BUỒN VUI TRONG CUỘC ĐỜI NGƯỜI Y SĨ TỴ NẠN                                                                                                    Tôn-thất Sơn

Tóm lược cái Tôi vào thời điểm VC cưỡng chiếm Miền Nam bằng vũ khí của Khối Cộng Sản với sự toa rập của chính phủ Hoa Kỳ. Tháng 03.1975 đồng bào và quân đội VNCH Tây Nguyên di-tản-chiến-thuật về Nha Trang. Nhà tôi và con gái theo chuyến bay chót của Air Việt Nam từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Trong tư cách Chỉ Huy Phó Bệnh Viện Bài Lao Đà Nẵng cạnh bờ biển Sơn Trà, tôi tiếp tục ở lại đơn vị cùng Chỉ Huy Trưởng, một niên trưởng Nhảy Dù như tôi. Hoảng loạn cùng cực. Lê văn Danh, một đồng môn thân thiết, từ Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương đi bộ ngang đơn vị, hai đứa nhếch mép trao đổi cùng nhau cái nhìn thất vọng, rồi thôi. Sáng 29.03.1975, còn lại một mình tại bệnh viện. VC vào trung tâm thành phố. Tàu Hải Quân VNCH ghé Sơn Trà. Tài xế hộc tốc lái xe Jeep đưa tôi và vài quân nhân y tá ra bãi biển. Bơi ra tàu, được đưa vào Cam Ranh. Cùng tài xế thuê ghe con vào Sài Gòn. Tháng 6.1975, vào trại tù cải tạo VC. Ra tù tháng 12.1977. Côn an VC bắt 2 lần vì” tội vượt biên” bằng ghe. Vợ nộp” cây” cứu ra. Lần thứ ba, trót lọt nhờ làm người Tàu Dzỗm. Ghe tấp vào đảo Terempa thuộc quần đảo Anambas ở Indonesia, cuối tháng 05.1979. Cuộc đời tỵ nạn bắt đầu.

1.Nỗi Buồn tại Indonesia.

1.1.Tại các trại tỵ nạn Terempa và Galang.
Nỗi Buồn với một vài đồng nghiệp.
Cùng một số đồng nghiệp tổ chức trạm y tế khám/chữa bệnh thiện nguyện cho thuyền nhân ở đảo Terempa. Tại đảo Galang, nơi chính phủ Indonesia cho phép Cao Ủy LHQ về Người Tỵ Nan tập trung thuyền nhân trước khi đưa sang Singapore lên máy bay đi định cư quốc gia thứ ba. Trạm y tế lớn, có nhiều phương tiện hơn, dù có ít nhân viên y tế Indonesia. Mọi chữa trị đều do y sĩ thuyền nhân đảm trách. Khi trạm y tế thiếu y sĩ vì đi định cư, tôi tìm những vị khác chưa từng tham gia năn nỉ giúp. Một số lạnh lùng nhún vai trả lời” Tôi sắp lên máy bay đi định cư Mỹ, Úc, Canada …”. Chút chua xót trước thái độ bất xứng của người từng thề” giúp người” trước Y Tổ. 

