RUỒI

Nguyễn Văn Trường

 

MỘT: TỪ CHUYỆN MỘT CON RUỒI

 

Ruồi lằn là chuyện của làng Cổ Nhuế, ngoại ô Hà Nội, của ông Hàn Sĩ1, cũng là chuyện các bãi rác Thành phố mang tên Bác của Tiểu Tử--người dân lăn lộn cùng ruồi lằn chia nhau phân và rác. Với đa số dân gian, chung đụng với ruồi lằn là số phận của người rủi ro cùng tột.  Ruồi là hình ảnh của sự dơ bẩn, là nguồn cung cấp vi trùng, là nguồn cho lắm bệnh hiểm nghèo.

Thế giới ruồi lằn là địa ngục trần gian.

Thế nhưng, anh bạn tôi—anh Lê Công Tâm—lấy Ruồi làm duyên đề nói việc tu hành của một Đức Phật.  Lấy địa ngục để nói Niết Bàn, chuyện trần tục để gợi cảm tâm linh. Có một cái gì đó vui vui, ngộ ngộ, cho tôi làm đề tài chia sẻ với huynh đệ bốn phương và mong chờ góp ý để soi sáng con đường tu học.

 

Truyện rằng:

"Con Ruồi"

"Một hôm, Đức Phật mở mắt, đứng dậy rời cội bồ đề. Ngài dạo quanh sườn núi. Nắng ấm. Gió nhẹ.  Tâm hồn Ngài trong veo như hư không. Hạnh từ bi tỏa thành một ánh sáng trên đỉnh đầu Ngài. Cuộc hành trình chứng ngộ có lẽ sắp kết thúc.
Trên đường Đức Phật cúi xuống chiêm ngưỡng vẻ đẹp trắng nuột của một khóm hoa rừng.  Bất ngờ Ngài nhìn thấy một tấm lưới nhện óng ánh giăng ngang hai nhánh lá. Một con ruồi hốt hoảng, giãy giụa nhưng không thể thoát khỏi sự trói buộc của những sợi tơ. Đằng sau chiếc lá, một con nhện luôn luôn ngắm nhìn con mồi bằng ánh mắt thỏa mãn và kiêu hãnh.
Lát sau con nhện chậm chạp bò tới. Con ruồi cuống quýt vùng vẫy. Đức Phật nghe nó kêu thảm thiết:

-Lòng từ bi của Ngài để đâu? Trong trái tim hay trong ánh hào quang?

Không suy nghĩ, Đức Phật dùng móng tay cắt một đường ngang tấm lưới, tạo một khoảng cách giữa con nhện và con ruồi. Con nhện giương con mắt đen óng nhìn Đức Phật giận dữ:

-Tại sao Ngài can thiệp vào câu chuyện của tôi?
-Ta không thể đứng nhìn sự chết chóc. Ta thương con vật bé bỏng kia.
-Thế thì ai thương tôi? Mười ngày nay tôi không có một miếng thức ăn. Lòng từ bi của Ngài đã giết tôi. Ngài không biết gì về thế giới sinh tồn cả.

Con nhện kiệt sức, rũ xuống, bất động. Đức Phật khều con ruồi khỏi lưới nhện. Con ruồi bay chấp chới chung quanh Ngài.

-Tạ ơn Ngài đã cứu tôi.
-Nếu không gặp ta thì sao?
-Tôi sẽ là thức ăn của con nhện.
-Ta đã cứu ngươi thì sao?

Con ruồi cười vang:

-Con nhện là thức ăn nuôi sống tôi.  

Con ruồi bám ngay vào xác con nhện bắt đầu thối rữa dưới ánh nắng.  Đức Phật đưa tay lên rồi lắc đầu quay trở lại. Ngài thở dài, thấy con đường còn rất xa.
Ngài ngồi dưới gốc bồ đề và tiếp tục nhắm mắt."2

 

***

 

Với 402 chữ, chưa đầy một trang giấy, với một ngôn từ bình dị, rõ ràng, một cấu trúc súc tích, một cách hành văn lôi cuốn, tác giả đã khéo dẫn tôi vào thế giới của một Đức Phật sắp-thành.

