Tác giả “Sau Cuộc Đổi Đời”, tuy gốc Huế nhưng không trụ ở Huế ngày nào, tốt nghiệp YK Saigon 1972, trưng tập YND khóa 15, tình nguyện đến phục vụ đơn vị Quân Y tại An Lộc năm 1973. Mời quý Anh Chị Em đọc câu truyện này để tìm hiểu vì sao “chỉ trong 8 tháng, từ một lính tò te, tôi trở thành đơn vị trưởng miệng còn hôi sữa, cổ áo chỉ mới đeo 2 mai vàng Trung Úy mà đã gánh trách nhiệm của một Y Sĩ Thiếu Tá, kiêm luôn cả chức vụ Giám Đốc BV phối hợp Quân Dân Y tỉnh Bình Long, và lãnh luôn chức Trưởng Ty Y tế - mà không tăng lương cho tôi một đồng.” Cả 3 chức vụ ở tuổi 26! Quả đáng nể. Do tinh thần phục vụ quả cảm và kinh nghiệm quý báu trong chiến tranh, tác giả nhanh chóng hoàn tất chương trình giải phẫu tổng quát và trở thành một Fellow du College Royal des Medecins et Chirurgiens du Canada vào năm 1981, sau khi định cư tại Canada năm 1975.

BBT trân trọng cám ơn BS. Thân Trọng An (bút hiệu Trần Kim Vân) hiện là Trưởng Khối Báo Chí / Hội Y Sĩ Việt Nam tại Canada, đồng thời cũng là Chủ Bút của Tập San Y Sĩ, Canada, có ý chia sẻ câu truyện riêng của đời mình, để kỷ niệm Tháng Tư Đen 1975.

** Xin được nói rõ thêm trước đây có BS. Thân Trọng An từ Pháp về dạy ĐH YK Huế trong thập niên 60. Chán nản vì các biến cố tranh đấu của Phật Giáp, BS. Thân Trọng An rời Huế và sau đó trở về lại Pháp. Tác giả bài viết này cũng là BS. Thân Trọng An. Nhưng trong gia tộc Thân Trọng, anh là BS. An « Nhỏ » so với BS. An « Lớn » kia hiện đang ở Pháp.

 

Một chút phong trần sau cuộc đổi đời

Trần Kim Vân

 

Thương mảnh chiến bào

Sau khi chính thức mang danh vị Bác Sĩ Y Khoa, tôi ăn lễ Giáng Sinh xong là lên ngay đơn vị nhận chức, thay thế bạn hiện dịch cùng lớp Lý Phương Lâm mãn hạn. Y sĩ trưởng là Y sĩ Đại Úy Lê Quan Tín, hơn tôi bốn lớp, đã từng dạy kèm tôi Anatomie và quen thân với tôi từ trước qua các cuộc tranh đua bóng chuyền và đá banh, các buổi ăn nhậu chung với nhiều bạn gái trong đó có Cao Thị Xuân Ánh, học sau tôi một năm, mà anh Tín rất thích. Trưởng Khối Chuyên Môn là bạn cùng lớp Chu Phú Chung, vì là Quân Y hiện dịch nên đã ra đơn vị từ gần hai năm trước.

                

      cửa xuống hầm BVTK                                            tại nghiã trang An Lộc                                                                                                       sát bên cạnh mộ biệt kích dù

 

Trong các tuồng cải lương khi người chinh phu lên đường thì kép độc rên rỉ:

Ngày tôi đi mưa giăng buồn chợ tỉnh , nhưng buổi sáng tôi thui thủi một mình ra đơn vị thì trời Sài Gòn và An Lộc vẫn nắng chang chang, trực thăng vẫn lên xuống đều đều để lúc khoảng 11 giờ trưa, tôi đáp xuống An Lộc thì chỉ thấy một xe jeep lổ chổ dấu đạn ra đón ; các anh em khác đang bận công vụ. Trình diện Y sĩ Trưởng xong, được bổ nhiệm đặc trách phòng ngoại chẩn và phòng mổ rồi, tôi được đưa ngay sang phòng bên cạnh là chỗ ăn ngủ chung của tôi với một anh bạn mới mà sau này chúng tôi vui buồn có nhau, đó là Nha sĩ Trần Kim Long. Bốn giờ chiều hôm đó tôi nhận được lệnh « xuất quân » của Y Sĩ Trưởng.

 

Anh Tín trông cậy vào tôi để Quân Y phục hận Tòa Tỉnh trên sân quần vợt. Từ trước đến giờ, lần nào đụng nhau bên Bệnh Viện cũng thua dài, vì đường banh của trung úy Giang, sĩ quan tùy viên của đại tá Tỉnh Trưởng Nguyễn Thống Thành trên cơ tất cả mọi người (nhờ vậy anh ta mới được mang về làm sĩ quan tùy viên). Kết quả thì quý bạn đoán được rồi đó. Lúc đó tôi mới thua bán kết giải 1ère série Cercle xong, nên đường banh ác hiểm, mạnh và bay bướm lắm, bên Đ/T Thành và t/u Giang thảm bại, mỗi trận tụi tôi phải tặng cho một cây gậy để chống (theo truyền thống trong Cercle thì không bao giờ tranh giải mà hạ đối phương 6/0 và 6/0, luôn luôn phải lịch sự đỡ hư bốn lần giao banh để kẻ thua có một jeu làm vốn). Đ/T Thành tức quá, bắt tôi đấu đơn với t/u Giang, thì kết quả cũng vậy thôi. Tôi thấy tội nghiệp t/u Giang, múa một cây vợt gỗ khá cũ nên vội nói là tôi nhờ có vợt sắt kiểu mới (hiệu Head) nên anh ta không quen banh, và tặng anh ta cây vợt sắt thứ nhì của tôi, hiệu Wilson.

