DẤU HỎI NGÃ TRONG TỪ HÁN VIỆT

Related image
      Tam Thiên Tự: Thiên trời địa đất, cử cất tồn còn, tử con tôn cháu, lục sáu tam ba, gia nhà quốc nước, tiền trước hậu sau, ngưu trâu mã ngựa, cự cựa nha răng, vô chăng hữu có, khuyển chó dương dê, qui về tẩu chạy, bái lạy quỵ quỳ, khứ đi lai lại, nữ gái nam trai... (Ngô Thời Nhậm 1746-1803)

Người Việt miền Trung và Nam cần nhận diện từ Hán-Việt.   
Do từ Hán-Việt có quy luật riêng về dấu hỏi ngã, căn cứ trên chữ cái (ký tự) đầu từ. (1).

I) Từ Việt: Thuần Việt, Hán-Việt và Hán Thuần Việt
1)Từ Thuần Việt (Nôm) là tiếng nói người Việt Nam dùng trong đời sống hàng ngày, trong nhà, ngoài ngõ, nơi làm việc... như là nhà cửa, ăn chơi, ruộng vườn, buôn bán, vải lụa, chợ búa... ngay cả viết lách, dài, ngắn, trò chuyện qua lại, vẻ đẹp trời đất, ngoắt ngoéo lòng người, đâu đâu thì những tiếng để nói lên những gì muốn nói đều dễ hiểu và không hề thiếu.

2)Từ Hán-Việt (Hán, Nho) là những từ Việt có gốc Hán, viết được ra chữ Hán, song đọc âm Việt. Ví dụ “quốc gia” là từ Hán-Việt, viết ra chữ Hán là 国家, người Bắc Kinh đọc là “guó jiā”, người Quảng Đông đọc là “quooc cá”, người Việt đọc là “quốc gia” dịch ra là “nước nhà”.

Chúng ta vay mượn từ tiếng Hán thông thường là những từ ngữ trừu tượng về tôn giáo, chính trị, kinh tế, xã hội, triết, văn, luật, khoa học, kỹ thuật... chủ yếu dưới dạng những từ đôi.
Như ở Âu châu, tiếng Pháp tiếng Anh khác hẳn, song các từ ngữ chính trị, khoa học kỹ thuật... có gốc La-Hi thì giống nhau, vd: administration=quản lý, science=khoa học...
Từ Hán-Việt chiếm hơn kém một nửa số từ Việt, nhiều trong biên khảo, ít trong thơ, truyện.

3)Từ Hán Thuần Việt có thể gọi là những từ chung cho Hán-Việt và thuần Việt.
Nhiều từ Hán-Việt năng gặp đã trở thành thuần Việt, trùng với từ thuần Việt, vd: đông tây nam bắc, tỉnh phủ xã tổng, văn võ, thưởng phạt...Chúng tuân thủ luật “hỏi, ngã” cả 2 bên, hài hòa.
Trong sách Tam Thiên Tự (ba ngàn chữ) dạy tiếng Hán-Việt, các thí dụ là nhiều (2).

II) Nhận Diện Từ Hán-Việt.
Từ Hán-Việt trà trộn với từ thuần Việt khắp nơi, không dễ nhận diện nếu không biết cách.
+Từ Hán-Việt xuất hiện đơn độc, vd: bức ảnh, bớt điểm, có nghĩa, hoãn lại, ngày lễ, tóc giả... Được dùng đơn độc là do chúng đã trở thành từ thuần Việt
+Từ Hán-Việt xuất hiện cặp đôi với từ thuần Việt, chỉ kể từ có dấu hỏi ngã: xe hỏa, từ giã, tuyển chọn, trưởng nhóm, trải nghiệm, tiễn chân, tàu thủy, thể xác, sợ i, sinh đẻ, quỹ đen, nhẫn nhịn, nhạy cảm, ngăn cản, lầm tưởng, lễ phép, hủy bỏ, hiểu biết, hão huyền, giả vờ, giảng dạy, giảm bớt, giải khuây, đau khổ, dẫn dắt, cửa tử, chết yểu, buông xả, bầu cử, bảng vàng, bạn hữu...

Thậm chí chúng tạo từ đôi láy: dả, đãi đằng, hãi hùng, hậu hỹ/hĩnh, hiểm hóc, lạc lõng, mỹ miều, nghiệt ngã/ngõng, nhã nhặn, tục tĩu, tục tằn... 恼não nà, não nề, não nùng, não nuột...
+Song “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”, thường gặp là chúng xuất hiện đi đôi với nhau, vd: tổ chức, kết quả, lịch sử, hùng dũng, diễm lệ... qua đó chúng để lộ tung tích. 

