Người láng giềng

 

Xin kể câu chuyện tuy không có gì đặc sắc của người láng giềng vừa mới ra đi, nhưng để ôn lại một thời lịch sử cận đại.

 

Ông ta tên là David N., người gốc Do Thái, lớn hơn tôi đúng 20 tuổi. Tôi gặp lần đầu đã hơn 20 năm qua, khi làm trong bệnh viện, đến giờ ăn tình cờ ngồi cùng bàn rồi bắt chuyện. Được biết ông ta là cựu chiến binh Đệ Nhị Thế Chiến,  coi ổ súng máy đuôi trong phi đoàn oanh tạc cơ B17, bị bắn rơi trên đất Pháp sau một phi vụ oanh tạc nước Đức và nhảy dù thoát nạn nhưng hư chân phải rồi giải ngũ. Về dân sự ông làm việc cho hãng root beer Richardson cho đến khi nghỉ hưu, rồi vào bệnh viện Beth Israel gần nhà làm thiện nguyện nên tôi mới được gặp.

 

Sở dĩ nói chuyện dông dài vì ông ta thấy tôi biết về máy bay chiến đấu trong Thế Chiến thứ II khá nhiều, lại thêm nhắc đến ý định tôi muốn dọn về Clifton đi làm cho gần bệnh viện. " Ê, thằng cha kế nhà tôi muốn bán, để tôi hỏi cho, mua trước khi nó đăng khỏi trả huê hồng dịch vụ địa ốc!"

 

Thế là chúng tôi trở thành láng giềng. Bà vợ Norma cũng hơn tôi đúng một giáp, lại là một tay vợt tennis có nhiều giải trưng bày trong nhà, tuy đã về hưu chỉ chơi giao hữu. Bà giới thiệu tôi vào câu lạc bộ Clifton và tôi nay là hội viên đã trên 22 năm.

 

Ngoài những lần rủ nhau đi xem air show, tôi theo David đi tham dự các buổi hội họp không quân phi đoàn 302 WWII địa phương như là khách và được giới thiệu là cựu quân nhân ARVN, được tặng áo jacquet có hình B17, nón huy hiệu phi đoàn, nói chuyện về máy bay cũng không đến nỗi tệ, nhờ say mê đọc những chiến công của những phi công trong thời thế chiến II. Có một lần qua Palm Springs, CA thăm Dì Chú, tôi được đưa đi thăm Air Museum, đến quầy B17 gặp người chỉ dẫn cũng là cựu phi công, tôi nhắc đến ông hàng xóm và phi đoàn 302 thì ông ta vồn vã đón tiếp và còn viết thư nhờ đưa lại. Thật là một thế giới nhỏ.

 

Chuyện buồn cười là bà hàng xóm lại sợ máy bay và suốt đời chưa bước chân lên máy bay, chưa bay trên trời lần nào, nên chỉ biết vài tiểu bang nước Mỹ loanh quanh ở mức lái xe. Hai ông bà có nhà nghỉ mát gần biển. Năm 2014 chúng tôi tổ chức họp YKHHN tại NJ thì nhà để trống nên cho tôi mượn tiếp một ít bạn từ xa đến, và PDThiện, NTPhước đã có dịp ngủ qua đêm trong nhà của một cặp veterans WWII, cũng như có lúc tôi kéo về nhiều xe "đồ chơi" thì cũng được gởi ké tạm ngoài nhà xe.

 

Thế mà khi ông ta qua đời năm 2012, chúng tôi lại đang họp Hội ngộ YKHHN ở CA, cũng như vừa rồi bà ra đi tháng 7 năm 2019 thì đúng ngày chúng tôi đang dự buổi ra mắt sách bạn Vĩnh Chánh ở Westminster, CA.

 

Có lẽ ông bà không muốn chúng tôi đến nói câu giã từ mà chỉ muốn chúng tôi giữ hình ảnh một cặp láng giềng đáng quý mến trong lòng mà thôi.

 

Vừa rồi đọc báo đăng hình một cựu chiến binh Thế Chiến II nay đã 100 tuổi được huy chương, chạnh lòng nghĩ đến một thời còn xưa hơn thời chúng ta đã và đang sống, đến những gương mặt thân quen trong đời, để nói như anh bạn NVThuận chúng ta hay nói: Xin cảm ơn đời, xin cảm ơn người.

 

 

 

Đã nhắc đến láng giềng thì chúng tôi cũng không thể nào quên được người láng giềng đầu tiên khi vừa mới đặt chân vào căn nhà đầu tiên trên đất Mỹ. Đúng ngày khai thuế 15 tháng 4 năm 1980, chúng tôi đến thành phố Sparta, NJ nằm trên núi cao còn khá lạnh. Vào căn nhà được thuê sẵn, chưa kịp tháo ít đồ mang theo thì một bà Mỹ trắng đứng tuổi đã bước vào, tự giới thiệu tên Mary K. là láng giềng kế bên chỉ muốn "welcome" chúng tôi đến nước Mỹ, đến Sparta, và cho số nhà kế bên, số điện thoại có cần gì cứ kêu hay gõ cửa.

 

Bà ta là một góa phụ đang dạy Anh văn cho trường Our Lady of the Lake thuộc nhà thờ, đã được cho biết có gia đình tỵ nạn từ VN đến. Thế là chúng tôi may mắn được học thêm tiếng Anh ngoài những đứa con ghi vào trường của bà. Cũng nhờ chỉ dẫn của bà Mary mà tôi may mắn lọt qua kỳ thi English trong ECFMG, bà còn tặng cho tôi cuốn tự điển Anh-văn khá cũ mà cho đến nay tôi vẫn còn giữ như một kỷ niệm thương quý mặc dầu nay chỉ cần gõ iphone là xong. Cuốn tự điển của  bà Mary suốt bên cạnh tôi khi tôi quyết định viết hồi ký bằng Anh-ngữ, chỉ tiếc là khi viết xong năm 2005 thì bà Mary K. đã qua đời ở tuổi 85.

 

Tôi chỉ còn biết nhờ mấy tay người Mỹ trong gia đình, từ con dâu Megan, ông cậu Mark duyệt qua hộ, nhưng người sửa lỗi chính xác nhất cho tôi vẫn là GS Lê thanh Minh Châu trong bản thảo cuối cùng trước khi đưa nhà in qua anh bạn trung học Trần tiễn San đã quen in ấn Tập San Biệt Động Quân.

 

Trong đời ai cũng có dịp gặp duyên kỳ ngộ, những gương mặt đi qua trong bao năm tháng, để lại cho mình những hình ảnh khó quên, những biểu hiện của tình người đáng trân quý, nó làm cho đời đẹp lên bên cạnh những gặp gỡ thiếu chân tình hơn khó tránh khỏi. 

 

Từ nhỏ tôi đã may mắn được học cái nhân bản từ cha mẹ, nhà trường và bạn quý. Ra đời, được may mắn gặp những gương mặt thể hiện cái tình người ấy mà cố gắng sống sao cho xứng đáng những cái may Trời cho sống qua đó. Dù vẫn biết, học làm người không khi nào tốt nghiệp.

 

 

Lê Đình Thương - YKH1

 

 

 

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.