Trong câu chuyên, có ba nhân vật:

  • Đức Phật, Nhện và Ruồi.
    Vai chánh: Đức Phật. Cuộc hành trình chứng ngộ có lẽ sắp kết thúc."  “Có lẽ” tức là còn có một cái gì đó: nhập nhằng, không chắc chắn.  "Sắp kết thúc", tức chưa kết thúc; Ngài chưa hoàn toàn giác ngộ. Ngài chưa chứng quả Phật; dù rằng,"Tâm hồn Ngài trong veo như hư không. Hạnh từ bi tỏa thành một ánh sáng trên đỉnh đầu Ngài"  “36 tướng tốt của Phật không là Phật”; áo tràng, đầu trọc không có nghĩa là chân tu, đắc đạo.
  • Nhện và Ruồi là duyên cho cái gút của bi kịch thử thách hạnh từ bi của Đức Phật.
    Ruồi khích tướng."Không suy nghĩ", Đức Phật bị vào tròng: cứu Ruồi, hại Nhện.
  • Và Ngài giác ngộ: "con đường còn rất xa". "Ngài đưa tay lên rồi lắc đầu quay trở lại. Ngài thở dài".

Con đường của Đức Phật trong chuyện nầy là một vòng kín:  Khởi điểm, Đức Phật như vừa xong một thời tọa thiền, tịnh tâm, dưới cây bồ đề: Ngài mở mắt, đứng dậy rời cội bồ đề. Tâm thức thư thái. Hạnh từ bi tỏa thành một ánh sáng trên đỉnh đầu. Nhưng cuối cùng, nhận thấy con đường còn xa, ngài lắc đầu quay về chốn cũ, tiếp tục nhắm mắt, định tâm.

Ngài còn dính mắc:

  • ở hai chữ từ bi,
  • ở lời khích tướng của con Ruồi,
  • ở lời trách cứ của Nhện
  • ở cảm giác bất lực trước cảnh cá ăn kiến, kiến ăn cá.
  • ở nghi thức hay phương thức sám hối, tịnh tâm, tọa thiền.

Thế nên, câu chuyện rất là người, rất gần chúng ta. Vì tâm lành mà hại người; vì những cái bất ngờ, bất trắc, không lường trước được—bây giờ và ở ngay đây— lúc nào cũng có thể xảy ra, mà tạo nghiệp... Nói chung, một Đức Phật chưa thành, hay đang thành, mà khéo viết, khéo mô tả, như trong bài nầy, dễ đi vào lòng người, và có thể thật sâu.

Nhà Chùa thường dạy: “Mỗi người chúng ta đều có Phật tính. Chúng ta là một Đức Phật đang thành.” Có sư còn thêm: “Tu mau kẻo trễ.”

Tóm lại, một Đức Phật--tu không rõ bao nhiêu kiếp và cuộc hành trình chứng ngộ như sắp kết thúc--thế mà vừa bước ra khỏi bồ đoàn, đã vấp ngay trọng tội sát sanh. Vì từ-bi-hạnh khởi, mà làm nhện chết...

Tác giả đã qua đời, nhưng hình như Anh đã để lại đôi lời nhắn gởi cho riêng tôi:

 

HAI: LÃNH ĐẠO

 

Khi cảm nhận thành đạt ngay trước mặt, đừng để mất mình trong cao ngạo hay tự mãn, nhất là đừng tự gạt mình trong ảo ảnh mà mang trọng tội.

  • Trong đời sống, ai ai cũng có dịp giữ trách nhiệm “lãnh đạo”: lãnh đạo gia đình, học đườnglàm cha mẹ, anh chị, thầy cô giáo; lãnh đạo tinh thần—tăng, ni, linh mục, mục sư; lãnh đạo chánh quyền; lãnh đạo cơ quan: trưởng tổ, trưởng phòng, trưởng cơ quan, giám đốc, tổng giám đốc các cơ quan công, tư,…
    Và hầu hết chúng ta phải học... “lãnh đạo”. Học thì có hỏi, có suy tư, có luận bàn, hỏi sách vở, hỏi người xưa, người nay, …rồi thử nghiệm.  Thu thập kết quả, nhìn lại quá trình, lắm khi gặp duyên cho nhiều chứng ngộ. Chứng ngộ rằng mình đúng, sai, hay, dở, tối, sáng, và ước lượng độ sai lạc. Đó là quá trình tu tập “lãnh đạo”. Cuộc hành trình của đôi bên, của Đức Phật và của người đời học lãnh đạo, trong một giới hạn nào đó, thì như nhau, có khác chăng là ở phương tiện và cứu cánh.
    Nếu trong cuộc hành trình ấy, ta bắt gặp chân lý, nếu duyên đưa, ta ngộ được, như nhà thơ Tố Hữu thốt:

    Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
    Mặt trời chân lý chói qua tim
    .

