Ban Biên Tập xin giới thiệu một ngòi bút lần đầu tiên tham gia vườn hoa 99 Độ: Nguyễn Đức Cường, YKH 24. Tác giả đang định cư tại Denver, Colorado. Bài viết ngắn, ý và lời thật chân thành, cảm động đi thẳng vào lòng người. Một bài viết về tình bạn thời sinh viên, một tình cảm gia đình quý hiếm, quãng đời luôn ngủ yên thật ngọt ngào trong mỗi chúng ta. Xin cảm ơn và mong Cường sẽ tiếp tục đóng góp để mục 99 Độ ngày càng thêm hương, thêm sắc.

BBT

"Thằng Thi"

Tui và hắn, hai thằng Quảng Trị, học chung lớp Y Huế. Ba hắn lương y và phụ Mạ hắn làm ruộng. Mạ hắn nông dân chính hiệu nên hắn có nhiều gạo, ít khi đói. Ba tui thợ đụng, Mạ tui buôn bán lẹt xẹt chợ trời nên đói thường xuyên. Hắn ở nhà chị họ đi học nên cơm canh ngon ngọt, tui lang thang qua nhiều chỗ nên bữa no, bữa đói. Chắc vì vậy mà hắn thương tui.

Những năm đầu cũng chẳng thằng nào để ý nhau. Vậy mà trời xui đất khiến cho những năm cuối tui và hắn chung chiến hào. Ôn thi cuối kỳ, cuối năm, tốt nghiệp, tui và hắn lên sau chùa Bảo Quốc học bài. Hắn thường rủ tui đi ăn cho có thêm năng lượng luyện thi. Thường thì góp gió, nhưng cũng lắm khi hắn dành trả tiền. Tui nợ hắn.

Ra trường.

Ước mơ khi còn học khác xa với đời thực.
Có tân bác sĩ nào mà không mơ được khám và chữa bệnh cho bệnh nhân? Nhất là đám con trai như tui và hắn từng mơ được mổ xẻ cứu người! Bác sĩ Ngoại khoa thật là oai.
Nhưng đi xin việc lại là chuyện khác .

Tui, muốn vô bệnh viện Tỉnh làm việc, cần 2 chỉ vàng. Vàng nhà tui bay hơi theo năm tháng hết rồi. Trong khi đó Trung tâm Y học dự phòng tỉnh vừa thành lập theo sự chia tách tỉnh, đang rất cần Bác sĩ. Vậy là tui xin về. Ông xếp tui không những không lấy tiền mà còn chiêu đãi tui cà phê, cưng tui lắm vì làm được việc.

Hắn, cũng mon men xin vô bệnh viện tỉnh, nhưng chắc không được. Hắn ghé thăm tui. Hắn chê dự phòng. Hắn kể: bệnh viện tỉnh khu vực Triệu Hải nhận hắn vô với điều kiện là phải theo nghề Đông y của Ba hắn để Đông Tây y kết hợp và thay Ba hắn khi ông về hưu. Hắn sợ mắc kẹt vô Đông y nên từ chối.
Cái thằng! Cứ "thẳng như dây đàn", tính tình không thay đổi. Nhận việc rồi binh sau, như mọi người thường làm. Hắn thì không! 

Rồi hắn đi Nam.

Thời đó điện thoại còn xa xỉ lắm nên chúng tôi bặt tin nhau. Lâu thật lâu mới biết hắn làm Bác sĩ cho Nông trường cao su Sông Bé, chăm sóc bệnh nhân giỏi lắm và rất có trách nhiệm.

Cái Tết xa nhà đầu tiên đi qua, hắn không về vì phải lo ổn định chỗ ở và việc làm.
Tết sau lại đến, hắn nhớ nhà muốn về nhưng bệnh nhân van nài, cộng với viễn ảnh những cực hình của tàu xe ngày Tết nên hắn hẹn Ba Mạ và các em hắn ra Tết hắn sẽ về.
Tháng ba sau Tết, hắn lên đường về quê.
Hắn vui như hội. Hắn hẹn mấy thằng bạn ở Sài gòn sẽ đi chung tàu hoặc máy bay ra Trung.

Ai ngờ!

