NHỮNG MỸ TỤC CỦA HUYỆN ĐẢO LÝ SƠN

 

Huyện đảo Lý Sơn trực thuộc lãnh thổ tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng chừng 15 hải lý, có diện tích rộng gần 10 Km2 với một số dân hơn 2 vạn người hiền lành chất phác và giỏi nghề đi biển. Được bao quanh bởi Thái Bình Dương mênh mông khiến cho tính cách con người dân Lý Sơn mạnh mẽ, can trường, nhưng đồng thời họ có cuộc sống gần gũi hòa đồng cùng thiên nhiên. Họ khao khát và vui mừng đón nhận những đêm ngày biển lặng gió êm, tránh phải ra khơi vào những lúc gió lộng giông bão. Họ nguyện cầu trời đất yên lặng trong những đêm ngày dài lênh đênh trên biển cả.

Dưới thời các Chúa và Vua nhà Nguyễn, người dân Lý Sơn có nhiệm vụ viễn thám, tuần phòng trên biển đông, cắm bia chủ quyền cho đất nước, trồng cây xây đền dựng miếu lưu trú lâu ngày trên các quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa. Họ là những người con xứng đáng giòng giống con rồng cháu tiên tiếp nối sự nghiệp bất khuất dựng nước cứu nước của tổ tiên Đinh, Lê, Lý, Trần….
Huyện đảo Lý Sơn có ba xã : An Vĩnh, An Hải và An Bình.
Hầu hết người Lý Sơn có nguồn gốc từ:

A.- Xã An Vĩnh nay thuộc xã Tịnh Kỳ, Huyện Sơn Tịnh
B.- Xã An Thái nay thuộc xã Bình Châu, huyện Sơn Tịnh.

 

Lễ cầu an trước khi ra khơi

Vốn là một tín ngưỡng dân gian của tổ tiên ông bà ta có từ lâu đời dính liền với  cuộc sống hằng ngày, tục cầu an và lễ hoàn nguyện đã trở nên một niềm tin cực kỳ sâu đậm vào tâm can của người dân trên đảo. Trước mỗi chuyến ra khơi để tha phương hành nghiệp, hay đi xa…. người Lý Sơn thường tiến hành nghi lễ cầu an. Họ sắm sính lễ đến Nghĩa Tự hay Âm Linh Tự của làng để cầu xin thần linh những vong hồn kẻ khuất mặt khuất mày phù hộ độ trì cho chuyến đi được an lành hoàn thành sở nguyện.
Người xã An Vĩnh thì đến Âm Linh Tự tọa lạc ở thôn Tây, còn người làng An Hải thì đến Nghĩa Tự, nằm trong khuôn viên đình An Hải, nằm tại thôn Đông. Âm Linh Tự và Nghĩa Tự được xếp vào hạng di tích Lịch sử Văn Hóa Quốc Gia.

Lễ cúng thần linh chỉ là cành hoa, nãi chuối, đĩa trầu cau, mâm rượu bình trà, hương đèn cộng thêm một ít đồ vàng mã (kim ngân, hoa quả, hương đèn, trầm trà, phù lang tửu…). Một vị niên trưởng sẽ giúp tế chủ thực hành nghi lễ. Trong khói hương nghi ngút kẻ xin cầu nguyện trời phật, thần linh cùng những linh hồn phiêu bạt, những người khuất mặt đâu đây cho họ sự bình an, khương thới, vật thịnh nhân hòa, điều lành mang tới điều dữ tống đi, làm ăn thành đạt, chuyến ra đi sắp tới được nhiều cá giàu tôm…..

Lễ cầu an thông thường chỉ có 2 đến 3 người: tín chủ, một vị cao niên (không bắt buộc phải là một thầy cúng) là láng giềng hoặc là bậc cha chú của tín chủ, một người phụ giúp bàn soạn lễ vật thường là anh em hay con cháu trong gia đình. Xuất phát vào đầu giờ Ngọ (gần tròn con bóng) từ nhà tín chủ 3 người đi thẳng đến Âm Linh Tự - Nghĩa Tự, vị niên trưởng đi trước áo dài khăn đóng, tiếp đến là tín chủ quần áo chỉnh tề sau cùng là người phụ giúp đội mâm lễ trên đầu. Khách đường qua lại thì lùi lại đứng trên vệ đường cúi chào; đoàn người dâng lễ vẫn tiếp tục rảo bước khoan thai, vẻ mặt thành kính họ chào đáp lễ khách nhưng không dừng lại. Cuộc lễ kéo dài chừng nửa giờ và kết thúc khi những giấy vàng mã được hóa trên một chiếc thau đồng, ngọn lửa bừng sáng trong tia nắng chói buổi trưa…. Lễ cầu an thường được tổ chức đơn giản vì một trong những lý do chính là người đi biển phải nhanh chóng ra khơi khi trời yên biển lặng…..

