NGƯỜI TÌNH CŨ

 

Chuyến tàu sớm Paris- Lyon đang xuyên màn đêm để đem bà Xoan đến gặp lại người tình mà bà đã yêu đắm đuối vào hai mươi lăm năm trước. Bà không thể nào chợp mắt được, những kỷ niệm ngày xưa thân ái đang hiện rõ trong tâm trí của bà. Hình ảnh của người con trai hào hoa, phong nhã cứ theo bà từ lúc lên tàu. Bà cố nhắm mắt lại đếm từng con số, một, hai, ba, bốn… để rơi vào giấc ngủ; bà muốn mình đẹp và tươi mát hơn khi gặp ông ấy. Tim bà đập mạnh khi nghe thông báo tàu sẽ đến ga Lyon trong ba mươi phút nữa. Bà kéo vali ra, lấy chiếc áo đầm thật đẹp mà bà đã dày công chọn lựa vào tháng trước. Bà vào buồng tắm thay chiếc áo ấy vào, và bỏ chút trang điểm. Nhìn lại mình trong gương bà tỏ vẻ hài lòng rồi trở về chỗ cũ. Cái loa lại thông báo tàu sẽ

ngưng trong vài phút nữa, giờ thì không những trái tim bà đập mạnh mà bà còn cảm thấy cái dạ dày như đang thắt lại.

 

Bà bước xuống sân ga, tay kéo vali, mắt ngơ ngác nhìn quanh, cuối cùng bà cũng nhận ra ông trong cái mũ két màu nâu lạt, quần jean và áo khoác màu vàng mơ. Cả hai người như khựng lại nhìn nhau, bà quá cảm động đến nỗi không ngăn được hai dòng lệ mà bà tưởng chừng nó đã tắt từ lâu. Ông ôm lấy bà, để đầu bà tựa vào vai ông như cái thời yêu đương của một phần tư thế kỷ trước. Bà đứng như thế khá lâu để thỏa lòng mơ ước. Ông kéo vali của bà ra xe, và chở bà về nhà riêng của ông cách sân ga khoảng hai mươi phút.

 

Vừa bước vào nhà bà đã gặp hai đứa con lai của ông, một trai, một gái đang ở tuổi teen ra chào bà một cách lễ phép làm bà cảm thấy mến chúng ngay từ đầu. Bà được đưa đến phòng riêng để tắm rửa trong lúc ông pha cà phê và làm bữa sáng cho bà. Tất cả đều như mơ, tốt đẹp hơn sự tưởng tượng của bà, không hoài công bà chờ đợi cả mấy chục năm trường.

 

Bây giờ hai người đang đối mặt nhau để nói lên bao nhiêu biến cố, bao nhiêu kỷ niệm và khát khao trong những năm tháng xa cách. Tình yêu ở tuổi năm mươi đang trở lại mạnh mẽ như thuở ban đầu vì bà không yêu ai nữa từ khi xa cách ông. Ngày xưa, khi bà còn đi học năm cuối của bậc trung học ở trường Lycée, bà gặp ông trong một buổi dạ hội gia đình của bạn bà, Mary. Ông Khanh là người anh họ xa của Mary, và bà là bạn học được mời tới. Bà nhớ rõ hôm đó bà mặc chiếc áo đầm đỏ thắm, cánh tay, cổ rộng, tóc cắt kiểu tém, bà là tâm điểm trong căn phòng khá rộng; mọi người ai cũng một lần đưa mắt nhìn bà một cách ngưỡng mộ. Ông Khanh mặc quần màu da bò và áo sơ mi màu ngà cộc tay. Người ông cao dong dỏng, năng động và đầy vẻ thu hút của tuổi đôi mươi. Lần đầu tiên bà cảm thấy trái tim bà đang loạn nhịp khi ông đưa đôi mắt đầy nam tính nhìn bà, rồi như nam châm hai người từ từ tiến gần nhau và bắt đầu chuyện trò. Cả hai người mới tập tành nhảy điệu slow nên họ không hứng thú gì trong những bản nhạc kế tiếp, họ rủ nhau ngồi uống nước ở một góc phòng, mọi người nhìn vào đôi mắt của họ đều biết họ đang phải lòng nhau.

