Phiếm Luận - Suy Nghĩ Từ Bài Thơ Con Cóc - Phần 2.

 

 

Con cóc trong hang. Con cóc nhảy ra. Con cóc ngồi đó. Con cóc nhảy đi.

 

Xin trở lại bài thơ Con Cóc.

Lớp nhỏ ở thành phố ngày nay chắc chưa bao giờ thấy được con cóc đích thực, hình thù như thế nào. Con vật bé nhỏ hình dáng xấu xí thô kệch đến độ gần như là mối đe dọa, nhưng đó là một sinh vật hiền lành, thân thuộc với người Việt chúng ta, nhất là với nông dân. Con cóc đã đi vào đời sống văn chương mỹ thuật Việt Nam.

 

                          Con cóc là Cậu Ông Trời

                          Hễ ai đánh nó là trời đánh cho.

 

Hai câu ca dao này phát xuất từ một truyện cổ tích nhân gian.

Ngày xưa trời làm hạn hán, sinh vất chết đói, con cóc đích thân lên kiện ông Trời, trời dùng mọi cách kể cả sử dụng vũ lực để áp đảo cóc, nhưng cuối cùng phải chịu thua đành ký hòa ước và tôn xưng là “Cậu Cóc”. Từ đó về sau, mỗi lần cóc nghiến răng là trời phải mưa xuống hạ giới theo giao ước.

 

Con cóc cũng đã đi vào văn chương. Vua Lê Thánh Tông trong bài thơ ‘vịnh con cóc’ đã ví mình một bậc thiên tử quyền uy qua hình ảnh con cóc nghiến răng chuyển động bốn phương trời.

 

                      Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi

                      Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi

                      Chép miệng năm ba con kiến gió.

                      Nghiến răng chuyển động bốn phương trời

 

  Con cóc cũng có mặt trong bức tranh nhân gian, tranh vẽ một ông đồ cóc già, đeo kính lão, tay cầm roi mây ngồi chồm hỗm đang dạy vần quốc ngữ cho lũ ếch nhái bao quanh.

 

 

Lão Oa Giảng Độc (Lão cóc già giảng dạy).

 

  Những buổi chiều tắt nắng, ta dạo chơi trên con đường đất chạy dọc theo mương nước nhỏ. Chiều trôi qua chầm chậm, có tiếng động dưới chân làm ta giật mình, một con cóc đâu đó trong hang nhảy ra. Con cóc ngồi yên trên mõm đá bất động, thời gian như ngưng đọng, con cóc vụt nhảy đi biến mất trong đám cỏ. Thời gian bừng tỉnh tiếp tục trôi để lại trong ta một dòng suy tưởng.

 

  Con cóc trong hang đó là Nhân của một cảnh giới.

Khi Nhân đã hội đủ Duyên, con cóc nhảy ra đó là Thành.

Con cóc ngồi đó là Trụ là sự tồn tại hay Dị, con cóc nhảy đi là Hoạt hay Diệt.

Sự tồn tại không bao giờ viên miễn mà tự nó sẽ Hoạt, sẽ Dị, và còn gì trước ta nếu chẳng phải là cái Không hay Diệt. Con cóc nhảy đi nhưng không tan biến vào hư vô mà nó sẽ trở về một nơi nào đó

tạo ra Nhân cho một cái Thành khác. Cảnh giới trong ba cõi Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới đều đi theo một chu kỳ bốn giai đoạn khép kín.

 

                   THÀNH  TRỤ  HOẠI  KHÔNG

                    hay  SANH  TRỤ  DỊ  DIỆT

 

Sanh là sanh ra. Trụ là tồn tại trong một thời gian. Dị là phát triển biến đổi. Diệt là tiêu mất.

Sanh Trụ Dị Diệt đó là một chu kỳ mà nhà Phật gọi là một “Chu kỳ vô thường”. Cái chân lý vô thường là cái chân lý hiển nhiên diễn ra hằng ngày hàng giờ từng phút từng giây trong cuộc sống.

 

  Tất cả mọi pháp hay sự vật đều lưu chuyển biến dịch, không có cái gì là thường trụ bất biến. Mùa xuân đến, cây cỏ đâm chồi nảy lộc ra hoa kết trái, thu đông lại héo tàn, chúng từ rơi vãi khắp nơi để tạo ra mầm non cho mùa xuân nối tiếp. Tất cả đều trải qua bốn thời kỳ biến đổi như vậy, mỗi kiếp sống của người muôn vật cây cỏ đều có thủy có chung. Có khác nhau là ở chỗ Trụ và Dị thời gian dài ngắn khác nhau. Một hành tinh, một ngôi sao, thời kỳ Trụ và Diệt kéo dài hàng ngàn triệu năm. Một đời người hạn kỳ trăm năm, kiếp phù du không quá một ngày, hoa Phù dung sớm nở tối tàn, hoa Quỳnh tối nở sớm tàn.

