TRƯỜNG YK HUẾ & CÁC KHOA TRƯỞNG (1961-1975). Phần 3

 

 

http://bomonnoiydhue.edu.vn/upload/image/gallery/thaylevanbach2.jpg

YKH, 1973. Hàng ngồi: các giáo sư Lê Xuân Công, Bùi Minh Đức, Nguyễn văn Tự, Lê Bá Vận, Lê Văn Bách, có đánh dấu + ở chân, Lê Bá Nhàn, Vũ Công Thưởng, Tôn Thất Chiểu. Hàng đứng từ trái qua: các bác sĩ tân khoa, khóa YK6 và YK7. Bùi Cao Đẳng (+, MD/USA), Nguyễn Tấn (SG), Đặng Ngọc Chất (SG) , Phan Quý Nam (SG), V. Chánh (MV, CA), Hoàng Kim Dũng (San Jose, CA), Trần T. Thanh Thiện (Phan Thiết), Lê Văn Phú (SG), Lê Quang Tiến (Montreal, Canada), Trần Như Sum (+, Nha Trang), Võ Mậu Thiên (Thủ Đức), Trần Tiển Ngạc (Stockton, CA), Trần Quang Hân (+, CA).

 

PHẦN 3a

 

ĐHYKH Giai Đoạn 3 (1972/1975)

 

 Bác sĩ Lê Bá Vận (là tôi) được bộ Giáo Dục bổ nhiệm Khoa trưởng ĐHYK Huế thay thế GS Bùi Duy Tâm và giữ chức vụ từ cuối 1972 cho đến ngày 30/4/1975 thì miền Nam Việt Nam sụp đổ.

Trước đó, từ khi Trường thành lập, tôi (BS Vận) chưa từng tham dự việc trường, chỉ lo giảng dạy và điều trị, khiêm nhường ít gây chú ý.

Mới đây tôi được nhắc nhở đến cũng khá nhiều (!)  vì tôi hay viết lách (ví dụ viết bài này), phát biểu trên diễn đàn của hội Ái Hữu ĐHYK Huế hải ngoại.

Trong tập Kỷ Yếu YK Huế ấn hành nhân lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ĐHYK Huế 1959-2009, theo lời yêu cầu của Hội, như mọi người, tôi cũng viết tiểu sử của tôi như sau:

     

Text Box:            LBV, Đại hội YKH 2006, CA, USALê Bá Vận.  Vài dòng tiểu sử.

Năm sinh: 12/1929. Nguyên quán: Lệ Thủy, Quảng Bình.

Sài Gòn: Tú Tài Pháp, Tú Tài Việt Nam.

Hà Nội: Đại học Y Dược Khoa, Cựu Ngoại trú Bệnh viện.

Sài Gòn: Đại học Y Khoa, Cựu Nội trú Bệnh viện.

Huế: Từ 1957- 1959: Y sĩ Trung úy trưng tập,

 *Bệnh viện Quân Y Mang Cá Huế.

 

         Từ 1959 đến 30/4/1975:

*BVTƯ Huế: Y sĩ Quốc gia Chính ngạch, Bộ Y Tế. (1)                               

                                                                                                                      

*ĐHYK Huế: Giảng viên, Hậu Đại Học Hoa Kỳ, Giảng sư.

Giáo sư Khoa Trưởng ĐHYK Huế (1972-1975).       

 

Y tế Bội tinh, Giáo dục Bội tinh VNCH.                                            

Vợ: Võ Thị Lệ Thủy, Luật sư Tòa Thượng Thẩm Huế. Năm con (4 gái 1 trai).

 

Các đồng nghiệp cũng có viết về tôi:

 

-Giáo sư Võ Đăng Đài viết: “Ở Đại học Huế trước 75 cấp trên của tôi còn có hai người nữa là Thầy Lê văn Bách và Thầy Lê bá Vận… Trước khi làm Khoa trưởng, người ta nói Thầy (Lê bá Vận) có tính gàn gàn, nhưng sau khi lên làm Khoa trưởng, Thầy đã tỏ ra không gàn tí nào, trái lại rất uyển chuyển, khôn ngoan đối với Viện, đối với các Khoa khác cũng như đối với nội bộ của Trường. Thầy hành xử đúng là một người lãnh đạo.

Sự khôn ngoan của Thầy càng thấy rõ sau 75 trong những buổi học tập chính trị. Thầy đã đưa ra những câu hỏi rất khó trả lời nhưng không ai bắt bẻ được. Sau 75 Thầy được giữ lại Trường chỉ vì Thầy có chuyên môn rất giỏi…” (VĐĐài ‘Tính sổ…’, ĐSan YKH 2006 tr.12).

Và ở một đoạn khác trước đó: “Có sự ủng hộ nhiệt tình của Viện và sự hợp tác tích cực của ban giảng huấn và sinh viên, Thầy Lê bá Vận vừa mới đưa Đại học Y Khoa lay tỉnh trở lại thì đầu năm 1975 Huế thất thủ, Viện Đại học Huế tan rã, một số giáo sư và sinh viên đi vào Sài gòn” (tr. 8).

 

-Giáo sư Bùi Duy Tâm trong bài diễn văn đọc nhân lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường có đoạn nhắc lại chuyện xưa: “Thầy Lê bá Vận cùng Thầy Nguyễn văn Tự nhẹ nhàng lái con thuyền Y Khoa Huế đi hết con đường. Khi còn đi học ở Sài gòn tôi vẫn thường sang gặp Thầy Lê bá Vận tại nhà trọ đường Cá Hấp để mượn sách vở học thi Nội trú.

Thầy Vận là một đàn anh học giỏi mà tôi ngưỡng mộ. Chị Vận là một luật sư giỏi với dáng người thanh lịch mà tôi khó quên… ” (ĐSan YKH 2009).

Tôi đọc những lời chân tình và xin cám ơn hai người bạn tốt là GS Đài và GS Tâm.

 

-Các anh chị học trò cũ viết về tôi cũng nhiều, nói chung các anh chị ấy có rất nhiều huyền thoại để kể về các thầy cô cũ. Các câu chuyện về tôi được ghi lại rải rác ngắn gọn nhiều nơi, song cũng có những bài viết dài hai ba đến sáu bảy trang trong đó “mười phần bớt bảy còn ba, bớt hai còn một mới ra sự tình ”.

Tôi thật tình vui thích và cảm động được các anh chị học trò cũ viết về mình, gồm chính truyện, ngoại truyện và nhiều hư cấu. Hiện giờ tôi nghĩ các cựu sinh viên hiểu biết tôi rõ vi tôi hay viết chuyện của mình, của các anh chị, các thầy, trường, bệnh viện, đất nước.

Các anh chị cũng hiểu biết Thầy Bùi Duy Tâm nhiều qua các bài viết, phát biểu, tranh luận…

 

Thầy trò YK Huế gặp mặt 1986. Hàng ngồi, bên phải: Bs Lê Bá Vận, ngồi cạnh là Bs Trần Viết Phồn YKH1.