Hai đặc điểm phân biệt tiếng Hán và tiếng Việt là văn phạm và từ nghĩa.

1)-Văn phạm: trong tiếng Hán, từ bổ nghĩa đứng trước (giống tiếng Anh), vd: “ quan”.
Trong tiếng Việt, từ bổ nghĩa đứng sau (giống tiếng Pháp), vd” “quan ”.
Tiếng Hán-Việt là “bạch mã” thì ta dịch ra tiếng thuần Việt là “ngựa trắng”.
Điều này giúp tái xác nhận gốc gác của từ, là Hán hoặc Nôm.

2)-Từ nghĩa: từ có thể rõ nghĩa, vô nghĩa hoặc tối nghĩa.
2.1- Rõ nghĩa: Tất cả từ Việt mà đã được dùng, nói hoặc viết, tất đều rõ nghĩa.
2.2- Vô nghĩa: Là các từ đơn, thuần Việt cấu tạo từ đôi láy. (1).
Trong từ đôi láy thì từ đầu gọi là từ chủ, rõ nghĩa hoặc vô nghĩa.
Từ đứng sau bổ nghĩa, gọi là từ láy, phải là một từ vô nghĩa, vd: khỏe khoắn, chễm chệ.
2.3- Tối nghĩa: Là các từ đơn cấu tạo từ đôi Hán-Việt.

Từ đôi Hán-Việt thì rõ nghĩa song từ đơn thì tối nghĩa (cần tra từ điển), do đó không được sử dụng, ngoại trừ chúng đã trở thành từ thuần Việt, rõ nghĩa.
--“Quảng” và “đại”, chúng ta ít người giỏi Hán học đủ để biết “quảng” là rộng, đông, và “đại” là lớn, song đều hiểu quảng đại là độ lượng, bao dung hoặc đông đảo, và là từ đôi Hán-Việt.
--Can đảm là không sợ sệt thì ai cũng nói. Có khi cũng biết “can” là gan và “đảm” là mật, người can đảm, to gan, lớn mật, song chẳng ai nói: có can hoặc có đảm, riêng rẽ.
--Ảnh hưởng, cũng là từ đôi năng dùng, có nghĩa “gây tác động”. Ấy vậy, để nhận diện đó là từ đôi Hán-Việt, không đòi hỏi chúng ta phải biết rõ “ảnh” là hình bóng, “hưởng” là tiếng dội.
--Tổ chức, từ đôi thông dụng thì “tổ” là nối kết, “chức” là dệt, đan, mỗi từ cũng là tối nghĩa..
--Đêm trừ tịch, thí dụ ngoài dấu hỏi ngã rất nhiều. Là giao thừa, trừ là bỏ (cũ), tịch là đêm.

--Lưu ý: Từ đôi Hán-Việt nếu hiếm gặp thì có thể vẫn tối nghĩa. Vd: “Lạ gì bỉ sắc tư phong” (Kiều). Bỉ sắc tư phong彼嗇斯豐, cái bên kia kém (bỉ sắc), cái bên này trội hơn (tư phong), được bề này, mất bề kia, chỉ luật thừa trừ của tạo hóa. (3).
Từ điển Hán-Việt có rất nhiều từ mà không bao giờ được dùng: khảo lự, phủ tuất, thủ giản... Chúng ta chỉ sử dụng những từ Hán-Việt thông dụng: can đảm, ảnh hưởng, tổ chức...

III) Luật Hỏi Ngã Trong Từ Hán-Việt:
Căn cứ trên Ký Tự Đầu Từ.
1) Mang Dấu Ngã:
Các từ Hán-Việt có phụ âm khởi đầu là “d l m n v” thì mang dấu ngã.
Đó là luật DLMVN (Dâng Lên Mẹ Việt Nam). Ví dụ: “diễm lão mẫu vũ nữ” và “ngã nhẫn”.

Tác động của các phụ âm “d l m n v” trên thanh dấu từ Hán-Việt là có cơ sở.

