Về nhạc tình của Trịnh Công Sơn qua mối tình đầu

         BS Hoàng Thế Định

 

Người viết bài nầy xin miễn bàn về xu hướng chính trị của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà chỉ nói về nhạc tình; loại nhạc tình lứa đôi.

Trịnh Công Sơn xuất thân trong một gia đình theo đạo Phật, lớn lên tại một căn phố ở đường Gia Long sau đổi lại là Ngã Giữa, rồi Phan Bội Châu, sau 1975 lại đổi thành Phan Đăng Lưu. Căn nhà họ Trịnh có 2 tầng, phía dưới để buôn bán và phía trên dành cho gia đình sinh hoạt. Hằng đêm đi ngang qua căn phố của gia đình họ Trịnh thường nghe tiếng tụng kinh của Trịnh Công Sơn ở phòng ngoài cùng hướng ra đường. Là một người có cuộc sống hằng ngày như vậy, nên về sau giòng nhạc của anh dù là nhạc tình vẫn chen lẫn vài câu triết lý thiền và vô thường của đạo Phật.

Là anh đầu trong gia đình, với hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không cho phép TCS tiếp tục việc học mà vừa có bằng thành chung, anh đã phải vào Quy Nhơn học lớp Sư Phạm Cấp Tốc về dạy tiểu học. Gia đình anh cũng phải rời bỏ căn nhà lâu đời đầy kỹ niệm để sang phía nam sông Hương thuê một căn nhà ở tầng 2 thuộc chung cư trên đường Nguyễn Trường Tộ, cạnh cầu Phủ Cam bắt qua sông đào An Cựu. Chính thời gian lưu trú nơi đây, TCS đã sáng tác rất nhiều bài nhạc tình bất hủ.

Trong khuôn khổ bài viết, tôi chỉ nói đơn thuần về mối tình đầu đã dẫn đến những bản nhạc tình của anh.


(BoiTran_13)

Mang một tâm hồn lãng mạn, với một hoàn cảnh không được tốt đẹp cho lắm, bản nhạc đầu tay của Trịnh Công Sơn sướt mướt đầy nước mắt trong nhan đề hết sức ướt át, Ướt Mi : ‘Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi, người ơi nước mắt hoen mi rồi…” với thân phận như thế, TCS nói lên đúng tâm tư đau buồn rã rời như tiếng mưa rả rích đêm khuya ở Huế “Mưa, lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về nghe não nề…” chính những lời chân tình từ đáy lòng anh đã đi vào hồn giới trẻ, chinh phục giới nghe nhạc Huế và mọi người ở đó dang tay đón nhận anh đích thật như là một nhạc sĩ lão thành. Không lâu sau, tiếng vang của nhạc Trịnh đã lan khắp Miền Nam lúc đó, một giai đoạn khá thanh bình của một hai năm đầu của thập niên 60.

Ở Huế, không có gì đẹp hơn những tà áo dài trắng của nữ sinh lúc tan trường, họ ùa ra khỏi cổng rồi bung khắp mọi hướng như những cánh bướm trắng tung bay, tiếng nói chuyện hòa với tiếng cười giòn ríu rít hợp tấu nghe như đàn chim sẻ rộn rã dưới mái hiên nhà. Có đám lại tụm năm tụm ba bên gốc cây lề đường, khoe nhau những bài thơ hay, những tấm hình kỹ niệm rồi hồn nhiên hét phá lên hoặc rúc rích cười đến rung cả người, những hình ảnh đó sống động tươi đẹp làm sao ấy đã ghi rõ nét trong tâm trí TCS để rồi anh ghi lại như là “vẽ trên giòng nhạc” của mình “Nụ cười khúc khích trên lưng” (Quỳnh Hương). Từ trường nữ Đồng-Khánh, những nữ sinh có nhà trên đường Phan Châu Trinh bên bờ nam của sông đào An Cựu hẳn phải rẽ về hướng tay phải trên đường Ngô Quyền rồi quẹo trái trên đường Nguyễn Trường Tộ và qua cầu Phủ Cam. Chiều chiều, TCS đứng tựa lan can trên lầu 2 bâng quơ nhìn giòng nữ sinh qua cầu trong gió, anh tả cảnh ấy bằng âm điệu dịu dàng nhất: “ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều”. Trong đám học sinh nữ ấy, TCS để ý đến một cô khá cao hơn các bạn, dáng dịu dàng, khoan thai từng bước nhỏ, thướt tha như làn gió nhẹ đưa, TCS trân quý: “…trên gót chân em âm thầm lá đổ, chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa…” (Diễm Xưa) Hai hàng cây Muối bên đường đổ lá vàng quấn quit chân nàng như cố giữ chân nàng không cho qua cầu để chàng được mãi chiêm ngưỡng cái vẻ đẹp kiêu sa của nàng, và TCS thiết tha trong Tình Nhớ: “Ôi áo xưa lồng lộng, đã xô dạt trời chiều”… để anh được “… xóa một ngày đìu hiu…”

