CĂN NHÀ XÓM GA

 

Mùa hè năm nay tôi được đến thăm một viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại - modern art - ở thành phố Barcelona, Spain. Khi nhìn bức ảnh của một thanh niên da đen bị trói hổng chân trên một cột cây với những lằn roi rớm máu, có chỗ da thịt đã nứt ra làm tôi rùng mình. Anh ta bị hành hạ cho đến chết vì tội giết một người da trắng vào thế kỷ trước. Tôi đứng sững sờ vì hình ảnh đó đã gợi tôi nhớ đến những kinh hoàng của tuổi thơ lúc lên mười. Một trong những hình ảnh đó là trận đòn của thằng Cu Đen trong xóm ga mà gia đình tôi mới dọn tới. Ba mẹ tôi được người quen sang lại một căn nhà xây dựng từ thời Pháp thuộc, khá rộng rãi, nằm trên con đường chính của ga Đà Nẵng, bên hông nhà là con hẻm lớn, dẫn vào một xóm lao động, kéo dài tới một khu phố khác ở đằng sau. Trong xóm có cái chợ xép để tiện việc mua bán cho dân cư chung quanh. Một hôm mẹ tôi sai tôi ra chợ mua một bó hành. Mới bước tới đầu hẻm của chợ tôi đã nghe tiếng khóc la của một đứa trẻ. Nhìn qua hàng rào kẽm gai và mấy giây phơi quần áo của nhà ông Chắc đạp xích lô, tôi thấy thằng Cu Đen, tuổi cỡ lên mười như tôi, đang đứng trần truồng và ba nó đang quất nó với cái nịt da rót rót nghe mà sợ. Tôi không dám nhìn nữa, vội chạy vào chợ mua lẹ bó hành đem về cho mẹ tôi kịp nấu canh. Khi đi về ngang qua nhà nó, tôi không còn đi được nữa vì những tiếng la hét vang trời của nó. Tôi tò mò chạy ra phía trước cửa nhà nó nhìn vào. Một cảnh tượng quá khiếp sợ.

 

Ba nó đã treo ngược nó trên cây trứng cá, và tới tấp quất vào người nó từ trên xuống dưới, chẳng cần biết chỗ nào, cơ thể nó chằng chịt những lằn roi đang rớm máu, có chỗ da thịt đã nứt ra, mắt sưng húp. Rồi nó bắt đầu im luôn không còn kêu la gì được nữa, cũng là lúc tôi khóc thét và la lớn “Đừng, đừng.” Bà hàng xóm cạnh nhà nó hình như đã quen với tiếng la của nó nên vẫn ngồi bình thản cho đến lúc nghe tiếng khóc của tôi bà mới bước ra nhìn tôi, con nhà ai mà tới đây khóc dùm vậy? Bà nhìn vào thấy thằng Đen như ngất đi không còn la khóc, bà chạy vào cái chái bếp của nhà ông Chắc kéo bà vợ ông đang khóc thút thít phía trong la lên “Ra cứu con bà đi.” Rồi bà chạy ù ra xông vào ôm cái đầu thằng cu Đen lên trong lúc ông Chắc vẫn đang xối xả quất nó, và tôi thấy nó bắt đầu nấc, mẹ nó chạy theo, ra ôm lấy bà hàng xóm để đỡ mấy ngọn roi cho bà, vậy mà ông vẫn còn tiếp tục quất thêm vài cái nữa trên lưng bà vợ trước khi đôi cái nịt da xuống. Rồi hai bà, một bà ôm đầu nó, một bà bắt ghế gỡ thằng cu Đen xuống. Tôi thấy hai cái chân khẳng khiu như hai que củi tuột xuống, bà hàng xóm dựng cái đầu nó dậy, mở trói tay cho nó. Nó không còn đi được nữa, chỉ lết lết vào ngồi trong xó bếp. Người ta gọi nó là thằng cu Đen là vì nó rất ốm, chân tay khẳng khiu không chút thịt, da đen thui thủi vì suốt ngày ngồi dang nắng coi gánh hàng bán cóc, bán ổi cho mẹ nó ở đầu hẻm. Cho đến bây giờ tôi cũng chưa rõ tại sao tôi đã khóc, vì khiếp sợ với cảnh bạo hành hay vì tình thương yêu đồng loại, có thể là cả hai. Cỡ mấy tuần sau, từ hiên nhà tôi thấy thằng Đen ở trần lảng vảng quanh gánh hàng của mẹ nó, đi lại bình thường, vết thương lành lặn, và đó là lần cuối tôi nhìn thấy nó. Sau nầy tôi mới nghe mẹ nó nói với bà hàng xóm là nó đã bỏ nhà ra đi theo bọn trẻ bụi đời trên những chuyến tàu xuôi vào Nam. Tôi vẫn dấu chuyện này vì sợ lũ trẻ trong xóm gọi tôi là mít ướt.