1.2. Làm thiện nguyện trên tàu Nauy Lysekil” A Boat For Vietnam”.
Vào khoảng 04 tháng sau khi lên đảo Terempa, tàu Nauy Lysekil với tên” A Boat For Vietnam” ghé tìm y sĩ lên tàu giúp thuyền nhân vì bác sĩ Nauy chưa sang kịp. Tưởng chỉ 1 tuần, không ngờ cả gia đình tôi tiếp tục trong 08 tháng dài khi người cùng chuyến vượt biên đã lên đường định cư từ lâu.
Nỗi Buồn với đồng hương trong toán y tế.
Trên tàu ngoài tôi, nhà tôi BS. Phan Thanh Tường Ngọc, và con gái Tôn nữ Thục Khanh còn có thêm 2 tá viên điều dưỡng người Việt gốc Hoa. Khả năng chuyên chở của tàu vào khoảng 300. Công tác của toán y tế là đón thuyền nhân, phát vật liệu nấu ăn, chỉ bếp núc và chỗ ngủ trên sàn, dặn dò việc vệ sinh và chăm lo sức khỏe trong các chuyến từ các đảo xa về đảo Galang, thường kéo dài 1 ngày 1 đêm. Khi thuyền nhân rời tàu, toán y tế phải dọn dẹp chỗ ngủ, rửa ráy soong chảo, dọn vệ sinh nhà xí để đón toán kế tiếp. Vì ai cũng như ai, hai cô tá viên chẳng xem tôi ra cái thá gì mặc dù tôi là người chịu chịu trách nhiệm mọi sự. Mỗi lần tàu neo ở thị trấn nào đó, thuyền trưởng lấy ca-nô lên bờ là hai tá viên thót lên theo du hí, để việc làm cu li cho tôi. Tình trạng kéo dài cho đến khi Lysekil trả chúng tôi về lại đảo Galang, chấm dứt nhiệm vụ.
Nỗi Buồn với đồng bào trong các chuyến hải hành.
Nhiệm vụ của Lysekil là bốc thuyền nhân VN từ các đảo xa, gom về đảo Galang. Mặc dù đã dặn dò kỹ lưỡng, nhưng Đồng Bào thân thương vẫn hay nhét giấy báo, băng vệ sinh làm nghẹt cầu xí. Lắm khi tôi phải múc phẩn nổi lềnh bềnh trong cầu xí và Phó Thuyền Trưởng dùng ống nước với sức đẩy mạnh tống đi. Tôi lặp lại thường xuyên mỗi lần đón toán mới, nhưng Đồng Bào tôi cứ” vô tư như người Hà Nội”.
Nỗi Buồn với một đồng hương không hòa đồng trong tình trạng tỵ nạn.
Một” mệnh phụ” người Huế mới khỏi bệnh được di chuyển từ Kuku về Galang chờ định cư Hoa Kỳ. Lên tàu, làm reo cứ nhất quyết đòi cho được nằm riêng trong cabine mà không chịu nằm chung sàn tàu cùng với Đồng Bào mình. Được giải thích rằng đây không phải là tàu bệnh viện mà là tàu chuyển vận thuyền nhân đi định cư, không có phòng đặc biệt dành cho bệnh nhân, hơn nữa bà đã khỏi bệnh rồi, và cabine chỉ dành cho thủy thủ đoàn, rằng chúng tôi cũng chẳng có cabine riêng. Vị “mệnh phụ” vẫn cứ nằng nặc đến độ gây gổ.  Cuối cùng, cậu thủy thủ học nghề máy tàu người Singapore phải nhường phòng mình để làm hài lòng vị nữ lưu không thích hòa đồng.
Nỗi Buồn với trung úy cảnh sát Sĩ quan Liên lạc.
Anh Adang này vào trại tỵ nạn hốt một cô thuyền nhân, mang lên tàu hú hí ngày đêm. Vì là sĩ quan liên lạc, anh ta được ăn chung với thủy thủ đoàn, trong khi chúng tôi có vật liệu tự nấu ăn trong connex nhà bếp. Một hôm anh ta báo cho thuyền trưởng Nauy và tôi phải trình diện Tướng Tư lệnh Hải Quân nơi Lysekil hoạt động. Sau màn mào đầu, ông ta yêu cầu tôi phải nấu ăn cho cô gái. Tôi đáp “Thưa Đô Đốc, tôi là bác sĩ trong toán y tế, tôi không có nhiệm vụ nấu ăn cho ai hết”. Có lẽ vì hành vi lăng nhăng của Adang, sau thời gian ngắn, hải quân đại úy gốc Tàu thay thế. Thuyền trưởng Nauy nói với tôi “Hắn ta chẳng biết gì về tàu bè cả”.

