ÔNG GIÀ SẮT


Lần theo lời chỉ dẫn của một giọng nói khàn khàn trên điện thọai, tôi tiến dần vào một cái xưởng  làm đồ sắt cũ kỹ, hai bên là những cỗ máy bằng sắt nặng nề bám đầy bụi; dưới nền là những khoảng rỉ rét của nước chảy ra từ máy. Đến lúc gần chạm tường, tôi mới nhận ra hình dáng của một người đàn ông to lớn đang ngồi gục đầu trên chiếc ghế sắt phía bên phải. Tôi lại gần khẽ gọi: 

“Mr. Franco?”

Người đàn ông ngẩng đầu lên nhìn tôi với đôi mắt u uẩn và đáp lại:

“Hello nurse!”

Đôi mắt của ông chính là sự ghi nhận nổi bật trên khuôn mặt rắn rỏi, chất phác, nó như che dấu một nỗi buồn vời vợi, khó tả.

Tôi hỏi: “Chỗ ở của ông ở đâu?”

Ông chỉ tay lên một cái gác lửng phía bên trái.

Tôi xin phép được lên chỗ ở của ông để xem xét thuốc men và sức khỏe tổng quát của ông. Ông gật đầu, từ từ đứng dậy, chậm chạp nhấc những buớc chân về phía gác lửng.

Tôi hỏi liệu ông có thể leo lên cái cầu thang đó một cách an toàn không. Ông bảo ông đã làm như vậy nhiều thập niên qua rồi chẳng sao, chỉ khác là mỗi năm tháng qua đi ông lại thấy nó chậm đi một chút.

Tôi liếc mắt nhìn cái gác lửng nhỏ nhắn, khá gọn gàng, nhưng thuốc men thì để khắp nơi, trên bàn, trên tủ, trên kệ, dưới giường, và cả trong xó nhà. 

Ông nói bạn ông giúp ông đi lấy thuốc về, ông không biết uống nó để làm gì nên không dám uống mà cũng không dám vứt bỏ gì cả. 

 

Tôi nhanh chóng luợm tất cả những lọ thuốc quanh cái gác lửng, bỏ trên bàn, rồi lần lượt loại bỏ những gì ông không cần nữa. Cuối cùng ông chỉ cần ba lọ thuốc uống và một loại thuốc chích, tôi viết rõ công dụng của nó trên từng chai một, để chúng ngay trên cái bàn ăn, như thế ông sẽ nhớ uống thuốc mỗi khi ăn. Tôi coi lại sức khỏe tổng quát và chích thuốc cho ông. Như thế là đã xong việc thuốc men. 

 

Đối với những người bệnh phải sống một mình không có thân nhân bên cạnh, tôi phải bỏ thêm thời gian để lắng nghe ý nguyện của họ, nhất là ông vừa bị chẩn đoán ung thư máu. Ông đã gặp bác sĩ chuyên khoa vài lần, cả bác sĩ và ông đều quyết định không điều trị nữa, chỉ dùng thuốc chữa triệu chứng để giúp cho ông được thoải mái.

 

Tôi nói với ông tôi đến đây để giúp ông về vấn đề thuốc men và y tế, ông có thể cho tôi biết ông cần giúp đỡ gì trong giai đoạn này để tôi tìm cách gởi những dịch vụ thích hợp với những điều ông mong muốn. Tôi kể cho ông nghe một số dịch vụ của thành phố mà ông có thể cần đến.

Ông bảo cuộc sống của ông đơn giản, chỗ ở của ông lại chật hẹp, ông không cần những dịch vụ cầu kỳ, ông đã có hai nguời bạn cũng là nhân viên ở đây lúc trước, sẽ thay phiên đến thăm mỗi buổi chiều sau giờ tan việc; họ biết ý ông nên dễ hơn. Vả lại ông đang nghĩ tới chuyện có thể trở về quê cũ. Ông chỉ cần một nurse là đủ rồi.

 

Tôi cảm thấy mừng cho ông vì ông đang có những quyết định sáng suốt .Và theo nghiệp vụ, tôi cần phải biết thêm gia cảnh của ông. Nhìn lên bức tường, tôi thấy hai khung hình cũ, một khung nhỏ với hình ảnh của cô gái trẻ đẹp, và khung hình kia lớn hơn là của đôi trai gái đang tung tăng trên bãi biển. 

