Tác giả bài “Trại Tù Dưới Núi” không thể xa lạ với chúng ta vì anh thuộc một gia tộc nổi tiếng tại Huế và lại có 2 người anh và em tốt nghiệp YKH, là BS. Hà Thúc Như Hỷ, khóa 2, và Hà Thị Như Minh, khóa 5. Anh tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa từ ĐH Huế năm 1965, đang học tiếp Cao Học Sử Địa tại ĐH Saigon thì bị động viên. Cái lạ là tuy chỉ một Đại Úy Tâm Lý Chiến của Sư Đoàn 3 Không Quân VNCH, anh đã bị tù đến 10 năm tại biên giới Việt Trung, sau đó anh vượt biển tìm tự do và định cư tại Quân Cam từ mấy thập niên qua mà mãi cho đến nay BBT chúng tôi mới tìm thấy. Thật là một cơ duyên quý báu.

BBT trân trọng cám ơn anh Hà Thúc Như Mỹ với bài viết ra mắt, xúc động và bi hùng tráng “Chịu khổ nhục mà không rên rỉ cũng đẹp như một cái chết bất khuất” 

 

TRẠI TÙ DƯỚI NÚI

 

Solzhenitsyn viết “Một ngày trong đời của (người tù) Ivanosevitch. Một ngày trong đời tôi ở trại tù Hoàng Liên Sơn có lẽ còn vất vả hơn. Tôi kính gửi bài này đến BS/GS Lê Bá Vận. BS Võ Khắc Tuy nói trong bài là bào huynh của phu nhân BS Vận.

 

Đêm nay gió mưa lay chuyển núi ngàn. Mưa từng cơn, từng cơn dồn dập đổ xuống Hoàng Liên Sơn, những lằn chớp ngoằn ngoèo thỉnh thoảng lại xẻ dọc trời đêm soi sáng trong khoảnh khắc những dãy lán trại bằng tre nằm thu mình dưới chân núi, rồi tất cả lại chìm vào bóng tối giữa tiếng sấm ầm ầm vang dội vào vách đá và tiếng mưa rơi xào xạc qua lá cành.

 

Hắn không chợp mắt được vì phải cứ ngồi nép qua một bên để tránh những chỗ nước dột. Mái nhà lợp bằng nứa đập dập đã cong lên sau những ngày nắng không đủ kín để cản những làn mưa ào ạt đổ xuống. Đến khoảng gần sáng thì cả trại phải thức giấc nhốn nháo vì những tiếng động rầm rập như cả một đoàn xe lửa đang từ cao phóng xuống. Từ đỉnh núi những tảng đá lớn bắt đầu lở ra theo đất sụt và lao xuống trại với một tốc lực kinh hoàng. Rất may là có tảng thì dừng lại trên con đường ngăn giữa trại trên và trại dưới, có tảng lọt xuống trại dưới nơi đám tù ở thì dừng ngay ở bãi đất rộng dùng làm sân tập họp.

 

Trời vừa ửng sáng, gió mưa vừa im tiếng thì từ trại trên tiếng kẻng đã gióng lên gọi đi lao động. Anh nuôi các đội vội vàng xuống bếp để lãnh phần ăn cho đội mình, một thau sắn khô cắt lát luộc chín, chẳng có mắm muối gì. Nhận xong lưng một gô (lon sữa Guigoz) sắn luộc, thức ăn cho cả ngày, hắn theo mọi người ra tập họp ở sân cờ. Nhìn quanh hắn thấy có điều gì khác thường. Cuối sân, trước nhà sáu, có hai vệ binh canh trước cửa, không cho ai đến gần. Các đội được lệnh lên đường hối hả, thủ tục trình báo xuất trại thường trịnh trọng nay cũng làm sơ sài:Nhà Một, nhà Hai đi Cẩm Nhân dựng trại, nhà Ba nhà Bốn đi lâm tràng (rừng) lấy gỗ, nhà Năm nhà Sáu đi gánh lá cọ lợp nhà.”

