Phiếm Luận - Suy Nghĩ Từ Bài Thơ Con Cóc.
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi
Có lần tôi lẩn thẩn tự hỏi: Bài thơ trào phúng “Con Cóc” trên đây vốn là để đùa cợt mấy anh học trò dốt mà sính làm thơ, hay thực sự đó là một bài thơ Thiền, bài kệ của một vị Thiền sư nào đó.
Cụ Tâm Trí, một nhà nho tinh thâm Hán học và Phật pháp trong nhiều bài viết về “Thi ca Thiền trong Phật giáo” còn nhún nhường tự ví mình như “Thằng nhỏ nói ngông, đứa điếc đánh trống qua cửa sấm” thì tôi chỉ là một kẻ sở học nông cạn biết gì mà dám bàn về Thiền đạo, nhưng tôi cũng hiểu được vài điều sơ đẳng như sau:
Thi ca Thiền ở ngay trong đời sống, bình dị trong thực tại, không cốt tạo cảm xúc bằng hình ảnh vần điệu, cũng không dụng công chải chuốt văn từ, mà chỉ lấy bản thân để cảm nhận từ một sự kiện bình thường.
Và Thiền tông của Đạt Ma Tổ Sư chủ trương:
Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ chân tâm
Kiến tánh thành Phật
Nghĩa: Truyền lại không lệ thuộc vào giáo lý, không căn cứ vào văn tự, đi thẳng vào chân tâm, thấy được bản tánh là thành Phật. Bản tánh đây là bản tánh chân như, thanh tịnh.
Hay nói tóm tắt ‘định tâm để kiến tánh”.
Bởi vì theo Thiền Tông, Phật pháp chơn tánh vốn lìa ngôn ngữ văn tự, lìa khỏi tư duy, lìa khỏi ý thức phân biệt và cho rằng chúng là “Sở Tri Chướng” (chướng ngại do sự hiểu biết) trên đường tìm đến đạo.
Đó cũng là chỗ Phật dạy trong kinh Kim Cang Bát Nhã.
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm.
Nghĩa: Không trụ không vướng mắc vào đâu cả, vào Sắc – Thanh Hương – Vị - Xúc – Pháp sẽ sanh tâm đó. Tâm đó là tâm an nhiên tự tại của cảnh giới Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lão Tử cũng không nói khác.
Đạo Khả Đạo, Phi Thường Đạo
Nghĩa: Đạo mà có thể gọi được, không phải là Đạo.
Thực tại chung quanh ta biến đổi không ngừng, từng phút từng giây từng sát na theo danh từ của Phật. Nụ hoa chớm nở đầu cành khô – lá vàng trước gió sẽ đưa vèo – Bức tranh vân cẩu.
Nếu ta nhìn thực tại, trút bỏ quan niệm về cái Đẹp có tính cách ước lệ, những cảm quan giáo điều giam hãm ta trong cái vòng suy luận thông thường, thì cái đẹp ở khắp nơi khắp chốn và ở vào bất cứ lúc nào.
____
Tôi đã từng say mê và nay vẫn còn say mê những vần thơ đẹp.
Của Thế Lữ:
Cảnh hùng vĩ sóng sóng nghiêng trời thác ngàn đổ.
Nét mong manh thấp thoáng cánh hoa bay.
Của Huy Cận: Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp.
Của Nguyễn Du:
Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.
Tôi cũng đã từng nghiền ngẫm những câu thơ Đường tuyệt tác của Trương Kế, Thôi Hiệu, Lưu Vũ Tích… nhưng nghĩ lại coi, tôi chưa từng mục kích cái cảnh hùng vĩ sóng nghiêng trời thác ngàn đổ mà Thế Lữ đã mô tả. Tôi chưa từng đặt chân đến trấn Tô Châu, đứng bên bến Phong Kiều để thưởng thức cảnh “Trăng lặn quạ kêu sương đầy trời, hàng cây phong bên sông và ngọn đèn thuyền chài miên man nhìn nhau trong giấc ngủ buồn.
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên.
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Phong Kiều dạ bạc – Trương Kế.
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên. Giang phong ngư hỏa đối sầu miên…
Tôi lại chẳng bao giờ có cơ hội đặt chân đến huyện Vũ Xương xa xôi bên Trung Hoa leo lên lầu Hoàng Hạc để ngắm cảnh sắc mờ mờ hư ảo của hàng cây lớp lớp Hán Dương, cỏ thơm lê thê trên bãi Anh Vũ.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Hoàng Hạc lâu – Thôi Hiệu.
Cũng như vậy, đám mây bay lơ lửng trên bầu trời lúc nào chẳng có, thiên hình vạn trạng, nhìn lên ta đã thấy. Vậy mà ta nhìn nó dửng dưng, nhưng cũng đám mây đó có lúc ta cảm khoái hoài niệm. Đó là đám mây của Vương Bột trong bài Đằng Vương Các phú.
Nhàn vân đảm ảnh nhật du du
Nghĩa: Mây nhàn nhã soi bóng trên hồ, ngày thong thả qua.
Hay là đám mây của Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc Lâu:
Bạch vân thiên tải không du du
Nghĩa: Mây trắng vẫn bay man mác ngàn năm.
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại,
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không.
Đã nói đến những đám mây bên Tàu của Thôi Hiệu, Vương Bột thì không thể không nhớ đến những đám mây Việt Nam. Đó là đám mây của Nguyễn Du.
Mây trôi man mác biết là về đâu
Hay là đám mây của Khái Hưng trong cuốn Lạnh Lùng. Cả một cuốn truyện nói về cô Nhung, một sương phụ trẻ đẹp thủ tiết thờ chồng nuôi con kéo dài cuộc sống trong tẻ nhạt, rốt cuộc có thể tóm tắt trong câu kết.
Cũng vẫn đám mây hôm qua bay nguyên ở góc trời cũ.
Như vậy, những cảm xúc của tôi về mây về nước rốt cuộc cũng chỉ là những cảm xúc có tính ước lệ khuôn mẫu, trong lúc chung quanh tôi có biết bao nhiêu cái đẹp khác muôn màu muôn vẻ nếu tôi biết cảm nhận. Đó có thể là đám mây bay lơ lửng trên bầu trời, cánh hoa phất phới mong manh, mà có thể cũng là con nhái nhảy ùm xuống vũng bùn, con cóc trong hang nhảy ra, lởm chởm gừng vài khóm, lơ thơ mấy củ hành…
Ngày trước Huy Cận nhìn những làn sóng gợn lăn tăn trên sông dài mà nghĩ đến nỗi buồn điệp điệp buồn lại buồn. Tôi nghĩ rằng nếu có nỗi buồn da diết như vậy chỉ nhìn đàn kiến nối đuôi nhau tha mồi về tổ trùng trùng lớp lớp, thì cũng có thể cảm nhận tâm sự đó, nỗi buồn man mác triền miên đó. Sao lại không nhỉ?
____
Xin trở lại bài thơ Con Cóc… (còn tiếp).
Nguyên Quán Lê Bá Châu.
---------