Thiếu tá Trưởng trại tỵ nạn Kuku ăn hiếp.
Anh ta tên Yuko. Người tỵ nạn gọi trại đi là Du Côn. Từng ở trong Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến tại Việt Nam sau Hiệp Định Paris 1973. Một hôm anh với 3-4 thuộc hạ súng ống đầy mình leo lên tàu. Đùng đùng đấm cửa phòng connex nơi tôi nghỉ ngơi. Cửa mở. Du Côn hùng hổ chỉ tay vào mặt tôi “Chính mày chứ không phải ai khác, vì mày biết tiếng Anh”. Lý do phái đoàn LHQ biết nhóm thuyền nhân đang ở trên tàu Lysekil, vừa mới được bốc từ một đảo nhỏ về Kuku, trong đó nữ thuyền nhân bị cảnh sát địa phương sờ soạng. Đi theo bốn người có đại diện LHQ người Hoa Kỳ gốc Do Thái. Sau khi được nghe về chuyện xấu, tôi thông báo với cô ấy, dặn kỹ rằng đừng để Du Côn biết tôi là người “báo cáo”. Du Côn ra lệnh tôi tập họp nhóm thuyền nhân, để điều tra. Tim tôi đánh lô tô. Tìm gặp thanh niên tên Hùng, từng là thông dịch viên cho Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, tôi trình bày ngắn gọn với Hùng sự việc và nhờ Hùng đứng ra nhận chính anh ta là “đương sự”và Du Côn chẳng thể làm khó được anh đâu, nhưng nếu biết tôi là “thủ phạm”, tôi sẽ gặp rắc rối. Hùng đã can đảm xác nhận chính mình báo cáo. Du Côn đoán biết tôi có dính trong vụ việc nhưng không làm gì được. Tức giận leo xuống tàu không thèm chào vị thuyền trưởng đứng gần đó. Hăm he “Tao cho mày biết, kể từ nay mày bước lên đảo Kuku, sẽ biết tay”. Cái màn hùng hổ dọa nạt của Du Côn khiến thuyền trưởng lẫn thủy thủ đoàn bất mãn. Thuyền trưởng Drablos nói, “Tôi sẵn sàng hỗ trợ anh nếu ông ta tiếp tục làm dữ”. Chứng kiến hoạt cảnh dữ dằn, người con gái Hoa Kỳ ràn rụa nước mắt nói với tôi “Xin lỗi bác sĩ”. Tôi cười buồn “Cuộc đời người tỵ nạn không tổ quốc nó đau khổ mọi bề cô Maria à”.
Nỗi Buồn với chính quyền Singapore vì là người vô tổ quốc.
Tàu Lysekil mỗi tháng một lần sang Singapore nhận tiếp tế. Lần đầu tiên chúng tôi được đi theo tàu nhưng không được lên bờ. Lý do nhà nước sợ người tỵ nạn trốn ở lại. Ca-nô cảnh sát neo gần tàu theo dõi chúng tôi cho đến khi rời cảng.
Viên Y sĩ đại tá Trưởng Hồng Thập Tự chơi không đẹp.
Thị trấn Tanjung Pinang là nơi Lysekil bỏ chúng tôi xuống mỗi lần đi Singapore, rất gần với Singapore và đảo Galang. Theo luật của chính quyền địa phương, người Việt Tỵ Nạn không được phép thuê khách sạn nhưng trên thực tế thuyền nhân gốc Hoa vào thuê khách sạn đều đều. Biết như thế, chúng tôi bèn tìm đến cơ sở Hồng Thập Tự xin giúp chỗ ngủ trong 3 đêm. Anh y sĩ đại tá Indoneia Trưởng cơ quan Hồng Thập Tự nhất quyết đẩy chúng tôi đến trại tỵ nạn gần đó trong khi cơ sở vắng tanh không người điều hành. Cũng may cô bé tá viên gốc Hoa tìm được cư dân gốc Hoa trong thị trấn thuê chỗ ngủ tạm. Anh ta theo dõi, biết được sự việc, ngăn cấm chủ nhà nhưng cũng may là “lệnh cấm” không được  chủ nhà răm rắp tuân theo. Mỗi lần Lysekil đi nhận tiếp tế là chúng tôi lo ngay ngáy về việc tìm chỗ trú thân. Chiều chiều ra bến cảng trông chờ Lysekil trở về. Cảm tưởng về sự đối xử khó khăn của viên Y sĩ Trưởng Hồng Thập Tự địa phương có thể là sự kỳ thị vì ganh tỵ. Kẻ tỵ nạn thối tha sao lại làm việc hàng ngang với người da trắng!
Phóng viên Indonesia hống hách.
Phái đoàn báo chí Indonesia đi nhờ Lysekil từ Galang đến đảo Kuku. Buổi sáng tôi bước vào connex dùng làm nhà bếp và phòng ăn, một anh xưng nhà báo ngồi chờ sẵn đâu từ trước. Giọng hách dịch “Mày làm đồ ăn sáng gấp cho tao”. Nhìn thẳng vào mắt anh ta, tôi xẵng giọng: “Xin lỗi, tôi là bác sĩ làm việc cho thuyền nhân trên tàu này. Tôi không có nhiệm vụ nấu ăn”. Anh ta im lặng lủi thủi bỏ đi.

2.Những Nỗi Buồn tại Nauy.

