Cây Tùng của chị tôi

Bây giờ là chiều 30 tết. Mọi người đang xôn xao chuẩn bị tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới. Những đường phố ngập đầy hoa và hàng quà. Người người vội vã sắm Tết trong ngày cuối năm, còn chị thì đang tần ngần trước cửa nhà tù. Đã dặn lòng là đừng hồi hộp và lo sợ nhưng chị vẫn không kiểm soát được cảm giác của mình...

Bao nhiêu mùa xuân rồi!!!

Chị chào đời mùa xuân năm Mậu Thân. Mùa xuân binh biến. Ba mẹ chưa kip đặt tên cho chị thì phải quấn chị trong chiếc khăn tắm và vội vã theo đoàn người đi tản cư trong tiếng đại bác thay cho tiếng  pháo xuân. Đêm đêm ánh hỏa châu sáng rực thay cho pháo hoa rực rỡ. Tiếng khóc than thay cho tiếng cười vui chúc mừng đầu năm.

Ba chị đã may mắn thoát khỏi cái chết từ nấm mồ chôn tập thể do một sự nhiệm mầu... nhưng sau đó ông trở nên trầm mặc u hoài. Ba mẹ đặt tên chị là Tịnh Mai. Mẹ thích hoa, đặc biệt là hoa mai. Mẹ bảo hoa mai đẹp giản dị nhưng quý phái.  Mai báo hiệu mùa xuân về, đem niềm vui và hạnh phúc cho mọi người. Ba chìu theo ý mẹ trồng một cội mai vàng đẹp và một cây tùng bút xanh rì trước cửa nhà. Mẹ nói mai tượng trưng cho người đàn bà, tùng là hình ảnh của người đàn ông. Tùng và Mai sẽ sống suốt đời bên nhau như ba và mẹ...

Chị lớn lên chứng kiến bao thay đổi của thời đại. Mỗi mùa xuân ba lại trảy lá mai sớm để mai kịp ra hoa đúng Tết. Ba cũng  cắt xén cây tùng thật gọn đẹp. Mỗi dịp mai vàng có hoa sáu cánh là mẹ lại cất và ép hoa vào cuốn sổ kỷ niệm. Cuốn sổ chứa những cánh hoa mà ba đã ép tặng mẹ thời yêu nhau.

Mùa xuân 75, mẹ và chị ôm nhau gạt nước mắt đưa ba vào “trại cải tạo”. Mai vàng từ dạo ba đi không có ai chăm sóc, trảy lá mỗi dịp xuân về, hoa không còn đẹp mỗi mùa xuân. Mẹ càng ngày càng tiều tụy vì phải thay ba lo toan cơm áo, gạo tiền cho gia đình kèm theo nỗi thương nhớ ba hàng năm... Chị lớn lên trong sự yêu thương tuyệt vời của mẹ. Mẹ là một bông mai trước gió bão nhưng vẫn cứng rắn vượt qua chông gai. Với tiền lương ít ỏi của một cô giáo như mẹ, của cải trong nhà lần lượt ra đi để chị được sống, được tiếp tục học và ba vẫn có những ngày thăm nuôi tiếp tế thực phẩm trong lao tù. Trong một lúc túng quẫn, mẹ đã bán cây tùng cho nhóm người dùng gỗ tùng làm đồ mỹ nghệ. Mùa xuân năm đó cây mai vàng đột nhiên không ra hoa và mùa xuân sau cây mai chết khô. Mẹ và chị ôm nhau khóc tiếc cho biểu tượng đẹp đẽ của gia đình một thời...

Rồi ba về. Sau bao lần thất bại trong những chuyến bỏ nước ra đi tìm tự do ở chân trời mới, mẹ và ba cùng nhau xây dựng lại cuộc sống. Ba mẹ trồng lại cây tùng và cây mai trước cổng nhà. Ba mẹ lai bên nhau sống với nghề bán hoa và cây kiểng mỗi độ xuân về.

Chị lớn lên với bao mùa mai nở. Trong cuộc sống khốn khổ, chị vừa phụ ba mẹ chăm bón vườn hoa xuân vừa cố gắng học hành và rồi chị giành được học bổng du học ở Mỹ. Sau bao cửa ải khó khăn, chị là một trong những học sinh Huế được ra nước ngoài ngay sau thời mở cửa. Mùa xuân đầu tiên xa nhà chị nhớ quay quắt những cành mai, thành phố,  ba mẹ và bạn bè. Chị nhận lời làm cây mai bằng giấy cho hội du học sinh. Và hôm đó chị đã gặp anh như một định mệnh. Anh cuốn hút chị với nụ cười, tiếng đàn và giọng nói đầm ấm . Những chiều lang thang cùng nhau nơi đất khách. Những lo lắng quan tâm ngọt ngào của anh khi chị cô đơn, đau ốm . Anh viết nhạc và hát những bài ca tặng riêng cho chị.  Rồi những lần hẹn hò. Chị vẫn nhớ những chiều ngồi uống café bên nhau, anh tâm sự với chị những lo toan của anh về số phận đất nước, dân tộc.  Anh tham gia tích cực những phong trao đấu tranh đòi nhân quyền của hội du học sinh. Và chị cũng  sát cánh tham gia tích cực cùng anh. Lúc đó anh và chị như hòa làm một. Chị yêu anh như nắng hạn gặp mưa. Chị như được uống những viên mật ngọt. Chị yêu vội vàng và  nồng nhiệt như linh cảm cuộc tình không kéo dài và rồi anh cũng sẽ rời xa chị.

