BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ THẬP KỶ 1960. (Ph 3)

 

lll) Mô Hình Cấu Trúc BVTUH
BVTUHmặt tiền ngảnh ra sông Hương, dọc bờ sông là công viên trải dài, trên đại lộ Lê Lợi mùa hè hoa phượng đỏ rực, sáng chiều trong bệnh viện nhìn ra cổng trước những tà áo trắng nữ sinh Đồng Khánh thướt tha ngang qua, những chiếc nón nghiêng nghiêng trông thật đẹp mắt.
BVTUH thập niên 1960, từ cổng trước 16 Lê Lợi thẳng ra cổng sau 3 Ngô Quyền là một đường trải nhựa rộng và thẳng như lòng cầu Trường Tiền trông suốt đầu này sang đầu kia.
Đường Ngô Quyền chạy bọc mặt sau các Trường Quốc học, Đồng khánh, cắt ngang bệnh viện ở phần sau, chạy xuống thêm một đoạn để rồi tận cùng ở ngã sáu độc nhất ở Huế (hồi đó), nơi có nhà hàng Chaffanjon nổi tiếng, thời Pháp thuộc bán các thực phẩm và hàng hóa nhập từ Pháp.

Con đường giữachạy từ trước ra sau chẻ đôi bệnh viện làm hai nửa cân xứng như đường ranh giữa môt bàn cờ tướng chia hai bên quân đỏ đen mà cũng như giải sông Hương chia Thành phố Huế thành phía tả ngạn thị tứ sầm uất và hữu ngạn công sở, viện, trường…rộng rãi thoáng mát.

Sự qui hoạch của bệnh viện rất rõ ràng:
Nửa bên tả bệnh viện, phía ga Huế, dành cho Nội Nhi Sản và hậu cần (nhà bếp, giặt) chen chúc.
Nửa bên hữu, phía cầu Trường Tiền là Hành chánh, hội trường, khoa ngoại và các khoa cận lâm sàng. Một vài phòng nội khoa (ít quan trọng) thiếu chỗ, tạm lánh qua mé này còn nhiều đất trống.

+Bệnh viện Trung Ương Huế, xây dựng năm 1894, diện tích 10 ha
+ Bệnh viện Chợ Quán ở quận 5, diện tích 5 ha, được xây dựng từ năm 1862, là nhà thương "già" nhất Sài Gòn, nay mang tên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Hai bệnh viện có cổng trước tương tự song BVTUH có cổng sau, nhìn thấy từ cổng trước.

Trong bệnh viện lại còn nhiều ngôi nhà biệt lập, nhiều dãy căn hộ cấp cho bác sĩ, nhân viên, chi chít nhiều đường nhỏ lớn ngăn cách các khoa, phòng, nhà cửa, luống hoa bồn cỏ.
Nhìn đâu cũng thấy tươi mát.

1- Nửa bên tả, nội, nhi, sản, hậu cần:
Tại bên đường giữa, những ai ở hoặc làm việc lâu trong bệnh viện còn nhớ, từ cổng trước ra sau là phòng trực Cấp cứu, tiếp đến một bồn cỏ dài, rồi Khoa Nhi, tòa nhà ba tầng, 150 giường bệnh xây lại năm 1960 với quỹ Nhi đồng UNICEP.
Trước Khoa Nhi là một hồ non bộ dài khoảng 10 m,rộng  6 m, có xây bờ thấp quanh hồ để bệnh nhân ngồi hóng mát ngắm đàn cá vàng lớn bằng bắp chân bơi lội nhả bóng chui ra vào các hang hốc của hòn non bộ.
Cạnh Khoa Nhi tiếp đến là Khoa Sản Trưng Trắc hai tầng hình chữ U, trước là một vườn hoa rộng giữa có một bệ đá cao có đặt bát hương.

