Hậu Trường Xã Hội

 

Phương Lâm

 

Tục ngữ có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.”

 

Tôi chẳng có nghề chi để thân được vinh, là đứa học trò theo gia đình xuôi Nam trốn giặc rồi hát bài “Em Tan Trường Về”, lúc đó chẳng còn tâm trí chi mà học, hơn nữa các trường Công Giáo bị VC đóng cửa.

 

Người công dân mới trong xã hội mới, đủ thứ chuyện phải đương đầu, nào là hộ khẩu, tem phiếu, sổ gạo, sổ mua thực phẩm …, Đáng yêu nhất cứ mỗi buổi chiều lúc trời chạng vạng là tiếng keng keng rát tai của cái Tà Vẹc bể lượm ở đường xe lửa về treo lên gốc cây mít già từ nhà ông Ấm tổ trưởng dân phố chậm rãi vang lên ba hồi nghe ngao ngán, nghe buồn thúi ruột không khác chi nghe tiếng chuông nhà thờ báo tử. Đó là lệnh triệu tập họp hàng đêm, không thể không đi họp, vì điểm danh vắng mặt là mất bìa mua gạo. Cũng may nhà tôi đông người thay phiên nhau đi họp, ai nấy ngao ngán hai chữ đi họp nên đổi qua hai chữ đi chầu, trong nhà người mô đi cũng cầm theo miếng gỗ có quai xách làm đòn ngồi, đó là miếng gỗ lấy từ hai đầu thùng đựng đạn đại bác, tới nhà ông tổ Ấm kiếm góc mô êm êm đặt đòn xuống ngồi tựa lưng, chân co cao tay khoanh đầu gối cúi đầu vô vòng tay tha hồ chiêm bao.

 

Nhiều hôm trở trời muỗi tấn công ồ ạt không ngủ được, hé mắt nhìn lên, ánh sáng hiu hắt của ngọn đèn dầu hỏa vừa đủ để thấy hai vị chủ tọa đang ngồi chễm chệ trên bàn, ngồi giữa là ông tổ Ấm già xương cốt co rút thân hình không biết còn đo đủ một mét năm hay không. Ông dựa ngửa lui sau thành ghế, chân phải co đặt lên chỗ ngồi. Ông bận quần tà lỏn đưa đầu gối cháy nắng đen ngòm, mùi khói thuốc lá khét lẹt nghi ngút bay lên che khuất gương mặt xương xẩu của ông. Tuy nhỏ con nhưng tiếng nói của ông oang oang, ông nói không đầu không đuôi cộc lốc; bà con trong tổ nói ông là “Đùi cui chấm nước mắm.” Cho tới hôm nay tôi vẫn chưa hiểu ngụ ý câu nói nầy.

 

Kế bên là chị thư ký, chị thư ký là dân nhập cư từ mô tới, trước đây đi giúp việc cho các gia đình công chức trong làng, sau ngày lịch sử sang trang chị cũng được đổi đời, chính quyền trọng dụng phong cho chị nhiều chức, không biết chị làm chức chi mà hằng ngày cũng rôm rả như ai ôm cặp lên phường, về địa phương chị kiêm luôn chức thư ký của tổ. Nghe nói lý lịch ba đời của chị rất tốt nhưng chữ nghĩa không được tốt mấy, ánh sáng đèn dầu quá heo hắt mập mờ làm cho chị đọc không trôi, thế mà đêm nào chị cũng đọc những xấp tài liệu dày chữ đánh máy li ti, hàng dưới đọc lên hàng trên rồi trên lộn xuống dưới, cứ rứa một hàng chị đọc tới đọc lui hai ba bận, đọc không câu không kéo, bà con đêm nào cũng nghe quen tai, chị cứ đọc, mạnh thần dân thi nhau gật đầu. Tôi trời cho dễ ngủ, cứ nghe ru vài ba câu là thăng tới nửa đêm gà gáy bà con về, đưa chân khều khều giật mình thức giấc xách đòn chạy về theo, không ai sung sướng bằng bầy muỗi, chúng tha hồ hút máu, hút người nầy qua người khác, có một hôm mắt chị thư ký bị lẹo ông tổ Ấm nhờ tôi đọc thế, xấp tài liệu cả chục trang đánh máy hai mặt tôi đọc một mạch chưa tới 15 phút là xong, bà con được về sớm vỗ tay hoan hô rầm rầm.

 

Đi họp về sớm trong gia đình ai nấy ngạc nhiên hỏi:

- Bộ đêm ni mi trốn không họp hà.

