MẢNH GHÉP CUỘC ĐỜI

Tâm đang chuẩn bị đi ngủ thì tiếng phone reo từ văn phòng bảo nàng nhận gấp dùm ca mới người Việt và họ sẽ fax giấy tờ đến ngay bây giờ, nàng đọc vội hồ sơ để đi thăm bệnh sáng ngày mai. Một tập hồ sơ mười mấy trang, qua địa chỉ Tâm biết chỗ ở của bệnh nhân nằm trong một building lớn, là chung cư của nhà nước cấp cho những người bệnh tật và nghèo khó; dân cư ở đây khá phức tạp, building bao quanh bởi những townhouse dành cho những gia đình có thu nhập thấp. Bệnh nhân có chẩn đoán seizure, depression, chronic pain, và có tiền sử bị hành hạ trong những trại cải tạo ở VN. Anh đã đến thành phố này trên ba mươi năm nay và trải qua sự điều trị của nhiều bác sĩ chuyên khoa.

Hôm sau Tâm đến gõ cửa căn hộ của bệnh nhân vào khoảng chín giờ sáng. Sau ba lần gõ không nghe trả lời Tâm vẫn nán lại để lắng nghe những tiếng động rất mơ hồ bên trong. Hôm qua đã có cô nurse Tây chuyên về bệnh tâm thần đến nhưng họ báo lại là không vào được. Cuối cùng nàng quyết định nói tiếng Việt vọng vào trong, nàng đứng sát cửa nhẹ nhàng bảo: “Anh Dan, tôi là nurse người Việt đến coi thuốc men và tình trạng của anh, anh mở cửa cho tôi vào được không?” Tâm lắng nghe tiếng động rõ hơn nên kiên nhẫn đứng chờ. Một lát sau cửa mở, trước mặt Tâm là một người đàn ông VN với khuôn mặt thất thần, dáng đi khập khiễng.

 

Anh bảo: “Chị vô đi” bằng giọng Trung. Tâm đáp lại bằng tiếng Huế “Chào anh Dan”. Anh bảo tôi tên là Dân. Tâm sửa lại tiếng chào: “Chào anh Dân, tôi là Tâm.” Đôi mắt của anh trở nên linh động hơn hỏi: “Ủa chị là người Huế hả?” Tâm đáp lại: “Dạ năm mươi phần trăm.” Anh nói tiếp: “Lâu lắm rồi tôi mới nghe lại giọng nói của đồng hương.” Anh kéo cái ghế gỗ cũ kỹ đặt bên cái bàn xiêu vẹo mời Tâm ngồi. Nàng nhìn quanh phòng tìm cái ghế khác mang đến để anh ngồi cùng, nhưng căn phòng chỉ vỏn vẹn một cái ghế và một cái nệm rách trải trên nền nhà với chiếc chăn bông cũ bạc màu. Tâm đành bảo anh ngồi đi tôi sẽ đứng, nghề của tôi đứng quen rồi. Tâm chẳng bao giờ hình dung ra được cảnh nghèo của một cư dân ở cái thành phố hoa lệ nầy đến thế. Nàng xin vào bếp rửa tay trước khi đụng đến thuốc men của bệnh nhân. Một cái bếp trống không, bụi bặm dính đầy như chưa bao giờ được chùi dọn một lần. Hình như cả gia tài của anh đều nằm trong cái giỏ của walker để gần cửa. Anh nhờ Tâm đến lấy cái bao giấy đựng thuốc men của anh trong giỏ đó để coi lại.

Thuốc của anh đều được bỏ vào trong những cái vỉ bảy ngày một tuần, có ghi ngày tháng và giờ uống rõ ràng nhưng anh uống lung tung, có ngày uống ngày không, giờ uống giờ không, hèn gì đầu óc của anh cũng lúc có lúc không. Anh thường lang thang ngoài đường phố vì không chiụ nỗi cảnh đối diện với bốn bức tường hằng ngày, không điện thoại, không thức ăn, không một phương tiện giải trí, và không một người bà con hay bạn bè thăm viếng. Nhìn đôi mắt vô hồn của anh, Tâm quyết định đến thăm anh hằng ngày trong hai tuần lễ đầu để động viên anh uống thuốc đều đặn, đồng thời để anh có người đồng hương lui tới chuyện trò.

