Tết của Gia Đình Tôi

 

Minh Nguyệt Graves

 

Như thường lệ, ông khách người Mỹ lại tới. Nhưng hôm nay, trông ông có vẻ bảnh bao hơn, áo quần thẳng thớm, có xức cả nước hoa nữa. Tò mò tôi hỏi, “Hôm nay ông đi chỗ nào đặc biêt hả?"
-“Không, tôi đến chúc cô năm mới thôi,” Ông nói.
Tôi đùa, “Hôm nay 16 rồi, sao ông không đợi qua tháng 2 rồi chúc luôn!”
Ổng cười, “Tôi chúc Tết cô, năm mới Âm lịch ấy!”
Tôi ngạc nhiên, “Tết Âm lịch thì còn cả tháng nữa mới tới lận mà, chúc chi sớm vậy?"
Ông đáp, “Tuần sau, hai vợ chồng tôi đi du lịch, về lại Austin thì sẽ qua Tết rồi.”
Ông tặng tôi phong bì lì xì màu đỏ, và một bình hoa nhỏ có những cây tre may mắn, ở đây gọi là Lucky Bamboo, để chưng ở tiệm. Ngoài những cây tre, bình hoa còn có một nhánh Đào bằng nhựa màu trắng hồng. Ông bảo, “Hai vợ chồng tôi đi chợ, nhìn thấy bình hoa này, tôi bảo vợ tôi, mình nên mua tặng cô Minnie, những nét hoa văn trên bình hoa làm tôi liên tưởng tới cô ấy.”
Rồi ông tiếp, "Cô biết vợ tôi nói sao không? Bà ấy bảo, tôi biết ông thích cô ấy, mà tôi cũng thích cô ấy luôn. Ai không thích cô ấy, mới là chuyện lạ!!! Cô ấy vui vẻ, nhiệt tình, đúng không?”
Tôi nghĩ bụng ông này già mà ga-lăng ghê, khéo ăn khéo nói, rồi hỏi tiếp “Thế bà có khoẻ không ông?”
Ông cười bảo, “Để tôi kể cho cô nghe. Cách đây mấy hôm bà vợ đi làm về, nửa thật nửa đùa hỏi,
-“Có anh bạn trong Facebook muốn ông viết một bài về Tết cổ truyền Việt Nam, ông nghĩ có làm được không?”
Uh! Có gì mà tôi làm chẳng được nào? Bà này, coi thường chồng quá! Phải không cô. Ka ka ka, tôi đùa chút thôi. Cuối tuần vừa rồi, tôi viết xong rồi cô à.
Tôi hỏi, “Tôi có thể xem chuyện ông viết được không? Tiệm đang lúc vắng khách, mà ông bà lấy nhau chừng ấy năm, chắc là ông rành về Tết lắm nhỉ?”
Ông nháy mắt cười với tôi, “Rành thì tôi không dám nhận, nhưng đủ chuyện dở khóc dở cười để kể cho cô nghe thì tôi có sẵn!"

----

Như cô đã biết đó, vợ tôi là người Việt Nam. Trước khi quen bà ấy, tôi không quen biết ai là người Việt Nam cả. Lần đầu gặp gỡ, tôi đã thích bà ấy rồi. Tôi nghĩ, “Chắc bà ấy là người Việt Nam đẹp nhứt ấy nhỉ?”
Ai dè, sau khi lấy nhau, bà vợ dẫn tôi đi chợ Hồng Kông, là một cái chợ của người châu Á, chủ yếu là người Việt Nam và người Hoa (Vì tôi thấy chữ Việt Nam và chữ Hoa viết trên các bảng hiệu và bảng giá) thì tôi thấy bao nhiêu là người đẹp!!! Ôi các cô gái Việt Nam sao mà duyên dáng thế.

