NHỚ THẦY

Nắng tắt rồi anh phải đi thôi

 

Chị Soa kính mến,

Trước tiên chúng em xin được kêu Chị thay vì Cô như Chị từng căn dặn cho phép từ bao năm qua.

Chị ơi, tin Thầy mất năm trước đến với chúng em thật đường đột, thắt cả tim. Đó cũng là thời gian em đang dưỡng thương sau vụ mổ tại Sài Gòn trong chuyến về thăm mộ đại gia đình.

Em từng nghe rất nhiều câu chuyện về Thầy từ khi còn nhỏ, cũng như có nhiều kỷ niệm với Thầy, rồi với Thầy và Chị khi lớn lên, trong thời gian sinh viên Y Khoa Huế, rồi sau này khi qua đến nước Mỹ. Toàn là những câu chuyện khó quên, những hình ảnh đẹp và dễ thương về con người thật của Thầy. Nay em xin kể lại cho Chị nghe, như chia xẻ cùng Chị, bộ sưu tập quý báu mà em có được về Thầy, như một vinh danh Thầy của em nhân dịp một năm Thầy mất.

Khi gia đình em còn ở xóm Đường Đá của Phủ Cam, Măng em từng nhắc nhở đến gia đình Thầy đông con như nhà mình và tên Thầy như muốn lấy chuyện Thầy theo học Y Khoa hòng khuyến khích các con mình. Biết bao gia đình ở Phủ Cam hồi đó nức nở khen cha mẹ Thầy có phước, biết bao người con của Phủ Cam đã chẳng nhìn vào hình ảnh của Thầy để vươn lên. Mà trong đó có lẽ có anh Toàn của em 3 năm sau theo chân Thầy vào học Y Khoa ở Sài Gòn. Lúc Thầy ra trường Bác Sĩ năm 1957, cả vùng Phủ Cam nói chung và họ đạo Phủ Cam nói riêng rất hãnh diện có người con đầu tiên làm bác sĩ.

Chị biết không, hồi đó em thường theo Măng em đến nhà OB Ưng Trạo, gặp nhiều người lớn khác ở đó. Ai ai cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ gia đình Thầy và Thầy... Từ đó em bắt đầu biết tên cha mẹ của Thầy, biết nhà Thầy ở gần nhà Bà Luyến, một người thân cận với Cậu Cẩn, nằm cùng về một phía với tòa lầu màu hồng của ông Bửu, trong khi nhà OB Trạo và OB Đốc Chính lại nằm ngược phía kia, quẹo phải từ đường thẳng dốc dưới cầu Phủ Cam và đường rầy xe lửa đi lên. Khi họ đạo có kiệu hay lễ lớn tổ chức bên ngoài nhà thờ chính tòa, rất nhiều người quen, trong đó có cha mẹ của Thầy, và cả Thầy nữa, được mời đứng ngay tại sân trước nhà OB. Trạo để theo dõi diễn tiến buổi lễ. Đó chính là lúc em bắt đầu biết đến Thầy. Rồi cũng trong một dịp tương tự, em thấy Thầy mặc đồ quân đội, mang 2 bông mai vàng. Sau đó em nghe nói Thầy đi lính và phục vụ trong Quân Y.

Bẵng đi một thời gian, em nghe tin Thầy về làm việc ở khu Sản Phụ Khoa của Bệnh Viện Huế sau khi được giải ngũ và theo học chuyên môn 1 năm tại BV Từ Dũ. Rồi tin Thầy lấy Chị, một Nữ Hộ Sinh Quốc Gia tốt nghiệp từ Sài Gòn, rồi Thầy mở nhà hộ sinh với sự trợ giúp của Chị, ở đường Chi Lăng, Gia Hội, ngay phía trước khuôn viên của đại gia đình Bửu Hiệp và Bửu Viên. Các anh chị của em và em thường đến chơi với các anh chị trong 2 gia đình đó. Mỗi lần bước ngang nhà hộ sinh của Thầy, mùi thơm thoang thoảng bốc lên từ những siêu thuốc Bắc nấu sau hè kích thích dữ dội khối óc non nớt của em về một thế giới bí ẩn đằng sau bức tường kia của những người sản phụ. Một thế giới kỳ bí thâm cung, huyền diệu mà em chưa hề biết tới. Phải chăng đây là một trong những lý do khiến em chọn con đường y nghiệp sau này!?

