CHA VÀ CON

 

Giữa cái nắng gay gắt của một buổi trưa hè oi bức Tâm vẫn ngồi nán lại trong xe để đọc nhanh hồ sơ của một bệnh nhân mà nàng sắp sửa thăm viếng tại nhà. Bệnh nhân là một người đàn ông Việt Nam, bảy mươi sáu tuổi, liệt nửa phần dưới. Mặc dầu số giờ làm việc của Tâm đã quá quy định nhưng nàng phải nhận thêm giờ vì bác sĩ yêu cầu “Làm ơn gởi nurse nói tiếng Việt”, và Tâm là người nói tiếng Việt duy nhất trong khu vực đó.

 

Tâm gõ cửa, cậu con trai tuổi teen bước ra chào và xin phép đi luôn. Bước vào nhà, Tâm chào bệnh nhân đang nằm trên cái giường gỗ đặt trong phòng khách; nàng kéo ghế ngồi bên cạnh để chuẩn bị làm hồ sơ. Ông ở trong building xưa cũ nên căn hộ một phòng ngủ khá rộng rãi.

Từ ngoài nắng vào, giờ nàng mới bắt đầu thấy rõ mặt người bệnh và những thứ chung quanh. Khuôn mặt ông khá hiền hòa. Tâm giải thích cho ông biết bác sĩ gởi tôi đến đây để chữa vết thương sau xương cụt do nằm một chỗ lâu ngày. Ông gật đầu đồng ý và tỏ vẻ lo lắng hỏi:

“Liệu vết thương của tôi có thể lành được không? Hồi ở VN tôi biết những vết thương này rất khó, càng ngày càng lớn.”

Tâm nói: “Ở đây thì có nhiều phương tiện hơn, bác để tôi làm hồ sơ trước và xem vết thương sau.”

Tâm vừa hỏi bệnh nhân vừa điền vào mấy chỗ trống trong bộ hồ sơ mới một cách nhanh chóng như công việc quá quen thuộc của nàng. Đến mục tên và số phone của người thân nhất, ông ngập ngừng, Tâm giải thích là người mà nhân viên y tế có thể gọi khi họ cần nói chuyện với người nhà. Ông đưa số phone tay của người tên Bình rồi dặn nàng chỉ gọi khi có gì thật khẩn cấp, còn những chuyện thường xin cô viết vào cuốn sổ này để nhà tôi đi làm về sẽ đọc, nàng kèm theo chữ “Emergency only” bên cạnh số phone.

 

Tâm lật nghiêng người ông sang một bên và dùng Mepilex border để đắp lên một vết thương nhỏ bằng ngón tay cái sau khi đã chùi, xong nàng ngồi xuống viết vào cuốn sổ của ông đưa cho nàng lúc nãy. Nàng yêu cầu người nhà trở bệnh nhân qua trái và phải trong ngày khi có thể, và mua tấm nệm giảm áp, nàng kẹp thêm cái brochure của những tấm nệm vào để tham khảo. Tâm coi lại tổng thể của ông một chút rồi chào ra về.

 

Hai hôm sau Tâm trở lại để coi diễn tiến của vết thương, cũng vào buổi trưa, nàng gõ cửa thì nghe tiếng ông bảo “vào đi”. Nàng bước vào nhà thấy cậu con trai tuổi teen hôm nọ đang dọn chén dĩa ông vừa ăn xong trên cái bàn nhỏ cạnh giường, rồi đem khăn nóng đến để ông lau mặt, xong cậu đưa tay sờ trán ông, hôn nhẹ lên đó rồi nói “Bye daddy”, cậu đưa tay vẫy Tâm và bước ra cửa.

