Chân và Mỹ.

 

 

Bạn* thân,
.
Trong một email bàn về dịch thơ cổ, bạn viết một điều tuyệt đẹp và thâm sâu, Mỹ trung kỳ chân, chân trung kỳ mỹ”, mà Thầy Trần Bang Thạch giảng: “trong “Mỹ” có “Chân” trong “Chân” có “Mỹ”.
Xin phép được góp đôi giòng làm duyên, lạm bàn về chân và mỹ.
.
Chân

Trong quyển “The Heart Sutra” Sư OSHO viết:
“Khi Pontius Pilate hỏi Chúa Giê-Su, “Chân lý[1] là gì?” Chúa Giê- Su im lặng. Không phải chỉ thế thôi.  Chuyện kể rằng khi Pontius Pilate hỏi, “Chân lý là gì?” ông ấy chẳng đợi nghe câu trả lời, ông ấy liền đứng dậy và ra khỏi phòng.  Thật lạ lùng!
Chúa Giê-Su giữ im lặng bởi vì Ngài cũng biết điều ấy không thể nói thành lời. 
Pontius Pilate—con người La Mã, con người của logic La Mã, của những giá trị La Mã— nghĩ rằng vì không có chân lý nên không có câu trả lời, nên không chờ câu trả lời.  Con người của vọng ngã chỉ thấy có cái tương đối của cuộc đời thực tiễn[2] . Chúa Giê- Su im lặng chẳng phải vì không có chân lý, mà bởi vì chân lý quá mênh mông, bao la, vô cùng, vô tận, nên không thể nói thành lời, diễn tả bằng ngôn ngữ được.[3] ” 
Cùng một kết luận: không diễn tả được bằng lời. Nhưng, một bên—Pontius Pilate—phủ định, nghĩ rằng không có, một bên khác—Chúa Giê-Su— trực nhận, thấu suốt, có mà bất khả tư nghị.
OSHO phân biệt “truth” với “reality”. Cả hai đều nói cái chân, nhưng “truth” là tuyệt đối mà “reality” là tương đối, chủ quan, tùy thuộc người nhận thức

