Văn, Tư, Tu trong Đạo Làm Thầy.

(Bài nói chuyện ở Hội Cựu Giáo Chức Houston: 09/20/2015)

GS Nguyễn Văn Trường 

 

  • Đôi nét về Đạo làm Thầy
  • Thầy, trong bài nầy, là thầy giáo, cô giáo. Thầy, cô giáo ở các lớp giữ trẻ, mẫu giáo, trung tiểu học.
  • Đạo.
    Hán Việt có nhiều chữ ‘đạo’, đồng âm mà khác nghĩa và cũng khác chữ viết. Có chữ ‘đạo’ là ‘đường đi, là cái lẽ, phải tôn trọng, noi theo’. Thí dụ: đạo lý, đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật, đạo Thiên Chúa,…Chữ đạo nầy, 道: bên trái là bộ ‘sước’, 辶, mà nghĩa là ‘chợt đi chợt dừng lại’ ; bên mặt là chữ ‘thủ’, 首; thủ là đầu, như trong các cụm từ ‘thủ lãnh’, ‘thủ phủ’, ‘thủ tướng’, …
    Đạo là con đường mà con người ‘chợt đứng chợt đi’, không lường trước được. Thế nên, vào đạo, lên đường, phải có cái ‘đầu’, để  suy tư, vận dụng trí não, tuệ căn, để thấy, biết, hiểu, tiếp cận, và sống đạo.
    Trong cụm từ ‘đạo làm thầy (giáo)’, danh từ ‘đạo’ được dùng theo nghĩa vừa nêu.
    Ngoài ra, gọi ‘đạo làm thầy’ cũng vì nó có những đặc tính chung chung của các tổ chức đạo giáo. Thí dụ như:

1.1. Đức tin. Thường thì,Đạo nào cũng đòi hỏi Đức Tin. Lòng tin tôn giáo là tuyệt đối. Tin mà không nghi.
Nhưng, trong cái Đạo làm thầy, ngoại trừ nhà trường của giáo hội xã nghĩa, của người Hồi giáo, và nói chung, ngoại trừ một số quốc gia có chế độ chuyên chế toàn trị, thì hầu hết các nước tân tiến trên thế giới đều theo qui tắc phân cách Nhà Thờ và Nhà Nước—separation of the Church and the State, qui thành luật pháp cụ thể.  Thế nên, trong giới hạn những qui định của luật pháp nầy, nhà trường là phi tôn giáo. Nói rõ hơn, tôn giáo có thể hiện hữu trong học đường dưới dạng triết học, nhân chủng học, hay văn minh học, ở các lớp trên.
Trong bối cảnh nầy, người thầy tin mà cũng nghi: tin và nghi là một. Hai mặt đối lập, tương khắc nhưng tương sinh. Cái nầy khác hẳn cái kia, nhưng cũng xác định cái kia.
Người thầy tin ở thiên chức làm thầy. Tin ở khả năng dẫn dắt trẻ từ cuộc sống sơ khai—ngây thơ, hoang dại— vào một nếp sống văn hóa, văn minh của một xã hội cụ thể, trong một bối cảnh lịch sử cụ thể. Người thầy cũng tin chắc ở những giá trị truyền đạt, và đồng thời, ý thức tính phù du— đúng đó rồi sai đó, có đó rồi mất đó—của những giá trị nầy. Cho nên, trong tin, có nghi, nghi vấn cần thiết để tỉnh thức, và kịp thích ứng với những đổi thay của giòng đời.


1.2.  Đạo nào cũng có kinh sách. Đạo Khổng có Tứ Thư Ngũ Kinh, Đạo Lão-Trang có Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh. Đạo Phật có Kinh Kim Cang, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Viên Giác, Hoa Nghiêm, …., Đạo Thiên Chúa thì có Cựu Ước, Tân Ước….
Đạo làm thầy cũng có kinh sách. Đó là:

  • Bộ pháp chế học đường, cập nhật hằng ngày, trong đó nhiệm vụ và quyền hạn của người thầy giáo, quan hệ thầy trò, quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh, chương trình học của các lớp, và nhiều thể thức khác được rõ ràng qui định.
  • Ngoài những kiến thức cổ điển thu thập ở các trường đại học, ở các sách về triết lý giáo dục, triết học nói chung, sư phạm, phương pháp giảng dạy... còn có Internet, facebook, twitter—giúp người thầy học hỏi và trao đổi kinh nghiệm,.. thế giới ngày nay như mở rộng cho mọi người, nói riêng cho thầy giáo.
    Đạo Phật có 84 ngàn pháp môn. Pháp môn nào cũng đúng(!) Đạo làm thầy không biết có bao nhiêu pháp môn, pháp môn nào cũng đúng và không đúng, đúng cho ai và không đúng cho ai, trong bối cảnh nào. Pháp môn, kiến thức, lời dạy của thánh hiền, xưa và nay, chỉ là phương tiện, và là duyên may cho cuộc sống làm thầy.