Hàng đứng từ trái sang, người thứ 3 là Bs Phan Tiêu Thu YK 9, đại diện YKH ở Sài Gòn.

 

-Các lãnh đạo trường Y Huế sau 1975 có nói về tôi.

Năm 1985 lúc tôi từ giã Huế vào Nam, BS Văn Học Tấn, người Quảng trong Ban Lãnh Đạo trường YKH nói riêng với tôi “anh là người duy nhất tôi kính phục trong bạn bè”.

Lời nói đó là thực, song không hiểu BS VHT thành thật được mấy phần. Cũng không có lý do gì để ông ta xã giao đưa đẩy.

 

  ______

 

Ban tân giám hiệu YKH gồm 5 vị. Hai vị phó khoa trưởng là GS Lê Văn Bách và Nguyễn Văn Tự.

Ở Trường Y Khoa, GS Bách đặc biệt được kính trọng; được ông nhận lời tham dự việc trường, ban giám đốc Trường tăng uy tín rất nhiều. GS LT Minh Châu có nhận xét ở những buổi họp ai cũng chờ nghe GS Bách cho ý kiến vì là mực thước, xác đáng, thuyết phục. Tôi cũng nhận thấy thế.

Giáo Sư Nguyễn Văn Tự vẫn đảm nhiệm chức vụ Phó Khoa trưởng Học vụ mà ông có sẵn nhiều kinh nghiệm. Các thầy Lê Bá Nhàn, Lê Xuân Công, Tôn Thất Chiểu giữ các chức vụ Phụ tá Khoa trưởng về Khoa học vụ, Sinh viên vụ, Đối ngoại vụ.

Cùng lúc, các giáo sư, giảng sư khác được phân nhiệm giữ những chức vụ Trưởng khu (chủ nhiệm bộ môn) của trường. Nhiều vị đồng thời là Trưởng Khoa ở các khoa tại Bệnh Viện.

 

Cuộc khủng hoảng kéo dài giữa Viện Đại học Huế và Trường Y Khoa, do Viện khởi xuất, đến đây đã chấm dứt.

Viện đã bỏ ra biết bao công sức, tâm huyết mà lẽ ra, theo nguyên tắc tự trị Đại học, Viện không thể và không nên xen lấn vào nội bộ Trường Y Khoa.

Do đó Viện cũng đã nhẫn nhịn suốt một hai năm trời.

Lúc tình hình căng thẳng cao độ sau ”mùa hè đỏ lửa 1972”, tôi nhận thấy ngoài bề mặt, tương quan lực lượng như sau: một bên là GS Tâm, quyết tâm giữ chức vụ, thêm một hai thầy (?) và một số sinh viên tích cực, bên kia là GS Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu, có GS Nguyễn Văn Hai hỗ trợ.

 

Ban giảng huấn của Trường phần lớn thì kín đáo không bày tỏ thái độ, có khi lại thiên về Viện, và đó là điều ước mong của Viện tìm đạt cho bằng được.

Ngay sau khi Viện đã tranh thủ được quyết định của bộ Giáo Dục ngưng chức GS Tâm, sự việc thắng bại cũng chưa ngã ngũ rõ rệt trong mấy hôm cho đến khi GS Viện trưởng tạm đảm nhiệm điều hành trường YK. Tôi suy đoán nước cờ cao này có thể do từ GS NVHai (?).

GS Đài có nhận xét: “Thầy Hai thuộc những nhân vật có cá tính A (personality A).

Thầy nóng nảy, mưu lược nhưng không thâm độc và thù hận” (Đsan YKH, 2006, tr. 12).

 

Tôi cũng nhận định: “Hồi đó Hội đồng Viện họp coi như hàng tuần, gồm Viện Trưởng, Phó Viện Trưởng, các ông Khoa Trưởng và ông Tổng Thư ký Viện.

Giáo sư Nguyễn Văn Hai, Phó Viện trưởng, Khoa trưởng trường ĐHKH được xem là chiến lược gia của Viện, nắm vững tình hình, mưu thâm trí viễn.

Giáo sư Nguyễn Sĩ Hải, Khoa trưởng Luật Khoa phát biểu khôn ngoan, chín chắn, mực thước tương tự giáo sư Lê Văn Bách YKH; các vị khác và tôi phát biểu ít hơn ngoại trừ việc liên quan đến Trường.

Ông Viện Trưởng nói ít, cân nhắc lựa lời, nghe nhiều, tổng hợp và hành xử khôn khéo, mềm dẽo.

Từ sau ngày ban Giám hiệu Trường được thành hình, Viện Đại học Huế chấm dứt can thiệp ở Trường YK, tôn trọng sự tự trị Đại học, như từ hồi nào.

 

Tôi lên giữ chức vụ Khoa trưởng ĐHYK Huế thừa hưởng được những thành quả lớn lao của những vị tiền nhiệm từ lúc thành lập Trường vun xới, tích lũy, phát triển trong nhiều năm, giúp tôi có nhiều thuận lợi trong nhiệm vụ:

 --Hiện nay Trường có nhiều vị có tước vị giáo sư, giảng sư khiến trường không bị động.

 --Hội đồng giám khảo các kỳ thi lâm sàng, đề biện luận án tốt nghiệp, thi tuyển giảng nghiệm viên đều do Trường đảm trách, không mời ngoài trường.

 --Sinh viên ra trường đã nhiều khóa, nhiều bác sĩ ưu tú được giữ lại Trường.

Sau khi khóa 1 YKH tốt nghiệp, các bác sĩ Bùi An Bình, Trần Viết Phồn, Tôn Thất Hứa, Phạm Thị Xuân Quế được trường giữ lại. Tiếp theo là các bác sĩ các khóa sau: Phạm Văn Nguyện, Lê Văn Bàng, Dương Đình Châu, Bảo Chủ, Trần Nhơn, Trần Tiễn Sum, Trần Tiễn Ngạc, Đoàn Văn Quýnh, Văn Quảng, NT Tinh Châu… và còn nhiều nữa, được tuyển vào Trường. 

Điều này rất quan trọng cho tương lai, là từ nay trở đi có thêm thế hệ thứ hai của ban giảng huấn tức là các bạn ra trường các khóa đầu, ngày càng nhiều, được gởi du học nước ngoài và về lại Huế.

 

 “Sóng Trường Giang, lớp sau dồn lớp trước”, tôi nghĩ rằng các bạn ở thế hệ giảng huấn thứ 2 này là rất xuất sắc, có thể giỏi hơn chúng tôi là thế hệ đầu của ban giảng huấn, vì họ được học tập tốt và vì họ là những sinh viên ưu tú nhất của những sinh viên ưu tú đã trúng tuyển vào trường Y, rất khó.

ĐHYK Huế sau 1972 “cây nhà lá vườn” không hề nhờ vả gì từ Sài Gòn như ở giai đoạn trước.

 

--Huế yên, sau sự cố Mậu Thân 68, Hè Quảng Trị 72.

 

--Năm 1973 Trường đã dựng một tấm bia tưởng niệm các cố giáo sư người Đức có công giúp thành lập Trường và đã thiệt mạng trong biến cố Tết Mậu Thân đầu năm 1968.  

