Chuyện Trong Nhà

 

 

Trời sinh ra làm cha mẹ hầu như ai cũng chăm lo cho con cái; mình cũng như bao nhiêu người khác chẳng có gì đặc biệt để nổ cả. Những chuyện mình viết dưới đây cũng tương tự như câu chuyện của nhiều người khác đã trải qua. Ở xứ Mỹ này ngoài làm việc ra thì thời gian chủ yếu dành cho mấy đứa con chứ không như ở Việt Nam còn có bia bọt, bạn bè, bồ bịch. Theo mình thì dạy con là việc khó nhất trên đời, nhất là ở xứ tự do này làm gì cũng sợ vi phạm pháp luật. Xứ tư bản giãy chết này đầy những nghịch lý. Mình gọi là nghịch lý vì mình từng sống ở VN nửa phần đời nên đã quen với kiểu VN, bên này thì trái ngược lại. Ở đây mình đi làm thì sếp sợ mình, về nhà thì mình lại sợ hai thằng con. Mình còn lao tâm khổ tứ tìm mọi cách đối phó với bọn chúng hơn rất nhiều so với công sức dành cho công việc mình làm.

 

Chuyện dạy con học hành là chuyện dài dòng nhất. Nói là dạy chứ nhiệm vụ chủ yếu của mình là nhắc tụi nhỏ học và làm bài. Nghĩ lại thấy ngày xưa mình và cha mẹ mình đều sướng hơn bây giờ ở chuyện học hành. Mình đi học về là đút vở bụi tre còn ba mạ mình chưa bao giờ nhắc mình phải học và làm bài. Thằng lớn mình hàng ngày được mẹ nó giao phải làm 5 bài toán trên một website. Xin thành thật thưa với các bác rằng trong nhà vợ mình là chỉ huy, mình là cai đội có nhiệm vụ đốc thúc hai thằng con. Nếu chúng không hoàn thành nhiệm vụ thì người chịu trận trước tiên là mình. Nhiều khi mình tức quá nói chẳng thà mụ giao mình làm đi mình còn cố gắng được vì bắt mình làm dễ hơn là bắt đứa khác làm. Nếu là nhân viên của mình thì còn dễ, nó không làm việc mình cắt lương là nó sợ. Thằng nhỏ nhà mình mới lớp một mà hàng ngày mình nói gì nó cũng bảo child abuse. Mỗi khi mình nhắc thằng lớn làm bài là lấy mẹ nó ra dọa, nhưng nó cũng không ngán vì nó biết đứa bị la thường là… ba nó. Có tuần mấy ngày đầu nó chơi cho đã, mình thấy sốt ruột nhắc nhở thì nó bảo miễn sao cuối tuần nó xong 25 bài là được. Ngày nào hở bị nhắc là nó nạt lại mình: “Trust me, you don’t trust me.” Có tuần đến thứ Sáu rồi mà nó mới làm được 7 bài mình buộc phải báo cáo láo với mẹ nó rằng nó làm đủ rồi. May mà mụ vợ vẫn còn tin mình nên cho qua. Hè chưa đến mẹ nó đã hăm he ba cha con: “Hè lo mà làm bài cả lên lớp quên hết đó.” Nhiều hôm mình nói với thằng con mình làm gì thì làm cứ thi gắng làm sao điểm tối đa thì hè cả mình và nó được thảnh thơi.

 

Hôm trường thằng lớn tổ chức lễ promotion ceremony hết lớp sáu, mẹ nó phân công mình đi dự rồi báo cáo trực tiếp có hình ảnh kèm theo. Thằng bạn đứa con mình ở cạnh nhà có ba mẹ nó đi làm nail tối ngày mà được cả hai giải thưởng Math va President. Khi thằng nhỏ hàng xóm được xướng tên mình lạnh người với một nỗi sợ hãi bao trùm và cầu nguyện cho thằng con mình cũng được kêu tên. Cuộc đời mình cho đến tuổi này thấy những giải thưởng hay bằng cấp chẳng là gì ghê gớm cả, nhiều khi không có còn hay hơn. Mình cũng không ganh tị với thằng nhỏ hàng xóm mà nỗi sợ lớn nhất là sợ… mẹ thằng con mình. Nếu nó không có giải thưởng thì làm sao hai cha con mình sống nổi trong năm tới đây.  Chỉ cần tưởng tượng ra cái viễn cảnh bị càm ràm mỗi ngày là mình run bắn người. Mụ vợ mình hay nhắc đi nhắc lại lấy mình chẳng được gì cả chỉ mong chờ một chút thiên tài đó thôi mà không có được thì coi như kiếp này trắng tay. Mình cũng muốn vớt vát chút ít cho mụ cả tội.