Danh tiếng của Thầy tăng dần, nhất là sau khi Thầy được đề cử làm Giám Đốc Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia tại Huế vào năm 1965. Một người bác sĩ đầy đức độ, tận tụy, hết lòng với bệnh nhân. Một người Thầy nhân ái hiền hòa, thương mến che chở, dạy dỗ huấn luyện các học trò Nữ Hộ Sinh của mình với tâm huyết và nhiệt tình. Thầy thật sự đã góp phần rất lớn - nếu không muốn nói là quan trọng bật nhất- vào sự đào tạo của một đội ngũ Nữ Hộ Sinh Quốc Gia mà khả năng chuyên môn cũng như lương tâm nghề nghiệp đã được chứng minh và được trọng dụng trong biết bao bệnh viện lớn nhỏ tại các quận lỵ, thành phố dọc theo toàn Miền Trung.

Chắc Chị còn nhớ, hồi Mậu Thân, sau khi Tả Ngạn Sông Hương bao gồm khu hành chánh tỉnh, khu bệnh viện, Trường Y Khoa, Nhà Ga… vừa được tái chiếm và có lại an ninh, Thầy là một trong những bác sĩ tại Huế đầu tiên đã nhanh chóng vào bệnh viện giúp đỡ toán giải phẫu tình nguyện của BS. Herod. Khi được thông báo phòng mổ cần thêm BS. giải phẫu hay vì một ca đẻ quá khó, Thầy rời nhà và sang BV ngay. Bấy giờ em chỉ mới vào năm Thứ Nhất, em quá thán phục và mê mẩn nhìn bàn tay Thầy mổ thoăn thoắt, gọn gàng, nhất là Thầy luôn giữ bình tĩnh trước những những trường hợp nguy hiểm. Em vẫn còn nhớ có lần em đi theo xe của BS. Herod qua đón Thầy tận nhà ở ngay trong khuôn viên của trường Nữ Hộ Sinh vào đêm khuya và trả Thầy về lại khi trời sáng, cũng như đôi lần Thầy đem đồ ăn nóng từ nhà qua ủy lạo toán giải phẫu trong đó nhiều SV YK.

Khi em học đến năm thứ Ba, Thầy phụ trách dạy môn Phụ Khoa. Với kinh nghiệm sẵn có và sự hiểu biết sâu rộng về chuyên môn, Thầy đã hướng dẫn chúng em nhanh gọn, giản dị và dễ hiểu. Với một thái độ khiêm tốn, một tư cách hòa nhã hiền từ, Thầy đã chiếm được cảm tình của đám sinh viên chúng em. Nhất là cùng trong năm ấy, chúng em được chia cắt đi thực tập tại khu Sản Phụ Khoa của bệnh viện và gặp gỡ, chuyện trò, kết thân với những trò Nữ Hộ Sinh của Thầy nên lại có cơ hội chứng kiến nhiều lần hơn nữa khả năng giải quyết nhanh gọn và hiệu quả mà Thầy đã phải ra tay, nhất là trong các trường hợp đẻ khó, cần đến forceps hay C- Section.

Nhóm bạn trời đánh YK chúng em đôi ba lần cỡi xe gắn máy vào sân trường Nữ Hộ Sinh, có khi đến gần cư xá Nữ HS, bấm còi xe inh ỏi quậy phá cho các o NHS túa ra lan can nhìn xuống, rồi chực cho đến khi các Sơ trông coi cư xá chạy ra la rầy mới chịu bỏ đi. Sau đó khi gặp em, Thầy nhỏ nhẹ nói, “muốn làm quen với cô học trò nào thì cứ đến gặp Sơ xin cho nói chuyện ở phòng khách, chứ đừng đem theo cả đám bạn. Ồn ào lắm.” Quê quá, vì không ngờ chuyện cà chớn như vậy lại đến tai Thầy, nên sau đó bọn em “lặn” chẳng còn dám ho he nữa.