 

Hồi đó, chúng tôi còn ở dưới miền South, mà chợ thì khá xa, cũng phải gần 20 miles, nên mỗi tháng chỉ đi chợ đó có một lần thôi. Trước đây tôi rất làm biếng đi chợ, mặc dù chợ rất gần. Nhưng sau khi cưới bà vợ người Việt thì tự nhiên tôi siêng hẳn lên. Đợi sáng Chủ nhật là tôi hỏi, “Hôm nay mình có muốn tôi chở đi chợ không? Gần Tết rồi, chắc là chợ sẽ bán nhiều thứ hơn đó.”
Tôi thật ra đâu có ăn thức ăn Việt, tôi chỉ muốn đi chợ để ngắm các cô gái thôi. Chủ nhật, nhiều cô đi lễ nhà thờ hay đi chùa về, trong trang phục áo dài, rồi họ đi chợ luôn. Trong tà áo dài, họ trông thướt tha, thùy mị, lả lướt đẹp quá, không ngôn từ nào diễn tả được!!!

 

Tết năm đầu tiên mới lấy nhau, muốn làm vợ vui, tôi đi chợ mua lồng đèn giấy, bao lì xì, mời gia đình em gái út, hai vợ chồng hàng xóm hai bên (Bán anh em xa, mua láng giềng gần đó mà!) để giới thiệu gia đình mới của mình.
Vì vợ tôi vẫn phải đi làm, nên tôi giúp vợ làm tiệc. Nói là tiệc cho oai, chứ chỉ là buổi gặp mặt cuối năm thôi. Tôi hỏi, “Thế những dịp lễ lớn như Tết, người ta mặc cái gì? Vợ tôi bảo, “Áo dài.” Vậy là tôi năn nỉ bả và cả 2 đứa con gái nhỏ, “Mặc áo dài vào nhé!”
Nhưng con bé Sa không muốn, nó phụng phịu “Áo chật, mặc vô đánh cái tay cao là rách nách thì ai chịu?”
Tôi phải năn nỉ một hồi, cuối cùng nó ra yêu sách, cho nó 10 đồng, nó sẽ mặc trong 1 tiếng đồng hồ, nếu mặc lâu hơn phải trả thêm tiền!
Con bé nhỏ Vivi thì dễ tính hơn, chỉ đòi phải chở nó đi chơi ở Chucker Cheese (Chỗ có mấy trò chơi và bán thức ăn cho con nít.)
Thường thì vợ tôi đi làm suốt, chỉ nghỉ ngày Chủ Nhật. Tết cũng không ngoại lệ. Đợi bà ấy đi làm về, tôi giúp đem các dĩa trái cây bày trên bàn thờ cúng Phật, nhưng cúng giao thừa thì tôi không chờ được, trời khuya mưa lạnh tôi làm biếng. Tôi giả vờ hỏi, “Hay bà cúng sớm trước đi, rồi đi ngủ cho khỏe, chứ đợi đến nửa đêm, lâu lắm.”
Bà ấy bảo “Đã gọi là giao thừa thì phải đợi tới nửa đêm chứ. Ông mệt thì cho đi ngủ, không phải đợi, tui làm một mình được mà.”
Sáng mồng một Tết, tôi chở cả nhà đi chùa. Hồi đó, chùa tận trên Leander khá là xa. Bà ấy nghiên cứu ở đâu mà bắt tôi phải đi ra khỏi nhà nhất định phải đúng 10 giờ, lại bắt tôi phải mặc áo màu đỏ. May thật bữa Giáng Sinh, tôi mới tậu cái áo màu đỏ, khỏi phải tốn tiền mua áo mới. Tới chùa, bà ấy bày cho tôi chắp tay lạy, khấn nguyện và xin Xăm.

 

Tết xong, khoảng vài ba ngày, thì bà ấy lại lo cúng đầu năm. Một mình bà ấy lo đi chợ, nấu nướng, tôi không cần phải làm gì cả.
Thật ra, không phải năm nào, chúng tôi cũng làm những việc giống nhau.
Có năm, bà ấy không cúng Giao thừa ở nhà, mà thay vào đó chúng tôi đi chùa lúc gần nửa đêm, để xin lộc, là một nhánh đào, hay một nhánh tre may mắn, bao lì xì chùa tặng có đồng xu 25 cent hoặc chùa Tàu thì cho tờ 1 đồng mới, kèm theo một mảnh giấy nhỏ in lời chúc năm mới, hay cũng có khi chùa cho trái Quýt, hình như tượng trưng cho điều gì đó mà tôi chưa kịp tìm hiểu.
Có năm Sa, Vi vi rủ thêm bạn cùng đi chùa, rồi cho tụi nó mượn áo dài để mặc, thật là vui.
Có năm Tết cũng nhằm ngày chùa cúng cho một gia đình vừa mới mất 100 ngày, gia đình họ thiết tha mời gia đình tôi ở lại dùng bữa, bọn nhỏ mừng lắm vì được ăn ngon, còn được cho trái cây, bánh chưng đem về.


