Sau 1975, không ít gia đình Miền Nam VN có cả cha lẫn con cùng đi tù cọng sản. BS. Phạm Kỳ Nam, khóa 4 của YKH, có thân phụ là Cụ Thẩm Phán Phạm Hiền, Cụ Chánh Nhất của tòa án Thượng Thẩm Huế, bị đưa ra ngoài miền Bắc và chết trong lao tù. Nhân ngày lễ Father’s Day, Nhà văn Phạm Tín An Ninh đến với chúng ta qua bài “Những Đám Mây Trên Đỉnh Núi Phổ Đà”, diễn tả niềm uất hận và thương xót về cái chết của thân phụ mình trong ngục tù cọng sản, khi anh đang bị đày đọa ngoài miền Bắc.

 

Một lần nữa, BBT cám ơn anh An Ninh.

 

Những Đám Mây Trên Đỉnh Núi Phổ Đà

 

Phạm Tín An Ninh

   Dường như ở cái tuổi ấu thơ, tôi biết buồn hơi sớm. Mẹ qua đời khi tôi vừa mới lên ba, cha tôi lại phải đi dạy học xa, cả tháng chỉ về một đôi lần và sau đó bị Việt Minh bắt đưa ra Liên Khu Năm mấy năm “làm công tác xóa nạn mù chữ”, nên tôi lớn lên ở nhà ông bà nội. Được cô Út chăm sóc và ông bà nội cưng chiều hết mực, nên tôi không biết mình mồ côi mẹ. Đến năm sáu tuổi, khi được đi học và chơi chung với bọn trẻ trong họ, nghe chúng nó gọi mẹ, tôi mới nhận ra là mình không có mẹ. Tôi cũng không nhớ bà, bởi trong ký ức non nớt của tôi hoàn toàn không có bóng dáng và nhất là khuôn mặt của bà.