 

Bạo lực, bạo hành vẫn tồn tại ở mọi nơi, mọi thời, mọi tầng lớp, mọi tầm cỡ, trong gia đình, làng xóm, trong quốc gia, trên quốc tế, dưới những hình thức khác nhau, từ những vũ khí súng ống tinh tế, cho đến những hành động dã man tồi tệ, giữa loài người với nhau. Tại sao vậy? Do thừa testosterone? thiếu adrenaline? Do EQ thấp không kiềm chế được cảm xúc, không nghĩ ra giải pháp khác ngoài võ lực, không cảm nhận được sự đau đớn của kẻ khác? Do bản tính tự tôn muốn người khác phải phục tùng theo mình? hay để giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống nghèo khó?

 

Tôi đã lớn lên và sống trong căn nhà ấy gần ba thập niên, tôi đã chứng kiến bao nhiêu sự tình diễn ra hằng ngày trong thời chiến cũng như thời XHCN cơ cực của một chốn thị tứ phức tạp, thường là những chuyện đau thương hơn là hạnh phúc. Xóm ga, nghe đã “dội”, nơi mà ban ngày hầu như bình thường, nhộn nhịp sinh hoạt mua bán, những hành khách di chuyển, đi lại từ thành phố nầy sang thành phố khác, nơi có những quán ăn, gánh hàng rong, những chiếc xích lô, xe thồ, là nơi của sự đưa tiễn, chia tay, bịn rịn, nơi chào đón những người về thăm quê cũ, học sinh đi học xa, là nơi của những người ăn xin, những kẻ không nhà. Nơi mà ban đêm là của đĩ điếm, xì ke, bạo hành, bạo lực, nơi của thằng bé bán bánh mì và mấy chị bán hột vịt lộn rao mời tới khuya, là chiếc xe phở cốc cốc cho khách ăn đêm, là lúc người ta đi đổ rác thành những đống

lớn nồng nặc… Tuổi thơ của tôi đã đi qua khá hồn nhiên trong những năm đầu ở xóm ga với lũ trẻ trong xóm, mặc cho ba mẹ tôi phải chạy chữa làm ăn. Chín mười tuổi ở VN, chúng tôi vẫn rất ngây thơ. Những buổi trưa hè nắng nóng, chúng tôi chụm nhau năm ba đứa trèo lên cây trứng cá đùa giỡn, rồi chơi trốn tìm, đánh thẻ, múa hát, diễn tuồng… như phần lớn trẻ con thời đó. Có lúc gặp những phi vụ đổ hàng lậu của người lớn, những tài xế chở hàng cho lính Mỹ từ cảng lên kho đã vòng qua xóm ga sau lưng nhà tôi chuồn một vài chuyến hàng trong nhà dân để kiếm thêm tiền. Những đứa trẻ trong xóm, trong đó có cả tôi đứng quanh chiếc xe tải để chờ những thùng hàng rớt xuống do khiêng vác vội vàng làm đổ tung những lon Coca Cola xuống đất, chúng tôi lượm hết bỏ vào một cái thùng giấy đem cất dấu vào đống củi ở cái đầm sau nhà thằng Tài. Rồi những lần gặp nhau, thằng Tài đem theo ca nước đá, chúng tôi lấy vài lon đổ vào chia nhau uống, đã quá là đã, cái thứ giải khát mà cả thế giới đều ghiền khi chưa biết tác dụng lâu dài của nó.