    thì đ
    ừng nghĩ rằng “chân lý “ ấy là hướng đi tất yếu, con đường tất yếu cho mọi ai có lương tri.  Trái lại, phải để một phút, một giây, một sát na, để nhìn lại, nhìn vào trong, xét lại mình, xem xem có phải cái ánh sáng, cái sướng—bắt gặp “cái chân, cái lý muôn đời nầy”—đã che lấp, làm cho mình mù, mình chỉ thấy có nó; và như vậy,  nó có thể làm lòng mình chai—không nghe, không thấy, không hiểu, không cảm nhận những phức tạp, đổi thay của giòng đời. Vì đó là phút giây mà con người dễ ngộ nhận, dễ tự gạt mình, gói mình trong cái thanh thoát chứng ngộ, trong cái sướng khám phá, và có thể vì đó mà khởi đầu những tai họa cho những người thân cận, cho môi trường chung quanh.
    Hồ Chí Minh, Tố Hữu,.., lập giáo—Giáo Hội Xã Nghĩa, Xích Giáo, có thể do từ phút giây “bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim” ấy. Và các ông đã thành công xây dựng Giáo Hội Đỏ, quy Việt Nam về một mối, nhưng cũng vì đó mà, trong nhiều thập niên, gieo tang tóc ở mọi miền đất nước, gieo đói rách— đói cơm áo,đói tin tức, đói tri thức, đói tình thương, đói một đời sống tương đối ổn định, đói tự do, vì bị tù đày, tẩy não, bị giam nhốt trong một chủ nghĩa chiến tranh—chiến tranh giai cấp, liên tục, trường kỳ, không ngưng nghỉ. Nhà nhà tử sĩ, Tổ Quốc Ghi Công, anh hùng cách mạng.

    Tháp Mười đẹp nhất bông sen,
    Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ3.

    Những ca dao ấy— loại vạn tuế, tung hô— được xây dựng trên xương máu, tang tóc, đói khổ suốt nhiều thập niên dài, dai dẳng, liên tục, trường kỳ, cùng khắp, từ Bắc chí Nam.  Trong lịch sử loài người, nói riêng của các chế độ độc tài toàn trị, thì Đảng Cộng Sản đứng hàng đầu và cao chót vót, trong “công trình” tàn sát dân mình.  Staline: Đại Khủng bố: 20 triệu dân Nga4.  Mao Trạch Đông: Cách Mạng Văn Hóa, Đại Nhảy Vọt: từ 20 triệu đến 30 triệu dân Trung Quốc5.
    Vậy nếu cơ duyên cho ta khám phá một chân trời mới, một “chân lý chân thật bất hư,” mà triệu triệu cánh tay giơ lên, xác quyết: “Đây là con đường, hướng đi  tất yếu” thì:
    Hãy nhớ câu chuyện ‘Con Ruồi” trên đây. Đức Phật rời bồ đoàn, tâm tư thanh thoát, trong veo như hư không, cảm nhận cuộc hành trình chứng ngộ sắp kết thúc. Thì ngay lúc ấy, Ngài cảm nhận: mang trọng tội sát sanh.

    Và không phải bất cứ ai cũng cũng “ngộ” được là “con đường còn rất xa”.
  • Nói riêng, cho người làm cha làm mẹ, làm thầy cô giáo—là những người được xã hội giao cho cái thiên chức giáo dục trẻ thơ.  Phải thận trọng:
    Đừng vì cái thiên chức ấy, đừng vì những học hỏi, những kinh nghiệm đầy mình, cái thông mình xuất chúng của tự thân, đừng vì những giá trị văn hóa ngàn đời của cha ông, chắc như bắp rang, như thường nghe:
    Thương cho roi cho vọt,
    Ghét cho ngọt cho bùi.

    hay,
    Cá không ăn muối cá ươn,
    Con cãi cha mẹ trăm đường con hư
    .
    hay
    Công cha như núi Thái Sơn,

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
    .
    mà tự cho mình có cái quyền bạo hành trẻ thơ, sớm diệt cái hồn nhiên, ngây thơ trong trắng của tuổi ấu thơ, bằng cách nhồi nhét chữ nghĩa, giá trị, tri thức, cách nghĩ suy của người lớn, tạo ở chúng một “bước đại nhẩy vọt”, một “thần đồng” để ta khoe khoang, hãnh diện với xóm làng hay năm châu.