1.3. Đạo nào cũng có nghi thức phụng vụ—rite, rituals, liturgy.  Đạo làm thầy cũng vậy. Người  thầy phải soạn bài, vào lớp phải ăn mặc chỉnh tề, đúng giờ, đúng hẹn,  chấm bài, vô điểm, tất tất phải theo những qui định của nhà nước.


1.4. Đạo nào cũng nêu lên một mẫu người. Đạo Khổng: con người quân tử, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Đạo Lão-Trang thì hướng về vô vi, giảng: ‘tiêu dao, tề vật, dưỡng sinh’... và chủ trương: ‘vô kỷ, vô công, vô danh’ . Trong một giới hạn nào đó, con đường tu Phật là ‘thoát vòng tay vọng ngã’ và ‘trực ngộ chân tâm’. Còn Đạo Chúa, thì ‘sinh là ký, mà tử là qui’, sống gởi thác về,  về Nước của Thiên Chúa; thân phận con người là phải ‘đổ mồ hôi, mới có miếng ăn’ , và cái biết của con người luôn là tương đối, thị phi, thiện ác, đúng sai hai ngã.
Đạo làm thầy giáo cũng có mẫu người phải hướng đến.
Xưa, Lycurge nhận định: “Giáo dục là đào tạo công dân. Chế độ nào, công dân đó: giáo dục quân chủ cho chế độ quân chủ, dân chủ cho chế độ dân chủ.”  Thực tế thì hình như đâu đâu và thời nào cũng vậy. Quân tử là mẫu người của Khổng gia, trong chế độ quân chủ toàn trị. Thời nay ở nước ta, thì con người xã nghĩa phải giác ngộ chủ nghĩa xã hội. Đạo làm thầy là phải làm tuyên huấn cho Đảng, ‘trung với Đảng’ (dù không là đảng viên), ‘thương cha, thương mẹ, thương chồng, thương mình thương một, thương Ông thương mười.’ Ông ở đây là Ông Tổ khai đạo:  Đạo Xã Nghĩa.

1.5. Xưa ‘tử vì Đạo’ được phong thánh. Nay, ‘thánh chiến’ là từ ngữ của những tổ chức tự cho mình cái quyền giết người ‘ngoại đạo’. 
‘Đạo làm thầy’ không có ‘thánh chiến’, ‘không có chết vì Đạo’, cũng không xả thân cầu tịnh để chứng ngộ ‘chân tâm’, hay dùng tuổi trẻ làm bia cho súng đạn nhằm cụ thể hóa một đức tin hay một triết thuyết ‘chân thật, bất hư’.
Tuy nhiên, đạo làm thầy có ‘Văn-Tư-Tu’ của nhà Phật, có ‘Tôn-sư, Trọng–Đạo’ của Khổng-gia, dù rằng nội dung của các cụm từ nầy có hiểu khác đi.  Ngôn từ đổi thay theo thời gian và không gian là lẽ thường.
Đạo làm thầy cũng có một nét của Lão Trang. Đó là ‘Thượng Đạo, Bất Đạo’, nói theo thời nay, ngắn hơn, ‘Đạo Bất Đạo’ Hiểu nôm na: còn cầu Đạo, là còn có ngoài và trong; sống Đạo thì không thấy có Đạo hay không có Đạo.