    Ba tôi là con trưởng nam của ông bà nội. Lúc đi học, ông là một học sinh xuất sắc của một trường Pháp Việt, được tuyển chọn để ra kinh thành Huế thi. Thời ấy, từ Nha Trang ra Huế, cha tôi phải đi bằng thương thuyền của Pháp, lênh đênh trên biển cả mấy tuần mới đến kinh thành Huế. Ông đỗ cao trong kỳ thi ấy. Trở về với nhiều phần thưởng. Ông được nhận vào dạy học, rồi làm đám cưới với mẹ tôi, người bạn học dưới ông hai lớp. Ông bà lấy nhau chưa tròn một năm thì bà nội tôi qua đời. Ba năm sau, ông nội tôi tục huyền, và người vợ mới của ông không ai khác hơn là em gái của bà nội, tức là dì ruột của cha tôi. Dù là mẹ ghẻ con chồng, bà cũng không nở đối xử tệ với thằng cháu ruột của mình, nhưng bà lại quay sang khắt khe với con dâu. Bà hành hạ mẹ tôi hơi nhiều, nhất là những lúc cha tôi vắng nhà. Để tránh tình trạng khó xử này, cha tôi xin ông nội được ra sống riêng. Ông nội cho cha mẹ tôi khu vườn để xây một căn nhà nhỏ. Khu vườn cách nhà ông bà nội một cánh đồng, trồng toàn những cây dừa, và nằm lẻ loi ngay giữa ranh giới ba cái làng quê, phân biệt bằng những hàng tre cao chót vót, che kín cả mặt trời. Dù vậy, mẹ tôi vẫn thường xuyên về thăm ông bà nội, săn sóc thuốc men khi ông bà đau ốm. Chẳng hiểu có phải vì làm dâu vất vả quá, mà mẹ tôi không muốn có con sớm. Mãi đến chín năm sau kể từ ngày làm đám cưới, mẹ tôi mới sinh ra tôi. Giữa một đêm khuya tối trời, cha tôi phải đốt liên tục đến ba cây đuốc để rước bà mụ về đở đẻ. Tôi ra đời trong ngồi nhà nằm chơ vơ giữa trời đất mênh mông ấy. Nghe nói cái nhau của tôi được chôn dưới gốc một cây mận đang mùa sum suê trái. Khi tôi vừa đầy ba tuổi thì mẹ tôi mất. Lúc ấy còn nhỏ quá nên tôi không biết và cũng chẳng còn nhớ được điều gì, ngay cả đến khuôn mặt của mẹ tôi. Trước lúc lâm chung, mẹ tôi muốn nắm tay và ôm hôn tôi, nhưng tôi không dám lại gần bà. Cha tôi và các dì dắt tay tôi vào giường mẹ, nhưng tôi cứ tìm mọi cách thoát ra và chạy trốn. Sau này, khi nghe kể lại, tôi buồn và ân hận lắm. Nhưng người ân hận nhiều nhất là bà nội (kế) của tôi. Khi thấy mẹ tôi ốm nặng, bà nội năn nỉ ông nội và ba tôi, để được đưa mẹ tôi về nhà nội và chính tay bà săn sóc, thuốc men. Ngày mẹ tôi mất, bà nội là người khóc nhiều nhất.  Nằm liệt cả mấy ngày sau khi chôn cất mẹ tôi. Khi mẹ tôi hấp hối, bà nắm tay mẹ tôi và hứa là sẽ nuôi nấng thương yêu hai anh em tôi. Mẹ tôi mất vào cuối tháng hai âm lịch. Trời nắng ráo. Vùng quê tôi đã qua vụ gặt, nên các cánh đồng đều khô đất, chỉ còn trơ gốc rạ. Đám tang mẹ tôi có đầy đủ các dì cậu bên ngoại. Nghe nói hai anh em tôi được mặc áo tang và trên đầu đội khăn tang hình chữ thập. Chúng tôi được mấy bà dì bồng theo sau quan tài của mẹ. Cứ một quảng, quan tài được đặt xuống để hai anh em tôi ngồi bên cạnh mẹ. Nghe kể là đám tang cảm động lắm, ai cũng khóc. Không chỉ khóc vì mẹ tôi ra đi không bao giờ về nữa mà thấy tội nghiệp hai đứa con thơ dại mồ côi.

   Khi tôi lớn lên và có chút hiểu biết, ba tôi kể lại cái chết của mẹ tôi. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi lấy làm lạ, cha tôi theo Tây học, nhưng lại tin vào những điều huyền bí, có vẻ hoang đường:

   Hôm ấy, mẹ tôi về thăm ông bà ngoại. Nhà ngoại tôi đi về hướng núi Phổ Đà. Đến trưa, mẹ tôi trở về nhà. Khi đi ngang qua một cây cổ thụ nằm giữa làng, trong vắng lặng bỗng mẹ tôi nghe có ai đó gọi đúng tên mình. Bà giật mình quay lại, không nhìn thấy ai, sống lưng lạnh toát. Về nhà, bà kể lại cho ba tôi nghe. Và ngay tối hôm ấy bà bị sốt miên man rồi mê sảng. Một tuần sau, tự dưng khỏe lại. Bà dắt hai anh em tôi đến một ngôi chùa trên Núi Đất. Tôi không biết để làm gì, chỉ còn nhớ tiếng đại hồng chung trên đầu làm tôi sợ quá khóc thét lên.  Khi lớn lên, tôi có hỏi ba. Ông bảo là vì mẹ tôi biết bà sẽ chết, nên đưa hai anh em tôi lên chùa gởi cho Phật Bà Quan Âm che chở độ trì.

   Về nhà hai hôm sau, mẹ tôi bệnh trở lại, nằm mê man. Đưa vào nhà ông bà nội ba ngày, thì mẹ tôi qua đời.

