CÂU CHUYỆN EQ

 

Khuôn mặt của bà giáo sư Dijon bỗng sáng lên sau giấc ngủ dài, khi bà nhận ra Tâm đang đứng ở đầu cầu thang trong cái phòng ngủ rộng lớn đẹp đẽ của bà. Bà đang cố nở nụ cười ngái ngủ để chào đón cô nurse mà bà ưa thích.

 

Đã gần một năm nay bà Dijon phải chiến đấu với căn bệnh ung thư ở gần giai đoạn cuối. Bà đã từ chối những dịch vụ ở nhà, như lời đề nghị của bác sĩ chuyên khoa, vì bà chưa muốn đầu hàng số phận, bà nghĩ bà có đủ kiến thức và nghị lực để chiến đấu với nó một mình. Bà là một người đàn bà đẹp, quyến rũ với những đường cong đầy nữ tính, nhất là bà được thoải mái sau khi nghỉ việc. Bức hình bà chụp trong buổi dạ hội Mellinium mấy năm truớc đây trông lộng lẫy với áo dạ hội đỏ thắm.Tâm đã ngạc nhiên khi biết số tuổi của bà ở con số năm mươi bảy. Thân hình bà cao lớn, cân đối, da dẻ mượt mà, mái tóc bà được cắt tỉa ở những spa đắt tiền, rất phù hợp với gương mặt đẹp đẽ, thông minh của người đàn bà có học vấn cao. Chồng bà cũng là một người đàn ông cao lớn, điển trai, và là đồng nghiệp của bà. Cả hai đều là giáo sư giảng dạy của trường đại học danh tiếng. Tâm rất ngưỡng mộ khi đặt chân vào nhà của bà lần đầu tiên, khi biết rằng ông bà đang sống ở trong một căn nhà cổ kính, rộng rãi với đứa con trai cũng điển trai không kém đang bước vào ngưỡng cửa đại học.

 

Căn nhà thật ấm cúng, được thiết kế pha lẫn giữa cổ kính và hiện đại một cách hài hòa, những màu sắc và ánh sáng quyện lẫn vào những bức tranh bản gốc sinh động, tạo nên một không gian thư giãn mà lần đầu Tâm được cảm nghiệm. Sau nầy nàng mới biết rằng đó là công trình của một đội ngũ thiết kế nội thất mà chỉ những người chịu chơi, chịu chi như bà mới dám dùng tới.

Bà vẫn giữ thái độ khướt từ, lạnh nhạt với Tâm trong lần đầu, như những lần trước đây bà đã làm vậy với các cô nurse khác, hình như bà cho rằng những người có bộ mặt trần và những bộ áo quần quá bình thường không hợp với cái không gian và lối sống của bà chăng?

 

Tâm thì hiểu được rằng bà đang sợ hãi cái chết, một người có quá nhiều thứ đẹp đẽ trên đời để chấp nhận bỏ nó mà ra đi. Tâm cũng hiểu được rằng bà đang cô đơn, mặc dù bà đang sống với hai người đàn ông điển trai ấy, nhưng họ quá bận rộn để lắng nghe những lo âu về căn bệnh của bà. Đứa con trai của bà vừa dọn vào trường đại học xa nhà cả trăm cây số, thỉnh thoảng mới về thăm nhà một vài ngày trong những dịp lễ. Chồng bà là một giáo sư toán học khô khan, bận rộn, chẳng bao giờ hiểu được cảm xúc của vợ.

 