2.1.Thời gian bỡ ngỡ ở xứ lạ quê người.
Làm việc trên tàu Lysekil, tiếp xúc với người Nauy, tôi thấy họ “cũng được”, nên tôi bàn với Tường Ngọc xin định cư Nauy. Thấy chờ lâu không hồi âm, các phái đoàn bốc người thuộc Cao Ủy LHQ hay quá giang Lysekil từ đảo này sang đảo khác đều biết chúng tôi, nói sẵn sàng bốc. Cuối cùng chúng tôi đồng ý phái đoàn Hoa Kỳ làm thủ tục định cư. Vào phút chót Nauy thông báo chấp nhận chúng tôi. Sau khi Lysekil trở lại Galang, chúng tôi chờ vào khoảng 2 tháng, thì đi định cư Nauy, vào đầu tuần tháng 07.1980. Ra phi trường Oslo đón chúng tôi có Ông Egil Nansen và Bà Annette Thommessen. Ông E. Nansen có ông nội từng giúp người tỵ nạn trong cuộc Cách Mạng Nga. Bà A.Thommessen là đảng viên Cánh Tả. Cả hai là người đứng ra quyên tiền cho con tàu Lysekil hoạt động.
Những cú sốc nơi miền đất lạ.
Chiếc Peugeot 505 trên đường về thủ đô, bỗng bị xe sau tông nhằm. Vật liệu trên trần xe gây tai nạn rơi tung tóe trên mặt đường. Như phản ứng thông thường ở Việt Nam, tôi chờ đợi một cuộc gây gổ nẩy lửa. Quá đỗi ngạc nhiên,  Ô. Nansen dừng xe xuống đường nhặt dùm đồ đạc cho kẻ gây tai nạn, sau đó hai người trao đổi bình thường cùng nhau, viết viết ký ký, rồi bắt tay nhau từ giã. Một cái sốc khác. Buổi chiều, Ô. Nansen mời chúng tôi đi ăn tiệm. Xong xuôi đưa tặng tiền túi với tờ 500 kroner, tính ra 100 USD vào thời điểm đó. Ông ta vứt tờ bạc lên bàn trước vẻ ngơ ngác của chúng tôi.
Nỗi chán nản vào thời gian đầu bỡ ngỡ.
Sở Tỵ Nạn chuyển chúng tôi về một tỉnh nhỏ thuộc Miền Nam vào đúng ngày Quốc Khánh Pháp, có một phòng ở trung tâm tỵ nạn v.v… Nhằm vào mùa nghỉ hè, các công tư sở chỉ làm việc lai rai. Phố xá đóng cửa vào 2 giờ chiều mỗi thứ bảy. Từng quen với cuộc sống xô bồ cuối tuần ở Sài Gòn và Đà Nẵng, nay ở đây thành phố cuối tuần vắng tanh, buồn nẫu ruột.
Người thầy dạy tiếng Nauy thì ngáp vặt vào buổi chiều vì anh ta vào thời gian đó đang phụ giúp xây nhà mệt mỏi, khiến đã buồn lại chán nên học hành lơ là và không thấy tương lai nơi mô. Lại thêm người lo việc học hành thuộc Sở Tỵ Nạn cho thuyền nhân lại không chút mặn mà trong việc chỉ đường cho chúng tôi làm sao trở lại nghề cũ. Đoán ông ta muốn chúng tôi vào làm tay thợ trong xí nghiệp nào đó là… tốt rồi.
Cú sốc tiếp theo.
Sau khi học tiếng Nauy theo luật định là 500 giờ, đọc trên tin nhắn địa phương
bệnh viện tâm thần địa phương cần y sĩ thay thế trong thời gian ngắn, tôi làm đơn xin việc. Hồi đó ở Nauy thiếu bác sĩ, nên người tốt nghiệp y khoa ở nước ngoài được phép Tổng Giám Đốc Y Tế cho phép làm việc ngắn hạn, với giấy phép hành nghề tạm thời. Một trong những công việc của trại bệnh là mỗi buổi sáng có cuộc “mạn đàm” giữa y sĩ, bác sĩ tâm lý/psychologist, y tá và tất cả bệnh nhân. Trong buổi “mạn đàm”, một bệnh nhân phàn nàn bị mất ngủ. Hiểu tiếng Vai-king chữ đực chữ cái tôi tưởng rằng bệnh nhân chỉ bị mất ngủ như tôi, bèn phán: rứa thì tôi sẽ viết thuốc ngủ cho anh. Té ra không phải, thật ra anh ta phàn nàn bệnh nhân cùng phòng làm rộn giấc ngủ. Đến phiên trực, tôi đi nhận calling, được trả lời là người khác đã thay. Hỏi ra, trưởng khu không cho tôi trực vì tôi bị y tá phàn nàn… dốt tiếng Nauy. Cái sốc của tôi là cái anh trưởng khu không hề giải thích bất cứ một lời nào với mình. Tổn thương. Tự động nghỉ việc, nộp đơn xin học khóa Tiếng Nauy cấp tốc 03 tháng tại trường đại học Oslo. Nhờ đó về sau này tôi rất tự tin về cách viết văn tự vai-king, có cơ hội làm việc thêm bên ngoài khuôn khổ bệnh viện, với luật sư, trong công việc thẩm định mức yếu kém lao động vì bệnh trạng hay vì tai nạn lao động.