Sau một lần đi xa, hay thời gian kéo dài nhiều tháng ngày lặn lội làm ăn ở nơi  xứ lạ quê người khấm khá vinh quy bái tổ, người dân Lý Sơn sẽ tiến hành lễ hoàn nguyện khi họ trở về lại quê đảo. Hoàn có nghĩa hoàn thành, xong xuôi. Nguyện là lời cầu xin, mong mỏi. Hoàn nguyện là làm xong, hoàn toàn, trọn vẹn mọi việc đã kết thúc…

Lễ hoàn nguyện cũng được tổ chức tại Âm Linh Tự hay Nghĩa Tự.
Nghi thức không cần phải rườm rà lễ vật, mâm cao cổ đầy nhưng tất cả mọi khâu phải được chuẩn bị thật chu đáo: chọn ngày, xem giờ, sắm lễ vật, mời thầy cúng. Gia đình có con cái thi đỗ đạt hoặc người đi biển trúng mùa, … thì sự chuẩn bị sẽ được linh đình hơn, mời rất đông bà con, họ hàng, xóm giềng đến tham dự.

Lòng phát tâm để lo trùng tu nhà thờ tộc, nhà thờ họ, sửa sang đình miếu, chùa chiền, tự nguyện tu bổ đường làng, ngõ xóm, giếng nước công cộng, giúp đỡ trẻ mồ côi, người nghèo khó, đóng góp vào quỹ khuyến học hay quỹ từ thiện…. rất được hoan nghênh.

Điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình là yếu tố chính cho người dâng lễ; lễ vật quan trọng nhất là tấm lòng thành cộng thêm vào đó một bàn trầu chai rượu. Với một lòng hiếu khách rộng mở nhất là trong dịp hiếm có này, nếu có khách từ xa đến hoặc xóm giềng từ xóm dưới ngẫu nhiên đi ngang các nơi đang hành lễ cúng thì thí chủ nhân rất đỗi mừng rỡ. Tâm lý chung người Việt Nam và nhất người dân trên đảo còn thêm quan niệm mới là có khách là có thần linh về chứng giám, và khổ chủ chân thành mời người khách cùng ngồi lại dự tiệc khi lễ cúng đã hoàn tất. Nếu thì giờ eo hẹp, khách nên ăn một miếng trầu, nhai một miếng cau, uống một nửa ly rượu hay cầm theo một vài cái bánh địa phương trên bàn cúng để vừa lòng hiếu khách của chủ. Sự e dè giữ kẽ hay kiếm cách từ chối nhận đồ cúng sẽ làm cho người chủ vốn hiếu khách rất chi là buồn lòng.

-----------------------------------------------------------------------------------------
Sau khi học xong lớp Quân Y Hành Chánh ở Trường Quân Y và thụ huấn quân sự tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt năm 1968-1969, tháng 02.1969 tốt nghiệp khóa Y Nha Dược Sĩ Trưng tập khóa 10 mang tên Bác Sĩ Nghiêm Sĩ Tuấn đã vị quốc vong thân tại chiến trường miền Trung, một số Quân Y Sĩ khóa 10 qua một kỳ thi sát hạch được chuyển đến các Bệnh Viện Giải Phẫu Hoa Kỳ. Tháng 04. 1969 tôi đã trình diện bệnh viện 27th Surgical Hospital APO San Francisco 96325, Chu Lai. Vào dịp cuối tuần, tàu hạm đội đã chuyên chở nhân viên bệnh viện đi thăm các biển đảo; Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Lý Sơn là những địa điểm được chọn vì không xa bờ biển.
Tháng 04.2014 qua những dịch vụ du lịch bằng thuyền máy cao tốc, đến thăm lại nơi xưa chốn cũ. Cù Lào Chàm, Cù Lao Ré đã biến thể trở thành hòn đảo du lịch cho khách từ ngoại quốc về hay khách nội địa, tiệm ăn nằm sát bờ và bãi tắm có chòi lợp tranh cho khách thư giãn; cuộc sống năng động hơn nhiều. Cảnh quan huyện đảo Lý Sơn không có nhiều đổi thay theo thời gian, người dân đón nhận phong ba bão táp không vì gió biển thiên nhiên mà còn lo âu phập phồng vì những tàu bè lạ luôn luôn có mặt đó đây cản trở việc làm ăn sinh sống hay còn phá hoại bằng cách đâm thủng các ghe thuyền ngư dân.

Tôn – Thất Hứa YKH-1

 

Chùa Hang, Đảo Lý Sơn. VN

 

Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.