Tôi hỏi: "Có phải đây là vợ của ông không?”

Ông trả lời: “Đó là nguời yêu đầu đời và cuối đời của tôi.”

Tôi nghĩ thì ra đôi mắt u uẩn đó đi theo một tâm sự buồn như tôi đã đoán.

Tôi khen: “Cô ta xinh đẹp quá.”

 

Ông nhìn tôi như để dò xét tôi là người đáng tin cậy để ông mở lòng. Điều này tôi cũng có ít kinh nghiệm. Những ngày tháng cuối đời người ta thường muốn có được những người biết lắng nghe để tâm sự những kỷ niệm đẹp hoặc đau đớn trong đời, những ẩn khuất mà họ phải giữ bí mật một mình. Tôi nói tiếp: “Tôi đến đây không những giúp ông về mặt y tế mà tôi có thể lắng nghe những gì ông muốn nói một cách nghiệp vụ, nghĩa là được giữ kín và không phê phán gì cả. Tất cả những điều đó là để cho ông được thanh thản trong tâm hồn.” Ông gật đầu, nhìn tôi lại lần nữa và nói lời cám ơn. Tôi kéo cái ghế nhỏ gần đó rồi ngồi xuống như để ông biết tôi đang sẵn sàng lắng nghe ông đây. Ông đang ngồi trên cái ghế thường nhật, hớp miếng cà phê nguội, nhìn lên bức hình trên tường và nói:

“Hình ảnh của cô ta đã bám lấy cái đầu ngu muội của tôi gần năm muơi năm qua.”

Tôi hỏi ông: “Giờ ông có thấy hối tiếc điều gì không?”

Ông bảo: “Có chứ, những năm gần đây khi sức khỏe của tôi sút kém, tôi lại càng cảm thấy cần một mái ấm gia đình, những bữa ăn với người thân, và một người vợ hiền bên cạnh. Tôi chưa bao giờ có một gia đình của riêng tôi.”

Tôi vẫn ngồi yên lắng nghe ông nói tiếp:

“Ngày đó tôi hăm hai, yêu say đắm cô láng giềng bên cạnh nông trại của gia đình tôi ở Saskachewan. Tôi cố làm việc thật vất vả ở nông trại để kiếm tiền và chúng tôi có thể đi du lịch với nhau.”

Nhìn vào bức hình trên bãi biển ông nói: 

“Đó là những ngày nghỉ hè của tôi với cô ta ở bãi biển ở Mexico, một kỷ niệm không bao giờ quên được.”

Đôi mắt ông vẫn dán vào bức hình rồi kể tiếp:

“Tối hôm đó chúng tôi đi dự dạ hội trong khách sạn. Tôi không biết nhảy nên khi cô rủ tôi ra sàn, tôi cũng cố chuyển động theo điệu nhạc mà tôi có thể, nhưng nó vụng về quá. Thấy vậy, một ông ngồi đối diện, đến mời cô nhảy. Họ say sưa trong những bước nhảy Tango lả lướt thật đẹp.Trong vũ điệu chia tay cuối cùng, người đàn ông kia đã nhanh tay đưa cho cô tấm giấy nhỏ và cô chỉ kịp chuồi vào áo ngực khi tôi trở lại đón cô về.

 

Trở về Saskachewan, cô hay từ chối những lời mời mọc, rủ rê của tôi. Ba tháng sau cô nói lời chia tay với lý do là cô đã tìm được một công việc tốt ở Vancouver. Tôi cảm thấy đau buồn và hụt hẫng, nhưng tôi cũng còn mang chút hy vọng là khi cô thất bại ở thành phố lớn thì cô sẽ trở về với tôi.” Thấy ông thở dài, trông ông hơi mệt nhưng tôi khó lòng cắt ngang câu chuyện của ông. Nghỉ một lúc giọng ông đều đều kể tiếp:

“Tôi vẫn ôm mộng ngồi chờ, cho tới một ngày đẹp trời tôi đến dự buổi họp mặt với vài người bạn cũ, tôi chợt thấy cái thiệp cưới của cô nằm trên kệ bếp, tiệc cưới đang tổ chức ở Vancouver. Toàn thân tôi như phát sốt, tôi xin cáo từ viện lý do quên bẵng một việc quan trọng ở nhà, rồi chạy thẳng ra những cánh đồng đấm đá vào những bó rơm rạ như một thằng điên .