Thuở đó, Austin có chùa Linh Sơn chính ở Leander, và ngôi chùa nhỏ, làm trên cái mobile home ở đường Duval. Những dịp lễ lớn như Tết, Vu Lan, Phật Đản, người ta chỉ tổ chức ở chùa chính. Các sư cúng dâng lễ, giao thừa tặng lộc, và các em trong gia đình phật tử múa hát tặng bà con.
Ở đây, nếu Tết rơi vào ngày thường, ít người đi chùa, vì phần lớn vẫn đi làm, nên chùa thường tổ chức các hoạt động vào Chủ nhật trước hoặc sau đó. Vì không có các sư thầy hay sư cô để làm lễ.
Vợ tôi tin nhiều thứ, cử kiêng cho đầu năm. Nhưng đi chùa sáng mồng 1 lấy hên là một việc chưa bao giờ bà ấy bỏ lỡ. Bà ấy nói vậy nè, "Dù thầy bói coi quẻ, xem hướng nào tốt đi xuất hành thì cũng cứ lên Chùa lễ Phật là hướng tốt nhất.”
Có chùa Tàu ở đường Lamar gần tiệm, đầu năm tới thắp hương, người ta bán mấy cây tre may mắn hay cây lá đồng tiền lấy hên, và có cả khuyến mãi mua 5 tặng 1 nữa. Người Tàu đúng là có đầu óc kinh doanh, bất cứ lúc nào cũng mua bán được, ngay cả Chùa cũng không ngoại lệ!
Ở chùa Việt Nam, chúng tôi lì xì cho Sư cô, hay góp chút tiền công đức lo hương khói cho các vong linh thờ trên chùa. Nói cho cùng, Chùa cũng phải trả tiền nhà bank, tiền điện tiền nước, cuộc sống ở Mỹ là vậy, ai mà chẳng biết nhỉ?
Thật ra, Tết, ngoài chuyện cúng quảy ở nhà, đi chùa, còn có nhiều điều vợ tôi rất chú trọng nữa đó.
Chuyện kiêng cử là buồn cười nhất. Không ăn Pumkin vì cô ấy bảo tên Việt của nó là “Bí”, mà bí là không “Thông”!!! (Bí đao, bí đỏ, tất tần tật không đụng đến nhé!)
Bà ấy nhất định không cho quét nhà, hút bụi, (tôi càng khoẻ!) Hỏi vì sao, bà ấy bảo, “Chỉ được vô thôi, không có ra mô anh ơi! Ra là xui xẻo, không tốt!” Tôi định đùa, nhưng sợ bà ấy giận nên thôi, chứ tôi nghĩ bụng, “Có vô thì phải có ra, chứ cứ vô hoài, sức ai mà chịu cho thấu!!!"
Ngày đầu năm, bà ấy luôn luôn đưa tôi ít tiền mặt, dặn tôi tới nhà bank, bỏ tiền vô để có tiền vô suốt năm! Tôi đùa, nếu những điều đó là đúng sự thật, thì sao mình chưa giàu lên em nhỉ?


Vợ tôi cố gắng giữ gìn văn hoá của Việt Nam, nơi cô ấy được sinh ra và lớn lên, trong ngôi nhà Mỹ nay, giữa cuộc sống của đất nước hợp chủng quốc Hoa Kỳ, là một điều không phải dễ. Hai đứa con gái ở hai nơi, vẫn được nhận tiền lì xì, tuy nhiên, không phải trong bao phong bì màu đỏ, mà chỉ là chuyển khoản trong nhà bank thôi, vừa tiện, vừa nhanh. Bà ấy không bao giờ quên gọi phone, text, nhắc tụi nhỏ nhớ đi Chùa lạy Phật đầu năm.
Tụi nhỏ làm theo hay không thì tôi không biết!
Còn nói chuyện thức ăn thì tôi có mấy kỷ niệm vui vui.
Năm nào bà vợ cũng mua bánh Chưng, bánh Tét, nhưng có ai ăn đâu? Vậy là cất vào tủ đá, có khi cả năm sau mới ăn xong!