+Khoa Sản Trưng Trắc 1960. Từ trái qua: mặt tiền hướng đông, cánh trái (cánh phía sông Hương), trại bệnh Trần Hưng Đạo (bệnh lây), phía sau xa.
+BVTUH cuối thập kỷ 1960, đầu thập kỷ 70. Từ trái qua: công trình thi công lầu 4 tầng tại phần trước của bệnh viện, trại bệnh lầu Huỳnh Thúc Kháng. Đang đi về phía cổng sau: 1 sinh viên, BS HJ Candela nhi khoa,  BS Momin giải phẫu lồng ngực, BS Lê Thị Mỹ YK2, BS CG Dupuis giải phẫu chỉnh hình.

Cuối cùng ngay sát cổng sau là một ngôi nhà biệt lập có hàng rào dâm bụt chắn quanh.
Nhà này cấp cho Ông Nguyễn Nguyên, trưởng phòng Xét nghiệm, có vợ Pháp, tiếp đến là ông Dương Đăng Bảng Giám đốc Ngân Hàng Huyết là con BS Dương Đình Liễu, cựu Trưởng Ty Y tế Thừa Thiên.
Sau 1968 ông DĐBảng vào Sài gòn, nhà được dùng tạm làm khu hành chánh của bệnh viện trong khi chờ đợi bệnh viện xây cất lại.

Rời con đường giữa, rẽ vào trong, từ trước ra sau là các phòng Khoa Nội, rất đặc biệt vì lấy tên các danh nhân lịch sử: Nguyễn hữu Sum A và B, Phan bội Châu A và B và Thái Phiên, phòng trả tiền, Trần Hưng Đạo A và B trước là nội khoa, sau vụ dịch tả đổi thành khoa truyền nhiễm do hai bác sĩ Lê Khắc Quyến và Lê Văn Điềm phụ trách, phòng Đề Thám 10 giường cho phạm nhân, trại điên (khoa Tâm thần) và Nhà Xác kế cận, ở góc sau, góc hai đường Ngô Quyền/Lâm Hoằng.
Các trại bệnh đều nằm ngang, song song với đường Lê Lợi.
Hậu cần thì có Nhà Giặt, Nhà Bếp, sát hông trái phụ trách trên 1000 phần ăn, hồi đó bệnh viện cung cấp ăn uống miễn phí toàn bộ.
Ngoài ra lại có phòng điện phụ có máy điện riêng đề phòng điện cúp.
Nhà cửa san sát ở phía tả ngạn này.

2- Nửa bên hữu, hành chánh, ngoại, phòng mổ, cận lâm sàng:
Tại bên đường giữa, ngay cổng vào là nhà trực cổng, tiếp đến văn phòng Giám đốc, văn phòng bệnh viện, lầu Huỳnh Thúc Kháng khoa ngoại, công chức và trả tiền trên, nam dưới, lầu Nguyễn Thiện Thuật ngoại khoa nữ và phụ khoa trên, nội nữ dưới, BS Nguyễn Duy Chi phụ trách, lầu Lê Huân nội nam trên, dưới có phòng may nhỏ và quán hàng vặt.
Trước lầu NTThuật/LHuân là bãi cỏ rộng có mấy cây cổ thụ.
Tiếp nữa là phòng Ngô Quyền công chức, rồi một dãy căn hộ nhân viên nằm ngang và cuối cùng cũng như bên mé kia, sát cổng sau là một ngôi nhà độc lập, đăc biệt vì có số đường: 5 Ngô Quyền, sau lưng nhà là vườn cỏ nhỏ tiếp giáp với đường giữa.