2.2.Chuyện Buồn khi trở lại làm Lang Tây tò te xứ người.
Vài khó chịu khi làm việc thay thế tại bệnh viện tâm trí.
Sau hơn 04 năm vật lộn với việc học tiếng Nauy, tham dự Khóa Bổ Túc dành cho y sĩ tốt nghiệp ở ngoại quốc, và thi một số môn lâm sàng do trường đại học Y khoa Oslo ấn định, tôi mới có thể trở lại nghề cũ. Trong lúc chờ chỗ trống để làm nội trú, tôi xin đi làm việc thay thế mùa hè, cũng với bệnh viện tâm trí. Ghi lại hai câu chuyện nhỏ trong bài viết “Tâm Sự Người Lang-Tây-Tỵ-Nạn-nơi-Xó-Bắc cực” năm 1985:
+Vào thời kỳ làm lang tây mới toanh nơi xứ người Hắn rất sợ phải nhận điện thoại vào các phiên trực, vì sợ mình có nghe-hiểu hay nói-hiểu trong tiếp xúc với người đầu giây bên kia? Mỗi khi chuông điện thoại reo là Hắn hồi hộp lo lắng. Vào một phiên trực nửa đêm, một giọng nữ gọi vào đùa dai đến cả chục lần. Lải nhải “… Này cái thằng Pakkis chết bầm kia, tau đây bị bệnh nhưng mi không được khám tau đâu nhá”. Tưởng cũng nên mở dấu ngoặc ở đây rằng vào thập niên -70 người Pakistan được Nauy “mời”nhập cư làm công nhân hay làm những công việc mà người bản địa chê, nhưng từ thập niên 80 trở đi, khi nhu cầu việc làm càng ngày càng khó khăn, dân địa phương không còn chê việc nặng nhọc nữa, từ đó đâm ra ghét người Pakistan, rồi lây sang người da màu. Người Nauy ghét người Pakistan nên gọi là Pakkis, cũng như người Việt ở Pháp ghét người Á Rập, gọi là Rệp.
+Một hôm trong phiên trực, Hắn nhận cú điện thoại từ y tá. Đến phòng bệnh được biết một nữ bệnh nhân xồn xồn khai báo có cất dấu một vật vào… chỗ kín.
Thế là 4 nhân viên ra sức giữ 2 tay 2 chân vị bệnh nhân liễu yếu đào tơ ra giường, lột quần cho đốc tờ Hắn thò tay sâu vào… lìn móc cái thìa cà phê.

Vài khó khăn khi làm nội trú bệnh viện. 
Sau khi xong các thủ tục thi cử, ứng viên phải làm nột trú 12 tháng tại bệnh viện và thực tập với các bác sĩ tại khu vực 6 tháng, mới được cấp bằng hành nghề y sĩ thường xuyên.
Trong bệnh viện, hồ sơ bệnh lý được đọc vào máy Dictaphone rồi đưa cho thư ký đánh máy ra giấy. Vào thời gian đầu, tôi rất sợ giọng đọc không được thư ký nghe hiểu, thường viết ra giấy. Có lần bị trưởng khu ngoại thương xài xể nhẹ rằng hồ sơ bệnh lý của mi không có chữ mà lại có quá nhiều dấu chấm chấm. Tôi thấy hồ sơ bệnh lý của các nội trú chính gốc Vai-king cũng bị nhiều dấu chấm chấm thay vì chữ, nhưng ông Trưởng Khu này chỉ nhắm có… thằng tôi. Chỉ ậm ừ mà không dám nói gì thêm, sợ bị gây rắc rối cho “sự nghiệp lang tây’’.
Vài ngán ngẫm khi học việc tại phòng mạch khu vực.
Xin chép lại bài viết “Mảnh Đời Lương Y Nơi Xó Bắc Cực” viết năm 1986.
-Reng…Reng…Reng
-Bác sĩ trực tôi nghe đây!

-Đây Tổng Đài Trực Công Xã Vennesla. Có một người nằm bất tỉnh trước quán ăn A, hãy đến gấp!
Lên xe taxi đến hiện trường. Một người đàn ông cỡ 60 hôi hám nằm bất động trên mặt đường, môi tái ngắt, không có mạch nơi cổ, không thở. Biết mọi sự đã… muộn, nhưng trước đám đông hiếu kỳ, anh lang tây tò te xứ Vai-king phải làm một cái gì chứ! Thế là kề môi vào cái miệng vừa trào đồ ăn trong bao tử ra, làm hô hấp nhân tạo. Mùi thuốc lá và mùi rượu bốc lên khăm khẳm muốn nghẹt thở và lợm giọng.
……………….
-Allo, đây Tổng Đài Trực! Cảnh sát muốn nói chuyện!
-Chào bác sĩ, tôi là cảnh sát khu vực. Nhờ bác sĩ lấy máu một tài xế chúng tôi nghi ngờ lái xe trong tình trạng say sưa. Tiếng điện thoại reo lên hồi 3 giờ sáng vào khuya thứ sáu. Hai bạn dân lực lưỡng dìu một chàng Viking to lớn mặt mày đỏ lừ, nạt ngang:
-Ê thằng kia, mày ở nước nào tới đây? Rồi quay sang 2 vị cảnh sát không đeo súng mà chỉ có walkie-takkie, lớn tiếng:
-Tôi không muốn thằng này lấy máu, tôi muốn bác sĩ riêng của tôi!
……………..
Vừa chợp mắt vào buổi tối cuối năm dương lịch bước sang năm mới. Chuông cửa trạm y tế đổ liên hồi. Mở cửa. Hai thanh niên choi choi dìu một thiếu nữ choi choi vào, bàn tay trái cô bé bê bết máu được cuộn trong khăn quàng. Hỏi cớ sự. Tại vì chúc mừng năm mới quá lố nên thụi nhau với nhóm thanh niên khác. Hắn mất cỡ 1 tiếng đồng hồ khâu vết thương. Xong, cả 3 vẫy tay bái bai mà chẳng trả cho một xu thù lao. Nhiều lần đại loại như vậy.

