BÃO ĐÔNG, BÃO TÂY

 

Bà Lan đang tản bộ trên những lối đi của công viên High Park vào một buổi sáng

gần hè. Những luống hoa vàng, hoa tím trên cành đang đua nhau nở hai bên, những tàng cây maple lá xanh rì đội trên những thân cây đã có tuổi che rợp không gian chung quanh. Lối đi dẫn bà xuống dần cái dốc, gặp phải một vòng hoa rộng lớn mang hình chiếc lá maple được làm bằng những cây bông nho đỏ thắm, bao quanh bởi một tấm thảm cỏ xanh non óng ả dưới nắng ban mai, tất cả đều mới trồng, đang tăng trưởng, và tươi tắn.

 

Sau vòng hoa đó thì lối đi đổ xuống một cái hồ khá lớn, trên bờ hồ là những cây liễu rũ thơ mộng. Bên kia bờ hồ là mặt sau của mấy căn nhà cổ màu trắng nằm trên cái dốc đứng đổ xuống mặt hồ. Phong cảnh ở đây thật hữu tình mặc dầu nó được nằm trong một thành phố hoa lệ với nhiều ánh đèn và cao ốc. Đây cũng là công viên lớn nhất nằm trong thành phố của tỉnh bang Ontario. Không khí ở đây thật trong lành và mát mẻ sau một đêm nhả oxygen và hấp thụ carbonic của vòng cây maple chung quanh. Bao nhiêu lần bà Lan được tản bộ và hít thở bầu không khí đó, lần nào bà cũng có cảm giác như lần đầu, dễ chịu và tươi mát, nhiều lúc bà có cảm tưởng như đang lạc vào chốn thiên thai. Không phải bà nói xạo đâu, vì tuần trước bà gặp một nhóm ba người đi du lịch từ Việt Nam sang, họ lái xe tới công viên rồi đi tản bộ như bà, mặt mày họ thẫn thờ như đi vào chốn tiên cảnh, khi nhận ra bà là người Việt họ hỏi: “Sao cái công viên đẹp đẽ thế này mà lại vắng vẻ, chẳng mấy ai đến đây?”

 

Bà Lan trả lời: “Vì dân Toronto ham làm ăn nên ít ai có thì giờ để thưởng thức cảnh đẹp, mà giờ này thì mọi người đi làm hết rồi. Chỉ có loại “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” mới tìm đến đây. Họ nhìn nhau mỉm cười rồi tiếp tục đi.

 

Bà Lan cứ thong dong bước đều, đầu óc chẳng nghĩ ngợi gì, đi mỏi chân thì bà ngồi xuống cái ghế bên cạnh lối đi để chờ bà Liên bạn bà, mang đến những ổ bánh mì bagette Việt Nam nhân thịt nóng giòn cho bữa ăn trưa. Họ đã hẹn nhau từ tối hôm qua.

 

Cả hai bà bước ra cái bàn ở cạnh hồ, ăn xong hai bà ngồi lại nhâm nhi tách trà xanh nóng hổi để bà Liên bày tỏ ưu tư của bà ấy từ mấy hôm nay. Bà Liên đang có những xung đột với bà Hân, một người bạn gần nhà. Bà Lan đề nghị buổi họp mặt của nhóm để nói chuyện, họ chọn ngay High Park làm điểm hẹn, và gởi những cái text đến những người bạn khác, trong đó có cả ông Hàn mới về hưu và gia nhập nhóm hai năm nay.

 

Nhóm thể dục của bà Lan có tới năm sáu chục người, nhưng chỉ có năm bà là ở

gần trung tâm tập luyện, và là láng giềng với nhau; may mắn họ có nhiều điểm

tương đồng nên dễ kết thân. Họ là những người quen với nếp sống độc thân, thích cảnh thiên nhiên, và những món ăn Á Đông. Ngoài những buổi tập luyện định kỳ vào ngày thứ Bảy, họ thường gặp nhau trong tuần để tập thêm và bàn tán những thắc mắc, ưu tư trong cuộc sống. Từ đây, những nỗi buồn của họ được chia xẻ, và những niềm vui được nhân lên gấp bội. Những người nầy đã trải qua bao nhiêu gian nan, thử thách trong đời để cuối cùng họ đến được vùng quanh khu High Park của thành phố, rồi tình cờ họ gặp nhau và kết bạn. Họ rất trân quý tình bạn đến nỗi họ sợ nó tan đi như những áng mây chiều, nên họ đã có một giao ước với nhau là những bất bình sẽ được nói ra giữa hai người hoặc trong nhóm để giải quyết chứ không để trong lòng rồi có ngày tình bạn tan vỡ.