Tôi mượn lời OSHO để mở đầu,
“Chân” sẽ dùng trong nghĩa truth—chân lý, sự thật tuyệt đối—như trong những suy nghĩ của OSHO; “hiện thực” –hay ngắn gọn hơn—“thực” hay “thật” sẽ dùng trong nghĩa reality, tương đối, bao gồm những nhận thức chủ quan của con người.
.
Trong bối cảnh của thơ nầy, “chân” và “thật” có nghĩa như sau:
Theo Phật gia, có chân, có cái chân tuyệt đối. Chân Tâm, Phật tánh, Chân Không đều là có thật, hiện hữu và tuyệt đối, không thể nghĩ bàn.  Đối với đông đảo Ky-Tô hữu, cái chân tuyệt đối nằm trong Chúa, đó thuộc lãnh vực đức tin, cũng không thể nghĩ bàn.
Tôi cũng nghĩ có cái chân tuyệt đối: i/ tính vô thường của sự vật, tính đổi thay, biến hóa của tạo vật; ii/ những sự việc, những biến cố—xảy ra hằng ngày—thì hiện hữu, thật có, dầu chỉ trong một sát na, dầu rằng liền sau đó nó biến hóa theo luật tự nhiên của trời đất. Sự hiện hữu ấy là chân, là thật có, tuyệt đối hiện hữu ở thời điểm xảy ra.
.
Những cái mà con người bắt gặp sự việc hay biến cố là hiện thực. Có nhiều lý do để nói hiện thực không là chân:
1.     Con người nhận thức cái chân qua tri giác của mình, hay rộng hơn qua vọng ngã[4]  của mình. Chụp vọng ngã của mình lên sự việc, đó là hiện thực.  Rồi luận bàn, suy diễn, phê phán, lại không ý thức tính vô thường của sự vật, cũng không ý thức rằng thật sự mình chỉ nắm bắt thực tại qua giác quan, kinh nghiệm, trí tuệ, xúc cảm của mình,..., rồi xác quyết rằng đó là chân. Thật sự là cái chân đã bị cắt xén và bóp méo.
2.     Nhìn ảnh của một ngôi sao S qua viễn vọng kính là hiện thực. Đó là ảnh của S và không là S.  Có hai lý do: ảnh của một người chắc chắn là không là người đó. Và có thể ở thời lúc thấy S, thì S đã chết từ mấy ngàn năm rồi, vì ánh sáng phát xuất từ S đã để mấy ngàn năm mới đến viễn vọng kính[5] .
Cũng tương tự, biến cố xảy ra ở thời điểm T, ta ở ngay trên hiện trường vào thời điểm T. Ta thực chứng biến cố.  Nhưng ánh sáng đi từ biến cố đến nhãn quan của ta phải mất một thời gian t, như vậy cái mà ta thấy không phải là biến cố ở thời điểm T mà là hình ảnh của biến cố thu qua tri giác ở thời điểm T+t. Như vậy, cái mà ta nhận thức—là ở thời điểm T+t—là hình ảnh của một sự việc xảy ra hồi thời điểm T đã qua rồi, một hình ảnh thuộc quá khứ.[6] Cái chân xảy ra ở thời điểm T, Hiện thực bắt gặp là ở thời điểm T+t.
.
Vậy hiện thực không là chân, nhưng, trong một giới hạn nào đó, mặc khải cái chân qua tâm vọng.
.
Trong giới hạn định nghĩa trên đây về chân và thực (hiện thực), thì chân và thực đều hiện hữu, thật có. Vậy chân không là một ảo số, không là một ý niệm, không là hiện thực.  Chân là chân, đứng ngoài những thang giá trị.  Nói giá trị, là nói lãnh vực con người, những phê phán, so sánh, tiêu chuẩn thuộc lãnh vực hiện thực[7] . Trong  một giới hạn nào đó, chân thuộc lãnh vực đức tin.  Phật gia tin ở Chân Tâm.  Ky-Tô hữu tin ở Thiên Chúa. Thiên Chúa hiển lộ, mặc khải cùng khắp, ở mọi nơi chốn, ở mọi sự vật, ở mọi thời lúc. Thiên Chúa không là một người, không là một vật, không là một ý niệm[8] .  Ở lãnh vực đức tin, thì bất khả tư nghì[9] .
.
Thiết nghĩ cần thêm đôi giòng minh xác nghĩa của vọng.
Vọng ngã là cái “tôi” hình thành suốt giòng đời, khởi từ trong bụng mẹ, do những tác động của môi trường. Khi còn trong bụng mẹ thì do khí huyết và những sinh hoạt của mẹ mà thành, lúc chào đời thì do môi trường chung quanh tôi luyện, uốn nắn, tạo nên. Mẹ cha, thầy cô, gia đình, học đường đều cùng một cứu cánh: đào tạo những con người, những nhân cách, những cá tính. Một sự nghiệp, một trật tự xã hội, những đức tính.
.
Vọng ngã đa dạng, xác định bởi nhiều tham số. Trong cái nhìn vĩ mô, có thể kể: di truyền, khả năng, tài khéo, kiến thức, kinh nghiệm, tình cảm, cá tính, tích tụ suốt giòng đời, được ý thức hoặc bị chìm sâu lãng quên trong tiềm thức. Mỗi nơi ở mỗi thời đều có một nếp sống văn hóa của nó. Phong tục, tập quán, luân thường đạo lý, để chỉ nêu một vài điểm cụ thể.  Mỗi một cá thể mang một nếp văn hóa đặc thù phản ảnh bối cảnh lịch sử mà nó sống. Ở một nơi nhất định, một thời điểm nhất định, vọng ngã hiển lộ dưới những hiện tượng nhất định. Chỉ có là ta ý thức hoặc không ý thức mà thôi.
.
Không ý thức, lấy vọng làm chân, tức là mê, mê lầm. Chân bị vọng ngã che lấp. Giác ngộ—trong một giới hạn nào đó—là ý thức rằng mình bị che lấp, trực ngộ sự che lấp và cảm nhận sự hiện-hữu, hoặc trực nhận sự mặc khải của cái chân. Khởi đầu có thể là cảm giác một sự bừng tỉnh, thức ngộ mình bị điều kiện hóa, bị điều khiển, bị vận dụng bởi cuộc sống, bởi nếp sống văn hóa mà mình hấp thu.  Cũng có thể thức ngộ rằng lâu nay, mình đã đồng nhất mình với sự nghiệp, với tài năng, với vai trò trong xã hội, với trách nhiệm, với nhân cách, với những giá trị lượm- lặt vun-trồng-và- tích-lũy suốt giòng đời. Cũng thức ngộ rằng vì đó, mình bị quay cuồng, điên đảo. Và cũng cảm nhận rằng tất cả đều tùy duyên mà thành và không ngừng đổi thay.  Tôi là ai? Là cha? Là mẹ? Là chồng? Là vợ? Là con? Là Bạn, chị, em? Ông nầy, bà kia?... Phải chăng tôi chỉ là những vai trò, như người diễn viên sân khấu, hết vai nầy đến vai khác, và trong mỗi các vai, phải theo những qui định ít nhiều rõ ràng, nịnh phải ra nịnh, trung phải ra trung, thiện ác, trên vẻ mặt, rõ trong lời ăn, tiếng nói, tướng đi, cử chỉ và hành động? Vậy, cốt tủy tôi là gì? Cuộc sống nầy là sao? Cái chân thật rốt ráo của cái tôi, của cuộc sống?  Như tỉnh thức sau một cơn mê loạn, con người bắt đầu vấn hỏi về mình, về cuộc sống, và dần dần khám phá vọng ngã.  Có vọng ắt có chân.  Vọng chân tương khắc—cái nầy không là cái kia—nhưng cũng tương sinh—cái nầy ẩn tàng ám hiểu cái kia. Thế nên, đông đảo người “biết vọng không theo”, hoặc cho rằng khi bức màn che lấp—vọng tâm, vọng ngã—rơi xuống thì “chân tâm hiển bày”.  “Chân” đối đãi với vọng, nghĩ cho cùng, cũng là một khái niệm đối đãi, tức tương đối, như thị phi, hay dỡ, xấu tốt, đúng sai, thành bại, được thua,... Chân, trong cái nghĩa tuyệt đối, hẳn là không thể là một  tác nhân đối đãi. Tự nó, nó hiện hữu.  Nó không tùy thuộc ở “nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, sắc thinh hương vị xúc pháp”[10] . Nó “bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm”[11] , không thiện, không ác, không chánh không tà, không đầy không vơi,... Nhưng khi có vọng ngã chụp lên nó, phủ lấy nó, nó biến thành hiện thực, và vì theo đó thường có phê phán, nên mới phát sinh các khái niệm thiện ác, đúng sai, thị phi đôi ngả.
.
Tóm lại, trong giới hạn những hiểu biết của tôi về Phật giáo, tôi  mượn Phật gia để xác định nghĩa của “chân” và “vọng”. Chân—tuyệt-đối, rốt-ráo— gọi là chân, và tương đối, vọng-chân, thuộc lãnh vực hiện thực.  Trong phần sau, tôi sẽ dùng chân, vọng và hiện thực trong nghĩa vừa nêu.

