Cũng mùa Giáng Sinh này, năm ngoái đã kể bạn nghe về một chuyện đình chiến xãy ra như phép lạ trong ngày lễ Giáng Sinh ở Thế Chiến 2. Câu chuyện thật nói lên tình người và niềm tin khát khao cuộc sống thiện lương, dù cả hai phía đều là kẻ thù của nhau không đội trời chung, dù cuộc chiến một sống một còn tàn bạo đi qua đời người, không ngoại trừ một ai. Năm này lại kể cho bạn nghe một câu chuyện có thật về một cuộc đình chiến nhỏ, rất nhỏ, xãy ra trong một ngôi nhà nhỏ, ở tận miền núi rừng chập chùng Ardennes.

 

 

Ardennes là một dãy rừng rậm dốc đứng hiểm trở ở Bỉ và Lục Xâm Bảo, kéo dài tới biên giới của Pháp và Đức. Nơi xãy ra trận chiến Ardennes (Battle of the Bulge), một trận chiến quan trọng trong phần cuối của Thế Chiến II. Trận đánh đẫm máu nhất của quân đội Hoa Kỳ với hơn 19.000 lính tử trận. Dù những bước tiến ban đầu của chiến dịch có thể được xem là chiến thắng cuối cùng của quân Đức, đồng thời là thảm họa đầu tiên của quân Mỹ trong giai đoạn cuối của thế chiến. Nhưng trận đánh lịch sử này đã làm suy yếu cỗ máy chiến tranh và dập tắt mộng làm bá chủ thế giới của Hitler.

 

Sau khi đổ bộ thành công vào Normandie, quân Đồng Minh chiếm được lợi thế và dần đẩy lui quân Đức ra khỏi Tây Âu. Khi đến sát biên giới Đức, quân đồng minh tái bố trí lực lượng, chờ tiếp vận và lên kế hoạch cho bước kế tiếp. Cho rằng xuyên dãy rừng Ardennes là bất khả thi cho các chiến xa Panzer và các trọng pháo tấn công, quân Mỹ chỉ cho một đội lính nhỏ tuần tra bìa rừng đó. Ngoài tiên liệu của Mỹ, lợi dụng trời bão tuyết mịt mù che khuất tầm nhìn của các máy bay tuần tra. Hitler đã âm thầm mở một cuộc phản công bất ngờ phá thủng trận tuyến của Đồng Minh, nhằm cắt đôi lực lượng quân Anh, chiếm lại Antwerp (Bỉ) và sau đó bọc hậu bao vây 4 quân đoàn của khối Đồng Minh nhằm lấy lại thế thượng phong. 250 ngàn lính Đức được dẫn đầu bởi hơn 1.800 xe tăng Panzer thiện chiến và 2,000 đại pháo, bí mật xuyên qua rừng núi Ardennes. Bắt đầu mờ sáng ngày 16 tháng 12, 1944 đạn pháo từ trong rừng rậm trút xuống như sấm sét, theo sau là các xe tăng Panzer dũng mãnh tung ra nhanh như chớp. Dù tổn thất nặng nề, nhưng cuối cùng quân đồng minh đã chống trả mãnh liệt và chiến thắng sau 3 tuần máu lữa, sau đó phản công tiến sâu vào nước Đức. Và câu chuyện hưu chiến của một đêm Giáng Sinh năm ấy xãy ra ở một ngôi nhà nhỏ nằm heo hút trong rừng núi Ardennes đó.

 

Giáng sinh năm ấy thật lạnh, tuyết phủ ngập đầu gối, phủ ngập các lối mòn trong cánh rừng thông. Trong cái màu tuyết trắng tang tóc giá băng tàn nhẫn ấy, hai người lính Mỹ dìu một người bạn bị thương ở chân, máu chảy từng giọt trên tuyết. Họ đi lầm lũi như thế trong rừng đã 3 ngày đêm, lạc lối tìm về đơn vị và lẫn tránh kẻ thù trong những ngày đầu của trận chiến bão táp bất ngờ. Mệt mõi đến kiệt lực vì rét, đói và dìu dắt người bạn bị thương, từ xa xa còn nghe ì ầm tiếng đạn pháo vọng về trong rừng cây, phá tan sự yên tĩnh chết chóc. Lòng họ chùng xuống khi chiếc đồng hồ đeo tay cho họ biết tối nay là Giáng Sinh. Đêm Giáng Sinh xa nhà ở một nơi xa lạ và đầy ắp nỗi sợ hãi. Và họ thật vui mừng khi thấy trong màn đêm một ánh lửa nhỏ nhoi màu vàng cuối cánh rừng. Khói bốc lên nhè nhẹ trên mái nhà từ bếp lò. Họ linh cảm nhận ra đó là nơi cứu cánh để nghỉ chân tá túc dù không biết rằng mình vẫn ở trong địa phận của Đức.