Giọng ông hạ xuống như đã chấp nhận một sự thật đau lòng:

"Khoảng một tháng sau, tôi đã quyết định rời khỏi làng quê thân yêu để đến Toronto lập nghiệp. Lúc đó tuổi đời tôi ở độ hai lăm.”

 

Nghe ông kể, tôi tưởng chừng như vừa đọc xong mấy trang tiểu thuyết quen quen, một mối tình hồn nhiên, trong trắng đã tan đi với những tham vọng của con người. Tôi tính nhẩm số tuổi của ông và hỏi: 

"Vậy là ông luôn sống ở đây gần năm muơi năm qua?”

Ông nói: “Phải rồi, hồi đó với số tiền dành dụm ở Satchewan tôi không thể thuê một căn hộ để ngồi chờ việc làm, tôi phải ngủ ở phòng trọ, hoặc trong xe truck của tôi. Một tuần sau tôi được nhận vào làm ở cái xưởng sắt nầy với sự giúp đỡ của ông chủ là tôi có thể ở trên căn gác nầy mà không phải trả tiền. Nó đã được tân trang tiện nghi hơn.” Tôi nhìn sâu vào cái gác lửng thì thấy nó đúng như là một căn hộ dành cho người độc thân.

Tôi lại hỏi:

“Có lúc nào ông trở lại thăm quê nhà không?”

Ông nói: 

“Không, trong mười năm đầu tôi chỉ làm công và cố gắng dành dụm tiền để mua một cái nhà. Sau đó ông chủ về hưu, tôi không biết làm gì hơn là phải mua lại cái công ty nầy để tiếp tục làm việc. Tôi không ngờ công việc quản lý khá phức tạp, sản phẩm của sắt không còn được ưa chuộng như trước nữa, và rồi vật giá cứ leo thang, nên tôi cứ phải miệt mài với sắt mà chẳng dành dụm được bao nhiêu nữa. Tôi ngại về lại quê cũ với hai bàn tay trắng.”

Tôi cảm thấy ngạc nhiên làm sao ông có thể sống đơn chiếc như vậy trong một thời gian dài đằng đẵng. Tôi hỏi:

“Có lúc nào ông có ý định rời xuởng sắt để làm một công việc khác không?”

Ông bảo:

 “Từ lúc tôi trở thành chủ xưởng, công việc càng bận hơn, tôi lại không có kỹ năng nào khác ngoài cơ bắp, nên hồi nào tới giờ, tôi chỉ biết sắt, những gì tôi đụng đến đều là sắt. Tôi ăn với sắt, ngủ với sắt, làm việc với sắt, lái xe với sắt,và giải trí cũng với sắt vì mỗi sản phẩm là một tác phẩm làm tôi cảm thấy vui.” 

 

Thì ra sắt đã làm cho tâm hồn ông yên ngủ, làm ông quên đi mối tình đầu phũ phàng. Sắt đã đè bẹp trái tim vốn tổn thương của ông cho đến tận bây giờ, ông không còn thương yêu ai được nữa.

Tôi nhìn ra những đống sắt vụn rỉ rét sau hè mà nghĩ tới những ngày tháng trẻ trung của một chàng trai ở thôn dã đã chôn vùi trong đó. Những cánh cửa sắt, hàng rào sắt, cầu thang sắt,... đã giam hãm cuộc đời ông lại ở cái xưởng sắt cũ kỹ nầy. Sắt đã làm con tim ông trở thành chai đá, đã biến bàn tay ông thành những gọng kìm thô ráp, và thật sự sắt đã biến ông thành một robot, một con người sắt. Và tôi cũng nghĩ rằng sắt đã làm đôi mắt của ông trở nên u uẩn, chịu đựng, rất “ngầu”. 