   

  

+Lễ Dựng Bia, 1973.- Từ trái qua: TT Hứa YK1, GS LTM Châu, NT Thu Hồng YK9, TT Bích Thụy YK7

+ YKH 1973.- Lễ Dựng Bia. Tại cửa hông của trường, nhìn sang trường Cán Sự Y Tế. Từ trái qua, ngồi: Các GS LB Nhàn, LX Công, LTM Châu, NM Hùng, LB Vận, đứng: NV Chữ YK4, TT Hứa YK1, NV Bách YK4, TT Ngạc YK7 (áo trắng, dựa tường), NV Thuận YK6.

 

--Quan hệ với Viện Đại học và các phân khoa bạn rất tốt.                          

--Quan hệ với cơ quan AMA (American Medical Asciation) thiết thực, họ đã ra Huế dự họp, tìm hiểu và giúp đỡ.

--Tại Đà Nẵng, Viện Đại học cộng đồng được thành lập với sư bảo trợ của viện ĐH Huế, lễ khai mạc trọng thể, đem lại lạc quan tin tưởng cho miền Trung, Vùng 1, địa đầu giới tuyến.

 

Hoài bão lớn nhất của tôi là thành lập tại trường Y khoa Huế các lớp/khóa đào tạo chuyên khoa sâu, hậu đại học ngắn hoặc dài hạn.

Tôi trông đợi nhiều ở sự góp sức của thế hệ thứ 2 của ban giảng huấn, tức là các bác sĩ cựu sinh viên của trường, được tuyển dụng và gởi đi học trong hoặc ngoài nước. Làm từ từ vì đây là vấn đề về lâu về dài, song “Miễn là cá ở dưới hồ, cỏn con cũng có ngày to kết sù.”

Và rồi điều gì cũng có thể làm được.

Trường Y khoa được sự hậu thuẫn mạnh mẽ và hữu hiệu của Đại học Huế.

 

Thời gian tôi (BS Lê Bá Vận) làm Khoa trưởng không lâu dài, chấm dứt khi Việt Nam Cọng Hòa sụp đổ, những thành tựu gì của tôi, nếu có cũng giới hạn.                                                     

 

“Tân quan tân chế”, tôi lên làm Khoa trưởng tức nhiên có những suy nghĩ riêng về chính sách, phương hướng, mục tiêu đào tạo của trường.

Tôi muốn đem Trường trở về bản chất, sắc thái, tinh thần, mục tiêu yêu cầu đào tạo cũ, năm xưa khi trường thành lập. Tôi mong muốn có một trường Y khoa tốt, giảng dạy tốt, đào tạo các bác sĩ giỏi, tay nghề cao, có lương tâm nghề nghiệp.

Tôi không quan niệm YKH kết hợp Đông Tây Y nhằm đào tạo các thầy thuốc chữa bệnh phối hợp thuốc tây, thuốc ta, tinh thông cả hai, có khi khách lấn chủ như trong lời thề khi ra trường, các tân bác sĩ hứa gắng sức làm phát triển các sắc thái đặc biệt của nền Y học Việt nam theo lời dặn dò của GS Khoa Trưởng BDTâm (Kỷ yếu YKH 2009).

 

Tôi cũng không quan niệm YKH phối hợp giảng dạy Đông Tây Y là có ý nghĩa làm văn hóa, giáo dục: nêu cao tinh thần dân tộc, tránh đầu óc tự ti sùng bái kỹ thuật nước ngoài, lại càng tuyệt đối không hồ đồ quan niệm trường ĐHYK Huế tổng hợp Đông Tây Y là do phải có sắc thái đặc biệt để không phải chỉ là phó bản của Y Khoa Sài gòn, để có lý do tồn tại.

Đó là một trong hai nguyên tắc GS BD Tâm đưa ra khi nhậm chức, nguyên tắc kia là phải mời các giáo sư, bác sĩ uy tín ở Sài gòn giảng dạy. (BDTâm, Kỷ Yếu YKH 2009).

 

   http://bomonnoiydhue.edu.vn/upload/image/gallery/thaylevanbach1.jpg

+YKH 1970: Thầy trò Quốc Phục Việt Nam          +YKH 1973: Thầy trò áo choàng đại học và âu phục.

 

+YKH 1970, tại cửa hông trường: Các thầy và các bác sĩ tân khoa, vận quốc phục Việt Nam.

Hàng trước, ngồi, từ trái qua: Trần Thị Thiết Tranh YKH4, Nguyễn Thị Phong Thư YKH4, GS Nguyễn Mạnh Hùng (Dược lý), GS Nguyễn Văn Hồng (Bệnh viện Sản Từ Dũ, Sài Gòn), GS Bùi Duy Tâm (Sinh hóa), GS Nguyễn Văn Ba (Đông Y, Sài Gòn), Huỳnh Thị Thương YKH5, Nguyễn Thị Loan YKH5.

Hàng đứng có các tân khoa YKH4 và YKH5: Bửu Thức, Trần Đình Tùng, Lê Văn Bàng YK5 hàng 4, thứ 3 từ phải qua, Đoàn Văn Quýnh YK5, hàng 2, thứ 1 từ phải qua, (Coco) Trần Lương Hoa, Phan Xuân Tứ, Trần Nhơn

+YKH 1973 tại cửa trước: Các thầy mặc áo choàng đại học & các BS YKH6 và YTK7 tân khoa vận âu phục.

Hàng trước, từ trái qua, các giáo sư Villajos, Lê Bá Nhàn, Lê Văn Bách, Lê Bá Vận, Lê Xuân Công, Bùi Minh Đức.

 

“Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” đã chọn học Khoa học Tây Y, bao la bát ngát, thì chuyên tâm học cho đến nơi đến chốn. Để học Đông Y qui mô, cần đầu tư thời giờ và tạm gác bỏ suy luận logic Tây Y.

Sự giảng dạy Đông Y được duy trì thu hẹp, thay vì nhằm sách lược nền tảng tổng hợp Đông Tây Y, nay chỉ đơn thuần nhằm giúp kiến thức làm quen, căn bản cho những ai muốn nghiên cứu thêm.

 

Trường Y Khoa Huế đã không còn hô hào tổng hợp Đông Tây Y, tiến tới một nền Quốc Y Việt Nam, và trường YK Sài Gòn cũng không có ý kiến trách cứ trường Huế đánh mất sắc thái đặc biệt để có lý do tồn tại – theo sách lược của GS Bùi Duy Tâm - mà lại rất hòa thuận, nhã nhặn.

 

Lê Bá Vận

 

Chú Thích:

 

(1)LBV “Bệnh Viện Trung Ương Huế Thập Kỷ 1960”.

 

http://www.ykhoahuehaingoai.com/images/m_trian_quaco_files/DongSiNam_2.jpg   Image result for images for đại hội y khoa huế hải ngoại 2009

Freiburg 1991::1)Bia của Thầy Horst G. Krainick và phu nhân, cô Elisabeth Krainick. 2)Bia của Thầy Raymund Disher.