Trên đời, đâu phải cứ tài giỏi, đoạt thắng lợi là hay đâu, Nguyễn Du rất có lý với câu có tài mà cậy chi tài .

Ông Đại Tá Tỉnh Trưởng qua lần gặp gỡ đầu tiên này trên sân quần vợt yêu tài quá, khổ nỗi không thể đem tôi về làm sĩ quan tùy viên được nên độc tài phán quyết: «Bs đi phép ngày nào cũng được, nhưng 3 ngày cuối tuần phải ở lại An Lộc với tôi. » Về sau, khi rảnh rỗi ông ta còn dắt tôi đi cáp độ tennis với các vùng khác, như Bình Dương, Long Khánh. Khi nào muốn chắc ăn thì ông ta chỉ cần núp sát lưới, còn toàn sân để tôi bao dàn.

Lúc đó tất niên nên các đơn vị nhậu nhẹt nhiều lắm, và tôi cũng học đòi uống Napoléon, Ông già chống gậy (rượu đế nội hóa chứ không phải Johnny Walker) trong nón sắt với lính tráng và sĩ quan các đơn vị bạn mới quen.

Công việc của tôi quá nhàn hạ so với thời gian làm nội trú, sáng làm ngoại chẩn, giải phẫu bất cứ lúc nào khi có thương binh, một vài khi rất hiếm phải làm Césarienne hay đỡ đẻ cho vài bà nhất định bám trụ đất An Lộc (còn độ chừng 50 thường dân, hầu hết là phụ nữ, ở lại mở quán ăn, tiệm tạp hóa bán cho khoảng 2000 lính Biệt Động Quân và Địa Phương Quân bị bao vây trong một diện tích chừng 15 cây số vuông hoàn toàn nằm trong tầm pháo địch quân). Sau đó đi trại bệnh, 40 cáng trên hai dãy trại mái tôn, trên phủ năm sáu lớp bao cát. Bs Tín, Bs Chung và tôi chia nhau và chung nhau các công tác này, không ai nề hà, không ai so bì kỳ kèo. Đúng là huynh đệ chi binh, huynh đệ đồng môn.

Chiều chiều, chúng tôi vác vợt ra sân dợt banh, thường có  Đ/T tỉnh trưởng và t/u Giang thách đấu, nên chúng tôi được đãi ăn dài dài. Nhiều khi Thiếu tá Ngô Văn Toàn, trưởng ty An Ninh Quân Đội cùng với đệ tử là thiếu úy Hảo cũng tham dự. Thảng hoặc đang giao banh mà nghe tiếng đề pa là chúng tôi nhảy tọt xuống ngay các hố cá nhân đào bên cạnh, quần áo, giầy vớ tennis trắng tinh lúc đó bắt màu đất đỏ trông hết sức phong trần.

Tối đến anh Tín và tôi tiếp đón Trung Tá Thế, Tiểu Khu Phó và Trung Tá Quý, Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu, trên bàn mạt chược để kiếm chút cháo đãi anh em trong bệnh viện ăn sáng. Chầu rìa thì thường có Thiếu Tá Toàn, ngồi bên cạnh học nước cao.

Ra đời mới biết học giỏi thật giỏi không ích lợi bằng những tài vặt. Vị thế chuyên môn cùng các biệt tài tennis và mạt chược đã giúp cho anh Tín và tôi thắt giao hảo thân thiện với các đơn vị bạn, nhờ thế mà khi Quân Y cần việc gì cho anh em thì đều được đáp ứng đầy đủ và nhanh chóng. Tại An Lộc, quan trọng nhất đối với chúng tôi là ẩm thực và chỗ đi phép trên trực thăng (rất hạn chế cho anh em binh sĩ và hạ sĩ quan). Nhưng nhờ tình ngoại giao này mà tất cả anh em trong bệnh viện đều được biệt đãi, không bao giờ có người bị bỏ lại.

Cuộc sống quân ngũ cũng có lúc này lúc kia, khi thì bận việc túi bụi, lúc thì nhàn hạ đến chán nản, khi thì hăng say trong công việc, lúc thì buồn nhớ bè bạn, anh em, cha mẹ trong những đêm dài trằn trọc thao thức :

Những đêm biên cảnh sống xa nhà,

Cũng thấy đôi lần nhớ xót xa

Cũng có đôi lần tao muốn khóc

Muốn về thăm mẹ...  thế nhưng mà ...

 

Mẹ tao chỉ muốn tao quanh quẩn

Lính kiểng châu thành, lính phất phơ

Mày nghĩ, tụi mình như cánh gió

Ai đi nhốt gió được bao giờ

 

Tôi xin tả sơ nếp sống hằng ngày của anh em trong BVTK Bình Long.