Năm đầu tiên vợ tôi làm dưa món, mua đu đủ, cà rốt, củ kiệu, nước mắm và đường, đang nấu thì có bạn gọi phone, mà hồi đó chưa có cell phone, chỉ có phone để bàn, nên bà ấy nhờ tôi để mắt tới nồi nước mắm đang nấu trên bếp.
Ai dè, tôi cũng quên, định bụng ra ngoài hút điếu thuốc xong sẽ vào lại, tới khi quay trở vào, nước mắm sôi, tràn ra ngoài soong, làm tắt bếp và bay mùi nồng nặc khắp cả nhà. Cả tuần sau vẫn còn hôi, mặc dù tôi đã mua đèn sáp thơm thắp khắp nhà, rồi mở hết cửa sổ, tháo hết màn cửa ra giặt…
Gia đình tôi nấu ăn ở trong nhà, chứ không nấu ngoài garage hay patio như các gia đình khác. Tôi nói, "Bếp là để nấu ăn, sống thì phải biết hưởng thụ, của cải vật chất phục vụ cho mình chứ có nhà mà không dùng thì để làm gì?"
Có năm vợ tôi làm dưa cải, đến khi mở ra ăn thì cải bị hư, vợ tôi cứ than vãn, không hiểu vì sao?
Tôi hiểu nè, nhưng không dám nói. Lý do là vì, lúc cô ấy nấu nước muối để cho nguội, tôi vô tình pha cà phê, với tay lấy lon sữa bò để gần đó, tính tôi “đoảng”, mắt lại kém, để rơi cái muỗng có dính sữa và cà phê vô soong nước muối. Lanh trí, tôi lấy ra, nghĩ bụng, chắc cũng không làm cải hư. Ai dè, hư thiệt!
Vợ tôi còn làm Chao nữa. Bà ấy bảo hồi xưa bà ngoại cũng chỉ làm Chao vào dịp Tết mà thôi. Nhưng mà hồi mới lấy bà ấy, tôi đâu có biết! Một bữa gần Tết, đi làm về, tôi thấy cái khay, để gần lò sưởi, phủ mấy lớp giấy màu trắng nhưng bây giờ đã chuyển qua màu vàng ngà ngà, một cái mùi thum thủm khó chịu tôi ngửi thấy dù tôi chưa mở giấy ra! Tò mò, tôi lật ra thì thấy bị mốc đen mốc vàng, trông ghê quá! Tôi nghĩ, “Bà này, lẫn thật rồi, làm cái gì không biết mà để quên ở đây đến độ bị nấm mốc luôn.” Tôi làm siêng dọn dẹp đem cả khay đi vứt ngoài thùng rác lớn sau vườn, đợi đến chiều tính sẽ khoe công với vợ.
Bà ấy vừa về tới nhà, lục lọi tìm mấy cái chai thuỷ tinh nhỏ, rồi săm săm tới lò sưởi, tìm lui tìm tới một lát mới hỏi tôi, “Ông có thấy cái khay tôi làm Chao để ở đây ai cất đi đâu rồi không?” thì tôi nói, “Bị lên nấm mốc đen thui, tui vất ngoài thùng rác rồi!”
Ôi chao ơi! Lần đầu tiên tôi thấy bà vợ tôi "chết sửng!!!” Phải hết mấy giây bả mới “hồi tỉnh” để giải thích cho tôi hay, làm chao thì phải đợi đến khi đậu hủ nổi mốc meo như vậy mới ngon!!!
Năm đó, cả nhà không có chao ăn!!! (Mà tôi có biết ăn chao đâu nhỉ?)
Vợ tôi cũng thích ăn thịt heo đầu dầm với nước mắm đường. Ở chợ người ta bán cả cái đầu heo, cô ấy thuê họ cắt ra làm thành 8 phần, rồi luộc 2, 3 miếng chứ không có soong nào đủ to để luộc nguyên cả cái đầu heo. Cô ấy thông minh thật đấy chứ!
Còn một món chắc chắn phải có trong mấy ngày Tết của vợ tôi là món thịt bò gân dầm xì dầu. Khổ nỗi, sau khi ngâm, thịt bò cứng lắm, rất khó cắt. Mà cái món này phải cắt thiệt mỏng, thì ăn mới ngon. Nhìn vợ hì hà hì hục cắt, đau tay, tôi thương quá, mới mày mò ở Ebay, tìm mua cho bà ấy một cái máy cắt thịt. Từ đó, bà ấy đỡ đau tay mà thịt cắt rất mỏng, rất đẹp và ăn rất ngon (Là bà ấy bảo vậy, chứ tôi đâu có ăn mà biết!)