Chú thích: Hình (1) Từ trái sang phải: anh Đồng Sĩ Nam khóa 5, Thầy Bùi Minh Đức, chị Trần Bích Thủy khóa 7, anh Dương Quang Hớn khóa 6, anh Phan Tiên Thái khóa 5, anh Lê Đình Thương khóa 1, cô Búp (khóa 10?), Thầy Lê Huy Chước, anh Trần Phước khóa 7, anh Hà Thúc Như Hỷ khóa 2, anh Phạm Đăng Thiện khóa 3, anh Hầu Mặc Sửu khóa 1 (thấy nửa mặt) và con trai của Thầy Krainick (Mr. Krainick Jr.)

Hình (2) Từ trái sang phải, đứng: Anh Tôn Thất Hứa khóa 1, gia đình Thầy Discher: hai cô con gái, cậu con trai Gunther (sanh ra không thấy mặt bố), bà qủa phụ Discher, chị Thảo (chuyên viên phòng thí nghiệm của thầy Nguyễn Mạnh Hùng), anh Phạm Đăng Thiện khóa 3, anh Trần Hữu Thế khóa 1, anh Trần Tiễn Sum khóa 5 và Thầy Lê Huy Chước. Ngồi: anh Lê Văn Mô khóa 3, anh Phan Tiên Thái khóa 5 và anh Bùi Cao Đệ khóa 4.

 

 -------------------------                                                                                                                                          

 

 

TRƯỜNG YK HUẾ & CÁC KHOA TRƯỞNG (1961-1975). Phần 3

 

Hàng trên:Vợ chồng Bs Thu Giang và Bs Lê Đình Cướng.Bs Thạch,Bs Chắt Hàng dưới Bs Phùng và vợ chồng Bs Bùi văn Minh

YK Huế Khóa 12 Tại Đại Hội Y Khoa Huế Hải Ngoại 31.7.2015 Orange County – California USA.

YKH12 sĩ số trên 50 sinh viên; ra hải ngoại 10 người, có 2 giáo sư Y Khoa tại Hoa Kỳ: Thạch Nguyễn và Bùi Văn Minh.

Hàng trên: Bs Thu Giang, Bs Lê Đình Cường, Bs Thạch Nguyễn, Bs Chắt. Hàng dưới: Bs Phùng, Ô.bà Bs Bùi văn Minh.

 

ĐHYKH Giai Đoạn 3 (1972/1975)

 

PHẦN 3b  Tổng Kết.

 

 

    Nhận định về các Giai Đoạn Phát Triển của ĐHYK Huế 1961-1975 (GS BDT và LBV)

 

Chiến cuộc Tết Mậu Thân tại Huế đầu năm1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa Quảng Trị giữa năm 1972 là hai biến cố quân sự tác động mạnh trên nội bộ của trường ĐHYK Huế song lại không gây xáo trộn tại Đại Học Huế cũng như tại các trường Đại Học Luật, Văn, Khoa Học, Sư Phạm.

 

Lịch sử Đại Học Huế trước 1975 là được chia thành các giai đoạn không dính dáng đến 2 biến động kể  trên:

 

 1.Giai đoạn 1957-63: Thời kỳ xây dựng phát triển

 2.Giai đoạn 1963-66: Viện Đại Học bị phân hóa (chính trị, tôn giáo).

 3.Giai đoạn 1966-75: Viện ĐH nổ lực phục hồi. (Tập San Dòng Việt 1997- tr.3)

 

Vào các thời điểm Mậu Thân 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 thì: 

Viện Trưởng ĐH Huế là Nguyễn Thế Anh 1966-1969, Lê Thanh Minh Châu 1969 -1975.

Lấy ví dụ trường ĐH Văn Khoa, các Khoa Trưởng là Lâm Ngọc Huỳnh 1965-1970, Nguyễn Quới 1970-1971 (từ chức do đắc cử Nghị Sĩ Quốc Hội), Dương Đình Khôi 1971-1975.

 

----

 

Có 2 khoa trưởng cuối cùng của trường ĐHYK Huế, Bùi Duy Tâm và Lê Bá Vận đã viết về lịch sử các giai đoạn của trường, mỗi người ở một góc độ khác nhau.

GS Bùi Duy Tâm mô tả các thành tựu.

Tôi (Lê Bá Vận) nhận xét về bản chất.

Họ là những người đã lãnh đạo trường nên những nhận định đưa ra tất có trọng lượng và bổ túc cho nhau.

Tuy nhiên 2 thầy lại có một số quan điểm trái ngược khiến người đọc và đặc biệt các sinh viên của Trường mọi khóa, cũ và mới muốn tìm hiểu lịch sử trường vào các giai đoạn sơ khởi, cảm thấy hoang mang bối rối.

Một phần vì cũng chẳng ai toàn vẹn, có mặt đầy đủ ở hiện trường từ đầu đến cuối.

GS Tâm không hiện diện ở giai đoạn đầu và cuối, tôi thì vắng mặt khúc cuối của giai đoạn đầu và nhiều ở giai đoạn giữa vì đang học ở nước ngoài.

Tuy vậy những thiếu sót của tôi được bổ túc nhờ đọc 2 bài viết của GS Bùi Duy Tâm “Một Quãng Đời Qua” và “Lịch Sử ĐHYK Huế” đăng trong Tập San YKH Hải Ngoại 2009.

Do đó bài “Đại Học Y Khoa Huế” tôi viết năm 2007 khác các bài về ĐHYK Huế tôi viết sau năm 2009 về những gì liên quan đến GS BDTâm.

 

GS Bùi Duy Tâm mô tả (thành tựu) các giai đoạn của ĐHYK Huế như sau: (1)   

  1 -- GIAI ĐOẠN BI THẢM (từ lúc thành lập đến năm 1967).  

  2 --GIAI ĐOẠN HÀO HÙNG DŨNG CẢM (từ 1968 đến 1972).

  3 --GIAI ĐOẠN TRÁNG LỆ (từ năm 1972 đến nay).

(BDT,“Lịch Sử Y Khoa Đại Học Huế”, Kỷ Yếu YKH Hải Ngoại 2009)

 

Tôi (Lê Bá Vận) thì nhận định (bản chất) các giai đoạn là:

  1--GIAI ĐOẠN BẢO TRỢ (từ lúc thành lập đến năm 1967).

  2 --GIAI ĐOẠN CHI VIỆN (từ năm 1968 đến năm 1972).

  3 --GIAI ĐOẠN TỰ CHỦ (từ năm 1972 đến năm 1975).   

 

Lời Bình Về 3 Giai Đoạn:

 

    1) Giai Đoạn 1.  Bi Thảm và Bảo Trợ

GS BD Tâm gọi YKH từ lúc thành lập đến năm 1967 là “giai đoạn bi thảm” , lý do:

“Từ lâu phân khoa này không có Khoa Trưởng, mỗi vị Giáo Sư là một khoa trưởng, tha hồ thao túng. Chương trình dạy không thống nhất, lúc Tây, lúc Đức; buồn buồn lại xí xô xí xò dăm ba câu tiếng Anh cho vui… ” (Bùi Duy Tâm trích dẫn ký tên Hoàng Quân, “Một Quãng Đời Qua”)

Mặt khác sinh viên Huế đấu tranh, biểu tình, bãi khóa… liên miên làm gián đoạn học hành.