***
Mỹ

Mỹ là đẹp, nói một điều tốt. Mỹ nữ, mỹ nhân nói một người con gái đẹp. Mỹ tục nói một phong tục lệ đẹp.  Mỹ thuật, mỹ nghệ nói cái nghề và kỹ xảo về cái đẹp. Mỹ từ là nói lời hay tiếng đẹp. Mỹ tửu là nói rượu ngon.
Đối với đẹp là xấu, đối với ngon là dở.  Cho nên, mỹ thuộc lãnh vực thị phi, thiện ác, đúng sai, chánh tà hai ngả.  Mỹ thuộc lãnh vực cảm giác và giá trị, tùy thuộc tiêu chuẩn qui định. Vậy, mỹ tùy thời, tùy nếp sống văn hóa của môi trường, và do đó, cũng tùy sự nhận thức chủ quan của cá thể hoặc của một cộng đồng.  Như vậy mỹ thuộc lãnh vực con người, thuộc vọng tâm, thuộc hiện thực.  Mỹ không là chân.

Mỹ—riêng về nghệ thuật—được phân chia thành nhiều lãnh vực: văn chương, thơ phú, triết học, kịch nghệ, hội họa, điêu khắc, nhạc,.., càng ngày càng nhiều, và càng chuyên biệt. Có những thứ mà trong xã hội đông phương xem thường, mà giờ đây, do giao lưu văn hóa, do sự tiến bộ xã hội đã trở thành một sinh hoạt quan trọng. Thí dụ các nghệ sĩ sân khấu, xưa xem là “xướng ca vô loại”, thì giờ được một sự quí trọng tương xứng.  
Nấu ăn giờ đây cũng là một nghệ thuật.  Quần áo thời trang cũng là một nghệ thuật.