Đối chiếu thanh dấu giữa âm Hán-Việt (HV) và âm Quảng Đông (QĐ), nói chung là:
-Dấu không HV đổi thành dấu sắc QĐ, vd: tam (ba) --> đọc là xám, tiên sinh là xíl xáng.
-Dấu sắc HV đổi thành dấu không QĐ, vd: tứ (bốn) --> đọc là xây, tái kiến là choi kil. 
Song các từ HV khởi đầu là “d l m n v” thì có dấu không và dấu sắc đều đổi thành dấu huyền QĐ, vd: lê --> đọc là lầy, nam nhân là nàm yành, vấn danh là mành mìng.
Lưu ý: đối với các từ tận cùng là c, ch, p, t (âm đóng, tắc âm) thì thanh dấu sắc vẫn giữ, vd: “nhất” (một) đọc là yách, “thúc” (chú) đọc là xúc.

Đối với âm Bắc Kinh (BK) cũng có nhận xét tương tự. Âm BK có 4 dấu thanh: (-), (v), (/), (\).
Từ HV dấu không đổi thành dấu ngang BK (-). Vd: biên --> đọc là biān, thi công là shīgōng.
Tuy nhiên nếu phụ âm đầu từ là “d l m n v” thì âm HV không dấu đổi thành dấu sắc (/) BK.
Ví dụ: lê --> đọc là lí, do (bởi) đọc là yóu, nan (khó) là nán, văn nhân là wénrén.
Các âm đóng (tắc âm) HV đổi ra âm BK (không có tắc âm) thì có dấu bất chừng, vd: bút-->bǐ, học-->xué, thất-->qī, tốc--> sù, song nếu khởi đầu là d,l, m, n, v thì nói chung đổi ra dấu huyền (\), vd: duyệt,việt-->yuè, lục-->liù, mộc,mục-->mù, nghịch-->nì, nhục-->ròu, vật-->wù.... (4)

2) Mang Dấu Hỏi:
2.1- Các từ có nguyên âm khởi đầu, vd: ảo ảnh, ẩn cư, ổn định, ủy viên, yểm trợ.
2.2- Các từ có phụ âm khởi đầu là “CH Gi KH”. Ví dụ: chỉ thị, giản dị, khả dĩ.
Lưu ý: Từ Hán Việt không có phụ âm “G,GH,R ”. Do đó những từ “gả, gã, gõ, gỗ, gửi, ghẻ, rỗng, rủ, rưỡi” v.v... đều là từ nôm (để nhớ: chịu gian khổ, gớm ghê rùng rợn).

3) Mang Dấu Hỏi Và Ngã:
Các từ còn lại, có 12 phụ âm đầu từ “b,c,đ,h,k,ph,q,s,t,th,tr,x” thì mang dấu hỏi.
Ví du: bảo trì, cẩu trệ, đả đảo, hảo sự, kỷ niệm, phủ nhận, quỷ sứ, sỉ nhục, tiểu nhi, thiểu số, trưởng thành, xử lý. Song có một số ngoại lệ mang dấu ngã.
Các từ Hán-Việt ngoại lệ (38), mang dấu ngã sắp theo thứ tự là:
 
+3.1- Nhóm có 1 ngoại lệ dấu ngã: K X (để nhớ: kỹ xảo)
K (1) : kỹ (kỹ sư).
X (1): xã (xã hội).     
+3.2- Nhóm có 2 ngoại lệ: C PH Q S TH (để nhớ: cuốn phim quay sinh thái sông Thương)
C (2): cữu (linh cữu, cữu phụ) – cưỡng (cưỡng đoạt)
PH (2): phẫn (phẫn nộ) – phẫu (phẫu thuật)
Q (2): quẫn (quẫn bách) – quỹ (quỹ đạo, ngân quỹ)
S (2) : sĩ (bác sĩ) – suyễn (suyễn tức)
TH (2) : thuẫn (mâu thuẫn) – thũng (phù thũng)
+3.3 - Nhóm có 3 đến 5 ngoại lệ: B TR Đ T (để nhớ: bộ trưởng đào tạo)
B (3): bãi (bãi công) – bão (bão hòa, hoài bão) – bĩ=không thông (bĩ vận)
TR (4): trãi (Nguyễn Trãi) – trẫm (vua tự xưng) – trĩ (ấu trĩ, trĩ chứng) – trữ (lưu trữ).
Đ (5): đãi (biệt đãi) – đãng (du đãng) – đễ (hiếu đễ) – đĩnh (giang đĩnh) – đỗ (đỗ quyên).
T (5): tễ (dịch tễ) – tiễn (tiễn biệt, hỏa tiễn) – tiễu (tiễu trừ) – tĩnh (tĩnh tọa) – tuẫn (tuẫn tiết).
+3.4- Nhóm có 9 ngoại lệ: H
H (9): hãi (kinh hãi) – hãm (hãm hại) – hãn (hãn hữu) – hãnh (hãnh diện) – hoãn (hoãn dịch) – hỗ (hỗ trợ) – hỗn (hỗn tạp) – huyễn (huyễn hoặc) – hữu (bằng hữu, hữu tình).
Phụ âm “h” có 9 ngoại lệ mang dấu ngã, nhiều nhất.
Các thí dụ “h” mang dấu hỏi là: hải hảo hỉ hiểm hiển hiểu hỏa hoảng hổ hủ hủy hử hưởng.

