MỘT CHUYẾN ĐI ĐẦY NGUY HIỂM?

Ngày mai, chẳng biết ra sao nữa. Mà có ra sao, cũng chẳng sao!

 

Đã ba năm nay, kể từ năm 2020 hội Y Khoa Huế Hải Ngoại vì lý do dịch Covid-19, đã phải đình hoãn tổ chức Đại hội thường niên mỗi năm.

Các hội đoàn Ái hữu khác ở hải ngoại cũng chung một tình trạng.

 

Lần đại hội gần đây nhất là Y KHOA HUẾ HẢI NGOẠI HỘI NGỘ 2019 tại quận Cam, California, Hoa Kỳ. Năm 2018 thì Hội ngộ được tổ chức tại Montréal, Québec, Canada.

 

Hội ngộ luôn bắt đầu vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, từ cuối tuần và kéo dài trong 3, 4 hôm, có khi hơn nếu thêm du ngoạn, chương trình phong phú. Hội YKHuế Hải ngoại là một hội giàu? có nhiều hội viên là bác sĩ đại gia tài trợ. Mặt khác thầy trò YKHuế xưa rất đoàn kết gắn bó, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau vì cùng chung sống, chia sẻ những trải nghiệm đau thương trong suốt thời gian học tập : các biến động miền Trung, thảm sát Tết Mậu Thân 1968, mùa Hè đỏ lửa Quảng Trị 1972, di tản Huế 3/3/1975. (1).

 

Trụ sở của hội Y Khoa Huế Hải ngoại được đặt tại quận Cam, nơi có rất đông anh chị cựu sinh viên YKHuế cư ngụ và vào mỗi năm lẻ thì đại hội được tổ chức tại đó, ở quận Cam, Orange County. Vào các năm chẵn hội ngộ được tổ chức ngoài quận Cam vd. tại San Jose, New Jersey, Pháp, Canada… và có thể ở Úc hoặc ở đâu nếu có đủ nhân lực để thành lập một tiểu ban tổ chức tại địa phương, cọng tác với ban tổ chức trung ương. Tổ chức đại hội rất nhiêu khê, ban tổ chức phải bắt tay vào công việc ngay từ đầu năm, thông thường ra Tết Nguyên đán.

 

Năm nay 2022 vào đầu năm do tình hình dịch Covid-19 còn bấp bênh nên ban Chấp hành Hội lúc đó vẫn giữ quyết định không tổ chức Đại hội cho năm 2022.

Sự kiện này giải thích buổi hội ngộ thu hẹp được diễn ra hôm trưa chủ nhật ngày 15 tháng 5, 2022 vừa qua tại nhà hàng Grand Garden, Bolsa, quận Cam.

 

Anh chị BS Võ Văn Cầu, YKH #2, có nhã ý thực hiện buổi hội ngộ Mini Reunion này không ngoài mục đích để gặp lại quý Thầy Cô của Viện Đại Học Huế lẫn Y Khoa Huế sau gần 3 năm bị ngăn trở vì Covid, đồng thời mừng tuổi thọ quý Thầy Cô, trước sự hiện diện của một số thân hữu và đồng môn trong quận Cam và phụ cận. 

 

BS Võ Văn Cầu đã nhiều năm là đương kim chủ tịch của tập đoàn UCMG gồm cả trăm bác sĩ đủ mọi chuyên khoa có danh tiếng tại quận Cam và phụ cận. Ông cũng đang là đệ nhất phó chủ tịch tổ chức và kế hoạch trong ban Chấp hành hội YKHuế Hải ngoại.

 

BS Vĩnh Chánh YK Huế #7, đã vui vẻ nhận lời yêu cầu của người bạn đồng môn đàn anh là BS Cầu để đứng ra thực hiện buổi hội ngộ này tuy nói là thu hẹp song rất khó chu toàn tốt đẹp cho dù người bảo trợ cho biết ngân sách chi tiêu là không giới hạn, chỉ sao đảm bảo hội ngộ thành công.

