Sau buổi Mini Reunion mừng sức khỏe quý Thầy Cô của Viện Đại Học Huế và trường ĐH YK Huế vào tháng 5, 2022 tại Little Saigon, do anh chị Bác Sĩ Võ Văn Cầu tổ chức, Giáo Sư Lê Đình Cai trải tâm sự với chúng ta lần này về một quyết định vô cùng quan trọng trong năm cuối trung học của Giáo Sư – mà Giáo Sư cho đó “là một quyết định cam go, một ngã rẽ của cuộc đời, mà chính nhờ vậy mà tôi có thể vực lại sự mất mát và khốn khổ của gia đình sau hơn 7 năm tù CS…”
Nay mời quý Anh Chị Em đón đọc bài “Khúc Quanh Định Mệnh Của Thời Niên Thiếu”
BBT trân quý Giáo Sư Lê Đình Cai đến với Hội YKHHN và ước mong Giáo Sư tiếp tục ưu tiên chia sẻ tâm tư của mình trên diễn đàn thân hữu này.
Thân Kính, BBT
KHÚC QUANH ĐỊNH MỆNH CỦA MỘT THỜI NIÊN THIẾU
Hồi ức của LÊ ĐÌNH CAI
Kỳ thi Tú Tài bán phần niên khóa 1960/61, trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị lần đầu tiên có khoảng 95 thí sinh Ban A và B vào dự thi tại Hội Đồng Thi Trường Quốc Học Huế. Kết quả khoảng 30 thí sinh được vào vấn đáp và cuối cùng khoảng 25 được chấm đậu kỳ đầu. Kỳ II, thêm khoảng 7 thí sinh được chấm đậu nữa. Cả kỳ I và kỳ II, trường Nguyễn Hoàng đậu được 32 người trong số gần 100 thí sinh dự thi (có một thí sinh đậu hạng Bình và Bình Thứ ban B; 3 thí sinh đậu hạng Bình và 6 người đậu hạng Bình Thứ ban A). Thầy Hiệu Trưởng Thái Mộng Hùng vô cùng hãnh diện vì lần đầu tiên, Trường mở được lớp đệ nhị A và B mà kết quả thi cử đạt được trong niên khóa này là một thành tích đáng khích lệ.
Qua niên khóa 1961/62, Trường Nguyễn Hoàng chưa mở được lớp Đệ nhất, nên tất cả các cô cậu Tú đơn (Tú Tài I) phải vào Huế để theo học các lớp Đệ I tại trường Quốc Học.
Tất cả các học sinh Nguyễn Hoàng được phân phối vào các lớp Đệ IB và Đệ IA tùy theo sinh ngữ Pháp Văn hay Anh Văn là môn chính hay môn phụ. Cá nhân tôi cùng bạn Nguyễn Hữu Hiền, bạn Nguyễn Huệ, được phân vào lớp IB7 (chọn Anh Văn là sinh ngữ chính và Pháp Văn là sinh ngữ phụ). Lớp học khai giảng được hơn hai tuần, thì tôi quyết định xin thầy Hiệu Trưởng Đinh Qui chuyển qua học lớp Đệ IC3 (ban Văn Chương, sinh ngữ chính là Anh Văn).
Trong khi chờ đợi Thầy Hiệu Trưởng và Thầy Giám Học Văn Đình Hy cứu xét đơn, tôi không còn lòng dạ nào để theo dõi bài học trong lớp Đệ IB7 nữa. Bảy ngày trôi qua trong hồi hộp chờ đợi, cuối cùng vào một buổi sáng đầu tuần, Thầy Đinh Qui cho gọi tôi lên văn phòng và có sự hiện diện của Thầy Giám Học, thầy Đinh Qui lên tiếng:
-“Tại sao trò lại muốn chuyển qua học Ban Văn Chương trong khi học bạ ghi thành tích học tập của trò trong suốt 6 năm ở Trung Học Nguyễn Hoàng rất tốt và kỳ thi vừa rồi trò đã đậu Tú Tài I ban B với hạng Bình Thứ. Thầy nghĩ chỉ cần học hành chăm chỉ một chút là chắc chắn trò sẽ đỗ được kỳ thi Tú Tài II sắp tới. Thầy nhận được đơn xin đổi lớp của trò gần cả tuần nay. Thầy đã bàn thảo với Thầy Giám Học và cả hai Thầy đều suy nghĩ rất nhiều đến một quyết định mà chắc chắn sẽ dẫn đến một ngã rẽ lớn lao cho cuộc đời tương lai của trò. Cả Thầy và Thầy Giám Học đều thấy rất khó để quyết định, nên hôm nay mời trò tới văn phòng để hỏi chuyện thêm.” (Trong lòng tôi vô cùng xúc động vì sự quan tâm của hai vị thầy đáng kính. Họ lo lắng trước quyết định quá hệ trọng, liên quan đến cả một tương lai của người học trò sắp bước vào ngưỡng cửa Đại Học).