Những năm kế tiếp, khi thực tập hay khi trực trong bệnh viện, Thầy có vẻ tin tưởng và giao cho em thêm nhiệm vụ trong chuyên môn Sản Phụ Khoa, cũng như giải bày cặn kẽ những chiêu đặc biệt trong nghề. Vào những ngày gay cấn của Hè Đỏ Lửa 72 khi dân thị xã Huế đồng loạt tản cư vào Đà Nẵng, như những đồng nghiệp khác của bệnh viện luân phiên trực, Thầy ứng trực không những về chuyên khoa của Thầy mà luôn cả về giải phẫu tổng quát cho BV Huế. Vì vậy mà em lại có thêm cơ hội làm việc kề cận với Thầy trong những ngày Thầy trực, lại học hỏi thêm với Thầy. Có lẽ thời gian đó Chị và các em đã vào Sài Gòn hay Đà Nẵng.

Do hoàn cảnh mất nước, mãi đến khoảng năm 1985 vợ chồng em mới có dịp đến Hunstville thăm Thầy và Chị, vui mừng biết được Thầy và Thầy Nam Anh cùng làm bác sĩ cho Texas Department of Correction. Kể từ đó, chúng em thường xuyên nhận tin tức 4 con của Thầy và Chị lần lượt thành đạt, lần lượt lập gia đình. Vui mừng thêm nữa khi biết Thầy và Chị có 2 người con, một trai là Cardiologist, 1 gái út là ER Doctor nối nghiệp của cha. Và cũng từ đó, chúng em còn gặp Thầy và Chị thường xuyên hơn, trong những họp mặt thường niên của Phượng Vỹ tại Houston, những ngày Nhớ Huế, và nhất là trong những lần Đại Hội Y Khoa Huế những năm về sau. Nhìn Thầy vẫn quắc thước, vẫn minh mẫn nhớ những chuyện xưa, về chuyện gia đình em ngay cả trước khi em được sinh ra, hoặc nhớ tên của hầu hết những cựu SV của nhiều khóa y khoa khác nhau, giọng nói Thầy vẫn sang sảng dù bước đi có vẻ chậm hơn. Dù biết Thầy không cần, nhưng em hân hạnh dẫn Thầy đi restroom nhiều lần tại những nơi đông người. Duy chỉ một lần em sơ ý không kịp tìm đúng nơi nên Thầy đành phải đứng ngắm trời ở gốc cây thông, bên hông nhà thờ gần nhà anh chị Thương & Túy tại Clifton trong dịp ĐH YKH Hải Ngoại ở New Jersey. Chuyện vui này được kể nhiều lần vì không chỉ có Thầy mà còn vài ba thầy khác cũng ngắm trời như vậy nữa.

Chị Soa ơi, trong khoảng thời gian nhận tin buồn Thầy mất, một hôm vợ chồng em đi dạo quanh hồ bỗng khám phá 1 trong 2 cây dừa của nhà đầu đường không còn nữa. Vài tháng trước chuyến đi VN, chúng em nhìn biết 1 cây dừa thấp hơn bị bệnh - cây thấp mà em gọi theo hình thức phong thủy là Bạch Hổ đối chiếu với Thanh Long là cây cao lớn hơn - có các bẹ dừa ở đỉnh cây và lá dừa khô dần. Nay nhìn cây dừa Thanh Long đơn độc còn lại, vẫn hiên ngang đứng giữa trời đất, lòng em xốn xang. Chị mất đi một người bạn đời kề cận trong suốt 55 năm cùng nhau vun xới gầy dựng, vui sống bên nhau. Nhưng Chị vẫn còn một đàn con nên người, hiếu thảo, và nhất là Chị có cả 12 cháu nội ngoại rất muốn được kề cận bên Bà để nghe Bà kể chuyện xưa của Ôn Mệ, chuyện thần tiên và chuyện chó mèo thương yêu nhau… Chính em đây vẫn hằng nhớ đến câu khuyên nhủ của Thầy khi biết gia cảnh học trò của mình gặp phải thử thách “Còn nhau ngày nào thì phải biết thương quý nhau ngày đó.”