 

Tâm ngồi đọc cuốn sổ tay ông để cạnh giường, liếc nhìn cử chỉ của cậu con trai, nàng cảm thấy mến cậu ta. Tuổi này là tuổi hành hạ cha mẹ đủ điều, vậy mà ở đây cậu lại chăm sóc người cha một cách ân cần, chu đáo. Tâm tự hỏi ông có con trễ vậy sao? Trong cuốn sổ tay nàng lại thấy chữ viết có vẻ trẻ trung với nét bút mạnh mẽ làm nàng thấy hơi lạ. Hình như ông đã đọc được ý nghĩ của Tâm nên lên tiếng: “Thằng nhỏ là con riêng của bà vợ sau, nhà tôi còn trẻ lắm. Nó học trường gần đây, giờ ăn trưa nó chạy về nhà hâm nóng và dọn thức ăn cho tôi rồi ăn luôn thể.”

Tâm chợt nhìn qua góc nhà, một bức hình của ông và một cô gái trẻ trong một khung ảnh nhỏ. Không biết bức hình chụp lúc nào, trông ông có vẻ còn phong độ, tuổi cỡ sáu mươi, còn cô gái thì cỡ hai lăm, mặt mày không ngát nước hương trời nhưng tươi tắn và trẻ trung.

 

Ông nhìn Tâm bảo:

“Đó là nhà tôi”

Tâm mỉm cười nói:

“Cô ấy thật trẻ trung.”

Ông im lặng chẳng nói thêm tiếng nào.

Sau khi làm xong công việc, Tâm ngồi xuống ghế hỏi người bệnh cần giúp đỡ thêm gì từ những chương trình trong cộng đồng, như giúp tắm rửa, volunteer thăm viếng, Wheels-trans, Meals on Wheels…Tâm muốn gọi ông bằng bác vì ông cũng cỡ tuổi với ba nàng, người Việt với nhau mà gọi bằng ông thấy xa cách quá, nàng hỏi: “Vợ bác đi làm, con bác đi học, bác ở nhà có sinh hoạt gì không?”

Ông bảo: “Cám ơn cô đã hỏi, vì nhiều người nghĩ rằng những người nằm liệt giường như tôi là vô dụng, không còn biết gì nữa. Thật ra đầu óc tôi vẫn rất sáng suốt, còn sáng hơn hồi chưa bệnh. Tôi có thể đọc sách, vẽ tranh bằng bút chì, đôi khi coi TV ở những băng tần địa phương. Khi con tôi đi học về thì tôi nhắc nhở và động viên nó học hành, chuyện trò với nó về những chuyện xảy ra ở trường học, thằng nhỏ rất ngoan như cô thấy đó. Nó qua đây hồi mới năm tuổi và giờ là lớp mười một rồi. Khi nhà tôi về, bà đặt tôi vào wheelchair đẩy tôi quanh building hoặc ra công viên gần nhà để hít thở khí trời. Vậy cũng đủ rồi.”

 

Nhìn qua cái bàn thờ nhỏ bên kia góc tường là hình của một phụ nữ đứng tuổi, tóc bọc vải nhung cuốn tròn quanh đầu như kiểu thời năm mươi sáu mươi ở VN, Tâm định hỏi nhưng lại thôi, bác muốn nói thì biết còn không thì nó không thuộc về công việc của nàng, hỏi nhiều không khéo bác nghĩ mình tò mò.

 

Bác nhìn Tâm và nói: “Nhà tôi còn trẻ nên phải bận rộn làm ăn, bà mới ba mươi tám và đang làm trong tiệm nail, giờ giấc không chừng, nhiều khi có khách phải làm thêm. Tôi nằm một chỗ ở nhà, nhưng tôi có thể dạy cho thằng con tập nấu nướng, chùi dọn. Tôi chỉ dẫn, nó làm.”

 

Giờ thì Tâm mới có thì giờ nhận ra căn hộ rất sạch sẽ mặc dù cũ kỹ, mọi thứ được sắp xếp gọn gàng, đơn sơ và có chút mỹ thuật. Một kệ sách nhỏ kê cạnh giường, một cuốn scrap book và những cây viết chì, cái phone đặt sẵn đầu giường, những chậu cây xanh trên thành cửa sổ tươi tốt, có cây đang trổ bông vàng tươi tắn.