 

Cũng may là trường thằng nhỏ cũng hào phóng tặng giải thưởng cho nhiều đứa khác trong đó có thằng con cà chớn của mình. Chắc trường cũng hiểu nỗi khổ của mình và mình rất biết ơn sự rộng lượng đó. Nhưng tối về vẫn chưa yên thân, mụ vợ mình hăm he: “Coi chừng sang năm lại thua thằng hàng xóm đó thì mất mặt lắm. Ba là bác sĩ mà rứa chỉ có nước độn thổ.” Mình nhớ ngày xưa tụi bạn mình có ba mẹ là bác sĩ, thầy giáo hay nói với mấy đứa bạn như vậy về mình: “Coi con người ta cha mẹ nó đi làm tối ngày không ai dạy thì lại như vậy.” Mình cầu mong thằng ôn con hàng xóm dọn nhà đi nơi khác hay sang năm học dở hơn chứ nó cứ như thế thì áp lực cho hai cha con mình quá.

 

Đầu năm học vừa rồi, lúc thằng nhỏ nhà mình vào lớp một được một tháng thì cô giáo mời mình đi họp khẩn để thông báo khả năng đọc của nó chỉ ở level 1 mà đa phần tụi bạn nó ở mức trung bình là 4 hoặc hơn. Mình bị mụ vợ chửi té tát vì trước đó cả năm mụ đã cảnh báo mình phải dạy thằng con học trước hay mời thầy về dạy thêm. Mình là đứa thích tự nhiên chủ nghĩa, chim thì đến lúc sẽ biết bay. Cũng như con trai lớn lên lấy vợ mấy ai dạy chúng nó phải làm gì. Mình nói chống chế với mụ vợ rằng “có ai không biết đọc đâu mà lo, từ từ nó biết thôi.” Mụ làm như trời sắp sập, cho rằng thằng con mình mù chữ đến nơi. “Đẹp mặt chưa: bác sĩ nè, thiên tài nè, thiên tai thì có con ơi.” Rồi mụ khóc hu hu. Lúc đó mình sợ quá nên hứa đại: “Mụ cứ yên tâm, cuối năm nó sẽ đọc làu làu cho mà coi.” Mà trời thương thiệt. Hôm thằng anh nó hết lớp sáu làm quyển ABC book kiểu như sổ lưu niệm mình ngày xưa, thằng em lấy trộm đọc rồi kể cho mình nghe từ đầu đến cuối không thiếu một chữ. Nó cũng giống mình, đọc sách thì nhác chứ đọc mấy thứ tào lao thì khoái lắm. Ngày xưa mình đọc sổ lưu bút các anh chàng viết cho mấy bà chị của mình. Phần ba thế kỷ trôi trôi qua mấy bà chị mình chẳng còn nhớ tên những anh chàng con nít đó thì mình vẫn còn có thể đọc vanh vách mấy bài thơ con cóc mà họ viết cho mấy chị của mình. Mình nghe nói Anderson Cooper lúc nhỏ bị chứng không đọc được, bây giờ nói bạc khạc ra vàng. Enstein cũng là từng là đứa trẻ lười học, không biết có đúng không?

 

Vợ mình kể chuyện về ông già vợ mình (nay đã qui tiên) mấy chục về năm trước lúc ông cỡ tuổi mình bây giờ. Ông bắt ba thằng con phải thành bác sĩ, ông hăm đứa nào thì rớt vào trường Y ông sẽ lấy dao đâm vào bụng mình. Ông cầm dao thiệt còn có định mần thiệt không thì không biết. Vì cả ba ông anh vợ mình đều đậu vào YKH và thành bác sĩ thứ thiệt. Ông ra đi mang theo bí mật này nên mình không học được bí quyết. Ông chơi chiêu cao thiệt: bác sĩ hay là chết. Vợ mình kể chuyện này và muốn mình mượn chiêu này để đối phó với hai thằng ôn con nhà mình. Mình bảo vợ mình muốn thì làm đi chứ mình sợ dao lắm. Với lại mình là đứa ba phải chứ không được quyết đoán như ông già vợ.

