“Mười tám năm”

 

Đối với con người, năm mười tám tuổi là một năm rất quan trọng. Coi như đã trở thành người lớn, chịu trách nhiệm về việc mình làm chứ không phải cha mẹ chịu trách nhiệm cho mình như trước nữa.

Tui tới Mỹ, cuối tháng 7 vừa rồi là đúng mười tám năm. Bao nhiêu điều nghĩ trong đầu nhưng cứ bề bộn, không biết sắp xếp sao cho vẹn toàn. Ý tưởng thì khi mô cũng có, nhưng hình như càng già, càng khó tập trung tư tưởng, càng không muốn ngồi lâu vì cái lưng mỏi, cái cổ cũng mỏi, và hai bàn tay gõ chữ cũng mỏi luôn!

Thôi, thì cứ nhớ cái chi viết cái nấy, coi như nhờ trời, vì nói cho cùng, chẳng làm giàu làm có, buôn bán hay lợi lộc chi mà phải tính toán ngược xuôi cho đau cái đầu, chỉ để làm kỷ niệm thôi mà, đúng chưa?

 

Tui sẽ viết về chuyện đi chợ nhé. Sau mười tám năm ở Mỹ, đi chợ hôm nay có khác ngày xưa không?

Tui nhớ rất rõ lần đầu tiên tui đi chợ ở Mỹ.

Hôm đó ba mẹ con lái xe đi chợ Hồng Kông, một cái chợ của người châu Á, mà thật sự lúc đó thành phố Austin chỉ có 3 chợ thôi, chợ Sài Gòn đường Lamar, chợ Mỹ Thành cũng đường Lamar nhưng xa hơn, gần freeway 35 và 183, và chợ Hồng Kông là gần nhứt.

Hai đứa con gái mới 8 và 10 tuổi ngồi sau xe, còn tui vừa lái vừa chằm hăm nhìn những bảng chỉ đường, dĩ nhiên toàn tiếng Mỹ. Trước khi đi, tui đã học bản đồ, ghi xuống tờ giấy cho chắc, cộng thêm trí nhớ những lần đi với người quen trước đó, trước lạ sau quen, tui tự nhủ. Từ chỗ tui ở, muốn tới chợ, phải lái xe theo hướng Nam, rồi từ freeway Loop1, sẽ tách qua freeway 183 cũng hướng Nam, tiếp tục tìm đường ra Payton Gin.

Tui cũng viết sẵn mấy thứ mình cần, chỉ có vài món và ước chừng 30 đồng. Dĩ nhiên tui chỉ dùng tiền mặt, chứ lúc đó mới qua chưa có cái thẻ nhà bank hay thẻ credit gì cả.

Hai đứa nhỏ được đi chợ, thấy bánh kẹo Việt Nam, cứ trầm trồ, rồi thấy trái cây tụi hắn càng náo nức! Nhứt là Ổi và Mít, tụi nó cứ thít tha, hít hà, năn nỉ, “Mẹ ơi, mua ăn!”

Nhưng tui không thể mua bởi vì tiền không có đủ. Bao gạo, rồi nước mắm, ruốc, vị tinh, tiêu muối, bịch cá Nục, bó rau Dền, một pound Tôm là bay hết 30 rồi còn mô mà mua mấy thứ xa xỉ phẩm nớ?

Hai đứa đứng mếu máo, rồi tới khi tới quầy tính tiền, đứng đàng sau một gia đình có bà mẹ và hai đứa nhỏ cũng cỡ tuổi, tụi nó thấy mấy người đó mua toàn thứ mà mình thích, thì thắc mắc, “Sao bà nớ mua được mà mẹ không mua? Mà bà nớ còn nghèo hơn cả mình nữa!” (Bởi vì tụi nó thấy họ trả tiền bằng Foodstamp.)

Tui nói, “Chính vì họ trả tiền bằng Foodstamp, (một loại thẻ nhà nước cho những người có thu nhập thấp, nhất là gia đình có người già hay trẻ em sinh ra ở Mỹ,) nên họ mới dám xài sang, xài ẩu. Mình không có thẻ, cũng chẳng có tiền, thì phải nhịn thôi, biết chưa!”

 

Một trong những điều Facebook làm mà tui thích là mục nhắc lại “Ngày này năm trước!” Giống như một cuốn nhật ký tự động, khỏi phải cất cũng chẳng lo mất...

Mười tám năm trước chưa có Facebook, (Hoặc có rồi nhưng tui chưa biết dùng cũng nên!) nhưng nhờ chức năng cài đặt ngày tháng nên tui đã có bức hình ngày 27 tháng 7 năm 2001, là ngày ba mẹ con tui dắt díu nhau tới Mỹ!

Lơ ngơ như “Thầy mất sớ mất điệp,” ba mẹ con tui đặt chân tới Los Angeles một buổi chiều vàng nắng đẹp. Tiếng Anh tiếng U không rành, tiền bạc cũng không mấy... Chỉ có tình yêu thương của gia đình và sự cần cù, chịu thương chịu khó của người Huế là hành trang mang theo.

 

Những năm tháng khó khăn chật vật đầu tiên rồi cũng qua!

Tự hào mà nói rằng chưa bao giờ phải ngửa tay xin tiền trợ cấp của chính phủ, dù rằng mỗi khi về quê, phải tính toán chi li từng đồng, trong khi thiên hạ tay xách túi Louis Vouton (LV), rượu thì uống cho được XO, Martin chơ bia là chê lạt! Hay ở bên ni thì tiền trợ cấp nhận hàng tháng, mà về bển thì nổ hơn bom, tanh bành xác pháo, miểng bay tung toé!