Cổng sau có nhân viên ngồi ghế canh trong giờ làm và có một trạm điện cao thế nằm bên cửa cổng, mé phải.
Rời con đường giữa, đi vào trong là văn phòng Ty Y Tế, về sau dọn xuống phía cầu Trường Tiền, cơ sở dùng làm phòng họp có thư viện nhỏ và ga ra cho đội xe Cứu Thương, xe tải.
Sau lưng Huỳnh Thúc Kháng là Phòng Mổ Lớn có bao lơn cho Sinh viên kiến phẫu.
Tầng trên là Phòng Hấp, bên cạnh là phòng bác sĩ và phòng trực nhân viên.
Phòng Mổ nối liền với lầu Hoàng Diệu hậu phẫu.
Các trai bệnh nằm dọc, thẳng góc với đường Lê Lợi.
Khoa X-Quang rất rộng xây năm 1960, trước đó ở cùng phòng trực Cấp cứu. Cạnh Khoa X-Q là văn phòng tờ báo Lành Mạnh, BS LKQuyến chủ bút và căn hộ cho nhân viên.
Có một phòng bệnh 30 giường, lợp tồn dành cho Bảo an/ Địa phương Quân, bị pháo kích và được xây lại.
Cũng lợp tồn, rất rộng nhưng trống vách là Hội trường, bên cạnh có một cây ngô đồng rất lớn.
Trong thế chiến II, bệnh viện có xây 2 hầm trú ẩn nổi bằng bê tông cốt sắt để phỏng thủ thụ động: 1 sát khu nội khoa và 1 sát phòng mổ.

Có một nhà nguyện công giáo mới xây, trong bãi cỏ rộng kề đường Hai Bà Trưng.
Cuối cùng là Khoa Cận Lâm Sàng, từ số 5 đến số 7 Ngô Quyền, gồm: Kho Thuốc, phòng Bào chế Dược, Nhà nuôi Thỏ, khoa Xét Nghiệm và ngoài cùng là Ngân hàng Huyết, số 7 Ngô Quyền.
Ở đây mấy người vào cho máu được bồi dưỡng một bữa ăn có thịt, trứng, sữa, bánh mì hoặc cơm, sau này lại có thêm tiền mặt. Tuy vậy vào thời đó Ngân Hàng Huyết nhận được rất nhiều bịch máu Mỹ, quân đội Mỹ đem tới cho, dùng dư dả ở Phòng Mổ, Khoa Sản, các Khoa khác…
Sinh hoạt bệnh viện tấp nập trên con đường chính nối liền 2 cổng trước sau lắm người đi lại. Bên kia đường Ngô Quyền và đường Lâm Hoằng (chạy từ đại lộ Lê Lợi đến đường Ngô Quyền, ở hông trái Bệnhviện) vẫn còn là BVTUH.

3- Tổng diện tích của Bệnh viện khoảng 100 ngàn m2, phân làm 4 lô đất.
Lô chính chiếm trên 3/4 diện tích, ở mặt tiền như vừa mô tả.
Lô 2 nhỏ nhất, ở góc đường Ngô Quyền/ Lâm Hoằng là Trường Cán Sự Y Tế Điều Dưỡng cũ, với các nhà vòm lợp tồn, phòng học và nội trú sau xây lại thành Khoa (bệnh viện)Tâm Thần, trước mặt khu Bài Lao.
Lô đất 3 và 4nối liền nhau rất dài từ số 2 đến 6 Ngô Quyền (số cũ) và khởi đầu là khu (bệnh viện) Bài Lao, 200 giường, bắt đầu từ cổng Trường Đại học Y Khoa, gồm 4 dãy lầu do giòng Nữ Tu Phao lồ cai quản và Bác sĩ BVTUH điều trị.
Ở Huế thời đó, có Trường Thiên Hữu (Providence) 3 tầng lầu quét vôi hồng nền trắng, cùng với 4 dãy lầu Bài Lao sơn cùng màu thanh nhã nổi bật hẳn.
Tuy nhiên đi ngang qua Bệnh viện Bài Lao nhiều người cũng bước nhanh không dám hít thở mạnh, sợ bóng sợ gió, nhà Xác lại ở góc bên kia đường.