 

Bà Liên và bà Lan ở rất gần nhau, và cả hai người có thể gặp nhau vào buổi sáng. Họ thường đến công viên High Park gần nhà vào mùa hè để tập môn võ thuật như phim kiếm hiệp được quay chậm gọi là Taichi. Những thao tác dẻo dai, nhuần nhuyễn giúp những bộ khớp của họ trẻ hóa và năng nổ hơn.

 

Hai ngày sau, buổi họp mặt xảy ra sau giờ tan sở, mấy bà còn đi làm lái xe thẳng tới High Park, trong đó có hai bà Anh và Mai đang ở tuổi còn yêu đương, đem theo hai ông bồ hiền lành, tốt bụng nữa. Vậy là tất cả tám người, ba nam, năm nữ ngồi vào cái bàn pinic. Họ ngồi nhìn nhau bằng những đôi mắt rất thân quen của người Việt Nam, những đôi mắt đã in dấu tích của một thời chiến tranh khốc liệt, cùng những sát phạt của cộng sản và những ngỡ ngàng trên quê hương mới. Những đôi mắt đã hằn lên những ngày tháng cõng con bơ vơ giữa chợ đời và những đêm trường giá lạnh; những đôi mắt của sự thông cảm và chia xẻ cho sự kết nối tình bạn lâu bền.

 

Tuần trước bà Liên và bà Hân đã hẹn gặp nhau trong quán cafe khi nghe bà Hân

sắp về Việt Nam nghỉ hè trong hai tuần nữa. Rồi bà Liên bắt đầu bài viết “Gởi các bạn hải ngoại” của ông họ Trần nào đó trên email của bà, bài viết đã làm bà và bà Hân giận nhau.

 

Bà Liên kể: “Ông Trần phê bình những người Việt kiều trở lại Việt Nam để ăn chơi, diêm dúa, khoe khoang, giả bộ một tầng lớp khác… và ông có đề nghị rằng Việt kiều trở lại Việt Nam nên hòa hợp với người Việt đang ở Việt Nam từ cách ăn mặc cho tới thái độ hòa đồng, và khuyến khích Việt kiều đem cái văn minh tiến bộ ở nước ngoài về làm gương mẫu cho người trong nước từ tư cách cho đến trí tuệ…”

Bà Liên nhìn bà Hân rồi tiếp tục: “Tôi nói bà Hân có về VN thì không cần đem mấy bộ đồ vía về, đem về cho mệt, mặc vào để người ta chửi, thế là bà Hân tức giận.”

 

Bà Hân, người đẹp khu chợ bà Chiểu một thuở, vượt biên qua Canada ở tuổi mới trưởng thành, sau khi lo làm lụng để giúp đỡ gia đình ở VN, bà đi học lại nên lỡ cả tuổi xuân thì, bà rất trực tính, và là ngòi nổ cho những trận cười giòn giã trong nhóm. Khi bà Liên vừa dứt lời, bà Hân đã lên tiếng: “Tui nói là tại sao ông Trần đó không viết bài “Gởi mấy ông lãnh đạo VN” yêu cầu những người kinh doanh dẹp bỏ mấy tụ điểm ăn chơi, karaoke, quán bar, bia ôm, nhảy đầm, show biz, massage…, chứ cấp giấy phép cho họ làm ăn, mà giờ ông Trần không muốn Việt kiều vô đó là sao, vậy những chỗ đó chỉ dành cho người Việt ở Việt Nam ăn chơi không sao? Như vậy ông Trần chỉ muốn năm triệu Việt kiều chỉ biết đi làm để gởi tiền về Việt Nam, giờ ở Việt Nam đầy đủ tiền bạc, high tech rồi, thì ông Trần đề nghị Việt kiều đem về những sản phẩm cao cấp khác, những sản phẩm vô hình, vô giá và quý hiếm ở mọi nơi, đó là trí tuệ, tư cách, gương mẫu… Mấy người thử nghĩ coi như vậy ông này có quá khôn ngoan không?”

 

Bà Hân nghỉ một chút rồi tiếp tục: “Khi tôi nghe bà Liên đem bài viết này để dạy tôi cách hành xử thế nào khi về VN thì tôi mới bực bội nói với bà rằng tôi không phải là con cừu non, nghe cái gì tin cái đó như bà đâu”.

Thế là hai bà giận nhau, bà Hân bỏ về.