 

 

Trong cabin bằng gỗ nọ có hai mẹ con, đứa bé trai 12 tuổi tên là Fritz, người mẹ tên là Elisabeth Vincken. Gia đình họ ở thành phố Aschen, phía Tây nước Đức sát biên giới Bỉ và Hòa Lan. Khi máy bay đồng minh thả bom họ phải sơ tán và ở tạm trong cabin bằng gỗ dành cho săn bắn mùa đông ở bìa rừng Hurtgen, cách 4 dặm từ Monschau gần biên giới Bỉ. Người cha phải ở lại để làm việc và hứa sẽ trở về cùng gia đình trong Giáng sinh. Có tiếng gõ cửa, cậu bé vui mừng nghĩ rằng cha về kịp, bà Elisabeth cẩn thận thổi tắt ngọn nến và mở cửa. Trong ánh sáng mờ, bật lên giữa thảm tuyết trắng là 2 người lính Mỹ và phía sau lưng họ là một người thứ ba nằm trên mặt đất. Mặc dù áo quần nhàu nát và phủ đầy khói bụi thuốc súng, ướt đẫm trong tuyết, trông họ vẫn là những chàng trai trẻ. Một người cầm súng ngắn, người kia cầm súng trường. Họ có thể đập cửa xông vào nhà, nhưng họ vẫn đứng đó…Bà mẹ thầm nghĩ. Và bà cất giọng bằng tiếng Đức, họ lúng túng trả lời bằng tiếng Anh. Sau đó qua tiếng Pháp rời rạc và vụng về chắp nối. Rốt cuộc cả hai phía đều hiểu nhau và bà vui lòng cho 3 người lính Mỹ vào nhà, nhất là khi nhìn thấy tình trạng của người bị thương.

 

Trà nóng được mang ra, bà mẹ sai cậu bé lấy 6 củ khoai tây và nướng con gà giống Hermann. Bà hẳn không ưa con gà này gì lắm, tên nó trùng hợp với cái tên Hermann Goering, trùm mật vụ Gestapo, kẻ đã làm xáo trộn đời sống thường dân yên ả của bà. Trong khi mùi thơm gà nướng bắt đầu đượm trong căn nhà nhỏ, thì có tiếng gõ cửa. Lần này cậu bé nhanh chóng mở cửa, nghĩ rằng sẽ có thêm người Mỹ đi lạc. Thì bất ngờ trước cửa là 4 người lính Đức. Thoáng nghe tiếng Đức, bà mẹ lo sợ, khuôn mặt tái đi. Hình phạt tử hình nếu che giấu và giúp đở kẻ thù. Tuy vậy bà vẫn bước ra cửa. Một hạ sĩ Đức cùng 3 người lính trẻ. Họ trông run rẫy vì rét lạnh. Họ chúc mừng Giáng Sinh, nói rằng họ đói, lạnh và xin tá túc. Bà mẹ bảo rằng họ có thể vào nhà và ăn Giáng sinh với bà, nhưng trong nhà hiện có vài người được xem là thù địch. Các người lính Đức thay đổi thái độ, tay đặt lên cò súng. Bà mẹ nhìn thẳng vào thượng sĩ Đức và nói: “Es ist Heiligabend und hier wird nicht geschossen.” (Đêm nay là đêm thánh và sẽ không có nổ súng tại đây!) Bà bảo lính Đức bỏ súng bên ngoài cửa rồi mời vào nhà. Những người lính Đức ngần ngại trong chốc lát rồi làm theo lời bà.

 

Cuộc chiến do Hitler khởi đầu đã không kết thúc nhanh chóng như họ tưởng. Kết quả xem ra mơ hồ và họ vô cùng mệt mõi. Khi vào bên trong họ đứng trân khi nhìn bà mẹ cũng buộc 2 người Mỹ buông súng và cất vào góc phòng. Cả hai phe nhìn vào nhau trong căng thẳng ngượng nghịu phút đầu. Nhưng với sự hiện diện của bà mẹ và cậu bé, mùi thơm của thức ăn và ánh sáng ấm áp từ lò bếp, từ ngọn nến, tất cả lắng xuống và ngồi đối diện nhau quanh bàn gỗ. Người lính Đức lấy ra một chai rượu trong khi bà mẹ chuẩn bị dọn bửa, một trong 4 người lính Đức là học sinh trường Y trước khi nhập ngũ, anh ta xem qua vết thương cho lính Mỹ và bảo rằng dù vết thương không nhiểm trùng nhờ giá lạnh nhưng mất máu nhiều, anh ấy cần ăn và nghỉ ngơi. Và khi bửa tiệc bắt đầu thì mọi người đều trở nên thân thiện, cởi mở. Gói thuốc Lucky Strike thơm lừng chia đều bên cốc rượu vang, họ hỏi thăm nhau như chưa từng là kẻ thù của ngày hôm qua. Như quên đi các đồng phục họ mang trên người, như quên đi những bất đồng ngôn ngữ và chính kiến. 2 người lính Đức mới 16 tuổi, người hạ sĩ 23 tuổi. Khi bà mẹ cầu nguyện cám ơn thượng đế thì các người lính nước mắt lưng tròng. Nửa khuya Giáng Sinh, họ cùng bước ra ngoài cabin nhìn vào bầu trời. Men rượu vang ấm áp và khói thuốc thơm bay quyện lên cao. Các vì sao lấp lánh trên đầu bìa rừng những đốm trắng sáng như ngân nhũ trang trí cho ngàn cây thông Noel. Trong lòng họ tràn ngập một “Đêm thánh vô cùng”.