Tôi trả lời:

- Chị thư ký đau mắt, ông tổ Ấm nhờ em đọc tài liệu giúp, em đọc bỏ băng, một trang đọc vài  hàng, đọc một chút là xong xấp giấy, hết tài liệu là hết họp, bà con mừng được về sớm vỗ tay quá chừng còn đề nghị em làm phụ tá cho chị thư ký để hàng đêm đọc tài liệu.

 

Trong nhà vỗ tay hoan hô, ai nấy mừng từ nay có phụ tá thư ký đi chầu thế cho cả nhà. Tôi để ý thấy các hộ cán bộ không ai đi họp cả. Muốn thoát cảnh hằng đêm dâng mình nuôi muỗi nhà ông tổ Ấm thì phải làm cán bộ, tôi xin vào làm nhân viên bán hàng của cửa hàng kinh doanh hợp tác xã phường, coi như là cán bộ cấp phường khỏi đi họp, cả nhà ăn theo trốn họp luôn.

 

Rồi tôi lập gia đình, sinh con, có lẽ lý lịch của ông chồng nhiều dấu son nên tôi được nghỉ bán cửa hàng.

 

Vì nhu cầu cơm gạo người đàn bà của thời xã hội chủ nghĩa thay đàn ông xông pha trận mạc, chiến đấu đủ mọi chiến trường, trước hết là chạy mánh, chạy lo tất cả các loại giấy tờ có liên quan đến con dấu đỏ, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng tôi đến khắp các cơ quan, gõ cửa từng nhà những nhân viên phụ trách phần hành mình cần.

 

Tôi chạy lo giấy tờ rất hiệu quả và rất nhanh, người nầy đồn người kia cũng có khá nhiều mối, nhờ ông chú bà con bên nhà chồng mách miếng:

- Đối với các cơ quan nhà nước, đút lót cho mấy ông lớn là đi đong, trong một phòng có trưởng phòng dưới trưởng phòng có nhiều tiểu ban, tìm ra người trưởng tiểu ban lo phần việc đó, vì đủ thứ chuyện liên quan đến giấy tờ mình cần đều phải tập trung về cho người nầy hoàn tất hồ sơ chuyển lên trình ký, nhanh chậm là ở đây.

Tôi cũng kiêm luôn đầu bếp nhận bao trọn gói các buổi tiệc lớn nhỏ, nội ngoại thành phố  Huế và Quảng Trị, đáng nhớ nhất là buổi tiệc đón phái đoàn Giám Mục Hoa Kỳ thăm Giáo phận Huế dọn sáu giờ chiều quanh nhà thờ Phủ Cam với 1500 phần ăn.

 

Tôi mở thêm quán nhậu ở sân sau vườn nhà. Khi có ý định mở quán gia đình không ai đồng ý.

Lý do là địa điểm không thuận lợi, nhà trong kiệt sâu, quán lại mở phía sân sau của nhà, ngoài đường nhìn vô không thấy. Tôi không nghĩ vậy, địa điểm không quan trọng bằng thức ăn, nếu thức ăn ngon hợp khẩu vị thì ở đâu cũng có khách, hơn nữa thời buổi mánh mung thiên hạ cần nơi kín đáo để móc nối, quan trọng hơn là mấy ông quan to quan nhỏ có nơi hẹn hò không sợ người quen dòm ngó về rỉ tai các bà vợ, ngược lại cũng lắm bóng hồng các cơ quan luồn lách chồng hẹn hò với kép.

 

Rứa là tôi khai trương quán. Ngày khai trương nhóm bạn ông chồng đem tặng cho một khuôn hình to bọc giấy xi măng cột cẩn thận, lu bu nhiều chuyện nhận đem vô nhà cất, đêm rảnh mở ra coi, bức trướng rất đẹp, hình vẽ một chiếc thuyền  hai cánh buồm căng gió, dưới có bốn chữ Tàu mà cả nhà chỉ đọc được một chữ vì chữ viết một gạch ngang ai cũng biết đó là chữ Nhất, còn ba chữ khác thì ngó chơi, chưa dám treo sợ có ai hỏi bốn chữ chi mình không biết chữ chi mà trả lời. Ông chồng tôi đem lên hỏi ông cha già phó xứ Phủ Cam, ông về cho biết đó là bốn chữ:

“NHẤT PHÀM PHONG THUẬN.”