Ở nhà bà cố đọc, cố tìm tòi trong chuyên đề ung thư để mong có cách điều trị khác từ những tài liệu mới nhất. Giờ thì bà cảm thấy quá mệt mỏi mà chẳng có một tia hy vọng nào, càng tìm bà càng lún sâu vào nỗi tuyệt vọng. Có lẽ vì vậy mà sau một tuần Tâm gặp lại bà, thái độ của bà đã thay đổi, bà có vẻ thân thiện hơn. Tâm không đề cập gì tới chuyện bệnh tật, chết chóc của bà, và nàng cũng sẽ tiếp tục làm vậy trong những lần sau; tại sao nàng phải đụng tới cái điểm sợ hãi của bà làm bà thêm khó chiụ và nàng thêm khó khăn. Nàng chỉ âm thầm theo dõi diễn tiến của bệnh với những câu hỏi chen lẫn trong lúc chuyện trò với bà như một người bạn. Nàng kể cho bà nghe những câu chuyện thường nhật ngoài đường mà trong thế giới thượng lưu của bà ít khi nghe đến. Chuyện hai bà Mễ đánh ghen ngoài đường trong lúc Tâm đi bộ từ chỗ đậu xe đến một building lớn, chuyện một ông sồn sồn đi xe đạp trên lề đường đụng vào một bà phải gió và hai bên gây gổ đến chỗ gần đánh nhau; chuyện con chó của nhà hàng xóm xé toạc quần của một thằng xì ke ăn trộm...  Những câu chuyện vô thưởng vô phạt, vậy mà lại làm bà có vẻ thú vị, có lúc bà cười, nụ cười của bà như xóa dần thái độ kiêu căng, tự cao, tự đại, làm Tâm cũng cảm thấy vui lây. Dần dần bà cảm thấy tin tưởng ở Tâm và bắt đầu hợp tác với cô trong việc thuốc men, chữa trị của bác sĩ.

 

Bệnh của bà vẫn tiếp tục phát triển, cơn đau của bà nhiều hơn, bà phải dùng những viên thuốc giảm đau mà trước đây bà nhất định từ chối. Bà không còn đi lại nhiều trong căn phòng rộng lớn với nhiều của sổ nữa, nhưng cái trí óc của bà vẫn còn sáng suốt. Tâm phải tăng số lần thăm viếng, và mỗi lần đến, Tâm thường ngồi ở cái ghế cạnh giường bà để coi lại thuốc men và nói chuyện với bà. Bà đang cần những người biết lắng nghe để giải tỏa những tâm tư của mình.

 

Tâm nhớ một hôm nét mặt bà buồn. Hỏi ra mới biết bà buồn là vì sáng nay đi gặp bác sĩ ở bệnh viện, bà phải ngồi chờ hơn nửa tiếng đồng hồ giữa những bệnh nhân khác ở mọi tầng lớp, mọi sắc tộc. Những người bệnh ít tắm rửa có mùi hôi, thêm mùi dầu gió quyện vào nữa làm bà muốn ói.

Bà nói:

“Tại sao y tế ở Canada không cho chút đặc ân gì với những người đã cống hiến cả cuộc đời cho khoa học như bà, họ coi bà đồng hạng với những người chẳng đi làm một ngày nào hoặc chẳng đóng góp gì đáng kể?”

 

Tâm im lặng suy nghĩ một chút rồi nói với bà rằng:

“Đó là đặc điểm công bằng trong y tế của chính quyền ở Canada. Đã là con người thì cái đau, cái khổ của ai cũng giống nhau. Trong một ván bài thì con đầm, con xì, cũng có giá trị như con hai rô hay con ba bích vậy, chỉ khác nhau là khi nào mình dùng tới nó. Một bộ bài mà thiếu một con bài cũng sẽ bị vứt bỏ, một con bài bị vết mực hoặc rách đi cũng bị vứt bỏ, như vậy tất cả những con bài đều phải được bảo tồn như nhau mới có giá trị. Còn nếu người có tiền muốn có sự phục vụ tốt hơn thì cứ bỏ thêm tiền túi, hoặc mua những bảo hiểm lớn. Thật ra, bảo hiểm hay tiền túi cũng chỉ thêm mấy cái râu ria, chứ cái căn bản từ bác sĩ thì cũng vậy. Sự cống hiến của bà đã được đền bù bằng số lương gấp mười lần của họ rồi.”

 

Bà nhìn Tâm như đã hiểu. Bà bảo bà có bảo hiểm khá lắm, nhưng bà không đủ sức để khai báo từng chi tiết nữa, bà phải cần đến một cán sự xã hội lo về chuyện bảo hiểm đến giúp bà, chứ không thì bây giờ bà cũng nhức đầu lắm.