II.   Một thoáng lịch sử về Đạo Làm Thầy, thời cận đại VN.

    • Ngày nay, Việt Nam thời xã-nghĩa.
      Nhà nước xác quyết: Chủ Nghĩa Xã Hội—xã-nghĩa—là ‘hướng đi tất yếu của lịch sử… nhân loại’.  Cho nên toàn dân, toàn quân, toàn Đảng ‘hồ hởi’, ‘nhất trí’, cùng nhau là ‘đồng chí’ chung lưng đấu cật để xây dựng xã nghĩa. ‘Muốn xây dựng xã nghĩa’ phải có ‘con người xã nghĩa’ . Con người xã nghĩa, ‘trung với Đảng, hiếu với dân’. Con người xã nghĩa thì ‘hận thù phân minh’, ‘nhất trí’ với ta thì là ‘đồng chí’, khác-ý -ta là thù. Cùng là yêu nước, mà khác ta thì phải tận diệt, để rảnh rỗi về sau. Cùng là xã nghĩa, mà Đệ Tứ thì dứt không thể để chúng đánh lận con đen. Phải biết nuôi hận thù, và ‘biến hận thù thành sức mạnh’. Mọi phương tiện đều tốt để chiếm quyền lực. Có quyền lực trong tay, thì ta ‘nghiêng đồng đổ nước, thay trời làm mưa’, ‘tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa.’
      Đó là những điều mà tôi được dạy, thời xã nghĩa.
      Trong bối cảnh đó, người thầy giáo là  ‘cán bộ tuyên huấn của Đảng’, phải ‘hồng’ trước đã, rồi mới ‘chuyên ’. Người thầy giáo là ‘kỹ sư tâm hồn’, nhà trường là cơ xưởng sản xuất những con người xã nghĩa; theo đó, ta phải nghĩ rằng: những con người xã nghĩa đều  in hệt nhau, như cái smart phone Galaxy 6, chỉ khác nhau cái lớp sơn, cái vỏ bên ngoải, còn bên trong, các chức năng đều in hệt, và dễ dàng cho sử dụng.
      Đó cũng là những điều mà tôi được học, thời xã nghĩa.
      Nói chung, cái Đạo làm thầy xã nghĩa được tóm lược trong kinh nhật tụng Maxit-Lêninit thực dụng, thực hiện do trường Đảng, ‘hồng thì quan trọng’ mà ‘chuyên’ có thể dốt… chút chút,  cũng không sao. Nhiệm vụ thầy giáo là đào tạo hàng loạt—như sản xuất dây chuyền trong công nghiệp hiện đại—những thế hệ xã nghĩa, rập khuôn, biết ‘nhất trí’. ‘hồ hởi’, ‘tung hô’ sùng bái nàng tiên xã nghĩa. Nói cách khác, làm thầy giáo xã nghĩa thì khỏe lắm vì, như mọi người, phải dành mọi nghĩ suy—về đời sống, về nghề nghiệp, về thân phận, về tương lai, về đất nước… tất tất, phải dành  cho cấp lãnh đạo đảng, để đổi lại một cuộc sống an bình, ổn định, nhờ ơn mưa móc của Bác và Đảng. Có nghĩ suy mà lại nhiều lời, lắm khi vì đó mà nguy hiểm đến bản thân.
        Cũng nên thêm, như người quân tử hồi xưa, người thầy xã nghĩa ‘ăn không cần no, mặc không cần đủ ấm.’
      Đó là những điều mà tôi nhận xét.
    • Miền Nam VN trước 30 tháng tư 1975, chế độ cộng hòa.
      2.2.1. Đệ Nhất Cộng Hòa. Thuyết Nhân-Vị.
      Miền Bắc có Mátxít-Lêninnít, thì Miền Nam cũng phải có một triết thuyết đối kháng. Đó là thuyết Nhân-Vị, mà nhiều người gọi là personnalism, một triết thuyết về ‘con người’. Duyên đưa, có một lần, tôi được gặp Linh Mục Lê Tôn Nghiêm, trong khuôn viên Viện Đại Học Đà Lạt;  Ông đang dạy trong một khóa Nhân-Vị cho công chức hay cho cán bộ Cần Lao. Ông cho tôi biết là nguồn tài liệu của Ông nằm trong hai quyển sách của Emmanuel Mounier và Karl Jaspers.
      Thiết nghĩ:
      Là một duyên may, thuyết Nhân Vị, có thể vì nó khó—trong thuật ngữ, trong lý luận,..—nên nó dừng lại trước cổng các trường của ta.  Học sinh và sinh viên ta không bị nhồi nắn bởi một triết thuyết, buộc rập khuôn theo một con đường.  Học đường miền Nam lúc bấy giờ còn trong sáng.
      2.2.2, Đệ Nhị Cộng Hòa. Nhân Bản-Dân Tộc-Khai Phóng-Khoa Học.
      Nhiệm vụ của người thầy giáo tế nhị hơn. 
      Không có con người mẫu—ít nhiều rõ ràng như con người xã nghĩa. Không có kinh Mátxít-Lêninnít. Cũng không có thuyết Nhân Vị.
      Nhiệm vụ của tôi, người thầy thời bấy giờ,  là truyền dạy kiến thức theo chương trình qui định với những chỉ thị rõ ràng—mà gần như tôi không có quyền tùy tiện châm chước.  Đồng thời tôi phải làm sao để nhờ đó mà học trò tôi thấy, hiểu, và thích ứng với những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống. Phải làm sao cho cái dạy của tôi giúp cho học trò tôi luôn phát triển.

