ĐỜI VÀ ĐẠO.

 

 

Nhìn lại mình, thân thuộc và bằng hữu chung quanh, tôi bỗng nhận ra rằng, trong cuộc sống Đời và Đạo luôn luôn quấn quýt giằng co như lời tác giả Nữ Đàn Việt đã tâm sự trong bài “Đạo và Đời” đăng trên Pháp Luân 8 và 9.

Đạo đã ở trong tôi từ thuở bé. Đạo đến lúc nào thì không rõ nhưng chắc chắn là không theo kinh kệ, theo Pháp theo Tăng.

Đạo đi vào lòng theo hồi chuông chùa ngân nga mỗi chiều tắt nắng, theo tiếng mõ rơi đều ru giấc ngủ trưa. Đạo đi vào theo các chuyện cổ tích bà và mẹ kể bên bếp lửa. “Ngày xưa có một… và Bụt hiện ra”, thế là bao nhiêu đau khổ nguy nan biến mất. Thằng bé tìm lại được cha mẹ, cô gái mù lòa thấy lại ánh sáng, vợ chồng bác nông phu nghèo đói bỗng thấy thóc lúa đầy bồ, người chài lưới đang chới với giữa cơn giông tố ba đào bỗng thấy bể yên sóng lặng và mặt trời hiện ra chói chang.

Và như vậy, Đạo đã đi vào lòng ẩn sâu một nơi nào đó bình thường ta không cảm thấy được. Cuộc đời với bao xoay xở nhọc nhằn để kiếm sống, bao quyến rủ của lợi danh, ân oán triền miên dục vọng kết đầy khiến cho tiếng khuyên nhủ thì thầm của Đạo bị lấn áp.

Nhưng con đường Đời đâu phải lúc nào cũng bằng phẵng, chiếc xe hạnh phúc do liên dục mà sinh đang ngon trớn, con người đang hãnh diện kiêu căng tự mãn, bỗng đâu giông bão của Nghiệp ập đến, lúc đó mới biết run sợ trước cái nhỏ bé của mình và con người mới tìm đến Đạo, tìm đến Đức Cứu Khổ Cứu Nạn.

 

Gia đình cha mẹ tôi chẳng phải là Phật tử thuần thành. Kinh kệ chẳng biết gì ngoài mấy câu: “Nam Mô A Di Đà Phật”, “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”. Nhưng mỗi lần tôi theo lũ bạn nhỏ phá tổ chim hay chọc ghẹo ông già điên đầu xóm, cha mẹ tôi vẫn thường la mắng: “Con đừng làm vậy mà mang tội Trời Phật”, Như vậy tuy chẳng thuộc một câu kinh, chưa ăn một ngày chay nhưng chắc cũng đã có Đạo trong lòng.

Hồi tưởng lại một quãng đời niên thiếu, đó vào khoảng năm 1947, hai năm sau Cách Mạng mùa thu. Quân đội Pháp trở lại tấn công vào thị xã Đồng Hới. Lệnh tiêu thổ kháng chiến tản cư triệt để, vườn không nhà trống được ban hành. Lúc đó tôi được 16 tuổi, nghe theo lời tuyên truyền trong đội thiếu niên Tiền phong, tôi bỏ nhà theo bộ đội làm liên lạc viên chạy giấy tờ cho một đại đội Vệ Quốc Quân. Mang danh là quân đội chính quy, nhưng toàn đội chỉ có mười cây súng trường cũ kỹ, số còn lại trang bị bằng mã tấu. Đêm nào cũng hành quân phục kích nhưng thực sự chỉ lẩn quẩn ở các làng ven núi nên chưa đụng độ với quân Pháp lần nào.