 

Bà Lan xen vô giữa sự căng thẳng của hai người, bà nói: “Tôi cũng có kinh nghiệm cay đắng của chuyện Việt kiều về nước rồi. Hồi đó khoảng năm hai ngàn lẻ sáu, khi nghe tin mẹ tôi bệnh nặng, tôi hối hả mua vé về thăm mẹ lần cuối như đã hứa. Tôi vẫn đi làm buổi sáng, buổi tối lên máy bay và chỉ kịp đem theo mấy bộ áo quần thường nhật. Về tới VN, tôi cố gắng thức dậy vào buổi sáng, ngồi bên mẹ tôi. Cùng thời điểm đó, hai bà chị họ của tôi ở tỉnh bang khác cũng về VN thăm gia đình họ, và ghé thăm mẹ tôi. Họ có những người chồng biết đầu tư nên rủng rỉnh tiền bạc. Họ mặc những bộ áo đầm kiểu cọ, màu sắc, make-up như các bà, thêm vào những đôi giày cao gót và ví đầm Gucci, LV nữa thì trông họ nổi bật giữa đám bà con và láng giềng đang tò mò chạy qua. Mọi người đối xử với họ như những bà tiên giáng trần, còn tôi như một con sen về thăm mẹ. Họ không ngớt lời ca tụng và khen ngợi hai bà chị họ tôi, mà quên hẳn những đồng tiền mồ hôi nước mắt tôi đang giúp đỡ họ lâu nay. Đó là lý do tại sao Việt kiều về nước là phải “nổ”, nổ từ áo quần đến nghề nghiệp.

 

Việt kiều, Việt nhà gì cũng là con cháu của bà Âu Cơ, cũng thích được khen, được  nể đúng mực, cũng thích ăn chơi, giải trí khi có điều kiện, miễn là không ăn quỵt, ăn chùa, ăn ké của ai. Hết tiền thì họ về đi làm lại có gì đâu.

 

Bà Lan nghĩ một chút rồi tiếp tục: “Hồi đó internet chưa phổ biến nhiều, nên trình độ đánh giá con người và sự vật ở VN có hạn, họ chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, có bao nhiêu người biết cái giá trị trí tuệ bên trong như ông Trần bây giờ. Việt kiều về “nổ”cho vui mắt thiên hạ, cơ hội hiếm hoi mà, chứ ở bên này ngày nào cũng đi làm kiếm tiền cực khổ, một ngày như mọi ngày cũng chán. Tôi không muốn nói đến một số rất nhỏ Việt kiều “bệnh hoạn” về Việt Nam cả mấy tháng, mấy năm trời, ăn chơi trác táng, không một chút liêm sĩ.

 

Bà Mai xía vô: “Ông Trần này coi bộ tham lam, khó tính, cho tôi cũng không lấy.”

Bà Anh là người trẻ nhất, và có nụ cười ăn khách nhất trong nhóm cự lại: “Có ai cho đâu mà lấy với không, chị có ông ngồi bên cạnh rồi đòi lấy ai nữa.” Thế là cả bàn cười ồ.

 

Bây giờ tới lượt ông Hàn, ông có bà vợ trẻ đẹp, bà còn đi làm. Đã một thời ông là

khách hàng quen mặt của những vũ trường ở Sài Gòn, cứ nhìn ông nhảy thì biết. Ông cũng là một tay võ nghệ điêu luyện hồi trẻ. Sau khi vượt biên qua Canada, ông đi làm hãng mấy chục năm, đến lúc gần về hưu thì cái đầu gối của ông có vấn đề, nhiều lúc phải đi khập khễnh, ông buồn lắm vì không nhảy nhót được nữa. Ông thường giúp cho cộng đồng múa lân hoặc dạy võ cho tụi nhỏ, và khi về hưu ông phụ giúp cho hội tập nhảy thể dục. Ông chỉ còn biết giữ nhịp bằng cái xúc xắc, chứ chân ông đau đâu dám nhảy nhiều.

 

Nãy giờ ngồi lắng nghe, chừ ông Hàn mới lên tiếng: “Chúng tôi ra đi khi quê hương còn quá nghèo nàn, đói rách của những năm bảy lăm, tám mươi. Sau hỗn loạn của cuộc chiến, thế lực cộng sản đã đè bẹp chúng tôi trong ngục tù, tăm tối, nói chung đầu óc và thân thể chúng tôi ngất ngư gần chết. Chúng tôi đã bán mạng trên đường vượt biển, bỏ lại quê hương và người thân đằng sau với một chế độ tàn bạo mà lòng đớn đau. Vậy mà khi đến một xứ sở hoàn toàn xa lạ, chúng tôi phải xông xáo tìm việc đi làm ngay để cứu đói, xóa nghèo cho gia đình ở quê nhà và ở đây. Chúng tôi như những con cá nước ngọt bỏ vào nước mặn với bao nhiêu khó khăn để gầy dựng lại cuộc sống mới từ đầu.