Tuy nhiên năm 1967 sự thực là năm trường YK Huế đã trưởng thành trọn vẹn. Vào ngày 21/11/1967, các sinh viên khóa 1, tân khoa bác sĩ đã trình luận án, làm lễ tuyên thệ ra trường. (NV Thuận YK1 “Dòng Việt, 1997)

Đây là kết quả của quá trình giảng dạy tốt tại trường YKH trong suốt thời gian giai đoạn đầu.

 

Đội ngũ giảng dạy:

YKH được phái bộ Đức và Pháp bảo trợ mọi mặt từ thầy dạy đến các nhân viên và thiết bị kỹ thuật.

Phái bộ Đức phụ trách Nội, Nhi, Tâm Thần, Da Liễu, các môn Khoa Học cơ bản: Cơ thể học, Sinh Lý, Sinh Hóa, Mô Phôi… trang bị nhân viên và thiết bị cho các phòng thí nghiệm.

Đặc biệt GS Discher thiết lập phòng làm các xét nghiệm tại chỗ sát trại bệnh Nội khoa tại bệnh viện.

Điều này thỉ ở Hà Nội lẫn Sài Gòn cũng chẳng có. Nội khoa là một thế mạnh của YKH thời đó.

Phái bộ Pháp phu trách khoa Ngoại, Phòng Mổ.

 

Các bác sĩ Việt mà nhiều vị là cựu Nội trú các bệnh viện Hà Nôi và Sài Gòn thì đảm nhiệm khoa Sản và các khoa lẻ Mắt, Tai Mũi Họng.

Một số phụ tá các giáo sư Đức và Pháp.

GSTS Nguyễn Mạnh Hùng dạy môn Dược Lý và GS Lê Bá Nhàn, tu nghiệp từ Tây Đức về, có bằng Tiến Sĩ Vi Sinh học, GS Võ Đăng Đài cũng tu nghiệp từ Tây Đức, có bằng Tiến sĩ Sinh Hóa.

 

Song độc đáo nhất cho riêng Huế là các năm đầu thập niên 1960 có trên mười bác sĩ con em Thừa Thiên – Huế được gởi đi du học ở Pháp từ thập niên trước thành tài, rất giỏi, nay kéo nhau về phục vụ quê hương, làm việc tại bệnh viện trung ương Huế và trường Y Khoa vừa mới được thành lập.

Đặc biệt BS Nguyễn Khoa Nam Anh chuyên khoa X-Quang, Lê Văn Điềm tim mạch…

 

Có 2 bác sĩ là BS Phạm Văn Giàu, Nhi khoa, Giám đốc trường Cán sự Y tế - Điều Dưỡng, người miền Nam và BS Đặng Hóa Long, Sản Khoa, Giám Đốc trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia, người miền Bắc. Hai ông này từ Pháp và Hoa Kỳ về được trưng tập vào Quân Y rất sớm, đổi ra làm việc ở Huế, đến lúc 2 năm sau giải ngũ, thì lấy vợ Huế, ở luôn tại Huế, làm việc tại bệnh viện, là Trưởng Khoa Nhi và Khoa Sản. Hai bác sĩ PVGiàu và ĐHLong nay đã quá vãng từ lâu.

 

Hiệu quả giảng dạy:

Các giáo sư người Pháp vá nhất là Đức đều đến sống tại Huế, lắm vị cùng gia đình.

Họ không làm tư ở ngoài, dành toàn thì giờ cho sinh viên và chất lượng giảng dạy rất cao.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thuận, YK1 cho biết: ”Trường nhỏ, trò ít, thầy nhiều, biết mặt, biết tên, trốn học một bữa cũng không xong, đi trễ một giờ cũng thấy khó chịu. Nhưng cũng từ đó mà thâm tình nẩy nở giữa thầy và trò…” (NVT “Trường Đai Học Y Khoa Huế”, Dòng Việt, 1997, tr.86)

 

Chuyễn ngữ giảng dạy là Pháp, Anh, Việt tương tự ở YK Sài Gòn cùng thời điểm.

BS Lê Đình Thương YK1 kể lại: “chúng tôi học với cả 3 thứ tiếng: Anh, Pháp, Việt. Cuối giờ so với nhau, đúc kết thành một bài khá đầy đủ quay ronéo phát cho cả lớp học chung. Vì thế khóa YK 1 chúng tôi rất gắn bó với nhau.” (TSan YKH 2006, tr 18),

 

Ảnh hưởng các nhiễu loạn chính trị.

BS Nguyễn Văn Thuận YK1 viết về các đấu tranh chính trị ở miền Trung năm 1963:

“Mùa hè 1963, phong trào đấu tranh Phật giáo lên đến đỉnh cao điểm tại Huế.

Trường y khoa Huế với số sinh viên ít ỏi, với chương trình học nặng nề, thật sự không có tham dự tích cực nào trong những vụ đấu tranh, xuống đường, đình công, bãi thị…

Nhóm giáo sư người Đức…Pháp…và các bác sĩ Việt Nam còn lại vẫn âm thầm, lặng lẽ lo chu toàn công việc giảng dạy…” (NVT “Trường ĐHYKH”, Dòng Việt 1997, tr 87, 89).

 

Các năm 1965, 1966 “Biến động miền Trung” thì tình hình giảng dạy ở YKH như sau:

“Kính Thầy Khoa Trưởng Lê Bá Vận… Khoảng Thầy Quyến vắng mặt, như nhóm Tranh Đấu PG yêu cầu tất cả Đại Học phải bãi khóa, riêng ở Y Khoa  thầy L.V. Bách vẫn dạy. Nhóm tranh đấu từ Khoa Học đưọc tin, kéo đến trường Y Khoa. Lúc đó em có mặt tại trường; một mặt em nhờ một vài bạn lên báo vớí thầy Bách, một mặt em ra tiếp xúc với anh em tranh đấu và " nói dối " là không có lớp nào còn dạy hết; anh em Tranh Đấu rút về, không vào lục soát hay phá trường!” (NTThọ MD, YK2, Maryland, USA, On Sunday, October 16, 2016 8:42 AM,)

Như vậy, suốt thời gian 1961-1967 có thể nói sinh viên YKH không mất ngày học nào.

 

Theo nhận định của tôi thì trong giai đoạn đầu này sự giảng dạy ở trường YKH không có gì bi thảm mà trái lại rất ổn định và tốt hơn các giai đoạn sau.

Kết quả trông thấy là sau biến cố Mậu Thân 1968, các lớp sinh viên Y Huế của giai đoạn đầu, vào học chung với các sinh viên YK Sài Gòn, được các thầy Sài Gòn đánh giá học ngang ngửa với sinh viên của họ, mà là rất giỏi vì vào được trường Y Sài Gòn rất khó.

