Lựa Chọn


Tôi phân vân không biết nên chọn đề tài bài viết này là “Chọn Lựa” hay “Lựa Chọn”; thường người ta hay nói như nhau, nhưng nghĩ lại phải có LỰA rồi mới CHỌN thì đúng hơn.

 

Thật vậy, trong đời ai cũng có những lúc phải đứng trước ngã ba đường hay trước một hoàn cảnh bắt buộc phải lấy một quyết định, và từ quyết định đúng hay sai, có khi đều đúng cả nhưng hậu quả sẽ như một trời một vực, để đôi khi mình không thể than “cơ chi…”

 

Riêng phần tôi, gần cuối đường ngồi điểm lại các quyết định đã qua, âu cũng là một dịp xem lại một cuốn phim cũ.

 

Từ bé, không hiểu sao tôi đã bị ám ảnh bởi cái bánh xe. Nghe mẹ nói, câu đầu tiên ngoài chữ BA MẠ tôi đã thốt lên hai chữ BĂNG CO. Ban đầu không hiểu tôi muốn nói gì nhưng sau để ý thấy mỗi lần xe gì chạy qua, mới đoán là tôi muốn nói “bánh to”. Nhưng tôi lại chọn nghề thầy thuốc; dễ hiểu thôi trong bối cảnh thành phố Huế thập niên 50, chứ nếu tôi ở Pháp hay Mỹ e dám bây giờ đã lao vào nghề xe hơi. Thế nhưng tôi cũng đã bỏ mấy tháng hè đi học nghề sửa xe.

 

Lựa chọn thời đi học không có gì khó. Người ta nói chọn bạn mà chơi, nhưng đó chỉ là câu khuyên đời. Thật ra bạn tự nhiên đến với mình, phần chọn lựa tuy phải có nhưng tôi nghĩ không nhiều. Nhiều hơn có lẽ là tình yêu? Chà, đây là đề tài khá sôi nổi, khi “tiếng sét ái tình” đánh nhằm thì biết đâu mà đỡ. Tuy nhiên khá nhiều trường hợp mà đôi bên cần phải lấy một quyết định quan trọng vào bậc nhất ảnh hưởng đến suốt đời! Biết bao dang dở, bao trang tình sử bi thảm do yêu nhau mà phải chọn chữ biệt ly. Riêng tôi được may mắn được cùng người yêu đi trọn đường đời, nhờ giữ vững kiên trì sau vài thử thách không nhỏ.

 

Nhưng cái quyết định quan trọng hơn nữa mà tôi muốn nhắc lại khi ngồi nhìn tấm lịch trên tường, cái ngày 30 tháng tư gần kề. Đúng vậy, cuối tháng tư 1975, đi hay ở lại? Đi thì cũng có đường đi, nhờ thời gian thực tập giải phẫu bổ hình tại trung tâm Barsky, trong hai chúng tôi từ Quân Y gởi qua thì anh NHT đã chụp lấy cơ hội. Nhưng họ chỉ cho vợ chồng và con nên tôi đã quyết định ở lại.

 

Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi cũng không nuối tiếc quyết định trên, vì nhiều lý do:

- Trước hết, vì chữ hiếu: tôi là con một, chỉ còn cha mẹ già vẫn ở với chúng tôi, không nỡ bỏ lại.

- Sau là ngu. Vâng, phải nói đúng như vậy. Sau hơn 7 năm quân ngũ, tôi chỉ biết mập mờ về Cộng Sản VN, những tên lính khờ khạo mà tôi có dịp chữa trị để có lần bị một trung tá Nhảy Dù chỉa súng vào đầu bảo phải lo cho mấy thương binh của ông ta trước khi lo cho thằng VC đang lòi ruột kia.

 

Tôi nghĩ là mình vẫn sống được trong vai trò người y sĩ dù trong chế độ nào. Tôi nghĩ chỉ khác nhau ý thức hệ thì người Việt với nhau vẫn là người Việt, quê hương vẫn là quê hương. Sai ơi là sai! Ngu ơi là ngu! Cho nên đến ngày 30 tháng tư năm 1975, tôi vẫn còn trong phòng mổ Tổng Y Viện Cộng Hòa sau phiên trực dài 2 ngày 2 đêm vì không ai vào thế mà thương binh thì tấp nập vào. Đến khi tên cán bộ vào đuổi tôi mới về nhà, cởi bộ đồ trận đã ròng rã theo tôi trên 7 năm rưỡi.