 

Cái khó không do thời gian hạn hẹp mà vì các thầy cô nay tuổi đã quá cao, như ngọn đèn trước gió, phần đông lại ở xa, không chắc gì đã mời được họ đến tham dự hội ngộ đông đủ.

------

 

Nhận được điện thoại và email của anh BS Vĩnh Chánh từ giữa tháng 3/2022 năn nỉ mời sang Cali tham dự hội ngộ, tôi ngẩn ngơ không biết nên trả lời thế nào cho nó phải. Trường hợp của tôi cư ngụ tại Toronto, Canada, ngoài Hoa Kỳ, tuy gần New York, Boston… chỉ cách trên một giờ bay song xa Cali 5 giờ bay dài dẵng, là một thách thức lớn cho tuổi già. Song tôi ý thức là cựu khoa trưởng của trường xưa nên sự có mặt tại hội ngộ được mọi người trông đợi nhiều.

 

Các con tôi ở Toronto cũng trong giới bác sĩ, nha sĩ được tham khảo ý kiến đều không tán thành để tôi đi sang Mỹ, cho rằng chuyến đi là đầy bất trắc, nguy hiểm vì ra khỏi nhà, ở phi cảng, trên máy bay và ở các nhà hàng ăn uống, tiệc tùng, người chen chúc đông đảo, tôi khó tránh lây nhiễm vi rút Covid-19, mà người già cả như tôi nếu mắc bệnh sẽ là rất nặng, diễn biến bất chừng, không thể ỷ y như người ta, trẻ tuổi, có bệnh như không bệnh.

 

Tôi hỏi BS Vĩnh Chánh về các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi rút áp dụng trong các buổi hội ngộ. BS Chánh cho biết ở Cali luật mang khẩu trang đã bị hủy bỏ khắp mọi nơi song trong buổi hội ngộ, dung dịch Sanitizer rửa tay sẽ được cung cấp.

Tối thứ bảy 14/5 dự tiệc ‘tiền hội ngộ’ ở nhà hàng Ngọc Sương do BS Võ Văn Phác khoản đãi, mọi người ăn mặc thoải mái, tất cả ngồi hai bên một chiếc bàn dài, món ăn phong phú và chất lượng. Trưa chủ nhật 15/5 hội ngộ chính thức tại nhà hàng Grand Garden, thực đơn là rất đẳng cấp và tôi được dặn mặc áo vest, thắt ca vát vì sẽ có bài phát biểu trước cử tọa.

Cuối cùng, BS Vĩnh Chánh tiết lộ đã xin anh chị Cầu cho phép thuê 2 người security bên ngoài để tránh chuyện không hay có thể bất ngờ xẩy ra.

 

Bình thường sự đi lại giữa Mỹ và Canada rất dễ dàng do visa được miễn cho các công dân đôi bên.

Cho đến lúc tuổi đã gần 70, mỗi lần từ Canada qua Mỹ tôi được hãng vé bán luôn cho bảo hiểm du lịch ‘travel insurance’, chỉ vài đô mỗi ngày vì tôi cũng chẳng có vấn đề gì về sức khỏe.

 

Năm 2011 tôi đột nhiên sáng dậy lên cơn xây xẩm chóng mặt, tức ngực, thở hụt hơi, chở vào bệnh viện phòng cấp cứu thì cơn xoàng cũng vừa chấm dứt, và tôi được cho ra về.

Mười hôm sau cơn xoàng chóng mặt trở lại, tôi vào phòng cấp cứu, được đo điện tâm đồ thấy tim đập hỗn loạn nhanh chậm bất thường và được tạm chẩn đoán là ‘rung tâm nhĩ kịch tính’ (PAF, Paroxysmal  Atrial fibrillation). Vài giờ sau, cơn xoàng tự động chấm dứt, tim đập trở lại đều đặn bình thường và tôi được bác sĩ cho toa thuốc, về nhà theo dõi.