  • Trong nghệ thuật trang trí chẳng hạn, có trang trí nhà cửa, có cắm hoa, có nghệ thuật trình bày thức ăn, quần áo thời trang, .. và những lãnh vực nầy lắm khi không liên quan gì với nhau cả. 
  • Nghệ thuật nấu ăn có một phần chung với trang trí, nhưng xa cách hẳn với văn chương, thơ phú[12] . Ngay trong trang trí, trang trí món ăn, trang trí nhà cửa, cắm bông hoa, dầu có cái chung—cân xứng ở hình thái, hài hòa ở màu sắc,..—cũng có lắm khác biệt.
  • Trong “Lữ Bố hí Điêu Thuyền”, cái chung là: “”. Con ngựa đực—sung mãn, thấy bóng, nghe hơi con ngựa cái— vang, nói sự tham muốn, thèm muốn, khát khao của bản năng.  Mấu chốt là hí, có thể ve vãn, nói tình, nói ý, ghẹo nguyệt trêu hoa, nói bóng nói gió, phong tình lả lướt, nhưng Lữ Bố, người Bạn hùng một thuở, có sợ ai—cả quan Tư Đồ (quyền cao chức trọng, tham vọng mút trời, và là  cha của người đẹp) còn phải nể—mà chỉ có thể “hí” người đẹp. Mô tả cái “hí” ở cử chỉ, thái độ, sắc diện, điệu múa, nói lối, lời ca, và những phản ứng của người đẹp, tất tất đều quay chung quanh cái “hí” của người hùng. Bằng không thì Phụng Nghi Đình có khác gì chuyện tình An Lộc Sơn và Dương Quí Phi.  Nhưng hát bộ thì khác, cải lương thì khác. Cùng là hát bộ—hay cải lương—diễn xuất mỗi gánh hát mỗi khác.  Và cùng một tập hợp đào kép, cùng một tuồng tích, buổi trình diễn này khác với buổi trình diễn kia, cái khác là do sự hứng khởi lúc bấy giờ của nghệ sĩ mà nguồn khởi có thể phát xuất từ thành phần khán giả, tùy cái không khí hôm ấy, tùy người cầm chầu, và nhiều yếu tố khác nữa, mà người ngoại cuộc không bao giờ thấu hiểu.
    Có lẽ vì thế mà nữ nghệ sĩ Sáu Trâm, danh tài một thuở, đã nói:
    “Trong nghề ca hát, nếu không có một ông thầy tuồng dìu dắt, không có người bạn đồng diễn, đồng sắc, đồng tài, thì người diễn viên khó có thể thành công lớn.” [13] .
  • Ở thời ấy—thời mà “trai không được xem Thủy Hử”, “nữ bất khán Thúy Kiều”[14] —phải thuộc giới xướng ca, “có loại”, “có hạng”, có tài sắc song toàn, có thực sự dấn thân và thật sống với sự nghiệp cầm ca, mới thốt lên được lời lẽ như trên đây. Nghệ nhân phải học tuồng, học diễn xuất, theo sự hướng dẫn của người đạo diễn—lúc bấy giờ là ông thầy tuồng—cùng người diễn tập tuồng, tập những bộ điệu. Và trên sân khấu thật, cái TÔI của mình hoàn toàn mất đi, chết đi, chỉ còn các vai—Lữ Bố, Điêu Thuyền, trong bối cảnh Phụng Nghi Đình, mà tình tiết, tất tất đều theo truyền thống, theo nghĩ suy và trí tưởng tượng của ông thầy tuồng—mà nghệ nhân phải hội nhập, dung nhiếp, sống theo qui ước cổ truyền của tuồng tích, về nhân vật mà họ diễn xuất. Nói cách khác, đào và kép—thương, bi, lẳng, ghen, hận, ác, hay độc, trung, nịnh, hề,..,—tất tất đều phải dẹp cái “tôi” thân thiết hay vĩ đại của mình sang bên,  để chỉ sống cái vai tuồng mà mình đang đóng. Bỏ cái “tôi hư giả” nầy để sống cái hoàn toàn hư cấu, các vai diễn xuất trên sân khấu. Vậy mỹ thuộc lãnh vực hư giả. Thi nhân thả hồn theo thi hứng, người viết truyện có khi bị nhân vật trong truyện—thường là hư cấu—dẫn dắt, để không còn biết mình là người chủ động.
  • Như vậy có nên chăng kết luận rằng trong một giới hạn nào đó “trong mỹ không có cái gì là chân cả?”
    Nhưng chắc chắn là có cái thật, cái hiện thực.
    Trang Chu mộng Hồ Điệp, khi tỉnh mộng không biết mình là Chu hay là bướm.  Cô Sáu Trâm đóng vai Điêu Thuyền, Cô Sáu Trâm là thật, Điêu Thuyền cũng là thật sống, dầu là nhân vật hư cấu. Trang Chu, Hồ Điệp, Sáu Trâm, Điều Thuyền đều là thật sống, nhưng đều phù du, hư giả, có duyên thì hợp, hết duyên thì tan. Hợp tan, sinh tử, biến đổi, vô thường là bản chất, thân phận của con người, là cốt tủy của giòng đời, nói riêng của mỗi con người chúng ta. Nhưng tất cả phải phản ảnh một cái gì đó rất là người, cái chất người, con người của muôn nơi muôn thuở.
  • Cho nên, mỹ không là chân. Nhưng trong mỹ, có chân, dù là một thoáng, dù chỉ là cái chân đã bị bóp méo, hoặc chỉ phảng phất cái chân—mờ nhạt, đậm nét, tô điểm thêm, hay chi chi khác—tùy khả năng, kinh nghiệm, động cơ, hứng cảm của nghệ nhân, và cũng tùy bối cảnh thực hiện mỹ phẩm[15] . Lữ Bố hí Điêu Thuyền, Hạng Võ biệt Ngu Cơ, là những sự kiện thật có xảy ra trong một bối cảnh nhất định của nước Trung Hoa. Nhưng tình tự con người—mỹ nhân và danh tướng, anh hùng mạt vận—biểu hiện một cái gì đó chân chất nhờ vậy mà khán thính giả bắt gặp, cười, vui, hận, khóc, thả hồn mình theo ánh sáng, màu sắc, âm thanh, thái độ, cử chỉ, điệu bộ, lời nói, giọng ca, nói chung cách diễn xuất của mỗi nghệ nhân. Phải có cái chân bàng bạc, mặc khải trong mọi sinh hoạt hay tác phẩm nghệ thuật.