Trịnh Công Sơn đã lặng lẽ theo chân nàng qua cầu rồi rẽ về phải trên đường Phan Châu Trinh, đi vài trăm mét thì đến nhà nàng. TCS hỏi thăm mới biết đó là nhà của thầy giáo Pháp Văn Ngô Đốc Khánh, và tên nàng là Ngô Vũ Bích Diễm. Qua nhiều lần theo chân mình về nhà, Bích Diễm thừa biết anh chàng nhạc sĩ si tình nầy theo đuổi mình. Dù biết gia đình nàng là thuộc nề nếp gia phong lễ giáo, thân phụ nàng lại là thầy giáo nghiêm khắc, nhưng có lúc TCS cũng đánh liều đến gõ cửa nhà nàng khi biết thầy Khánh không có nhà. Mẹ nàng ra mở cửa và lịch sự mời chàng ngồi rồi qua lời chàng xin phép cho được gặp Bích Diễm, bà đi vào trong và cao giọng gọi con: “Bích Diễm, có khách hỏi ngoài phòng khách!”. Bích Diễm bối rối, nhưng nghe mẹ bảo, nàng lung túng bước ra. Những lúc như vậy, nàng không hề nói một lời nào mà chỉ ngồi nghe chàng nói. Chàng nhạc sĩ họ Trịnh còn đến xin gặp nàng nhiều lần nữa, nhưng ít khi nàng tiếp vì cha mẹ nàng đã có lời ngăn cấm. Họ lo cho bước đường tương lai của nàng còn dài trước mắt, không thể dừng lại với một người bằng cấp không tương xứng với gia đình nàng và nhất là đối với sắc đẹp của nàng.

