VÀI KỶ NIỆM KHÓA 1 Y KHOA HUẾ

 

Đầu năm 1960, được biết Đại học Huế sẽ mở lớp PCB (Sinh-Lý-Hóa) đầu tiên cho trường Y khoa Huế mới thành lập, ba tôi bảo nên về ghi tên. Lúc ấy tôi đang theo học lớp SPCN tại ĐH Khoa học Sài Gòn, ở nhà bà dì, thằng em họ cùng tuổi cũng học chung. Hắn con nhà khá giả, chơi với đám con nhà giàu Sài Gòn thời đó. Tuy tôi thấy mình không nên lân la với đám này, khổ cái là bị bệnh mê xe, mà đứa nào trong đó cũng xe thể thao mui trần, chỉ đứng gần ngắm cũng đủ... chết đứng. Lại thêm có lần xe không nổ, tôi sửa dùm còn điều chỉnh cho chạy ngon hơn nên được cho lái. Lần đầu tiên trong đời, như là mơ, chiếc MGA đời 1958 với cái đồng hồ vận tốc máy (tachometer) rất hiếm thời đó. Tóm lại, chơi thì nhiều mà học thì ít. Thôi thà bỏ một năm, ta về ta tắm ao ta.

 

Lớp PCB khai giảng tháng 9, 1960, học tại giảng đường Morin cũ với khoảng 100 sinh viên tuyển chọn, còn có chỗ ngồi không cần dành chỗ như lớp SPCN ở Sài Gòn. Học trường Tây từ nhỏ, tôi hơi lúng túng với bài vở tiếng Việt, may là đa số dùng danh từ Pháp. Tôi cũng theo học lớp Đức ngữ với GS Ferkinghoff, đẹp trai làm mấy cô mê.

 

Đến khi lên lớp 1 YK của phân khoa Y mới toanh, chỉ còn lại khoảng 50 được chọn. Chưa có phòng ốc, chúng tôi mượn tạm phòng của Viện Hán học trên đường Lê Lợi, gần tòa Đại biểu. Đây là dịp cho chúng tôi ra ngồi lan can giữa 2 lớp chọc ghẹo mấy nữ sinh Đồng Khánh đi qua.

Lúc ấy có vài vị lớn tuổi đã có chức nghiệp như Nha sĩ Trương như Sản, Dược sĩ Phạm Thiều Oanh và “Bố” Minh, anh Đỗ văn Minh một thời làm y tá cho Ty Y tế mà tôi quen trước khi cùng đáp chuyến tàu vào Đà Nẵng thi Tú Tài Pháp năm 1959.

 

Chỉ mới một lớp, thế mà YKH đoạt giải túc cầu toàn Viện năm 1961, phần lớn nhờ phòng vệ Nguyễn đại Hiền nay đã ra người thiên cổ. Tiếc thương một người bạn thật hiền như tên gọi.

Phần đông giáo sư gốc Đức từ Đại học Freiburg yểm trợ gởi sang với trưởng đoàn GS Horst G. Krainick-Nhi khoa, GS Raymund Weil-Biochemistry, GS Kaufman-Physiology, GS Zwirner-Anatomy, Raymund Discher-Nội khoa, Alterkoster-Lâm sàng, Erich Wulff-Tâm thần. Pháp thì có GS Moulin Ngoại khoa, Việt có GS Nguyễn mạnh Hùng, Lê bá Nhàn, Lê văn Bách. Ký ức hơi mòn, nhớ không đủ. Tiếng Pháp, Anh được dùng nhiều trong bài giảng, anh em chép với nhau soạn thành bài cho cả lớp. Do đó lớp 1 chúng tôi gắn bó với nhau nhiều.

 

Lên lớp 2 thì chỉ còn lại chị Phạm thị Xuân Quế là nữ, chúng tôi gọi chị là “anh Quế” cho rồi. Lúc này ngôi trường do kiến trúc sư Ngô viết Thụ vẽ đã hoàn thành một nhánh, chúng tôi được về nhà mới, ngồi học trong tiếng ồn ào của một công trường đang còn xây cất, nhất là cái máy đóng cọc đinh tai nhức óc. Đóng cửa thì nóng, mở ra thì ồn.

 

Đêm văn nghệ đầu tiên vào dịp cuối năm, cũng khá xôm trò. Như bao nhiêu đám trẻ, cũng nghịch ngợm, khiêng xe Vespa của Đoàn Yến lên tận lầu 4, cả lớp xách xe đuổi theo cặp Hoàng đại May với quản thủ thư viện cô Hường, kéo nhau chơi bi-da bến xe Nguyễn Hoàng, đi ăn bánh bèo Ngự Bình, ngủ đò sông Hương, đánh xì phé ruồi, tắm sông bến nhà bên ngoại tôi ở Nguyệt Biều với nhánh cây chìa ra sông để làm Tarzan đu dây.