    “Nhân chi sơ tánh bổn thiện” là lời của Thầy Mạnh. V
    sau, J.J. Rousseau lại nói: “L’homme naît bon, c’est la société qui le corrompt.” 6Mạnh Tử không xác định rõ thế nào là thiện. Tôi cũng không rõ thế nào là tốt trong bối cảnh những tác phẩm của Rousseau.  Tôi muốn mượn thầy Mạnh và Rousseau, để minh định nghĩa hai chữ “thiện” và “tốt”, mà tôi nghĩ, làm cha mẹ, hay thầy cô giáo  nên có cái nhìn nầy. 
    “Thiện” và “tốt” chính là cái hồn nhiên, thơ ngây, trong sáng của tuổi thơ, phi giá trị, phi không gian, phi thời gian; “thiện” không phải là thiện đối với ác;  “tốt” không là tốt đối với xấu.  “Bản lai diện mục của nhà Phật” có thể --trong cái nhìn nầy— là trở về với cái tính phi giá trị, “phi thiện phi ác”7, mà ta vừa nói.

    Cho nên, nhà giáo dục—phụ huynh, thầy cô giáo— nên ghi nhận là: trong những giây phút mà mình tự tin trong sở đắc của tự thân, chắc chắn ở những giá trị và phương cách truyền đạt hay bất cứ cái chi chi khác trong quan hệ với trẻ thơ, thì phải thận trọng, luôn xét lại mình. Đời người trên dưới100 năm, mỗi tuổi có cái thời của nó, người làm giáo dục phải thấu hiểu và trân trọng cái thơ ngây của tuổi trẻ. Không khéo, sẽ như người nước Tống “bạt miêu trợ trưởng”8-- mỗi ngày, nhấc cây lúa mạ lên một tí để giúp nó chóng lớn.

    Ông Lâm Nhược Trần, tác giả “Người Việt Nam Tồi Tệ’ nhận xét:
    …quyền được học—được phát triển với đúng năng lực bản thân đang là một quyền mà phần đông học sinh VN đang bị chính bố mẹ, thầy cô, và xã hội vô hình chung xâm phạm một cách không thương tiếc.
    Tuổi thơ và những tháng ngày tươi đẹp nhất của rất nhiều học sinh Việt Nam đang bị đánh cắp bởi một logic9 đang ngày càng tỏ ra không phù hợp trong thời đại mới.”10

 

Ông nhận xét trong bối cảnh Việt Nam hôm nay, trong những năm 2000-2015. Nhưng thiết tưởng đó cũng là lời nhắn gởi cho mọi thầy cô giáo, phụ huynh ở mọi nơi, và mọi thời đại.

Sớm giết chết tính “thiện”, “tốt”, cái tính thơ dại, hồn nhiên và thiên phú của trẻ thơ hay thanh thiếu niên, là một trọng tội.

Trở lại chuyện “Con Ruồi”:
 Đức Phật đưa tay lên rồi lắc đầu quay trở lại. Ngài thở dài, thấy con đường còn rất xa.”
Ngài thức ngộ: Thất bại. Ngài có cử chỉ: chán nản.  Thái độ của Ngài: Thất vọng. Ngài là người chuyên tu, nguyện để hết đời mình trong tu hành, phương tiện là tứ vô lượng tâm, nhằm giác ngộ chân tâm, Niết Bàn tịch diệt. Thế nhưng, vừa cảm nhận thành đạt gần kề, thong dong “thõng tay vào chợ”11 thì hóa ra đó chỉ là ảo vọng.

Ai ai cũng có dịp gặp những kinh nghiệm tiêu cực, những thất bại ê chề. Nhận thức tiêu cực, thất bại –mà không biện minh, không bào chữa, không tìm đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh hoặc cho những yếu tố khách quan—có khi không là chuyện dễ. 
Ruồi, nhện không biết tiếng nói của con người.
Những lời kêu cứu, thúc dục như khích tướng của ruồi:
-Lòng từ bi của Ngài để đâu? Trong trái tim hay trong ánh hào quang?” 
và lời trách móctrong  tuyệt vọng của nhện:
“-Tại sao Ngài can thiệp vào câu chuyện của tôi?
-Thế thì ai thương tôi? Mười ngày nay tôi không có một miếng thức ăn. Lòng từ bi của Ngài đã giết tôi. Ngài không biết gì về thế giới sinh tồn cả.”
Những trao đổi bức xúc qua lại nầy là tiếng nói trong nội tâm, trong tiềm thức của Đức Phật, và không phải bất cứ ai cũng được cái duyên may cảm nhận những bức xúc nầy, nhờ đó mà được như
Đức Phật, trực diện với sự thật—“con đường còn rất xa”, trở về bồ đoàn, tiếp tục tọa thiền, nhắm mắt, chiêm nghiệm, hành trì tứ vô lượng tâm..