 

Những màn đánh ghen như cảnh trong xinê cũng lôi cuốn sự tò mò của lũ trẻ chúng tôi. Một ông lính Mỹ, có lẽ có chức vụ cao đem một bà vợ hờ từ SG ra thuê cái nhà hai tầng mới xây đối diện nhà tôi. Bà vợ nhỏ xấu như đứa trẻ đi bên cạnh ông Mỹ to lớn. Một hôm ông đem về một bà vợ hờ khác to lớn hơn, trẻ đẹp hơn. Bà vợ hờ lớn trở về nổi ghen, gây sự la hét um xùm cả xóm, ông Mỹ được tài xế chở đi với bà sau, để bà trước ở lại muốn làm gì thì làm, bà kéo hết đồ đạc trong nhà đứng trên cái lan can vừa khóc, vừa la, vừa dzụt đồ xuống đất cho hả giận, để những người hôi của lượm lấy đem về nhà họ. Cuối cùng bà mệt đuối, ngồi thở hổn hển trước ban công, rồi cũng xách vali ra đi. Còn nhiều chuyện đánh ghen rất độc đáo ở cái xóm ga này, mà thôi tôi không kể nhiều nghe thêm mệt với chuyện bạo hành, bạo lực nữa.

 

Thế rồi một hôm tôi cảm thấy bâng khuâng khi thằng bạn trong xóm nhìn tôi với ánh mắt lạ, mấy hôm sau nghe mẹ nó nói đã gởi nó đi tu bên trường dòng rồi. Và năm ấy mẹ tôi không còn mua những cái áo đầm trắng, hoặc xanh dương cho tôi đi học nữa, mẹ tôi dẫn tôi đi đến thợ để đo may những chiếc áo dài. Vừa mặc vào đi học ngày đầu tiên của lớp đệ ngũ, tôi đã bị mấy đứa con gái đặt cho cái tên là “omega” vì ngực phẳng lì và mỏng như cái đồng hồ nổi tiếng omega hồi đó. Tôi cười vô tư, chẳng quan tâm gì nên tụi nó cũng quên đi cái tên đó.

 

Rồi chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, có những người trai trẻ trong xóm hơn tôi năm ba tuổi dần trở về trong chiếc quan tài phủ lên lá cờ vàng ba sọc đỏ, có lúc họ phải làm lễ tưởng niệm ngay đầu hẻm, nơi có khoảng đất khá rộng sát nhà tôi. Đêm đêm những trận pháo kích của CS vào nhà dân làm thương tích cho những người láng giềng trong xóm, họ bồng bế khiêng ra để ngay đầu hẻm để tìm phương tiện chở xuống nhà thương; tôi đứng nhìn ra từ cửa sổ đau lòng, nhất là khi thấy chị bạn hay cười hay nói với tôi đang đổ ruột kêu la. Những ánh mắt hỏa châu chập chờn khi nhìn lên bầu trời trong đêm tối, những tiếng kêu ầm ĩ xẹt ngang gần như sát trên mái nhà của máy bay phản lực dần dần trở thành quen thuộc, chẳng ai buồn ngước mắt nhìn chúng nữa. Thế là chúng tôi đã từ giã tuổi thơ hồn nhiên lúc nào không hay, mỗi đứa mang một nỗi suy tư đi vào tuổi niên thiếu với nhiều khắc khoải. Rồi biến cố Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa,

cả nhà tôi trở thành nơi tá túc của bà con từ vùng BBT vào, mẹ tôi bận rộn lại càng bận thêm, mua bán kiếm tiền để bảo bọc bà con, tôi trở nên tháo vác để giúp nhiều việc nấu nướng, chùi dọn trong nhà.

 

Đã đến lúc học hết bậc trung học, tôi may mắn được cha mẹ cho lên bậc đại học ở Huế, mặc dầu nhà tôi chẳng giàu có gì, ông anh của tôi học cùng lớp, cùng số điểm, được vào ĐH ở SG thì có lẽ đâu bắt con gái ở nhà. Ba tôi chủ trương nam nữ bình quyền mà. Từ đó lũ trẻ trong xóm mỗi đứa một ngả, đứa đi lấy chồng, đứa đi tu, đứa nhập ngũ, đứa đi học xa, đứa đi làm xa, và tôi chẳng còn cơ hội nào để gặp lại. Khoảng thời gian của những năm cuối sáu muơi đến bảy lăm, tôi không rõ lắm, xe lửa ngừng hoạt động vì VC đặt mìn hầu như hàng tuần, hàng tháng gây chết chóc, thương tật cho người dân, tổn thất nhiều cho đường sắt, sân ga trở nên vắng vẻ, dành chỗ cho những người không nhà và tệ nạn.