 

Thế rồi họ hẹn hò. Mỗi chiều thứ Bảy, đúng ba giờ chiều ông đứng dưới gốc cây bàng cạnh nhà bà để chờ bà bước ra trong những bộ áo quần thời trang đẹp đẽ. Hai người lang thang trong vườn hoa Tao Đàn hoặc trên đường Nguyễn Huệ, hoặc đi ăn kem, rồi đi xem phim. Sau vài tuần họ bắt đầu nắm tay nhau, bà Xoan còn nhớ rõ cảm giác tê mê khi bàn tay ấm áp của ông chạm đến bàn tay mát lạnh của bà. Sau vài tháng nữa thì nụ hôn đầu đời bắt đầu, họ hôn môi theo kiểu Tây chứ không phải hôn má theo kiểu Việt Nam. Ba mẹ bà biết con gái đang hẹn hò, họ không nói gì vì họ tin tưởng ở bà Xoan là đứa con có trách nhiệm và bản lĩnh. Tình yêu làm họ thăng hoa, cả hai đều học giỏi hơn, cuối năm học đó bà đậu vào trường Đại học Sư Phạm, và ông thì vào Đại học

ngành kinh tế.

 

Thời gian qua nhanh, hai người không còn những buổi hẹn hò vào chiều thứ Bảy nữa, vì vừa mới ra trường ông đã được gởi đi tu nghiệp ngay ở Pháp. Cha mẹ ông đã đầu tư cho ông đi du học để về cai quản cái công ty mà hai ông bà dày công xây dựng. Đối với đàn ông con trai thì sự nghiệp là hàng đầu nên ông đành phải chia tay với bà và hẹn hai năm sau ông sẽ về để xin cưới hỏi. Bà Xoan hoàn toàn tin tưởng ở tình yêu chân thành của ông.

 

Ngày tiễn ông đi, bà Xoan trở về cảm thấy trống vắng, buồn bã. Cũng may là bà mới thi xong bằng tốt nghiệp, chứ không thì chưa chắc bà vượt qua được kỳ thi cuối khóa. Người ở lại lúc nào cũng buồn hơn, người đi còn có cảnh lạ, người mới để quên, chứ như bà bây giờ chỉ biết đi lại những con đường hẹn hò lúc trước để nhớ tới người yêu, có khi bà rơi lệ.

 

Sáng nay, hai người ngồi bên tách cà phê kể lể những chuyện lòng của một cuộc tình đã lỡ mà chẳng quy tội cho ai. Sau mấy tháng ông đi Pháp, nỗi nhớ của bà bắt đầu vơi, bà được lệnh nhận nhiệm sở ở Cần Thơ, một công việc dành cho những người gương mẫu và được kính trọng. Bà lấy công việc để tạm quên đi nỗi nhớ nhung trong lòng. Những đêm dài trên căn gác vắng bà ngồi viết những lá thư tình thắm thiết gởi ông. Hàng tháng bà về lại Sài Gòn để thăm gia đình và nhận những lá thư của ông từ Pháp quốc. Bà yên tâm chờ đợi. Cho đến những ngày của tháng Tư năm bảy lăm, bà về thăm nhà và không trở lại nhiệm sở nữa; tình hình đang biến động mạnh ở các tỉnh thành, và đến cuối tháng Tư Sài Gòn thất thủ. Bà chới với mong chờ tin tức của ông, mọi sự liên lạc với nước ngoài đã ngừng lại. Hồi đó đâu ai dám nhắc nhở đến thân nhân nước ngoài, họ sợ bị kiểm điểm hoặc mất việc vì còn mơ tưởng tới Mỹ Ngụy, tư bản.

 

Bên kia trời Tây ông Khanh cũng đang hụt hẫng, mất liên lạc với bà và gia đình. Sau đó được biết gia đình ông đã xuống tàu và rời khỏi VN trong những ngày biến động đó. Gia đình bà thì bị đánh tư sản, phải chuyển về Khánh Hòa, nơi gốc gác của cha mẹ bà. Từ đó mối tình đầu như đã bị quên lãng với bao gian nan của cuộc sống mới khắc nghiệt. Một năm sau, trong khoảnh khắc cô đơn, trống vắng, và thất vọng, ông đã rơi vào vòng tay của người đàn bà Tây hơn ông ba tuổi, là mẹ của những đứa con của ông bây giờ, bà nầy đã qua đời cách đây ba năm vì căn bệnh ung thư.