Công văn nhắc nhở: phát triển con người toàn diện; nhưng không mô tả con người ấy như thế nào.  Thật khó cho tôi. Nhưng nghĩ lại: Không buộc tôi phải theo một cái khuôn, một mẫu người nhất định, nhà nước dành cho chúng tôi nhiều tự do để nghĩ và hình dung con người toàn diện ấy.
Cạnh nhà nước, còn có Hội Đồng Quốc Gia Giáo Dục (HĐQGGD). HĐQGGD xác quyết: Nhân Bản-Dân Tộc-Khai Phóng, và sau đó thêm hai chữ: Khoa Học để làm nền tảng của nền giáo dục quốc gia và làm phương châm hành động của chúng tôi.
Nhân Bản: Giáo dục nhằm phục vụ và đào tạo con người. Có thể là con người nói chung, của muôn nơi muôn thuở; có tính người, tình người, trách nhiệm làm người.. một cách  chung chung. 
Dân Tộc: Nhưng HĐQGGD có nhấn mạnh: Không chỉ có như vậy, con người ấy phải là con người của dân tộc nầy—dân tộc VN--ở trong thời khoảng lịch sử trước mặt, trong tình trạng chiến tranh dai dẳng và đang tập tành dân chủ.
Trở về với dân tộc là một khẩu hiệu thường nghe. Nhưng ‘trở về’ không là về thời ăn lông ở lổ, cũng không là trở lại thời bế quan tỏa cảng; ‘ung dung, tự tại’ ta với ta, ta chỉ biết có ta, hãnh diện và khép kín trong một cái ta to lớn, dù rằng ta lạc hậu và sống cơ cực.  Hơn nữa,  dân tộc Việt Nam không chỉ có người Việt, mà còn có những dân tộc thiểu số--người Chàm, người Thượng, người Miên,… Phải minh xác và đào sâu nghĩa của hai chữ Dân Tộc để thích ứng bối cảnh lịch sử nước nhà.
Khai Phóng: Ngoài ra, thụ lãnh một di sản—vật chất và tinh thần—mỗi thế hệ đều có nhiệm vụ phải làm giàu mạnh cái di sản ấy—giàu ở sản xuất, ở phát triển, ở tri kiến, ở tình người, nói chung ở mọi mặt. Theo đó, sự giao lưu với lân bang, với toàn cầu là cần thiết. Thái độ cởi mở, mở lòng mình, trí mình để đón gió bốn phương là tối ư cần thiết. Thế nên, HĐQGGD nhấn mạnh yếu tố: Khai Phóng.
Khoa Học:  Khai Phóng cũng hàm ý thái độ cởi mở của cá thể đối với tha nhân và vạn vật. Nhưng, làm sao cho đứa trẻ đủ tự tin, mà không tự kiêu, và không mất mình trong luồng văn hóa nầy hay văn hóa kia? Vậy, phải có tinh thần khoa học. 
Phương châm: Nhân Bản-Dân Tộc-Khai Phóng-Khoa Học, với những lời hướng dẫn súc tích, ngắn gọn, cụ thể, đủ gợi ý cho chúng tôi, thầy-cô giáo, một hướng đi trong việc xây dựng ở , đứa học trò của chúng tôi, một nhân cách, một khả năng, một con người; nói riêng, một con người hữu dụng cho quốc gia, cho nhân loại. Phương châm ấy cũng khá mơ hồ, để mỗi người thầy có đủ tự do—tự do trong trách nhiệm—để hình dung và có những ước vọng về con người ấy.

 
III. Văn, Tư, Tu.

Sư sãi các chùa có Văn, Tư, Tu. Đạo làm thầy không nói tu hành, không tìm thoát khổ, nhưng ‘văn, tư, tu’ vẫn là trọng tâm.  Như vậy, thế nào là ‘văn, tư, tu’ trong cái Đạo làm thầy?


3.1. Văn—Hán Việt—có nghĩa là nghe. Các kinh điển nhà Phật thường mở đầu bằng câu: ‘Như thị ngã văn’, tôi nghe như vầy Đó là chữ văn nầy.
Tư có nghĩa là ‘nghĩ ngợi, tưởng tượng, suy xét, ghi nhớ’ như trong tư tưởng, tư duy, suy tư, tương tư, tâm tư…
Tu nghĩa là sửa, như trong các cụm từ, tu bổ, tu chính, tu hành, tu luyện, tu học, tu thân,...
Trong cái đạo làm thầy, Văn, cụ thể là đặt lại vấn đề, hỏi và nghe sách vở, nghe kinh điển, internet, người xưa, người nay, nghe học trò, phụ huynh, đồng nghiệp, và nghe ngay ở chính mình, để mở tầm nhìn trong cái đa dạng, đa nguyên, đa sắc, trong giòng chảy biến thiên vô cùng của cuộc sống.  Đó là cái học ít nhiều thụ động, dù có để những luồng tư tưởng— dị biệt, luôn đổi thay ấy— giao lưu. Nhưng nếu nhờ đó mà nghe được những cảm xúc của lớp học, qua cách hỏi, giọng nói, ánh mắt, vẻ mặt... của người học sinh, nếu nghe được những lo âu, vui buồn của người phụ huynh về cái học của con em họ, nếu nghe và chia sớt những phân vân và luận bàn được với đồng nghiệp về những kinh nghiệm liên quan với đời sống thầy giáo,.. thì cái ‘văn’ nầy, tự nó rất năng động.