Thoạt tiên, tôi nghĩ: Ngài đi một vòng lẩn quẩn.
Tôi đã vội vã phê bình, lấy lý, lấy cái thang giá trị của mình mà chụp lên sự kiện. Tôi thiếu sự kính trọng với một bậc chân tu, thiếu hiểu biết trong tình người.
Nghĩ cho cùng, Ngài là một cái gương lớn: đơn thuần nhận thất bại, trở về với chính mình, tìm căn nguyên cho sự giải thoát. Giác ngộ cái gì, giải thoát ra khỏi cái gì, còn dính mắc cái gì, chỉ có Ngài biết cái bên trong sâu thẳm của Ngài.
Ngài là cái gương để chúng ta theo đó mà hành trì, tu học, tu tâm dưỡng tánh. Đó là gương sáng cho sự thành tâm, nhận thật, cho sự chịu khó, kiên nhẫn, chịu đầu tư công sức, trí tuệ, thời gian, và có thể còn nhiều điều khác nữa.

 

BA: THÁNH VÀ PHÀM


Tuy nhiên, “noi gương” không có nghĩa là “xưa bày, nay làm”. Xưa, “Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã”12, thì ngày nay, hầu hết, từ ở mọi nơi nam, nữ, già trẻ, đều hớt tóc, cắt móng tay, thậm chí có người xăm mình.
Một ông bạn tôi “cợt” cả xưa và nay: “
Làm cổ nhân có lợi lớn. Quá vãng = bất thuyết. Hậu nhân bảo nhau:” Không có tiền nhân, không có ta. Tôn được thì tôn, đừng có mà hục với hặc.”  Suốt đời của tiểu đệ ôm mộng làm sư nhưng mãi mãi cạo đầu không được vì nếu đầu của tiểu đệ mà mất hết tóc đi thì cái mỏ ác quý báu của tiểu đệ sẽ nhức nhối vì lạnh. Làm sư suông còn không xong thì làm sao có thể làm sư phụ? Thế nghĩa là đời đời không có cơ hội thăng nhiệm làm cổ nhân.”13

 

Thiển nghĩ: với cổ nhân, nên dè dặt, nhất là với bậc thánh hiền. 

Trong một giới hạn nào đó,  thánh hiền gieo bất hạnh cho loài người, hay đúng hơn vì nhẹ dạ nghe lời thánh hiền xúi dại, mà lắm người thiệt thân. Đức Khổng, thầy Mạnh giam người trong một chữ Trung—lắm người thành danh vì chết lãng xẹt cho một hôn quân vô đạo... Và như thế, trong nhiều thế kỷ. Thời xã-nghĩa14, không biết bao nhiêu thế hệ đã hy sinh làm củi đốt  vì  “Trung với Đảng”, chết vì lãnh đạo “anh minh”,…,  hoặc chết vì “chủ nghĩa anh hùng các mạng.”

Là người thì ắt không là thánh.  Là người ắt bất toàn; bản chất là khuyết.

  • Thế nên, nếu thánh hiền là người, thì đó là những người bất thường. Bất thường là không bình thường. 
  • Bất thường vì họ thuộc số ít, ít lắm.
    Người bất thường—không giống ai, khác đông đảo thiên hạ. Thế mà, được đông đảo quần chúng sùng bái, cũng  là một điều bất thường khác. 
  • Một đặc điểm của thánh hiền: Nói A rồi nói B, mà A và B đánh lộn nhau. Thí dụ:
    Dạy rằng “Dân vi quý, quân vi khinh”; nhưng đồng thời lại giam nhốt con người trong một chữ Trung, tuyệt đối: “trung với vua’.
    Nói rằng “giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do” rồi tròng vào cổ người dân một con đường tất yếu đúng của thời đại”, nói cách khác là giải phóng để tròng vào một cái gông cùm chủ nghĩa, áp đặt một chế độ hà khắc hơn,  đời nầy sang đời khác, mà lại có đông đảo người “hoan nghinh” “ hồ hởi” –nghĩ cho cùng, không chỉ  bất thường, mà còn bất tường15.
  • Thời đại chúng ta là thời đại dân chủ--hiểu nôm na là người dân làm chủ, nói rộng ra là thời đại của phàm phu. Đại đa số là phàm phu và khi sực tỉnh, cảm nhận mình có quyền sống, và đòi quyền sống. Thế nhưng,cấp lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo tinh thần-- các sư sãi, các cha, các học giả-- vẫn viện lời của thánh hiền để trám miệng phàm phu, buộc họ phải sống gương mẫu theo những qui định của nhà nước, nhà chùa hay nhà thờ...  Thêm một cái bất thường: cùng là người, mà lời của một thiểu số thánh bịt miệng được thiên hạ.