 

Ông bác đột nhiên hỏi Tâm: “Cô có ngạc nhiên về số tuổi của nhà tôi không?”

Tâm trả lời: “Tôi nghĩ tuổi tác không là vấn đề lớn lắm miễn là hai bên tự nguyện và cảm thấy hạnh phúc bên nhau.”

Bác mỉm cười hiền hậu bảo: “Từ ngày tôi về VN lấy nhà tôi làm vợ tới giờ tôi mới gặp được người nói như vậy, mọi người đều nguyền rủa tôi, bảo tôi già mà ham. Ba đứa con lớn tôi nuôi thành tài bảo tôi già mất nết, nhiều lúc tôi buồn lắm”.

 

Tâm cảm thấy hình như ông bác đang cần người biết lắng nghe nên nán lại một chút để bác bày tỏ nỗi lòng.

Tâm hỏi: “Vậy bà vợ lớn và những người con lớn có đến thăm viếng bác không?”

Bác đưa tay chỉ qua tấm hình của người phụ nữ lớn tuổi trên bàn thờ rồi bảo:

“Đó là bà vợ trước của tôi, bà đã mất mười mấy năm rồi.”

Đôi mắt ông rưng rưng tiếp tục: “Những đứa con của tôi thì chúng bỏ rơi tôi từ ngày tôi bảo lãnh nhà tôi qua đây. Mỗi năm chúng chỉ gởi cho tôi cái thiệp chúc mừng năm mới trống trải không một lời thương yêu. Hồi mới bị bệnh nằm một chỗ, tôi có gọi chúng để báo tin vì không biết mình còn sống được bao lâu, thằng lớn bảo ba có cô vợ trẻ lo cho ba rồi, tụi con bận lắm, cô ấy muốn hưởng thì phải làm. Còn đứa con gái có tới thăm tôi một lần rồi thôi.”

 

Giọng bác hơi run run kể tiếp: “Tôi nghe thế nghẹn ngào, chẳng dám gọi nữa, và tôi đã quyết định là tự lo cho chính bản thân mình, không mong chờ vào ai, ngay cả chính nhà tôi bây giờ. Nhiều lần tôi bảo để tôi vào nursing home, và em có thể làm lại cuộc đời với người khác, vậy mà đã năm năm rồi từ ngày tôi nằm xuống nhà tôi vẫn một mực bảo không. Đi làm về vợ tôi lo chợ búa, nấu nướng và tự tay tắm rửa cho tôi….”

Bác ngừng một chút rồi tiếp tục:

“… có lúc tôi nói với nhà tôi anh đã không làm người chồng đúng nghĩa, làm mất đi tuổi thanh xuân của em, anh biết ơn em đã tự nguyện ở lại để chăm sóc anh trong lúc bệnh tật, nhưng em có quyền tìm nguồn hạnh phúc bên ngoài, anh sẽ không bao giờ ghen tuông, trái lại anh còn vui mừng cho hạnh phúc của em. Nhà tôi bảo anh đã đem lại cho mẹ con em một cuộc sống mới và một mái ấm gia đình, em mang một ân tình lớn với anh, lúc nào có gì em sẽ chia xẻ cùng anh.”

 

Nghe bác kể thật mùi mẫn, tình nghĩa của đôi vợ chồng lệch tuổi đang hy sinh cho nhau để xây dựng một tổ ấm trên quê hương mới. Tâm đã gặp và nghe kể nhiều chuyện về mấy ông bác góa bụa hoặc bỏ vợ già về VN lấy vợ trẻ, và cái kết thật thảm thương, nếu thật vậy thì đây là trường hợp rất hiếm hoi mà Tâm biết được.

Ông bác nghiêng đầu qua phía Tâm hỏi:

“Cô có thì giờ ngồi nán lại một chút không?”

Tâm bảo:

“Dạ sẵn sàng, bác có thể nói với tôi những điều gì bác muốn nói.”