 

Bệnh Viện Tiểu Khu dã chiến này nằm trong một cái hầm của Lực lượng biên phòng cũ, dài khoảng 20 thước, rộng khoảng 6 thước, cao khoảng 1 thước 80, trên có mái tôn và 5-6 lớp bao cát che miểng pháo của địch, nằm trong khuôn viên Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, cách hầm chính và antenne  truyền tin cao nghệu chừng 20 thước. Phòng ngoại chẩn nằm trên nóc hầm, ngang với mặt đất, chỉ rộng đủ kê một cái bàn gỗ nhỏ và hai cái ghế. Trong hầm chia làm 6 gian, phòng mổ nằm chính giữa, chiếm gần 9 thước bề dài, có thể kê 3 bàn mổ liền nhau và 1-2 giường hồi sinh. Bên phải là phòng của Nha sĩ Long và tôi, kế tiếp là phòng của anh Tín, sát cầu thang lên xuống miệng hầm là phòng của Bs Chung và Trung úy Trợ Y Xả. Bên trái phòng mổ là nơi của các hạ sĩ quan và y tá trực, cạnh nữa là kho thuốc nho nhỏ. Ban ẩm thực do Hạ sĩ Bình chịu trách nhiệm, nấu ăn cho thương bệnh binh và cho các sĩ quan, chúng tôi hằng tháng đưa cho anh ta vài ngàn lo ăn hai bữa trưa và chiều. Đồ nhà gởi lên tiếp tế thì sĩ quan tụi tôi ăn chung thêm, không phân biệt của ai đem ra mời. Chỗ nấu nướng kiểu ngự trù phòng này nằm trên mặt đất, cũng có mái tôn che mưa nắng. Khi nghe tiếng pháo địch đề pa thì tụi tôi chạy xuống hầm rất tiện. Bữa cơm tiêu biểu của sĩ quan tụi tôi sau vài ngày không tiếp tế được, khi trực thăng bị bắn rơi vài chiếc, gồm có cơm gạo mốc (còn lại từ trận chiến năm 72, gạo sấy vẫn để dành), chao và vài miếng khô cá. Sáng sáng, anh Tín và tôi thường sang hầm truyền tin cũng ở sát cạnh ăn «à la ghi» ông thượng sĩ già một tô mì gói và một tách cà phê bí tất, sau quen thành ghiền luôn, về phép ăn sáng ngon đến đâu cũng thấy nhớ mùi vị tô mì gói ở An Lộc.

Lúc nào cũng có một sĩ quan đi phép 4 ngày một tháng, những ngày kia túc trực và làm việc trăm phần trăm cũng đâu có sao, tụi tôi theo quan niệm làm cho hết việc :

 

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,

Xếp bút nghiên theo việc đao kim

 

 

Làm sạch, khâu vá

gây tê bằng bloc axillaire

 

Khi đụng trận lớn, vài lần anh Tín và tôi phải giải phẫu cùng một lúc trên hai bàn mổ sát cạnh nhau, bàn thứ ba có thể giao cho t/u trợ y Xả vá vài vết sướt hay khử trùng và băng bó những vết thương nhẹ, hay bó bột dưới sự chỉ dẫn của chúng tôi.

Có nhiều trường hợp thương tâm, mặc dù chúng tôi hết sức cố gắng cũng không cứu sống được đồng đội, hay không bảo toàn được đầy đủ tứ chi, chỉ còn biết lo giải phẫu cấp kỳ rồi tản thương về Tổng Y Viện Cộng Hòa.

 

Phần còn lại các quân nhân khác thì ăn ngủ tại Bệnh Viện Quân Dân Y phối hợp cũ, điêu tàn, nặng trĩu vết tang thương sau khi hứng bom đạn từ trận chiến mùa hè đỏ lửa, cách hầm chúng tôi 10 phút đi bộ. Tinh thần anh em quân y khá cao, thân ái với nhau. Chỉ có chuyện đi phép là lôi thôi khó xử. Có vài người luôn luôn đi phép về trễ (chúng tôi đã phải báo cáo đào ngũ) để anh em ở lại bị đi phép trễ một cách oan uổng, mãi về sau tôi mới tìm ra cách thuyết phục, ai trở về đúng hạn kỳ, lần sau sẽ được thưởng đi phép sớm hơn và lâu hơn.