Đối với cộng đồng Phủ Cam trong nước hay ở Hải Ngoại, với Gia Đình Nữ Hộ Sinh Quốc Gia Huế, với nhân viên cũ của bệnh viện Trung Ương Huế và nhất là đối với anh chị em trong Y Khoa Huế, sự ra đi của Thầy là một mất mát tình cảm sâu đậm. Như đã chứng thực qua bao nhiêu điện thư chia buồn, phân ưu trên báo, trên các diễn đàn, những bài viết cảm động thương nhớ Thầy trong các đặc san, đặc biệt trong Đặc San Nữ Hộ Sinh Texas, bên cạnh những thánh lễ cầu hồn diễn ra trong nước, tại Huế ở nhà thờ Phủ Cam, tại Santa Ana, CA ở nhà thờ Saint Barbara, và một thánh lễ trang trọng tưởng nhớ Thầy vào đầu tháng 8, 2015 tại Huntington Beach ở nhà thờ Saint Bonaventure, với sự hiện diện của Thầy Cô Lê Thanh Minh Châu, cựu Viện Trưởng Viện ĐH Huế cùng ban Giảng Huấn của trường ĐH YK Huế và hàng trăm quan khách bao gồm những cựu NHS QG Huế, cựu SV YKH cùng thân hữu xa gần…

Nay nắng đã tắt, Thầy đã đi xa. Như bao giọt nắng cuối ngày rồi cũng phải dần xa thôi. Xin cho linh hồn Alexis được yên nghỉ ngàn thu. Requiestcat in pace
Đôi khi nghĩ lại, chúng em thầm tiếc chưa được thưởng thức tài chơi dương cầm của Thầy.

Cuối bài, em xin phép Chị cùng đàn anh Nguyễn Văn Thuận cho em được sao đăng bài “ÍT LỜI AI ĐIẾU CHO ANH” của anh Thuận đọc trong ngày tiễn biệt Thầy ở Houston, để lưu giữ vĩnh viễn vào diễn đàn của Y Khoa Huế Hải Ngoại, cùng với điếu văn ứng khẩu “TƯỞNG NHỚ GS NGUYỄN VĂN VĨNH” của Thầy Nguyễn Văn Tự.

Hai em Chánh & Minh Châu luôn cầu mong Chị nhiều an lành. Mong Chị bảo trọng.
Với nhiều quý mến.

Viết nhân ngày kỷ niệm một nămThầy Nguyễn Văn Vĩnh mất tại Houston, ngày 16 tháng 5, 2015.

 

Học trò của Thầy

Em Vĩnh Chánh

 

 

 

 

*****

 

Điếu Văn cho BS. Nguyễn Văn Vĩnh của BS. Nguyễn Văn Thuận

ÍT LỜI AI ĐIẾU CHO ANH

(I’m sorry. I’m not here to give a speech. I’m here
just whispering something to  Dr. Vinh, and  I prefer using Vietnamse,
our native tongue, so we would understand  each other better.)

Lạy Cha chúng con ở trên trời
Chúng con nguyện danh Cha cả sáng
Nước Cha trị đến
Vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời vậy.

Lạy Cha, hôm nay, chúng con ngồi lại, trong ngôi nhà Cha, tiễn đưa người anh chúng con về nhà Chúa.  Cha đã cho Anh chúng con ở nơi cõi tạm này 87 năm. Hôm nay, Cha cho Anh về lại bên Cha. Anh chúng con xin vâng lời Cha. Chúng con vâng lời Cha, mà mừng cho Anh. Mừng Anh rũ bụi trần gian, về lại bên Cha.

Khuya hôm thứ năm, rạng sáng ngày thứ sáu, vừa đúng một tuần trước, Chị Vĩnh gọi cho biết Anh trở bệnh. Chiều hôm trước đó, chúng con còn chuyện trò. Anh than sáng nay có hơi mệt nhưng vẫn cười vui như mọi khi, không một báo trước giờ ly biệt. Chúng con vội đến với Anh. Trên giường bệnh, Anh nằm như ngơi nghỉ, thân nhiệt ấm áp, da dẻ hồng nhuận. Anh như đang ngủ, một giấc ngủ thật nhẹ, thật êm. Chỉ có điều Anh không còn cười với chúng con, không dang rộng tay chào đón, như ngày nào trong suốt ba mươi lăm năm qua. Chỉ khác có vậy, và chúng con biết anh đang trong giờ lâm tử.
Hôm sau, các con, cháu về đủ quanh Anh. Anh đi, đi vào một giấc ngủ dài. Bình yên.
Thôi, đó cũng là ý Chúa vậy.