 

Tôi nghĩ thầm, có hai ba năm yêu đương mà ông phải trả cái giá quá đắt vậy sao? Tới mấy chục năm vất vả, cô đơn, trong cái xưởng sắt nầy, cũng lỗ cho ông thật! Nhìn vào đồng hồ, đã đến lúc tôi phải đi, tôi xin chào tạm biệt ông và hẹn gặp lại vào tuần sau. Chiều nay tôi còn phải gọi bạn ông để nói chuyện giúp đỡ ông hữu hiệu hơn.

 

Lần kế tiếp, tôi gặp ông với quần kaki và cái jacket da cũ kỹ. Mái tóc bạc màu của ông trông rất phù hợp với cái áo jacket đó, tất cả đều nhuốm bụi thời gian và sức chịu đựng tạo nên một bề dày đáng nể. Trông ông có vẻ tươi tỉnh và phong độ hơn, có lẽ là nhờ những viên thuốc trên bàn và những bữa ăn dinh dưỡng hợp với ông. Làm xong công việc chuyên môn, tôi lại ngồi xuống chiếc ghế nhỏ để lắng nghe ý nguyện của ông. Sau lần mở lòng với một người hoàn toàn xa lạ như tôi, ông cảm thấy thoải mái hơn để tiếp tục.

 

Tôi hỏi: “Ông có còn tính chuyện trở về quê cũ nữa không?"

Ông thản nhiên nói: “Đã gần năm muơi năm rồi tôi chưa bao giờ trở lại Saskatchewan. Lần này tôi muốn về đó. Tôi không thể chết trên cái gác lửng này, tôi cũng không muốn nằm chờ chết trong bốn bức tường trắng của bệnh viện. Tôi muốn tìm về tổ ấm của cha mẹ tôi ở Saskatchewan. Thật ra cha mẹ tôi và một số người thân của tôi đã mất dần theo năm tháng, tôi chỉ còn lại một người em trai đang sống ở ngôi nhà đó. Tôi muốn cuộc đời của tôi được kết thúc ở nơi tôi đã đuợc sinh ra và lớn lên, và tôi sẽ tự lái xe về đó.”

Tôi hơi ngại nên hỏi:

“Cả đoạn đuờng dài mấy ngàn dặm như vậy, liệu ông có kham nổi không?”  

Ông chậm rãi trả lời:

“Tôi nghĩ là tôi có thể làm được. Tôi chỉ lái vài ba tiếng một ngày, và sẽ để nhiều thời gian ăn uống, nghỉ ngơi. Lúc mệt tôi sẽ không lái.”

Nhìn gương mặt ông tuy có vẻ xanh xao, nhưng thân hình ông trông cân đối và rắn chắc, tôi cũng tin là ông sẽ làm được.

Tôi hỏi lại ông:

“Tại sao ông không lấy vé máy bay để đi cho nhanh.”

Ông nói ông muốn nhìn lại từng mảnh đất của quê hương trên đoạn đường lái xe, điều mà ông mong muốn từ lâu nhưng không làm được và bây giờ là cơ hội cuối cùng của ông.  Đồng thời ông cũng muốn đem tất cả vật dụng của ông, kể cả chiếc truck để ông dùng lại ở quê nhà. Giờ phút này ông không muốn cái gì của ông bị thay thế. Như vậy sẽ dễ cho ông và những người giúp ông ở trên đó. Ông sẽ khởi hành trong vòng hai tuần nữa. Tôi đồng ý với ông và nói sẽ cầu nguyện cho chuyến đi đuợc suông sẻ. Tôi lại chào tạm biệt và hẹn gặp ông tuần sau.

 

Trong lần thăm viếng cuối cùng, tôi đã chuẩn bị tất cả thuốc men, giấy tờ, những lời dặn dò và những chỉ dẫn khi gặp phải rắc rối. Tình trạng sức khỏe của ông đã ổn định. Tôi đang ngồi nán lại vài phút để hoàn tất công việc giấy tờ. 