 

Anh uống thuốc chống động kinh co giật, thuốc ức chế buồn bã và thuốc đau nhức. Về dinh dưỡng thì bác sĩ đã cho anh uống Ensure vì anh bảo khó nuốt được thức ăn đặc, chỉ ăn cháo và soup, mà anh chẳng nấu nướng gì được, lại hay quên nên người quản lý đã rút điện ở cái lò nấu ra. Có lần bác sĩ khuyên anh nên vào nursing home nhưng anh muốn tự do và tự lập, anh còn quá trẻ để vào đó, anh vừa bước qua tuổi năm sáu, còn group home thì anh sợ bị quấy rầy.

 

Hằng ngày Tâm đến vào sáng sớm để anh có thì giờ chuẩn bị ra khỏi nhà. Tâm đưa Ensure và thuốc buổi sáng cho anh uống, rồi bỏ thuốc buổi tối vào trong cái ly nhỏ để trên gối với chai nước bên cạnh để khi đi ngủ anh nhớ, thuốc giảm đau trong ngày nàng bỏ riêng vào xách tay với bình Ensure để khi đau thì uống, không đau thì quên. Sau hai tuần anh bắt đầu tỉnh táo hơn, đôi mắt anh có chút thần sắc, dáng đi vững vàng, trí nhớ của anh cũng tăng dần lên, và anh bắt đầu kể một vài mẫu chuyện của anh cho Tâm nghe. Anh kể tháng trước có lúc quá cô đơn nên khi nghe tiếng mấy đứa teenager xì xào nói chuyện ngoài cửa, anh mở cửa cho có chút tiếng động vui cửa vui nhà, tụi nó liền tiến tới xin miếng nước uống, anh để chúng vào nhà cười giỡn một lát. Đến khi chúng đi khỏi, anh vào lấy áo mặc thì cái closet trống không, dở túi lấy viên thuốc giảm đau cũng không còn, anh chỉ biết kêu Trời, rồi xuống nói chuyện với ông quản lý, ông cho anh một bộ đồ cũ và cái áo lạnh để mặc tạm. Chiều hôm đó Tâm ghé tiệm đồ cũ mua cho anh mấy bộ đồ, năm cái cái sơ mi còn mới và ba cái quần dài chỉ có mười đô.  Anh Dân nói tiếng Anh không trôi chảy lắm nhưng nhiều người có thể hiểu được vì ở đây là thành phố đa văn hóa, còn tiếng Việt thì giọng của anh quá chuẩn. Thân hình anh khá to lớn so với vóc dáng của người VN, cách ăn nói của anh có vẻ ngây ngô nhưng không kém phần khí khái và lễ độ làm xiêu lòng những anh chàng cảnh sát mắt xanh mũi lõ nên họ thường chở anh về những khi anh bị lạc đường. Nói chung, ở VN của mình thì người ta gọi anh là thằng khùng, còn ở đây thì Tâm có thể gọi anh là Forest Gum.

Sau khi bệnh nhân giữ được thói quen uống thuốc hằng ngày, Tâm giảm lần tần số thăm viếng đến còn một tuần một lần. Mỗi lần đến Tâm chỉ coi lại vỉ thuốc và tình trạng tổng quát của anh, thì giờ còn lại Tâm đứng nghe anh mở lòng với những chuyện đời gian truân. Anh thường hỏi có làm mất thì giờ của Tâm không, đã từ lâu anh mong gặp người đồng hương để hiểu được những điều anh muốn nói nên anh có thể hơi dài dòng, bác sĩ Tây khó hiểu và khó tưởng tượng ra những gì anh đã trải qua.