Nhận xét: Một số từ thông dụng dễ nhầm lẫn và cách để nhớ là như sau:
Kỹ sư/kỷ niệm. Phẫu thuật dấu ngã, mổ xẻ dấu hỏi. Tiền quỹ/ma quỷ. Đãi/đãi đằng. Đãng trí/đảng phái. Tiễn bạn/triển hạn. Bình tĩnh/tỉnh xã. Hãi hùng. Hỗ trợ/hổ báo...
Các từ: cưỡng, đãi, hãm, hãn, hãnh, hoãn, hỗn, huyễn, hữu, tuẫn, tiễn, trữ... chỉ có dấu ngã.
Các phụ âm “t” và “h” có nhiều ngoại lệ từ dấu ngã quan trọng.

IV) Minh Họa Áp Dụng Luật.
Kết hợp luật hỏi ngã của từ thuần Việt và từ Hán-Việt.
--Đặc điểm từ thuần Việt: từ đôi rõ nghĩa; từ đơn rõ nghĩa hoặc vô nghĩa (từ láy).
--Đặc điểm từ Hán-Việt: từ đôi rõ nghĩa, phong phú; từ đơn tối nghĩa, nhiều ít.
Vận dụng kết hợp hai đặc trưng trên giúp nhận diện gốc gác từ
Để minh họa, chúng ta xét trên bài thơ “Đèo Ba Dội”.

            Đèo Ba Dội – Tác giảNữ Hồ Xuân Hương
Một đèo, một đèo, lại một đèo, Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
            Cửa son đỏ loét tùm hum nóc, Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
            Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc, Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.
            Hiền nhân, quân tử ai là chẳng. Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.

Biện luận: Bài này có 9 từ Hán-Việt mang dấu hỏi, ngã cọng thêm 3 từ ở đầu bài. 

1-Cảnh: không có từ láy. Theo nguyên tắc, gặp một từ đơn thì phài tìm các từ đôi và xét bản chất: cảnh trí, cảnh vật, phong cảnh, hoạt cảnh, cảnh tượng, cảnh sắc, bối cảnh...trong đó các từ đơn là tối nghĩa. Cảnh là từ Hán-Việt thông dụng, tuân theo luật hỏi ngã của từ Hán-Việt.
2-Cửa: có từ đôi thuần Việt: “nhà cửa, cửa quay, cửa ngõ, cửa biển...” các từ đơn đều rõ nghĩa. Chừng đó là đủ. Dù “cửa” có đi đôi thêm với từ Hán-Việt: cửa ải, cửa khẩu, cửa thiền...
3-Đỏ: có từ đôi láy “đỏ đắn”. Bắt gặp từ láy là biết thanh dấu, không xét thêm gốc gác.
4-Lẻo: từ đôi láy “lắt lẻo”, mang dấu hỏi chiếu theo luật từ láy.

5-Liễu, có các từ đôi: liễu bồ, liễu mi, dương liễu, (bệnh) hoa liễu. Và các tên riêng: Liễu Hạnh 柳杏 (bà chúa Liễu), Liễu Thăng 柳升... từ Hán-Việt, mang dấu ngã do luật 1- DLMNV.
6-Tử: “quân tử”. Theo nguyên tắc, gặp một từ đôi thì phải tìm thêm các từ đôi khác: bào tử, công tử, hài tử, lãng tử, nghịch tử, nương tử, tài tử, phân tử, sư tử, tục tử, tử cung, tử số...
7-Chẳng: không có từ láy lẫn từ đôi. “Chẳng” là biến thể của “chăng”; từ thuần Việt, dấu hỏi.
8-Mỏi: thuần Việt; có từ đôi “mỏi mệt”; không có từ đôi tối nghĩa cho mỗi từ riêng biệt.