Khoảng mười hôm nữa, cơn xoàng trở lại, sau vài giờ cũng chấm dứt song lần này con tôi đến, chở tôi vào bệnh viện nó làm việc, có xa hơn đôi chút, làm thủ tục nhập viện và nhờ bạn là bác sĩ tim mạch điều trị.

Tôi nằm bệnh viện 3 hôm, được thử đủ các xét nghiệm và được chẩn đoán là rung nhĩ biến chứng của tim đập chậm. Hội chứng xoang bệnh lý (Sick sinus syndrome – SSS).

 

Thật ra tôi từ lâu đã biết tim tôi đập chậm và cho đó là một lợi điểm, thường xẩy ở các lực sĩ, vận động viên. Ngờ đâu lúc tuổi về già thì tim đập chậm lại gây bất lợi lớn.

 

Cuối cùng tôi được phẫu thuật gây tê, kéo dài khoảng 30 phút, đặt máy tạo nhip tim ‘Pacemaker’, giúp giữ nhịp tim trên 50 mỗi phút. Kể từ đó chứng tim rung nhĩ cũng biến mất.

Pacemaker của tôi hoạt động rất tốt và hàng năm được các chuyên viên kiểm tra tình trạng và độ hao mòn của pin điện (battery) trong máy.

 

Qua năm 2012, Đại hội Y Khoa Huế Hải ngoại họp tại Orlando, Florida. Tôi hỏi mua travel insurance ở hãng bảo hiểm Blue Cross để qua Mỹ tham dự đại hội song bị từ chối lý do máy pacemaker đặt chưa đủ lâu, cần chờ được ổn định. Ban Biên Tập của Hội loan tin : “Năm 2012, Đại Hội tại Florida, chúng tôi đã mời Thầy làm keynote speaker,  nhưng trước khi lên đường thì Thầy trở bệnh, tim Thầy tốt nhưng thuộc loại đập chậm, sinh biến chứng tim đập không đều (Rung tâm nhĩ, Atrial Fibrillation). Sau đó Thầy được đặt pacemaker để giúp tim đập đều trở lại…”.

 

Từ năm 2013 trở đi hàng năm tôi lại đưa bản câu hỏi ‘medical questionnaire’ của Blue Cross cho người bác sĩ gia đình của tôi trả lời các câu hỏi trong đó, thường là loại câu hỏi để trả lời ‘yes/no’. Họ cũng hỏi trong năm khách hàng có vào cấp cứu, có thở Oxy, có thêm thuốc, thêm xét nghiệm không v. v… Rút cục các bác sĩ của Blue Cross chấp thuận bán bảo hiểm toàn diện.

 

Ấy cũng nhờ kể từ năm 2011 tôi không đau ốm gì, không hề trở lại bệnh viện lần nào ngoại trừ mỗi năm một lần đến phòng pacemaker kiểm tra battery trong máy. Cả năm tôi cũng chỉ gặp bác sĩ gia đình một lần để lấy toa mua thêm thuốc cho năm tới và nhất là để lấy tờ questionnaire cập nhật nộp cho Blue Cross. Năm 2019 đi Mỹ tôi trả phí travel insurance 65 đô/ngày.

Năm nay 2022 là 100 đô/ngày, chắc do có thêm yếu tố Covid-19. Tuy nhiên chỉ cầu cho họ chịu bán bảo hiểm. Minh, người con rể tôi, tuổi chỉ vừa trên 60, mua bảo hiểm của CAA (Canadian Automobile Association), thì tự tay điền online vào một bản questionnaire đơn giản. Phí bảo hiểm là 10 đô/ngày.

 

Pacemaker đặt năm 2011 ổn định, tôi nối lại chương trình sang Mỹ hàng năm, bắt đầu là qua Cali tham dư hội ngộ 2013, được tổ chức công phu, đình đám, rất rôm rả, vui nhộn. Tại đại hội này tôi phát biểu về “Cảm Nghĩ Về Đại Hội YKH Huế 2013 tại CA : Đại Hội Chén Cơm Hến”.

