MỘT CHUYẾN NHẬT-HÀN DU

 

Ngày 31 tháng 3 năm 2015, 3 cặp Ngự-Lâm YKH gặp nhau tại quận Cam để sáng hôm sau hớn hở cỡi máy bay viếng thăm xứ Phù Tang lần đầu tiên. Ba cặp gồm có LDThương-Túy từ NJ, BXĐịnh-Phương từ FL, và LVDanh-Tinh Châu ở CA làm khổ chủ.

Sáng sớm 4/1, xe đò Thông đưa chúng tôi tới LAX thì quầy Asiana đã đông người trong chuyến đi do Voyages Saigon tổ chức, tất cả 68 người gồm cả trưởng đoàn Trần Chính. Sau hơn 12 tiếng bay, hạ cánh ở phi trường Incheon, Seoul nghỉ xả hơi 4g trước khi bay tiếp thêm 3g đến phi trường Kansai, Osaka-là phi trường lớn thứ nhì sau Narita, Tokyo. Lên bus đi ngay Hiroshima, thành phố lịch sử với trái bom nguyên tử đầu tiên cách đây đúng 70 năm. Thật không ngờ dân Nhật từ một thành phố bị san bằng bình địa đã xây dựng lại một đô thị sầm uất tối tân như ngày nay. Chúng tôi đặt chân đến di tích nơi quả bom rơi, đi thăm viện bảo tàng Hiroshima với bao hình ảnh thảm họa lớn nhất Thế Chiến 2, gặp hướng dẫn viên nguyên là cậu bé duy nhất sống sót trong gia đình, nay đã 78 tuổi.

 

Hôm sau lên ferry vượt vịnh Hiroshima đi thăm đảo Miyajima thì trời mưa, mưa kéo dài gần hết cuộc hành trình! Phải mua 2 cây dù như mọi người, viếng ngôi đền thần đạo Itsukushima của lãnh tướng Taira Kiyomori xây đầu thế kỷ 12, với cổng Torii sơn đỏ nổi trên mặt nước. Danh và tôi chộp 2 que chạo tôm, có thể nói là món ăn ngon nhất suốt hành trình. Sau đó về đất liền, đáp tàu siêu tốc gọi là Shinkansen chạy 300 kmh (185mph) trở về Osaka, là thủ phủ kinh tế Nhật. Mới đây Nhật chạy thử tàu MagLev (viết tắc magnetic levitation) đạt kỷ lục mới 550 kmh (335mph). Mấy bà được dịp mua sắm khu Shinsaibashi, nhưng phải nói không đâu rẻ bằng Mỹ. Osaka ra đời khi tướng quân Toyotomi Hideyoshi bình trị thống nhất nước Nhật, đánh dẹp các lãnh chúa samurai tranh dành các mảnh đất hiếm hoi vào cuối thế kỷ 16, mở đầu giai cấp công thương, là thủ phủ của tinh thần thực dụng khai phóng của dân tộc Nhật. Chúng tôi phải đi thăm lâu đài kiên cố Osaka của vị tướng Hideyoshi này; lâu đài đứng trên cao nhìn xuống thành phố.

Trời vẫn mưa, phần lớn mưa phùn, có khi nặng hột, khi đi thăm Nara, kinh đô Nhật Bản đầu tiên (710-784). Thăm nhà nấu rượu sake, nhưng tôi lại thích mua rượu plum wine hơn. Viếng chùa Todaiji (phải nói là chuyến đi này thăm khá nhiều chùa, không biết về có thánh thiện hơn? chắc không vì tôi phải phiên âm ra tiếng mình cho dễ nhớ, gọi To-dái-Dị), xây toàn bằng gỗ lớn nhất thế giới, đi qua vườn Lộc-Uyển với bầy nai hiền lành đi theo như con chó nhà, vào chánh điện Daibutsuden ngắm tượng Phật Như Lai khổng lồ đúc bằng đồng đen. Thành Nara xây theo kiến trúc Trường An của Tàu.

Chủ nhật 4/5 đi Kyoto, kinh đô lâu đời nhất (794-1868) bằng bus. Lạy Chúa, xin tha tội cho con ham chơi không đi lễ Easter, nhìn quanh không thấy nhà thờ nào. Viếng chùa Daitokuji (tôi có phiên âm ra để nhớ nhưng không dám viết lên), mệnh danh là ngôi đền Trà Đạo, gắn liền với Sen No Rikyu ông tổ của nghệ thuật trà đạo Nhật. Trụ trì chùa là bạn tri âm của Joe Okada, the last samurai, hướng dẫn viên tại Nhật. Chúng tôi cũng xếp bàn ngồi uống trà tuy vị giác trần tục không thưởng thức được hết, mặc dầu đã đi ngang vườn thiền Daisen-in toàn bằng cát và đá. Sau đó đội mưa đi dạo trên “Lối mòn của Hiền-giả” (Tetsugaku no-michi, không phải lỗi tôi nếu các tên Nhật đều có cu với dái). Nghe đâu hiền giả này nhờ mỗi ngày đi con đường đầy hoa này mà hiểu thêm vợ ½. Tôi phải ghi danh đi tour này thêm vài lần nữa vì mới hiểu vợ lơ mơ thêm ¼. 