Anh kể anh là đứa con bị bỏ rơi trước cửa nhà thờ từ lúc mới lọt lòng, mấy xơ đem vào nuôi dưỡng cho đến khi bắt đầu vào tuổi teen thì các xơ gởi vào trường nội trú của các cha cố. Sau khi đậu Tú tài anh theo lệnh động viên vào học trường sĩ quan Thủ Đức. Khi ra trường nhờ biết chút tiếng Anh, tiếng Pháp nên được phục vụ ở đơn vị chiến đấu của Mỹ. Thế rồi sau biến cố bảy lăm anh vào trại cải tạo như bao sĩ quan khác, trại gần rồi trại xa đâu đâu anh không nhớ, anh chỉ còn nhớ những trận đòn chí tử và những cái cũi nhốt anh vào đó. Anh đã được nuôi dưỡng trong môi trường dạy dỗ tính trung thực, dũng cảm, và lòng bác ái nên mỗi khi nghe mấy ông quản giáo nói sai là anh cãi, và anh bắt đầu bị những hình phạt từ nhẹ như lao động khổ nhọc đến nặng dần như bị thương ở đầu. Hôm đó anh ngồi giải lao dưới gốc cây, miệng lẩm nhẩm đọc kinh cầu nguyện, một tên quản giáo đến từ phía sau đến hỏi anh đang làm gì thế, cầu Chúa cầu Phật, những thứ ru ngủ lười biếng đó à? Anh cãi lại “Không đâu cán bộ, CS vô thần không tin nhưng những thứ đó làm con người sống tốt hơn,” vừa dứt câu thì cái dùi cui trên tay thằng quản giáo choảng xuống đầu anh, anh ôm đầu lăn xuống đất, nó liên tiếp nện vào người anh rồi bảo cho mày bỏ Chúa bỏ Phật mà lo lao động tốt đi nha. Anh không còn biết gì nữa cho đến khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trong chỗ biệt giam, đầu óc choáng váng. Anh không nhớ đã ở đó bao lâu, có thể cả tháng. Sau đó anh bị động kinh; đang lúc ngồi nghe quản giáo nói chuyện, anh lăn ra chân tay co giật, sùi bọt mép. Sau vài lần như vậy thì họ thả anh về vì họ biết giờ này anh chỉ là phế nhân không làm gì được nữa.

Giọng anh kể chậm rãi, có những lúc hình như xúc động anh nghỉ nói một lúc lâu. Lần đó anh sợ Tâm đứng lâu mỏi chân không kiên nhẫn nghe anh nói nữa nên anh bèn tụt xuống ngồi trên nệm nhường ghế cho Tâm và bảo nàng đem cái walker lại gần, Tâm liền dọn áo quần và đồ đạc trên walker ra để anh ngồi vào.

 