 

Những kỳ nghỉ hè, tôi về nhà lo quản lý công việc nhà để mẹ tôi có thêm thì giờ mua bán kiếm tiền cho năm học mới của hai anh em tôi. Có những đêm hè nóng bức, khó ngủ, tôi trải chiếu ngồi co mình trên cái balcony nho nhỏ ở tầng lầu nhìn cảnh sinh hoạt của xóm ga về đêm, để rồi mang thêm nhiều suy tư về thế sự và cuộc đời. Có khi thì tôi nhìn thấy một phụ nữ mặc bộ áo quần tan nát, bị xé từng mảnh vừa đi vừa kêu ca khóc lóc giữa đường vì chị làm điếm nuôi con, bị tụi du côn bề hội đồng không trả đồng xu nào. Đồ quân khốn kiếp. Những trận đuổi bắt những tên côn đồ móc túi ăn cắp, những công việc làm ăn chia chác cũng xảy tại đây. Một tối giao thừa, khi mọi người êm ả trong gia đình, tôi vẫn thấy một cô bé cỡ tuổi trăng tròn, mặt mày sáng sủa, cùng một ông già có lẽ là cha, đứng xúc hết đống rác lớn hôi hám đổ vào chiếc xe cam nhông trong mưa phùn gíó bụi để chuẩn bị cho ngày mồng một Tết. Ôi bao nhiêu mảnh đời cơ cực nói sao cho hết.

 

Sau năm bảy lăm, những con tàu lại bắt đầu di chuyển thông thương từ Nam ra bắc, từ Bắc vô Nam, vì không còn chuyện đặt mìn nữa. Tiếng còi tàu bắt đầu hụ lại tút tút… vang lên cả một góc trời vào sáng, trưa, chiều tối… Sân ga trở nên nhộn nhịp đông đúc, những người bộ đội mũ cối mang balô vào thăm miền Nam trù phú để kiếm chác cái đổng, cái đài, những hành khách vào Nam thăm lại bà con, những con buôn tất bật gánh hàng lên tàu ra Bắc vô Nam. Những quán hàng lại mọc lên, tuy không có gì xôm tụ lắm vì hồi đó ít hàng hóa, nhưng mọi người đều phải bon chen kiếm sống qua ngày. Dần dần trước mặt nhà tôi mọc lên những quán nhậu, gánh bún bò, gánh cháo gà, cháo bánh canh, gánh chè, xe bánh mì, xe trái cây… như một cái chợ nhỏ với những món ăn thuần túy VN, vừa ngon, vừa rẻ, vừa tiện. Vào buổi sáng sớm, sát hông nhà tôi là những tiếng rao lanh lảnh của bà bán xôi, bán bánh, những tiếng rao đánh thức mọi người dậy để bắt đầu cho một ngày sinh hoạt của xóm ga.

 

**************

 

Có đêm tôi ngủ với hai đứa con còn rất nhỏ, đứa sau chừng sáu tháng, giường ngủ sát con hẻm có cửa sổ lá sách. Trời nóng, cúp điện, tôi phải quạt xành xạch cho con khi chúng trở mình, tôi bỗng nghe những tiếng đấm đá thùm thụp ở cái trạm dân phòng phía bên kia con hẻm. Rồi tiếng  rên thảm thiết “Lạy các anh em chừa rồi, tha cho em.” Tôi ngồi dậy ra đứng cạnh cửa sổ giả bộ ho cho chúng biết có người đây, vậy mà chẳng tác dụng gì, chúng như những con dã thú đang say mồi cấu xé cho đã cơn thèm khát. Rồi bỗng nhiên tôi nghe tiếng thụp và một tiếng “á”, xong tất cả đều yên lặng, tôi tưởng chúng đã tha cho phạm nhân. Tôi mệt mỏi và rơi vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, tôi dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà đi làm thì thấy chiếc xe ba gác chở một xác người được phủ lên cái mền từ bệnh viện về, theo sau là người mẹ và một phụ nữ khác kêu khóc thảm thiết. Tôi đứng sững sờ, nghe bà hàng xóm cạnh nhà nói: “Hôm qua tụi dân phòng đánh chết thằng con bà Sáu chỉ vì tội ăn trộm một con gà trong xóm. Nó bị đánh bể lá lách.Tội nghiệp thằng nhỏ, tuổi mới lớn thèm ăn mà mẹ nó quá nghèo.”