 

Ông Hàn hơi xúc động khi trở về những ngày tháng gian nan của ông, ông lấy

chai nước ra uống một hơi rồi tiếp tục: “Tôi còn nhớ những lá thư của gia đình và bạn bè ở Việt Nam gởi qua than khổ, than thiếu, từ cái mái nhà dột, cái xe hư không tiền sửa, tới con đau, vợ ốm, mẹ già không thuốc men… như những cơn bão từ phía Đông tạt qua làm tôi không dám đọc, vì sợ nhụt chí khi đi làm, phải chờ tới cuối tuần mới mở ra. Rồi luồng bão từ phía Tây là công việc và xã hội mới. Những buổi sáng mùa đông căm rét, tuyết rơi dày cả mặt đường, chúng tôi phải thức dậy thật sớm, lo ăn bữa sáng, bới bữa trưa và chuẩn bị cho bữa chiều, rồi vội vã chạy ra trạm để kịp bắt những chuyến xe buýt đến hãng. Sau tám tiếng đứng ở đường dây chuyền của máy, tôi về nhà ăn vội bữa tối rồi phải vào trường để học Anh văn, đi ra ngoài tôi phải nói năng uốn luỡi, uốn họng, chứ không người ta không hiểu, nhiều lúc còn bị người ta coi thường làm tôi buồn lắm… Cuối tuần thì lo đi mua sắm rồi đóng những thùng hàng để gởi về Việt Nam. Những cơn bão trong lòng người còn mạnh hơn cả những cơn bão ngoài trời, xoáy vào tâm can làm nhiều đêm tôi không ngủ được. Rồi đến lúc làm tiền khá hơn, chúng tôi phải dè xẻn từng đồng để mua nhà, mua xe, hai cái căn bản cho cuộc sống ở đây, từ đó cuộc đời tôi dính liền với hãng xưởng, vì buông ra là mất nhà, mất xe. Đến mười lăm, hai mươi năm sau thì bệnh tật bắt đầu xuất hiện, nào là huyết áp cao, mỡ máu cao, đái đường, thấp khớp, bệnh tim, là những bệnh thông thường trong xã hội sống nhanh, sống mạnh, và sống động như ở Bắc Mỹ.” Nói xong ông thở phào một cái như để lấy lại hơi.

 

Bà Mai thấy ông căng thẳng bèn nói giỡn một câu: “Người ta là tiến sĩ kinh tế, mà tụi mình là chiến sĩ kinh tế phải không anh Hàn?”

Ông Hàn đắc ý cười ha hả đáp lại: “À à… Đúng rồi, mặt trận kinh tế của chúng ta cũng đầy gian khổ, như chiến trường sôi động hồi chiến tranh vậy đó.”

Mọi người đều nhìn ông Hàn, mỉm cười đồng tình với ông.

 

Bây giờ đến phiên bà Mai, gái đẹp miền Tây, xen vào để trút bỏ những ưu tư của mình: “Tôi vẫn sống một cảnh hai quê như vậy rất lâu, cho tới ngày mẹ tôi mất vào năm hai ngàn mười sáu, tôi về dự đám tang ở Sài Gòn thì mới thấy được cuộc sống thoải mái của gia đình bà con tôi ở Việt Nam. Hầu hết những gia đình tôi đến thăm đều có người giúp việc lo nấu nướng, chùi dọn, có xe dream để lả lướt, có người có cả xe hơi và tài xế riêng, nhà cửa không phải trả góp, áo quần kiểu cọ, se sua đủ kiểu mới lạ. Mỗi người có một Iphone tân tiến hơn hẳn cái Android phone cũ mèm của tôi. Bởi vậy tôi về nghĩ lại, thôi từ nay tôi chỉ biết “ăn cây nào rào cây đó”. Bây giờ thì ông Trần không phải lo Việt kiều “nổ” nữa, vì Việt nhà đang hơn hẳn cái “nổ” của Việt kiều, và ông lại đề nghị Việt kiều nên đem cái sản phẩm quý hiếm, vô hình, vô giá của trí tuệ, gương mẫu về thôi. Có lẽ chúng tôi không còn nhiều sức khỏe và tiền bạc để về Việt Nam. Thế hệ sau thì chúng có thể về thăm Việt Nam, chúng có đem theo cái trí tuệ, tư cách như đề nghị của ông Trần thì tùy chúng nó, không ai bảo chúng được.”