Bác thở dài im lặng một chút rồi bảo:

“Mấy người con lớn của tôi ghét bỏ tôi cũng có lý của chúng, nhà tôi còn trẻ hơn con gái út của tôi, nhưng tôi có lý do của tôi mà có đứa nào chịu nghe tôi giãi bày, khi nghe tin tôi cưới một bà vợ trẻ như vậy là chúng đã la hét rầm ĩ và rồi không bao giờ bắt phone của tôi nữa, chúng bảo tôi không tôn trọng mẹ của chúng, cả một đời vất vả lo cho chồng con, mẹ chúng mất chưa mãn tang hai năm thì tôi đã về VN rước vợ trẻ để nhởn nhơ, làm nhục thanh danh gia đình, ba có biết những người thông gia nghĩ gì về ba không?”

Ông nghẹn ngào với hai dòng nước mắt rồi phân bua:

“Đúng là người ta chỉ biết được những gì họ thấy bằng mắt, và rõ ràng là tôi về VN lấy vợ trẻ không chối cãi được, chẳng ai cần biết gì lý do tại sao.”

Tâm với tay đưa cái kleenex cho bác và hỏi:

“Bác gặp người vợ sau của bác trong trường hợp nào?”

Bác đáp lời: “Chuyện tôi gặp nhà tôi hơi dài dòng sợ mất thì giờ của cô, lúc nào rảnh cô cho tôi biết rồi sẽ kể cô nghe.”

Tiếp đến giờ ăn trưa một tiếng đồng hồ, nàng nghĩ chỉ cần mấy cái cookies và chai nước trên xe cũng đủ, nàng có thể để thời gian để lắng nghe ông bác giãi bày chứ đâu còn cơ hội nào cho bác nói nữa, vết thương có thể lành trong nay mai.

Tâm bảo; “Xin bác tự nhiên, tôi sẽ sắp xếp thì giờ của tôi.”

 

Bác nhờ Tâm đẩy người bác lên, chống mấy cái gối sau lưng kê đầu bác lên cao một chút để có thể nói chuyện dễ dàng hơn, và bác bắt đầu kể lại chuyện tình sử một cách chậm rãi:

“Vợ đầu của tôi mất do tai biến mạch máu não khi tôi mới về hưu, tôi trở thành đơn độc trong căn nhà mà vợ chồng tôi đã sinh sống để nuôi ba đứa con thành tài và chúng đã dọn ra riêng. Một năm sau tôi bàn với con là tôi muốn bán căn nhà ấy và chia tiền làm bốn phần cho tôi và ba đứa con, tôi sẽ dùng tiền đó để đi du lịch và về VN thuê một căn hộ qua lại nghỉ hưu, chúng đồng ý. Thế là tôi về VN. Lúc đang ở HN tôi đến thăm một người bạn cũ ngày xưa, ông rủ tôi về ở lại nhà ông rộng rãi và đang để trống một phòng dành riêng cho khách phương xa. Trong thời gian ấy tôi thấy có cô gái đến chùi dọn và phục vụ những bữa ăn sáng cho tôi ở tầng hai. Vừa nhìn mặt cô là tôi có cảm giác như đã quen ở đâu rồi. Cô nhanh nhẹn, vui vẻ, trẻ trung và chu đáo trong mọi việc. Lúc đầu tôi chỉ coi như con cháu trong nhà, bạn tôi bảo là đã trả lương tháng cho cô, cần gì cứ nói cô giúp đừng ngại. Sau hai tuần tôi cảm thấy thoải mái ở đây nên bàn với người bạn cho tôi thuê hẳn tầng đó trong vài ba tháng để tôi có thì giờ thăm viếng những di tích ở HN và các tỉnh thành. Ông bạn đồng ý. Cô gái kia vẫn tiếp tục làm người phục vụ dọn phòng và làm bữa ăn sáng. Hằng ngày cô đến khoảng tám giờ sáng tới ba giờ chiều.”