Ba tháng sau khi đáo nhậm đơn vị, tôi đương nhiên lên chức Trưởng Khối Chuyên Môn khi bạn Chu Phú Chung mãn hạn được thuyên chuyển, và năm tháng sau nữa đến lượt anh Tín đổi về Liên Đoàn 73 Quân Y tại Long Bình, nắm Đại Đội 73 QY lưu động. Trong tháng 8 năm 1974 tôi bị bổ nhiệm Y sĩ Trưởng thay thế mặc dù tôi xin miễn. Cục Quân Y trả lời  thi hành trước, khiếu nại sau.  Như vậy là chỉ trong 8 tháng, từ một lính mới tò te tôi trở thành đơn vị trưởng miệng còn hôi sữa,  cổ áo chỉ mới đeo hai mai vàng trung úy mới toanh mà đã phải gánh trách nhiệm của một Y sĩ Thiếu Tá. Đặc biệt hơn nữa, Đại Tá Tỉnh Trưởng Thành bắt tôi kiêm nhiệm luôn chức vụ Giám Đốc Bệnh Viện Phối Hợp Quân Dân Y tỉnh Bình Long, và lãnh luôn chức Trưởng Ty Y Tế, mà không tăng lương cho tôi một đồng nào. Có lẽ tôi là đơn vị trưởng kiêm nhiệm một lúc 3 tước vị trẻ tuổi nhất trong QLVNCH, lúc đó tôi mới 26 tuổi đời mà đã phải chỉ huy 4 Y sĩ, 1-2 Nha sĩ, 2 Dược sĩ, 3 sĩ quan Hành Chánh và Trợ Y cùng 35  quân nhân các cấp khác, không kể khoảng 100 nhân viên Bộ Y Tế rải rác tại Chơn Thành, Bình Dương, Rừng Lá và một địa điểm kế cận đó, tôi quên mất tên, và phải trách nhiệm sức khỏe (trên giấy tờ) cho hơn 50 ngàn di dân của Bình Long và ít nhất là 40 thương bệnh binh. May quá, bên dân sự tôi nhờ cậy được ông quản lý là người vẫn điều hành công việc từ 2 năm nay.

Đội một lúc 3 cái nón nên tôi trách nhiệm nhiều hơn. May thay, lúc đó Cục Quân Y đã gởi lên An Lộc cho tôi thêm 3 Y sĩ và 1 Nha sĩ của khóa 16  QY Trưng tập. Các Bs Nguyễn Đệ, Phạm Gia Hưng, Trần Ngọc Thành đều học sau tôi một lớp, và Ns Bửu Ngôn, vào trường (Nha) sau tôi 3 năm lên thay nha sĩ Trần Kim Long. Đến đầu năm 1975, tôi bất ngờ nhận thêm một đàn em trẻ hơn 2 lớp thường gọi là Hoàng Sokarno lên tiếp sức.

Cũng trong thời gian này, tôi gặp lại Bs Nguyễn Ngọc Ấn của Biệt Động Quân (trên tôi một lớp) bị VC bắt và nay trả về trong chương trình trao đổi tù binh. Liên Đoàn 32 BĐQ nhận thêm tại An Lộc Bs Nguyễn Mạnh Tiến, Liên Đoàn 33 BĐQ nhận Bs Nguyễn Hồng Đức (đều sau tôi một lớp) nên lực lượng Quân Y trong vùng chưa bao giờ hùng hậu như vậy.

Với nhiệm vụ mới là Trưởng Ty Y tế Bình Long, tôi đã phải thường bôn ba theo Đ/T Tỉnh trưởng đến chỗ di tản dân An Lộc tại Rừng Lá tỉnh Long Khánh, và tại ngoại ô Bình Dương để cho nhân viên Bộ Y tế từ Bình Long về các nơi đó tỵ nạn bớt cảm thấy bơ vơ bị chức sắc bỏ rơi, dân chúng một phần nào được an ủi khi thấy chính quyền VNCH không hoàn toàn mang con bỏ chợ. Tôi cũng phải bay trực thăng vào Chơn Thành vài lần để đồng cam cộng khổ với nhân viên chi y tế và nhóm quân y sở tại, cũng bị vây hãm như chúng tôi tại An Lộc, mọi tiếp tế đều phải cần đến trực thăng và bị pháo kích hằng ngày. Thật đúng cảnh

Cuối năm tốt nghiệp, khoác chinh y

Bom đạn lầm than, sá quản gì

Nơi chốn sa trường say khói súng

Thản nhiên nào nghĩ chuyện an nguy

 

Chúng tôi ăn pháo đều, đụng độ nhiều khi khá gay go, và tôi xin kể ra một vài trận đánh và kỷ niệm khó quên.

Ngay buổi đầu tiên khám ngoại chẩn, tôi đã xém chết.

 

Chuyện là mới ra trường với tinh thần khoa học của một nội trú tân khoa, khi coi bệnh cho một anh trung sĩ già than đau lưng, tôi đã khám rất kỹ và chắc chắn anh ta giả vờ, nên từ chối không gởi về TYV Cộng Hòa xin khám chuyên khoa (tôi nghĩ mình là chuyên khoa rồi mà) và học đòi nói kiểu nhà binh : “Đừng cà chớn nữa, mày không có bệnh gì cả”, nên cũng không cho nhập viện hay nghỉ bổ dưỡng tại hậu cứ, khiến anh ta phải trở về chốt chiến đấu. Lính mới tò te, trường Quân Y đâu có dạy những ca kiểu này, làm sao tôi hiểu được là phần đông lính chính quy bị chuyển vào Địa Phương Quân tại An Lộc vì là đào binh hay tại vô kỷ luật. Những quân nhân này ở đây không cách nào đào ngũ hay trốn về thăm nhà được, nên thường mượn cớ khai bệnh, may ra thì lừa được một tân y sĩ ngây thơ, tìm một chỗ trên trực thăng về Sài Gòn và thực hiện mưu đồ. Ngày tất niên, quá thất vọng, anh ta về đơn vị nhậu say, rồi xách súng M16 vào la lối kiếm tôi. Tình cờ anh Tín đi ngang, kinh nghiệm cùng mình, hỏi ra lý do và dẫn anh ta vào Connex, tịch thu súng rồi nhốt anh ta ngủ trong đó cho dã rượu, chiều đến tha cho về.