Trên xe tốc hành Sông Bé, hắn gặp thằng bạn nối khố thời trung học cũng ra thăm nhà. Vui quá, hắn quyết định đi xe tốc hành này ra Trung.
Hắn được nhà xe xếp cho ngồi ngay cửa lên xuống phía trước xe, bạn hắn ngồi hàng ghế sau cùng. Hắn đổi tạm chỗ ngồi ra sau với bạn để tâm tình cho mau qua hết đêm dài trên đường về quê.
Hắn kể hắn gò gái dở ẹc: thuơng một em cùng quê, học Sư phạm, lóng ngóng không biết nói sao cho em hiểu. Em đi lấy chồng. Thương một con bạn thân của hắn và tui mà không dám nói, còn giấu kẻo sợ tui biết. Phải chi hắn đem ra bàn với tui, tui đốc vô, may ra hắn có vợ rồi? Lần này về quê hắn sẽ cùng Ba Mạ hắn sang thăm nhà một em trong làng mà Ba Mạ hắn có ngỏ lời, thử người ta có chịu hắn không.
Hắn xa nhà làm ăn vậy là 3 năm mà 2 cái Tết. Hắn nhớ Ba Mạ, nhớ em gái, em trai, nhớ con ngõ vào nhà có hàng dâm bụt, nhớ nhà nó có 3 gian nhìn ra cánh đồng bát ngát, xa rất xa là cái "đôộng" mà hắn hay bắt dế đánh căng với thằng bạn đang cùng đi trên chuyến xe này.

Rầm! 
Rầm!
Rầm! 

Xe tốc hành đang chở hắn và thằng bạn rớt xuống đèo Cả...
Xe rơi tự do...
Đuôi sau của xe bị chắn lìa khỏi thân xe bằng một tảng đá núi sắc bén.
Cái đuôi xe mang theo 6 người rơi xuống vực sâu hơn nữa...
6 người vĩnh viễn không còn về quê được nữa, trong có có thằng bạn của tui: thằng Thi!
Hành lý của hắn ở ghế trước nên người ta không thể định danh hắn là ai. Bảo Việt ghi lại hình ảnh nhân dạng và đặt hắn dưới nấm mồ "vô danh."

Chú hắn đọc báo Sông Bé có tin xe rớt đèo, linh tính mách bảo, chú gọi cho Ba Mạ hắn hỏi thằng Thi về chưa?
"Chưa!" Ba hắn trả lời.
Chú hắn tức tốc ra đèo Cả, vừa đi vừa gọi cho Ba hắn chạy vô. Ba hắn bình tĩnh lên đường dù lòng dạ rối bời. Mạ hắn ngất lên chết xuống, linh tính của người mẹ mang nặng đẻ đau cho bà biết có chuyện không hay xảy ra với thằng con trai yêu thuơng, kỳ vọng nhất của bà rồi!
Mọi người đến nơi. Đúng là thằng Thi. Hắn nằm đó, dưới ba tấc đất lấp vội sơ sài.
Hành trang mà Ba hắn nhận lại cũng sơ sài lắm: vài gói mứt chà là để dành từ dịp Tết; gói trà ướp hoa sen để Ba hắn dậy sớm thuởng thức; mấy chai thuốc trị cao huyết áp cho Mạ; một xấp vải hoa cho em gái chuẩn bị đi lấy chồng; một đôi giày cho em trai chuẩn bị vô đại học; nhiều nhất là sách- hắn nổi tiếng là mọt sách; và một số tiền lẻ không đáng kể. Tiền hắn để dành được giấu dưới bàn chân hắn, bên trong tất và giày để phòng mất trộm thì đã biến mất theo với linh hồn của hắn dưới chân đèo Cả rồi.

Hắn lớn lên nhờ bầu sữa mẹ. Hắn trưởng thành nhờ hơi ấm của cha.
Mạ hắn cười vì thấy hắn về đầu ngõ, rồi khóc vì chờ hoài mà hắn chẳng vào nhà, rồi hát ru hắn như ngày xưa:
"À ơi...
À ơi...
Lá vàng còn ở trên cây
Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời...???"
Ba hắn ngồi nhấp ngụm chè xanh, lẩm bẩm "và cha nằm ôm con, sưởi ấm những đêm dài... " "Đúng! không thể để thằng Thi nằm một mình nơi đó! Lạnh lắm! Phải đem hắn về ấp cho hắn ngủ."