.
Tuy nhiên, nói “Mỹ trung kỳ chân, chân trung kỳ mỹ,” nghe như có thuận có đảo, thì có người[16] có thể ngộ nhận là chân và mỹ là một, chân tức mỹ, mỹ tức chân, “chân bất dị mỹ, mỹ bất dị chân[17] .  Mỹ—trong cái nghĩa mỹ thuật, nghệ thuật—là thực mà không là chân.  Chân, thật khác biệt, chân, mỹ khác biệt.
Nhưng trong cái nhìn của Phật gia, hoặc cái nhìn của một số tín hữu Ky-Tô giáo, thì chân là cái mỹ tuyệt đối, không thể nghĩ bàn.  Nhà Phật tu hành để ứng ngộ chân tâm, toàn thiện, toàn mỹ.  Người tín hữu Ky-Tô nguyện cầu trực ngộ Thiên Chúa, về nước của Đức Chúa Trời, đạt đến cái chân lý tận cùng của sự vật, tận cùng, toàn thiện, toàn mỹ.  Vậy nói Chân tức Mỹ, Mỹ tức Chân, thì chỉ có thể nói trong nghĩa nầy, chỉ trực ngộ được với điều kiện cần là trút bỏ được cái tôi hư giả, thân phận con người—ít nhất là với một số tín hữu Phật giáo , hoặc Ky-Tô giáo.
.