 

Tâm đã nhanh chóng nghĩ trong đầu: “Việt kiều tóc bạc về VN, vậy là dính, dễ hiểu thôi”, nhưng theo nghiệp vụ nàng phải ngồi yên lắng nghe. Bác lại tiếp tục:

“Một hôm tôi nhờ Bình chỉ cho tôi tiệm cắt tóc quanh đó, cô bảo chỉ biết một chỗ cắt tóc giá phải chăng, nhưng nó nằm trong hẻm sâu sợ tôi tìm không được nên cô sẽ dẫn tôi đi. Chỗ cắt tóc không phải là tiệm mà là một phòng nhỏ trong căn nhà chật hẹp. Cô bảo cô sẽ trở lại sau nửa tiếng để dẫn tôi về vì mấy con hẻm quanh co nầy dễ lạc. Cắt tóc xong lại có một người khách khác vào, tôi phải đứng dậy ra chờ cô trước cửa. Tôi đi dọc theo con hẻm để xem cách sinh hoạt của người dân, bỗng tôi thấy Bình đang dẫn đứa con trai ốm yếu khoảng ba tuổi, đứng mua bánh chiên cho nó. Bình vui vẻ nói đây là con trai của cô, và bảo thằng nhỏ chào ông. Xong cô dẫn thằng nhỏ về nhà, tôi đi theo mới biết chỗ ở của cô quá nghèo nàn và chật hẹp, cô ở chung với một phụ nữ khác có một đứa con gái nhỏ trong một căn phòng chỉ đủ để hai cái giường đơn và một lối đi ở giữa. Bình làm ca sáng, cô kia làm ca chiều, thay phiên nhau giữ hai đứa trẻ.”

Bác tỏ vẻ hơi xúc động, ngừng một lát rồi bảo:

“Tôi cảm thấy xót thương, một phần có lẽ tôi có cảm tình với Bình, một luồng gió mới lạ trẻ trung đang thổi vào cái tâm hồn già cỗi của tôi mà hình như suốt đời tôi chưa biết được, một phần là sự ngưỡng mộ một cô gái quá trẻ sống một mình với đứa con nhỏ trong sự nghèo nàn vậy mà lúc nào cô ta cũng vui vẻ hoàn thành công việc nhanh chóng.

 

Một hôm có dịp chuyện trò với bà chủ nhà, tôi nghe nói trước khi Bình vào làm cho bà, đã có nhiều người đến làm thử, nhưng Bình là người bà ưng ý nhất, cô mới học xong cấp ba, nhà nghèo, chưa có điều kiện vào đại học thì một thằng đểu cáng nào đó hứa sẽ cưới cô và giúp cô đi học tiếp, vậy mà nó tặng cho cái bầu rồi bay xa. Cô không chịu phá thai nên mẹ cô từ bỏ, Bình nhờ sự giúp đỡ của bạn bè để sinh con và tự đi làm thuê kiếm sống, bà chủ mến cô nên trả lương khá hậu.”

 

Tâm vẫn kiên nhẫn ngồi nghe, bác đưa tay lấy ly nước trên cái bàn nhỏ húp một ngụm rồi tiếp:

“Tôi cưới vợ đầu là do sự sắp xếp của hai bên cha mẹ sau khi tôi đi làm một chân thư ký trong ngành giáo dục. Vợ tôi rất đảm đang nuôi dạy con cái và chăm lo việc nhà chu đáo, bà không đua đòi, không thay đổi gì cả, những năm tháng chung sống với bà một ngày như mọi ngày, tôi về nhà với mâm cơm nóng sốt, áo quần giặt giũ tươm tất sẵn sàng cho tôi, những món ăn thức uống tôi muốn là có ngay hôm sau. Hình ảnh của vợ tôi từ kiểu tóc cho đến cách ăn mặc không có gì khác hơn. Tất cả đều trở thành chuyện thường nhật trong bốn mươi năm trời tôi không thoát khỏi. Cách dạy dỗ con cái của vợ tôi cũng theo cách của cha mẹ để lại, dù trong những môi trường và xã hội khác nhau đang thay đổi từng ngày.