…………….
Sau một ngày cuối tuần quần quật ngay từ khi đổi phiên trực, vào lúc 2 giờ sáng bỗng tiếng điện thoại reo liên hồi.
-Bác sĩ trực tôi nghe đây.
Đầu giây bên kia, giọng đàn ông trẻ mang vẻ hốt hoảng.
-Bác sĩ ơi, cái… áo mưa của tôi bị rách ngang xương trong lúc giao hoan. Chưa tỉnh ngủ nhưng Hắn nhanh trí:
-Thế anh lo sợ cái chi, sợ bị AIDS hay sợ bạn gái mang bầu ?

2.3.Chuyện Buồn trong thời gian làm y sĩ thường xuyên.
Vài bực bội khi làm nhân viên y tế xí nghiệp.
Nhóm Y tế Xí nghiệp gồm nhiều ngành nghề khác nhau như y sĩ, bác sĩ tâm lý/ psychologist, y tá/nurse, chuyên viên vật lý trị liệu/physiotherapist, chuyên viên làm việc/ergoterapist/ergo=working, chuyên viên môi trường v.v… Vì không có việc nào khác, tôi xin việc cách nhà 200 km. Là y sĩ ngoại quốc tò te nên không được làm sếp, mà sếp là anh chuyên viên môi trường trẻ. Mỗi lẫn vào phòng họp, anh ta luôn luôn gác chân lên bàn. Cảm thấy bị khinh thường, một hôm tôi nói thẳng “Gác chân lên bàn trước mặt là hành động thiếu tôn trọng tôi‘’. Anh ta cãi lại đại khái là dân Vai-king của tôi là dzậy đó. Tôi nghỉ việc. Gặp dịp, có một việc làm Physical Medicine & Rehabilitation ở gần nhà, tôi xin và được chấp thuận. Từ đó tiếp tục cho đến khi về hưu lúc vừa đầy 67 tuổi.
Chuyện rắc rối khi làm việc bệnh viện Physical Medecine & Rehabilitation.
-Với bệnh nhân.
Khi ngôn ngữ Vai-king tiến bộ và khi có bằng chuyên khoa, đầy tự tin, tôi tự gây rắc rối cho mình. Thỉnh thoảng nói đùa với bệnh nhân để tạo không khí thân mật, thường nhận nụ cười dễ dãi đồng tình. Một lần tôi giở mửng cũ với một chàng U-60 xuân xanh nhập viện. Khi khai không có vợ con, tôi ngôn một câu
“Solo mình ên chắc ông thuộc loại người ghét phụ nữ rồi”. Chàng độc thân không vui tính im lặng, nghiêm mặt, mắt gườm gườm. Tôi nghĩ bụng “Chít choa gồi, phen này chắc tổ trác”. Hai hôm sau, cụ lục tuần thông báo với tôi rằng có bà chị muốn gặp. Vừa bước vào văn phòng, bà già giở thói… lựu đạn liền tù tì : “Ê, mi có phải người Việt tỵ nạn không? Mi có biết vương quốc Vai-king bản nương đã đối xử rất tốt với chúng mi không, răng mi dám ăn nói bậy bạ với cậu em ta”. Biết gặp phải thứ dữ, nhưng mụ này không là giám hộ cho cậu em mà xỉa xói mình, tôi ngoác mồm gầm lên: “Mụ kia, hãy cút ra khỏi văn phòng lão gia ngay lập tức”. Tôi phải xin lỗi bệnh nhân vào hôm xuất viện. Tôi đoán rằng anh già này thuộc loại đồng tính luyến ái. Từ đó chừa cái tật nói đùa.
-Với sếp trực tiếp.
Chuyên khoa của tôi rất khiêm nhường so với các đồng nghiệp ngoại thương, hay sản phụ khoa chẳng hạn, như bạn đời của tôi, Phan Thhanh Tường Ngọc. Nàng kể nhiều khi phải hộc tốc toát mồ hôi phụ y tá đẩy giường sản phụ vào phòng mổ cấp cứu. Không có nghề của tôi, thì bệnh nhân vẫn sống nhăn. Công việc của tôi chỉ có khám bệnh và định bệnh. Nhân viên làm hết các công việc điều trị mà tôi chẳng động đến chân tay. Nào là physiotherapist, ergoterapeut (tôi không biết dịch ra tiếng Anh về nghề này, vì ergo=working), psychologist, logoped/speech teacher, sosionom/social worker, y tá. Chỉ với bệnh nhân ngoại chẩn về Physical Medicine thì tôi tốn ít nhiều công sức. Bệnh nhân sau khi chu du từ chuyên khoa này sang chuyên khoa khác, không chuyên gia nào tìm ra nguyên cớ, các vị bèn thẩy xuống Physical Medicine mà tôi cho là “sọt rác”. Phải dài dòng chút xíu để quý đồng môn ở xa hiểu hệ thống làm việc ở Xó Bắc Cực này. Cũng nhờ làm việc với bệnh nhân đau xương chắc nhiều năm, tôi tìm ra ở một số phụ nữ sự có sự liên hệ giữa chứng đau lưng/đi lại khó khăn kinh niên với việc giãn nở xương chậu khi mang thai nhiều khi trên 10 -15 năm, mà không được định bệnh/chữa bệnh đúng mức. Một trong những nữ bệnh sau khi khám bệnh nơi tôi, về nhà “khai” với báo chí địa phương. Phóng viên phỏng vấn. Hình tôi và nội dung cuộc phỏng vấn lên báo. Thế là anh trưởng khoa tìm cách gây gổ. Nổi dóa, tôi đập bàn nạt lớn. Anh ta kiện cáo với sếp hành chánh. Chẳng làm gì được nhau. Một thời gian sau anh ta tìm ra một “tội nặng” của tôi về cách tôi viết định bệnh/diagnosis khác với anh ta. Sự “gây gổ” đi đến chỗ bệnh viện phải mời một psychologist-thương-thảo cấp quốc gia đến làm trung gian thương lượng. Cuối cùng tôi hiểu ra anh trưởng khoa hợp tác với một đồng nghiệp Vai-king khác kiếm cớ đánh phá cốt giành tất cả bệnh nhân do Sở An Sinh gửi đến đích danh tôi, nhờ thẩm định mức tàn phế do bệnh tật/thương tật, vì với dịch vụ này mức thu nhập hàng tháng cao hơn nhiều. Bị chèn ép, muốn đi tìm việc khác, nhưng phải xa nhà. Bà xã phán đại khái mần răng em ở nhà một mình đặng. Đành chịu thua. Đành nhịn nhục dù ấm ức.
-Với đồng hương.
Tại địa phương, chúng tôi có qua lại với một vài gia đình. Họ “dùng” tôi là người biên toa thuốc cho họ để gửi về gia đình ở Việt Nam. Họ chỉ tin tưởng y sĩ gốc Vai-king hơn, mặc dù anh y sĩ đó tò te mới ra trường, và trong thời gian nội trú ngoại thương từng nhờ tôi cầm tay may giùm các vết thương tại phòng ngoại chẩn!