  • Thi thơ thuộc lãnh vực mỹ thuật, tức là hoàn toàn trong vọng, nói riêng trong cái thật. Thật, trong nghĩa hiện thực trên đây.
  • Thơ là ngôn từ và âm vận. Không chỉ ngôn từ, âm vận, mà còn ý tình. Ngôn từ của thi thơ, có thể tục, nhưng không thô, có thể dạn dĩ nhưng không bạo.  Và nếu có bạo, có tục cũng ở trong giới hạn của sự khả chấp, nhờ âm vận, thi phong. Dầu thế nào đi nữa, ngôn từ, âm vận, thi phong phải chở được ý tình. Thi nhân, trong giới hạn những ức thúc của thể thơ, vẫn phải tả cảnh, nói tình, thả hồn theo nàng thơ, quyện theo thi hứng
  • Cho nên, nói thơ cổ, là nói, cột, nhốt, trói buộc thi nhân trong một hình thức, trong một thể cách, trong những qui định của thi luật. Đồng thời cũng nói thi hứng, tự do tình tự với nàng thơ. Đó là cái nghịch lý khắc khe, cơ bản của mọi thi nhân: phải tự ức thúc trong qui điều, đồng thời phải ung dung tự tại, tự khứ tự lai, giải thoát mọi buộc ràng, để “nàng với ta, tuy hai mà là một”; nàng là thi cảm, ta là thi nhân. Đó cũng là biểu thức thực tiễn của tự do, trong cái nghĩa “ung dung trong ràng buộc”[18] . Nghĩ cho cùng, con người chỉ cảm nhận được tự do trong ý thức những giới hạn của những buộc ràng—không gian, thời gian, tha nhân, vạn vật, giá trị, khả năng, trách nhiệm,... Với nguồn của thi cảm, thi nhân trút bỏ mọi qui định không những của ngôn từ, thi thể, thi vận, mà cả đạo lý của môi trường.  Trút bỏ mà không trút bỏ, vì khi đặt bút, khi ngâm lên thì vẫn là thể thơ, vần thơ và ngôn từ quen thuộc, hình thức không sai, nhưng ý thơ, thơ phong như thoát tục, thoát ra khỏi cái thông tục của thi đàn và cũng thoát ra khỏi cái trần tục văn hóa của thế sự.
  • .Người dịch thơ, nói riêng thơ cổ, chỉ có thể là một thi nhân. Phải biết thuần thục về thơ cổ. Phải biết thuần thục về kỷ xảo dịch thuật. Phải thông suốt cả hai ngôn ngữ, hai nền văn hóa thời ấy và thời nay[19] . Vậy nếu thi thân bị ức thúc trong một vòng đai—thi thể, ngôn ngữ, môi trường văn hóa, thì người dịch thơ cổ bị cột trong ba vòng đai –xưa và nay, và kỹ thuật dịch. Rồi còn phải nghe được ý tình, âm điệu, bắt gặp tác giả ở đâu đó—trong nội dung, ở hình thức. Cái hay, cái khéo, cái xuất thế, cái thoát tục trong ý, trong tình, trong giai điệu chuyển đạt sắc-thanh, một cái gì đó đặc thù gợi hứng, tạo động cơ cho dịch thuật. Cái đặc thù ấy chỉ có người trong cuộc, trong giới mới cảm nhận được. Đó là duyên tình, cột người dịch vào thi đoàn.
    Khi duyên đã khởi thì trùng trùng duyên khởi, và tình đầu sẽ biến thể thành đa dạng, thấm thấu tận sâu thẳm trong tâm hồn của thi nhân, để rồi những xiềng xích qui ước thế nhân đương nhiên rơi rớt, để con người trọn vẹn với hồn thơ.  Vọng hay chân, giả thực không còn là vấn đề, thì những thắc mắc phải thế này thế khác như truyền chân, phỏng dịch, dịch thoát, dịch theo văn xuôi hay chi chi khác[20] đều rơi rụng. Chỉ còn lại là tình tự với nàng thơ.
  • Bình thường, “tài, sắc, danh, lợi, hỉ nộ ái ố, kinh nghiệm, giá trị, sinh hoạt, đấu tranh,” che lấp chất thơ, nàng thơ luôn ở tận sâu trong thi nhân, như thẹn thò, khiêm nhường, ẩn náu.  Nhưng khi gặp duyên, tất cả màn che rơi rụng, duyên tình hiển lộ, đó là trực ngộ nàng thơ, là Trang Chu mộng hồ điệp.  Đây không là giác ngộ Chân Tâm, trực kiến Niết Bàn, mà là một khám phá vọng trong vọng. Mỗi con người đều có một chất đặc thù riêng biệt, không một ai giống ai, mỗi nghệ nhân có một hồ điệp riêng của mình, hồ điệp của hai người khác biệt khác nhau, hồ điệp hôm nay khác hồ điệp của ngày mai. Với thi nhân, đó là chất thơ. Diễn tả được chất thơ đó qua thi vận, thi nhân xác định con người của mình, không giống ai ngàn năm trước, ngàn năm sau, và mãi mãi như thế. Thế nên, chỉ có một Lý Bạch, một Bạch Cư Dị, ...một Nguyễn Du, một Tản Đà,....duy nhất, không hai.
  • Theo đó, nếu phải hỏi “người trong giới, Bạn là ai?”.  Thì câu trả lời cho giới thi thơ có lẽ là: Là người giác ngộ được nàng thơ của mình. Nàng thơ—vốn là vọng, cái vọng tự do buông thả, không bị đè nén, ức thúc—là cái đậm đặc rất người trong mỗi người trong giới. Lấy chữ “thi” trong nàng thơ, ghép vào chữ “người”—người giác ngộ, cái chất người của nàng thơ—ghép lại, thì rõ ràng tên Bạn là: Thi Nhân.
  • Tôi thích chữ nhân, và muốn nhấn mạnh ở chữ nầy.  Thể thường người ta thường dùng chữ “sĩ”.  Thi sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ,.. Sĩ gợi ý là người có học.  Ông nghè, ông cống xưa kia là kẻ sĩ. Giờ thì có quí vị Tiến Sĩ, Viện Sĩ,..., học cao, học rộng. Mà học là tiếp thu kiến thức, và trong một giới hạn nào đó, là đi vào những qui định của môi trường. Nói cách khác, “sĩ” gợi ý một con người bị qui định, chấp nhận qui định. Và trong những qui định của con người, có những qui định phi nhân.  Cho nên, tôi chuộng chữ nhân hơn chữ sĩ.  Văn nhân, thi nhân, nghệ nhân, ngầm nhắc cho tôi cái chất người trong mọi sinh hoạt của chúng ta.  Đó cũng có thể là một lối thoát cho những ai có mộng tìm chân, dầu là tạm, là phù du, là hư giả. Được thua, thành bại có thể quan trọng, nhưng không quan trọng bằng cái chất người trong cuộc hành trình, nhờ vậy mà cuộc sống luôn mở rộng—mở rộng quan hệ, mở rộng hiểu biết, mở rộng lý người, tình người.