 

Tâm hiểu bác muốn nói gì vì một cô bạn người Việt của nàng đã từng kể những bức xúc của cô trong một gia đình như vậy, nàng tóm tắt ý của bác bằng câu hỏi:

“Nói chung là khuôn phép phải không bác?”

Bác gật đầu:

“Đúng vậy. Quá khuôn phép. Nhiều lần tôi nói với vợ tôi là sao em không tự dễ dãi với chính mình một chút, nhưng vợ tôi từ chối bảo bà không quen với cuộc sống xô bồ bên ngoài. Cô thấy đó, vợ tôi vẫn cuộn tóc kiểu xưa trong những năm của thế kỷ hai mốt…

Đời sống càng ngày càng bận rộn khi gia đình tôi định cư ở Toronto, tôi đi làm cai cho hãng điện tử, vợ tôi vẫn ở nhà chăm sóc chồng con, rồi các con càng khôn lớn và tuổi già càng lại gần nhanh chóng, đến lúc nghỉ hưu thì nhà tôi qua đời, nhìn lại tôi thấy quá trống vắng và cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì.”

 

Bác nghỉ một chút rồi ngập ngừng tiếp tục nói:

“Những lúc được nhìn trộm Bình, lòng tôi lại cảm thấy nôn nao khó tả. Cô ta chỉ mặc cái quần cũ bạc màu và chiếc áo thun đơn sơ, đôi tay nhanh nhẹn giặt giũ, chùi nhà, và luôn nở nụ cười hòa nhã làm lòng tôi bồi hồi, cái cảm giác tôi chưa từng có được với ai, ngay cả với bà vợ trên bốn mươi năm của tôi.”

Tâm mỉm cười hỏi bác: “Có phải là cái cảm giác đang yêu của tuổi mới lớn không bác?”

Bác nhìn Tâm bảo:

“Có lẽ vậy, tôi chưa bao giờ biết hẹn hò và yêu đương trong đời, cái nợ đó tôi chưa trả. Oái oăm thay là tôi gặp phải một cô gái còn quá trẻ ở tuổi đã lớn, tôi lại thương cho hoàn cảnh của cô nên không thể quay mặt bỏ đi. Tôi nghĩ nếu tôi cưới Bình làm vợ bảo lãnh cô qua Canada thì tôi trả được cái nợ đời đó và cũng giúp cô thoát khỏi sự nghèo khó, con trai của cô có cơ hội học hành tốt hơn. Sau mấy tuần suy nghĩ tôi bàn với bạn tôi. Ông nói cậu muốn làm phước thì cưới cô để giúp mẹ con cô có cơ hội sinh sống trong môi trường tốt hơn, chứ đừng nghĩ đến chuyện tình cảm riêng tư lợi ích của mình vì như vậy cậu sẽ đau khổ, dù sao cô ấy cũng còn quá trẻ khó biết được. Tôi đồng ý với bạn tôi và nhờ ông sắp xếp cho tôi những buổi gặp gỡ.

 

Giữa sự chênh lệch lớn của tuổi tác, tôi và Bình có thể nói chuyện với nhau dễ dàng, hình như sau sự vấp ngã quá lớn trong đời cô trở thành khôn ngoan và chín chắn hẳn so với số tuổi. Vậy là tôi quyết định cầu hôn cô, dẫu cho qua Canada cô có thể bỏ tôi ngay, chỉ cần thấy hai mẹ con được sống trong môi trường an toàn, sung túc hơn là tôi vui. Gặp người mình thương thì phải giúp chứ làm ngơ là không phải đạo, rồi cái nợ ấy cứ theo chân mình hoài. Tôi nhờ ông bạn dạm hỏi và Bình đồng ý. Thế là tôi làm giấy kết hôn và bảo lãnh cả hai mẹ con qua Toronto. Hồi đó chính sách bảo lãnh cho người phối ngẫu dễ dàng, chưa đầy một năm sau là mẹ con Bình đến đây. Tôi chẳng bao giờ nghĩ tới phản ứng gay gắt quyết liệt của những đứa con tôi như vậy. Bạn bè tôi cũng không khác hơn.”