 

Tôi nhớ một hôm đại đội về làng K. Nại bắt dẫn đi hai vị chức sắc trong làng can tội Việt gian bán nước. Sáng hôm sau Ủy Ban Kháng Chiến đem hai tội phạm ra xử trước Tòa án nhân dân. Hai ông già tuổi xấp xỉ 70 quỳ lạy nói: “Chúng tôi già cả đâu muốn làm tay sai cho giặc, bọn Pháp về làng bắt phải lập ban hương lý nếu không chúng dọa phá làng đốt đình chùa. Cực chẳng đã chúng tôi phải đứng ra để cứu dân làng”. Hai ông già cuối cùng cũng bị ghép tội theo giặc và bị đem ra xử bắn ngay tại chỗ.

Trong đáy lòng, tôi cảm thấy có điều bất nhẫn và thương cảm hai cụ già xấu số. Lòng hăng say theo kháng chiến cũng nguội lạnh dần. Giặc Pháp tấn công mạnh, lùng sục khắp nơi, đại đội tôi càng chạy sâu vào núi. Tôi mang bịnh sốt rét ác tính, mặt xanh như tàu lá chuối non, mắt vàng như nghệ. Một hôm một người anh họ xa tìm đến ban chỉ huy đại đội xin đem tôi về chữa bệnh. Chiến tranh ác liệt, đơn vị di chuyển liên miên nên cũng muốn tống khứ thằng nhỏ bệnh hoạn đi theo như một gánh nặng.

 

Tôi theo người anh trở về làng, và sáng hôm sau bà dì đưa tôi dinh tề trở về thị xã với cha mẹ tôi đã hồi cư từ trước. Hai người một bà già một đứa nhỏ đi qua trạm gác của du kích địa phương của lính Pháp dễ dàng không ai thèm xét hỏi.

Về đến nhà, hai điều làm tôi ngạc nhiên, mẹ tôi đầu cạo trọc và trên bàn thờ an vị tượng Quan Thế Âm khói hương nghi ngút. Mẹ tôi nói: “Hằng ngày nhìn về hướng Tây thấy đoàn phi cơ Pháp đảo lượn bắn phá trên núi, lòng mẹ nóng như lửa đốt. Mẹ thiết bàn thờ Phật, cạo trọc đầu và cầu nguyện nếu con được trở về bình an, mẹ sẽ ăn chay trường”. Cùng lúc đó mẹ bỏ ra số tiền lớn nhờ gia đình bà dì tìm cách đưa tôi về thành.

Nhưng sau đó không lâu, mẹ quên mất lời nguyện, ăn mặn lại bình thường, tóc đen lại mượt mà trên mái đầu, và bàn thờ Phật chỉ hương khói trong hai ngày rằm, mồng một.

Gia đình di cư vào Nam năm 54, cha mẹ lại bắt đầu xây dựng lại tài sản, lại ân oán thị phi, bàn thờ lại vắng bóng đức Từ Bi. Chỉ sau khi chúng tôi đã khôn lớn, đủ sức phụng dưỡng song thân, cha mẹ tôi mới quay trở về Đạo, ăn chay Kinh Kệ đều đặn.

Sự trở về Đạo của cha mẹ tôi là chuyện bình thường của những người già khi đã cất được gánh nặng cuộc sống lúc nhìn lại cuộc đời như một giấc chiêm bao. Nhưng cũng có lúc mà Đạo trong những trường hợp bất ngờ bỗng chỗi dậy đàn áp Đời.

 

Tôi có một người anh cô cậu bên vợ, con nhà giàu đẹp trai nổi tiếng ăn chơi ở thành phố biển. Trong tứ đổ tường không món nào là anh không say mê, khiêu vũ, săn bắn, tennis, xì phé không món nào là anh không thông thạo.

Đột nhiên vào khoảng năm 73, anh cạo trọc đầu ăn chay trường tu theo phái Long Hoa thịnh hành thời bấy giờ, mỗi năm 2 tháng tịnh khẩu chỉ uống nước lạnh.

Sau 75 anh bị bắt đi cải tạo mặc dầu anh chỉ biết ăn chơi, không phải ngụy quân ngụy quyền hay đảng phái hội đoàn nào cả. Bọn công an tìm được đâu ra mấy tấm ảnh anh chụp chung với tướng tá Việt có Mỹ có. Chúng nghi anh hoạt động cho cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA.