 

Tôi quay mặt giấu đi đôi mắt đang ngấn lệ, rồi đạp xe đi ngay, lòng đầy thương xót, đau hơn nữa là tôi đã không hành động khi nghe tiếng thùm thụp bên ngoài, tôi không dám mở cửa chạy ra. Mà có ai biết được chữ ngờ với cái máu bạo lực đó, chúng có thể đánh thêm thằng nhỏ để tỏ ra uy quyền của chúng hoặc chúng có thể đấm thẳng vào mặt tôi để lần sau tôi đừng chen vào chuyện của chúng nữa. Tôi cũng chẳng ngờ là chúng có thể giết người một cách dễ dàng như vậy. Chúng nó hèn hạ hơn súc vật, chỉ dùng kẻ đồng loại sa cơ, yếu đuối để cấu xé đến chết. Trời ơi, những người dân hiền lành luôn là những người cô thế trong xã hội bấy giờ, họ phải nhận lãnh những bất công vì thấp cổ, bé họng, không biết bây giờ có tiến bộ gì thêm sau mấy chục năm dưới chế độ cho dân và vì dân, người dân có được hưởng sự công bằng của luật pháp? Có

được hưởng những quyền căn bản của con người? Tôi đang tỏ lòng khâm phục những người trẻ gan dạ đang đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do, dân chủ trên quê hương VN hiện nay mà tôi đã không làm được.

 

Giờ đây tôi được may mắn sống trong một thành phố tương đối bình an, văn minh tiến bộ, có pháp luật công minh, có nhân quyền, nhân đạo đầy đủ… vậy mà thỉnh thoảng tôi vẫn nghe đến bạo lực, bạo hành, không những qua tin tức, mà ngay trong cuộc sống hằng ngày của tôi. Bạo hành trong gia đình khá phổ biến ở những gia đình di dân từ nước nghèo. Có lần một chị người Việt làm ở trung tâm di dân, kể lại rằng chị vừa đi thông dịch cho cảnh sát khi nhà trường báo cáo có một cậu học sinh VN bị người cha trừng phạt quất vào lưng và mông bằng roi. Cô giáo phát hiện được khi cậu cởi áo chơi banh trong trường. Ông cha trả lời với cảnh sát là ông phải dạy con ông trước khi nó bị nhà tù dạy nó. Cảnh sát bảo đó không phải là luật ở đây, chúng tôi phải bảo vệ sự phát triển của trẻ con để khi lớn lên chúng nó là những công dân hữu ích, chứ không phải là gánh nặng cho xã hội. Lần đầu chưa biết luật họ tạm tha, nhưng lần sau thì ông phải ra tòa. Rồi chị đưa cho ông những brochure về bạo hành bằng tiếng Việt để ông đọc. Thế

mới biết ở xứ nầy con mình là con của xã hội, chứ đừng nghĩ là con mình rồi muốn làm gì cũng được. Những đứa trẻ di dân mới vào trường đã được thầy cô giáo đưa cho một số điện thoại để gọi khi bị cha mẹ đánh đập. Những bà vợ ở những nước có thành tích đánh vợ được cộng đồng huấn luyện phải làm gì khi bị chồng đánh.

 

Một hôm tôi đi thăm một người bệnh là một bác cao niên người VN ở chung với gia đình người con trai. Cô vợ dẫn tôi ra cái garage để chỉ cho tôi biết cái nệm giảm áp lực chị mới mua cho bác nằm, tôi thấy có một cái punching bag treo lủng lẳng. Tôi hỏi: “Ủa anh chị tập võ à?”  Chị bảo: “Không, chồng em rất nóng tính và luôn căng thẳng với công việc nên anh hay đập bàn, đập ghế mỗi khi mấy đứa con ngỗ nghịch không nghe lời. Em sợ có ngày ông phải vô tù vì tội đánh con nên em bàn với ổng mua cái punching bag nầy để đi làm về có gì bực bội thì vô đây tha hồ mà punch, đấm đá xong đi tắm rồi vào nói chuyện với vợ con. Vậy mà đỡ lắm đó chị, thỉnh thoảng em cũng dùng nó, có lúc em vẽ cái mặt ông lên cái bag để punch, rồi ổng vẽ lại cái mặt của em

lên cho huề. Tôi cười bảo: “Ý kiến hay. Cũng có nhiều phương pháp khác để giúp mình bớt nóng nảy, bình tĩnh hơn như thiền, yoga, ….” Chị cắt ngang bảo: “Thôi chị ơi, em biết tính ổng không kiên nhẫn ngồi yên một chỗ đâu. Em hy vọng cái punching bag giúp ông cho tới tuổi về hưu.”