.
Tóm lại, lấy chân và mỹ làm duyên, để đọc lại thơ Bạn, nói về thơ cổ, để bàn ra, luận vào, vui cùng Bạn, tô đậm một vài ý.
Tôi có nói chân, nói thực, nói vọng, nói mỹ. Vọng là thân phận con người. Không một ai thoát khỏi. Thi nhân là người, nhưng là một con người khác biệt nên mới có tĩnh từ thi bổ nghĩa đặt trước chữ nhân. Có những điều mà con người—vì phải theo những qui định xã hội—con người phải đè nén tâm tư, và thường thì sống sao cho “phải đạo”, được xem là người “tốt”, khen, khích lệ, để rồi lắm khi có một mặc cảm vong thân. Thi nhân là một trong những ít người có lối thoát cho mặc cảm vong thân, vì có nàng thơ để tình tự. Nàng thơ, hay hồ điệp, vẫn là vọng, cái vọng cần thiết cho sáng tác, cho phiêu lưu
Sáng tác, tạo cái mới, cái biết chưa bao giờ có, chưa bao giờ kinh qua ắt phải làm mình hoang mang, lo ngại vì những rủi may không lường trước được.  Cho nên, nói là phiêu lưu. Vậy, ở đây, ôm người đẹp trong lòng, say cùng người đẹp, không có nghĩa là “bình an”, “thân tâm an lạc”, mà là khởi đầu một cuộc phiêu lưu đầy rủi ro nhưng lý thú. Nghĩ cho cùng, thành bại, được thua có khi rất quan trọng, nhưng vẫn là thứ yếu, cái chánh vẫn là dám dấn thân phiêu lưu, như thi nhân, dám mộng hồ điệp, say với thi hứng, để vượt lên những qui ước thông tục, sống hết cái chất người trong tự thân.  Trong cuộc phiêu lưu nầy, thi nhân, ngoài những qui định chung của môi trường, thi nhân còn phải theo những qui định thi đàn.
Người dịch thơ cổ chỉ là thi nhân, mà là một thi nhân thấu triệt hai nền văn hóa xưa và nay của hai dân tộc khác nhau, và còn phải rành kỷ xảo dịch thuật. Cuộc phiêu lưu của người dịch thơ cổ khó hơn nhiều.
.
Tôi muốn kết thúc ở đây bằng một nhận xét: Đã phiêu lưu, rủi may chưa biết, tìm lại chính mình, sống cho đầy, cho đã, cho thỏa, thì hợm gì những cái lăng nhăng phải thế nầy thế khác, đám hồng bên hàng dậu, cây sứ sau nhà,...
Nhưng nghĩ lại, không gì thích hợp bằng mượn thơ Bạn làm kết luận.
“Tôi không mơ giàu sang, không mơ tiếng tăm, cũng không mơ sống lâu trăm tuổi mà chỉ mơ mỗi ngày đọc được một bài thơ hay, và, sự thống khoái của tôi sẽ vươn lên cùng tột nếu mỗi ngày ngoài một bài thơ hay tôi còn được đọc một bản dịch hay của bất kỳ ai.
     “Rừng cổ thi âm u bí hiểm. Bước chân lần dò sơ sót có thường, đâu phải cuộc thám hiểm nào cũng dẫn đến đền thiêng? Nhưng nếu ta dừng lại ở ven rừng, xếp xó hết sách vở, dập tắt mọi ngọn đuốc thì cõi lòng chúng ta lập tức rơi vào đêm đen. Đọc cổ thi là một tìm kiếm, một niềm vui có tính phiêu lưu. Dịch cổ thi là ấn chứng kết quả của cuộc tìm kiếm ấy, là mở rộng bao hàm của niềm vui ấy. Đọc và dịch cổ thi có khi lệch lạc nhưng thái độ ái cố cổ thi và những nỗ lực đóng góp nhất định luôn luôn đúng.”
.
Tôi xin phép Bạn được thêm một lần chia xẻ những suy nghĩ trong thơ nầy với quí thân hữu thuộc Đại Học Y Khoa Huế. Bạn cho tôi xin lỗi vì trả lời quá chậm.
.
Bạn thứ tha: tuổi già có những tật xấu khó bỏ, cũng như những ốm đau thất thường. Lúc nào tôi cũng mong được học hỏi nơi Bạn và các bạn hữu của chúng ta.
.
Thân chúc Bạn và phu nhân, cùng các cháu một ngày vui.
.
Thân,
Nguyễn Văn Trường