Lần thứ hai tôi bị dọa bắn nữa là do đánh mạt chược, tôi không nhớ rõ lý do, tại nói gì hay tại bắt khung bắt anh ta đền một ván bài mà nghe kể lại (không kiểm chứng) một bạn khác cũng say rượu, cũng ồn ào xách M16 qua Bv tìm tôi, và cũng do anh Tín giải quyết tốt đẹp. Hại thay cái vạ miệng để tôi hai lần bị người ta vác súng định xơi tái.

Trong một lần pháo kích ác liệt, VC có đề lô hướng dẫn đã bắn vào giờ đi làm buổi sáng, khiến cho tôi bị 1 binh sĩ thiệt mạng (binh nhất Nguyễn Văn Dở, tài xế xe Hồng Thập Tự), một chuẩn úy trợ y già tên Lũy bị thương nặng nơi hàm dưới và cổ đang ngộp thở đến nỗi tôi phải làm trachéotomie gấp để cứu sống, sau lành được giải ngũ, nhưng bị giọng nói hơi thều thào (paralysie d'une corde vocale) làm tôi ân hận mãi, không rõ tại tay nghề lúc đó không linh hay tại mảnh đạn. Dược sĩ trung úy Ẩn bị gãy hở hai xương cẳng tay phải cũng được chính tôi débrider, bất động với nẹp bột rồi sau đó cả hai đều được tản thương về Bệnh Viện 3 Dã Chiến Bình Dương.

Trong một trận khác, chúng tôi nhận rất nhiều thương binh, toàn là BĐQ nên mọi người đều bận rộn tưng bừng. Trung sĩ nhất Nguyễn Kim Anh, chuyên phụ trách gây mê, khi hăng say băng bó thương binh, vô tình bị đứt tay và tự chích cho mình một mũi thuốc ngừa uốn ván. Chừng 10 phút sau anh ta bị shock anaphylactique và từ trần trong tay tôi và Nguyễn Đệ, mặc dù chúng tôi đã cấp cứu đủ mọi cách, intuber, biết rõ bệnh và rành phương pháp trị liệu.

Có một lần tôi leo lên mặt đất hóng gió, phì phèo điếu thuốc, bỗng dưng muốn tìm một cuốn sách đọc chơi, nên xuống hầm trở lại, lục lọi chưa kiếm ra thì địch đã pháo đúng ngay chỗ tôi vừa ngồi trước đó. Đúng là tại chưa tới số cho nên trời xui đất khiến cho tôi rời chỗ bất thình lình đi tìm sách đọc.

Còn khi tiểu đoàn 92 BĐQ của Trung Tá Lê Văn Ngôn rút khỏi Tống Lê Chân, về đến An Lộc, chúng tôi bị tràn ngập bởi công việc, lo chăm sóc anh em không kịp ăn, không kịp ngủ, chữa bệnh và giải phẫu tối tăm cả mặt mũi, mãi 2 ngày sau Liên Đoàn 73 QY mới tăng phái. Dịp này Nguyễn Minh Ngọc được đưa lên phụ giúp tôi, bạn cùng lớp gặp nhau tay bắt mặt mừng, đổi mệt thành vui:

Giữa rừng gặp bạn mừng hơn vàng

Ôm nhau hai đứa cười ha hả ...

 

Khi Phước Long thất thủ, tụi tôi cũng bị tấn công khá nặng và phải chăm sóc thêm nhiều thương binh từ Sông Bé chạy về, thêm nhiều trường hợp tâm thần phải khuyên giải và chữa trị.

Đích thân tôi đã ba lần cứu sống cán binh và cán bộ VC bị quân trinh sát Tiểu Khu phục kích bắt về, một lần tôi đã cả gan từ chối phòng 2 Quân Đoàn không cho thẩm vấn ngay tù binh lúc sức khỏe anh ta chưa ổn định.

Sau khi mất Ban Mê Thuột, sau khi Pleiku bị bỏ ngỏ,... ngày 28 tháng 3 năm 1975 BVTK/BL được bốc về Lai Khê, tái phối trí tại Long Bình, trong khi chờ đợi, được tăng phái cho BVTK/Biên Hòa.

Đùng một cái, Y sĩ Đại Tá Lương Khánh Chí, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 73/QY gọi tôi vào gấp và trực tiếp ra lệnh tôi phải gởi (vào chỗ chết) một Y sĩ tăng phái cho Chơn Thành. Tôi thương xót các bạn đàn em nên tình nguyện nhận nhiệm vụ này. Đại Tá Chí nhìn tôi một lúc lâu rồi nói: “Đây là lệnh, anh chỉ định Y sĩ nào ít thâm niên nhất”. Trở về đơn vị mình, tôi tập họp tất cả anh em y sĩ trình bày rõ lệnh, và Hoàng can đảm nhận lệnh, lên trực thăng bay vào Chơn Thành cùng với 2 Y tá. Bs Đệ và Bs Hưng còn nhớ buổi họp này chứ? Hai tuần sau, tôi ra tận mặt trận phía bắc Lai Khê đón đoàn quân đang mở đường máu rút từ Chơn Thành về, không thấy Hoàng và hai bạn y tá đâu cả, nên buồn thúi ruột.