Một điểm khác rất nổi bật và được chờ đợi trong ĐH 2013 là bài thuyết trình về một đề tài phong thủy liên quan đến kinh đô Huế mà keynote speaker là anh GS Thạch Nguyễn (Nguyễn Ngọc Thạch YKH#12), giáo sư chuyên khoa tim mạch có danh tiếng trên quốc tế.

Đại hội 2013 kéo dài 4 ngày, gồm 7 bữa tiệc chiêu đãi tại nhà hàng hoặc tư gia và nhiều chương trình tiết mục văn nghệ, giải trí. BTC đã ầm ĩ quảng cáo rất căng, quyết làm lớn và trên thực tế mọi người đều công nhận đây là hội ngộ lớn nhất, đông đảo nhất từ trước đến nay.

Tôi hỏi và anh BS LĐThuần trưởng ban tổ chức trả lời: “Thưa thầy chỉ có YKHuế mình mới làm được, YKSG thì các ông chẳng chịu nghe nhau...”.

-----

 

Trở lại với hội ngộ Mini Reunion của BS Vĩnh Chánh khuyến thị. Cuối tháng 3/2022 tôi đi đến một quyết định. Tôi sẽ cùng Minh, người con rể đặt vé máy bay khứ hồi đi Los Angeles dự hội ngộ ngày 15 tháng 5. Nếu đến phút chót không đi được thì dù mất tiền cũng chẳng bận tâm. Hãng Blue Cross thì đã chấp thuận bán bảo hiểm toàn diện cho tôi, 100 đô/ngày như đã nói.

 

Các con buộc tôi phải mang mask N95 của Canada là thứ kín và tốt nhất, dùng trong bệnh viện, có dây thun choàng sau đầu thì chúng mới yên tâm. Tôi nghe theo.

Đến tháng tư tôi đột nhiên bị bệnh giời leo (Shingles, Herpes Zoster) rất đau nhức, khó chịu cơ hồ muốn hủy chuyến đi qua Mỹ song cuối cùng thì chúng tôi cũng lên đường.

 

Chuyến đi rất thông suốt, tôi không hề mệt nhọc. Đi và về đều có các con đưa đón và đều ghi tên xin xe lăn của hãng máy bay tại phi trường. Thật chẳng bỏ công chuẩn bị.

Gặp lai các thầy cô đồng nghiệp, hỏi han tin tức, nhắc lại những kỷ niệm. GS cựu Viện trưởng ĐHHuế, Lê Thanh Minh Châu, điềm đạm, bình dị và năm nay khi tuổi quá cửu tuần, ông đi dự hội ngộ YKHuế thôi mặc áo vest thắt ca vát mà chỉ giản dị mặc chiếc áo thun đen nhạt tay dài, cổ tròn và áo sơ mi màu nhạt ở trong. Phu nhân thì ngồi xe lăn cũng đã mấy năm.

Các thầy cô GS Nguyễn Văn Tự, Võ Đăng Đài trông không có gì thay đổi. Tuy nhiên tôi ngậm ngùi khi thấy các cựu sinh viên về phía nam giới nói chung các anh trông phong trần khắc khổ hơn trước.

 

Trong chuyện trò tiếp xúc tôi rất giữ gìn song dù sao lúc ăn uống dự tiệc cũng phải tháo bỏ khẩu trang. Các món ăn lại rất ngon miệng và đa dạng. Uống thì có rượu vang đỏ hảo hạng. Bởi vì do 2 bác sĩ tài phiệt tự bỏ tiền túi ra mời mọc chiêu đãi. Khách mời không phải đóng góp gì.

 

Về lại Toronto, suốt cả tuần lễ tôi luôn nghe ngóng xem mình có các triệu chứng lây nhiễm bệnh Covid-19 lúc đang ở bên Mỹ không, song phước đức, đến nay vẫn chưa thấy gì khác lạ. Các bạn khác thì thế nào?