 

Nói thiệt mình rất nể cách nuôi dạy con của người Việt mình. Người Việt mình đi lên sao hỏa thì còn khó chứ bác sĩ dược sĩ thì đầy đất Mỹ này. Mình hay vào các pharmacy và thấy hình ảnh lặp đi lặp lại là mấy cô assistant là Mỹ trắng hay đen cao lớn đẹp đẽ. Dược sĩ chỉ huy ở đó là một anh hay chị Mỹ vàng họ Nguyễn, họ Wang hay họ Kim. Nhiều người trong số các dược sĩ còn nói tiếng Mỹ ẹ hơn cả mình. Nhìn lên tường CVS hay Walgreens thấy hai mặt mẹt-mũi tẹt-mắt một mí. Cứ như trường Dược ở Mỹ này chỉ nhận Mỹ vàng mà thôi vậy vì mình chưa gặp dược sĩ Mỹ trắng nào ở pharmacy hết. Thế mới thấy đời này muốn gì được nấy. Nói đâu cho xa, trong YKH mình thế hệ thứ hai và ba biết bao nhiêu là bác sĩ, dược sĩ và sinh viên y khoa, dược, nha khoa. Đáng nể hơn là nhiều con em của bậc cha mẹ làm những nghề khác như nail, đánh cá là bác sĩ. Đối với dân Việt, bác sĩ là nhất và tìm mọi cách để trở thành bác sĩ hay lấy được bác sĩ. Bọn trẻ mới lớn nhiều đứa bị hấp dẫn bởi các tên tuổi lớn như NASA, Hollywood, Silicon.  Những giấc mơ đó được các bậc cha mẹ Việt diệt từ trong trứng nước.

 

Hồi xưa mình nhớ sinh viên Y đi tán gái thì giống đi chạy đua được chấp nửa đường vậy nhờ cái mác bác sĩ. Dân Việt mình ở Mỹ như một lò đào tạo bác sĩ vậy, con em được nhồi nhét ước mơ bác sĩ ngay từ nhỏ. Một đàn anh y khoa Huế dạy mình cách “brainwash” con từ lúc còn mẫu giáo. Mà kết quả là con anh mới hơn 30 đã là một professor of medicine. Mình nhớ mấy đứa con nít bên này trong các buổi lễ hết năm học thường được hỏi muốn trở thành gì khi lớn lên. Nhiều đứa muốn trở thành ca sĩ, cảnh sát, lính cứu hỏa, hay cầu thủ bóng rổ,… Cứ thấy mấy mặt mẹt-mũi tẹt là ước mơ trở thành bác sĩ, bác sĩ và bác sĩ. Con nít nó có biết gì đâu, đó là ba mẹ chúng nó nhồi nhét kiểu em yêu bác Hồ vậy. Mấy bà chị mình biết ở đây làm giàu nhờ kinh doanh nhưng luôn nói với mấy đứa con là phải trở thành bác sĩ, chỉ có trở thành bác sĩ là vinh hóa phú quí mà thôi. Ngày nào cũng bị ám thị như thế nên đa số chúng cũng trở thành bác sĩ. Một số đứa không thành bác sĩ thì cũng phải đi gặp bác sĩ thường xuyên.

 