3.2. Tưsuy nghĩ trên các vấn đề. Là phân tích, biện luận, tổng hợp, kết lại thành giá trị, rồi buông bỏ những giá trị ấy, để chúng không giữ mình trong thành kiến, để tâm mình rảnh rỗi tiếp tục bước đi. Tư ngầm nói những dị biệt, mâu thuẫn, xung đột, vấn hỏi trong nội tâm.
Thời quân quản, một đồng nghiệp bảo tôi: “Thầynghĩ sao? Em sẽ thôi dạy, vì: em không thể vừa đứng lớp vừa làm tuyên huấn cho Đảng.” Anh nói khá nhiều, nhưng tóm lại: Anh muốn bỏ nghề.  Tôi nghe xót, xót tận trong sâu thẳm. Từ chối, không cộng tác với chánh quyền mới, chỉ đơn giản bao nhiêu đó mà thôi, có thể là cái cớ để vào các trại tập trung, tù không bản án, tù không biết ngày mãn hạn. Tôi có nhẹ nhàng nêu điều nầy cho Anh. Chưa kể là Anh phải giã từ cả một cuộc đời thầy giáo của anh.
Vài tháng sau Anh thôi việc.
Anh muốn lương thiện. Anh sống lương thiện.
Lương thiện với học trò của Anh, lương thiện với chính Anh.
Quân luật. Cao trào cách mạng. Sức ép của quyền lực, sức ép của hàng vạn con cừu Panurge— ‘người người nắm tay giơ cao’, ‘nhất trí’, hoan hô, hồ hởi, ‘đảng ta’ muôn năm, Bác muôn năm. Muốn lương thiện, muốn nói không với những khẩu hiệu, những tiếng tung hô rỗng nghĩa.  Nhất trí, tung hô không tạo được của cải vật chất, không đem lại sự an cư lạc nghiệp cho người dân. Chỉ bao nhiêu đó thôi, không biết nói với ai, và có biết cũng không dám hở môi. Khẩu hiệu là “dám nghĩ dám làm”. Trong thực tế, suy nghĩ phải dành cho lãnh đạo Đảng. Người dân, để đổi lấy an sinh, thì cứ làm theo lời lãnh đạo, gọi như vậy là ‘trung’.
Già trẻ--những người không phải đi tập trung, hay vào quân đội— đông đảo là người già, phụ nữ và trẻ con—nét mặt bơ phờ, trông con, trông chồng, trông cha, trông mẹ, và đói—đói cơm áo, đói học thức, đói tin tức, đói khát sự ổn định, đói một nụ cười,.. đói trong ảo vọng.
Trong bối cảnh đó, con người dễ nhượng bộ với hoàn cảnh.  Phải tồn tại, phải tỉnh thức, vững trên hai chân mình. ‘Sông có khúc, người có lúc’, ‘qua sông phải lụy đò’… không biết bao nhiêu lý do để biện minh cho sự yếu hèn, để lương tri được an ổn. Thật là:
Sống lương thiện:  không dễ. Nếu có chút suy tư.


3.3. Tu là một quá trình trải nghiệm, thực nghiệm, trực nghiệm. Nghiệm là: ‘sự hiểu biết từng trải, có chứng cứ hoặc thông qua quá trình kiểm tra hẳn hoi, chớ không phải sự hiểu biết khơi khơi, cả tin ở sách vở hay Internet! Trực nghiệm nhấn mạnh trên cái ý trực tiếp không qua trung gian, nhưng cũng hàm ý một nhận thức mạo hiểm, phiêu lưu qua trực giác. Có thể nói tu là một quá trình sống thật, trong tìm tòi, dò dẫm, học hỏi, chứng nghiệm, trong đó người thầy giáo luôn trưởng thành, vươn lên trong cái đạo làm thầy’ . Theo đó, tu là đem ‘văn’ và ‘tư’ ra để chứng nghiệm.
Tu cũng là sửa. Sửa từ “cái ta này” biến thành “cái ta khác” , mà cái ta sau tốt hơn, thiện hơn, khỏe hơn, hiệu quả hơn cái ta trước. Sửa nói lên một sự cải thiện, cải hóa trong chiều tiến bộ. Và cứ sửa như thế mãi, suốt cuộc đời thầy giáo.
Văn, tư, tu, tuy là ba ngôi tuy là tam thân , nhưng thật sự là một, thống nhất, bổ túc lẫn nhau, đồng hành, bất khả phân. Cũng tương tự trải nghiệm, thực nghiệm, trực nghiệm tuy ba nhưng mà là một, đồng hành và hợp nhất.