Phong tục chúng ta chỉ cải táng sau 3 năm vì lý do tâm linh cũng như vệ sinh, nhưng Ba Mạ hắn không để ý đến nữa, chỉ mong đem hắn về để ru cho hắn ngủ, để ấp cho hắn ấm.
Ba hắn chạy quanh, chẳng có xe đò nào chịu vận chuyển vì hắn mới chết mấy tuần thôi.
Ông Trời còn thuơng nên cho Ba hắn tìm ra xe quân sự nhận giúp chở hắn về. Họ đã từng chở xác lính từ biên giới về.
Tóc Ba hắn trước đây điểm sương mà sau mấy tuần đã chuyển ra mây trắng như tiên ông tái thế! Ông mong xe có thể chạy nhanh hơn cho ông đến với thằng Thi càng sớm càng tốt, cho hắn đỡ lạnh.
Bàn tay già run run đào đất nhè nhẹ, sợ thằng con thức giấc.
Cũng bàn tay già run run nâng nhẹ thi thể thằng con đã bắt đầu rệu rã đặt vào chiếc quan tài mới mua. Ba hắn không khóc. Ba hắn vui vì nhìn thấy hắn một lần cuối, dù hắn không còn hay biết Ba hắn đang bồng hắn trong tay. Ba hắn muốn hôn hắn một lần cuối nhưng sợ hắn không thanh thản ra đi. Ông sợ làm hắn đau nên nhất cử nhất động đều rất nhẹ nhàng, chậm rãi. Ông chặt chuối rừng đệm bên dưới quan tài, neo buộc cẩn thận vào thành xe kẻo sợ đường xa, xe xóc, đau hắn tội nghiệp. Ông ngồi cùng hắn ở sau thùng xe từ đèo Cả về đến Quảng Trị. Ông không nhớ hết bao nhiêu bó chổi rừng được đốt, hết bao nhiêu tờ vàng bạc được rãi trên đường để dẫn linh hồn hắn về quê. Chú tài xế nhiều lần giục ông vô cabin ngồi kẻo mưa quá to, ông không nghe. Ông chỉ muốn che chung tấm bạt với thằng con mà ông đã gầy dựng gần 30 năm rồi.

Hắn về nhà ba hôm rồi hắn ra nằm ở cái "đôộng" trước nhà, nơi ngày xưa hắn bắt rế, đánh căng. Mỗi buổi sáng uống trà, nhìn ra xa xa, Ba hắn vui vì nhìn thấy "nhà" của hắn. Mỗi buổi chiều quét sân, Mạ hắn nhìn băng qua cánh đồng, Mạ hắn khóc cũng vì nhìn thấy "nhà" của hắn.
Mạ hắn như điên như dại: ngày ngày kêu tên hắn, nửa khuya hoảng hốt vùng dậy kêu tên hắn. Mạ hắn ăn không nổi, chỉ húp chút nước hồ cầm hơi. Mạ hắn trông như bộ xương ở phòng học giải phẫu của trường Y, nhưng biết đi lại.
Ba hắn tuyệt nhiên không khóc, ít nói, lẳng lặng vào ra, thắp nhang trước ảnh hắn, đi lên "đôộng" thăm hắn rồi về, ngồi nhìn ra đầu ngõ như mong có một phép màu cho hắn trở về.

Hắn ra đi quá đột ngột, không một lời trăng trối. Tui tức hắn không cho tui cơ hội để rủ hắn đi ăn, dành trả tiền cho hắn vài lần. Tui tức hắn đã không chịu vô làm bệnh viện Triệu Hải. Tui tức hắn......

Tiếc cho một đời người: tài hoa bạc mệnh!

P/S: Thi ơi, Sỹ đui không ra được vì hắn sợ vợ, thằng Trí ra Huế rủ thằng Phong đi họp lớp. Lớp mình về Huế họp mặt dễ chừng cũng được một nửa: Có Tèo, Sơn Phan, Sơn Thân, Như, Liêm nam, Liêm nữ, Thúy, Thu Hà từ Pháp về, và nhiều nhiều nữa. Dậy mà đi Huế, Thi ơi!
Cẩm, Nhơn, Cường vẫn mang bóng hình Thi đi theo hơn nửa vòng Trái Đất, gần 30 năm rồi ! Xin lỗi Thi tụi mình không về được. Xin hẹn 30 năm ngày ra trường, 3 đứa sẽ về thăm Thi, Thi nghe!


Nguyễn Đức Cường
Denver, 11:45pm ngày 19 tháng 4 năm 2017

Bây giờ là gần 1 giờ chiều ngày 20 tháng 4 năm 2017 ở Việt nam: có mấy đứa trong lớp đang ngủ trưa, có mấy đứa đang khám bệnh, có vài nhóm đang lái xe về Huế cho kịp họp mặt......

Viết cho ngày giỗ thứ 25 của thằng bạn tui: thằng Thi!

 

(Thi - Nhơn - Cẩm - Cường.1990)

 

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.