 

Thế rồi một hôm bà xuất thần nói chuyện với Tâm: "Tôi đã bắt đầu nhận thức rằng từ mấy năm nay trong tôi đang thiếu thiếu một cái gì đó. Tôi thấy bà chùi dọn văn phòng luôn nở một nụ cười rất tươi mỗi khi gặp tôi, cũng như bà Phi luật tân làm ở căn tin luôn kèm theo nụ cười dễ mến khi đưa thức ăn cho tôi. Tôi thích những nụ cười ấy, và tôi đã làm bạn với họ.”

 

Tâm hỏi:

"Bà làm bạn với họ bằng cách nào?”

Bà kể:  

"Một hôm bà chùi dọn buồn bã nói với bà rằng bà mới đánh mất cái toa của bác sĩ, giờ bà không có thuốc cho cái bệnh sưng lỗ tai nên bà thấy khó chịu. Bà ấy ngại đi xin lại toa khác vì ông bác sĩ nghiêm lắm. Tôi nói với bà ấy đưa tên họ, ngày sinh của bà ấy để tôi xuống lấy cái toa copy khác cho. Bà phải ngồi chờ mười lăm phút mới gặp ông bác sĩ bước ra, khi bà nói bà muốn lấy cái toa copy cho bệnh nhân này thì ông bác sĩ hỏi lại tại sao bà phải làm vậy, ông chỉ muốn nói chuyện với bệnh nhân thôi, rồi ông bỏ vào phòng khám.”

 

Bà cảm thấy tự ái bị tổn thương; bà đẹp đẽ, oai nghi, quyền thế như vậy mà lại bị ông bác sĩ trẻ măng như đám sinh viên năng động, tài ba dưới của tay bà phán một câu cộc lốc như vậy ư? Thật ra bà muốn tập tành giúp đỡ người khác, nhưng không quen làm, nên khi làm thì nó trật đường rầy. Thế rồi bà quyết định đi một chuyến du lịch bụi để học cái cảm giác lăn lóc, đá cá lăn dưa như thế nào. Nhất là khi nghe con trai bà nói chuyện, bà biết nó đang gặp khó khăn hội nhập vào môi trường mới và đám bạn mới, nhưng nó còn trẻ nên không phải là vấn đề lớn, chỉ cần vài tuần, vài tháng nó sẽ làm được. Bà nói hồi nào giờ bà có được nhiều đặc ân, đặc quyền, nên cái kiêu hãnh của bà đã che mờ đi nhiều thứ mà đến khi bị đổ bệnh bà mới thấy được. Bà được bao phủ trong sự giàu sang phú qúy, trong những đám sinh viên trẻ trung lanh lẹ, giữa những đồng nghiệp trí thức thượng lưu. Giờ bà đang cảm nhận được mặt khác của cuộc đời.

 

Tâm mừng cho bà, bà đang hé mở cái cửa của EQ để tân trang nó lại đấy. Tuy hơi muộn màng nhưng chẳng sao, có còn hơn không. Cái cảm giác thiếu thiếu của bà theo Tâm nghĩ là cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về bức tranh của cuộc đời, hơn là sự cục bộ trong môi trường của bà. Đến cái tuổi bà đã góp nhặt được những mảnh puzzles trong cuộc sống, bà đang lắp lại để nhìn thấy bức tranh đó, nhưng bà lại thiếu đi nhiều mảnh mà bà đang tìm được chúng ở nụ cười của bà chùi dọn và bà Phi ở căn tin. Cái mảnh của sự thông hiểu thế giới không được may mắn như bà, cái mảnh của thế giới yêu thương và sự giúp đỡ người khác, cái mảnh của những cảm xúc thật sự từ đáy lòng. . .

 

Tâm chào tạm biệt bà vì đã hết giờ. Chuyện đi bụi để lần sau kể tiếp, giờ thì bà thích nói chuyện với Tâm lắm rồi.

 

Hai ngày sau Tâm đến, sau chút ít thì giờ cho công việc chuyên môn, nàng ngồi vào chiếc ghế cạnh giường bà, bà kê mấy cái gối lên để nằm trong thế semi- Fowler và bà bắt đầu kể chuyện đi du lịch bụi với mẹ con của bà Phi ở căn tin. Bà Phi là mẹ đơn thân. Hai người đồng ý chơi theo kiểu Dutch, phần ai nấy trả.