 

Hắn thuộc toán lâm tràng, được phát mỗi người một con dao phay làm bếp. Chỉ tiêu bốn cây gỗ một ngày, mỗi cây dài mười thước. Con dao của hắn xem ra đã cùn lủn, đốn bốn cây thì rõ ràng là cái ngày dài trước mắt chẳng khá khẩm gì. Toán lâm tràng và toán gánh lá đi chung một đoạn đường trước khi một toán lên núi và toán kia xuôi dốc lấy lá gánh đến một trường học. Đi sát gần một anh nhà Sáu, hắn hỏi khẽ, không để cho tên vệ binh đi gần đó nghe được:

         -“ Có chuyện gì thế, sao vệ binh xuống gác nhà?”

         -“Có người tự tử chết.”

         Anh bạn trả lời, mắt nhìn thẳng phía trước, không nhìn hắn.

          -“Ai thế?”

          -“Trung tá Võ Khắc Tuy, BS Quân Y.”

Hắn chợt thấy lạnh cả người. Trung tá Võ Khắc Tuy không phải là người xa lạ. Ông là con trai thầy học cũ của hắn. Tình thầy trò sâu nặng, tin con thầy chết khiến hắn xót xa trong lòng. Suốt đoạn đường lên núi hắn miên man suy nghĩ. Sao người bác sĩ có mái tóc bồng và đôi mắt mơ mộng ấy lại chọn cái chết? Một người nghệ sĩ như thế lại chọn một cái chết quyết liệt của Nguyễn tri Phương, Hoàng Diệu? Đã đành chết là can đảm tuyệt vời nhưng sống, chấp nhận khổ nhục để chờ một ngày tốt đẹp hơn cũng là rất can đảm. Chịu khổ nhục mà không rên rỉ cũng đẹp như một cái chết bất khuất.

 

Đến gần chân núi thì cả quản giáo lẫn vệ binh bỏ mặc cho đám tù tự tung tự tác. Rừng tre gai bạt ngàn dưới chân Hoàng Liên Sơn là hàng rào thiên nhiên hiểm trở, có trốn cũng không thoát. Thả cho tù đi, bọn họ lửng thửng vào nhà dân trong bản tìm một điếu thuốc cày, sưởi ấm bên một bếp lửa nào đó cho qua một ngày lạnh cóng.

 

Được tự do, hắn bắt đầu nhìn quanh để kiếm cái gì bổ sung cho khẩu phần ít ỏi của mình. Một cọng ngò gai mọc lẫn trong cỏ dại bên đường, một cây diếp cá mọc ven dòng nước, một dây sương sâm bò vắt qua bụi tre. Có ngày may mắn hắn gặp một cây ớt rừng, một củ khoai mì nhỏ mọc lên từ đống cây sắn ai vứt bên đường, một quả sấu chua để nấu với vài con cá bống bắt từ những ống tre bên bờ hồ.

 

Đường lên núi mở đầu bằng một con dốc thẳng đứng. Mưa dai dẳng suốt đêm qua làm con dốc trơn trợt, không bám lấy rễ cây ngọn cỏ thì không tài nào leo lên được. Trèo lên tuột xuống, người lấm lem bùn đất, rốt cuộc hắn cũng lên được đầu dốc. Đi quanh co một lát, thở được vài hơi thì đến cái dốc thứ hai, vẫn thẳng đứng nhưng được nạo vét phẳng phiu để làm luồng phóng gỗ. Leo lên cái máng xối trơn trợt dài thăm thẳm này khó gấp mấy cái dốc thứ nhất. Không muốn lên cũng phải lên. Lên bằng cách nào hắn cũng không nhớ rõ. Đứng trên dốc nhìn xuống, trại tù phía dưới trông đã nhỏ xíu như chiếc sa bàn hành quân. Hắn lại thở, lấy hơi đi theo đường mòn đến cái dốc thứ ba, khắc nghiệt không kém hai dốc trước, lần đày đọa cuối cùng trước khi được thả vào rừng âm u bí hiểm, nơi hắn phải đốn cây, lấy gỗ, lấy tre, âm thầm đổ mồ hôi đổ máu hàng ngày, một mình mình biết, một mình mình hay. Các bạn hắn ai cũng tản đi tìm cây, ai có thân nấy lo, không ai giúp được ai.