Tâm nhớ một lần anh đã rơi nước mắt khi kể chuyện được ra khỏi tù nhưng chẳng biết về đâu. Anh không nhớ hết chi tiết, chỉ còn biết là người ta thả anh xuống một góc phố xa lạ. Ngoài bộ đồ anh mặc, trên tay anh ôm một bộ đồ cũ khác cuộn vào tay. Anh đang ngơ ngẩn nhìn quanh để tìm đến những con phố thân quen thì gặp một phụ nữ đứng tuổi nhìn anh rồi hỏi: “Anh đi học tập về phải không?” Anh mừng vì biết gặp được phe ta. Bà hỏi tiếp “Anh muốn về đâu?”  Anh không còn nhớ gì ngoài một địa chỉ thân thuộc của trường nội trú. Bà bảo anh phải đi xe thồ về đó. “Anh có tiền không?” Anh lắc đầu.  Bà bảo anh đứng đó để tôi đi kêu chú xe thồ giúp anh rồi tôi sẽ tính với chú đó sau. Anh ngồi sau yên xe đạp của một người đàn ông nhỏ bé cong lưng cúi đầu trong cái mũ lụp xụp đạp đi, trong lòng anh dâng trào một niềm thương cảm cho những tấm lòng vàng của những người xa lạ. Anh lẩm nhẩm: “Khi mình rớt xuống tận cùng của vực thẳm ai cứu mình lúc đó là những thiên thần không thể quên được.” Khi đến nơi, trường nội trú đóng chặt cửa, anh nghĩ đã thay đổi chủ nên đi quanh xóm để tìm người quen. May mắn gặp vợ chồng bác Mùi nhận ra anh khi trời đã nhá nhem tối, bác trai nói nhỏ với anh đi vào cửa hậu. Anh được ăn bữa tối với cơm trắng cá kho; anh cảm thấy như chưa từng có bữa ăn nào ngon như thế. Thấy anh hơi ngớ ngẩn nên bác trai bảo anh có thể tạm ở lại đây vài ba ngày với điều kiện là anh phải hoàn toàn ở trong nhà và tuân thủ những gì bác nói vì cuộc sống bây giờ khác lắm. Anh đồng ý và nghĩ thầm Chúa đang giúp anh. Anh có nói với bác là anh bị bệnh động kinh nhưng không thường xuyên, sau khi lên cơn anh sẽ trở lại bình thường để bác đừng sợ. Mấy ngày sau bác nói bác có liên lạc với mấy người biết anh hồi trước và họ sẽ hỗ trợ cho anh, anh cứ yên tâm ở lại cho đến khi có tin mới miễn là đừng ló cái mặt ra ngoài. Cỡ hai ba tuần sau bác Mùi bảo anh chuẩn bị tinh thần để tối mai sẽ có người đến chở anh đi vượt biên, mọi thứ đã được sắp sẵn anh chỉ tuân theo lời người hướng dẫn chở anh đi. Thế là anh vượt qua tận Canada vào năm bảy chín mà không bao giờ biết được ai đã giúp anh.

Một hôm Tâm hỏi anh dùng cái walker đó từ lúc nào? Anh bảo cách đây khoảng hai năm anh cảm thấy sức trai không còn nữa, đầu óc lại hay quên nên quên uống thuốc, không thuốc thì càng quên nhiều hơn, cuối cùng cảnh sát bắt gặp anh nằm trên vỉa hè, họ khá quen thuộc với anh nên đem anh đến bệnh viện để kiểm tra. Sau đó anh được OT mua cho cái walker, rồi gởi nurse tới nhà giúp anh. Anh kể nurse gõ cửa ba lần không mở là họ bỏ đi nên chẳng bao giờ tui gặp được họ, họ không hiểu là tui phải cần thời gian để đứng lên từ cái nệm đó và mặc thêm áo quần, tui quên trả tiền phone nên họ cắt mất. Có lần gặp được cô nurse Tây thì cô nói quá nhanh tui chẳng hiểu gì, và từ đó tui không mở cửa nữa. Hôm trước nghe chị nói tiếng Việt tôi mới mở, cám ơn chị đã biết chờ tui. Rồi anh ngồi kể chuyện cuộc sống của anh ở Toronto trong lúc Tâm vẫn kiên nhẫn đứng nghe.

 

Anh đến đây một mình đơn độc ở tuổi trai tráng trong một cơ thể bầm dập. Sau khi được kiểm tra sức khoẻ với nhiều bác sĩ chuyên khoa, họ cho anh nhận tiền bệnh ODSP, và cấp nhà cho anh ở trong building; anh cảm thấy an lòng vì khỏi lo mưu sinh, nhưng anh phải đối phó với sự cô đơn khủng khiếp. Anh kể hồi ở VN tuy không có mái ấm của cha mẹ nhưng chung quanh anh luôn có những bảo mẫu trong nhà thờ hoặc bạn bè chiến hữu, chưa bao giờ anh phải một thân một mình đối phó với những người hoàn toàn xa lạ. Hồi mới qua anh cố đi ra ngoài làm bạn với người ta, nhưng rồi anh thấy chẳng lọt vào một nhóm nào, người Việt thì bận làm ăn không ai muốn kết bạn với thằng dở dở uơng uơng như anh, người Tây thì ít người muốn nghe broken English của anh. Tính tình anh lại dễ bị tổn thương khi bị người ta coi thường, nên càng ngày anh càng co cúm lại trong thế giới riêng của mình. Anh bảo anh ra đường nói chuyện với cảnh sát còn dễ hơn đi tìm bạn. Anh im lặng một lúc như để nhớ lại câu tục ngữ của người Việt mình, rồi cay đắng bảo: “Khôn thì để cho người ta vái, dại để cho người ta thương, dở dở uơng uơng như tui chỉ tổ cho người ta ghét, nên tui phải cô đơn một mình.” Lúc tỉnh táo anh có vẻ nhớ nhiều chuyện, nhưng có lúc anh lại bảo tui không còn nhớ gì hết.