Trả giá cho cái ngu trên là gần hai năm tù cải tạo, nhưng tôi không tiếc vì nhờ đó cũng như nhờ 2 năm làm việc với bọn ngu dốt khi được thả về phục vụ trong bệnh viện Sùng Chính, tôi mới thực sự hiểu được con người Cộng Sản Việt Nam và đường lối của chúng. Nhờ đó mới có quyết định đúng đắn hơn là lo vượt biên. Và cha mẹ tôi cũng không trách đứa con duy nhất khi phải gạt nước mắt chia tay, dù biết rằng đây là con đường giữa sống và chết. Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện, và cầu nguyện. May mắn thay, và chắc chắn nhờ Ơn Trên, chúng tôi đến được bến bờ tự do để làm lại cuộc đời, lo thủ tục đón cha mẹ qua đoàn tụ khi đã đủ tiêu chuẩn.

 

Những quyết định kế tiếp phần đông tùy hoàn cảnh, sinh nhai, vì thế chúng tôi ở mãi tiểu bang New Jersey đã gần 40 năm. Nếu có lựa chọn hơi khó quyết định chỉ là với số tiền khiêm tốn, nên tha về chiếc xe nào?

 

***

 

Nói đúng ra, không có quyết định nào mà không khỏi cân nhắc, so đo. Nếu con đường sẽ đi quá hiển nhiên do hoàn cảnh, điều kiện trước mắt, thì không còn là lựa chọn nữa. Phần đông chúng ta đứng trước hai con đường đều lát gạch, bỏ lên cán cân không xê dịch bao nhiêu. Đây là trường hợp khi chúng tôi chọn rời đất Pháp tạm cư để qua Mỹ. Cần nói rõ ngay từ đầu khi may mắn cập bến Mã Lai trên chiếc thuyền tư nhỏ bé chỉ vỏn vẹn gia đình và người thân, chúng tôi đã có thân nhân ở Mỹ và Pháp bảo lãnh.

 

Sở dĩ tôi chọn đi Pháp vì đúng vào lúc ấy tàu y tế Ile de Lumière đến đảo Pulau Bidong giúp người tỵ nạn. Lúc ấy dân số trên đảo lên đến 42 ngàn người, mà số thứ tự tàu chúng tôi đến 402, có nghĩa là phải chờ khá lâu mới đến lượt phỏng vấn, nhất là với phái đoàn Mỹ. Vợ tôi đang mang thai 4 tháng, để con sinh ra làm dân Mã Lai chăng? Tôi phải quyết định tìm mọi cách rời đảo sớm; tôi lân la làm quen với BS Pháp tại bệnh xá. Thấy tôi nói tiếng Pháp trôi chảy, một BS trẻ hứa giúp và cho tôi tên một thành viên của phái đoàn phỏng vấn Pháp. Tôi rình chộp được anh ta một đêm, gọi đúng tên làm anh ta giật mình, nhưng sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh thêm ít mắm muối, được hứa giúp. Alleluia!

 

Thật ra tôi cũng không bịa đặt gì, tôi vốn hấp thụ văn hóa Pháp từ nhỏ, rất muốn biết và sống trên đất Pháp. Cái may thứ hai là lúc ấy thị trưởng thành phố Paris, ông Giscard D' Estaing, đang vận động tranh cử và hô hào giúp các thuyền nhân VN. Ông ta thuê luôn một chiếc 747 chở 300 dân tỵ nạn từ đảo Bidong, và gia đình tôi với 3 đứa con được nằm trong danh sách ấy. Đến phi trường Paris ngày 15 tháng 7 năm 1979 (sau ngày Quốc Khánh Pháp), tôi còn được kêu lên nói vài câu cám ơn ông Thị trưởng, thành phố Paris và dân Pháp trước ống kính truyền hình, báo chí.

Thế là khỏi cần báo tin, bạn bè bà con bên Pháp xem tin chiếu trên TV đã biết, mặc dầu trông tôi có vẻ hốc hác sau tù đày CS, làm việc theo biên chế CSVN, nhưng vẫn nhận ra được. Thế là qua hôm sau được viếng thăm nơi trú ngụ tạm trung tâm Debrousse, còn được chuồi mấy trăm franc xài chơi.

 

Một phái đoàn Bộ Y Tế đến phỏng vấn nhóm Y Nha Dược trong đám, và tôi được bổ nhiệm làm y tá trưởng BV Bligny cách Paris độ 15 miles trong lúc chờ thi lấy bằng tương đương. Tôi có viết một bài đăng trên báo Le Généraliste, chỉ trích dằng co giữa Bộ Y Tế và Bộ Giáo Dục khi họ can thiệp cho tôi nộp đơn thi bị trễ 3 ngày. Thật ra về lương bổng thì khi đứa con thứ tư ra đời cộng allocation familiale vào lương, cũng không thua gì lương BS dưới bậc thang bao nhiêu. Ngoài ra tôi có nhiều bạn thân thời trung học đã qua Pháp định cư từ lâu nên cũng an phận.

