Một Góc Để Thương Nhớ.

 

 

  Lê Bá Châu

 

Khi tôi sắp bước ra cửa, cụ Cẩn dặn: “Ông kiếm giùm cho tôi ít hạt rau muống, chỉ cần vài hạt”. Tôi dạ và mỉm cười. Cụ Cẩn cũng cười hài lòng, vì tôi không hỏi han gì thêm. Tôi đã hiểu Cụ định làm gì với ba hạt rau muống, vã lại lúc đó cũng đã hơn 12 giờ khuya, và chúng tôi còn phải lái xe vượt hơn trăm cây số để trở về nhà. Trời đã vào hè, nhưng đêm vẫn se lạnh.

 

Tôi được Cụ kết bạn vong niên qua cỗ bài mạt chược. Câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi chỉ loanh quanh trong mấy ván bài. Cụ vốn ít lời, chưa bao giờ hỏi thăm tôi về gia đình, nghề nghiệp hoặc đại loại như vậy, cho nên giữ bậc dưới tôi cũng không dám tìm hiểu về Cụ.

Mỗi lần đến chơi, sau vài câu trao đổi ngắn ngủi hỏi thăm sức khỏe, chúng tôi ngồi vào bàn mạt chược, mà cỗ bài được sắp sẵn từ trước. Lưng các quân bài mạt chược vuông vắn trải ra như một bãi cỏ xanh biếc làm căn phòng sáng hơn đôi chút.

Lần đầu tiên gặp Cụ, tôi nhớ đến bài học hồi nhỏ, bài “Ông tôi” trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp dự bị (lớp 2) của Trần Trọng Kim. Bài viết “Ông tôi năm nay đã ngoài 60 tuổi, đầu râu tóc bạc, da đã nhăn, má đã hóp, đi đâu cũng phải chống gậy…” và hình ảnh ông già trong bức tranh của bài học thì đúng là Cụ Cẩn. Nhưng năm nay Cụ đã trên 80. Tóc bạc phơ, chòm râu trắng tuyết dài xuống tận ngực, phong thái khác thường của Cụ giữa một phòng khách cũng khác thường, vẫn luôn luôn gây cho tôi một ấn tượng vừa là lạ vừa kính nể.

Nhìn Cụ, tôi mường tượng một mảng thời gian xa xưa còn sót lại, với tâm trạng bâng khuâng của Nguyễn Tuân trong “Vang bóng một thời”, hay luyến tiếc hoài niệm của Vũ Đình Liên trong “Ông đồ già”.

 

                           “Những người muôn năm cũ.

                            Hồn ở đâu bây giờ.”

 

Cụ ông và Cụ bà sống ở một căn hộ hai phòng, trong một khu gia cư rộng lớn. Trước sau hai bên đều là những dãy cao ốc xây ngang dọc, xen lẫn giữa những thảm cỏ, bãi đậu xe…

Cụ Cẩn đi lại khó khăn, cao ốc không có thang máy, không gian của Cụ thu hẹp trong bốn bức tường phòng khách, một phòng khách bày biện khác thường, không giống phòng khách nào của đồng hương tôi đã đến thăm.

Bàn mạt chược vuông vắn đặt chính giữa phòng khách, cỗ bài luôn luôn bày sẵn như sợ thời gian bị phí phạm. Cạnh đó, một án thư nhỏ kê sát tường, vừa đủ chỗ để đặt một bộ ống điếu thuốc lào, một bộ đồ trà ấm với hai chén lá mít, tất cả đều xưa cổ mang nhiều vết nứt rạn. Bàn ăn đặt gần lối ra gần bếp và phía ngoài là một bộ sa lông cũ nhìn ra khung trời trước mặt, trên để la liệt sách vở báo chí, không còn chỗ cho khách nếu thật sự có khách.

Trên bức tường nhìn xuống bàn ăn, treo một bức hoành phi viết bốn chữ Hán theo kiểu đại tự “Hòa Nhi Bất Đồng”, nét bút sắc sảo mạnh mẽ. Bên phía lạc khoản tôi đọc được dòng chữ giáp tý niên tiết lập xuân. Như vậy bức hoành phi này mới được viết cách đây 6 năm. Chắc chắn đây là thủ bút của Cụ vì vào thời gian này Cụ Cẩn đã có mặt tại Đan Mạch.

 

   Khổng Tử viết: “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”.  Người quân tử hòa với mọi người, tuy rằng vẫn giữ chính kiến không a dua theo kể khác. Cái phương châm cổ gần 2500 năm, chỉ gói ghém trong 4 chữ “ Hòa Nhi Bất Đồng” đủ làm ta nhức nhối.