 

 

 

Cuộc hưu chiến nhỏ ấy chỉ kéo dài đến sáng ngày mai. Người lính Đức nhìn vào bản đồ và chỉ đường trở về cho người Mỹ, sau đó còn tặng một la bàn. Bà mẹ trao lại vũ khí cho từng người, các người lính bắt tay nhau và chia làm hai hướng. Từ xa xa đã bắt đầu âm vọng tiếng ì ầm của đạn pháo…

 

 

Cậu bé Fritz và cha mẹ đã sống sót sau cuộc chiến. Cha mẹ cậu mất vào khoảng thập niên 1960. Cậu lập gia đình và định cư tại Hawaii, mở một tiệm bán bánh ở Kapalama, ngoại ô Honolulu. Trong nhiều năm sau Fritz cố tìm cách liên lạc với những người lính hôm ấy nhưng bặt tăm. Đến năm 1985 Tổng thống Reagan nghe câu chuyện và nhắc đến nó trong một bài diễn văn tại Bá Linh. Như một minh chứng cho tình người trong ước muốn hòa bình giữa chiến tranh. Tuy vậy phải đợi đến khi chương trình Unsolved Mysteries (Những bí ẩn chưa giải đáp) lên truyền hình, thì người ta mới biết rằng có một người sống ở nhà dưỡng lão Frederick, Maryland, ông đã kể câu chuyện tương tự hàng trăm lần, trong nhiều năm. Các y tá và bệnh nhân cứ ngỡ ông ta hoang tưởng…

 

 

 

Tháng Giêng 1996, Fritz liền bay đến gặp Ralph Blank, một trong 3 người lính Mỹ hôm ấy giờ đang sống trong khu nhà dưỡng lão. Ông vẫn còn giữ chiếc la bàn và bản đồ. Ralph nói với Fritz rằng mẹ anh ta đã cứu ông. Fritz sau đó dần liên lạc với 2 người Mỹ còn lại, nhưng không hề có tin tức nào từ 4 người lính Đức. Fritz mất ngày 8 tháng 12, 2002, gần 58 năm sau ngày hưu chiến nhỏ ở ngôi làng bìa rừng nọ. Một cuộc hưu chiến nhỏ trong một thế chiến lớn kinh hoàng. Như phép lạ của mùa Giáng Sinh.

 

Bảo Sinh

(Trích trong Chuyện Xưa Kể Lại)

 

 

Lời tác giả:

 

Chuyện Xưa Kể Lại là tuyển tập gồm 24 bài viết trong năm 2016. Lan man từ những hồi ức, những sự kiện có chút dính dáng đến lịch sử nước Mỹ. Khởi đầu bằng những huyền thoại thấm đẫm mồ hôi và nước mắt từ thuở lập quốc đến những trận chiến hào hùng vào năm cuối của Thế Chiến thứ 2. Xen kẽ vào dòng lịch sử là những tạp ghi về đời sống và con người bản xứ từ cái nhìn của một di dân.

 

Các chi tiết sử liệu được góp nhặt và viết lại từ các nguồn đáng tin cậy, tác giả cố gắng giữ trung thực đến mức tối đa. Dầu vậy chắc chắn sẽ không tránh khỏi ý kiến chủ quan và sai sót.

 

Đọc truyện lịch sử bao giờ cũng khô khan như ngói. Xin được kể lại với chút hoài cảm mãi xanh rêu trên những viên ngói nọ. Mỗi câu chuyện cũ là mỗi chút bồi hồi, mỗi hoài cảm là mỗi chút rưng rức. Như kỷ niệm, dù nhăn nhúm và ngã màu thời gian, vẫn thơm ngát và thẳng thớm chút tinh khôi mỗi lần nhớ về.

 

Cũng xin được lồng vào đây chút liên tưởng Đông - Tây ngu ngơ mà đầy tình ý của một cánh chim di trú xa mùa, đã chọn nơi này làm bến đỗ an nhiên. Dù biển động, triều dâng vẫn mãi hoài xô dạt bên kia đời lận đận.

 

Tập tạp ghi này chỉ như vết chân chim thiên di để lại trên triền cát, mong sóng biển thời gian sẽ không xóa nhòa xưa - sau.

 

Sean Bảo

 

 

 

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.