 

Tâm cảm thấy nể ông bác, một người lớn tuổi và một cô gái trẻ có cá tính đã phá vỡ bức tường ngăn cách của tuổi tác để đến với nhau, và bây giờ thì họ đang cố gắng hy sinh cho nhau để xây dựng một gia đình và bảo bọc đứa con không máu mủ, mặc dù trong bệnh tật bác vẫn cố làm tròn nhiệm vụ của người cha tình nghĩa.

Tâm an ủi bác:

“Tôi tin một ngày nào đó các con lớn của bác đủ sự chín chắn để hiểu bác.”

Bác đáp lại:

“Tôi sợ chẳng bao giờ chúng hiểu được.”

Tâm tiếp theo:

“Vậy thì đó là vấn đề của con bác chứ không phải của bác. Thật ra bác chẳng có lỗi gì với vợ con, bác vẫn thờ phụng người vợ trước, khi bán nhà bác đã chia đều cho các con mà lẽ ra bác có thể giữ riêng cho mình. Còn chuyện hôn nhân với một người độc thân, đem lòng yêu thương một người độc thân khác chẳng có gì là xấu xa tội lỗi.”

Bác giương mắt nhìn Tâm một lúc và nói với hai dòng nước mắt:

“Nhiều lúc mặc cảm với bệnh tật và gia đình bạn bè xa lánh, tôi toan tìm đến cái chết cho xong, nhưng nhìn thằng nhỏ cứ luẩn quẩn quanh tôi nên tôi không đành. Hồi mới qua nó cứ đi theo tôi, coi tôi như là một sự che chở cho nó, nhiều lúc nằm cạnh tôi nó đưa tay sờ râu, sờ tóc như khám phá một hình ảnh mới lạ làm tôi cảm thấy thương nó vô cùng. Lần đầu tiên tôi dạy nó gọi tôi là Daddy, nó lập đi lập lại, nhìn tôi với ánh mắt hồn nhiên rồi xà vào lòng làm tôi cảm thấy rất vui sướng. Cho đến bây giờ làm gì nó cũng nói với tôi, coi tôi như người bạn thân của nó. Chưa bao giờ tôi cảm thấy trách nhiệm và tình yêu thương của một người cha lớn lao như vậy, nên tôi vẫn phải cố sống với những cái động lực ấy. Duyên nợ chưa hết nên tôi phải sống để trả.”

 

Tâm chăm chú nghe bác kể chuyện tình cha con, rồi đáp lại:

“Bác đang ở với người vợ trẻ và đứa con ngoan là của Trời cho, không phải là nợ đâu bác. Tôi mong bác được sống trọn vẹn với cái phước đó.”

Bác đang ú ớ chưa biết trả lời ra sao nhưng rồi phải gật đầu mỉm cười với niềm hạnh phúc bác vừa nhận ra.

Do dự một chút rồi bác cũng thốt lên với chút hài hước:

“Vậy là bây giờ tôi đang có một đồng minh phải không?”

Nàng mỉm cười cùng bác và đứng dậy chào ra về.

Tâm mở cửa xe định bước vào nhưng trong xe nóng như lò nướng, Tâm mở rộng cửa, đứng ngửa mặt hóng ngọn gió mát vừa thổi đến, bỗng nàng nói một mình, “Thấy vậy mà không phải vậy.”

Tâm quay kính xe hai bên xuống, lái nhanh đến tiệm Tim Horton gần đó mua ly cafe đá và cái bánh croissant cho bữa trưa, rồi tiếp tục công việc còn lại trong ngày.

 

Một tuần sau Tâm trở lại, vết thương đã lành hẳn, vợ bé của bác đã mua cho bác một cái nệm giảm áp mới khá đắt tiền. Tâm bảo bác không cần nurse nữa. Giương mặt bác tỏa sáng, vui mừng thốt lên: “Thank you,… thank you.”

 

Lê Cẩm Tú

YKH13

 

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.