 

  Cho nên Bạch Cư Dị tác giả của “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách” nói trong Trường hận Ca

 

                           Thiên trường địa cữu hữu thời tận

                           Nghĩa: Trời đất dài lâu vẫn có lúc chấm dứt

                           Và một thi sĩ nào đó của Pháp cũng nói

                           Tout passe même l’éternité

                           Nghĩa: tất cả đều sẽ qua đi ngay cả sự vĩnh cữu

 

  Đó chính là vũ trụ quan của Phật giáo nói trong kinh Hoa Nghiêm. Và phải chăng bài thơ con cóc trên đây mang hình ảnh tượng trưng cho triết lý sinh diệt đó, một bức tranh “Thập Mục Ngưu Đồ” (Mười bức tranh chăn trâu) của Thành Trụ Dị Diệt. Đó cũng là tinh thần “Bất sanh bất diệt” trong kinh Bát Nhã.

 

  Cuối thế kỷ thứ 18, khoa học bắt đầu đi sâu vào bản chất vật thể và nhà bác học A. Lavoisier Pháp (1743-1794) đưa ra nguyên lý “Rien ne se crée rien ne se perd“ nghĩa là không có cái gì tự sinh ra, không có cái gì tự biến mất. Nguyên lý này đã được chứng nghiệm qua các công trình nghiên cứu về sự trao đổi giữa năng lượng và vật chất của nhà bác học A. Einstein (1879-1955) đưa đến công thức thế kỷ (E = mC2) và từ đó đặt nền móng cho cả một lâu đài cơ học lượng từ hiện đại.

 

  Điều ít ai ngờ đến là nguyên lý này đã được đức Phật thuyết giảng trong kinh Bát Nhã các đây hơn 2560 năm.

                            Thị chư pháp không tướng bất sanh bất diệt, bất tăng bất giảm

 

  Từ bài thơ Con Cóc bàn lan man đến Thiền, đến vũ trụ quan của Phật giáo, tôi không khỏi mang tội cưỡng từ đoạt lý. Nhưng xin nghe bài “Hài Cú” sau đây của Thiền sư Ba Tiêu, Nhật Bản.

 

                            Con đôm đốm trên cành lá

                            Rơi xuống

                            Nằm yên

                            Và vụt bay đi mất

 

  Hai bài thơ sự kiện giống nhau tâm ý cũng là một. Có khác chăng một bên là con đom đóm và bên kia là con cóc, và điều này không phải là điều quan trọng. Ngôn ngữ của Thiền không mang tính cách luân lý hay thuần lý, không tô điểm cảnh phong hoa tuyết nguyệt.

 

                          Một vũng bùn

                          Con nhái nhảy vào

                          Bộp!...

 

  Đó cũng là một bài cú khác của Thiền sư Ba Tiêu, Thiền sư chỉ muốn khơi dậy từ một sự kiện bình thường để hành gi tìm tòi đi sâu vào nội tâm để thấy được bản tánh thanh tịnh.

  Đọc các bài thơ trên chúng ta sẽ mĩm cười thầm nghĩ: Thơ với Thản. Kỳ cục gì đâu!

Nhưng cũng có thể bài kệ đó lại phù hợp với tâm linh của hành giả đã chín muồi, và hành giả đột nhiên bừng tỉnh đạt được trực ngộ. Đó là mục đích của bài kệ, hài cú, công án.

 

  Trước đây Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau 49 ngày thiền định, nhìn thấy sao mai mà giác ngộ. Nhiều vị Thiền sư thuở trước cũng bừng ngộ trong những trường hợp đặc biệt hoặc bình thường như vậy. Thiền sư Linh Nghiêm sau nhiều năm tham thiền, một buổi sáng nhìn cánh hoa mai đơn độc trên cành khô và hoát ngộ.

 

  Sư cô Adachi Chiyono Nhật Bản (1223-1298) trước lúc xuất gia là một giai nhân tuyệt thế, vì sắc đẹp diễm lệ quyến rũ đến nỗi xin đi tu chùa nào cũng bị từ chối vì các vị trụ trì e ngại sắc đẹp của cô sẽ làm các sư trong chùa đắn chìm trong mê say. Cuối cùng Chiyono quyết định đốt phỏng gương mặt của mình đề trở nên xấu xí không ai mơ tưởng. Sư cô theo học đạo với Thiền sư Bukko chuyên trì tinh tấn trong 30-40 năm mà vẫn chưa ngộ đạo. Một đêm trăng sáng, sư cô gánh nước, ánh trăng phản chiếu long lanh trên mặt nước của hai chiếc thùng tre. Bỗng nhiên niền tre đứt, đáy thùng bung ra. Chẳng còn nước, chẳng còn trăng và Chyono thoát ngộ. Sư cô đã làm bài kệ ghi lại chưng ngộ của mình.