Ba mươi năm chiến tranh tương tàn, nồi da xáo thịt chỉ vì người Việt cùng chung một nòi giống đã bất đồng mà không hòa. Trong khói lửa mịt mùng đổ nát một nhạc sĩ trẻ đã phải kêu lên “Ôi đất nước u mê ngàn năm”. Hai mươi năm sau kẻ chiến thắng miệng nói hòa nhưng đầy ải người chiến bại ruột thịt trong thù hận, kéo đất nước thụt lui nửa thế kỷ. Cũng trong thời gian 20 năm đó, những người Việt chiến bại ra đi cũng bỏ lại quê hương sau lưng, mà vẫn không hòa được với nhau trong một chiến tuyến chung, chỉ vì vài bất đồng mỏng manh.

 

   Bàn thờ kê sát tường giữa phòng khách. Trên tủ thờ không có gì khác ngoài một bát hương và một bộ tam sự nhỏ bằng đồng. Sau bàn thờ thay cho hình tượng Phật hay Chúa, hoặc di ảnh của người quá cố, là một bức hình trống đồng Văn Lang với kích thước gần bằng cỡ tự nhiên làm nổi rõ các đường hoa văn và các hình chạm sâu trên mặt và tang trống.

Phía dưới ghi các dòng chữ bằng Anh ngữ “Trống đồng Ngọc Lũ niên đại 2000-3000 năm”, và những lờ ghi chú về xuất xứ, kích thước và ý nghĩa các hình khắc trên trống. Với lối bày biện như vậy, ta có thể nhầm lẫn với bàn thờ thiết lập để giỗ Tổ Hùng Vương mà hội đoàn người Việt thường tổ chức hàng năm vào ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba âm lịch.

Vật trang trí đặc biệt được đặt trang trọng nhất trên bức tường dài nhìn xuống bộ salon là một bài thơ viết trên tấm giấy trắng khổ lớn 80 x 120 cm. Nét chữ viết bằng bút lông mực tàu run rẩy, đậm nhạt không đều trên tấm giấy bọc sơ sài bằng giấy nhựa mỏng chỉ làm căn phòng đơn sơ vốn đã thiếu ánh sáng càng ảm đạm hơn. Ở đây không có bóng dáng màu sắc của hoa lá, cây kiểng, một nhánh hoa giả cũng không.

   Nhan đề bài thơ “Kẻ Sĩ”, tác giả Nguyễn Công Trứ. Một bài thơ do chủ nhân đích thân viết đặt ở nơi trang trọng như vậy thì chỉ có thể là tác phẩm đắc ý của mình hoặc tuyệt tác của một thi sĩ nổi danh. Nhưng “Kẻ Sĩ” chỉ là một bài ca trù chữ nôm, chứa đầy điển tích rắc rối, nhiều vần khổ độc. Giá trị bài thơ chỉ ở nội dung đã nêu ra một mẫu mực sống, đạo lập thân của kẻ sĩ thời xưa mà ta có thể tóm tắt “tiến vi quan đạt vi sư, lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ”.

 

Theo cánh cửa lớn bước ra khỏi phòng khách như chất chứa toàn một niềm hoài cổ, ta đứng ở một hàng hiên hẹp diện tích rộng không quá 5m vuông. Từ đây nhìn về phía trước và hai bên, tầm mắt bị ngăn chận bởi những dãy cao ốc sắp thành hàng dài chen giữa những lùm cây du cây phong lá đỏ ối về mùa thu. Chân trời là một vệt xám dài theo nóc các cao ốc, và các ô cửa sổ đen lấm chấm trên bức tường gạch màu đất vàng ảm đạm. Mái hiên lầu trên che mất bầu trời còn lại khiến một cánh chim lạc lõng bay qua chưa kịp để ta nhìn rõ đã biến mất, và mặt trời thì cũng thoắt hiện ra thoắt lặn đi giống cánh chim vậy.

Suốt khu gia cư này, ngoài gia đình Cụ Cẩn, vắng bóng người Việt đồng hương cư ngụ. Trên những con đường ngang dọc chia cắt khu vực thành những ô bàn cờ, ta chỉ thấy người ngoại quốc mà đa số là các phụ nữ Hồi giáo đẫy đà, dấu mình trong chiếc áo chùm rộng phủ xuống hai mắt cá, hai vai độn cao đẩy những chiếc xe nôi, theo sau là một bầy nhỏ. Cái khoảnh hiên nhỏ này cũng có điểm khác thường mà tôi nghĩ nên đặt cho nó một cái tên “Góc để thương nhớ”.