Có nên chăng kết luận rằng: Thánh hiền là những con người không bình thường, là duyên cho bất an, cho những họa lớn nhỏ của nhân loại?
Khởi sự là Khổng Tử--Đức Vạn Thế Sư Biểu— với trật tự Quân Sư Phụ, và các đệ tử của Ngài.  Nhà nho, “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.”  Chẳng lợi ích gì cho ai, học thơ văn, để thờ một ông vua, và nhờ đó mà làm cha thiên hạ, gọi như vậy là phụ mẫu chi dân.  Đó là mầm của cái họa mất nước.
Và giờ đây cả xứ đi tu, hoặc để “làm đầy tớ của nhân dân’, gắn bó với HỘI THÁNH ĐỎ, buôn quyền, bán chức, và cả buôn dân, bán nước, làm giàu trên sự thống khổ của người dân, hoặc để thành Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng, một loại thánh hiền tân lập, để không động móng tay mà được người lạy, cúng dường, cho Thầy ‘thượng tọa’16, thượng hưởng.  Tôi thiếu duyên, nên chưa thấy được những nét thông tục của đời sống các cha và các nữ tu Ky Tô Giáo.  Nhưng nghĩ cho cùng nếu cả nước, già trẻ, bé lớn, đều ngồi không, “bất chiến tự nhiên thành”, cả nước đi tu—chuyên-tu, thì ai làm ra của cải vật chất?  Nghèo là cái logic tất yếu, không có gì là bất thường cả. Cái họa vong quốc không xa.

BỐN. BÌNH THƯỜNG TÂM THỊ ĐẠO

Nhà Phật dạy: “Bình thường tâm thị đạo.” Đó là lần ít oi mà thánh hiền nói một câu có ý nghĩa.
Phàm phu là người bình thường trong thiên hạ. Muốn ngộ đạo, phải nhìn cái bình thường, nói riêng cái thế giới của những con người bình thường.

Vậy,

  • Hãy nhìn phàm phu mới thấy cuộc đời thật nó ra làm sao, mới có cơ duyên ngộ đạo.
  • Và là phàm phu, thì phải nhìn cái bình thường trong cuộc sống.
    Có đúng, có sai, có tốt, có xấu; đúng sai, tốt xấu, với ai, ở đâu, thời nào, trong bối cảnh nào, trong những thang giá trị nào. Thất tình lục dục là đươg nhiên. Tự lai tự khứ: Ý thức, theo dõi hỷ nộ ái ố ai cụ dục, và những phản ứng tự nhiên của tự thân. Nó tự đến rồi tự đi. Đó là bình thường.
  • Nếu gặp thánh hiền, thì phải nhớ: Thánh không là người, mà nếu là người thì là người bất thường.  Người bất thường có thể là điên, là khùng –Ông Đạo Khùng—cũng có thể là chi chi khác. Gặp thánh phải thận trọng, vì thánh có thể làm phép lạ; và một trong những phép lạ thường thấy là mình có thể mất mình vì nghe theo lời thánh. Ngoài cái phù du, năm chìm bảy nổi bá vạn lênh đênh của cuộc sống—mà mình đương nhiên không tránh được—phàm nhân, lắm khi, còn mang thêm vào cổ cái “phải là”, cái “đúng” của thánh nhân, thì... quá ư tội nghiệp. Luôn phải ghi trong tâm: Thánh nhân là bất thường và cũng bất tường.
  • Thánh nói lý, nói chân lý, cái lý tuyệt đối chân thật bất hư. Cái lý nằm trong cuộc đời, và không là cuộc đời.  Cái lý đơn giản hóa cuộc đời, biến nó thành ngôn ngữ, rồi theo những qui ước logic, biến cái phức tạp thật sự xảy ra, thành tư tưởng, hay cảm tính, từ đó mà suy luận.  Thế nên, chân lý, vì là lý, nên không có gì là thật cả. Cái lý không thể thật, nói chân lý –cái lý tuyệt đối đúng—chỉ có thể là một ảo tưởng, hoặc một cách lạm dụng ngôn từ.  Nói nó ‘chân thật bất hư’ là ‘cả vú lấp miệng em’ đó.
  • Khuất Nguyên, vì mang cái gương chân lý mà nhìn đời, phóng chụp cái nhìn của mình lên giòng đời, nên thấy đời đục ta trong, nên không có một chỗ cho mình trong đời.
    Ông muốn gói giòng đời trong cái nhìn của ông, gói nó trong tâm ông, mà làm sao gói, chứa một giòng chảy triền miên, liên tục, dù là trong tâm của một người. Giòng đời là giòng chảy của tử sinh, sinh tử, của những đúng sai, phải trái, của thất tình lục dục—nối tiếp thường xuyên, liên tục, vô cùng, vô tận.
    Bằng cách trầm mình trong sông Mịch La, ông như muốn nhắn gởi hậu thế: “Ta đã chạy theo ảo ảnh của một chân lý tuyệt đối, của một cái trong trắng minh bạch, rõ ràng, hoàn hảo. Ta có nhận thấy, khi nói “đời đục, ta trong” nên không có chỗ cho ta trong đời, ta cũng có nghĩ, đục trong là tương đối—không đục làm gì có trong, không trong làm gì có đục. Cái tương đối ấy là bản chất, là cái “thể”, bản thể của đời người.  Thế nhưng, ta vẫn không chấp nhận được rằng đó là thân phận làm người.