 

Cây thứ nhất lọt vào mắt xanh của hắn là một cây rất thẳng, nằm ngay bên đường đi nhưng có lẽ hơi lớn nên các bạn hắn, nhanh chân và khỏe hơn hắn nhiều, bỏ qua đi tìm cây khác. Nhìn kỹ hắn thấy cây lớn hơn vòng tay, gầy còm như hắn sao mà đốn được. Tiếc rẻ, hắn vung dao chém một nhát vào gốc cây. Ô kìa, sao gốc cây lại mềm! Nhát chém đâu có mạnh lắm mà lưỡi dao ngập vào đến gần sống dao. Chém vài nhát nữa hóa ra cây bị rỗng ngay chỗ hắn chém, có lẽ vì sâu mọt hay sao đó. Lập tức hắn lui ra xa để ngắm tàng cây. Tàng có cành lá nhiều về bên lỗ hổng hơn là bên kia. Mừng quá, hắn quyết định lợi dụng lỗ hổng để “mở miệng” cho cây ngã về phía đó. Mở miệng như thế thì chỉ dăm phút là xong. Lập tức hắn chặt bỏ cây cành, phát quang chung quanh gốc để lấy đường chạy thoát thân vì khi cây ngã, chưa biết nó sẽ ngã về phía nào. Một cơn gió hay sợi dây leo có thể làm cây chuyển hướng ngã về phía hắn đứng chưa biết chừng. Hắn hì hục mở miệng xong là đến giây phút hồi hộp và nguy hiểm: “chặt gáy”cho cây ngã, chặt ở phía bên kia, phía đối diện với miệng, giống như vị trí của gáy và miệng trên cổ con người. Chỗ chặt gáy phải cao hơn miệng một chút. Chặt gáy là kết thúc cuộc sống của cây, giống như nhát kiếm nhắm vào tim của đấu sĩ cuối một trận đấu bò. Hắn chặt đúng chỗ nên chỉ mới vài nhát cây đã chuyển răng rắc, càng chặt tiếng răng rắc mỗi lúc một lớn, cây nghiêng dần, nghiêng hẳn, giật bỏ những sợi dây leo ràng buộc cuối cùng rồi ngã vật xuống giữa rừng trong tiếng ầm vang sấm sét. Khu rừng âm u chợt bừng sáng vì ánh nắng bây giờ lọt được xuống bên dưới. Hắn nửa mừng nửa sợ, mừng vì cây ngã xuống gọn gàng về hướng hắn đã chọn mà không bị “chống chày”, nghĩa là không bị dây leo hay cây khác giữ lại không nằm xuống được. Đốn cây trong rừng mà bị chống chày thì chỉ có bỏ mà đi. Tiếc rẻ leo lên chặt cây thì sẽ ngã theo cây, chỉ có từ chết đến bị thương. Còn vì sao thấy sợ có lẽ vì hắn hơi dị đoan, “nhất phá sơn lâm nhì đâm hà bá”, phá rừng thì sẽ gặp rủi ro, các cụ thường nói. Ba cây còn lại hắn ngã xuống cũng khá song suốt, chỉ có một cây khi ngã lại chúc đầu xuống vực sâu thăm thẳm, hắn phải bám vào vách đá để chặt ngọn, mất non một tiếng đồng hồ mới chặt lìa được.

 

Tay mỏi nhừ, miệng khô đắng, hắn mở lon gô để ăn trưa. Mấy lát sắn khô luộc để từ hồi sáng nay lạnh ngắt, ăn với ngò gai thật lãng nhách, không giống tô phở chút nào, dù hắn có tưởng tượng thế nào đi nữa.

 

Vừa nhai vừa nhổ sạn đá lẫn trong sắn, hắn đưa mắt nhìn quanh. Cách chỗ hắn không xa, dưới một gốc cây, con trâu của hợp tác xã đã được dắt lên cột ở đó để chờ kéo gỗ xuống. Người chăn, có lẽ cũng chẳng no đủ gì hơn hắn, đã bỏ đi hái nấm bắt cua ở đâu đó, để lại một đống cùi bắp cải cho con vật ăn lấy sức kéo gỗ. Mừng thầm hắn mon men đến gần. Con trâu vẫn cặm cụi ăn, đuôi ve vẩy đuổi nhặng không buồn nhìn đến hắn. Với con vật, tù là người quen, làm việc với nhau đã bao tháng nay rồi. Cầm dây buộc, hắn kéo con trâu ra chỗ khác. Con vật mê ăn, nhất định không nhúc nhích. Bực mình, lấy hết sức bình sinh hắn tát cho con trâu một cái nên thân vào mặt, con vật choáng váng quay mặt đi chỗ khác. Chỉ chờ có thế, hắn nhanh tay chộp lấy mấy cùi bắp cải. Đủng đỉnh bước đi, hắn nhai cùi bắp cải ngọt ngào và lẩm bẩm:

       -“Tao dang đói mày có quyền gì được no.”

 

Hắn phải ăn. Làm việc như thế này ngày này qua ngày khác bắt hắn phải ăn bất cứ cái gì, bất cứ con gì. Nhớ lại một bác sĩ ở trại Long Giao nói nửa đùa nửa thật: “Cái gì nhúc nhích thì mình cho vào mồm.” Tri hành hợp nhất, hay hơn thế nữa, có con chuột chết đã hết nhúc nhích, người ta đã chôn rồi, nhà triết học thông thái ấy đã cố tình bỏ qua những qui tắc vệ sinh căn bản của y khoa hay lời thề Hyppocrate gì đó, đào lên ăn! Đúng là ăn để sống chớ không phải sống để ăn!

 

Độ chừng còn khá lâu toán lâm tràng mới xuống núi về trại, hắn lại nhìn quanh để kiếm cái gì khác có thể bỏ vào miệng. Bắt cua thì phải đi khá xa vào sâu trong núi tìm những hang hốc kề bên vũng nước, hái nấm thì cũng phải tìm thật nhiều mới gặp được những cây gỗ mục. Nhìn qua bên kia sườn đồi, gần phía thôn bản của người Tày, hắn thấy một vườn sắn. Ngẫm nghĩ, hắn quyết định đánh liều qua bên đó đào vài củ, một quyết định mà lát nữa đây hắn sẽ phải hối hận. Đúng là phá sơn lâm gặp xui xẻo.

 

Vào giữa vườn sắn hắn có cảm tưởng như vào đến thiên đường của những người đói. Chui vào giữa những luống sắn cành lá sum suê hắn nghĩ khó ai có thể thấy mình được. Hắn nghĩ đúng, nhưng chỉ đúng với gã đàn ông người Tày đang ngồi trên cao nhìn xuống canh giữ vườn với khẩu súng hỏa mai cổ truyền, thân bá súng bằng gỗ nạm bạc chạm trổ hoa  văn. Hắn không biết vườn có người canh và gã Tày trên cao bị lá che cũng không thấy hắn. Hắn đào một hai củ rồi lấp đất lại không đụng gì đến cây cành để khỏi lưu lại dấu vết. Khi hắn lom khom chui ra khỏi luống khoai thì chợt nghe từ phía dưới chân đồi có tiếng người la thét ồn ào. Nhìn xuống hắn thấy một người đàn bà Tày vừa chạy vừa la lối chỉ chỏ, báo cho người giữ vườn là có “đạo chích” đang hành nghề. Hoá ra từ dưới thôn nhìn lên đồi người ta có thể nhìn thấy hắn dễ dàng. Thấy nguy hắn đứng thẳng dậy để thấy mình đang đối mặt với gã Tày cách đó chừng mười thước, tay cầm ngang khẩu súng hỏa mai. Hắn vụt chạy xuống đồi. Đúng lúc chân hắn vấp phải một tảng đá, người bắn tung lên cao lao xuống một bụi tre, hắn nghe một tiếng súng nổ. Như một con chim trúng đạn hắn rơi xuống lọt qua bụi tre gai góc, xuống một con suối nhỏ chảy giữa hai bờ đá dựng đứng như tường. Đứng run rẩy giữa dòng nước, hắn thấy đau nhói ở bụng, máu bắt đầu chảy thấm ướt vạt áo phía trước. Ngước nhìn lên hắn thấy gã Tày đang đứng trên cao chỉa súng vào hắn, uy nghi như tử thần. Hết đường chạy, trước cái chết, hắn chắp tay năn nỉ xin đừng bắn. Gã Tày đứng nhìn hắn một lát rồi không hiểu sao quay lưng đi lên đồi. Có thể là hắn thương hại tên tù rách rưới gầy gò. Dù sao đi nữa, giữa chốn rừng thiêng núi thẳm hay nơi đô hội phồn hoa, con người vẫn có một trái tim.