3.4.  Không ‘Văn’: Không biết nghe, không đọc, không học, không tiếp cận những tư tưởng  minh triết xưa nay, tức là sống trên cái vốn liếng đã có mà không chịu làm cho nó giàu mạnh  hơn; tức là biến cái sẵn có thành một tháp ngà và bằng lòng tự giam mình trong đó. Giòng đời luôn chảy, luôn đổi thay, mặc giòng đời. Thế thì làm sao nghe được lớp học, nghe được những học sinh cá biệt của mình, nghe để hiểu, thấy, cảm nhận, suy đoán, và thực nghiệm những biện pháp mà mình nghĩ là tối ưu. Đó là chưa kể thỉnh thoảng còn phải tiếp phụ huynh, phải nghe và cảm thông những lo âu của họ về những điều cụ thể liên quan đến con họ mà là trọng tâm của công việc hàng ngày của ta…
Nghe là vấn đề sinh tử của nghề dạy: nghe lớp học, nghe những học sinh cá biệt, nghe phụ huynh, nghe đồng nghiệp, nghe ngôn ngữ, tập tục địa phương,… Lắng nghe được tha nhân là cả một nghệ thuật. Người thầy không thiền tọa, cũng không thiền hành, để tịnh tâm, để tìm bản ngã, hay để cho ‘tiểu ngã hòa nhập trong đại ngã’. Cũng không tìm ‘thoát vòng tay vọng ngã’ để giác ngộ hay hội nhập ‘chân tâm’ và ‘thoát khỏi sinh tử luân hồi. Người thầy không có những may mắn của các Sư, các Cha: được xã hội dưỡng nuôi để ‘chuyên tu’, để thành ‘Chư Tôn Đức’ hoặc thành cha thiên hạ, để được thỉnh, giáng lâm, thí pháp hay ban pháp, để cuối đời về nước của chư Phật, hay của Thiên Chúa...
Người thầy trọn vẹn dấn thân trong cuộc sống phù du, bấp bênh, đầy bất trắc nầy. Với người thầy, ngũ uẩn—sắc, thọ, tưởng, hành, thức—không phải là ‘giai không’, mà là thật sống; người thầy quen thuộc với bảng đen, phấn trắng, với nùi lau bảng, quen thuộc với những tâm hồn trẻ (dễ thương, ngỗ nghịch hay khó dạy) luôn đổi mới, quen với cái hư giả lúc có, lúc không, của một cuộc sống nổi trôi theo giòng chảy học đường. Trong cái đổi thay, ‘hư giả’ của học đường, người thầy học nghe, học lắng nghe và vấn hỏi.


3.5. Thiếu vắng suy tư, người thầy có thể chỉ là cái máy thu-và-phát-thanh, hoặc là cái thùng trống; ồn ào, rổn rảng mà không thực chất. Nghe mà không nghĩ suy là nhẹ dạ.  Học mà không hỏi, không suy tư, không luận bàn, không đem ra chứng nghiệm, là cái học của loài két.
Thầy không là cái máy, không là thùng rỗng, cũng không là két. Và nếu chẳng may, phải nhượng bước với Satan, thầy có trăm cách để không làm cái việc nhồi sọ, nhằm biến học trò mình thành những thứ ấy.