Tôi xuất thân là dân ruộng, ở tuổi thiếu niên, tôi cũng như hầu hết mọi người trong cái tuổi ấy, thèm muốn gia nhập Thanh Niên Tiền Phong, nhưng Mẹ tôi không cho.  Rồi kháng chiến,... đuổi chúng tôi ra thành thị.
Gốc rễ là nước phèn, phù sa nước đục, nhưng có cái tự do thôn dã của đồng quê. Về thành thị nước trong, nước máy, nhưng chen chúc, và lắm luật vua phép nước. Tôi trôi nổi, mặc cho giòng đời đưa đẩy.
Tôi cũng được duyên may: học sách thánh hiềnTrong biến loạn, như mọi người nhẹ dạ, tôi có cầu nguyện, cầu Phật, cầu Chúa, đi chùa, đi nhà thờ, nghe sư, nghe cha giảng cái lý muôn đời. Rồi đọc Kinh Phật, Kinh Thánh; cố theo lời dạy của người xưa mà hành trì.
Chìm nổi cũng nhiều, cuối đời nhìn lại, Trời thương, cho tôi giác ngộ nhiều việcVà duyên may, tôi không đắc, hoặc có đắc nhưng rồi cũng thấy rằng:  “Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự.”17  Đắc một quả, có thể vì thế mà bằng lòng, trụ ở quả vị đó—Phật, Thánh, Tăng— tức là cuộc sống ngừng ở đó. Vì sống là đổi thay, có đó rồi mất đó—nói là phù du, là vân cẩu, là bọt biển, là vô thường, luân hồi vạn nẻo,…, nhưng đó là đặc tính của cuộc sống. Cái hằng tồn, bất biến là biểu tượng của cái chết. Tôi không muốn “chết trước khi chết.”

Kinh Kim Cang có câu; “Bố thí mà không bố thí mới thật là bố thí.”  Bố thí—tôi hiểu trong nghĩa là buông bỏ: Buông bỏ thành kiến, tiên kiến, định kiến, mà không thấy mình phải buông bỏ, buộc phải buông bỏ, nuối tiếc mà buông bỏ, buông bỏ vô điều kiện; như vậy, mới thật sự là buông bỏ.
Buông bỏ như vậy, để đối thoại, giao lưu với người xưa, người nay, để vấn hỏi kinh sách, và nhất là để nghe, thấy, cảm nhận hết những âm điệu của giòng đời, để sống hết và sống  thật thà với những đúng sai, hay dở, phải trái, vui buồn, hờn giận của người đời. Đó là sống, sống đầy trong một cuộc sống vốn luôn là khuyết.