 

Hôm nay nghe tin tức cho biết ở Cali, New York… dịch Covid-19 đang dợm bùng phát trở lại và người ta lại khuyên mang mask. Lại có thêm dịch đậu khỉ 'monkey-pox' giống đậu mùa.

 

Sang năm 2023, chưa biết dịch Covid-19 còn giở trò gì nữa không, chỉ biết năm nay 2022 thầy trò YKH Hải ngoại đã tạo được dịp cùng nhau hội ngộ tuyệt vời. “Hạnh Phúc Gấp Đôi Khi ĐƯỢC GẶP NHAU”. Bài viết này của BS Vĩnh Chánh trên trang Web của hội kể lại các diễn biến đầy cảm xúc trong hội ngộ (2).

Cho dù chuyến đi của tôi đầy nguy hiểm song xin cám ơn các bạn nhiều.

 

Hôm nay có rượu thì hôm nay uống,
Ngày mai sầu đến thì ngày mai sầu.

(Kim triêu hữu tửu kim triêu túy,
Minh nhật sầu lai minh nhật sầu). La Ẩn –  Bài thơ :
Tự Khiển. Triêu = buổi sáng.

 

Lê Bá Vận.

 

Chú Thích.

 

 (1) Bài phát biểu của GS Lê Bá Vận, cựu khoa trưởng trường ĐHYK Huế trong buổi hội ngộ ngày chủ nhật 15 tháng 5, 2022 tại quận Cam, Ca li,  Hoa Kỳ.

 

CÁC BƯỚC THĂNG TRẦM CỦA TRƯỜNG ĐH Y KHOA HUẾ XƯA.

 

Thưa các quan khách, ông bà GS Viện trưởng ĐHHuế, các thầy cô, các anh chị cựu sinh viên trong Hội Ái hữu YKHuế Hải ngoại và các thân hữu.

Tôi xin cám ơn BTC đã dành cho tôi phát biểu trong buổi gặp mặt thân mật đặc biệt này, hôm nay. Năm nay là năm thứ ba, kể từ năm 2020, Hội YKHuế Hải ngoại, do dịch Covid-19 đã phải hủy bỏ các Đại hội thường niên được tổ chức đều đặn vào cuối tháng 7 đầu tháng 8.

 

Anh chị  BS Võ Văn Cầu (YK2) hôm nay có nhã ý mời quý Thầy Cô cùng một số anh chị em thân quen trong YKH và trong Viện Đại Học Huế tham dự một buổi hội ngộ thân mật giữa thầy trò chúng ta.

 

Lặn lội từ xa đến dự buổi hội ngộ, vượt qua các hàng rào y tế, thuyết phục hãng bảo hiểm chịu bán ‘travel insurance’, bảo hiểm du lịch bao gồm tất cả các bệnh cho người già trên 80 tuổi và thử test Covid-19 có kết quả âm tính ngày trước hôm đáp máy bay từ Canada vào Hoa Kỳ, các cố gắng được đền bù và hôm nay tôi rất cảm xúc được gặp lại các thầy cô, nhất là các anh chị cựu sinh viên YKHuế cư ngụ đông đảo tại quận Cam này.

Chúng ta đã chia sẻ cùng nhau biết bao kỷ niệm ở Huế cũng như ở hải ngoại, gặp mặt hàng ngày trên diễn đàn mạng và hàng năm ở Đại hội thường niên.

 

Phải nói ĐHHuế, đặc biệt trường YKH đã có những trải nghiệm đau thương hơn bất cứ trường Đại học nào ở miền Nam Việt Nam.