3.Vài Niềm Vui Nhỏ với Lòng Cám Ơn Indonesia và Nauy.

3.1.Tại Indonesia.
Kể từ ngày VC cưỡng chiếm Miền Nam 30.04.1975, không bao giờ tôi có được niềm vui trọn vẹn. Ở Indonesia, chút vui chợt tới khi tình cờ gặp người quen biết ở trong các trại tỵ nạn hay trên tàu. Trong thời gian ở trên Lysekil tâm trạng rất hồi hộp mỗi lần đến các đảo nhỏ bốc thuyền nhân vừa ghé. Được gặp đồng môn Hoàng Giang, Nguyễn Bội Giang, Võ văn Phác. Indonesia có vào khoảng 20.000 đảo lớn nhỏ. Nhân đây tôi và Tường Ngọc cám ơn tình thương đơn giản và mộc mạc của cư dân Terempa dành cho khi chúng tôi thốc thếch lên đảo…

3.2.Tại Nauy.
Hệ thống giúp đỡ người tỵ nạn ở Nauy khác với ở Hoa Kỳ. Chính phủ Nauy lo từ A đến Z cho người tỵ nạn khi mới đặt chân đến đất nước họ. Ở thành phố nhỏ nơi chúng tôi được đến cư ngụ người ta tổ chức “bạn gia đình” giúp chúng tôi làm quen với môi trường sống mới. Chúng tôi có 03 gia đình địa phương làm bạn, và cho đến nay, sau 38 năm vẫn còn liên lạc thân thiện.
Trong việc làm tại bệnh viện, tôi chẳng có niềm vui nào đáng kể đối với các đồng nghiệp, nhưng với bệnh nhân, tôi thường nhận một số phản hồi tích cực. Có người tặng thơ, có người nói lời cám ơn trực tiếp hoặc chút quà mọn.
Một chút vui ở bệnh viện đại học.
Một lần, đi làm việc thay thế trong 6 tháng tại khoa neurology thuộc trường đại học để chuẩn bị lấy chứng nhận chuyên khoa về P.M & Rehab. Trong một phiên trực, y tá khu sản phụ khoa kêu khám một nữ bệnh nhân cỡ 50 tuổi lăn lộn trên giường bệnh vì quá đau lưng. Hồ sơ bệnh lý ghi nào là y sĩ chuyên khoa gynecology, nào là giáo sư neurology, nào là chuyên khoa gây mê đã khám và chữa trị. Nói với y tá rằng quý vị thầy của tôi đã khám và chữa bệnh nhân nhưng không kết quả, vậy thì tôi khám với cái nhìn của y sĩ về physical medicine. Khám xong tôi thông báo rằng tình trạng liên hệ với sự giãn nở xương chậu khi bệnh nhân mang thai cách nay 4-5 năm, vậy đề nghị hãy xin phép chuyển bệnh nhân sang khu neurology, và tôi cần 1 chuyên viên vật lý trị liệu/physiotherapist để tôi giải thích bệnh trạng và đề nghị phương cách chữa trị. Cơn đau bớt dần và bệnh nhân xuất viện sau 1 tuần lễ. Bệnh viện này không có khu dành cho PM & Rehab.
Câu chuyện vui nhỏ khác về bệnh nhân ngoại chẩn.