Với cái gốc nhà quê, pha cái nét thành thị, rồi cơ duyên  đưa đẩy, được dạy dỗ theo những thang giá trị của thánh hiền, rồi trong cơn biến, đi tìm Đạo, tìm nơi nương tựa cho tâm linh, mới ngộ ra rằng:

  • Trời thương, không cho tôi an trú ở một quả vị “hằng tồn bất biến, chân thật bất hư” nào. Cho nên phải chấp nhận giòng đời trong cái thật là của nó—không ngừng biến chuyển, không ngừng đổi thay.  Sông có nguồn, đổ ra sông lớn hay ra biển. Đời sống của loài người, thì lại không rõ từ đâu và sẽ đến đâu; nhưng là một giòng chảy, đổi thay vô chừng, không lường trước được.
    Đời của một người—trên dưới 100 năm, người xưa sánh như bóng ngựa qua cửa sổ.  Vậy, không được phí phạm.  Ở tuổi đang đi vào cửu thập, quỹ thời gian cạn dần, một lần nữa, tự dặn mình: không nên “chết trước khi chết.”18
  • Cho nên, tình thiệt mà chia sớt với hiền hữu bốn phương: Cuộc sống mỗi ngày mỗi mới, mỗi ngày mình đều giáp mặt với cái mới. Cái mới là cái mình chưa biết, chỉ vì chưa biết mà nó có lắm cái bất ngờ, bất như ý, không lường trước được. Cho nên sống là chấp nhận rủi ro, chấp nhận hiểm nguy, dấn thân vào cái chưa biết, ngay ở đây và bây giờ.
  • Vậy, dù muốn hay không, cũng phải trực diện với cái mới, ngay ở đây và bây giờ, ôm lấy giòng đời, trọn vẹn với nó. Xem vô thường là duyên may; lấy bất đắc làm động lực tiến bước.  Biết đâu, đắc rồi, lại ngồi ở đó, “ung dung tự tại”, thích thú, bằng lòng ôm lấy cái chết—cái bất biến hằng tồn— gọi như vậy là đạt đến cứu cánh, mà thật ra là “chết trước khi chết”. 
    Cho nên, nhìn Đức Phật trở lại cội bồ đề mà nhận thúc: “vô sở đắc” là duyên may; nhờ đó mà mình luôn đi tới, luôn cố làm đầy cái mà vốn khuyết, cái mà không thể làm đầy:  đùa với đổi thay, vui với tình đời.  Rồi đến ngày, Chúa kêu, Trời gọi, hay Satan bắt, thì mình lặng lẽ ra đi, không nuối tiếc.

“Con ruồi” đã dẫn tôi đi quá xa.  Thôi thì ngưng ngay tại đây, để lắng nghe lời chỉ dạy của bằng hữu bốn phương.

 

Houston, Texas, June 10 2017

 

 

 

1 https://minhlien.wordpress.com. Làng Cổ Nhuế. Hàn Sĩ, Tiến Sĩ Vật Lý. Posted 31/3/2011.

2 Đặng Thư Cưu. Đò Trăng. Tiểu thuyết, 1989.  Trích: Đặc San 22, PTGĐTĐ, trang 140-41, "Tưởng Nhớ Bạn Đồng Môn, giới thiệu Vài Trang Viết của Đặng Thư Cưu", tức anh Lê Công Tâm (1951-1991), CHS khóa (1963-70).

 

3 Bảo Đinh Giang.

4 Wikipedia. Ch Nghĩa Stalin.

5 Wikipedia. Cách Mạng Văn Hóa.

6 Ý nói: Con người sinh ra vốn là tốt.  Chính xã hội làm nó trở nên đồi bại.”

7 Lục Tổ Huệ Năng: “ không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh”

8 Đỗ Chiêu Đức: “Bạt miêu trợ trưởng”—nhóm cây lúa non, để gúp nó chóng lớn.

9 Chạy đua theo thành tích.

10 Người Việt Nam Tồi Tệ. 2016. Trang 41.

11 Từ vay mượn trong bức tranh thừ 10, của “thập mục ngưu đồ”, ý nói: Khi đã trở về với nguồn cội, thì cứ đi vào chợ (đời), thong dong, hai tay buông thõng, “tâm vô quái ngại”.

12 Mình my tóc da, cha m sinh ra, ch nên hu hoi, là hiếu trước tiên vy.

13 Email gởi cho một nhóm bạn.

14 Xã hội chủ nghĩa.

15 Điềm gở, điềm chằng lành, điềm xấu. Hán Việt Từ điển. Internet.

16 Ngồi trên

17 Tô Đông Pha.

18 Tôi không muốn chết trước khi chết là lời của một ông bạn của tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh (đã có một cuộc sống lương thiện, lương thiện với mình và với tha nhân). Khi anh được biết anh bị cancer, anh bị dao động nhiều; và sau cùng anh bảo:”sống là một hồng ân, tôi không để tôi chết trước khi chết.”

 

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.