Sau biến cố Tết Mậu Thân, khu Bài Lao không hề hấn và một phần tạm dành cho khoa Nội.
Số 4 Ngô Quyền kế tiếp (ngay bên kia đường là 5 Ngô Quyền) là cổng vào Nhà Thương Nhỏ, cũng gọi là Nhà Thương Thị Xã gồm chính yếu phòng khám Ngoại chẩn ở ngay giữa, là một ngôi nhà lớn có nhiều phòng khám các bệnh nội ngoại nhi sản, khám chữa răng và bảo nhi.
Bệnh nhân đến khám đông xin cấp thuốc, toa thuốc hoặc nằm viện, cho nên đoạn đường này rất tấp nập              Lầu Nguyễn Tăng Chuẩn, bên trái: Bv Bài Lao

nhất là buổi sáng trong giờ làm việc.
Cạnh sau phòng khám ngoại chẩn là lầu Nguyễn Tăng Chuẩn dành cho bệnh nhân ngoại thương nhiễm trùng và tiểu phẫu: mụt nhọt, viêm xương… ngay cả sỏi bàng quang.
Cạnh đó là trại cùi đâu khoảng trên 20 giường, cũng là khoa Da Liễu.
Trại này nằm kề bệnh viện Bài Lao, các bà xơ qua lại săn sóc bệnh nhân.                                                         
Giáo sư Seip, người Đức, khoa Da liễu thì đến điều trị và giảng dạy.

Mé phải là khu chuyên khoa ngoại:  Mắt, Tai Mũi Họng, có phòng khám, phòng mổ riêng và 2 phòng bệnh nằm, 25 giường Mắt, 16 giường TMHọng.
Phòng bệnh Mắt mùa đông ẩm ướt và lạnh.
Khu chuyên khoa này còn có tên Viện Lê Đình Dương, có cổng riêng, số 6 Ngô Quyền đối diện với cửa vào Ngân hàng Huyết số 7 bên kia đường.
Bọc sau nhà thương Thị xã là một con đường đất nhỏ nối theo dãy hàng rào thấp sau Bài Lao cùng tiếp cận với đất ruộng của Trường ĐHYKhoa.
Trường ĐHYKhoa được thiết lập năm 1959, các Trường Tá viên điều dưỡng, Nữ Hộ SinhQuốc gia, Cán sự Y Tế Điều dưỡng ít năm trước đó, đều cùng ở mé sau BVTUH, tất cả dính chùm tiếp giáp với hai bên đường Ngô Quyền mà được xem như dòng sông chung của một trục y tế/đào tạo hoàn chỉnh độc đáo.

4- Một bức hình tiêu biểu.

Một bức ảnh tiêu biểu cho quang cảnh BVTUH, thập kỷ 1960: trại bệnh Ngô Quyền và khoa Sản Trưng Trắc.

Ra Huế dự hội nghị ngành, đoàn đại biểu trong Nam ghé thăm khoa Mắt BVTU Huế.
Trong ảnh, đứng gần xe hơi nhất là BS Trần Đình Lập, trưởng khoa, đứng khoanh tay, nhìn ra xe, bác sĩ Lê Viết Mẫn thuộc trường ĐHYK Huế, đứng sau BS Lập và BS Nguyễn Quốc Việt, người thứ 2 kể từ trái qua, chắp tay sau lưng.
Tuy chụp vào năm 1993 nhưng ảnh này mô tả đúng quang cảnh nguyên trạng vào thập kỷ 1960 tại một khoảnh phần nửa sau của BVTUH, cạnh con đường giữa.
Duy hồi đó, đây là trại bệnh Ngô Quyền, nội nam công chức và trả tiền.
Nay là trại bệnh của khoa Mắt.
Trong cuộc chiến Tết Mậu Thân, đầu năm 1968, BVTUH bị phá hủy gần nửa phần trước, chỗ nhiều, chỗ ít, tuy nhiên đều phải xây lại toàn bộ, khác xưa. Phần bị hư hại bên trái (phía ga Huế) bao gồm cho đến sát khoa Nhi và bên phải (phía cầu Tràng Tiền) cho đến trước trại bệnh Ngô Quyền.