 

Trường YK Sài Gòn và các nhiễu loạn chính trị

Trường YK Sài Gòn trong thời gian trên cũng gặp nhiều vấn đề.

Trường được thành lập năm 1946 tại Saigon với cái tên khiêm nhường là Faculté de Médecine et de Pharmacie de Hanoi, Section de Saigon. (ĐHYD Hà Nội, chi nhánh Sài Gòn).

 

“Số giáo sư ban đầu chỉ có 2 người nên trường phải tận dụng khả năng giảng huấn của các bác sĩ quân y Pháp cũng như các bác sĩ Việt ở Saigon.

Nếu khoảng thời gian 1954-1965 được coi như là một thời kỳ ổn định, không có biến chuyển lớn nào thì những năm sau, từ 1966 tới 1975, lại là một thời kỳ bất ổn, chịu ảnh hưởng tối đa của chiến tranh Nam Bắc và tình hình chính trị quốc nội.

 

Thực vậy, trong khoảng thời gian10 năm đó, thời kỳ mà YKĐH Sài Gòn chính thức tọa lạc tại Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa, không có năm nào mà công cuộc giảng dạy lại không bị gián đoạn.

Từ cuộc công kích năm Mậu Thân 1968 cho tới vụ thảm sát hai giáo sư Lê Minh Trí và Trần Anh, 1969, rồi những cuộc biểu tình liên miên của sinh viên, năm học nào cũng bị gián đoạn một hai tháng.
Ban lãnh đạo trường YKĐHS cũng không tránh được nhiều thay đổi.

Khởi đầu là vụ bãi nhiệm GS Khoa trưởng Phạm Biểu Tâm vào tháng giêng 1967...”

(GS Đào Hữu Anh “Y Khoa Đại Học Saigon Nhìn lại 60 năm lịch sử” 7/ 2005).

 

Giai đoạn đầu ĐHYK Huế 1961-1967 là huy hoàng, đẹp đẽ.

Các cựu sinh viên Trường biết rõ đâu là sự thực, từ nay mãi mãi hãnh diện về gốc gác vững chắc, sáng rạng, dòng dõi thế phiệt thư hương của trường xưa.

 

Thưa các thầy cô, các bạn cựu sinh viên!

Những gì tôi thưa chuyện vừa rồi là bổn phận tôi bắt buộc phải làm.

Bổn phận của một cựu khoa trưởng đương nhiệm cuối cùng, mà lại là người duy nhất trước đó đã học tại các trường Y Hà Nội, Sài Gòn và giảng dạy tại ĐHYK Huế ngay từ đầu.

Tôi sẽ có lỗi nặng đối với Huế, đối với trường YK Huế nếu tôi không lên tiếng, đem sự hiểu biết của mình trình bày để bảo toàn danh dự cho Trường, hóa giải những phê phán nhầm lẫn về giai đoạn sơ khởi của trường xưa.

Những ngộ nhận không hay đó sẽ tồn tại mãi vì có vẻ sẽ không ai cãi chính, làm thay thế tôi.

 

  

+ LBV và phu nhân VTLT, tại Viện ĐH Huế 1974 + Đại hội YKH, Cali, Hoa Kỳ 2006. Từ trái sang, các bác sĩ: Lê Bá Vận, Nguyễn Văn Tự và phu nhân, Bùi Minh Đức.

 

    2) Giai đoạn 2. Hào Hùng Dũng Cảm và Chi Viện

GS Tâm gọi giai đoạn này, thời ông làm khoa trưởng là giai đoạn hào hùng dũng cảm.

Điều này là có phần đúng cho thời gian Trường di tản vào Sài Gòn ngay sau biến cố Mậu Thân.

GS Tâm gọi là ”dũng” vì như ông viết: ”tôi phải lấy chữ DŨNG làm tôn chỉ: đánh Đông dẹp Bắc, quyết định táo bạo, chẳng đợi sự đồng ý đồng thuận của ai hết…” và “hùng” vì “trường Y Khoa Huế đã nổi danh ở Sài Gòn để tồn tại và đã trở về cố hương Huế một cách hào hùng.

 

Tuy nhiên lúc trường hồi cư về Huế (2/3 giai đoạn 2) kể từ giữa năm 1969 thì chỉ bình thường.

Về điều hành trường thì GS Tâm chỉ có thể sắp xếp từ Sài Gòn bay ra Huế với trường mỗi tháng một lần, nay đi, mai về lại Sài Gòn.

Ông giải thích không thể ở Huế lâu thêm: “Tôi còn nhớ khi B.S Bùi minh Đức đi tu nghiệp ở Đức mà gia đình lại ở Sài Gòn nên tôi phải về Sài Gòn để thăm chị Đức.” (BDT “Lịch Sử Y Khoa Đại Học Huế”, Kỷ Yếu YKH 2009). GS Tâm chỉ đi vắng một ngày.

 

Về giảng dạy thì GS Vô Đăng Đài, phó Khoa trưởng nhắc nhở lại: “…nào những lúc chạy lui chạy tới ở Sàigòn để kiếm thầy ra dạy Y khoa…” (VĐĐ “Tính Sổ Một Đường” Tập San YKH 2006, tr. 11).

Chuyện đôn đáo tìm thầy thì không hề có ở giai đoạn đầu, 1961-1967 và cuối, 1972-1975.

“Họa vô đơn chí”, nhiều thầy Huế di tản theo trường vào Sài Gòn lại cùng gia đình ở luôn trong đó - cùng ông khoa trưởng – chỉ thỉnh thoảng bay ra dạy.

Tình trạng lụp chụp này khiến các sinh viên kêu ca rất nhiều, nhưng chỉ với nhau.

 

Tôi gọi giai đoạn 1968-72 là “giai đoạn chi viện” đặt nền tảng trên sự chi viện của các thầy Sài Gòn.

Giai đoạn “chi viện” 1968-1972, còn có thể gọi là giai đoạn “Đông Tây Y”, là giai đoạn “chắp vá”, nói chung, không ổn định.

 

Dù sao, xét cho cùng GS Tâm đem Trường di tản vào Sài Gòn sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 là thượng sách chứ không phải là giải pháp duy nhất.

Trung sách là GS Tâm di tản Trường vào Đà Nẵng, rất khả thi và có nhiều thuận lợi.

Hạ sách là GS Tâm vẫn để Trường ở lại Huế cùng Đại Học Huế.

Sinh viên tất phải học bù thêm các tháng hè. Ban giảng huấn Việt vẫn còn.

Các giáo sư Đức, Pháp không còn nhưng lại có những người mới đến.

 

Sinh viên khóa 9, vào trường niên khóa 1969/70 đã viết về một quãng đời cách đây hơn 40 năm: “…Các thầy Mỹ đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, có vị như mới về từ chiến trường với bốt-đờ-sô lấm bùn chiều hành quân, dạy 1,2 bài rồi đi không bao giờ trở lại. Chúng tôi còn nhớ các thầy Momin, Pickering, Candela, Dupuis, Maes…  (Lê Văn Hùng 49, YK9 “Kỷ yếu YKH 2009).