Tuy nhiên vợ tôi lại vẫn muốn sống ở Mỹ, với cái lý luận toán học khó cãi: “Ở đây tui chỉ có một đứa em, bên Mỹ đến tám.” Cho nên, lại thêm một lựa chọn. Dù sao đã xa quê hương thì đâu cũng là nhà, đâu cũng là biệt xứ. Chọn lúc ông cậu Jim Cross (bố của Tom Cross mới đoạt giải Oscar làm phim) qua Paris chơi, dẫn tôi đến sứ quán Mỹ, với giấy tờ bảo lãnh có sẵn từ cô em ở New Jersey, thế là chúng tôi lại từ giã bạn bè, từ giã người thầy mến yêu đã dạy tôi bao nhiêu năm, Cha Georges Lefas đang còn phục vụ trong tu viện Morte Fontaine để bay đến New York đúng vào ngày khai thuế 15 tháng tư năm 1980.

 

Kế tiếp là những nhọc nhằn thông thường với nơi ăn chốn ở, học thi, thực tập, kiếm việc…cc như mọi người. Chỉ vì muốn đi làm sớm, tôi đã đứng trước cửa nhà thờ nói dối ngon lành là tôi rành về săn sóc ngựa khi được một giáo dân cho việc làm tại trại nuôi ngựa, mặc dầu ngựa của tôi là mã lực, horsepower chứ ngựa thật thì chưa bao giờ đến gần. Thế mà mấy con ngựa nó lại quyến luyến khi tôi phải rời nó để đi residency.

 

Cái lựa chọn hơi khó tiếp theo là có nên về VN khi thằng em họ mất. Chỉ là em con Dì, nhưng nó với tôi như anh em ruột thịt, cùng tuổi cùng sở thích, từng ở với nhau mỗi lần tôi vào Sài Gòn nghỉ hè và khi tôi vào học SPCN năm 1959. Nhân đây phải nhắc đến quyết định trở về Huế theo học trường Y mới mở, mất đi một năm nhưng gần cha mẹ. Và đây cũng là một quyết định may mắn, tôi không thể nào có được lối đào tạo, số bạn bè thân thương như bây giờ nếu theo học ở Sài Gòn.

 

Trở lại chuyện về VN đám tang em tôi, tôi phân vân vì chưa bao giờ nghĩ sẽ trở lại để thấy lá cờ máu trên quê hương. Hơn nữa tôi vừa in xong và ra mắt cuốn hồi ký “ A Life Changed,” trong đó không tiếc lời phê bình cuộc chiến huynh đệ tương tàn để rốt cuộc chỉ là cướp miền Nam trù phú. Bài học trong tù đày, trong 2 năm phải đóng kịch để làm việc với chế độ mới, được trải bày trong sách, làm tôi hơi lo ngại. Cũng may, đúng vào lúc ấy, đứa em cột chèo gốc Lào dẫn một phái đoàn thương mãi về Hà Nội dự hội nghị APEC (Asian Pacific Economic Conference) và để tên tôi vào phái đoàn như là một thành viên, dù tôi chẳng biết ất giáp gì về kinh tế, nội tiêu pha trong nhà tính cũng không xong.

 

Cuối tháng 11 năm 2006, vợ chồng tôi hạ cánh phi trường Sài Gòn, ngỡ ngàng sau 27 năm xa quê. Về khách sạn Majestic, lòng buồn buồn chứ không phấn khởi như mình tưởng, mặc dầu trước 75 tôi chưa bao giờ dám bước chân đến khách sạn này, chỉ đi coi xi-nê Majestic. Tôi gọi người bạn đồng hành người Mỹ lên sân thượng uống ly rượu ngắm bến Sài Gòn dù đã quá nửa đêm, tâm trạng ray rứt khó tả. Tôi muốn làm ngạc nhiên cho bà Dì nên không báo trước, mặc dầu bà là người đã coi tôi như con ruột sau khi mẹ tôi mất. Gặp lại hôm sau, chúng tôi ôm nhau mà khóc thôi. Rồi tôi cũng phải ra Hà Nội dự phiên họp, coi như cái may được biết Hà Thành mà trước đây chỉ đọc qua văn học. Ngạc nhiên khi ra khỏi phi trường thấy người ta đứng đái bên lề. Khách sạn Melia cũng như mọi khách sạn khác. Tôi có dịp thăm hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu, Chùa Một Cột (sao nhỏ thế!), và thăm vịnh Hạ Long. May mà trong hội nghị không ai hỏi tôi về đề tài kinh tế, chỉ thấy đất nước sao không như mình tưởng, từ Sài Gòn đến Hà Nội, từ người dân đến văn hóa.