Trong ảnh, từ trái qua phải là: *phòng tắm và vệ sinh, *nhiều xe đạp dựng ở tường và một xe gắn máy Honda, *trại Ngô Quyền xưa, *phía sau trại bệnh là dãy nhà gia đình nhân viên (bị che khuất), nay là kho thuốc khoa Dược, *phía bên kia con đường giữa là khoa sản Trưng Trắc, thấy mặt tiền và cánh trái, *Góc phải dưới có một ghế xây bê tông dài, thấp và một cây cổ thụ thấy rễ.
Trong bệnh viện có nhiều cây cối rậm rạp, lớn nhất là cây ngô đồng nằm cạnh hội trường.
Giữa các kiến trúc xây cất và các bồn cỏ là những con đường rộng, xe cứu thương, xe tải, ra vào dễ dàng.
Cảnh cũ người xưa đâu tá! Xưa trại Ngô Quyền là trại bệnh cho công chức và bệnh nhân thu phí nên không có các bác sĩ trường ĐHYK cùng các sinh viên đến thực tập như được thấy trong ảnh vào năm 1993. Hồi đó, đầu thập niên 1960, người y tá trưởng của trại Ngô Quyền là ông Đặng Văn Cáo và bác sĩ điều trị thì phụ trách nhiều trại bệnh cùng lúc.
BVTUH bước qua thế kỷ 21, với quỹ viện trợ nước ngoài, bắt đầu tiến hành xây cất nhiều tòa cao ốc, cấu trúc tân tiến nên các dấu vết xưa của bệnh viện trong thập kỷ 1660 nay hoàn toàn mất hẳn.
Khoa Mắt hiện nay ở tầng 3, tầng 4 của Tòa nhà Trung tâm Đào tạo, 4 tầng do AP tài trợ, khánh thành tháng 12.2009, góc đường Lê Lợi, Hà Nội, Hai Bà Trưng, bệnh viện Trung ương Huế.

Khoa sản Trưng Trắc thì nay cũng không còn đặt tên danh nhân, mà được gọi là Khu Sản phụ khoa, lại đổi thành Trung tâm Sản phụ khoa vì đã có dự án đầu năm 2016 khởi công xây cất lại toàn bộ, cao 6 tầng, 300 giường bệnh với ngân khoản 300 tỷ đồng (13 triệu USD).

Phụ Lục:

  1. Sơ đồ BVTUH thập niên 1960.

Tôi và gia đình kể như đã sống suốt thời gian thập niên 1960 trong khuôn viên bệnh viện Trung ương Huế, sơ đồ bệnh viện vào thập niên 1960 được vẽ lại, nét chung là như sau:

Sơ đồ tổng quát BVTƯ Huế đầu thập kỷ 1960. Các kiến trúc nhà lầu được tô màu đỏ.

+Nửa bên trái (phía ga Huế): 1Tư thất, 3 Cấp cứu, 5 trại Nguyễn Hữu Sum B nội nữ, 7 trại NH Sum A nội nam, 9 phòng thí nghiệm của BS R. Discher (phòng XQ cũ), 11 trại Phan Bội Châu B nội nữ, 13 trại PB Châu A nội nam, 15 trại Đề Thám bệnh phạm nhân, 17 trại Thái Phiên (nội nữ trả tiền), 19 nhà bếp và nhà giặt, gần nhà máy điện phụ, 21 lầu Khoa Nhi ba tầng, cao nhất, 23 niệm Phật đường cũ,  25 trại Trần Hưng Đạo B (khoa Lây nữ), 27 trại Trần Hưng Đạo A (khoa Lây nam), 29 lầu khoa Sản Trưng Trắc, 31 trại Điên (khoa tâm thần), 33 Nhà xác, 35 Tư Thất, 37 Tư thất.