-“Thưa Thầy, khi thi đậu bằng Trung Học Đệ I Cấp (năm 1959), lòng con muốn theo học lớp Đệ III ban Văn Chương, nhưng trường Nguyễn Hoàng chỉ mở được lớp Đệ III A và B mà thôi. Vì hoàn cảnh gia đình không khá giả để cho con vào Huế học ở Trường Quốc Học, nên đành ở lại quê nhà theo học ban Toán (lớp Đệ III B”. (Hai người bạn học cùng lớp là Hồ Văn Mẫn và Lê Văn Mỹ đều được theo học Đệ III ban Văn Chương. Về sau cả hai đều tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế).
-“Trò có biết học ban văn chương, ngoài khả năng về môn Việt văn, còn phải vững vàng về môn Anh Văn và Pháp Văn. Hai năm học Đệ Tam và Đệ Nhị ban B ở Nguyễn Hoàng, sinh ngữ Anh chỉ học được 3 giờ/tuần và Pháp văn chỉ 1 giờ rưỡi, trong khi ban C (văn chương) phải học đến 6 giờ Anh Văn/tuần và Pháp văn học đến 4 giờ/tuần thì làm sao trò có thể theo kịp các bạn. Nếu trò muốn đổi từ ban Toán (ban B) qua ban Vạn Vật (ban A) thì Thầy cho chuyển qua ngay”.
-“Thưa Thầy, khi lên lớp Đệ IIB (nk 1960/61) con có theo học lớp Thông Dịch Viên Anh Ngữ do cơ quan Military Advisory American Group (MAAG) tại Quảng Trị tổ chức và đã hoàn tất khóa học này sau gần 9 tháng theo học (4tối/tuần) và tiếng Pháp con thường trau dồi thêm ngoài giờ học ở nhà trường”. (Lớp Thông Dịch Viên này gồm 11 học viên do Cơ Quan Cố Vấn Quân Sự Mỹ tại Quảng Trị tuyển chọn. Đa phần là học viên lớn tuổi: có ông Mỹ Phát, người Hoa, một thương gia giàu có nhất nhì thành phố, nay đang định cư tại Hawaii; có cụ thân sinh của chị Vương Lệ Chi mà tôi không nhớ tên, cũng theo học. Về sau bác này được tuyển vào làm thông ngôn ở Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Vương Lệ Chi là bạn học cùng lớp với tôi ở Trường Nguyễn Hoàng, nay đang định cư ở Nam Cali. Trong lớp này có ông Thiếu Tá tên Vọng (không nhớ họ), người miền Bắc di cư, thuộc Lực Lượng Bảo An Tỉnh cũng được gởi theo học, sau được cử làm thông dịch cho Ủy Hội Quân Sự 4 bên ở Quảng Trị.)
-“Nếu trò quyết tâm như vậy, Thầy sẽ nhờ Thầy Dương Thiệu Tống hiện đang dạy Anh văn cho lớp Đệ IC3 và Thầy Ngô Đốc Khánh đang phụ trách môn Pháp văn, kiểm tra lại khả năng ngoại ngữ của trò rồi Thầy mới quyết định”.
Sau đó, tôi đã được Thầy Tống và Thầy Khánh đồng ý đề nghị nhà trường cho chuyển lớp từ Đệ IB7 qua lớp Đệ IC3. Tôi đã theo học lớp Đệ Nhất ban Văn Chương (chuyên Anh Văn) sau khi trường đã khai giảng gần được một tháng. Tại lớp học mới này, về môn Triết học, vì có khiếu về Việt Văn, nên tôi được điểm cao cuối học kỳ các môn Tâm Lý Học của cô Tôn Nữ Diệu Trang, môn Luận Lý Học và Đạo Đức Học của Thầy Chu Trọng Thuyết. Riêng môn Pháp Văn, tôi phải nỗ lực lắm mới theo kịp các bạn. Kỳ thi Tú Tài Toàn Phần (tháng 6/1962), tôi đã may mắn đỗ ngay kỳ đầu.
Niên khóa 1962/63, tôi ghi danh theo học lớp Dự Bị Văn Khoa và lớp Cử Nhân Luật năm thứ nhất thuộc Viện Đại Học Huế. Để có thể tiếp tục lên Đại Học, tôi đã xin làm précepteur tại các tư gia. Cuối niên học đó, tôi đã đỗ được lớp DBVK (cũng xin nói thêm là chứng chỉ DBVK tỷ lệ đỗ cả hai kỳ cộng lại chưa quá 15%).
Để giúp đỡ thêm cho gia đình, tôi đã nộp đơn xin đi dạy học. Được bổ nhiệm về dạy tại Trường Trung Học Hải LăngQuảng Trị, tôi đã xin Thầy Hiệu Trưởng Hồ Công Lợi sắp thời khóa biểu cho tôi được dạy hai ngày cuối tuần. Chiều thứ bảy ra Quảng Trị thăm nhà và trở lại Huế chiều chủ nhật để sáng thứ hai tham dự các môn học thuộc ngành Cử Nhân Văn Chương năm thứ hai. Những năm sau tôi xin dạy Anh Văn tại Trường Đệ Nhị Cấp Bán Công và Trường Jeanne d’Arc Huế cho tới khi hoàn tất Văn Bằng Cử Nhân Văn Chương niên khóa 1965/66.