Tuy cuộc đời anh mang nhiều bi thương trong quá khứ, giờ đây anh đang sống trong môi trường khá nhiều tệ nạn, vậy mà chưa một lần anh làm bậy, anh không có tiền sử trộm cắp, sàm sỡ, lừa dối,.. không rượu chè cờ bạc hút sách,.. không đánh lộn, nói tục, chửi tục, không đổ lỗi đổ thừa cho ai, khi làm sai thì nhận lỗi và xin lỗi… Nói chung con người của anh rất có tư cách, có lẽ anh đã được dạy dỗ kỹ lưỡng ở nhà dòng. Nhiều khi nhìn anh Tâm tự hỏi tại sao một con người như vậy mà phải khổ suốt cả một đời, Trời có mắt không? Lọt lòng không cha mẹ, thời trai tráng không một mối tình vắt vai để nhớ để thương mà thay vào đó là những trận đòn sắc máu thù hận đổ lên đầu anh đến nỗi phải mang di chứng trở thành người cà tửng, nhớ nhớ quên quên, không một thân nhân nào còn lại trong đầu để anh nghĩ về, và cũng không một bạn hữu nào để chia vui xẻ buồn. Hằng ngày anh tiếp xúc với môi trường có bao nhiêu du đãng, nghiện ngập, vì phần lớn họ là những người bị thương tật sau tai nạn, hoặc những người không nghề nghiệp, income thấp. Lúc nào đến Tâm cũng thấy xe police đậu bên ngòai. Nghe nói hồi trước ở đây đã có đến bảy hay tám vụ nhảy lầu vì họ không chịu nỗi sự cô đơn và hành hạ của cơn nghiện, vậy mà anh vẫn cố sống và sống tốt trong sự lạc lõng của một người di dân bệnh tật như anh.  Phải chăng anh luôn có có một niền tin mãnh liệt vào Chúa, hay anh đã thấm nhuần câu giấy rách phải giữ lấy lề?

Khi thuốc men và tinh thần anh Dân đã ổn định, Tâm phải nghỉ viếng thăm. Tâm đề nghị PSW đến giúp đỡ nhưng anh từ chối vì anh đã có kinh nghiệm hồi trước, họ không giúp gì nhiều mà lại thêm phiền phức vì nhiều khi họ không đối xử tốt với anh làm anh buồn thêm. Tâm phân vân không biết phải giúp gì cho người đồng hương vì khi đề nghị những dịch vụ trong cộng đồng anh đều lắc đầu bảo thử hết rồi, ai tới đây thấy tui vậy là họ không biết làm gì cả. Cuối cùng Tâm hứa sẽ mang đến cho anh cái giường và cái nệm khác, đồng thời tặng anh một giờ lao động để chùi dọn căn phòng cho anh, tất cả là do nghĩa đồng bào chớ không phải là nhiệm vụ của công việc.  Anh đồng ý. Chủ nhật tuần đó Tâm nhờ con trai khiêng cái giường gỗ hand-made và cái nệm orthopedic còn mới mà Tâm mua lại của người láng giềng đổi vùng với giá rẻ như cho đến lắp lại cho anh, họ đưa luôn bao mền gối đã giặt giũ sạch sẽ tặng anh Dân, con trai còn sửa luôn cái bàn xiêu vẹo. Trong lúc đó Tâm chùi dọn bếp, và sàn nhà sạch sẽ, buồng tắm thì anh đã cố gắng tự chùi lấy hôm qua. Anh rất hài lòng với cái giường, và từ đó Tâm không còn gặp anh nữa.