 

Thất thểu đi dọc theo con suối, hắn trở về chỗ đốn cây. Cũng may cho hắn là khi gã Tày nổ súng, hắn đang chạy lao xuống vấp phải tảng đá người bắn tung lên, viên đạn chỉ phớt qua trước bụng. Thấy hắn ngồi bên gốc cây mặt mày nhợt nhạt, một người bạn đến gần hỏi:

     -“Sao bệnh hả? Sao áo đầy máu thế?”

     Hắn gượng thản nhiên trả lời:

     -“Vắt cắn, mấy con vắt nhỏ xíu mà cắn chảy máu hoài. ”

 

Người bạn chia cho hắn vài củ măng đất, thứ măng trắng mọc ngầm dưới đất, rất mềm và ngon. Hắn quí báu bỏ vào túi cát. Tù “cải tạo” rất muốn cảm ơn những người đã làm ra hai thứ: lon sữa Guigoz và bao cát nhà binh. Với lon Guigoz, tù nấu ăn trong chớp mắt, trong phòng, ngoài trời, đốt vài tờ giấy (xoắn lại cho cháy chậm một chút) có thể đun sôi một lon nước, chín một nắm gạo. Nếu chuẩn bị kỹ hơn, lấy giấy bao nylon (dễ kiếm) quấn quanh một miếng vải (cũng dễ kiếm) gút lại hai đầu, thế là có được một tim bấc cháy được cả tiếng. Anh tù nào khôn ngoan cũng thủ sẵn một vài tim bấc này. Bao cát thì đựng đồ, may áo mặc, rút chỉ (rất bền) để làm dây câu. Sáng kiến của tù thì nhiều vô kể. Làm lưỡi câu chặt ngạnh đàng hoàng là đồ bỏ, hắn làm được cả một cây đàn mandoline lên trình diễn ở sân khấu trại nữa cơ!

 

Cây đốn xuống đã được chặt ngàm xong xuôi, sẵn sàng cho trâu kéo đến luồng phóng. Người chăn hợp tác xã buộc khúc gỗ lớn vào cái ách trên cổ trâu và đánh cho trâu đi. Súc gỗ lớn mà trâu kéo đi phăng phăng đến đầu dốc. Đám tù tháo dây và đẩy gỗ xuống luồng phóng. Cây gỗ lao xuống dốc, chạy rầm rầm như điên như dại. Dốc thứ nhất gỗ xuống song suốt. Dốc thứ hai gỗ bị vướng. Tù và trâu phải xuống cho trâu kéo đi hết đoạn đường. Đây là lúc nguy hiểm cho người và vật. Một toán tù khác ở trên dốc, không liên lạc được, phóng tiếp một cây gỗ xuống. Tháng trước đã có một người chết, hai người chở đi cấp cứu.

 

Con trâu kéo gỗ thật khéo. Đường máng trơn trượt, trâu kéo một khoảng ngắn là cây gỗ bắt đà lao xuống. Lập tức con trâu cũng phóng chạy, nó biết chạy chậm sẽ chết, nhưng cây gỗ vẫn chạy nhanh hơn nó. Nghe tiếng gỗ đến rầm rầm từ phía sau, nó dừng lại xoạc bốn chân ra, cây gỗ lướt qua dưới bụng và dừng lại dưới bốn chân trụ vững chắc của con vật. Rồi trâu lại kéo, lại chạy, lại xoạc chân. Khó có cái máy kéo nào của con người linh động hơn cái máy kéo này.