Bé gái 14 tuổi đến khám ngoại chẩn vì đau lưng kinh niên. Đã đi từ chuyên khoa này sang chuyên khoa khác. Trạm áp chót là rheumatology, rồi đến chỗ tôi. Đi với mẹ, vào phòng, nhác thấy tôi, cô bé thụt lùi xem ra sợ hãi có lẽ vì tôi người ngoại quốc da vàng. Tôi nói: “OK, nếu không thích tôi khám thì có quyền từ chối”. Không hiểu sao cô bé đồng ý để tôi khám. Sau khi hỏi kỹ về bệnh trạng cùng những gì xẩy ra quanh cuộc sống và khám bệnh, tôi kết luận với hai mẹ con “Nguyên do cháu bị đau lưng kinh niên là vì phản ứng tâm lý chuyển sang phản ứng cơ thể vì bị chọc quê trong trường học”. Tôi gọi một nhân viên vật lý trị liệu, giải thích định bệnh trước mặt 2 mẹ con và đề nghị phương cách điều trị ngoại chẩn. Vào khoảng 6 tuần sau, cô bé bệnh nhân vào phòng làm việc của tôi. Đi vào một cách tự tin cùng với mẹ trong chiếc váy đầm rất đẹp. Không nói gì, cô bé xoay một vòng, nhoẻn miệng cười tươi. Nhân viên chữa trị thông báo là bệnh đau lưng đã khỏi.

Chút tự hào nghề nghiệp
Qua sự “khám phá nhỏ bé” của tôi về sự liên hệ giữa đau lưng kinh niên ở một số phụ nữ tại Nauy, Hội Phụ Nữ Toàn Quốc về Giãn Nỡ Xương Chậu Nauy mời vào cố vấn đoàn, hàng năm đi sinh hoạt với Hội.

4-Vài chú thích.
-Người y sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài muốn hành nghề thường xuyên tại Nauy phải thông thạo tiếng Nauy, phải qua lớp học gọi là “Khóa Y khoa Bổ Túc”, và phải thi lại một số lâm sàng, rồi sau đó phải làm nội trú tổng cộng 18 tháng.
-Người y sĩ muốn lấy bằng chuyên khoa phải đi từ y sĩ tò te về khoa đó, ghi tên đóng tiền tham dự các khóa lý thuyết tổ chức trên toàn cõi Nauy hoặc tại ngoại quốc, đồng thời phải làm việc tại một số khoa phụ thuộc khác nữa. Tùy theo ngành nghề, thời gian kéo dài từ 3-4 năm trở lên.
-Người y sĩ hoặc làm việc tại bệnh viện, hoặc làm phòng mạch tư hoặc làm bác sĩ xí nghiệp hoặc làm hành chánh, không lẫn lộn.
-Mặc dù vương quốc Nauy là một trong 10 quốc gia giàu nhất thế giới, song thu nhập của y sĩ khiêm nhường so với đồng nhiệp ở các quốc gia khác, đặc biệt với Hoa Kỳ. Chính trị theo thể chế xã-hội-chủ-nghĩa theo mô hình Bắc Âu, khác với Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 180 độ. Người có thu nhập cao đóng thuế từ 50% đến 75% để bù trừ cho người thu nhập thấp hay vì bệnh hoạn không đi làm việc. Vợ chồng chúng tôi nay về hưu, tôi đã gần 13 năm. Chúng tôi có chung cư nhỏ chui ra chui vào. Hàng tháng tiền hưu trí chạy vào trương mục. Có khả năng du lịch nơi đâu trên thế giới, ngoại trừ Việt Nam vì không muốn, khi chế độ hèn với giặc ác với dân VC vẫn còn tồn tại. Ngoài ra mọi sự đã có nhà nước lo cho sự an tâm tuổi già.

Nauy, tháng 07.2018.
Tôn-thất Sơn.

Bài viết được hoàn thành trong thời gian Người Việt trên thế giới và quốc nội tổ chức nhiều cuộc biểu tình quy mô phản đối nhà nước Việt Cộng manh tâm hợp thức hóa hành động bán nước từng phần cho Tàu Cộng, đồng thời ra Luật Bịt Miệng.


 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.