Khi đó không ai biết tin tức của nhóm quân y này. Tôi cầu mong và hy vọng, các đồng ngũ này chỉ bị thất lạc hay bị bắt làm tù binh, rồi sau cuộc chiến trở về an toàn .

Ngày 21 tháng 4 năm 1975 tôi nhận được lệnh về trình diện Ông Tổng Trưởng Y Tế trong tư thế Trưởng ty. Tối hôm đó, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lên đài truyền hình THVN băng tần số 9, loan báo từ chức sau một bài diễn văn trách Mỹ rất dài và chi tiết. Tổng Trưởng Y Tế đương nhiên thay đổi, nên ngày hôm sau tôi trở về đơn vị, rồi từ đó về sau toàn là chuyện vô vị cho đến ngày ra đi.

 

Trong thời gian tại ngũ này, tôi được 3 bằng tưởng lục cấp sư đoàn, một bằng tưởng lục cấp quân đoàn, vừa mới được đề nghị huy chương Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao đồng (chưa kịp được gắn mề đay) và vẫn mang cấp bậc trung úy. Lương tháng trung úy Y sĩ trưởng là 27 000 đồng, chỉ đủ xoa mạt chược còm sau khi đóng tiền cơm. Tôi hãnh diện lúc nào cũng thanh liêm và chính trực, không biển thủ hay nhận một xu nào hối lộ, không ăn chận tiền bạc của bất cứ ai, không lợi dụng chức vụ ký chứng thương hay văn kiện nào gian dối, không bao giờ bị tiền bạc và uy quyền chi phối. Vì vậy, lính các đơn vị tác chiến rất tin tưởng và thương mến tụi tôi nên thường mang vào BV biếu những quả sầu riêng thơm tình đồng đội, những miếng thịt chồn hương hoặc thịt nai nặng nghĩa huynh đệ chi binh. Bv từ thời anh Tín cho đến tôi thường là nơi tỵ nạn của những sĩ quan bị trù ếm, đày ải. Với uy tín và lòng tinh khiết, cùng với cảm tình chiếm được từ trên bàn mạt chược, trên sân tennis chúng tôi đã giúp đỡ được thực sự cho nhiều chiến hữu mắc nạn. Thiếu Tá Quang của Bộ Chỉ Huy Tiền Phương, Thiếu úy Kính, Chuẩn úy Vi-Phăng còn nhớ chăng những ngày An Lộc? Thiếu Tá BĐQ Phan Văn Ninh nay ở Montréal vẫn khỏe chứ? Ông này giúp đỡ sắp xếp chỗ trên trực thăng cho chúng tôi rất nhiều.

Binh sĩ tác chiến, năm thì mười họa mới được đi phép, từ ngoài chốt về Tiểu Khu chờ chỗ trực thăng, thường ôm theo một số tiền rất lớn (bạc triệu) vì gần như là tiền lương của cả Đại Đội hay tiểu đoàn bị một hay hai người tóm gọn trong các canh xập xám sau mỗi kỳ lãnh lương. Chỗ gởi tiền an toàn nhất và miễn phí vẫn là phòng ngủ của Bs Tín, Bs An, Bs Đệ.

Một điểm son cho BVTK/BL là các Bs trẻ của khóa 16 trưng tập cũng lý tưởng và thanh liêm như tôi vậy, nên giờ này khi tình cờ gặp lại nhau, dân An Lộc ngày xưa vẫn thân ái và quý mến nhau như anh em một nhà.

Kỷ niệm chiến trường tại An Lộc nhiều lắm, tôi nhớ không hết và kể mãi sẽ nhàm. Biết bao anh em các đơn vị khác còn chưa nhắc lại những chuyện thương đau, lắm gian truân và hiểm nghèo hơn nữa, xin cho tôi tạm ngừng nơi đây.

 

 Ngày di tản buồn

Trên sàn chiếc C141 chở chúng tôi từ căn cứ Clark bay đến Guam, trong nỗi mệt nhoài nằm ngồi nghiêng ngả, ngủ gà ngủ gật, gia đình tôi băn khoăn lo nghĩ cho một tương lai vô định, không biết ngày mai sẽ ra sao, khi cương quyết bỏ hết cơ nghiệp và mồ mả ông bà quyết chí tìm tự do. Cha tôi nói với tôi là nếu có phải sang đến tận Ba Tây (Brésil) cày sâu cuốc bẫm thì cũng chịu, miễn là được tự do sum vầy, đủ ăn thì đã đủ vui lòng (lúc đó tôi nghĩ thêm nếu không có nước mắm và cơm thì thèm lắm).

Từ Guam chúng tôi được đưa vào Fort Chaffee, Arkansas. Gặp Vĩnh Đại và Tuyết Hoa nơi đây. Tuần sau nữa thì gặp được 2 gia đình ông bác và ông chú của tôi cũng được Hoa Kỳ bốc đi như chúng tôi, nhờ công của bà chị con chú con bác ruột với tôi có chồng làm ngoại giao rất cao cấp trong chính phủ Mỹ. Ngày 18 tháng 5 năm 1975 chúng tôi đáp xuống phi trường quân đội St Hubert của Canada và được đưa về Hotel Queen tại Montreal làm thủ tục di trú, được chính thức công nhận tỵ nạn chính trị.