 

Thưa Chị và các cháu,
Thưa quý Anh Chị, quý bạn,
Và các cháu,

Chung cuộc của một đời rồi cũng tới. Còn đó, mất đó. Vui đó, buồn đó.
Với sự thỏa thuận của Chị, chúng tôi gởi cáo phó qua mạng. Ai cũng sững sờ. Tuổi cao rồi, sớm muộn chi cũng nằm xuống. Nhưng tin Anh mất đã làm nhiều người buồn, ai cũng buồn. Chỉ mấy ngày sau, hàng trăm thư gởi về cho chị, bày tỏ niềm thương cảm, tiếc nuối, ngỡ ngàng. Lúc anh sống, ai cũng thương anh. Anh đi rồi, nụ cười dịu nhẹ, ân cần, gần gũi cứ còn ở lại. Ai cũng nhớ cái cung cách ôn nhu hòa nhã, dịu nhẹ, nhớ cái giọng nói có chút e ấp, quê mùa của người miền Trung, mộc mạc, chân tình. Và biết bao nhiêu điều khác, những điều thật người, trong một con người thật người.

Nhớ Anh, ai cũng nhớ nụ cười hiền hòa, phong cách từ tốn, tấm gương thánh thiện, đạo đức…

Tôi được biết anh nhiều. Năm 1958, tôi vào Sài Gòn học y khoa, trọ học trong một câu lạc bộ sinh viên, cạnh phòng anh. Lúc đó, anh vừa ra trường, và đã mang hai hoa mai vàng trên cổ áo, nhưng còn ở lại cư xá một thời gian. Và như một duyên may, từ đó cho đến nay, 57 năm, anh em chúng tôi đi đâu cũng gặp nhau, đi đâu cũng sống gần nhau, chia xẻ vui buồn. Anh lấy vợ cũng có chúng tôi, chị sinh cháu đầu lòng cũng có chúng tôi đến chụp tấm hình đầu tiên. Lại càng được gần anh hơn, trong ba mươi lăm năm qua, từ ngày về Houston. Hàng tuần, chúng tôi gặp nhau, cùng mấy anh chị, anh chị Nguyễn vănTrường, anh chị Trần văn Viễn,… tạo thành một cái tổ ấm cho nhau, nương nhau trong thầm lặng. Hàng tuần, mưa nắng chi cũng phải gặp nhau, như một nhu cầu không thể thiếu. Bên anh, bên các anh, chị, tôi  là đứa em nhỏ trong tuổi tác, đứa học trò trong kiến thức, trong cách  cư xử, và đôi khi lại là một đứa trẻ hư, để có được cái cảm giác được nuông chiều, tha thứ. Và chúng tôi như trong một gia đình nhỏ. Vợ chồng chúng tôi trở thành cậu, dì của các cháu.

Mấy hôm nay, đêm đêm nhẩm đọc cho anh mấy bài kinh, mỗi lần đọc kinh Pater Noster, chúng tôi lại ngừng lại, ngẫm đến anh. Hình như suốt cả đời anh, anh sống theo ý Cha. Và ở Anh, là ý Cha.

Vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời…
Anh là một người ki tô thuần thành, trọn vẹn. Thuở nhỏ, anh theo học tiểu chủng viện, rồi vào đại chủng viện cửa Tùng. Sau, anh đổi ý, chuyển qua học y khoa, một ngành thực nghiệm. Ở lãnh vực nào, anh cũng đạt được những hiểu biết chuyên cứu sâu rộng. Anh có một trí nhớ siêu việt, và một khả năng thụ nhận rất cao. Anh biết nhiều, hiểu rộng, nhưng không chuyển đạt kiến thức bằng áp đặt. Anh tin ở thực nghiệm, nhưng không bỏ qua khía cạnh tâm linh như một yếu tố song hành cho tồn tại. Anh sống với một chuẩn mực đạo đức rất cao, nhưng không rao giảng đạo đức, hay đặt định giá trị cho người khác, không xét người theo mức thang xã hội, mà bỏ ra ngoài yếu tố hoàn cảnh.