 

Tiếp theo là Ngân Các Tự Ginkaku-ji, kiệt tác kiến trúc Phục hưng Higashiyama, rồi đến ngắm lầu vàng Kim Các Tự Kinkaku-ji, lộng lẫy trong khu vườn Thiền cổ điển hoa viên thời Muromachi, thế kỷ 14. Khi đi thăm phố cổ Gion của Kyoto, không gặp được geisha nào, ngay cả maiko cũng không (đọc truyện Memoirs of a Geisha), chỉ thấy cây anh đào lâu đời nhất được bảo tồn. Kyoto (Kinh Đô) xây năm 794 cũng theo thế bàn cờ của Trường An và Lạc dương ở Tàu, được vị thế phong thủy đẹp nhất trong các thành phố cổ ở Nhật, là kinh phủ của hoàng tộc Nhật mãi đến giữa thế kỷ 19, là chiếc nôi văn hóa truyền thống của Nhật trong suốt hơn 1,000 năm.

Ngày kế, thăm cung điện Nijo xây dựng bởi tướng quân Tokugawa khởi đầu chính quyền Edo, đầu thế kỷ 17, cung Ninomaru lộng lẫy, với dãy hành lang “sàn họa mi”, khi bước lên các sàn gỗ thì phát ra tiếng chim kêu, mục đích là báo động nếu có thích khách. Viếng chùa  Sanjusan-gen-do nổi tiếng với gian chánh điện dài nhất thế giới 400 mét, với 1,001 tượng Quan Âm “thiên thủ thiên nhãn” tạc bằng gỗ phết vàng cao bằng người thật, dấu ấn mỹ thuật thời kỳ Kamakura, thế kỷ 13. Tiếc là họ không cho chụp hình. Năm 1192, khi Yoritomo tự xưng Tướng quân Shogun, đã chọn Kamakura làm trung tâm đầu tiên giai cấp chiến binh samurai, cũng là nơi nẩy nở Phật giáo Thiền tông Nhật.

Có dịp ngắm ít hoa anh đào còn lại trong đền Heian, ngôi đền Thần đạo lớn nhất ở Kyoto, xây cuối thế kỷ 19 với mái ngói xanh, cột sơn son theo nhà Đường bên Tàu. Rời Kyoto đi Hamamatsu, chúng tôi thay khách sạn như thay áo. Ghé hồ núi lửa Ashi lên thuyền đi đến xe dây treo (cable car) lên thung lũng Owakudani (O vá cu già ni), đứng trên đài quan sát Yamanashi-ken chả thấy Phú Sĩ Sơn đâu, toàn sương mù, có ít tuyết rơi, chỉ được coi phim, chụp tấm hình trên màn ảnh để về khoe đã đến núi Fuji-san! Tối đó chúng tôi ở khách sạn theo kiểu Nhật, ngủ sàn trên chiếu tatami, mặc kimono ăn tối xếp bàn (ôi đau cái lưng già), nhưng được xem màn biểu diễn kiếm samurai do chính tour guide Joe Okada, rút kiếm chém trái táo tung trên không, chém đứt củ cải trên bụng người tình nguyện (không có tôi) và ở truồng đi tắm suối nước nóng onsen (cũng không có tôi, vì vợ không cho đi chứ không phải thiếu thiện chí). Tiếp tục đi Kamakura, trung tâm văn hóa Nhật, viếng tượng Phật A-Di-đà khổng lồ đúc bằng đồng đen cao 11 mét là tượng Phật ngồi lộ thiên lớn nhất.

Trước khi đến Tokyo, đi ngang hải cảng Yokohama lớn thứ nhì, thăm khu phố Tàu, cũng như bao phố Tàu mọi nơi. Chặn chót hành trình Nhật là thủ đô Tokyo, từ một làng đánh cá bên cửa sông Sumida, Edo (tên cũ) vào đầu thế kỷ 17 đã được chọn làm trung tâm quyền lực của nhà Mạc-Phủ. Năm 1868, sau khi lật đổ nhà Mạc-Phủ, Thiên Hoàng Minh Trị đã dời đô từ Kyoto về Edo, và đổi tên thành Tokyo. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là nét ngăn nắp và sạch sẽ mặc dầu Tokyo là siêu đô thị đông dân nhất thế giới hiện nay với trên 25 triệu người. Mà lại không thấy thùng rác, hình như không ai vứt rác ngoài đường, lo đem về nhà? Điều khác làm tôi chú ý là không thấy xe hơi ngoại quốc, và tất cả xe tuy vẫn do các hãng quen thuộc Honda, Toyota, Nissan, Suzuki, Mitsu, nhưng hoàn toàn khác hẳn các kiểu xe thấy ở Mỹ, phần lớn nhỏ hơn. Đi thăm vòng ngoài Hoàng Cung, đi phố sang trọng Ginza tìm cho được cái mũ mà Khang, bà chủ của DSNam gởi mua, vất vả mới đến đúng cửa hàng chính hiệu nhưng model đó không còn nữa! (fashion mà). Lên thượng tầng khu Tháp-Đôi nhìn xuống toàn cảnh Tokyo, là nơi host thế vận hội 2020. Đặc biệt là người đông tay cầm dù vẫn trật tự, đàn ông đi làm mặc toàn complet đen, đứng trên nhìn xuống như một đàn kiến đen. Ở một ngã tư, chờ đèn băng qua đường ít nhất cả ngàn người! Thường các quán ăn trong siêu thị đều nằm tầng dưới đất, toàn tiếng Nhật, may là có hình ảnh các món ăn nên chúng tôi ăn hàng chỉ. Nhật không lấy tip, cũng không quá đắt hay quá ít như DSNam dọa làm tôi đi đâu cũng mang gói bánh LU, trở về Mỹ còn y nguyên. Để ý là hàng ăn Nhật nhiều bánh ngọt, vậy mà dân Nhật không phì mập.