 

                           Như thế ta đã giữ cái thùng gỗ

                           Sợ niền tre đã yếu và sẽ đứt

                           Cho đến lúc cái đáy thùng bung ra

                           Chẳng còn nước trong thùng

                           Chẳng còn trăng trong nước.

 

 

1) Chiyono, đệ nhất giai nhân trong lịch sử Nhật Bản (Ảnh chụp màn hình)

2) Đột nhiên, dây quấn thùng đứt, nước trong thùng rỉ ra, vầng trăng trên mặt nước biến mất. Chính vào lúc này, Chiyono bỗng nhiên khai ngộ... (Ảnh: wikipdia)

 

  Thiền sư Vân Môn (864-949) sau nhiều năm tham thiền tu tập, tự thấy mình chưa sáng. Sư đến Mục Châu tham vấn Tổ Trần Tôn Túc. Tôn Túc đóng cửa không cho vào liên tiếp trong ba đêm. Đến đêm thứ tư Tôn Túc hé mở cửa bảo Vân Môn vào đi. Vân Môn vừa bước chân vào Sư bèn đóng cửa sập lại kẹp nát bàn chân. Vân Môn đau thấu xương bỗng nhiên hoát ngộ đứng ngoài cửa lạy tạ và trở về.  

 

  Thiền sư Nghĩa Huyền Lâm Tế (787-867) tổ khai sáng dòng Thiền Lâm Tế đến cầu đạo Thiền sư Hoàng Bá. Ba lần xin cầu đạo, chưa kịp nói điều gì đều bị Hoàng Bá lấy gậy đuổi đánh. Sư buồn rầu cho là chướng duyên che đậy nên hôm sau đến từ tạ. Hoàng Bá quăng gậy cười nói: Sao chẳng đến Đại Ngu. Sư nghe lời chỉ dạy, sau trở thành Đại Thiền Sư nổi tiếng khai sáng Tổ Thiền Lâm Tế. Hiện nay phần lớn các chùa Thiền Viện ở Việt Nam đều xuất phát từ dòng Lâm Tế.

 

Thiền sư Hương Nghiêm (728-814) Đến Qui Sơn cầu pháp Tổ Bá Trượng, nhưng lâu ngày chẳng ngộ. Sư buồn rầu chán nản bèn đem hết sách vở thư tập đốt hết và nói: đời này chẳng học Phật pháp nữa, chỉ nên làm một tăng bình thường cơm cháo khỏi nhọc tâm thần. Sư đi đến Nam Dương chỗ di tích Quốc sư Huệ Trung. Một hôm cuốc cỏ trên núi, lượm hòn gạch ném trúng cây tre vang tiếng. Sư chợt tỉnh ngộ hoát lên cười hướng về Qui Sơn đãnh lễ.

 

  Tất nhiên sự hoát nhiên đạt ngộ cũng là do kết quả tu tập chuyên cần, tụng niệm kinh Phật, thiền định lâu dài mà hành giả phải đem hết thân tâm đê quán chiếu và phần lớn là nhờ ở Bậc thầy biết rõ mức độ thành tựu của hành giả mà thiện xảo đẩy đưa giúp cho đạt đến chỗ đại ngộ tại một thời điểm đặc biệt.

 

  Thôi tôi không dám đi sâu vào rừng Thiền, vì càng đi càng lạc bước, càng học càng trở nên ngu muội. Thử tưởng tượng có người hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ (bào huynh Trần Hưng Đạo) thế nào là pháp thân trong sạch. Ngài đáp:

 

                            Ra vào nước đái ngựa

                            Nghiêng tắm vũng phân trâu

 

  Như vậy tốt hơn hết là tôi nên trở về những câu chuyện thơ thẩn cóc nhái bình thường.

 (còn tiếp).

     

Nguyên Quán Lê Bá Châu.

 

  *Suy Nghĩ Từ Bài Thơ Con Cóc Phần 1

 

 

 

 


Tháng 11, 2024

Tháng 10, 2024

Tháng 9, 2024

Tháng 8, 2024

Tháng 7, 2024

Tháng 6, 2024

Tháng 5, 2024

Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.