Anh quyết định  trở về nước sau khi nhận bằng cao học, anh  từ chối học tiếp tiến sĩ dù anh có thể tiếp tục. Ngày trở về nước , anh xin chị hãy tha thứ cho anh, vì anh phải sống cho lý tưởng của mình, anh muốn cống hiến đời mình cho đất nước, cho dân tộc, và lý tưởng đó sẽ thực hiện tốt nhất ở ngay quê nhà. Anh ngẹn ngào khuyên chị nên quên anh đi để làm lại cuộc đời mới ở xứ người. Anh tặng chị tác phẩm "Đôi bạn" của nhà văn Nhất Linh và nói với chị đời anh có thể sẽ bôn ba như nhân vật Dũng. Chị tặng anh tấm lụa mà chị đã tẩn mẩn thêu bài hát anh tặng riêng cho chị. Chị bước những bước chân không hồn về nhà khi bóng anh khuất sau cửa phi cơ. Máy bay cất cánh và mang theo nửa tâm hồn của chị. Những ngày vui qua mau biết bao giờ còn gặp lại anh?

Rồi mấy độ mai vàng qua đi, chị sống trong những giot nước mắt và nỗi nhớ anh vô cùng. Chị chỉ biết bù đầu vào học hành để tìm quên.  Cuối cùng chị cũng cầm được tấm bằng tốt nghiệp trường Y với thành tích giỏi nên chị kiếm được việc làm ngay tại Mỹ.

Chị bặt tin anh từ ngày anh về nước. Chị biết anh cố không liên lạc để chị quên anh và bắt đầu một cuộc sống mới. Anh đâu biết rằng thời gian làm xoa dịu nỗi buồn trong chị nhưng chẳng giúp chị quên được anh. Theo thời gian, có biết bao nhiêu người theo đuổi chị, những hình như trái tim chị đã khép lại từ ngày anh ra đi. Mỗi độ xuân về, chị thường viết những lá thư cho anh dù không bao giờ đến tay người nhận. Mùa xuân về rồi đó anh. Hoa mai nở. Em đón xuân với một ly rượu. Em uống với nỗi cô đơn, nhớ anh và những hoài niệm ngày xưa. Nhớ mắt anh nồng, nhớ môi anh ngọt. Nhớ tiếng anh hát trong tiếng đàn chập chùng. Đã bao mùa xuân không có anh. Anh có khi nào còn nhớ đến em? Đôi lúc em lẩn thẩn mong được gặp lại anh một lần thôi để thỏa mong nhớ... Em buồn cười qua phải không anh? Ở phương trời đó chắc là anh cũng đã có vợ con. Em thương chúc anh có một cuộc sống an bình...

Rồi một hôm chị lặng người khi đọc tin trên báo Việt Nam là anh đã bị bắt giữ vì tội bất đồng chính kiến với nhà nước. Anh trở thành một tù nhân chính trị. Chị chị biết khóc và ngày ngày cầu nguyện cho anh có đủ sức khỏe và nghị lực để vượt qua những ngày tháng gian khổ trong lao tù.

Chị xin phép tạm nghỉ việc để trở về nước dự phiên tòa xử án anh. Nhưng chuyến bay chở chị, một số nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền đã không đáp được đến đất nước vào ngày xử án anh. Chuyến bay đã bị giữ lại ở Thailand bởi những lý do không đâu. Khi chị đặt chân lên quê hương, thì anh đã bị xử án xong và chuyển sang trại cấm. Chị tha thiết gặp anh nhưng giấy tờ thủ tục không cho phép. Chị phải trở lại Mỹ.

Một năm sau, khi anh được chuyển từ trại cấm đến trại tù để thu án 10 năm, khi đó chị mới tìm được đầu dây liên lạc. Với sự trợ giúp của bạn bè trong nước chị đã mua được giấy vào thăm anh và giúp đỡ các tù nhân chính trị khác. Chị chuẩn bị cho anh một ít quà xuân mà anh thích:  Bánh chưng, dưa món, mứt gừng và một nhành mai nhỏ. Chị muốn anh có một chút xuân trong lao tù. Chị chọn mặc lại bộ đồ ngày xưa anh thường thích chị mặc. Đêm hôm qua chị mất ngủ nên quầng mắt hơi thâm nhưng nỗi vui mừng sẽ được gặp anh làm cho chị rạng rỡ.

Qua những thủ tục giấy tờ rườm rà, sau khi gửi cán bộ giữ ngục ít quà và phong bì “mừng xuân”, chị được gặp riêng anh trong phòng thăm nuôi.

Anh gầy còm và xanh xao, tóc bạc hết một nửa. Chỉ có đôi mắt ngày xưa vẫn ánh lên nét lạc quan và hy vọng. Anh ngạc nhiên đến độ không nói được một lời nào khi gặp chị. Nước mắt lăn dài, anh và chị chỉ biết nhìn nhau. Mắt nhìn mắt, tay chị lại trong tay anh sau bao mùa xuân buồn xa cách. Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa òa về tràn ngập tâm hồn anh chị. Giờ thăm nuôi ngắn ngủi, nhưng đã cho anh chị một sức sống mới. Chị sẽ tiếp tục cùng anh giữ vững niềm tin trong cuộc sống.  Chị mơ thấy một cội mai vàng và một cây tùng lại đứng bên nhau trước một ngồi nhà đầm ấm.

Một mùa xuân nữa lại qua đi!

 

Khổng Lê Quỳnh Hoa YKH-19

Calgary, cuối xuân Ất Mùi 2015

Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.