Thôi kệ! Ai chê ai cười Việt kiều ni nghèo, kiết thì cũng là quyền của họ, tội lỗi ai làm nấy chịu chơ có dính líu chi tới mình mô?

Sau mười tám năm “Cày bừa trên chiến trường Nails”, chơ kiểu người đẹp mà già như tui thì ai mà dám giao súng ống để đánh tụi “Ì rang (Iran), Ì Rắc rắc (Iraq)” hay tụi khủng bố đeo bao bố che kín mặt đen thùi thui, thì tui giã từ vũ khí: Dũa kềm, nước sơn, móng, bột...

 

Giờ thì,

Sáng sáng chạy quanh xóm, học đòi làm sang, dắt theo con chó cho giống người bản địa! Thấy ai chạy ngang cũng: “Hai! (Hi!) ba bốn như méc,” hoặc tra trắn hơn thì “Gút mó nin, hao a du? (Good Morning, How are you?) để họ khỏi dám chê mình cù lần, không lịch sự!

Chiều chiều lại đi tới bể bơi để giữ cho số đo mấy cái vòng không bị nhảy lộn xộn, vì vòng 2 mà lớn quá người ta tưởng vòng 3 mới chết chơ!

Tối tối tha thẩn tưới cây vườn trước vườn sau để giúp giữ gìn môi trường thì ít, mà để kiếm chút rau trái ăn cho đỡ tiền chợ thì nhiều hơn!

 

Con gái lớn giờ sống ở Kansas, đi làm ở bệnh viện dù khi học College chẳng học chi về bông băng thuốc đỏ hết trơn! Đúng là xứ Mỹ, ưng chi làm nấy! Đầu tháng rồi, hắn nộp đơn để xin học tiếp về ngành Y, rồi phải viết bài để dự tuyển. Thấy con biết lo, lương tâm làm Mạ của tui cắn rứt, rứa là phải lòi tiền ra để giúp con! Nghe mô cái túi của tui rớt mất hơn năm trăm!

 

Bé nhỏ sống ở Seattle, mới đám hỏi, sang năm đám cưới, như mà ở quê thì cha mẹ phải lo, còn ở đây, tụi hắn tự lo! Hê hê hê! Khỏe dễ sợ! Mà cũng đúng thôi! Đám cưới hắn chơ phải đám cưới của tui mô?

Bé nhỏ cũng nộp đơn xin học tiếp Master về Public Health, chương trình online vì vừa học vừa làm, chơ tiền mô nơi tui mà trả cho hắn? Mà tụi hắn mấy năm rồi đi làm có tiền, tui chưa bắt phải lo lại cho tui là may phước ba đời chín kiếp rồi chơ hỉ?

 

Nói chuyện ba mẹ con mà không nhắc tới ông chồng thì... tội trời!

Cuối tháng 8 ni ổng cũng nghỉ hưu, đếm từng ngày! “Còn 50 ngày... Còn 40 ngày... Tới chừ thì còn đúng 25 ngày làm việc nữa thôi bà nghe!”

Tui lấy ổng sau khi qua Mỹ một năm. Khi đó ổng có một con chó Charlie. Chừ thì có tới 2 con chó: Coco và Seve, còn mèo thì tới 3 con lận: Tiffani, Chewchew và Chipster. Bởi vậy tui hay đùa, “Ông thiệt là có phước, lấy được vợ có số “Vượng phu ích tử”, sau 17 năm lấy tui, chó mèo nhiều hơn đã đành, nhà cửa xe cộ ngân hàng chi chi cũng to hơn nữa chơ!”

 

Cuộc sống nơi này có thể không hoàn hảo, nhưng chắc chắn tốt đẹp hơn, bởi vì mình được đi học, đi làm, đi chơi...

Ngay cả thị trưởng hay cảnh sát, mà nói điều chi mình không đồng ý, thì mình vẫn có quyền cãi lại! Miễn đừng đụng chạm thân thể nhau là ok nhé!

Còn nếu không thích ông hàng xóm thì bán nhà dọn qua tiểu bang khác ở cũng chẳng ai hỏi tiếng Tây tiếng Tàu chi cả mô!

Nếu ngày mới đến không dám mở miệng vì có nói họ cũng không hiểu, nên không có bạn bè trò chuyện, thì chừ đếm không ngạ! Miệng nói huyên thuyên có khi làm tụi bạn nó nhức đầu quá phải nhắc: Sớt ớp! (Shut up!)

 

Vậy đó, mười tám năm rồi! Bao nhiêu đổi thay. Nhìn lại bức hình ngày đó thấy bùi ngùi.

 

Ba mạ đã về nơi tiên cảnh. Anh lớn bệnh nặng gần một năm...

Nhưng mà cuộc sống là vậy, đúng chưa? Người già mất đi, trẻ con sinh ra, mặt trời mọc buổi sáng để buổi chiều lặn xuống. Quy luật của muôn đời thôi.

 

Xin cám ơn đất nước này. Xin cám ơn những con người với đầu óc và tấm lòng rộng mở để cưu mang những người di dân, những người đến từ nơi xa xôi vạn dặm như ba mẹ con tui!

 

 

Minh Nguyệt Graves

Austin, July 27, 2019

 

 

 

 

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.