 

Bà kể, đi với bà Phi thì cần gì bà cũng phải sắp hàng, từ việc lấy vé, lấy ly cà phê, lấy thức ăn, cho đến đi WR… lúc nào cũng phải chờ đợi. Bà phải học tính kiên nhẫn. Có lần ở New York, bà rất thèm ly cà phê, bà phải đi bộ với bà Phi và hai đứa con tuổi teen của bà ấy một đoạn đường dài, đến lúc tìm được quán cà phê, bà Phi thấy giá năm đô một ly thì bà bỏ đi ra khỏi tiệm, nói là mắc quá, đi tìm chỗ khác. Vậy mà mới ra khỏi tiệm, thấy một người vô gia cư đang đứng co ro, ngửa tay xin tiền thì bà Phi bỏ vào tay ông năm đô không cần suy nghĩ gì cả. Rồi bà phải đi theo bà Phi một đoạn đường dài lắm, hết cả hơi, mới mua được ly cà phê một đồng rưỡi. Bà rất tức, nhưng không dám nói gì vì sợ bà Phi bỏ bà lại mà đi riêng thì mệt hơn.

 

Bà hỏi Tâm:

“Nếu cô là tôi thì cô có tức không?”

Tâm trả lời:

“Tôi có thể hơi bực vì cơn thèm ly cà phê một chút nhưng nó sẽ qua mau thôi. Việc bà Phi làm thì tôi hiểu. Có lẽ bà Phi đã trải qua cơn đói và bà hiểu cái cảm giác đói của người ăn xin đó mạnh hơn là cảm giác thèm ly cà phê của bà rất nhiều nên bà ấy mới tặng năm đô đó mà không cần dùng lý trí để tính toán gì cả. Có bao giờ bà bị cơn đói hành hạ chưa?”

Bà Dijon nói:

“Chưa, vì tôi được sinh ra trong một gia đình khá giả, cha mẹ tôi chưa từng để tôi đói một bữa.”

Bà tiếp tục kể:

“Tôi biết bà Phi chẳng được học hành bao nhiêu, mà sao đi ra đường bà ấy tự tin quá chừng, tôi phải đi theo bà như những đứa con của bà vậy đó.”

 

Tâm bảo: 

“Vì bà ấy đã trải nghiệm nhiều cái khổ rồi, hoặc sinh ra bà ấy đã được trời cho bà có cái giác quan để đọc được cảm xúc thực sự của người khác dù bất kỳ biểu hiện nào trên nét mặt họ, bà có thể đọc được ý đồ của kẻ xấu dưới lớp mặt nạ đẹp đẽ, hoặc thiện ý của người tốt dễ dàng. Bà là người có khả năng “think out of the box” để đối phó với sự việc rủi ro một cách êm thắm hơn, và bà có thể thuơng luợng với đối phuơng dễ dàng. Khi biết người, biết ta, biết phải làm gì thì mình sẽ tự tin hơn phải không?”

Bà Dijon im lặng một lúc nhìn Tâm rồi nói:

“À, tôi hiểu rồi. Vậy là bà Phi có EQ lớn hơn của tôi, còn tôi có cái IQ lớn hơn của bà ấy.”

Tâm gật đầu đồng tình với bà Dijon.

“Đúng rồi, tôi cũng nghĩ như vậy. Với IQ của bà thì bà có thể đọc những công thức hóa học, toán học, kết nối những dữ kiện để đưa ra những sáng kiến, phát minh,phuơng án phức tạp một cách dễ dàng, mà với tôi thì mù tịt.”

Bà tỏ vẻ đắc ý rồi bồi thêm: 

“Chắc vậy, hèn gì tôi mới chọn nhầm người bạn đời.”

Cả hai đều cười.

 

Tâm nói:

“Vì bẩm sinh và nghề nghiệp nên lúc nào bà cũng dùng cái đầu, võ não hoạt động mạnh thì IQ cao, làm mờ đi cái EQ, chứ đem cái EQ của bà tân trang lại thì cũng đủ dùng.”

Bà cười, và nói tiếp:

"EQ là thước đo của cảm xúc, là sự thông minh đến từ trái tim, thật ra đến từ phần dưới vỏ não, nhưng mỗi khi bị kích thích thì làm tim rung động nên họ mới nói từ trái tim cho dễ. IQ là thước đo của sự thông minh logic đến từ vỏ não, tôi biết vậy đó.” 