Trịnh Công Sơn biết rất rõ lễ giáo của người Bắc như gia đình Bích Diễm và cái rào ngăn cách anh với Bích Diễm chính là môn đăng hộ đối. Anh đau khổ, buồn nhớ nàng không sao chịu nỗi vì không thấy được mặt người yêu. Nàng thì không còn qua lại con đường trước nhà chàng nữa, vì bấy giờ đã sang hè, nàng lại đang vùi đầu vào đèn sách cho kỳ thi tú tài sắp tới. Cứ chiều chiều, TCS lại thả bộ dọc đường Phan Đình Phùng đối diện với nhà nàng bên kia sông. Con sông đào chỉ rộng vài chục mét mà sao anh thấy xa vời vợi, anh đứng tựa lưng vào gốc cây bên vệ đường nhìn sang mong thấy được nàng có khi bước ra khỏi cửa chăng. Có lúc anh ngồi trên bậc thềm bến nước bên nầy lòng sầu muộn không nguôi mặc cho cơn mưa hạ chợt ùa tới. Chúng ta bắt gặp trong nhạc của TCS những hình ảnh giòng sông với mưa sa đẫm ướt: “cuộc tình đã ra khơi, ta còn mãi nơi đây…lời hẹn thề là những cơn mưa…” (Tình Nhớ). Anh không thể quên được nàng vì “những bước chân mềm mại đã đi vào đời người như từng cơn đá cuội…” gắn chặt vào lòng anh rồi. Tưởng như tình của anh chỉ một chiều, nhưng không, Bích Diễm đã yêu anh, yêu Trịnh Công Sơn. Sau những lần ướt đẫm mưa, Sơn ốm nặng, một người bạn của anh đã báo tin anh bệnh cho nàng hay. Bích Diễm đang quay quắt không biết làm sao đi thăm chàng, thì may thay, một người bạn gái của nàng vừa đến, (người bạn nầy là T.N.P.Vĩnh, hiền thê của người viết bài nầy. Một trùng hợp vui vui là chính bản thân người viết lại là bạn học cùng lớp với Ngô Vũ Anh Dũng, anh của Bích Diễm và đôi lần đến nhà bạn mới nhận ra Dao-Ánh, em gái Bích Diễm là bạn của TT, em gái tôi) hai người bạn gái ngồi nói chuyện ở nhà sau, P.Vĩnh ngồi trên thành cửa, đối diện với Bích Diễm ngồi ở bậc thềm thông ra vườn sau. Hai cô gái đã bày một kế mọn để Bích Diễm có thể thoát ra ngoài; Diễm nói: “P.Vĩnh cứ tiếp tục nói, xem như Yễm vẫn còn ngồi tại chỗ, Yễm đi một lát thôi nha, mợ không biết đâu” anh em trong gia đình Diễm gọi bố là thầy, mẹ là mợ và anh chị em với nhau người nào cũng xưng tên mình với nguyên âm mà thôi, thành ra Dũng thì xưng “Ũng” Diễm thì “Yễm”, thoạt nghe hơi lạ tai, nhưng sau lại thấy có vẽ nũng nịu, dễ thương làm sao. Mẹ nàng đi đi lại lại làm việc nhà thấy P.Vĩnh vẫn ngồi chỗ cũ nên nghỉ Diễm và bạn đang nói chuyện. Bích Diễm trong bộ quần áo lụa vàng, chạy thoăn thoắt xuống con đường đất dọc hai bên đường rầy xe lửa, rồi trên đường từ hẻm nhà láng giềng, nàng ngắt vội một cành hoa vàng trồng sát hàng rào thưa, đi như bị ma đuổi vượt qua cầu và tiếp thêm một sân đất với hàng cây Muối mới đến dưới chân cầu thang chung cư nơi Trịnh Công Sơn ở. Diễm bước nhanh lên lầu chạy đến bên ngoài cửa sổ song sắt giọng hổn hển: “ anh Sơn! anh Sơn đã đỡ chưa?” Sơn sốt li bì nằm dán sát người xuống giường, nghe tiếng Bích Diễm, anh không ngồi dậy nổi, cố mở hé mắt lên, anh đưa tay về phía cửa sổ mong nắm được tay nàng, nhưng chỗ anh nằm khá xa chỗ nàng đang đứng. Diễm đặt cành hoa trên thành cửa sổ, nói nhỏ: “Thôi Yễm về nhé!”. TCS chỉ kịp nhấc đầu lên một chút để thoáng thấy bóng Diễm trên nền khung cửa sổ nắng vàng chói chang đập vào mắt anh như kim chích. Trịnh Công Sơn nhớ mãi khoảnh khắc mà anh cho là kỳ diệu muôn thủa đó, vì thế mà trong giòng nhạc của anh, ta thấy nhắc lại mãi “nắng và hoa vàng, cùng mưa bay trên sông” là những khoảng không gian và thời gian làm nên cuộc tình anh, anh tiếc mãi  cái lúc cơn sốt làm anh không đủ sức giữ nàng lại, để rồi khi nàng đã đi xa, anh chỉ còn biết âm thầm gọi tên nàng: “Bước chân em về nào ai có hay?...gọi tên em mãi suốt cơn mê nầy” (Hạ Trắng) “…chiều nay còn mưa sao em không lại? nhớ mãi trong cơn đau vùi, làm sao có nhau?”

“Thôi Yễm về nhé!"