 

Bà Lan thấm ý, thấm tình, góp thêm: “Trong thời đại internet, chín mươi lăm triệu dân Việt đang trẻ hóa sẽ tăng trưởng trí tuệ rất nhanh, có trí tuệ, có tiền thì có tư cách, có gương mẫu, cần gì đến Việt kiều đem về. Dân Việt ở đâu cũng thông minh và chăm chỉ. Muốn có một quốc gia đẳng cấp thì cần phải thay đổi hệ thống lãnh đạo, những người lãnh đạo phải có thực tài, đức độ, phải biết giữ chủ quyền, phải biết tôn trọng sự đối lập và thực hiện những quyền căn bản của con người, phải có phúc lợi xã hội cao, phải biết bảo vệ môi trường sống, … Việc nhà đều biết hết, chỉ cần thời gian để tích trữ năng lượng thì mong ván cờ sẽ thay đổi. Thật ra con đường cho và nhận chỉ đi một chiều hồi nào giờ là Tây sang Đông, Việt kiều về đâu lấy gì, chỉ cần chút tình cảm chân thành vậy mà mấy ai có được, hay hết tiền là hết tình.

 

Về đến quê mẹ như chim về tổ, “quậy” chút cho thoải mái, vui nhà vui cửa có sao đâu. Họ trả tiền mua vui, giải trí vài ba tuần rồi đi. Vậy mà bây giờ ông Trần có ý kiến công kích, chê bai. Đến bao giờ mới xây dựng được con đường cho và nhận hai chiều đây? Tóm lại, buổi họp mặt hôm nay là mở ra cái nhìn thấu đáo của sự việc, còn ai muốn làm sao thì tùy theo hoàn cảnh và kinh nghiệm của mình, chẳng ai ép ai, muốn nổ, muốn căng, muốn xẹp tùy họ. Thế mới gọi là tự do mà chúng ta phải đổi cả mạng sống phải không?

 

Bà Anh nãy giờ ngồi nghe đàn anh, đàn chị nói căng thẳng quá, bèn bảo ông Tấn, bồ bà, chạy ra xe lấy cái boom box và cái xúc xắc đem vào. Mọi người được bà Anh mời đứng dậy, đi đến cái sân xi măng, nơi giao thoa của những lối đi bên cạnh. Những bản nhạc của cô huấn luyện viên người Đài Loan chọn cho chúng tôi học nhảy thể dục bắt đầu nổi lên, chúng tôi chẳng phải cần theo bài bản nào cả, cứ tự nhiên chuyển động theo nhịp điệu của từng bản nhạc mà chúng tôi hay gọi đùa là “free style”. Những bản nhạc ngoại quá hay, như làm tan biến đi những ưu tư trong lòng.

 

Ông Hà cố giữ nhịp bằng cái xúc xắc và la lớn: “Shake, shake, shake” như để rũ bỏ hết mọi căng thẳng và bệnh tật lai rai. Trên gương mặt của mỗi người đang nở ra những nụ cười thật rạng rỡ. Bà Liên và bà Hân đang đứng đối diện nhìn nhau trong điệu nhảy twist, lắc, lắc, quên hết cả chuyện giận nhau.

 

Ông Công, bồ bà Mai la lên: “Tôi mới tìm ra một tiệm ăn rất ngon và rẻ, mọi người có theo tôi đi ăn tối để tiễn bà Hân về VN không? Tôi cam đoan không ngon tôi trả tiền.” Mọi người cùng nói một chữ: “Yes”. Nửa giờ sau, cả tám người bước lên hai cái xe của ông Tấn và ông Công lái thẳng xuống dowtown để ăn tối. Hai ông này thật là “few good men” mà hai bà Anh và Mai đã may mắn gặp được.

 

Những người Việt của thế hệ chúng tôi đã bị chiến tranh và cộng sản lấy đi tuổi thơ, tuổi thiếu niên, và cả tuổi trưởng thành. Thành phố Toronto đã trả lại cho chúng tôi tuổi làm người, và đang đền bù cho chúng tôi trong tuổi bóng xế với những ngày tháng an nhàn, tự do, hạnh phúc bên những người bạn chân thật. Trong cái thành phố vừa nhộn nhịp, vừa yên tĩnh sâu lắng, chúng tôi biết hưởng thụ trong cái biết đủ là đủ. Những cơn bão Đông, bão Tây cũng thưa dần và không còn ảnh hưởng đến chúng tôi nhiều nữa. Cuộc đời vẫn đẹp sao, hạnh phúc đang dành cho những người đã từng biết sống và biết khổ.

 

Lê Cẩm Tú

YKH13

  

Lê Cẩm Tú (ĐH 2019)

 

 

 

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.