   Sau này nghe cô Út và mấy bà dì bảo là tôi rất giống mẹ, và ba tôi kể lại chuyện tình đẹp nhưng nhiều trắc trở của ông bà, chuyện làm dâu vất vả, những ngày bệnh đau và giờ phút lâm chung của mẹ, tôi mới bắt đầu thấy thẫn thờ thương nhớ mẹ.

   Tôi thường một mình lẻn vào ngôi nhà tự (mà trước đây tôi rất sợ vì không khí trang nghiêm và những bài vị màu đỏ có viết mấy chữ Tàu), nhìn thật kỹ tấm ảnh của bà trên bàn thờ mà khóc thương bà. Và cũng từ khi ấy, tôi thấy thương và nhớ cha tôi nhiều hơn, biết bên ông không có bóng dáng của một người đàn bà như những người cha khác. Tôi bắt đầu biết buồn và nhiều lúc cũng biết cô đơn.

     Mỗi lần như thế, tôi thường ra trước cổng nhà nội, đứng nhìn dãy núi Phổ Đà xa xa phía trước. Tôi thích hình dáng cánh chim đại bàng vĩ đại in trên vách núi. Mỗi lần có những áng mây bay qua, tôi bồn chồn lo lắng, ngỡ như cánh đại bàng hùng vĩ sẽ mang cả dãy núi Phổ Đà bay theo những áng mây bềnh bồng thơ mộng ấy. Không biết trí óc tưởng tượng của con nít có phong phú như người lớn hay không, nhưng ngày ấy tôi cứ nghĩ cánh chim đại bàng là cha tôi, còn những đám mây là mẹ. Một cái cố định, một cái mơ hồ tan biến, mà vẫn luôn quyện vào nhau, khắn khít, đẹp đẽ đến vô cùng.

    Sau này lớn lên, lần đầu tiên đi xa, đến chân núi Phổ Đà, khi nhận ra cánh chim đại bàng chỉ là do những tảng đá cùng các vạt tranh tạo nên hình dáng, tôi thoáng buồn và thất vọng. Vậy mà không ngờ cái hình dáng chỉ có trong tưởng tượng ấy cũng đã theo tôi đến suốt cuộc đời.

    Nghe nói người ta đi đâu cũng mang theo quê hương, còn riêng tôi đi đâu tôi luôn mang theo hình bóng dãy núi Phổ Đà. Uy nghi, thân thiết, như là bóng dáng của cha mẹ tôi, cái bóng hạnh phúc lớn lao phủ xuống cuộc đời mình. Mặc dù mỗi lần nhớ tới là tôi lại buồn, lại rơi nước mắt.

    Năm lên trung học, tôi phải rời quê ra tỉnh học. Thành phố Nha Trang nổi tiếng nhờ có bờ biển đẹp. Nhưng nếu từ biển nhìn lên, không thấy dãy núi Đồng Bò ở hướng Cầu Đá và núi Hòn Khô ở phía đèo Rù Rì, cái đẹp của Nha Trang cũng mất đi nhiều lắm. Sau này, núi Hòn Khô còn làm cho người ta nhớ đến bức tượng lính, của quân trường Đồng Đế với hai câu thơ rất lính “Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ, em nằm xõa tóc đợi chờ anh”. Riêng tôi, sau nhiều năm sống ở thành phố này, vẫn có cảm giác chưa quen, bởi mỗi ngày không nhìn thấy cánh chim đại bàng và những đám mây bao phủ trên đỉnh núi Phổ Đà. Nhiều đêm trong giấc mơ, thấy hình ảnh thân quen ấy. Thức dậy, tôi ngồi miên man nhớ quê, nhớ cha, nhớ mẹ và nhớ cả một thời thơ dại.