9-Vẫn: thuần Việt. Các từ: “bỗng, cũng, đã, hỡi, những... vẫn” phải nhớ thuộc lòng. (1).
10-Giả: “tác giả”; không có từ láy. Từ đôi phong phú: diễn giả, độc giả, hành giả, học giả, khán giả, ký giả, soạn giả, sứ giả, thính giả, thức giả... từ Hán Việt, mang dấu hỏi do luật phụ âm đầu từ. “Giả” tối nghĩa, tra từ điển Hán Việt thì “giả”(者) là chỉ người hay sự vật gì.
11-Nữ: “nữ sĩ”; từ đôi phong phú: nữ công, cung nữ, nữ lang, phụ nữ, nữ giới, nữ sinh, sư nữ, thị nữ, thôn nữ, tỳ nữ, xử nữ, yêu nữ... từ Hán Việt, mang dấu ngã do luật DLMNV.
12-: “nữ sĩ”; từ đôi phong phú: ẩn sĩ, chiến sĩ, danh sĩ, đạo sĩ, họa sĩ, kiếm sĩ, lực sĩ, mưu sĩ, nhạc sĩ, sĩ khí, sĩ phu, thạc sĩ, võ sĩ, y sĩ... từ Hán Việt, mang dấu ngã chiếu bảng ngoại lệ, điều 3.2

Tiếng Hán-Việt không có từ vô nghĩa, nên không tạo từ đôi láy.
Song chúng có khả năng tìm kết hợp với một từ thuần Việt vô nghĩa để láy âm.
“Mỹ miều” là từ đôi láy, gồm “miều” là từ thuần Việt, vô nghĩa, chỉ có trong từ láy “mỹ miều”, và “mỹ美” là từ Hán-Việt dịch ra là “đẹp” và “mỹ” có nhiều từ đôi: mỹ lệ, hoa mỹ, hoàn mỹ, mỹ nhân, mỹ nghệ, mỹ nữ, mỹ phẩm, mỹ quan, thẩm mỹ, mỹ thuật, mỹ tục, mỹ tửu, mỹ viện, mỹ ý...
Đằng nào thì theo luật hỏi ngã của từ láy, “miều“ láy âm cho “mỹ” thì “mỹ” phải dấu ngã.

Một thí dụ tống hợp điển hình là các từ đôi “viển vông” và “viễn vọng” mà đều có láy từ.
--“Viển vông” là từ đôi thuần Việt, và là từ láy. “Viển” và “vông” mỗi từ đều vô nghĩa. “Vông” thì có “gậy tầm vông” là một loại gậy tre và “hoa vông vang” song các nghĩa này không dính dáng đến từ đôi “viển vông”, là không có cơ sở thực tế, hão huyền.
--“Viễn vọng” 远望là từ đôi Hán-Việt, có nghĩa “trông xa”, vd: kính viễn vọng.
Viễn và vọng đứng tách riêng đều tối nghĩa, song những từ đôi thường gặp của chúng thì tất cả đều rõ nghĩa: viễn ảnh, viễn cảnh, viễn chinh, viễn du, viễn dương, viễn điểm, viễn đông, viễn kiến, viễn phương, viễn thị, viễn thông, viễn tưởng, viễn tượng, vĩnh viễn, viễn xứ... và ước vọng, vô vọng, vọng phu, vọng ngoại, vọng lâu, vọng đăng, vọng bái, tuyệt vọng, thất vọng, triển vọng, trọng vọng, ngưỡng vọng, kỳ vọng, hoài vọng, hi vọng, dục vọng... 
____

Người Việt miền Trung và Nam để viết đúng chính tả dấu hỏi ngã của từ Hán-Việt thì chỉ cần biết nhận diện chúng là từ Hán-Việt để áp dụng luật là đủ. Điều này thực sự không đòi hỏi phải uyên thâm Hán học, giỏi dịch thuật, mà quan trọng là nắm vững tiếng Việt, chịu động não tìm tòi các từ đôi, Hán-Việt cũng như thuần Việt.
Công việc này trong tầm tay và phải là một giải trí thú vị và bổ ích.