3.6. Truyện kể:
‘Xưa, thời Giáo Tông của Giáo Hội Đỏ, có một Thượng Thủ và cũng là một nhà tư tưởng lớn của Giáo Hội, khám phá ra một sự thật, ‘chân thật bất hư’ chắc như bắp rang, ‘sông có cạn, núi có mòn, nhưng cái chân lý nầy’ của Ngài, không bao giờ thay đổi. Do đó, Hội Thánh trao một giải thưởng lớn, chưa từng có từ trước đến giờ, cho ai giải thích được sự thật, ‘bất khả tư nghì’ nầy. Đó là:
‘Tại sao, một cục đá bỏ vào một thau nước đầy thì nước tràn, mà một con cá, thả vào một thau nước đầy, thì nước không tràn.’
Thế rồi, năm châu bốn biển, nhiều luận án của các vị tiến sĩ, thạc sĩ, hàn lâm sĩ... gởi về,.. Một hội đồng viện sĩ được triệu tập, để nghiên cứu và đánh giá.
Trong những luận án gởi đến, luận án nào cũng vài trăm trang. Nhưng có một, chỉ có một, rất đơn giản, gồm hai câu, của một cậu bé: ‘Con có lấy một thau nước đầy, có thả một cục đá vào đó, thì đúng như vậy, nước trong thau trào ra. Và cùng in hệt  những điều kiện trên, cũng thau nước đầy, con thả vào một con cá lòng tong nhỏ xíu, và con lập đi lập lại như vậy rất nhiều lần, như lạ thay, nước vẫn tràn ra.’
Từ ấy, trong kinh thánh của Giáo Hội, về câu chuyện trên, có chú thêm một câu: “Triệu triệu người đều xác quyết rằng đúng, huống chi, họ đều là tiến sĩ, thạc sĩ, học sĩ, hàn lâm sĩ, thì tất phải đúng thôi. Thế nhưng, qui luật tổng quát nào cũng có những trường hợp ngoại lệ. Đó là trường hợp xảy ra cho cậu bé con nầy.’
Tu là thực chứng. Chứng cứ cho mọi lý thuyết, lý luận, suy đoán. Thiếu vắng tu, con người trôi lăn trong ảo tưởng, hoặc trong một chuỗi logic suy từ những tiên đề sai, và theo đó, có một lòng tin sắc đá mà vô căn cứ.


Nói chung, ‘làm thầy’ có thể gút lại trong ‘đức-tin-mà-có-nghi’, trong những ‘nghi lễ phụng vụ’, trong việc lấy ‘kiến thức làm phương tiện’, lấy ‘nhân bản làm phương châm’,  lấy ‘văn-tư-tu’ làm nếp sống.


            Kết Luận: Một thoáng riêng tư.
Tuổi đã 85, trước mặt là cực lạc quốc hoặc ngục A-tỳ, nơi mà không một ai muốn về nhưng buộc phải về. Nhìn lại, đã ‘mất dạy’ trên hai thập niên. Muốn ghi lại những trăn trở trong cái nghề làm thầy, nhưng bỗng thèm muốn nó là một cái đạo ‘đạo mà không là đạo’, không là con đ
ường để ‘vọng cầu một cái gì ‘thường hằng’, phi thời gian, mà nhằm tự nhắc: cái khả năng mất mình trong đạo lý, trong một triết thuyết, trong một tổ chức. Đắc đạo không bằng không đắc đạo.
Văn, t
ư, tu là một nét, một pháp môn, một nếp sống trong cái đạo làm thầy. Mong được chia sớt với các bạn đồng nghiệp và phụ huynh, và được góp ý. Mong lắm thay.

Sau cùng, tôi xin chân thành cám ơn:

1.       Nhà văn và giáo sư Trần Bang Thạch đã chịu khó đọc, góp ý, sửa chữa để bài đến độc giả trong hình thức trang trọng và dễ đọc tối đa.
2.      Giáo sư Đổ Chiêu Đức đã giúp tôi về phần Hán Việt.

______________________________________________________________________


THIỀU ChỮu. Hán Việt Từ Điển. In lần thứ hai. trang 677.

Trang tử. Nam Hoa Kinh.

Lê Khắc Thanh Hoài. Internet.

Cựu Ước. Sáng thế Ký.

Theo Wikipedia, Lycurge là  nhân vật huyền thoại của Sparte thế kỷ 9 hoặc 8 trước Chúa giáng sinh.

Lão Tử. Đạo Đức Kinh. chương 38. Mở đầu quyển hạ. Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức; hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức. Người có đức cao thì [thuận theo tự nhiên] không có ý cầu đức, cho nên có đức; người có đức thấp thì có ý cầu đức, cho nên không có đức. Nguyễn Hiến Lê. Nguồn Internet,

Hồ Chí Minh. Hồ Thị Thùy Dung. Giữ gìn và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo trong giai đoạn hiện nay. Internet: Ngày đăng: T4, 04/12/2013 - 15:28

Tính đảng, hiểu biết, gắn bó với xã nghĩa.

Thí dụ thầy dạy toán thì phải chuyên về toán,…

Thí dụ: Kinh Kim Cang.

Thiều Chửu. Hán Việt Từ Điển. Tái bản lần thứ hai.

Anh học Văn, tôi dạy Toán cùng trong trường, nên quen gọi tôi là thầy.