…Không thể nào có nhau, vì nàng đã “như cánh vạc bay” bay xa xứ Huế có anh. Nàng tuân theo kỷ cương của gia đình, xa chàng, vĩnh viễn xa chàng khi bước chân vào Đại Học Sài-Gòn tiếp tục con đường tương lai. Còn anh thì vẫn dừng chân tại chỗ, anh nghĩ đó chính là vực sâu đời anh: “một người về đỉnh cao, một người về vực sâu để cuộc tình chìm mau như bóng chim cuối đèo” (Tình Nhớ). Anh biết mình u mê mà vẫn yêu: “dập dìu mãi chua cay, nhưng tình mãi u mê” để rồi anh nhận ra “nhìn lại mình, đời đã xanh rêu” (Tình Xa). Có lúc anh những tưởng là cuộc tình ấy rồi sẽ ra đi một cách đơn giản: “những hẹn hò ngày xưa khép lại, thân nhẹ nhàng như mây, chút nắng vàng giờ đây cũng vội, khép lại từng đêm vui…” (Như Một Lời Chia Tay), nhưng không! Những hình ảnh xưa của nàng, cùng với đóa hoa vàng cứ mãi lẫn quẩn trong anh:”có nụ hồng ngày xưa rớt lại, bên cạnh đời tôi đây…”

Không có nàng bên kia sông, đường anh đi về mỗi ngày sao mà dài hun hút vô vị “ không còn ai, đường về ôi quá dài những đêm xa người, chén rượu cay một đời tôi uống hoài, trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi” (Phôi Pha) Và rồi TCS đã uống, uống hoài cho đến cuối đời anh, anh mong sao cho men rượu giúp vơi đi nỗi nhớ, thế mà trong giấc ngủ vùi sau cơn say anh cũng vẫn nghe tiếng cười giòn trong trẻo ngây thơ của nàng: “Có những lần nằm nghe tiếng cười, nhưng chỉ là mơ thôi” (Như Một Lời Chia Tay). Nhiều lúc anh nghe rõ mồn một tiếng thì thầm bên tai mà anh tưởng là mơ trong cơn say vùi: “tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại, ngỡ chỉ là cơn say”, nhưng không, đó là lúc anh nghe tiếng lòng thổn thức trong anh.

Rượu cũng chẳng giúp gì anh được, anh đau đớn nhủ thầm thôi thì chết đi cho rảnh nợ “…thôi về đi, đường trần đâu có gì, tóc xanh mấy mùa” theo đạo Phật “ sinh ký, tử quy” sống chỉ là tạm, chết là về (Phôi Pha). Nhiều khi anh tự an ủi mình đừng tuyệt vọng, nhưng như thế thì anh lại chê trách mình sao lại tham sống: “Tôi ơi đừng tuyệt vọng!... tôi là ai mà còn khi dấu lệ, tôi là ai mà còn trần gian thế? Tôi là ai mà yêu quá đời nầy?” (Tôi ơi Đừng tuyệt vọng). Anh mong được chết, vì anh quá mỏi mệt, mệt mỏi vì yêu: “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” (Một Cõi Đi Về) vì rằng“ khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn…hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay, không còn không còn ai, ta ru ta ngậm ngùi…” (Ru Ta Ngậm Ngùi).

Có khi, trong niềm tuyệt vọng ê chề, anh tưởng mình sẽ ngã gục mà thôi, nhưng nguồn nhạc trong anh như giòng máu nóng vực anh giậy, ấp ủ và an ủi để anh có thể cất tiếng cười: “có nhiều khi rơi xuống bên đời, trong gian nan nên cất tiếng cười (Gần Như Niềm Tuyệt Vọng).

Rồi thì anh vẫn sống, về sau, con tim anh đã nguôi ngoai để cho anh còn yêu được. Anh đã yêu nhiều người con gái khác và có khi còn sống chung với họ, nhưng thỉnh thoảng hình ảnh cũ lại hiện về, “đóa hoa vàng” ngày xưa đang vẫy tay: “Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời, như một lời chia tay….” (Như Một Lời Chia Tay) Trí não anh bảo anh phải sống bình thường, nhưng con tim lại kéo anh đi lối khác. Mối tình đầu mãnh liệt đó mãi quay về trong những ngày cuối đời anh: “có nhiều khi bên gối tôi nằm, nghiêng sang em tôi thấy nắng vàng” (Gần Như Niềm Tuyệt Vọng) vẫn đóa hoa vàng mỏng manh ấy, vẫn cái nắng vàng quấn quít chân em trong bộ áo lụa ngày nào em đến thăm.

........................Diễm Xưa qua tiếng hát của Khánh Ly

(BoiTran_17)

Hoàng Thế Định, Florida, Tháng 12 2009

*Mong có dịp để viết về cái vô thường và ý niệm thiền trong nhạc TCS.

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.