Hầu hết thầy trò ở ĐHYK Huế bị tổn thất nặng nề hơn ai cả trong giới Đại Học trong 3 thảm trạng lịch sử:

1) biến cố Tết Mậu Thân năm 1968  mà nhiều sinh viên và giáo sư của trường YK bị Việt cọng chôn sống như được mô tả trong bài viết đầy xúc động nổi tiếng “Đi Nhận Xác Thầy” của các sinh viên Y khoa ơi ới gọi nhau đi nhận xác các thầy, tác giả Tôn Thất Sang YK2.

2) Mùa Hè đỏ lửa Quảng Trị năm 1972, ĐHHuế và trường YK trước ai cả, hối hả mang xe di tản toàn bộ nhân viên và sổ sách tài sản vào Đà Nẵng, một số nhân viên giảng huấn bay tuốt vào Sài Gòn, ở luôn. Sợ hãi thảm sát Mậu Thân tái diễn, dân chúng và các công chức, nhân viên trong địa bàn thành phố tiếp đó cũng cho vợ con theo chân cuốn gói ùn ùn chạy tạm vào Đà Nẵng và chỉ trở về Huế sau ngày 16 tháng 9 lúc thành cổ Quảng Trị được TQLC của VNCH tái chiếm.

3) Huế rơi vào tay Cọng sản ngày 3 tháng 3, 1975, dân chúng tháo chạy tán loạn vào Đà Nẵng để rồi cuối tháng 3 Đà Nẵng cũng thất thủ.

-----

Đại Học Huế đã chịu biết bao thảm họa của chiến tranh mà không tiên liệu được bởi vì lúc ĐH thành lập năm 1957 tại cố đô Huế và trường ĐH YKhoa năm 1959 thì bối cảnh là thanh bình tuyệt đối của đất nước từ Đông Hà, Quảng Trị đến mũi Cà Mau.

Vào năm 1957 Huế vẫn còn là thành phố lớn thứ nhì, sau thủ đô Sài Gòn ở miền nam Việt Nam. Đà Nẵng chẳng hạn vẫn chưa được mở mang, chỉ bằng đường Trần Hưng Đạo, Huế cọng thêm Hàng Bè, Gia Hội và An Cựu hoặc Bến Ngự.  

 

Trường Đại Học YK Huế ngay từ đầu đã được Đại Học Freiburg Tây Đức bảo trợ. Các bác sĩ, giáo sư Đức đến Huế giảng dạy lắm vị mang theo cả gia đình. Phái đoàn hợp tác kỹ thuật của Pháp cũng góp phần viện trợ cung cấp các bác sĩ, giáo sư chuyên ngành ngoại khoa, phẫu thuật. Như vậy trường YK Huế phát khởi với những thế mạnh rõ rệt. Thầy đông, trò ít, kết quả giảng dạy rất tốt đẹp. Sinh viên các khóa đầu đã chia sẻ những kỷ niệm êm đẹp khó quên được ghi lại trong các hồi ký, rồi rào.

 

Song Huế từ năm 1962 “đất bằng bỗng nổi phong ba” với các bạo động xảy ra hầu như liên miên: đấu tranh Phật giáo, thảm sát Mậu Thân 1968, di tản mùa hè đỏ lửa 1972. Trường YK Huế có lúc hầu như bị đánh gục song lại nhanh chóng hồi sinh, ngang nhiên đứng vững và phát triển đều đặn cho đến ngày miền Nam bại trận năm 1975, nền cọng hòa sụp đổ. Các giáo sư và sinh viên một số khá đông lần lượt chạy thoát ra nước ngoài.

-----

Mười năm sau các bạn trốn ra nước ngoài ổn định được gia cư và nghề nghiệp, tìm gặp lại nhau và tại Hoa Kỳ năm 1986 các cựu sinh viên YKHuế các khóa đàn anh hội họp để thành lập Hội Ái hữu các Cựu Sinh viên ĐHYK Huế Hải Ngoại. Điểm quan trọng đáng chú ý là hội bao gồm mọi cựu sinh viên, các khóa trước cũng như sau năm 1975. Nhờ đó hội luôn có những khuôn mặt trẻ. 