Vợ tôi không tin vào việc cúng đốt giấy tờ vàng bạc như bên Việt Nam. Tôi cũng không tin đâu. Tôi đọc báo thấy người ta làm cả xe hơi, xe máy, nhà lầu để đốt cúng cho người chết. Rồi có cả áo quần, giày dép, tiền, phone…
Tôi biết, niềm tin là quyền của mỗi người, tôi không phê phán người khác, vì biết đâu, khi họ làm những điều đó, họ thấy an lòng, hay được an ủi vì như được gần gũi hơn với người thân ở bên kia thế giới thì sao?


Ở chợ Mỹ Thành, có múa Lân suốt ngày, họ treo lồng đèn tròn màu đỏ, các chữ giấy màu đỏ, rồi người ta dựng cả sân khấu ngoài trời, thuê ca sĩ từ các tiểu bang khác về hát, người ta đi chợ, luôn tiện coi văn nghệ, rất là đông, hết cả chỗ đậu xe luôn.
Đi thăm người quen, theo lời bà vợ, là tập tục người ta làm ở Việt Nam. Năm đó, sau khi đi Chùa, bà ấy mua thêm mấy cây tre may mắn ở chùa, kèm thêm mấy nhánh Đào cắt ở nhà vì đang ra bông rất đẹp, hai vợ chồng dự định đi thăm mấy người quen và tặng họ. "Nhưng tôi thật thất vọng," ông nói.
Gọi bà A. để coi bà ấy có ở nhà không, thì bà trả lời đon đả, “À, cám ơn nhiều, nhưng tui đang đi làm, đang bận khách nè. Khỏi phải tới nhà, tới chỗ tui làm đưa tui cũng được!”
Gọi ông B. cũng chẳng hay ho gì hơn, “Cả 2 vợ chồng đi làm, cứ để quà trước cửa nhà, chiều về lấy cũng được!”
Gọi tiếp cô C."A, tui đang đi mua sắm với mấy đứa nhỏ. Cứ đặt trước cửa, không ai lấy đâu.”
Sự bất quá tam, tôi chở bà vợ về nhà, không thăm viếng ai nữa, và cũng từ đó, một tập tục Tết bị mất đi.


Năm 2009, Tết mà trời mưa lâm thâm suốt ngày, bầu trời xám xịt, u ám, lạnh lẽo. Tôi chở vợ qua thăm ba mẹ vợ để chúc Tết. Gõ cửa không thấy ai trả lời, gọi phone cũng không ai cầm máy, chúng tôi đoán ông bà đi vắng rồi. Lúc trở ra lại xe, vợ tôi tần ngần đứng nhìn quanh vườn, tự dưng quay qua nói với tôi, “Sao tôi thấy cảnh vật buồn quá ông à. Đầu năm mà cảm thấy buồn thật không hay chút nào! Sợ năm ni chắc có chuyện không hay!”
Khi nói vậy là vợ tôi nghĩ đến ông ngoại vì ông đã già 83 tuổi, lại bị bệnh tim, huyết áp cao, nhưng ai dè đâu tháng 4 thì bà ngoại đau chỉ có 1 tháng thì mất.