 

Phần người ở lại quê nhà, bà Xoan đã đổi nhiệm sở về Nha Trang để gần nhà cha mẹ. Cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì khi bà phải làm việc dưới chế độ mới với tem phiếu, sắp hàng, kiểm điểm,… và nhất là không còn có ông vào mỗi chiều thứ Bảy. Bà vẫn nhớ về ông, mong ngóng nhận được tin. Khi phong trào vượt biên lên cao vào những năm cuối của thập niên bảy mươi, bà quyết định đem hết số tiền dành dụm lúc trước để đánh hẳn vào một canh bạc rất lớn. Có một gia đình của học trò mách bảo cho bà con đường vượt biên. Sự nhớ nhung người tình đã làm bà quyết định nhanh chóng, bà chồng hết số vàng cho họ để chờ ngày đi. Hai tuần sau bà xuống tàu, và chuyến đi trót lọt, không nhiều gian khổ lắm. Thế là bà nằm chờ định cư ở đảo Bidong. Trong thời gian này bà nhờ ủy ban ở đảo giúp bà liên lạc qua địa chỉ của ông, sau một thời gian tìm kiếm người ta trả lời là ông đã dời chỗ ở về quê vợ ở Lyon. Ông đã kết hôn với người đàn bà Pháp. Họ đưa địa chỉ mới để bà liên lạc. Tay chân bà lạnh ngắt, bà không muốn cầm địa chỉ ấy nữa. Bà không trách ông lắm, chỉ buồn cho số phận muộn màng của mình. Một năm sau bà được định cư ở Edmonton, Canada. Năm sau nữa bà theo một người quen dời đến Vancouver vì không chịu nỗi cái lạnh ở đó và đã đi học lại ngành kế toán. Từ đó bà luôn bận rộn với công việc và ở đó cho đến bây giờ.

 

Vào những năm hai ngàn, khi e-mail bắt đầu thịnh hành, mọi người có thể tìm kiếm nhau dễ dàng hơn. Một hôm bà nhận được e-mail của ông Khanh, bà biết được ông đang góa vợ hơn hai năm nay, ông có hai đứa con lai đang vào đại học. Rồi hai người trở lại tình tứ qua những cái e-mail mặn nồng. Những gian khổ của thân gái dặm trường bao nhiêu năm trên quê hương mới làm trái tim bà khô cằn, giờ nó đang thổn thức sống lại với người yêu năm xưa. Họ chuyện trò trên điện thoại, trên e-mail gần như mỗi ngày. Ba tháng sau bà quyết định sang thăm ông. Và trong giờ phút này, bà cảm thấy rất hạnh phúc bên cạnh ông, ông cũng lấy hai tuần phép để tiếp đón bà.

 

Sự gần gũi đã làm hai con tim hòa nhịp trở lại và hai cơ thể đang nóng dần. Một hôm hai ông bà thì thầm với nhau tới khuya, ông đưa bà qua phòng ngủ của bà và ở lại luôn, bà không chống đối, hai người đã uống hai ly sâm banh để chúc mừng họ lần đầu chung giường ngủ với nhau. Bà ngượng ngùng nằm yên mặc cho ông hành động, bà đâu có chút kinh nghiệm gì. Đến phút cuối thì bà cảm thấy đau, bà cố gắng cắn răng chịu đựng để chìu ông, nhưng rồi không được gì, ông không muốn làm bà tổn thương nên ngừng lại cuộc chơi.

 

Những ngày sau họ vẫn chuyện trò thân mật bên nhau. Rồi những ngày vui qua mau, đã đến lúc ông tiễn bà về lại Vancouver. Hai đứa con ông gọi bà là “măng” làm bà cảm thấy sung sướng, bà đã từng mơ có những đứa con như vậy. Chúng đã nói “au revoir mama” trong ngày ông đưa bà ra ga. Hai người ôm nhau trên sân ga Lyon đèn vàng, nghẹn ngào không nói. Cuối cùng tình yêu cũng trở về với bà như thuở nào sau bao nhiêu năm tháng mơ tưởng.

 

Về lại Vancouver, hai người vẫn tiếp tục chuyện trò với nhau một tuần vài lần. Họ cũng tính chuyện ở chung với nhau khi con cái ông đã tự lập. Bà cảm thấy như có chỗ dựa tình cảm vững chắc, từ nay họ sẽ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhau và không còn cô đơn nữa. Bà cũng nói cho ông biết bà đang cố gắng chữa trị cái “chuyện ấy” của bà. Cả tháng sau khi về lại Vancouver, bà mới thu hết can đảm để nói ra vấn đề của bà với ông bác sĩ gia đình, ông đã làm hẹn cho bà gặp bác sĩ chuyên khoa. Bà phải chờ hai tháng nữa. Chữa xong bà sẽ lại sang thăm ông.