Ngày cuối cũng không tránh thăm đền Minh Trị Thần Cung Meiji Jingu, ngôi đền Thần đạo tôn nghiêm nhất Tokyo, nơi thờ Thiên Hoàng Minh Trị Meiji, người đã mở cửa canh tân nước Nhật bán thế kỷ 19, rồi mấy bà tha hồ mua sắm ở khu thương mại Shibuya, mấy ông đứng chờ phờ râu, Nhật không hiểu nỗi lòng này nên cửa hàng không có lấy cái ghế để ngồi… chờ! Với mấy va-li đã nặng trĩu, chúng tôi rời nước Nhật ngày 4/11 tại phi trường Narita để tiếp tục cuộc chơi tại Seoul, Hàn-quốc.

 

 

Seoul (đọc là Xôn), Hán Thành, nằm bên bờ sông Hán vào thời kỳ Tiền Tam Quốc, mang tên Hanyang rồi Hanseong, từng là kinh đô triều đại Joseon hơn 500 năm (1392-1910), ngày nay với dân số 20 triệu, vừa là kinh đô vừa là thành phố chủ chốt sự phát triển kinh tế vượt bực của Hàn Quốc. Đi ngang Dinh Tổng Thống với tên “Blue House”, thăm cung Gyongbok đồ sộ thuộc hệ thống Ngũ Cung Hoàng gia triều đại Joseon (Triều Tiên), thăm phim trường MBC xây lại bao cung điện cũng như nhà dân dã trong các phim bộ Hàn quốc dài như Đông Di. Không gặp được tài tử thiệt, đành chụp hình bên cạnh hình nộm. Rồi thăm cung Changdeok, thưởng thức nghệ thuật hoa viên khu vườn cấm Biwon. Phải nói là tôi thích thức ăn đây hơn, mặn mà hơn Nhật, mặc dầu so về cầu kỳ thì còn thua VN mình. Một buổi ăn tối chúng tôi còn được thưởng thức màn văn nghệ truyền thống Triều Tiên. Ngày chót đi thăm vùng biên giới Nam-Bắc, không xa Seoul bao nhiêu (trong tầm đại bác!) gọi là DMZ Khu Phi Quân Sự vĩ tuyến 38. Nhìn cây cầu chia đôi tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ đến cây cầu Bến Hải ở vĩ tuyến 17. Bắc Hàn đào mấy đường hầm kiên cố qua núi đá, Nam-Hàn phát hiện được 4, nay trở thành điểm du khách thử hơi sức đi xuống đi lên hơn cây số, Danh, Định cẩn thận không theo, chỉ có tôi và Túy máu liều quen thử chơi, mệt gần chết, nhưng được hoan hô vì tôi là người già tuổi nhất trong đoàn. Trước khi về cũng thêm một màn mua sắm khu phố Dongdaemun, hình như tourguide có hợp đồng phải dẫn đi?

Ngày 4/14 va-li còn nặng hơn nữa thiếu điều tôi không nhấc lên nỗi, cả đoàn còn lại 42 người ra phi trường Incheon về lại Mỹ trên chiếc Airbus A380 2 tầng, kết thúc chuyến đi 2 tuần, chỉ tiếc trời mưa liên miên, và còn lạnh, làm ai cũng muốn bệnh, Danh nằm ẹp ngày chót trong hotel, tất cả về tới nhà như toán quân bại trận. Vậy mà Tinh Châu còn đãi bữa ăn cuối thịnh soạn bù lại sushi tại quán Favori, có VChánh-Châu, DSNam-Khang, anh Hanh bạn Providence đêm 4/15 trước khi tôi và Túy bay về NJ (chắc Danh-Châu được big refund IRS?)

Xin cám ơn các bạn đồng hành Danh-Châu, Định-Phương đã cùng nhau chia sẽ mấy ngày vui bên nhau, dù thời tiết không mấy hợp tác, nhưng cũng phải:

“Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với vợ biết ngày nào khôn.”

LDThương  YKH 1

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.