    Tôi vào lính khi chiến tranh bắt đầu khốc liệt trên quê hương. Rời khỏi quân trường, được bổ nhậm về một tiểu đoàn tác chiến lưu động trên Vùng Cao Nguyên nắng gió. Theo đơn vị rày đây mai đó, quanh năm sống với núi rừng, nhưng tôi vẫn luôn mang theo trong lòng bóng dáng núi Phổ Đà của quê tôi, mà từng đi qua cả dãy trường sơn tôi không tìm thấy có nơi nào đẹp đẽ và hùng vĩ cho bằng. Mỗi năm được đi phép một lần, tôi về quấn quít bên cha và bà cô Út, người đã thay mẹ tôi nuôi nấng tôi từ lúc mới lên ba. Buổi chiều nào. khi mặt trời sắp lặn, tôi cũng chạy ra trước cổng nhà nội, đứng nhìn dãy núi Phổ Đà mà lòng thấy lâng lâng nhớ. Nhớ tuổi ấu thơ, nhớ mẹ tôi, thương và tội nghiệp cha tôi.

     Mùa Hè 1973, tôi bị thương khi cùng đơn vị hành quân tại phía Bắc thành phố Kontum. Xuất viện, được nghỉ bảy ngày phép, tôi về Ninh Hòa thăm vợ con và về quê thăm cha tôi và cô Út. Khi đến đỉnh đèo Dốc Thị bên núi Phổ Đà, vừa dừng xe lại, bỗng tôi giật mình khi nhìn thấy một đám mây bám trên đỉnh núi. Đám mây trắng bỗng biến thành màu đỏ, màu máu. Về quê chỉ có ba hôm, lại đúng vào dịp giỗ mẹ. Tôi quanh quẩn bên cha tôi. Nghe ông kể bao nhiêu chuyện cũ. Còn tôi thì kể chuyện chiến trường. Rồi cha con bàn bạc lo âu trước tình hình kẻ thù vừa thắng thế trong một hiệp định ngưng bắn. Không hiểu phía Mỹ nhượng bộ quá mức như vậy để rồi sẽ làm gì bảo vệ được miền Nam như từng cam kết. Ngày giỗ mẹ lại là ngày cuối, nên cha tôi tổ chức cúng giỗ sớm, để tôi kịp thắp hương lạy mẹ, rồi lên đường. Khi thắp hương trên bàn thờ, tôi đứng lặng im nhìn thật kỹ tấm ảnh của bà, bỗng dưng tôi có cảm giác như bà đang nhìn tôi mỉm cười. Thấy bà cười mà tôi lại khóc. Nước mắt chảy dài trên má. Ban đầu tôi cứ ngỡ là do mùi hương làm cay khóe mắt.

 

(vợ chồng và các con tôi chụp với thân phụ
lần cuối cùng gặp ông, tháng 6.1973)

    Sáng ngày 13/ 3/75, sau hai ngày thành phố Ban Mê Thuột, nơi có bản doanh Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, mất vào tay giặc, đơn vị tôi từ Hàm Rồng – Pleiku, được trực thăng vận khẩn cấp xuống Phước An (quận lỵ cuối cùng còn lại của tỉnh Đắc Lắc, nằm bên QL 14, trên đường về Khánh Dương- Ninh Hòa) trong kế hoạch tái chiếm thành phố này. Khi cuộc đổ quân chưa hoàn tất thì Pleiku và Kontum có lệnh di tản. Một nửa đơn vị của tôi còn kẹt lại ở Pleiku phải triệt thoái theo con đường “tử lộ 7.B”. Khi về đến Tuy Hòa chỉ còn gần một phần tư quân số. Rất nhiều đồng đội, bạn bè của tôi đã chết hay mất tích. Hai thằng bạn thân, đều là tiểu đoàn trưởng đã tự sát trước khi lọt vào tay giặc.