Cách đây 20 năm, mình chơi khá thân với một anh bạn là kỹ sư xây dựng. Ông già anh nói rằng mệ nội anh trước khi chết trăn trối là nhà này không có ai là bác sĩ nên con cái phải lấy bằng được vợ hay chồng bác sĩ. Chỉ cần thỏa mãn điều kiện đó là hốt, không cần xét đến các điểm khác. Anh quen nhiều bạn gái đẹp và tâm đầu ý hợp nhưng hễ đến nhà là bị đuổi chỉ vì lý do… không phải là bác sĩ. Ba mạ anh nói anh sắp lấy vợ bác sĩ rồi, muốn cạnh tranh thì đi học làm bác sĩ. Anh tâm sự với mình anh rất đau khổ nhưng không thể làm khác được vì đây là trăn trối của bà nội anh. Thương tình mình giới thiệu anh với một cô bạn bác sĩ đẹp gái và dễ thương. Nhưng rồi chính ba mạ anh đã làm hỏng chuyện lớn. Anh mới đến chơi cô bạn mình một lần thì ông bà già của anh đã đưa đội quân đến nhà chính thức ngỏ lời với gia đình cô bác sĩ vì ông bà sợ để lâu người khác bắt mất. Cô bạn bác sĩ của mình sợ quá nên từ chối. Ở Huế mình có yêu đương gì cũng phải cần thời gian chứ không thể kiểu “cần vợ gấp” như thế được. Nhưng ông già anh không buông xuôi mà ông lên kế hoạch dài hơi để bắt vợ bác sĩ cho thằng con trai của mình. Nhiều lần ông nhờ mình nói với ông triệu chứng của một số căn bệnh để trở thành bệnh nhân đi kiếm vợ cho thằng con trai. Ông qua bệnh viện tìm hiểu, nghe nói khoa nội tiêu hóa có cô bác sĩ chưa có chồng là ông trở thành bệnh nhân đau bao tử xin được nằm nội trú. Rồi tìm mọi cách lân la cà kệ cho được cô bác sĩ đó và ngỏ ý của mình. Ông rất kiên nhẫn, mối này từ chối thì ông kiếm mối khác không chút tiếc nuối. Cứ thế ông thành bệnh nhân bất đắc dĩ của đủ thứ bệnh và nằm hết khoa này đến khoa khác. Sau ba năm nằm nội trú ở bệnh viện, sự kiên trì của ông đã được đền đáp xứng đáng. Cuối cùng cô con dâu ông là một nữ bác sĩ giỏi của bệnh viện nơi mình từng làm. Nếu mình mà áp dụng đúng bài học này thì có thể cưa đổ Angelina chứ chẳng chơi.

 

Theo mình thì không phải vì dân Việt mình thông minh hay giỏi về ngành y hơn các dân khác nên có nhiều bác sĩ, mà nhờ lò đào tạo bác sĩ. Cái này cũng giống như Venezuela là lò đào tạo hoa hậu thế giới vậy. Đàn bà ở đâu cũng đẹp chứ đâu chỉ có ở Venezuela mới đẹp, nhưng họ có hẳn một chương trình qui mô để thực hiện mục tiêu đó. Quan niệm người Việt từ lâu đời là học để làm quan, không học thì làm dân khổ lắm. Cha mẹ Việt mấy ai chịu được khi con mình bỏ học như Bill Gates hay anh chàng Facebook. Mình thấy học nhiều thì làm thuê giỏi và ít học thì làm chủ giỏi. Việt Nam là xứ sở của những đại ngôn, đại dự án. Cách đây mấy tháng, ngài Bí thư SG và Bộ trưởng BYT lập dự án để Việt Nam “giật” giải Nobel y học. Trước đó mấy năm lúc Steve Jobs mới rời khỏi thế giới này, Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo với chủ đề làm sao để Việt Nam mình có Steve Jobs. Người Việt mình cố gắng học cho giỏi rồi trở thành Seek Jobs hay Switch Jobs chứ còn lâu mới có được Steve Jobs.

 

Chuyện thằng nhỏ mình bị bệnh: cách đây hơn một tháng, thằng nhỏ nhà mình bị sốt và nổi một cục hạch to ở sau mang tai, sờ vào khá đau. Nó sốt cũng không phải cao quá và ăn uống chơi bời bình thường. Mình nghĩ là nguyên nhân virus và không cho uống thuốc gì hay đi khám bác sĩ. Nhưng mụ vợ mình thì khác. Chưa đau đã uống thuốc, chưa bệnh đã bác sĩ. Mụ cho nó uống Tylenol mỗi buổi tối khi nó không sốt với lý do để tối nó khỏi lên cơn sốt. Mụ còn bắt mình phải hẹn bác sĩ ngay cho thằng nhỏ. Hôm sau mình dẫn thằng nhỏ đi khám bác sĩ. Bà bác sĩ bảo nó nhiễm trùng hạch kê toa Augmentin sirup uống trong 10 ngày. Mình thấy nó không có dấu hiệu gì nhiễm khuẩn nhưng thực tình cũng không tự tin lắm và sợ… mẹ thằng nhỏ nên cho nó uống. Hai ngày kế tiếp, thằng nhỏ đi chảy ngày 4-5 lần, người gầy tọp như con cua óp thấy rất xót. Mình gọi điện vào phòng mạch được một cô y tá tiếp chuyện. Cô ta nạt mình rằng đi chảy 4-5 lần mà nhiều gì, 15 lần mới là nhiều. Mình vâng dạ rồi nhờ cô y tá hỏi giùm bà bác sĩ có thể đổi thuốc khác được không. Mấy tiếng sau, pharmacy gọi mình đi lấy thuốc. Nhưng khác với lần lấy thuốc Augmentin, lần này pharmacy đòi mình gần 100 đô la. Mình hỏi có lộn không, sao mắc dữ vậy. Họ bảo cái này bảo hiểm không chi trả, mình nói mắc quá không lấy. Về nhà vì tiếc tiền mà trở nên sáng suốt, cân nhắc lợi hại của việc tiếp tục uống Augmentin hay đổi thuốc rồi liều mạng quyết định STOP. Tối đến, mụ vợ mình hỏi sao không cho thằng nhỏ uống thuốc nữa. Mình trả lời rằng bác sĩ cho nghỉ uống. Mình buộc phải nói láo chứ nói thật thì mụ chửi chết.