(*) Bạn: Văn Thi sĩ Đoàn Thanh Liêm


[1] The truth trong  the Heart Sutra. Thiết tưởng nên dịch là “chân”.
[2] Nói cách khác là với Poncius Pilate, chỉ có realities mà không có truth. Cho nên, không đợi câu trả lời.
[3] Tôi xin lỗi đã vô tình không nhớ tên dịch giả và nhà xuất bản. Vã lại nên đọc bản tiếng Bạn, có khả năng dễ hiểu hơn.
[4] Ngôn ngữ Phật gia.  Một số tín hữu Ky tô giáo gọi là cái tôi hư giả—false self.  Thí dụ Thomas Merton.
[5] Trịnh Xuân Thuận. L’infini dans la paume de la main.(?)
[6] Trịnh Xuân Thuận. L’infini dans la paume de la main.(?)
[7] Như vậy, trong giới hạn định nghĩa chân và vọng, như vừa nêu, thiết nghĩ một phần nào những thắc mắc ở footnotes (10) của thơ Bạn, ngày 15 tháng 1, 2008
[8] Thomas Merton.  Contemplative Prayer.
[9] “Hỡi Ngài ở bên kia vạn sự! Biết nghĩ gì Về Ngài?” Nguyễn Thái Hợp. O.P. Đường vào thần học về tôn giáo. Chương 7. “Vì không thể thấu hiểu huyền nhiệm của Thiên Chúa, nhưng lại không thể không nói về Ngài, nên con người đã diễn tả Ngài qua vẻ hồn hảo khác nhau của tạo vật hay qua cảm nghiệm tâm linh. Nhưng ngôn ngữ hữu hạn làm sao diễn tả nổi tính đơn thuần và siêu việt của Thiên Chúa ? Tất cả những gì ta có thể nói về Ngài phải chăng chỉ là những biểu tượng, ẩn dụ và loại suy, dựa trên những hình ảnh rất mờ nhạt được mặc khải trong Thánh kinh ?” Nguyễn Thái Hợp. O.P. Chọc thủng bức màn huyền nhiệm. 2. (Trích mạng lưới Dũng Lạc).
[10] Bát Nhã Tâm Kinh
[11] Bát Nhã Tâm Kinh
[12] Không mỹ tữu làm sao có thi hào Lý Bạch?  Nhưng luật chung nào mà không có những biệt lệ..
[13] Theo soạn giả Nguyễn Phương
[14] Câu nói dân gian, tôi không nhớ rõ. Chỉ nghe mấy Bạn chị tôi kể lại.
[15] Tác phẩm mỹ thuật.
[16] Thí dụ, những con người thật thà, suy tư theo “tinh thần hình học”.
[17] Nhại Bát Nhã Tâm Kinh.
[18] Hòa Thượng Thích Viên Minh.
[19] Câu Thông 1. Dịch thơ Cổ. Mai Vĩ Sinh.  Rất nhiều chi tiết thích đáng.
[20]   Dịch thơ cổ là phản động lực chống lại tiến hoá, là chèo thuyền con ngược dòng,
     Dịch thơ cổ là thú chơi xa xỉ của lo nin, giống như thú chơi cây cảnh,
     Dịch thơ cổ là tìm qun hiện tại thực tế, l từ chối hồn cảnh cụ thể,
     Dịch thơ cổ là mô phỏng phong cách dBạn gia tử đệ,
     Dịch thơ cổ là đi tìm một sự trng khít cho tự ng lo hố,
     Dịch thơ cổ là ngắm cảnh hoàng hôn, cư tang cho quá khứ, chờ ngày ra đi.
     Dịch thơ cổ là một cuộc hành hương vì ta đi vào quá khứ với lịng tưởng niệm,
     Dịch thơ cổ là giao lưu với quá khứ bằng ngôn ngữ hiện đại,
     Dịch thơ cổ là yêu thương người hiện đại, chia sẻ tấm tình cổ nhn với họ,
     Dịch thơ cổ là nối kết lại đường dây lịch sử, thổi một luồng sinh khí vào quá khứ,         
     Dịch thơ cổ là đón nhận và chuyển tiếp di sản của tiền nhân cho mai sau,
     Dịch thơ cổ là tìm lại một mảng nhan văn thất lạc để bồi thực nhân văn ta,
     Dịch thơ cổ là tìm lại chính bản thn mình qua nếp nghĩ của con người muôn thuở,
     Dịch thơ cổ là di dưỡng tính tình v cũng l một cch đạt nhân.

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.