 

Thế rồi mấy tuần sau, trong một e-mail viết cho bà, ông Khanh khoe là ông đã đi Cali thăm người bạn cũ và tình cờ gặp một cô gái lỡ thì, tuổi bốn mươi trong một quán cà phê. Cô rủ ông đến vũ trường và những điều tuyệt diệu đã xảy ra; ông với cô ta là một cặp nhảy ballroom đẹp nhất sàn nhảy. Ông còn bảo là cô ta rất muốn ông ở lại Cali. Không hiểu sao ông có thể tàn nhẫn như vậy. Bà nghẹn ngào, e-mail hỏi lại ông như vậy có nghĩa là sao? Ông không bao giờ trả lời e-mail của bà nữa, cũng như không bao giờ gọi điện thoại cho bà. Rồi bà gọi bác sĩ chuyên khoa để bỏ luôn cái hẹn.

 

Những cơn đau của trái tim tan vỡ hai lần cho cùng một người đàn ông làm bà trở nên cô độc, bà không còn tin tưởng ở ai và rất ít bạn bè, bà sống xa cách với cộng đồng, bà chỉ biết con đường từ nhà đến sở làm và chợ búa. Cái condo bà ở khá biệt lập nên bà sống mà không quan hệ nhiều với ai. Mỗi năm mới đến, bà chỉ mua mỗi một món quà để tặng cho ông cai quản cái building bà ở, như thế để cần chuyện gì bà có thể nhờ ông ấy một cách nhanh chóng hơn.

 

Ba năm sau… bà lại nhận được e-mail của ông Khanh. Lần nầy bà không thể giữ nó một mình nữa, bà hẹn gặp bà Lan, người bạn mà bà tin là có thể chia xẻ được và cũng là người viết. Bà đọc cái e-mail của ông Khanh cho bà Lan nghe: “Trước hết anh xin lỗi em ngàn lần, anh là thằng hèn để mất em đến hai lần, làm khổ em. Giờ đây anh mới nhận biết rằng anh phải tìm em, một nửa kia của đời anh. Anh đang cô đơn, và nhớ em nhiều lắm. Anh muốn lấy vé đi Vancouver để gặp em. Anh sẽ làm bất cứ điều gì em muốn để chuộc lại những lỗi lầm của mình. Yêu em.”

 

Bà Lan còn ngớ ngẩn, chưa hiểu gì thì bà Xoan bước ra bếp pha bình trà, biểu bà Lan “ngồi xuống để tui kể cho nghe.” Và đó là câu chuyện tình bà Lan nghe được, chứ hồi nào giờ mang tiếng là bạn của bà Xoan mà bà có biết gì đâu. Hèn gì cách đây mấy năm, khi thấy bà Xoan sống một mình thì bà Lan muốn giới thiệu ông anh họ cùng tuổi với bà, để góp gạo nấu cơm chung cho vui. Câu đầu tiên bà nói là “Thôi tui sợ lắm rồi.” Thế mới biết trong mối quan hệ yêu thương nam nữ, ở bất cứ tuổi tác nào, cái tình dục cũng rất quan trọng, đến nỗi người ta có thể bóp nát trái tim của người thương hai lần không nương tay.

 

Người viết hỏi bà Xoan: “Chị tính sao với cái e-mail đó?” Bà Xoan bảo: “Thì chữ delete nằm ở phía trên, tui chỉ bấm nhẹ con chuột vào đó là xong.” Người viết mỉm cười nói: “Vậy là một đều phải không chị?” Bà Xoan hiểu ý cũng mỉm cười theo, nhưng cái cười của bà trông thật cay đắng làm sao. Bà Xoan vẫn sống một mình, với sự cảnh giác cao độ khi bất kỳ một người nào đối xử tốt với bà, kể cả đàn ông lẫn đàn bà trong đó có cả bà Lan.

 

Hoàng Lan

Mar 2018

 

TB: Tháng Tư đen là những ngày dân Việt tưởng nhớ đến những nỗi đau thương và sự gian nan, mất mát của năm bảy lăm. Có những nỗi đau có thể thấy được rõ ràng như sự ra đi của người thân, bạn bè, sự mất mát một phần của cơ thể, sự mất mát ngôi nhà hạnh phúc, và mảnh đất quê hương thân yêu… Nhưng có những nỗi đau âm thầm, ray rứt, và dai dẳng trong lòng người cho tới cuối đời như của bà Xoan. Và trong những ngày nhìn lại quá khứ của dân Việt, bà Lan xin đóng góp bài viết về bà Xoan để cùng nhau chia xẻ nỗi đau đó.

 

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.