 

Ba hôm sau, mình đang đi làm thì nhận được điện thoại từ trường thằng nhỏ yêu cầu đón nó về nhà vì phát ban đầy người. Y tá của trường yêu cầu phải có giấy bác sĩ thì mới được đến trường. Mình hẹn bác sĩ và đưa thằng nhỏ từ trường đến thẳng phòng mạch. Bà bác sĩ của nó bận nên một cô PA trẻ đẹp khám thằng nhỏ mình rồi chẩn đoán dị ứng kháng sinh. Mình nói thiệt với cô PA là thằng nhỏ nghỉ uống thuốc 3 ngày rồi. Sau đó cô PA gọi bà bác sĩ và hai người hội ý, cuối cùng đồng thanh nói với mình thằng nhỏ bị nhiễm virus khả năng là Fifth Disease. Mình thấy trong trường hợp này bác sĩ Mỹ không giỏi bằng anh bạn bác sĩ ở Huế. Em mình và mấy đứa bạn mình kể hay đem con ra anh bạn bác sĩ này khám. Nhiều lần anh bạn mình bảo đem về mà không cho thuốc gì hết. Anh bác sĩ Nhi khoa này giỏi và kinh nghiệm nên tự tin với quyết định của mình. Mình thì thật sự cũng nghĩ tương tự nhưng không được tự tin lắm nên phải cho thằng con uống thuốc theo quyết định của bà bác sĩ là mụ vợ mình.

 

Ngày xưa cậu mình là bác sĩ, chiều chiều khách đến khám bệnh, nếu cậu mình chưa về thì bà bác sĩ là mợ mình (vợ bác sĩ được gọi là bà bác sĩ chứ mợ mình là y tá) khám và cho thuốc luôn, chẳng ai thắc mắc gì.  Mợ mình còn đỡ, chứ vợ mình thì cũng không phải là y tá nhưng mình hay gọi mụ là bác sĩ. Sốt 38 độ C là Tylenol. Chảy hai giọt nước mũi là Allegra. Ngứa mắt là Zaditor. Mình từ xưa đến giờ đau mấy cũng không uống thuốc, hút thì có. Mụ hỏi mình, mình luôn bảo khoan cho uống thuốc nhưng sau nhiều lần làm áp lực kiểu hỏi cung nên mình bảo tùy bà bác sĩ. Thôi thì uống cũng không chết mà mình được khỏe, không bị kêu lúc đang ngủ nửa đêm. Vợ mình là người nhìn xa trông rộng. Mới nóng đầu là nghĩ đến co giật rồi chết não thành thằng điên. Hai thằng con mình thuộc lòng câu hát đó. Thỉnh thoảng lúc đi làm vợ mình hay nhắn tin hỏi mình mấy từ chuyên môn y khoa. Mình có dịp trả thù nói bác sĩ mà hỏi làm gì. Mụ hay cười trừ bả lả.

 

Mình cầm tinh con gà, quanh năm trong xó bếp không rành chuyện ngoài phố nên đành lấy chuyện trong nhà mua vui thiên hạ vậy. Mấy bác đọc thấy vui thì like cho mình nghe, vì mình đã phải chấp nhận thương đau là bị mụ vợ chửi khi mụ biết được mình viết những chuyện như thế này. Mụ hay bảo mình là gà què ăn quẩn cối xay cũng đúng thôi vì có muốn đi xa hơn cũng không đủ sức. Lần sau hết chuyện trong nhà thì chắc sẽ lấy chuyện trong phòng hầu quí vị vậy. Các bác nhớ đón xem, những đoạn hay còn chưa kể.

 

Nguyễn Thanh YKH-29

 

 

 


 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.