2024

Tháng 6, 2024

Tháng 5, 2024

Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.