    Rồi bất ngờ cả miền Trung có lệnh bỏ ngõ. Tôi theo cấp chỉ huy và một số đồng đội tiếp tục di tản vào Nam. Lúc tập trung tại Vũng Tàu, để cùng nhiều đơn vị di tản khác tái tổ chức thành một đơn vị mới, tôi bất ngờ gặp một số người quen ở quê tôi, cho biết cha tôi đã bị Cộng quân bắt giam tại một hòn đảo nhỏ, nằm ngoài khơi quê tôi. Tôi đau buồn lo lắng cho ông, nhưng chẳng biết phải làm gì trong hoàn cảnh này. Tái tổ chức và trang bị xong, chúng tôi nhận lệnh di chuyển xuống Bến Lức – Long An, nhằm ngăn chặn Cộng quân bao vây và tiến chiếm Sài Gòn. Những ngày cuối cùng chúng tôi đánh giặc không có “đại bàng”. Ông tướng tư lệnh đã “im lặng vô tuyến” bay ra biển. Trưa ngày 30/4 lúc ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, đơn vị tôi đang hành quân tái chiếm xã Mỹ Lộc thuộc quận Cần Giuộc. Một số đồng đội của tôi đã hy sinh đúng vào giờ thứ 25. Chúng tôi chỉ kịp chôn vội họ trong những khu vườn vắng chủ.

    Cuối cùng thì miền Nam cũng thất thủ. Tôi trở lại Sài gòn tìm gặp vợ con đã di tản vào đây, sau ngày mất Nha Trang. Tối 30/4, một người bạn thân tìm chúng tôi, bảo là gia đình anh ta đã mua được chiếc thuyền máy, rủ chúng tôi cùng vượt biển ra hạm đội Mỹ đang còn chờ ngoài hải phận. Tôi khao khát ra đi, nhưng nghĩ đến cha tôi, cả một đời gà trống nuôi con, tôi không đành lòng bỏ ông ở lại trong hoàn cảnh khốn cùng này. Tôi tìm đủ phương tiện vội vã về lại quê nhà. Hỏi thăm, biết được cha tôi bị nhốt trong trại tù trên núi Đá Bàn, một mật khu của Cộng quân lúc trước. Tôi tìm lên thăm, nhưng không được gặp. Cuối cùng, bọn cai tù chỉ nhận tấm giấy ghi vài dòng, tôi báo cho cha tôi biết là vợ chồng tôi và các con đều bình an. Nhưng không chắc là đến được tay ông.

    Rời quê, mang theo bao đau đớn trong lòng. Khi đến chân núi Phổ Đà, tôi dừng lại khá lâu. Trời mưa tầm tã, những đám mây đen che khuất hình dáng cánh đại bàng. Cả dãy núi chỉ còn là một bóng đen to lớn, nhạt nhòa trong những cơn mưa như trời đang trút nước. Tôi bật khóc. Trên tóc, trên mặt ướt đẫm nước. Nước mưa và nước mắt.

    Vào tù. Hơn tám năm lưu đày từ Nam ra Bắc, tôi vẫn luôn mang theo bóng dáng dãy núi Phổ Đà. Mỗi lần hình dung tới cánh chim đại bàng và những áng mây bao phủ, lòng tôi ngậm ngùi, tiếc nhớ mông lung. Nhưng cũng chính hình ảnh ấy đã giúp tôi có thêm nghị lực vượt qua bao lần tuyệt vọng. Năm năm sau khi bị chuyển ra Bắc, nhận thư vợ, đọc mấy dòng bóng gió, tôi biết cha tôi đã chết ở một trại tù khác trong Nam. Ông chết đã gần năm năm rồi, bây giờ tôi mới biết. Hôm ấy, đội tù chúng tôi phải lên núi đi tìm lấy nứa. Bọn cai tù dùng sức tù để bán nứa cho nhà mấy giấy Việt Trì. Mỗi người phải mang về đủ chỉ tiêu ba mươi cây nứa mới được cấp phần ăn, dù chỉ vài củ sắn. Tôi đã tìm vào một hốc đá nằm la khóc một mình mà thương nhớ cha. Buổi chiều về tay không, các bạn tù thương tình chia bớt cho một ít nứa, vừa đủ để tôi không mất phần sắn và bị cùm. Một tuần sau, soi mặt trên bờ con suối nhỏ, tôi giật mình khi thấy mái tóc mình bạc trắng. Khi ấy tôi chưa tới tuổi bốn mươi.