Trong đời sống vật chất, anh thành công, nhưng bao giờ cũng khiêm tốn. Không bao giờ thủ đắc, hay tiêu xài cho những điều không thật cần thiết. Món ăn đã dọn trên bàn, phải ăn cho hết, không phí phạm. Cả đời anh, anh sống như vậy: giản dị và khiêm tốn, luôn nhìn lại mình và nghĩ cho người.

Tôi không nghĩ chúng ta phải nói thêm thật nhiều về ANH. Nếu thế gian này có những con người ngay thật, những con người công chính, men of INTEGRITY, thì anh là một trong những con người công chính đó.

XIN CẦU NGUYỆN CHO ANH MỌI BẰNG AN.

Nguyễn Văn Thuận

 

*****

 

Tưởng Nhớ GS Nguyễn Văn Vĩnh

Trong thánh lễ tưởng nhớ GS Nguyễn Văn Vĩnh, GS Nguyễn Văn Tự đã ứng khẩu mấy lời thương tiếc đầy cảm động sau khi bắt gặp ánh mắt nhìn của người quá cố từ chân dung để ở góc phòng của nhà thờ, và Cô Tự cũng rất xúc động vì ánh mắt nhìn của Bs Vĩnh trong suốt buổi lễ tưởng niệm. Xin được ghi lại tình cảm sâu sắc đó.

Kính thưa Anh Vĩnh,    

Các anh chị em của Y Khoa Huế hải ngoại biết anh không còn đến với Đại Hội như trước đây nên đã gặp nhau nơi giáo đường trưa nay để tưởng nhớ Anh.

Dẫu biết rằng giờ đây Anh đang ở một nơi mà "trên hai vai đôi vầng Nhật Nguyệt, gọi suốt trăm năm một cõi đi về", và dẫu biết rằng "đôi chân đi xa không còn trở lại", chúng tôi vẫn muốn gởi đến anh những lời nhắn gởi cuối cùng:

Chắc anh cũng đã biết trước đây anh đã sống trong tình thương yêu của những ai từng quen anh, nay anh đã đi xa, anh để mọi người sống trong thương tiếc vì anh.

Chúng tôi thương tiếc anh vì chúng tôi không thể quên anh.
Chúng tôi không thể quên anh vì chúng tôi vẫn còn nhớ anh.
Chúng tôi nhớ anh qua ánh mắt hiền từ, nụ cười cởi mở, tài năng lương tâm trong chữa bệnh, kiến thức phương pháp trong đào tạo.

Ngành sản phụ khoa của Đại Học Y Khoa Huế không thể quên anh qua công trình giảng dạy, tinh thần cộng tác không ranh giới giữa Bệnh Viện Huế và trường Đại Học Y Khoa Huế.
Nhìn lại thời gian trước đây, chúng tôi nhớ anh qua lập trường không hề thay đổi trước những biến động của quê hương; kể từ khi anh không còn được khỏe mạnh, chúng tôi nhớ anh qua quyết tâm tìm hiểu bệnh tật để có thể sống những ngày còn lại thật đầy đủ với gia đình và bạn bè trước khi bước qua ngưỡng cửa cuối cùng của cuộc đời.

Riêng đối với nhà tôi và tôi, chúng tôi nhớ tâm hồn nghệ sĩ của anh qua những âm thanh dương cầm, trong một chiều chúng tôi đến ở lại nhà anh chị. Anh đã đàn một liên khúc từ "la forêt viennoise” của Johann Strauss, đến "la vie d'artiste" của Léo Ferré để rồi chấm dứt trong những tình cảm day dứt với "Serenade" của Schubert.

Nay nghìn trùng xa cách, anh đã đi rồi, chúng tôi chỉ còn biết nguyện cầu An-Bình đến với anh nơi miền Vĩnh Cữu. Xin anh từ nay an nghỉ trong tình thương của Thiên Chúa. Xin vĩnh biệt anh.

Nguyễn Văn Tự

 

Links:

1. Bài BS Nguyễn Văn Thuận

http://ykhoahuehaingoai.com/sinhhoat/DieuVanThayVinh_NVTh.pdf

2. Bài GS Nguyễn Văn Tự

http://ykhoahuehaingoai.com/99do/TuongNhoGSNgVVinh.html



 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.