Trước đó, Tết nào vợ tôi cũng nhắc tôi đi thăm mộ mẹ của tôi. Nhưng tôi chỉ ậm ừ, "Mẹ mất lâu lắm rồi, từ 1990 lận, linh hồn bà chắc chắn lên thiên đường. Tôi vẫn nghĩ đến mẹ, bà ấy luôn ở trong tim tôi, bà biết rồi mà!” Tôi chống chế.
Nhưng sau khi mẹ vợ tôi mất, và chôn cùng nghĩa trang, thì vợ tôi nhất định bắt tôi phải đi thăm mộ của mẹ tôi. Tết năm đó, tôi chở bà ấy đến văn phòng của nghĩa trang, đưa cho họ thông tin cá nhân của mẹ tôi, chỉ mấy phút sau, người ta in ra cho tôi cái bản đồ hướng dẫn để tới ngôi mộ của bà. Nhìn vợ tôi thành khẩn khấn vái trước bia mộ của mẹ tôi, tôi có cảm giác như mẹ đang ở quanh quẩn đâu đây? Tôi như nhìn thấy mẹ mình đang mỉm cười nhìn chúng tôi… Lần đầu tiên, tôi nghi vấn, “Chết không có nghĩa là hết sao?”


Còn chuyện gì nữa nhỉ? À, coi hướng để xuất hành đầu năm. Tôi đang băn khoăn, năm nay bà vợ tôi sẽ bắt tôi phải xuất hành theo hướng nào để được hên cả năm nhỉ?
Tôi cũng cầu mong sao, Tết sẽ không rơi vào ngày trong tuần, bởi vì tôi sẽ phải lái xe lòng vòng theo đúng hướng mà bà ấy muốn trong lần xuất hành đầu năm, cho dẫu biết nếu làm vậy, tôi sẽ bị trễ giờ tới chỗ làm, rồi tôi sẽ phải giả làm bộ mặt âu sầu, xuống giọng năn nỉ bà thủ trưởng của mình rằng là…"Tết Việt Nam, mà bà biết rồi đó, tôi làm ở đây 16 năm, cũng là 16 năm tôi lấy bà ấy, có năm nào tôi làm khác được đâu!!!”
Tết, ngoài mấy chuyện kể trên, thì chuyện mặc áo quần cũng quan trọng lắm!
Mỗi năm bà vợ coi bói trong internet, đầu năm phải mặc áo màu chi, đeo nữ trang màu chi để lấy hên, rồi bả cũng bắt tôi phải làm theo. Giờ nhìn lại những bức hình gia đình, thấy đủ màu luôn, có năm màu vàng, cam, đỏ, xanh,… suốt 16 năm lấy bà, giờ nhìn lại cũng đủ mấy sắc cầu vồng!


Vợ tôi thích mặc áo dài, nhưng ít có cơ hội để mặc. Vì sao ư? Vì bà ấy làm nghề Nails, mà chả ai mặc áo dài để làm Nails cả, nó vướng víu, bất tiện lắm. Nhớ có năm, tiệm cô ấy làm tổ chức thi hóa trang trong dịp lễ Halloween, họ quy ước mỗi người sẽ mặc trang phục của nước mình.
Cô người Mễ mặc cái áo đầm dài tới gót chân xoè rộng…"mênh mông”, với đôi giày cao bồi và cái mũ rộng vành to bự chảng. Cô người Ấn Độ, mặc váy và áo ngắn hở rún, đeo thật nhiều nữ trang, và có cả chiếc khăn choàng mỏng hững hờ. Cô châu Phi vấn đầu cao và quấn ở ngoài chiếc khăn rực rỡ, cùng bộ váy tay phồng to cũng rất “chói lòa”, và dĩ nhiên bà vợ tôi trong bộ áo dài thướt tha, đôi giày cao gót, và hai tà áo xẻ khoe chút da trắng hồng xinh xinh ở vùng eo, cùng với đôi kiềng bạc đeo ở cổ và tay. Ấy vậy mà chỉ mới 3 giờ chiều, bà vợ tôi nhất định bỏ dỡ “cuộc thi”, bởi vì không cách chi làm việc được. Bà ấy bảo, “Đi tới đụng cái này, đi lui đụng cái kia, đổ bể đồ, dung dịch chảy tùm lum."
Tôi đùa, “Sao không ráng đợi đến tối, coi ai đẹp nhất?” Năm đó cô Ấn độ thắng. Tôi an ủi vợ, “Vì em bỏ dở, chứ đẹp như em thì chắc chắn thắng thôi, họ có mắt mà như mù, chẳng phải như anh!!!”