Đổ Chiêu Đức.       NGHIỆM 驗 : là loại chữ Hài Thanh thuộc bộ MÃ 馬 bên trái chỉ Ý, và chữ THIÊM 僉 bên phải chỉ ÂM, nên NGHIỆM nghĩa gốc vốn là TÊN của một loại NGỰA quí chạy thật nhanh. Có 3 nghĩa thông dụng hiện nay của chữ NGHIỆM là :
    1. NGHIỆM là XEM XÉT, là KIẺM TRA, như : XÉT NGHIỆM, Nghiệm Thi ( Xem xét xem tử thi chết vì lí do gì ). Nghiệm Thu ( Xem xét kiểm tra để chấp nhận )...
    2. NGHIỆM là HIỆU QUẢ, là Có Hiệu Quả, như Ứng Nghiệm, Linh Nghiệm, Hiệu Nghiệm,...
    3. NGHIỆM là CHỨNG NGHIỆM, là Bằng Cớ, là Từng Trải, là Kinh Nghiệm.
        Cho nên...
       NGHIỆM : có nghĩa chung là : Sự Hiểu Biết có Chứng Cứ, Từng Trải hoặc Thông qua quá trình Xét Nghiệm hẳn hoi, chó không phải sự Hiểu Biết Khơi Khơi !
       Vì vậy, ta có thể hiểu :
     * TRẢI NGHIỆM : là từ viết gộp lại của 2 từ TỪNG TRẢI và KINH NGHIỆM, có nghĩa : Những Hiểu Biết Kinh Nghiệm do quá trình Từng Trải mà có được. TRẢI NGHIỆM là Cái Kết Quả có Quá Trình !
     * THỰC NGHIỆM : Chữ THƯC 實: là chữ Hội Ý, gồm Bộ MIÊN 宀 là Cái Nóc Nhà ở trên và chữ QUÁN 贯 là Tài Vật, Đồ Đạc bên dưới. Ý chỉ : Đồ Vật đầy cả Nhà, nên THỰC có nghĩa là GIÀU CÓ, Nghĩa phát sinh là ĐẦY ĐẶN, là CÓ THẬT, trái với chữ HƯ 虛 là trống lỏng không có gì ! Từ đó, THỰC có nghĩa là THẬT như THỰC TẾ, THỰC THỂ, THỰC TIỄN... Nên,
      THỰC NGHIỆM : là Sự Hiểu Biết,Kinh Nghiệm  có được thông qua Thực tế có thật do mắt thấy tai nghe hoặc do Quá trình làm việc  hẵn hoi.
      Còn...
    * TRỰC NGHIỆM : TRỰC 直 : là chữ Hội Ý, gồm chữ THẬP 十 là số Mười ở trên, bên dưới là chữ MỤC 目 là con Mắt ở dưới. Ý chỉ Mười con Mắt cùng đổ dồn về một hướng, nên có nghĩa là THẲNG, như Trực Tiếp, Trực Diện, Trực Giác... Nên,
      TRỰC NGHIỆM : là Cái Kinh Nghiệm, Hiểu biết đến một cách Trực Tiếp thông qua những kiến thức, kinh nghiệm CÓ SẴN từ trước.
      Vì thế...
        TRỰC NGHIỆM chỉ dựa vào quá trình hiểu biết chủ quan rồi CẢM NHẬN ra sự việc, thiếu cơ sở vững chắc như THỰC NGHIỆM và TRẢI NGHIỆM !

Minh Đức Triều Tâm Ảnh: Những Hiểu Lầm Về Đạo Phật.
Tu là sửa: Nếu tu là sửa thì mình đã từ “cái ta này” biến thành “cái ta khác”. Nếu tu là không sửa thì cứ để nguyên trạng tham sân si như vậy hay sao? Xin thưa, sửa hay không sửa đều trật. Đạo Phật quan trọng ở Cái Thấy! Có Cái Thấy mới nói đến giác ngộ và giải thoát. Không có Cái Thấy này thì tu kiểu gì cũng trệch hướng hoặc rơi vào phước báu nhân thiên.’

Vay mượn ngôn từ và ý niệm Ky-Tô-Giáo: Ba Ngôi—Đức Chúa Cha-Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, tuy ba nhưng mà là một, bất khả phân..

Vay mượn ngôn từ và ý niệm Phật Giáo: Tam thân là PhápThân, Hóa Thân, Báo Thân. tuy ba nhưng mà là một, bất khả phân.

Phỏng theo một  truyện trong quyển ‘Le Livre unique de français, par D. Lafferanderie.’

 

 

GS Nguyễn Văn Trường

 

 

 

.

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.