 

http://www.ykhoahuehaingoai.com/99do/images/BVTUHph3Pix/BVtuHph3.2b.jpg   http://www.memespeaker.com/tmp/lbv/tai_montreal.jpg

+BVTƯ Huế từ cuối thập niên 1960. Từ trái qua: Khoa Nhi, công trình thi công lầu 4 tầng, trại bệnh lầu Huỳnh Thúc Kháng. Đang đi về phía cổng sau: một sinh viên YK8, BS H.J Candela nhi khoa, BS Momin giải phẫu lồng ngực, Lê Thị Mỹ YK2/8, BS H.G Dupuis giải phẫu trẻ em.  +BS Lê Bá Vận 1997

 

    3) Giai đoạn 3. Tráng Lệ và Tự Chủ

GS Tâm gọi là ‘tráng lệ’, song giai đoạn này của ông khác thường, là kể từ 1972 đến hiện tại, bỏ qua năm 1975. 

Điều này gây ngạc nhiên vì trong tất cả các biên soạn về giáo dục, y tế hiện nay đều lấy năm1975 làm mốc phân chia ranh giới.

Ông viết: “…chính quyền về một mối, mọi việc ổn đỊnh, trường Đại Học Y Khoa Huế được thời cơ phát triển với những tòa nhà nguy nga tráng lệ, vớI số sinh viên lên tới hơn 2000 mỗi năm (kể gồm hệ chính qui và hệ chuyên tu), kể từ đây Y Khoa Huế bước sang giai đoạn TRÁNG LỆ.” (BDT “Lịch Sử Y Khoa Đại Học Huế”, Kỷ Yếu YKH 2009).

 

Dù sao thì từ 1972 đến 1975, thời tôi làm Khoa Trưởng, tôi chưa thấy trường có gì là tráng lệ.

Trường chỉ trở lại tự mình đứng vững trên 2 chân.

Tôi gọi giai đoạn 1972-1975 là giai đoạn tự chủ.

Thật vậy, giai đoạn này rất ổn định; YKH không tùy thuộc vào ai, đặc biệt Trường không mời mọc các thầy Sài Gòn ra dạy, chấm thi…tuy vẫn đón nhận những vị tỏ thiện chí giúp đỡ.

Tương lai của Trường nay là ở ban giảng huấn thế hệ thứ hai ngày càng lớn mạnh.

 

 

Ngay sau năm 1975, theo chỗ tôi biết thì tình trạng sinh viên và giảng dạy có nhiều tồn tại hạn chế.

Sinh viên thì tuyển vào nhiều trăm, có nhiều hệ chính qui, chuyên tu, bổ túc, có điểm cách mạng, điểm lý lịch…cận lâm sàng thì thiếu thiết bị kỹ thuật, thuốc men thì không đầy đủ…

“Khóa chúng tôi vào trường y khoa năm 1981, lúc dân ta đang hồi bỉ cực, nói thẳng ra là đói lắm. Lễ ra trường của chúng tôi là một ngày khá buồn và…thậm tủi thân. Một buổi lễ khá đơn sơ và ngắn gọn. Chỉ có ba người thay mặt 240 tân BS lên tuyên thệ là có mặc áo vét, áo dài…Phần thưởng thủ khoa của tôi là một cái áo blouse vải thường, cắt may sẵn, rộng thùng thình, Buồn!”

(BS Nguyễn Tăng Thuần “Một vài mẫu chuyện về khóa 21” Kỷ Yếu YKH 2009)

 

Hiện tại tôi sống ở nước ngoài nên không có thông tin đầy đủ để phê phán gì nghiêm túc.

Tuy nhiên trước đó tôi có viết:

”Sau ngày 30/4/1975, ĐH YK Huế vẫn còn đó. Nó không thể hủy diệt. Xác cũ hồn mới nó vẫn phát triển, trổ thêm cành, lá, hoa. Song bầu không khí tự do, tự trị, trân trọng từ xưa trong đời sống sinh hoạt Đại Học nay chỉ còn là dĩ vãng.” (LBV “Đại Học Y Khoa Huế”).

 

Những thông tin tổng quát mà tôi biết được là hiện nay, cũng như BVTƯ Huế cùng với bệnh viện Bach Mai và bệnh viện Chợ Rẫy là 3 bệnh viện lớn nhất nước thì trường ĐHYD Huế cũng được kể trong số 3 trường Y khoa đứng hàng đầu tại Việt Nam.

Thật là một điều nên tự hào cho con dân Huế, miền Trung, các thầy dạy và sinh viên của Trường.

 

----

 

Các giai đoạn chuyển biến ở ĐHYK Huế 1961-1975 là như thế.

Luận công lao thì sao? Ai có tên trong bảng Phong Thần?

-GS Lê Tấn Vĩnh, vị Khoa trưởng đầu tiên là vị giáo sư tôi rất ngưỡng mộ. 
-BS Lê Khắc Quyến bình dị, khiêm tốn, công lao lớn nhất, gầy dựng trường.
-GS Bùi Duy Tâm gây tranh cãi, song ông có 2 điều tốt: 1) giữ vững trường, lo lắng cho sinh viên rất chu đáo thời gian trường di tản vào Sài Gòn năm 1968. 2) cảm tình tha thiết của ông đối với sinh viên YK Huế mà ông xem như gia đình ruột thịt, yêu mến vô cùng và mãi mãi như trong một phần đời của ông là chân thật và đáng quý.

Do đó tôi nghĩ mối ân tình sẽ không phai nhạt, lãng quên, các anh chị cựu sinh viên của Trường mong đợi một ngày nào đó thuận lợi, vận nước hanh thông, tình cảm bức xúc lắng dịu, được đón nhận ông trở lại với gia đình YK Huế hải ngoại.

Sự nghiệp đời ông có vẻ hậu vận trắc trở. GS Tâm gầy dựng khoa Y Đại Học Tân Tạo song nửa chừng cũng bị buộc phải ra đi, như hồi năm 1972 ông rời YK Huế. (2)
-Các GS Lê Văn Bách, Thân Trọng An, Nguyễn Văn Tự, Võ Đăng Đài, Nguyễn Văn Mẫn, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Bá Nhàn, Lê Xuân Công, Tôn Thất Chiểu đều công lao lớn, giúp điều hành Trường trong những hoàn cảnh khó khăn, hoặc những thời gian dài.

-Trong bối cảnh đó, còn tôi thì sao?

 

 “La Mã không xây dựng trong một ngày”, thời gian tôi làm Khoa Trưởng, những năm tháng trước cuối tháng 4/75, tuy có nhiều chương trình, nhiều hoài bão, và nhất là nhiều thiện chí, song đúng như lời GS VĐ Đài đã nhận xét: “thời gian quá ngắn để Thầy có thể đem hết tài năng của mình ra thi thố” (Tập San YKH 2006, Tr.12).

Có chăng là tôi đã đem Trường trở lại các truyền thống ban đầu và thừa hưởng các thành quả của các đời trước, cùng ban giám hiệu, chúng tôi đã vững vàng tự lực cánh sinh, tự chủ cho Trường.