Nếu bạn hỏi tôi, người phụ nữ mặc gì đẹp nhất, thì tôi sẽ không chần chừ để trả lời ngay, “Áo dài”. Hình ảnh bà vợ và 2 đứa con gái trong chiếc áo dài luôn luôn là hình ảnh tôi yêu thích nhất. Vẻ thướt tha của hai tà áo, với những bước đi uyển chuyển của các cô gái, khiến tôi liên tưởng đến vẻ đẹp của Việt Nam, một đất nước xa xôi nhỏ bé ở bên kia bờ đại dương.
Bà vợ tôi điệu lắm, Tết nhất định mỗi năm phải mặc một màu, không chịu mặc lại áo cũ. Mỗi lần về Việt Nam, bà ấy may cả 5,10 bộ, cho cả 3 mẹ con mặc chung. Bà ấy bảo ở Houston người ta có may, nhưng tiền công đắt lắm vì phải may bằng tay. Một bộ may ở đây, ít nhất cũng phải 200 đồng, trong khi đó về Việt Nam may, chỉ khoảng 40 đồng thôi.
Có lần bà ấy hỏi tôi có muốn mặc áo dài như những người đàn ông Việt Nam lớn tuổi không, tôi nhất quyết không mặc. Tôi không thích, mặc dù tôi không ngạc nhiên khi thấy đàn ông mặc áo dài, vì tôi đã thấy đàn ông mặc váy, là những người gốc Scotland, có một ông ở gần nhà tôi chứ nói đâu xa, lâu lâu có lễ lạc gì đó, thì ông ấy lại diện cái váy có những đường sọc, tỉnh bơ đi lui đi tới quanh xóm.
Ngoài Tết, vợ tôi mặc áo dài đi chùa vào lễ Phật Đản, Vu Lan. Sau này, khi hai con gái tốt nghiệp đại học, cả 3 mẹ con cũng mặc áo dài.


Tôi thương vợ, và cả những người di cư, đặc biệt là người Việt Nam, phải từ bỏ quê hương, để rồi mỗi khi trời thay mùa, chuyển Xuân, nỗi nhớ Tết càng day dứt.
Tôi cảm phục vì họ phải thay đổi để phù hợp với cuộc sống mới, họ quên ngày lễ của mình, và nhận ngày lễ của miền đất mới làm ngày lễ chính, vì muốn hoà đồng, vui niềm vui chung với mọi người chung quanh, và cũng không bị ảnh hưởng đến công việc làm ăn, sinh nhai.


Tôi ước mong có ngày được về Việt Nam vào đúng dịp Tết, để tự bản thân mình cảm nhận hương vị, cảnh quan, các hoạt động, nhìn xem cách người ta trang hoàng nhà cửa đường phố, các chợ hoa, tôi đoán chắc là thú vị lắm…
Nếu tôi có một điều ước, thì tôi ước gì các cô gái Việt Nam trẻ, hiểu được giá trị sâu xa của chiếc áo 2 tà thanh mảnh quốc hồn quốc túy để yêu quý trân trọng, giữ gìn tiếp tục cho cả những thế hệ tha hương đời sau, bởi vì giờ đây, Áo dài, không chỉ là tài sản của riêng một dân tộc, một đất nước Việt Nam nữa, mà nó đã trở thành một phần của di sản nhân loại.


Ôi, nhưng nếu tôi sa đà vào việc ca ngợi vẻ đẹp của chiếc áo dài thì không khéo Tết này, bà vợ lại bắt tôi phải mặc áo dài khăn đóng chứ chẳng phải chơi đâu!!!
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là Tết lại về, chẳng biết năm nay bà vợ sẽ bắt tôi mặc áo màu gì đây? Nhưng, màu gì cũng được, miễn bà vợ tôi vui là được rồi, phải không?

 

Minh Nguyệt Graves

 

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.