 

 

Mấy tuần đầu khách lai rai rồi sau đó khách nườm nượp từ mười giờ sáng có khi tới hai ba giờ khuya, quán tôi nổi tiếng với món lạ “NÃO VÂY LỬA HỒNG”, tôi bịa là món ăn cung đình, các đoàn nhà nước Nam, Bắc tới Huế họp đều được đưa tới quán giới thiệu món nầy, họ chụp hình quay phim.

 

Mọi việc làm ăn đều thuận buồm xuôi gió như câu chúc trên, riêng quán ăn năm đầu êm xuôi, qua các năm sau có quá nhiều chuyện, mỗi ngày đối đầu không biết bao nhiêu người say, người say thật thì dễ đối phó, khó khăn nhất là người mượn rượu để say.

 

Đi sâu vào phần thực khách, vì là quán bình dân nên khách quán tôi đa dạng, đủ mọi thành phần trong xã hội. Có nhiều chuyện kỳ lạ và cũng lắm chuyện viết lại đụng chạm khá nhiều, người không chứng kiến họ nói tôi dây mình vào chính trị để bôi bác xã hội, nhưng ai cũng biết đáp số của xã hội ngày hôm nay y như bài toán cộng  2 + 2  không bằng 4 mà bằng 3 hay 5. Giờ có cộng thêm hay trừ bớt vài ba điểm thì vẫn là bài toán sai mà sai từ gốc. Qua sinh hoạt thường nhật của quán cho tôi thấy rõ nhân cách con người khác biệt của hai miền Nam Bắc, trường hợp này tôi sẽ chứng minh sau.

 

 

Bây giờ xin nói đến bề trái giới có học của thời đại hôm nay. Đó là những em sinh viên đang ngồi trên ghế các trường Đại học. Sinh viên của thời cộng sản là ai? Cả nước đều biết họ là con dòng cháu giống, là con các gia đình cộng sản, hay ít ra cũng dây mơ rễ má, gia đình có công, gia đình liệt sĩ v.v..., Họ được đào tạo từ các cháu quàng khăn đỏ, cháu ngoan bác Hồ, là đoàn viên đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, là đối tượng đảng của chi bộ nầy chi bộ nọ.

 

Với chủ trương một trăm năm trồng người thì Sinh viên là hạt giống cộng sản, là vườn ươm của đảng, là những viên gạch để xây bờ tường cho đảng cộng sản mai sau. Không biết họ học hành ra sao, không lẽ trong trường có dạy môn “Liều” để họ đến quán tôi thực hành bài Liều chăng?

Họ có hai hạng: con nhà cán bộ cấp nhỏ ít tiền và cán bộ cấp cao lắm tiền. Trước tiên là trường hợp các sinh viên con cán bộ nhỏ cấp, họ liều đến độ không ai tưởng nỗi, năm bảy cậu hiên ngang vô quán kêu mồi, kêu rượu, thả dàn ăn, nhậu, cụng ly qua, cụng ly lại, rồi gây nhau, cuối cùng đứng dậy từ từ ra về không ai nói chi về việc trả tiền. Chận họ lại đòi tiền thì họ im lặng nhìn nhau không ai nói lời nào, buộc lòng chúng tôi dùng hạ sách, trước tiên lục túi từng người.

Ôi trời! Ngoài sức tưởng tượng của con người, không cháu ngoan nào có đến một đồng dính túi, rứa mà dám cả gan kéo nhau vô quán ăn uống nhậu nhẹt, không biết nền giáo dục gia đình và trường học các cấp đã dạy họ như thế nào, hôm nay thời sinh viên mà như vậy vài năm sau ra xã hội thì đất nước đừng hỏi vì sao? Tại sao? . . .  

 

Các chị phụ bếp quyết liệt:

- Lột sạch, lột hết cho các cháu ngoan của bác ở trần bận quần tà lỏn đi chân đất về, có mũ cũng lấy luôn.

Đó cũng chỉ là hù dọa cho hả giận chứ chẳng giải quyết được gì. Làm con người vì miếng ăn mà bị xúc phạm như vậy, họ là sinh viên, họ phải lấy bài học đó làm kinh nghiệm nhắc bạn bè, nhưng vở tuồng cứ lưu diễn năm nầy qua năm khác, hết lớp sinh viên nầy qua lớp sinh viên khác, quán không có lệ thu tiền trước, không lẽ khách vô mà mình hỏi mấy chú có tiền trả hay không, cuối cùng thẻ sinh viên và giấy chứng minh nhân dân chất đầy rá nhựa.