 

Khi bắt đầu lâm sàng tại BV Huế thì đã có số giảng nghiệm viên Việt từ Pháp về giúp như BS Nguyễn khoa Mân, Nguyễn khoa Nam Anh, Lê huy Chước, Bùi Luân, từ Quân Y qua như Phùng hữu Chí, Nguyễn văn Tự, ngoài các BS Đặng hóa Long OB-GYN, BS Lê bá Vận, BS Nguyễn văn Đệ... và một số được gởi đi tu nghiệp.

 

Thế rồi 7 năm học qua cũng nhanh. Năm cuối còn đi thực tập với nhóm quân y sĩ Mỹ ở Phú Bài, ăn hot dog, xem ciné trong lều, lõm bõm vài tiếng Anh. Nhất là vào BV Đà Nẵng thực tập được BS Đinh văn Tùng hướng dẫn hết mình, còn cho phòng ốc trọ trong BV, cho riêng một chiếc xe International chạy ra biển chơi, thời đó phải nhảy xuống vặn ốc nơi bánh xe mới có 4 bánh truyền động (4 WD).

 

Ngày đệ trình luận án đầu tiên 30 tháng 11 năm 1967, chỉ có 4 mạng làm kịp là Nguyễn văn Thuận, Lê quốc Bảo, Hoàng Quỳnh và tôi với buổi lễ tốt nghiệp sau đó tại Viện ĐH.

Tôi còn nhớ loay hoay tìm người đánh máy luận án, gặp ông già với cái máy cũ rích ruban hết mực, chữ 1/2 đen 1/2 đỏ, rồi về có vợ giúp quay roneo đóng sách kịp thời qua đêm. Chưa kịp thở, đã có lệnh nhập ngũ. Thế là gia đình tôi thoát cảnh Mậu Thân tàn khốc, tang thương cho dân Huế, cho trường Y Huế.

 

Ở Sài Gòn, chỉ lẻ tẻ vài xáo trộn, lính mới chúng tôi được phân công trực trường Quân Y. Huấn luyện quân sự 8 tuần sau đó, khóa 10 YND trưng tập được lên trường Võ Bị Đà Lạt. Có lẽ đám trung úy mới này chưa thấy được quân kỹ của West Point VN này nên hôm mãn khóa bị phán một câu: Đây là khóa Trưng tập YND đầu tiên và cuối cùng ở quân trường này!

 

Bù lại vợ chồng tôi được hưởng một tuần nghỉ tuyệt vời sau đó nhờ BS Alain Richard, cố vấn ngoại khoa cho YKH, cho ở tại biệt thự Dalat, còn cho mượn xe thể thao mui trần độc nhất trong tỉnh MGB màu đỏ chói, chạy lút ga tới 160 km/h (100 mph). Đường đèo Dalat làm gì có giới hạn tốc độ! Còn gì hơn trước khi lao mình vào đời quân y sĩ thời chiến.

 

Thời cuộc đổi thay, nhóm khóa 1 chúng tôi nay xấp xỉ bát tuần, 1/2 còn ở quê nhà, 1/2 ở hải ngoại. Tôi là người độc nhất nếm cả hai. Số là con một không nỡ bỏ cha mẹ già, tôi chọn ở lại sau 75, người cuối cùng trong phòng mổ TYV Cộng Hòa, đi tù CSVN mới ngã ngửa để liều chết vượt biên sau khi làm việc với chế độ mới 2 năm.

 

Điểm lại anh em khóa 1:

- Đã mất: Phạm bá Khá, Trịnh bình Tây, Đặng ngọc Hồ, Đỗ văn Minh, Nguyễn đại Hiền.

- Ở VN: Bùi an Bình, ông đốc nổi tiếng ở Huế, chuyên Nhi khoa, Trần viết Phồn giảng viên ĐH về hưu, Bửu Hàm Nhãn khoa không chịu lấy vợ nhưng nhiều bồ, Hoàng Quỳnh đại gia Cần Thơ, Nguyễn minh Triết còn lai rai phòng mạch, chị Phạm thị Xuân Quế ở Thường Lạc, Huế và Phạm lương Giỏng.

- Ở Âu Châu có Trần hữu Thế, Huỳnh gia Quang ở Pháp, Tôn thất Hứa ở Đức.

- Ở Mỹ có Nguyễn văn Thuận giải phẫu về hưu TX, Tôn thất Viên tê mê về hưu HI, Đoàn Yến, Lê quốc Bảo còn hăng phòng mạch CA, Hầu mặc Sửu, Tô đình Đài, Lê bá Dũng hưu TX; Tạ trọng Thu hưu CA, và tại hạ còn nặng nợ áo cơm NJ.

- Mất liên lạc: Mai văn Tuấn.

 

Năm nay 2017, đúng 50 năm khóa 1 YKH ra trường, ít dòng tưởng nhớ đến các bạn đã ra đi, các bạn còn lại để cám ơn người, cám ơn đời.

 

Lê Đình Thương YKH-1

 


 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.