Tôi rời Huế vào mùa thu năm 1966 để theo ban Cao Học Sử tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn… Sau đó lên giảng dạy tại Đại Học Văn Khoa Đà Lạt, Trường Võ Bị QGVN (1968/71), rồi xin đổi về dạy tại Viện Đại Học Huế kể từ năm 1971 để được gần gia đình. Tại đây tôi đã gặp lại Thầy Trần Như Uyên, (phu quân của cô Bích Đào, nguyên Hiệu Trưởng Trường Đồng Khánh). Thầy Uyên đã dạy tôi môn Siêu Hình Học tại lớp Đệ IC3 Quốc Học. Thầy đã đệ trình luận văn Cao Học Văn chương tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và được mời về giảng dạy tại Đại Học Văn Khoa Huế, nghe nói Thầy Uyên đã qua đời tại Huế một vài năm sau 1975. Tôi cũng gặp lại Cô Cao Thị Như Quỳnh (cũng học lớp Đệ IC3 với tôi ở Quốc Học), vừa tốt nghiệp Master ở Hoa Kỳ về và đang dạy môn Anh Văn cho sinh viên Văn Khoa và Sư Phạm. Cô Như Quỳnh đã thành hôn với GS John Schaffer (cũng giảng dạy tại Đại Học Huế) và hiện nay gia đình đang cư ngụ tại vùng Bắc Cali.
Ngắm lại đoạn đường đời đã trải qua với nhiều kỳ thi trong cuộc đời mình, từ kỳ thi Tiểu Học, đến thi vào Đệ Thất, rồi thi Diplome, Tú Tài bán phần, Tú Tài toàn phần, rồi Cử Nhân, rồi Cao Học, rồi Tiến Sĩ, và nhờ vào vốn Anh Ngữ từ trong nước, tôi có được cơ hội tiếp tục việc học của mình ở Hoa Kỳ khi tuổi đời đã “ngũ thập tri thiên mệnh”… Nghĩ lại, tôi thấy mình thật may mắn khi quyết định đổi qua ban Văn Chương (Anh Văn) từ lớp Tú Tài II (nk 1961/62). Đó là một quyết định cam go, một ngã rẽ của cuộc đời mình, và chính nhờ vậy mà tôi có thể vực lại sự mất mát và sự khốn khổ của gia đình sau hơn 7 năm tù cải tạo trở về…
Sự việc ấy là: Chính nhờ vụ hoán chuyển từ lớp Đệ Nhất ban Toán (IB7) sang lớp Đệ Nhất ban Văn Chương chuyên về Anh Văn (IC3) mà sau thời gian đi tù CS, tôi có cơ hội dạy môn Anh Văn cho một trường Đại Học tại Sài Gòn và đã được mời dạy tại trường Metropolitan Business College (MBC) của Đại Học Sydney Úc vốn là một chi nhánh được mở tại Sài Gòn từ năm 1990 do Bà Lonar Pavior từ Úc qua điều hành. Tôi dạy ở đó từ 1990 đến khi rời Sài Gòn năm 1994.
Và may thay, gia đình chúng tôi được đến Mỹ định cư theo chương trình HO dành cho các cựu tù cải tạo vào tháng 10 năm 1994. Chúng tôi được người chú là Trung Tá Lê Đình Vọng bảo trợ cho gia đình đến định cư tại thành phố San Jose từ đó cho đến nay, tính ra cũng đã gần 28 năm. Cũng xin nói thêm là trong số gần 50 học sinh lớp Đệ IC3 hồi đó, nay được biết là có 18 anh chị hiện định cư tại Hoa Kỳ và 1 người ở Canada. Quý chị là: Lê Thị Như Hảo (Nam Cali), Nguyễn Thị Tư Hiền (Nam Cali), Cao Thị Như Quỳnh (Bắc Cali), Tôn Nữ Xuân Vinh (Miền Đông HK). Quý anh thì có Nguyễn Anh (Canada), Nguyễn Kim Chương (San Francisco), Hoàng Đoàn (San Jose), Vĩnh Đối (San Leandro), Võ Huyến (San Leandro)), Lê Văn Mỹ (San Jose, đã qua đời), Nguyễn Văn Ngôn (Miền Đông HK), Tống Phước Ninh (Houston, TX), Nguyễn Văn Trọng (Seattle, WA), Nguyễn Bá Trứ (WADC), Phạm Đăng Tú (Nam Cali), Ngô Văn Vinh (WADC, đã qua đời) La Lưu Ý (Seattle, WA, đã qua đời) và Lê Đình Cai (San Jose).
Xin chân thành cám ơn nước Mỹ và nhân dân Hoa Kỳ đã giang tay đón tiếp chúng tôi, những người đã trở về từ các trại lao động khổ sai của chế độ Cộng Sản Hà Nội…
Viết để ghi nhớ những chặng đường đời đầy cam go thử thách, và cũng đầy những kỷ niệm đẹp của một thời hoa mộng, không thể nào quên…
Lê Đình Cai
(Chuyện kể của Người Tù mang số BD 490)