Các điều khác, “cháo nóng húp quanh, nợ trả dần”.

Nợ vừa vay, cháo còn nóng, rút cuộc tôi cũng chưa hoàn thành được việc gì, cái gì cũng còn nửa sống nửa chín.

“Vô công bất thọ lộc”, không công lao, tôi chẳng dám nhận tước lộc gì đặc biệt.

 

Luận công rồi xét tội thì trong thời gian trên tôi cũng chưa làm gì thất thố, các bạn bè không ai mếch lòng (tôi chủ quan nghĩ thế), trên dưới hòa thuận chung lo việc Trường.

Lòng tôi cũng thư thái và đôi chút an ủi “ thà một phút huy hoàng rồi chợt tối, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Giọng ngâm thơ cảm khái, thấm lòng của Hồ Điệp (Giục giã) khiến người cám cảnh.

 

_______

 

 

Hành chức Khoa trưởng ĐHYK Huế có những nét đặc biệt.

Sau biến cố Tết Mậu Thân đầu năm 1968, tình trạng ở Huế bi đát và sau đó Giáo sư Bùi Duy Tâm,

Khoa trưởng đương nhiệm đã ra Huế đem Trường tạm vào Sài gòn học.

Tôi nghe kể lại, thấy cũng thật đúng với tình trạng ở Huế, tâm trạng và hoàn cảnh của tôi trong các tháng ba và tư năm 1975 khi tôi là Khoa trưởng.

Lúc Mùa hè đỏ lửa Quảng Trị 1972, Trường dọn cả trường vào Đà Nẵng, tôi chẳng tham dự vì không phải phần việc của tôi di tản trường, tôi vẫn ở Huế làm việc tại bệnh viện.

 

Năm 1975 thì lại khác, tôi đang là Khoa trưởng, trách nhiệm và danh dự chỉ mình tôi:

-Tại Huế “…Tôi cùng tài xế đem xe di tản vào Đà Nẵng. Chỉ hôm sau đường bộ Huế-Đà nẵng bị cắt đứt (ĐSan YKH 2006, tr 143). Tôi nghĩ tôi là người cuối cùng trong ban giảng huấn đã rời Huế.

-Tại Sài gòn “…tôi họp với ĐHYK Sài gòn bàn chuyện sáp nhập hoặc hỗ trợ.

Tôi lại hội kiến với Bác sĩ Hưỡn, Tổng trưởng Y Tế và là một bạn học cũ.

BS Hưỡn đề nghị giao Bệnh viện Vì Dân (nay là BV Thống Nhất) cho tôi hoàn toàn, tôi có thể cho sinh viên đến thực tập… (LBV “Một vài chuyện…”, ĐSan YKH 2006, tr.147).

Lúc đó tôi nghĩ ban giảng huấn của Trường có mặt rất đầy đủ, gồm từ Huế vào và gồm nhiều vị đã ở sẵn Sài gòn; bác sĩ Lê Khắc Quyến cũng đang ở Sài gòn, Giám đốc Bệnh viện Sùng Chính.

Tuy nhiên thời cuộc biến đổi nhanh chóng đến ngày 30 tháng tư.

 

Trách nhiệm của chức vụ Khoa trưởng ĐHYK thời đó rất lớn, nhất là trong những tình huống biến động 1968, 1972, 1975. “Đã bứng thì phải bưng, đã đẵn thì phải vác”, đã nhận trọng trách thì phải chu toàn nhiệm vụ; được phục vụ cho Trường, tôi xem là một vinh dự, tôi hăng say không nề hà khó nhọc, và tôi nghĩ đó chỉ là bổn phận phải làm.

Cũng như bổn phận của một vị chỉ huy tại trận tiền.

 

Trường ĐHYK Huế được thành lập và trưởng thành trong biến loạn khói lửa chiến tranh cách đã trên nửa thế kỷ. Những người đóng góp công sức sáng lập, điều hành Trường cùng các nhân chứng trong thời gian ban đầu này, đầy diễn biến, giàu tình tiết, đã đi vào lịch sử hào hùng và huyền thoại quí báu của Trường.  

 

Lê Bá Vận

 

YKH 1973. Lễ dựng bia tưởng niệm các cố giáo sư người Đức.

Từ trái qua: NV Bách YK4, Tôn T Hứa YK1, NVChữ YK4, ĐS Thắng YK6, BA Bình YK1, NV Thuận YK6, Ô. Cách, Ngô Thị Cẩn YK9 (thấy mặt), Ô Vĩnh Tiên, NTThu Hồng YK9, GS LB Nhàn, GS LB Vận, GS NM Hùng, Lê Thị Mỹ YK8 (khởi đầu YK2), Bia Tưởng Niệm, GS LTM Châu, Trương Đ Liêm YK8, Hồ Đ Tự YK8, PT Tư YK8, Tống V Xuân YK8, VQ Vượng YK8, Đinh Gia Cư YK9.  Phía sau là sau lưng trường Cán sự Y tế, Điều Dưỡng, số 01 đường Nguyễn Trường Tộ.

 

Chú Thích:

 

(1) (Digital Repository of Tan Tao University). Một quảng đời qua - GS.BS Bùi Duy Tâm.

Abstract:  Trong bài viết "Một quảng đời qua" ngày 03 tháng 03 năm 2003 GS.BS Bùi Duy Tâm đã kể lại thời gian ông làm Khoa trường Khoa Y Khoa Đại học Huế. Lịch sử Y Khoa Đại học Huế theo mô tả của GS.BS Bùi Duy Tâm trong giai đoạn này trải qua ba giai đoạn:

Giai đoạn bi thảm (từ lúc thành lập đến năm 1967), giai đoạn hào hùng dũng cảm (từ năm 1968 đến năm 1972), giai đoạn tráng lệ từ năm 1972 đến nay). GS.BS Bùi Duy Tâm với tâm huyết và tình yêu sinh viên của mình bác sĩ đã vực dậy được một Y Khoa Đại học Huế đang trong giai đoạn khó khăn nhất, tưởng chừng như đã không thể tiếp tục tồn tại.

 

(2) TTU đình chỉ chức vụ Trưởng Khoa Y đối với ông Bùi Duy Tâm

Ngày 22/9/2016, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Tân Tạo (TTU) đã quyết định đình chỉ chức vụ trưởng Khoa Y của Đại học Tân Tạo đối với Giáo sư Bùi Duy Tâm do đã có vi phạm quy chế của Đại học Tân Tạo và đạo đức của người thầy giáo. Cùng với quyết định đình chỉ, TTU cũng chấm dứt mọi quyền lợi của ông Bùi Duy Tâm kể từ ngày 22/9/2016 

Các công việc quản lý và điều hành hiện tại của Khoa YĐại học Tân Tạo sẽ do 2 Phó trưởng Khoa GS. Phạm Hùng Vân và GS. Thạch Nguyễn phụ trách.

(nguồn: www.ttu.edu.vn/.../daotao/.../1371-ttu-dinh-chi-chuc-vu-truong-kh)

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.