Vào trại anh vẫn tiếp tục ăn chay ngồi thiền. Bọn quản giáo phạt anh tội cứng đầu nhốt cũi sắt 3 ngày, anh thản nhiên nói: “Đề nghị cán bộ nhốt tôi 1 tuần”.

Bọn chúng bắt anh nhịn đói 1 ngày, anh đề nghị phạt anh nhịn đói 1 tháng. Thế là anh nhịn đói đúng 1 tháng chỉ uống nước để cầm hơi mặc dầu vẫn phải lao động khổ sai hàng ngày.

Chẳng tội tình gì, mà 9 năm sau anh mới ra khỏi trại, hình hài chỉ còn bộ xương giống Đức Phật sau 6 năm tu khổ hạnh giữa rừng già.

Điều gì đã làm cho anh trong một sớm một chiều từ bỏ cuộc đời đầy hoa bướm giữa tuổi thanh xuân để đi vào Đạo. Cái gì đã cho anh đủ can trường để giữ vững niềm tin trong hoàn cảnh khắc nghiệt lâu dài như vậy.

 

Sau 75 xã hội rối rắm đảo điên, mọi giá trị tinh thần có tính cách vĩnh cửu như lòng vị tha, từ bi bác ái bị xem là món hàng xa xỉ, tín ngưỡng tôn giáo, chỗ dựa tinh thần vững chãi của con người, cái thắng để kìm hãm sự băng hoại do đời sống văn minh vật chất gây ra bị bôi bác chà đạp. Thay vào đó là tình yêu giai cấp, đấu tranh không khoan nhượng.

Phật tử đi ngang qua chùa chỉ dám len lén nhìn vào cảnh Tam Bảo quạnh hiu, nhưng Đạo vẫn nằm sâu trong lòng mọi người không dễ dì bứng ra được. Và trong hoàn cảnh xã hội đầy cảnh huống lo âu bất trắc đó, ta lại hướng về Đạo để giã vững lòng tin, để xin cho những duyên lành phước báu ta đã tạo ra từ trước, nay sẽ trổ quả lành cho chúng ta, cho con cháu.

 

Năm đó thằng út của tôi vượt biển. Chuyến đi bị đình hoãn nhiều lần vì biển động. Giống như bà nội nó ngày trước, mẹ nó ăn chay, đêm đêm thắp hương cầu nguyện Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Theo lời khuyên của bạn bè, trên bàn thờ đặt một bát nước trong thả một nhánh hoa huệ, chắc tượng trưng cho bể Nam Hải mà một nơi nào đó trên Phổ Đà Sơn chơ vơ giữa biển Đông, Đức Cứu Khổ Cứu Nạn đang cầm cành liễu đưa đẩy những con tàu vượt qua cơn sóng gió ba đào đến bến.

Thằng nhỏ ra đi hôm mồng 1 tháng chạp, bốn tuần trôi qua không tin tức, chúng tôi như lửa đốt lòng, hột cơm nuốt vào như mắc nghẹn ở cổ. Năm cùng tháng tận bên ngoài rộn rịp sắm sửa đón xuân, gia đình tôi vẫn vắng lặng.

Ba giờ chiều ngày 30, lúc chúng tôi đang chuẩn bị mâm cơm đón ông bà, anh đưa thơ quen thuộc gõ cửa trao tấm điện tín xanh màu nước biển. Chúng tôi run run đọc hàng chữ ngắn “Con đã đến nơi an toàn Galăng”.

Vợ chồng vọt xe Honda báo tin vui cho bạn bè có con em đi cùng chuyến, xong tạt vào chợ Sàigòn quơ vội vã bánh trái giò chả trên các cửa hàng dọn muộn, vài chậu hoa xơ xác, cành đào trơ lá trong cảng chợ chiều 30 Tết.