    Từ ấy, trong những giấc chiêm bao, tôi thường thấy cánh chim đại bàng trên núi Phổ Đà rũ xuống và nhuộm đỏ màu máu. Các đám mây chung quanh cũng tạo thành những chiếc ao treo lơ lửng giữa trời, cũng chứa toàn máu. Giật mình trong bóng đêm, đưa tay sờ trên gò má, nước mắt ràn rụa, tôi nghĩ mình cũng vừa khóc ra máu mắt. 

    Hơn tám năm khốn cùng trong tù ngục, tôi được thả về với một xác thân tiều tụy và tâm trí mỏi mòn. Cầm tấm giấy ra trại, tôi lang thang tìm về quê vợ, một thị trấn nhỏ nơi vợ con tôi đang sống trong khổ cực, lòng dạ rối bời, ngao ngán. Niềm vui duy nhất là được gặp lại vợ con. Nhưng sau khi sum họp mới được bốn ngày, chưa kịp làm quen với mấy đứa con, mà đứa nhỏ nhất, sinh ra sau bốn tháng tôi vào tù, chưa hề biết mặt cha, tôi được công an  gọi lên trình diện. Họ quyết định trả tôi lại trại tù với lý do: “nhân dân ở đây không chấp nhận anh.” Trở lại nhà tù. Một tuần sau, tôi nhận tấm giấy ra trại khác, về “trình diện chính quyền nơi sinh quán để xin tạm trú”.

    Cuối cùng, lá chưa rụng mà đã phải về cội. Tôi một mình trở lại quê xưa, nơi tôi được sinh ra và lớn lên, sống một thời tuổi thơ không có mẹ. Bây giờ nơi ấy tôi chỉ còn bà cô già góa bụa sống một mình trong ngôi nhà từ đường có mái ngói âm dương của ông bà nội. Ngày xưa, chính cô đã nuôi nấng tôi khi tôi mất mẹ. Bây giờ cô lại cưu mang tôi khi tôi đã gần nửa đời người với một đám con thơ và những ngày dài mịt mờ trước mặt. Trên bàn thờ, giờ cũng đã thêm nhiều tấm ảnh chân dung mới. Trong đó có cha tôi và hai ông chú. Cha tôi chết ở trong tù. Còn hai ông chú tôi chết vì thương tích, bệnh tình mang về từ những trại tù cải tạo khác.

    Chỉ có dãy núi Phổ Đà vẫn còn đứng nguyên ở đó. Hôm đầu tiên ra cổng nhìn lên, tôi không còn thấy cánh đại bàng hùng vĩ ngày xưa. Cả đỉnh núi bị bao phủ bởi những đám mây đen buồn thảm, làm tối cả một vùng trời ảm đạm. Tôi hình dung đến cha mẹ tôi, mấy ông chú và những đồng đội của tôi. Tất cả như đang ẩn hiện trong các đám mây mù buồn thảm ấy. Lòng tôi đau đớn như đang có trăm ngàn vết chém. Tôi thắp hương, nhắm mắt tưởng nhớ và cầu nguyện cho tất cả được siêu thoát trong một thế giới bình an, không còn có đau khổ, hận thù. Nghe tiếng sấm chớp, tôi giật mình mở mắt ra. Trời đang vần vũ một cơn mưa. Nhìn mưa trút nước từ những đám mây đen trên đỉnh núi Phổ Đà, tôi có cảm giác như suối nước mắt của bao nhiêu người thân bất hạnh. Mưa dứt. Những đám mây đen biến mất. Tôi cũng vừa mơ hồ nhìn thấy cánh chim đại bàng trên vách núi vỗ cánh bay đi, mất hút cuối chân trời.

 

Phạm Tín An Ninh

 

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.