 

Nhìn ông đang lau lại cái va li cũ kỹ mà tôi hình dung rằng, năm mươi năm trước đây một người trai trẻ đã mang trái tim vỡ đến đây để trở thành một con người sắt đá. Ông đã đến rồi đi, đã bỏ lại tất cả sức lực của tuổi thanh xuân cho cái nền móng của thành phố, và chúng tôi những người di dân đến sau, đang xây những ngôi nhà hạnh phúc trên những giá trị của cái nền móng ấy. Những tấm guơng lao động chân chính như ông đã bị lãng quên, cũng như ông đang lãng quên chính cuộc đời của mình cho tới những giây phút cuối cùng. Tôi cảm thấy mang ơn ông, một “anh hùng lao động” thứ thiệt ở xứ Cờ nây điên, những con người mà số phận của họ đã chịu làm những viên gạch đá đầu tiên, chôn vùi dưới mặt đất để làm nền tảng cho đất nước. 

 

Tôi hỏi: “Ông đã định ngày khởi hành chưa?”

Ông nói hai nguời bạn của ông đã coi lại thời tiết và cả ba quyết định là ông sẽ khởi hành vào ngày mai. Tối nay họ sẽ giúp ông bỏ tất cả hành lý vào chiếc truck, vì họ phải đi làm vào buổi sáng sớm. Như vậy ngày mai ông sẽ ra đi một mình, không trống, không kèn, không người đưa tiễn.  Ngày bỏ xứ ra đi của ông chỉ một ngựa, một người với bàn tay trắng. Năm mươi năm sau, ngày trở về quê cũ của ông vẫn là một người, một ngựa và trắng tay. Ông đã đến đây, không mang theo và lấy đi gì cả, chỉ bỏ lại tuổi trẻ. 

 

Tôi nhanh miệng nói với ông rằng ngày mai tôi sẽ đến sớm đễ tiễn ông đi, tôi có đủ thời gian mà, chắc chắn là như vậy, mặc dầu tôi biết ngày mai sẽ là ngày bận nhất trong tuần của tôi. Sáng hôm sau tôi rời nhà sớm hơn thường lệ vì sợ gặp giờ cao điểm. Tôi phải gặp ông trước giờ ông khởi hành. Vậy mà trên con đường đang sửa chữa, xe tôi phải chạy thật chậm, tôi nóng lòng cố lách từ lane này qua lane khác như một tài xế taxi chuyên nghiệp giữa dòng xe cộ đang đổ về downtown. Đến lúc gần tới chỗ của ông thì xe tôi không còn di chuyển được nữa. Ngồi sau bánh lái, mà tôi cứ mơ, mơ một cái quạt thật lớn trên mái xe để nó có thể nhấc chiếc xe tôi lên như chiếc máy bay trực thăng vậy. Tôi thật tình không muốn thất hứa với một người như ông chút nào. Vả lại, nếu thất hứa tôi cũng không còn cơ hội nào nữa nói lời xin lỗi.

 

Khi tôi tìm được chỗ đậu xe trước xưởng thì cũng là lúc tôi thấy ông đang thanh thản bước ra đứng trước chiếc xe truck, mắt nhìn quanh như có ý chờ tôi đến. Sau những lời chào hỏi, tôi coi lại những thứ cần thiết cho đoạn đường lái xe của ông, rồi đưa bàn tay nhỏ nhắn của mình để bàn tay to lớn thô, ráp của ông bắt lấy, như một cầu nối giữa yin và yan, chuyển đến ông nhiều điều may mắn trên đoạn đường lái dài, thật dài. Lần đầu tiên tôi thấy ông mỉm cuời, hình như tâm hồn ông đang sống lại với chút ấm áp của tình người.

Ông nói lời cám ơn và ngồi vào sau bánh lái, ông kéo kính xe xuống, đưa tay vẫy tôi, tôi vẫy lại, và chiếc xe từ từ chuyển bánh. Tôi đứng lại như một phút mặc niệm nhìn theo xe của ông khuất dần trên con đường cái.  

Tôi khẽ nói một mình: “Cám ơn ông, nguời chiến sĩ lao động vô danh.”

Vĩnh biệt ông, con người sắt, ông đang bắt đầu cuộc hành trình để đi về chốn vĩnh hằng.

 

Lê Cẩm Tú

Nov 2018

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.