 

Từ Galăng thằng nhỏ viết thơ kể lại: “Tàu đi vài ngày gặp bão trôi giạt không tìm ra phương hướng. Bao nhiêu ngày lênh đênh xăng nhớt lương thực đều cạn, mọi người đều tuyệt vọng

Tối hôm đó con ra mũi thuyền ngồi cầu nguyện Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, con bỗng thấy một nguồn ánh sáng bốc lên từ chân trời lên đến đỉnh đầu và biến mất. Con biết Đức Phật đã nghe lời cầu nguyện của con. Hôm sau chúng con gặp tàu hàng Nhật Bản cấp cho lương thực xăng nhớt và chỉ đường đi tiếp, hai hôm sau chúng con đến đảo.”

Nó viết tiếp: “Ngày nào con cũng đến niệm Phật ở Niệm Phật Đường trên đảo, và con nguyện lúc qua bên đó con sẽ ăn chay trường.” Mấy năm sau chúng tôi qua Đan Mạch đoàn tụ với chúng, thằng nhỏ chẳng ăn chay được một ngày, kinh quên hết. Tôi nghĩ bụng: cũng chẳng sao, điều quan trọng là Đạo ở trong lòng nó rồi.

 

Tôi nhớ đến hai câu chuyện trong kinh Pháp Hoa. “Viên ngọc dấu trong gấu áo” và “Người cùng tử”. Thầy Nhất Hạnh đã kết hai câu chuyện này trong một bài giảng tại làng Hồng.

Có một cậu con trai con nhà giàu ham chơi phung phí. Người cha rất thương con biết trước sau này nó sẽ nghèo khổ. Ông lặng lẽ kết một viên ngọc quý vào gấu áo cũ của ông.

Khi sắp lìa đời, ông trao áo cho con và dặn “Sau này gia tài dù con có xài phá hết thì cha cũng xin con giữ lại cái áo này không được bán hay bỏ nó”.

Sau khi cha chết dĩ nhiên đứa con xài phá rất nhanh của cải của ông để lại và trở nên nghèo đói đến nổi nhiều lúc cơ cực không có ăn. Kinh Pháp Hoa gọi là người cùng tử, đi cùng khắp nơi mà không tìm được sự nghiệp hạnh phúc.

Tài sản của cha để lại, anh còn giữ chiếc áo mà anh không nỡ vứt bỏ. Khi đem chiếc áo ra mặc, anh khám phá ra viên ngọc quý dấu trong gấu áo.

Chuỗi ngày cơ cực bị khinh bỉ là bài học thấm thía đã giúp anh biết sử dụng viên ngọc quý để làm vốn liếng xây dựng sự nghiệp, sống hạnh phúc. Anh đã tiếp nhận được trọn vẹn giá trị của viên ngọc của cha để lại, là lối sống để có hạnh phúc trong đời.

Đó là hình ảnh của Phật đưa ra trong Kinh Pháp Hoa, Phật dạy: Chúng ta đều là những đứa con phá của, những người cùng tử phung phí giày đạp lên hạnh phúc của mình mà đi để rồi làm một kẻ tha phương cầu thực. Chúng ta chịu biết bao khổ nhục để đi tìm hạnh phúc mà không biết hạnh phúc chính là Đạo đã ở trong lòng cũng như viên ngọc quý đã nằm sẵn trong cấu áo của mình.

Thằng út của tôi cũng vậy. Nó chưa khám phá ra viên ngọc cất giấu vi đang mải mê theo áo quần thời trang. Nhưng sớm muộn gì cũng có lúc nó chán ngán với quần là áo lượt. Khi khoác lại cái áo cũ bạc màu, nó sẽ tìm ra viên ngọc quý trong gấu áo. Lúc đó nó đủ khôn lớn biết sử dụng viên ngọc làm vốn liếng để đi tìm hạnh phúc chân thực.

Viên ngọc quý đó là Đạo đã ở trong lòng nó, vì Đạo như tôi đã nói đã đi vào lòng nó cũng như đã kín đáo đi vào lòng tôi từ một thuở tấm bé nào đó.

 

Lê Bá Châu.

 

 

  

 

 

 

 

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.