Lê Bá Vận


Hán Việt Từ Điển Giản Yếu (Bìa Cứng) Related image  Image result for images for tam thiên tự

Chú Thích:
(1) LBV “Từ Vô Nghĩa Và Luật Hỏi Ngã”.
         (2) Tam Thiên Tự -  Tên sách nghĩa đen là "ba ngàn chữ", xếp 3.000 chữ nho và nghĩa tiếng Việt gần đúng của chúng, như một bài vè cực dài:
Trích đoạn: “69 翰 hàn lông  70 翼 dực cánh  71 聖 thánh thánh  72 賢 hiền hiền  73 僊 tiên tiên  74 佛 Phật Bụt  75...北 bắc bắc  292 南 nam nam  293 柑 cam cam  294 橘 quít quít  295 鴨 áp vịt  296 鵝 nga ngan  297 肝 can gan  298. 膽 đảm mật  299 腎 thận cật  300 筋 cân gân... 400 旗 kỳ cờ 401 初 sơ sơ  402 舊 cựu cũ  403 武 vũ vũ  404 文 văn văn  405  民 dân dân  406 社 xã xã ...  2269  蚢 cang thằn lằn  2270 蜓 đỉnh rắn mối...”

Theo tài liệu lưu trữ xưa thì sách Tam Thiên Tự là do Ngô Thời Nhậm (1746-1803) soạn và đã được khắc in vào cuối thế kỷ 18. Sau này được học giả Đoàn Trung Còn, giám đốc Trí Đức Tòng Thơ sao lục, biên soạn, xuất bản lần đầu năm 1959. Nói là sách học vỡ lòng, nhưng đúng ra như là một quyển từ điển Hán Việt phổ thông... nhìn chung là một quyển sách dạy Hán Nôm quá tốt. Nếu mỗi trang chứa 80 từ thì sách mỏng 42 trang, tiện lợi.
Tập sách có thêm phần phụ lục là bảng tra chữ theo mẫu tự ABC âm Hán Việt để tiện việc tra cứu chữ Hán, chữ Nôm.
Trong thời Pháp thuộc, lâu trước năm 1945, cuốn Tam Thiên Tự giải dịch Quốc ngữ nhiều nhà có; trong nhà lớn nhỏ nhiều người đọc, vài lần tự nhiên nhớ, như thuộc lòng truyện Kiều.

          (3) Bỉ Sắc Tư Phong.
Tiếng Trung nghèo âm tiết nên có rất nhiều đồng âm, nhiều khi lên hàng chục.
+Thí dụ đồng âm không đồng chính tả:
“见件间饯建贱剑健舰渐溅践鉴箭“ đều đọc là “jiàn” (kiến kiện gián tiễn kiến tiện kiếm kiện hạm tiệm tiễn tiễn giám tiễn). “Bỉ” có 5 cách viết, “sắc” có 8, “tư” có 28, “phong” có 16.
+Thí dụ đồng chính tả, không đồng âm
假 giả (dối) tiếng Trung đọc là “jiǎ”, 假 giả (nghỉ) đọc là “jià”.
主 (zhǔ) âm Hán-Việt đọc là “chủ” hoặc “chúa”.
面 (miàn), âm Hán-Việt đọc là ”diện” (mặt) hoặc đọc là “miến” (bột).
难 nan (khó) đọc lá “nán”, 难 nạn (nạn) đọc lá “nàn”
(LBV “Các Nguyên Tắc Về Cải Tiến Chữ Quốc Ngữ”).

          4) Luật hỏi ngã không liên quan đến ký tự đầu từ của các từ thuần Việt. Các danh từ lại khó láy âm nên khó định dấu hỏi ngã. Tuy nhiên nếu chúng có  phụ âm đầu là “d l m n v” và không có đồng âm thì có nhiều danh từ dễ gặp mang dấu ngã: dĩa, dãy, lãi, lẵng, lẽ, liễn, lỗi, lũ, lưỡi, miễu, muỗi, muỗng, nĩa, ngỗng, ngưỡng, (dán)nhãn, (đeo)nhẫn, võng (gần từ HV=lưới), vũng...
Một số có dấu hỏi vì đồng âm: mẩu/mẫu, mủ/mũ, mủi/mũi, mỏ/mõ, ngả/ngã, nỏ/nõ, vỏ/võ...
+Bốn thanh dấu (-), (/), (v), (\) âm Bắc Kinh là: âm bình, dương bình, thượng bình, khứ thanh. 
-------


Image result for images for từ hán việt và luật hỏi ngã


 

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.