 

Nói tóm lại, chuyến về thăm VN độc nhất buồn nhiều hơn vui, không phải vì đám đứa em, mà vì thấy quê hương sao... thấy lạ, như là mình đi thăm một nước khác. Chiến tranh VN đã làm cuộc đời tôi thay đổi, mà quê hương cũng đã đổi thay.

 

***

 

Thật ra trong suốt đời, không ai có thể vỗ ngực cho rằng mọi lựa chọn của mình đều đúng và hay cả. Trong nhiều lãnh vực thì đời sống công ăn việc làm đòi hỏi cân nhắc kỹ lưỡng, may ra những quyết định có phần hợp lý hợp hoàn cảnh. Nhưng nói về những quyết định tào lao về thú chơi chẳng hạn, tiếng Mỹ gọi là hobby, thì chọn lựa có hơi liều lĩnh cũng khó tránh. Xin kể một chuyện vui nhưng cũng cười ra nước mắt.

 

Như đã nói ban đầu, tôi mê xe từ nhỏ. Nhất là đến Mỹ, khi có ít đồng vào ra trong túi thì máu mê nổi dậy. Vì túi không đầy lắm, nên đã chọn mua xe kit car, gọi là xe tự lắp ráp, thường dựa theo một kiểu xe nổi tiếng. Chiếc Cobra quảng cáo bảo chỉ cần 200 giờ để ráp cái vỏ, đem tới hãng Ford bỏ máy Mustang chế biến lại, tổng cộng dưới 25 ngàn đô. Nhưng tôi quên là khi ấy tôi đã gần 70 tuổi, đâu phải 17, đã từng ráp 2 xe phế thải thành một xe chạy được.Thay vì 200 giờ, tôi mất 2 năm. Lại không hỏi rõ loại xe này liệt vào hạng tái tạo, phải đến thủ đô tiểu bang mà khám trước khi cấp bảng số chạy ngoài đường, có nghĩa là phải thuê xe kéo nó đi về gần 200 miles. Vất vả biết bao nhiêu mới xong. Đúng là một lựa chọn... ẩu, nói theo tiếng Huế mình. Nhưng chưa hưởng được bao nhiêu thì đùng một cái, tôi chơi tennis thấy hơi tức ngực, mau đuối sức hơn bình thường, nên chọn đi làm Stress test ngay. Đó là một quyết định sáng suốt, vì chiều hôm đó họ giữ tôi lại để mổ bypass nối 5 nhánh ngày hôm sau. Cũng may, có bạn đã từng đột quỵ chết trên sân tennis.

 

Thế thì có liên hệ gì đến xe Cobra? Thật ra tôi ráp hết đâu nỗi, phải mướn người giúp, đâu phải vì nó mà đau tim, nhưng chỉ vì tôi vẫn đi làm hàm nhai, sau 3 tháng nằm nhà ăn sạch túi nên phải bán nó đi, công lao hì hục với nó 2 năm trời nên cũng không khỏi rơi nước mắt khi giã từ. Ông nội tôi đã bấm số cho tôi từ nhỏ, bảo thằng này số 2 xu, có nghĩa là không bao giờ giàu trên 3 xu, nhưng cũng may không nghèo đến còn 1 xu. Đúng thế, tôi không có tài làm tiền như các bạn khác, nhưng lại đi mê xe mới khổ. Nhưng còn đỡ hơn mê các thứ tán gia bại sản khác. Tóm lại, những lựa chọn quyết định trong đời, ngồi điểm lại bên cạnh tách trà nóng, ai mà không khỏi thấm thía.

 

 

 

Thật ra, tách trà của tôi đã nguội; miên man với những biến đổi đưa đến vài quyết định khi đúng khi sai. Dầu sao mình cũng có được sự lựa chọn, mà chạnh lòng nghĩ đến bao nhiêu đồng bào còn trong nước, lớn lên và sinh sống trong một xã hội không cho họ có cơ hội chọn lựa, chỉ biết tìm mọi cách để sinh tồn.

 

Có người con gái nào lớn lên mà không mơ tưởng một tình yêu, ít ra một tấm chồng với gia đình quê hương, mà lại phải liều mình qua môi giới để đi làm dâu, làm tôi mọi cho người nước ngoài, lắm khi không biết một tiếng ngôn ngữ gì khác. Tôi không cho đó là một lựa chọn, mà là một sự liều lĩnh trong tuyệt vọng. Do đó mình có được cơ hội để chọn lựa, quả thật đã may mắn lắm rồi.

 

Lê đình Thương, YKH1

 

 

 

 

Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.