 

Đến gần chiều tối, khi mặt trời đã khuất sau dãy đồi bên kia bờ hồ, người phờ phạc, trâu mệt lả, đám gỗ trên rừng mới đưa được hết ra mé nước. Từ đây gỗ được đóng bè thả về xuôi, đến nơi nào không ai biết. Người bê bết bùn đất và máu, hắn vốc nước rửa mặt cho tỉnh rồi vội vàng theo các bạn ra bãi tập họp điểm danh. Đoàn tù lếch thếch lên đường về trại. Mệt rã rời, về đến lán hắn thấy sung sướng như về nhà riêng của mình. Cất nón mũ bao bị xuống dưới chõng tre, hắn xách lon gô xuống bếp để xin nấu nước uống và luộc mấy củ măng đất.

 

Nhà bếp là “cấm địa” và cũng là “thánh địa” của tù, ai được vào đó làm anh nuôi thì đời lên hương, đỡ phải làm việc vất vả mà lại có miếng ăn, ai làm anh nuôi thì được bạn bè xum xoe săn đón. Nhà bếp được rào cao khóa kỹ để tránh mất trộm (mà cũng có thể mất cướp) đồ ăn. Bọn tù chỉ được đứng ngoài hàng rào dùng những cần nứa dài buộc lon gô thòng vào bếp lửa để nấu ăn.

 

Đang giữ cho cần bớt đong đưa để nước mau sôi, hắn chợt thấy người anh nuôi bên bếp lửa ra dấu cho hắn chỉ về phía hội trường ở cuối sân. Tuy không hiểu rõ người anh nuôi muốn gì, nhưng hắn linh cảm đây là một điều tốt lành. Rút cần hắn cầm gô đi về phía hội trường, nơi giờ này đã chìm trong bóng đêm vắng lặng.

 

Một lát sau gã Anh Nuôi xuống, tay cầm một cái võng dây và một chén sắn luộc còn nóng. Hắn nói:

        -“Có chút đỉnh anh ăn đỡ đói, ăn ngay đi đừng đem về nhà.”

        Vừa nói gã vừa mắc chiếc võng vào hai cây cột tre rồi leo lên nằm, đạp chân cho võng đong      đưa. Đang khi mừng rỡ đứng nhai ngồm ngoàm trong bóng tối, hắn nghe gã nói:

       -“Nghe anh hát hay lắm, hát cho nghe một bài đi. Tôi thích bài Mộng dưới hoa.”

        Hóa ra thế, đó là lý do nghĩa cử của gã anh nuôi. Ở trong cái thế “há miệng mắc… sắn” tay cầm chén tay cầm gô, hắn đứng im trong bóng đêm rồi cất tiếng hát,

      -“ Chưa gặp em, tôi đã nghĩ rằng, có người thiếu nữ đẹp như trăng…”

       Chiếc võng vẫn đưa qua đưa lại, đưa người trên võng lạc vào mộng dưới hoa và người dưới võng vào một niềm chua chát vô bờ.

      Nghe xong gã anh nuôi đứng dậy cuốn võng, nói một mình hay nói với hắn không rõ:

     -“Kể ra mình sướng thật, đổi một chén sắn nhỏ mà được nghe hát thoải mái!”

      Gã anh nuôi đi đã khá lâu hắn vẫn buồn bã đứng trong bóng tối. Vết thương ở bụng không sâu và cũng không đau đớn bằng vết thương ở trong lòng.

 

Bên ngoài trời lờ mờ sao, gió lồng lộng trên mặt hồ phẳng lặng. Có ánh đuốc chập chờn đang tiến ra bờ hồ, theo sau là bốn người tù gánh một cỗ quan tài bằng gỗ tạp trắng bệch đong đưa dưới một đòn tre dài. Đang đêm, để tránh gây xúc động, người ta lặng lẽ đưa Trung tá Tuy xuống bè qua bên kia bờ hồ chôn phía sau đồi.

 

Nỗi ngậm ngùi hoang mang đã lắng chìm từ ban sáng nay chợt bùng lên xoáy lộng trong hồn. Người ra đi và kẻ ở lại ai đúng hơn ai? Hắn là một người can đảm hay chỉ là một kẻ hèn nhát?

Người ra đi sẽ đi vào Huyền thoại, còn hắn và sự khổ đau của hắn sẽ đi vào quên lãng nhưng suốt đời hắn sẽ không bao giờ quên được những giờ phút như ngày hôm nay ở trại tù dưới núi này.

 

HÀ THÚC NHƯ MỸ

         


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.