Ôi ! Chữ “apatride” (vô tổ quốc) trên tờ giấy chứng nhận lúc đó sao thảm não quá chừng. Thấm thía và buồn làm sao mối hờn vong quốc.

Ngày hôm sau tụi tôi đi thành phố Quebec ngay và sẽ từ từ xây dựng lại tự nơi này.

Si tu peux voir détruit l'ouvrage de ta vie

Et sans dire un seul mot te mettre à rebâtir

 

Khi tìm được chỗ ăn ở cho cả đại gia đình, gồm có cha mẹ, bốn anh em tôi, cô em gái nuôi và vị hôn thê của tôi mà cha mẹ cho đi theo bên nhà chồng tương lai, chúng tôi bắt đầu tìm cách thích nghi với cuộc sống mới, mà đương nhiên là tinh thần và tâm hồn còn bị giao động rất nặng từ các biến cố tức tưởi nước mất nhà tan.

Chúng tôi làm đám cưới rất đơn giản cuối tháng 7 năm 1975, và vợ tôi là người đầu tiên trong gia đình tìm được việc làm, ngay từ tháng 6, phụ tá cho một nha sĩ Quebecois già.

Tại Quebec, tôi gặp lại anh chị Bs Trần Đình Thắng là bạn thân từ thuở trong Cercle, cùng đánh tennis và cùng xoa mạt chược, và anh chị Bs Lê Bá Quát. Anh Quát học cùng lớp và đã có đóng phim «Chân trời tím» hồi còn là sinh viên.

Từ Montréal, Bs Mạc Văn Trọng, cũng rất thân với tôi như anh Thắng vậy, và Bs Nguyễn Hữu Tùng là em cô cậu với mẹ tôi, thường cho biết tin tức và các thành quả của tập thể Y sĩ Việt Nam tỵ nạn đang vận động tranh đấu tìm cách trở lại nghề. Nhờ mối liên lạc này mà tôi hy vọng và lạc quan hơn trong các dự tính tương lai.

Mùa thu năm 1975, nhờ em tôi học với một giáo sư gốc Đông Đức dạy môn Vi sinh học tại phân khoa Y, Đại Học Laval, và kể chuyện nhà, Bs Ackerman thương tình điện thoại và sau khi biết tôi có một chứng chỉ Anatomy do một giáo sư Hoa Kỳ ký tên đã liên lạc với Trường Y. Bs Gérard Girard, sau khi  ‘interview’  xong nhận tôi làm moniteur en anatomie. Sau đó, tôi giới thiệu Bs Thắng, ông ta cũng nhận luôn. Lương được trả 15 dollars một giờ, 6 giờ một tuần, giúp tôi đủ tạm sống (lúc đó lương tối thiểu tại Canada là $ 2,10 một giờ).

Anh em Y sĩ ở Montréal, dưới sự lãnh đạo khéo léo của Bs Nguyễn Tấn Hồng (cựu Tổng Trưởng) đã thành công trong việc vận động xin được một khóa luyện thi và sang năm 1976 Y sĩ Đoàn Quebec mở kỳ thi tuyển nội trú, mở cửa cho «FMG» mít được học hỏi và thi lấy bằng hành nghề sau ít nhất một năm thực tập thành công trong các Bệnh viện của Quebec.

Tôi thi đậu cuộc khảo hạch đầu tiên này tại Canada, và được nhận làm Interne rotatoire tại Bệnh Viện Laval năm 1976, thi đậu ra trường và LMCC năm 1977, được bằng hành nghề Omnipraticien. Nhưng tôi ghi tên học Résidence en Chirurgie Générale và đeo đuổi 4 năm học chuyên khoa này tại các Bệnh Viện thành phố Quebec, đến năm 1981 thì tốt nghiệp với 2 chứng chỉ chuyên khoa Giải phẫu tổng quát của tỉnh bang Quebec, và của toàn cõi Canada, được thêm tước vị FRCSC nữa (Fellow du College Royal des Medecins et Chirurgiens du Canada).

Để bày tỏ lòng biết ơn với dân Quebecois rất thiếu Y sĩ chuyên khoa tại các nơi xa xôi, tôi là người VN duy nhất lúc đó tự nguyện, chọn Bệnh Viện Chandler tại một vùng hẻo lánh (rất thơ mộng với Rocher Percé) trong vịnh Gaspésie và hành nghề tại đây gần 6 năm, gần như là spécialiste thường trực duy nhất của bệnh viện. Đến tháng 7 năm 1987 thì tôi về định cư tại Montréal từ đó đến giờ.

 

Thử vác ngà voi

Sau những thành quả đầu tiên thu lượm được, tập thể Y sĩ VN tại Canada thành lập Hội Ái Hữu YS VN và ra mắt rất sớm một Nội San, lúc đầu chỉ có vài trang đánh máy mổ cò, bỏ dấu tay, làm sợi dây liên lạc với nhau, giúp ích lẫn nhau rất nhiều trong việc loan tin, chỉ dẫn cách hội nhập, cách luyện thi và các thủ tục này nọ. Nhờ Hội Y sĩ tiên phong này mà hầu hết anh em ở Montréal, rồi ở Canada tìm được cách trở lại nghề trong danh dự. Về sau Hội bỏ hai chữ ái hữu và trở thành Hội Y Sĩ Việt Nam tại Canada, luôn luôn uy tín và hữu ích cho anh em cho đến giờ.  Tờ Nội San trưởng thành rất mau, trong hơn 10 năm đầu là tiếng nói duy nhất của tập thể Y Sĩ Tỵ Nạn khắp trên thế giới tự do, sau đổi tên thành Tập San Y Sĩ.