+Nửa bên phải (phía cầu Tràng Tiền): 2 Trực cổng, Tổng đài điện thoại, Tổng giám thị,  4 công xa, bảo trì: mộc, nề, 6 Tư thất Giám đốc, 8 Văn phòng Giám đốc, 10 Văn phòng, 12 trại bệnh địa phương quân cũ, 14 lầu Huỳnh Thúc Kháng, khoa ngoại nam, 16 Phòng mổ, phòng hấp, 18 lầu Hoàng Diệu bệnh hậu phẫu, 20 lầu Nguyễn  Thiện Thuật trên ngoại nữ và phụ khoa, dưới nội nữ, 22 khoa X-Quang, 24 lầu Lê Huân trên nội nam, dưới nhà may và căn tin, 26 Hội trường, 28 Tư thất lầu, 30 Tư thất lầu,  32 nhà nguyện công giáo, 34 trại Ngô Quyền nội công chức, trả tiền, 36 chuồng thỏ, chuột bạch và kho chứa, 38 dãy nhà nhân viên,  40 khu cận lâm sàng: khoa Dược, kho thuốc, bào chế, xét nghiệm, viện Vi Trùng và Ngân hàng huyết (số 7 Ngô Quyền), 42 Chùa Phật Quang, 44 trạm biến thế, sát cổng sau,  46 Tư thất (mang số 5 Ngô Quyền). 

+Phần sau: 48 Trại Tống Duy Tân (bệnh phong cùi),  50 Phòng ngoại chẩn, 52 trại bệnh TMH, 54 Viện Lê Đình Dương  (Mắt, Tai Mũi Họng), 56 nhà nhân viên,  58 trại bệnh mắt, 60 Lầu Nguyễn Tăng Chuẩn, ngoại khoa tiểu phẫu.

+Phần bên, giáp đường Lê Lai, là khu nhà Vòm gồm văn phòng trường cán sự y tế điều dưỡng, cổng mở ra đường Lâm Hoằng, các lớp học và cư xá sinh viên của trường.
Cuối năm 1962 trường cán sự dọn về cơ sở mới xây cất ở đường Nguyễn Trường Tộ, gần đấy.
Các nhà Vòm được tháo gỡ và một bệnh viện tâm thần gồm 2 dãy nhà trệt được người Đức xây cất và do Gs E. Wulf phụ trách.
Vật đổi sao dời, năm 2014 trên lô đất này nay là bệnh viện Quốc Tế Huế, công trình 200 tỷ đồng,  gồm 3 khu nhà sắp hình chữ H, 300 giường bệnh, số 1 Ngô Quyền, góc Lê Lai.

+Bệnh viện Quốc Tế, Huế                                    + Bệnh viện Bài Lao, Huế

Bên kia đường Ngô Quyền là bệnh viện bài Lao, cổng mở ra đường Ngô Quyền, số chẵn.
Bệnh viện này do các nữ tu dòng Phao Lồ quản lý song việc điều trị bệnh nhân do các bác sĩ BVTU Huế đảm nhận. Thỉnh thoảng, GS Le Hir, khoa Lao, người Pháp từ Sài Gòn ra giảng dạy.

Thời Pháp thuộc, cụ thể năm 1944 thì vùng đó tôi thấy như sau:
Mặt tiền đường Jules Ferry (đường Lê Lợi) bên cạnh bệnh viện Huế, phía ga Huế là tòa tỉnh tây, sau đó là tòa tỉnh trưởng ta.
Sau lưng tòa tỉnh là nhà lao Thừa Phủ, trước mặt nhà lao là mộc con đường đất ngắn.
Tiếp đến là nhà của dân, khoảng năm bảy nhà, lợp tranh nhưng có sân vườn rộng.
Nhiều học sinh đến ở trọ vì địa điểm gần các trường trung học.
Rồi đến bãi cỏ sình lầy rộng, cho đến giáp đường Ngô Quyền.
Trước năm 1960 đám đất cỏ sình lầy trở thành khu nhà vòm, cư xá  cho sinh viên trường cán sự Y tế điều dưỡng, cổng vào trổ ra hướng đông.

  1. Sơ đồ BVTUH, 2016

+Toàn cảnh  Bệnh viện Trung ương Huế, hiện tại.     + Sơ đồ Bệnh viện Trung Ương Huế , 2016

+ Nhìn từ đường Lê Lợi, sơ đồ quy hoạch mặt bằng BVĐKTƯ Huế đến năm 2015 (ảnh tư liệu BV)
Mô hình qui hoạch nhiều đợt, quang cảnh “ngổn ngang gò đống kéo lên”.

 

Lê Bá Vận

 

(Còn tiếp...)

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.