Bẵng một thời gian khá lâu, Tâm đang đi bộ trên con đường mòn bicycle trail ở sau nhà, khi băng ngang qua một cặp nam nữ đang ngồi nghỉ chân trên cái ghế gỗ tròn, nàng bỗng nghe tiếng gọi: “Nurse”. Tâm quay đầu lại nhìn, cả hai người đều trong khuôn mặt rạng rỡ, một lúc sau Tâm mới nhận ra là anh Dân, đôi mắt của anh không còn u buồn, thay vào đó là đôi mắt sáng chứa đựng niềm hạnh phúc phơi phới trên đôi má đầy đặn, và mái tóc phong sương được cắt tỉa gọn gàng theo kiểu lính tráng. Có lẽ lần đầu tiên Tâm thấy anh mỉm cười. Người phụ nữ cỡ năm mươi trong chiếc áo đầm hoa cũng đang tươi cười với nàng. Tâm lên tiếng “Chào anh Dân”.  Anh vội vàng giới thiệu, “Và đây là Hòa vợ tui.” Tâm vui vẻ đáp lại, “Xin chúc mừng!” Mới lần đầu gặp nhau nhưng Hòa đã nhanh nhẩu nói: “Chị ngồi xuống đây với tụi em một chút đi.” Tâm ngồi xuống ghế bên cạnh hỏi duyên nợ nào đưa đẩy anh chị thành đôi. Tâm ngồi nghe Hòa kể chuyện bằng giọng Trung dễ mến. “Em là giáo viên cấp hai về hưu sớm vì em cũng bị bệnh động kinh như anh Dân nên qua tuổi bốn lăm em vẫn chưa dám lấy chồng. Em dành dụm được ít tiền đi du lịch qua Canada và tạm trú ở nhà của bạn em. Đến đây em rất thích ở lại nên bạn em bảo tìm người cưới đi. Em may mắn được cô thư ký văn phòng bác sĩ bảo có một anh độc thân cùng bệnh với em nhưng lớn tưổi hơn, nếu muốn thì cô ta sẽ đưa số phone của em cho anh ấy và sau đó là cô sẽ hết nhiêm vụ, hai bên tự dàn xếp với nhau. Anh Dân gọi em rồi tụi em kết nhau từ hồi đó cho tới giờ, được năm năm rồi đó chị.”

 

Anh Dân thì ra sức khen vợ với giọng Huế ngọt ngào: “Tụi tui được đổi qua căn hộ khác rộng rãi hơn, cái building đó giờ họ quản lý đàng hoàng. Vợ tui chùi dọn trang trí nhà cửa sạch sẽ đẹp đẽ chứ không phải bê bối như ngày trước chị đến. Vợ tui nấu ăn giỏi lắm nên chị thấy giờ tui mập mạp và khoẻ mạnh ra.”

Tâm nửa đùa nửa thật hỏi: “Vậy cái walker của anh đâu rồi?” Anh cười bảo: “Tui đâu cần nữa chị, đi đâu cũng có vợ bên cạnh, có gì cứ nắm lấy tay bà.”

Một niềm vui chợt đến trong lòng, Tâm thầm bảo: “Trời thật có con mắt.” Nàng ngồi nói chuyện hàn huyên với họ một lúc mới cáo từ.

 

Trên đường về Tâm mỉm cười một mình cho đoạn cuối có hậu của một cuốn phim đời người lính chiến. Tuy muộn màng, hạnh phúc cuối cùng cũng tìm đến với những người như anh Dân.

 

Hoàng Lan

 

 

 

 

         


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.