 

Tiếp theo là sinh viên con nhà cán bộ cấp cao, tất nhiên là giàu, nhiều tiền họ tiêu xài sang hơn, hút thuốc lá ngoại, uống bia lon ngoại, đi xe Dream mới cáu cạnh. Họ giới thiệu toàn là con các ông quan lớn, quyền cao chức rộng, đứa thì con ông bí thư tỉnh, đứa thì con ông viện trưởng viện kiểm soát nhân dân, đứa thì con ông phó giám đốc công an tỉnh, tóm lại họ là cậu ấm của các quan chóp bu tỉnh Thừa Thiên đang ngồi đây. “Cậu ấm con ông viện trưởng viện kiểm sát tên Nam, thường hay tới quán tôi. Cô ! Cô ! Cháu ! Cháu ! Hôm nay dẫn đầu đám quân dở chứng, hiện tại Nam đang làm quan to ở huyện Phú Vang”.

Nghe giới thiệu con ông nầy bà nọ tôi nghĩ chắc chắn các cháu ngoan hôm nay đang toan tính chuyện chi đây nên đem chức quyền cha mẹ ra lòe mắt hù dọa, nghe xong để đề phòng bất trắc y như lời mấy cậu ấm nói tôi lấy sổ danh bạ truy tìm số điện thoại văn phòng và điện thoại nhà, của ba ông, bí thư tỉnh, viện trưởng viện kiểm soát nhân dân, phó giám đốc công an tỉnh .

 

Khi các cháu ngoan của bác uống lên bạc triệu họ bắt đầu diễn tuồng, cùng một kịch bản nhưng diễn viên diễn tuồng nầy diễn khác với tuồng kia, bên con nhà cán bộ nhỏ họ lặng yên chấp nhận mình là người ăn quỵt, sẵn sàng chịu bị lột áo, lột quần, còn đám con nhà cán bộ cao nầy họ cậy thế ỷ quyền cha, to mồm la hét mạnh tay đập phá. Có lẽ họ thấy quán toàn là đàn bà con gái nên họ dùng bạo lực để trấn áp, tôi nhờ mấy chị phụ bếp ngăn không cho ông chồng ra, vì ông ra sẽ không lường trước được hậu quả, các chị đòi chạy lên kêu cứu công an phường tôi cũng không cho, tôi nói với mấy chị:

- Họ gây rối cố ý cho mình báo công an, công an tới giải quyết ghi sổ nợ trả từ từ, đó là lối thoát họ đang chờ. Chắc chắn công an biết mặt họ, sợ họ vì toàn là con ông to, như vậy mình mất trắng trận nầy. Mấy chị yên tâm, “Vỏ quýt dày thì dùng móng tay nhọn”, mấy chị giúp lấy xích ra xích bánh xe họ lại, cứ để yên cho họ tha hồ đập phá.

 

Họ đang hăng máu, tôi bắt đầu ra chiêu, đưa cho cậu Nam miếng giấy ghi tên họ và hai số điện thoại văn phòng cũng như nhà của ba ông, viện trưởng, bí thư tỉnh, phó giám đốc công an để dò coi phản ứng như thế nào. Nam nhìn tấm giấy có vẻ bối rối đổi sắc mặt, như vậy tử huyệt đã điểm trúng, Nam tới nói nhỏ với cậu sinh viên hồi nãy giới thiệu là con ông đảng đầu tỉnh. Hai đứa đứng yên hình như đang toan tính chuyện chi rồi khoát tay, cả đám không la hét nữa, tôi nói đàng hoàng:

- Mấy chú tỉnh rượu chưa, nếu tỉnh rồi thì tới đây nghe cô nói, đứng thôi chứ ghế mấy chú đạp gãy cả rồi, trước hết cô cho mấy chú biết, xe mấy chú cô đã xích chùm lại với nhau rồi - cả đám sững sờ trố mắt nhìn nhau - tôi nói tiếp: các chú giải quyết vấn nạn hôm nay đâu ra đó nếu không cô gọi điện thoại nhờ người lớn tới giải quyết. Mấy chú coi cô ghi mấy số điện thoại đó có đúng không, nếu số không đúng gọi không được cô sẽ đến cơ quan xin gặp mấy bác nói chuyện trực tiếp.