Tâm nói đúng rồi hèn gì họ thường gọi là tâm trí.

Bà Dijon mỉm cười đưa tay ra cho Tâm bắt như để chúc mừng bà vừa giải xong một phương trình toán học.

 

Vài ngày sau, Tâm gặp bà trong tình trạng bí tiểu, bọng đái tăng cao, phải khó khăn lắm Tâm mới thuyết phục được bà để bỏ cái Foley cath theo lệnh của bác sĩ. Bây giờ Tâm phải thăm viếng bà Dijon mỗi ngày. Cũng từ đó chồng bà không đến chào bà mỗi buổi tối như trước nữa, dù ông chỉ nói một chữ “good night.”

 

Khoảng một tuần sau, bà nhỏ lệ với Tâm và bảo rằng chồng bà ghé vào phòng bà lúc mười giờ đêm tối hôm qua để thông báo với bà rằng sáng sớm ngày mai ông sẽ dọn ra ở một condo mà ông mới thuê được, vì ông có cả trăm việc phải làm, ông không muốn thấy bà như vậy mà ông không giúp được gì. Bà không còn sức để phản kháng, bà không thèm nhìn vào mặt ông nữa, và ông lặng lẽ bước ra khỏi phòng. Cái strigger đó đã nhả viên đạn cuối cùng trúng ngay tim của bà, và bà bắt đầu suy sụp rất nhanh.

 

Những ngày tiếp theo bà Dijon hay có những cơn panic attack, bác sĩ phải tăng thuốc an thần để chế ngự và cho người ở lại đêm với bà. Hôm sau người PSW và cả bà Dijon báo cáo là lúc hai giờ sáng nay bà Dijon đã mộng du leo lên tầng ba nơi phòng ngủ của chồng bà. Người PSW mới chợp mắt thì nghe những tiếng động trên lầu ba, bà không thấy bệnh nhân trên giường nữa nên chạy lên tầng ba và thấy bà Dijon đang đi lửng thửng một cách lạ thường, bà tới ôm bà Dijon lại thì bà Dijon giật mình như mới tỉnh ngủ và hỏi bà đang ở đâu.

 

Bác sĩ chỉ định gởi bệnh nhân tới bệnh viện để làm một số xét nghiệm. Tâm gọi ambulance, họ đã đưa bà đi trong một ngày mưa nhẹ, bầu trời u ám thật buồn; Tâm có cảm giác bà sẽ không bao giờ về nhà nữa. Nằm trên chiếc xe đẩy bà nghiêng đầu nhìn Tâm, nàng đưa tay nắm lấy tay bà để trấn an cho tới khi họ đem bà xuống lầu.

 

Ba ngày sau trong lúc lái xe đi thăm bệnh nhân, Tâm nhận điện thoại của một số lạ, nàng cặp xe vào lề đường, đầu dây đằng kia là bà Dijon. Bà nói bà nhớ nhà lắm. Tâm ngừng một chút rồi nói:

“Trong cuộc sống mọi thứ đến rồi đi, chẳng ai giữ mãi được nó. Tôi cảm thấy an tâm khi biết bà đang ở PCU của bệnh viện tốt nhất của thành phố. Tôi mong bà tìm được sự bình yên ở đó.”

Giọng bà yếu ớt hơn:

“Tôi gọi để nói lời cám ơn.”

Giọng bà tắt dần, hình như liều thuốc giảm đau mạnh đang lấy dần tri thức của bà. Tâm chỉ nghe một tiếng mờ nhạt cuối cùng: “Adieu”, rồi tắt. Tâm cũng nói lại một mình, “Adieu Mrs. Dijon.”

Nàng biết bà Dijon sẽ luôn mang theo cái EQ mới được nâng cấp của mình, để lỡ kiếp sau có tái sinh trở lại làm người thì bà sẽ có cái EQ đủ để xài, không phải vất vả đi bụi để tìm kiếm nó nữa.

Tâm ngồi bất động, hít thở thật sâu vài lần rồi nổ máy xe…

 

Lê Cẩm Tú YKH13

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.