 

Cuộc sống trên quê hương thứ hai khá vất vả vì mọi người phải xây dựng lại từ đầu, dần dà tôi cũng tậu được cái nhà để tạo mái ấm gia đình cho con tôi. Sự trùng hợp là căn nhà cũ kỹ bây giờ cũng nằm trong xóm ga, có kiểu cách và kích thước gần như ngôi nhà ở VN; có lần đọc báo nghe nói xóm ga nầy thuộc vào một trong năm trục giao thông phức tạp nhất thế giới, có đủ GO train, UP train, VIA train, subway, bus, street car, taxi, bicycle. Tuy nhiều thứ, nhưng cái gì ra cái đó nên nhà tôi ở khá yên lặng so với xóm ga ở VN. Khu nầy cũng rất nhộn nhịp, nằm ngay ngã tư của hai con đường chính trong thành phố, người ta đi lại tấp nập lên xe xuống tàu, ít khi ngừng nghỉ. Sau hơn mười lăm năm sống ở Toronto, tôi trở về VN thăm cha mẹ, tôi lại thích cái không khí ồn ào của xóm ga, những tiếng rao hàng vào buổi sáng sớm, những gánh cháo, gánh bún thơm lừng với mùi vị rất VN, những cảnh bon chen kiếm sống, những đứa trẻ và người già trên đường phố, trên sân ga đều là những điều thú vị, mỗi cảnh gợi cho tôi một cảm xúc thân quen, gần gũi. Hình như xóm ga đã in sâu trong lòng tôi từ thuở bé thơ. Có người bà con nói với tôi sao không sắp xếp bên đó để trở lại ĐN sinh sống cho vui, bữa nay có nhiều cơ hội làm ăn lắm. Tôi bảo: “Dạ thưa đời tôi chỉ thay đổi chốn ở một lần là đã hết hơi rồi. Trở về đây tôi cũng phải bắt đầu lại từ đầu, mà không biết có được yên ổn không?”

 

Đã hơn mười năm tôi chưa trở lại VN, nghe đâu nhiều thay đổi lắm, nhất là Đà Nẵng quê tôi. Tôi đang muốn về VN một lần nữa để thăm nơi chôn nhau cắt rốn trước khi tôi không còn sức để đi xa. Tôi sẽ không quan tâm nhiều đến những cơ sở vật chất được xây dựng tối tân, tầm cỡ, tôi chỉ muốn có chút gì để nhớ, để thương của xóm ga. Một chút gì như bài nhạc sến bolero “Tàu đêm năm cũ” của Trúc Phương với cảnh chia tay của người lính trên sân ga để ra trận. Những cảm xúc từ đáy lòng được ghi lại trên những nốt nhạc mà cả năm chục năm sau khi nghe một thanh niên da trắng đánh đàn guitar bài hát nầy trên đường phố Toronto đã làm tôi nổi da gà. “Trời đêm dần tàn, tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn….” Tôi muốn thấy một cái gì của sự tiến bộ về nhân quyền, nhân bản, dân trí để mọi người được hưởng những quyền căn bản của

con người và sự công bằng của luật pháp trong xã hội, để người dân không phải nhìn thấy hình ảnh thằng Cu Đen bị treo trên cây, không phải ngấn lệ đau lòng với cậu trai trẻ năm xưa chết trong đau đớn, bạo hành, oan nghiệt,… một cái gì đó để gọi là hồn thiêng của dân tộc để anh láng giềng Trung quốc không thể nuốt chửng Việt Nam quê hương yêu dấu của tôi với cái xóm ga mang nhiều kỷ niệm.

 

Lê Cẩm Tú

YKH13

 

 

 

 

Ga Đà Nẵng xưa và nay

 

 

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.