 

Đám choai choai bây giờ mềm như bún. Tôi tính tổng số tiền vừa ăn vừa gãy bể không quên tính luôn tiền đám sinh viên ăn quỵt, yêu cầu họ thanh toán, họ gom nhau trả được một phần ba tổng số tiền, số tiền còn lại tôi chia đều cho mỗi cháu, đưa cho mấy cháu ngoan của bác quyển vở học trò cùng nhau viết giấy thế chấp xe kèm theo giấy liên quan sở hữu, cam đoan trong vòng 24 giờ không tới chuộc tài sản thế chấp sẽ bị thanh lý không được khiếu nại, để khỏi rắc rối về mặt pháp lý tôi yêu cầu mỗi tờ giấy có ít nhất bốn chữ ký, một nguyên đơn và ba nhân chứng, ghi số chứng minh nhân dân và địa chỉ. Tôi ra lệnh các cháu ngoan phải thanh toán bãi chiến trường trước khi rời quán.

 

Đó là hạt giống cộng sản đang nảy mầm, bây giờ tới người ươm giống. Có mấy vị khách rất lịch sự bảnh bao, lâu lâu ghé quán một lần, họ luôn tới giờ cơm trưa nên chúng tôi để ý, mấy chị phụ bếp nói đó là mấy thầy dạy ngoài Quốc Học, rồi kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 tức là Tú Tài cũng giờ cơm trưa họ tới khá đông người nam có nữ có, họ giới thiệu đây là mấy thầy cô các nơi khác về chấm thi, chúng tôi đưa tới giới thiệu món ăn đặc biệt của quán. Thấy khách đông tôi cũng mừng, ăn uống xong mấy người quen mặt vào bếp thanh toán tiền, hóa đơn tính tiền cầm trong tay họ chỉ trả được một phần tư tổng số tiền, họ nhỏ nhẹ nói:

- Cô cho thầy thiếu lại số tiền nầy trưa mai thầy ghé trả.

 

Từ bữa trưa đó cho tới hôm nay không biết mấy ông giáo có khi nào ngồi nhớ lại mình còn mắc nợ chưa trả bữa cơm trưa hay quên rồi. Tôi chỉ nói tới một vài chuyện thuộc tầng lớp trí thức của xã hội, còn lại cán bộ công nhân viên chức nhà nước thì ôi thôi …

 

Điểm qua một vài chuyện vui, có nhiều pha gây cấn hồi hộp như phim điệp viên, éo le như chuyện tình trong tiểu thuyết. Ông quan to hẹn với cô thư ký, mà cô thư ký là vợ ông quan nhỏ cùng cơ quan; quan nhỏ không biết làm sao, mở miệng sợ mắc quai bèn đi đêm với vợ quan to, đưa bà to tới rình rập, rồi bắt đầu cuộc chiến, nào là kéo nào là ruốc nào là tương ớt… Bà to có trợ sức của mấy chị em, họ dàn trận xáp lá cà, người loi kẻ vả, người xé áo, kẻ túm quần, đạp đầu cắt từng mảng tóc, ông quan nhỏ núp bên hè nhà bếp coi vợ bị thiên hạ hành hung khoái chí bụm miệng cười. Kết quả cô thư ký giống như bệnh nhân trốn trại tâm thần, tôi cũng mất bộ đồ cho chị bận che da, bà con quanh xóm tới coi họ còn bồi thêm …

 

Người nầy nói:

- Cho đáng đời.

Người kia hỏi:

- Đã tởn chưa?

Người thì xúi:

- Đánh nữa! Đánh cho chừa tật.

 

 

Cứ vậy một hai tháng có một vụ biểu diễn xôm tụ trong quán. Có nhiều bà vợ rất oai hung, đánh tình địch xong quay sang xơi luôn ông chồng trầy da nát mặt còn tặng cho cái áo rách toe chạy xe về.

 

Có những trận thư hùng gãy răng, máu đổ, đồng chí trẻ lái xe cho đồng chí lớn, đồng chí lớn sau khi đại thắng về quê ly dị vợ già vô Huế lấy vợ trẻ, vợ trẻ thích trai tơ, nên đồng chí lái xe mượn vợ đồng chí già đem đi hú hí, khi các ông nổi máu hoạn thư chỉ thiếu súng và lựu đạn chứ dao găm mã tấu thì ôi thôi! Không thiếu! Đồng chí lái xe trẻ phải đến bệnh viên đa khoa vô phòng cấp cứu, còn bà lớn thì chắc chắn sau ni phải đi gặp nha sĩ vì máu và răng gãy rớt như bắp hột trên nền quán.

 

Đó là vài mảng nhỏ của hậu trường sân khấu xã hội chủ nghĩa Việt Nam diễn ra trong quán ở địa điểm khuất của tôi.

 

Phương Lâm.

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.