 

Trừ một khoảng hẹp dành cho lối đi, phần còn lại sắp những hộp xốp trắng để trồng những cây, lớn nhỏ cao thấp không đều san sát nhau. Bây giờ đang là mùa hè trong khu vườn này. Sát góc phải, trong hộc đất lớn nhất, một gốc cà chua đã khá lớn, thân cây men theo cọc tre đã leo lên, dựa vào bức tường nhà bên, mang vài chùm trái nửa xanh nửa hồng. Dưới gốc cà chua, chen chúc trong phần đất còn lại là vài cành tần ô èo uột cố vươn thật cao để kiếm chút nắng hiếm hoi. Trong cái mảng xanh lam này có thể tìm gần đủ loại rau thơm, từ rau tía tô tím dày, rau tần, rau răm, ngò, rau thơm cho đến vài bụi hành hẹ bên một gốc ớt trái nhỏ. Nếu thu lượm tất cả chắc cũng đủ gia chút hương vị cho một tô phở hay bún bò Huế. Sát góc tường bên lối ra là một thùng nhựa đựng nước, một ly nhỏ để tưới cây đặt trên một miếng gạch đúc. Gần đó bụi cây diếp cá tươi tốt, loại rau này vốn ưa nước mọc như cỏ dại ở bên ta. Trong cái yên lặng của khu vườn nhỏ, cái lu nước, cái gáo nhỏ đặt trên viên gạch, vài bụi rau thơm, nếu có chút gió xì xào qua kẻ lá tre chắc có thể gợi cho ta hình ảnh một góc đất ngoài vườn, sát gian nhà bếp của chốn quê Việt Nam.

 

Dọc theo lan can, người ta đã xây sẵn ba hộc xi măng dài để trồng hoa và ngăn cách hàng hiên với bên ngoài. Một buị tre loại tre Đan Mạch cành nhỏ như chiếc đũa được trồng trong hộc xi măng bên phải, những nhánh măng non bươn bả nhô ra khỏi đám lá, đôi cành lớn ngả sang màu vàng còn giữ một gân xanh nhỏ như luyến tiếc tuổi thơ. Ở cây tre chỉ có tuổi thanh xuân mà không có tuổi già. Lúc cành tre trổ những chùm hoa nhỏ tít trên ngọn cao, và lúc cành hoa cuối cùng rơi rụng là tre chết khô sau khi đã làm đẹp cho mình và cho đời.

Rồi đây khi cái nắng hiu hắt dần, rừng cây bên ngoài rụng hết lá, khu vườn nhỏ tan tác, những người phụ nữ Hồi giáo chùm kín người trong chiếc khăn quàng đen, áo chùng đen di chuyển như những đàn quạ khoang trong không gian xám xịt mùa đông, riêng bụi tre này vẫn giữ được màu xanh để ta có thể an tâm rằng mùa xuân không rời ta vĩnh viễn mà đi.

Từ hộc đất ở giữa, một nhánh bí hay bầu mon men bò qua bên gác vài ngọn nhỏ lên bụi tre, vài ngọn khác không nơi bám víu lơ lửng giữa không gian trên đầu các ngọn rau hẩm hiu thiếu nắng. Từ trong đám lá bầu vượt lên vài ngọn lúa hay lúa mì. Cây lúa chưa cao, chưa trổ bông nên ta cũng không chắc thật sự nó có phải là cây lúa của ta. Đó là toàn cảnh khu vườn, mặc dầu nhỏ nhưng cũng đủ để gợi lại một hình ảnh xa xăm, một niềm nhớ nhung nào đó.

 

    Tuy nhiên đứng ngắm khu vườn trong vài phút nghỉ ngơi ngắn ngủi giữa các “quắn” mạt chược, tôi vẫn cảm thấy một cái gì vương víu, một cái gì chưa trọn vẹn. Hộc đất thứ ba đặt bên trái vẫn còn để trống, mặc dầu đất đã được chuẩn bị sẵn để gieo trồng. Cụ Cẩn không thể bỏ phí một khoảnh đất quí như vậy trong khu vườn mà tấc đất là tấc vàng này. Cây gì đã được lựa chọn, đang được chờ đợi để ngự trị ở đây ? Ngày xưa các vị Hoàng đế để trống chỗ ngồi bên tả là để đón người hiền, ngày nay Cụ Cẩn đã dành vị trí đặc biệt bên tả này để trồng cây gì đây ? Tôi đã suy nghĩ mà chưa tìm được giải đáp vừa lòng, mặc dầu tôi tin rằng đây sẽ là cây thân thuộc với Cụ, gắn bó với quê hương mà thiếu nó tất cả vẫn còn là sự trống trải hoang vắng.

     Vì vậy mà tối hôm đó, khi Cụ Cẩn dặn “Ông kiếm cho tôi vài hạt rau muống”, tôi mỉm cười vì đã tìm ra được đáp số mà tôi đã tự đặt ra cho tôi.

 

Lê Bá Châu, Tùy bút, Mùa Hè Năm 1995.

 

Đất nước Đan Mạch

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.