Ban Chấp hành của hội có nhiệm kỳ 2 năm theo nội quy và đại hội thường niên hội ngộ được tổ chức mỗi năm vào cuối tháng 7, đầu tháng 8.

 

Trường YKHuế thời trước năm 1975 đã là một thực thể rất khác biệt, trưởng thành cứng cát trong khói lửa, nay tại hải ngoại cũng tỏ ra độc đáo, khác thường. Bởi vì đã có một hội Ái hữu ĐH YK Huế hải ngoại ra đời rất sớm, trong khi không có hội ái hữu ở các trường ĐHYK Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Lạt. Tuy thế ở mọi trường YK đều có các buổi gặp mặt của các cựu sinh viên đồng khóa, như ở Huế thì có các khóa 12, khóa 13 v.v...  ĐH Huế thì cũng chỉ nhiều năm mới tổ chức hội ngộ một lần.

 

Hội Ái hữu ĐHYK Huế sở hữu một diễn đàn chung để chúng ta gặp mặt chuyện trò hàng ngày và một trang Web với một BBT hùng hậu, năng nổ mà rất hiếm các hội đoàn khác có đầy đủ cả hai tiện nghi đó.

 

Thưa các bạn, đã 36 năm qua từ lúc hội thành lập, nay là lão làng, hội chúng ta đã sinh hoạt đều đặn, đã làm mối dây nối kết hữu hiệu giữa chúng ta, đã là mái nhà đầm ấm che chở chúng ta.

Chúng ta hãy yêu thương, trân quý ngôi nhà đó, giữ nó vững bền cho đến lúc chúng ta mãn đời.

 

Như vừa qua năm 2019 chúng ta đã đã mất mát BS Nguyễn Thị Tinh Châu YK3 là một cột trụ của hội. Đầu năm 2022 chúng ta lại mất BS Lê Đức Tâm, YK 10,  Montréal. Đó là 2 mất mát lớn của hội. Nhiều bạn  khác cũng đã ra đi. Nhìn lại cách đây chỉ trên 10 năm, những phân ưu, cáo phó trên diễn đàn hội chỉ liên quan đến các bậc tứ thân phụ mẫu của hội viên.

Bù lại nay chúng ta luôn nhận được tin vui, lễ thành hôn, sự thành đạt của thế hệ thứ hai.

 

Song trên hết vẫn là sự quan tâm đến vận mệnh nước nhà.

Ngày Quốc Hận 30/4 năm nay trên các diễn đàn đột nhiên số lượng các bài viết, phân tích, nhận định, hồi ký tăng lên rồi rào vạch rõ sự dã man, tráo trở của cọng sản trong cuộc chiến trước 1975, trong lúc chiến cuộc giữa Nga và Ukraina đang kéo dài.

Diễn đàn của hội cũng sôi động náo nhiệt góp lời và trang Web của hội YKHuế đã đóng góp 2 bài viết : “Tháng tư đen, Tháng tư quang vinh” và bài “Sau làn vạch trắng”.

 

Chắc chắn Cọng Sản Việt Nam sẽ tự chuyển hóa, tự hủy và sẽ là ngày về thăm trông đợi của chúng ta đầy cảm xúc trên quê hương yêu dấu muôn thuở.

 

Xin cám ơn và kính chào các bạn.

 

Lê Bá Vận.

-----                       

 

1) BS Võ Văn Cầu và phu nhân tặng chậu hoa cho giáo sư cựu khoa trưởng.

2) Các ÔB GS cựu Viện trưởng và BS Vĩnh Chánh. (Hội ngộ Cali 15/5/2022).

 

 

  Bài phát biểu của Thầy Lê Bá Vận, Đại Hội YKHHN 2017

     GIỚI TRẺ VÀ TƯƠNG LAI HỘI YKH HẢI NGOẠI

   -----

    (2) Link bài viết: YKHuế - HẠNH PHÚC GẤP ĐÔI KHI ĐƯỢC GẶP NHAU.

 

-------

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.