HYSVNC chủ trương nhân ái, tương trợ, phát huy văn hóa, khuyến học và thực tiễn giúp đỡ các Y Sĩ tỵ nạn đến sau ôn luyện bài vở, học thi vào Nội trú để trở lại nghề. Tinh thần này được anh chị em bên Canada phát huy và thực hành rộng rãi nên Hội càng được quý trọng và yêu mến.

Năm 1987 cũng là một năm quan trọng của tập thể Y Sĩ tỵ nạn. Đại Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do được thành hình và tổ chức tại Montréal, kết hợp được sức mạnh toàn khối trên bình diện toàn cầu, là ĐHQT đầu tiên, tiên phong cho các hội đoàn khác bắt chước. Từ ĐH I này, Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do chính thức thành hình tại Paris năm 1991. Sang đến 1995 thì Y Giới thỏa thuận tổ chức chung với nhau Đại Hội Quốc Tế của mỗi ngành. Kỳ I được tổ chức tại San José, California, và tổ chức kiện toàn từ Đại Hội Quốc Tế các Y-Nha-Dược Sĩ Việt Nam Tự Do kỳ II tại Montréal năm 1997, nhằm kỷ niệm 10 năm ngày hội ngộ đầu tiên.

Về định cư tại Montréal năm 1987, tôi bị lôi cuốn vào tinh thần đóng góp và dấn thân của các vị đàn anh nên bắt đầu sinh hoạt hết mình từ năm 1989.

Trong các trách nhiệm này tôi đã sinh họat chung với rất nhiều Hội Đoàn và các tổ chức bạn, đã có dịp gặp gỡ nhiều bạn cùng khóa, cùng chí hướng. Xin nhắc đến các Bs Trần Chính Trực trong Đại Hội Kỳ III 1993 tại Orlando, Bs Cao Hữu Tích, chủ Tịch Hội Y sĩ VN tại Texas,  Bs Đặng Văn Chất trong Đại Hội QTYNDSVNTD kỳ IV 2002 tại Anaheim, Bs Từ Phấy hiện là chủ tịch Hội Y Sĩ VN tại Washington DC và vùng phụ cận.         

Tôi cũng có dịp điều hợp và tổ chức nhiều buổi ra mắt sách, vài buổi thuyết trình văn hóa của giới Y Sĩ và thân hữu.

Cuộc đời quả thật là kỳ diệu, từ một thanh niên chỉ thích thể thao, đùa giỡn với trái banh hay say mê múa vợt, nay tôi biến thành một ông già học đòi múa một cây bút cùn, xao lãng hẳn những đam mê thời trai tráng.

Thay lời kết

Con đường tôi đi thoắt cái đã dài gần 60 năm rồi. Nhờ những kỳ duyên và những lần hụt, những lần lỗi hẹn mà tôi được ngồi đây viết những hàng chữ tâm tình này. Mấy ai đủ bình tĩnh và sáng suốt để biết,

Bại không nản, thắng không kiêu,

Đừng vì danh lợi mà xiêu cánh bằng

 

Số mệnh đã ưu đãi tôi những đoạn đường thẳng băng dễ dàng và bằng phẳng, cũng như thử thách sơ sài qua vài khúc quanh co, đầy cạm bẫy và khó nhọc. Tôi tùy thời, tùy duyên đã đi qua một cách vô tư cũng như đã phải cố gắng phấn đấu như tất cả mọi người, thành quả cuối cùng vẫn chưa biết ra sao, không biết còn được hay là phải đi bao xa nữa? Tôi nghĩ đến luật bù trừ của tạo hóa, đâu ưu đãi mãi một ai, và càng tin vào nghiệp quả, vào phúc phần lúc tóc bắt đầu muối tiêu.

Tôi viết ra đây những kỷ niệm của tôi với tấm lòng thành thật, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (1 bis), hy vọng giúp ích được phần nào cho các thế hệ sau khi muốn tìm hiểu về lối sống và những thử thách của thế hệ chúng tôi.

Tôi nghĩ tôi chưa đóng góp tích cực được nhiều như tôi mong ước, nhưng cũng chưa phạm điều sai lầm quan trọng để phải ân hận, ngoại trừ cái vạ miệng vẫn chưa sửa đổi được bao nhiêu. Nói chung thành quả của tôi trên con đường đời đến giờ này chỉ nghĩ cũng «thường thường bậc trung.»

Tôi vẫn tin vào tính quật cường và sức dẻo dai của dân tộc Việt, biết dĩ nhu chế cương, đã vượt thắng bao thảm cảnh trong lịch sử từ hơn 2000 năm nay, và hy vọng một ngày không xa quê hương sẽ được thật sự tự do, no ấm, thanh bình, thịnh vượng.

 

Trích bài « Con đường tôi đi », trong tập Một Chút Đam Mê của TKV

bài này viết ngày 23 tháng 9 năm 2006, hiệu đính 4 tháng 4 năm 2022

 

 

 

 

 

 

 

 

         


Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.