Giang Hồ Vặt

 

Hình như trong 100 thằng đàn ông thì hết 99 thằng thích đi giang hồ. Cái từ giang hồ này ước lệ mà hay vô hậu. Không phải giang là sông, hồ là nước; mà giang hồ là một thế giới phiêu bồng lãng du bạt mạng đi ra ngoài những xó xỉnh góc nhà của ngày 3 bửa cơm, đi ra ngoài những lũy tre khuôn phép lệ làng, đi bên ngoài những mương rạch của trăm năm đời thường và mộng ước đi đến những phương trời viễn mộng xa xăm. Dùng cái từ hay hay là cuộc lữ. Đã quyết chí đi giang hồ là xem như tách bạch khỏi đời thường tù túng để khí phách thỏa chí bình sanh. Có khi không là một việc gì to tát, như đi để thay đổi một cuộc cờ nhân thế. Có khi chỉ là đi hoang qua đêm vài hôm, bỏ nhà đi bụi vài ngày, có khi biền biệt tháng năm nơi bước chân chưa từng đặt đến, xa lạ và mới mẻ.  


Chính vì thế mà giang hồ có đến dăm ba loại. Giang hồ võ lâm thứ thiệt có hai phái chánh - tà, xem triều đình là cỏ rác, luật pháp là gió mây trong những trang kiếm hiệp hào hùng. Giang hồ này là một xã hội bên ngoài của xã hội vương quyền nhà nước. Ai mà không mê giang hồ này, bởi các nhân vật lấy chữ "tín" làm đầu, trọng nghĩa khinh tài, tứ hải giai huynh đệ trong thời buổi loạn ly, bất công. Các nhân vật này trai thì phải tài, gái thì phải sắc. Gái đã sắc lại võ giỏi đàn hay múa đẹp, yêu thì yêu hết mình, yêu quên cả chánh tà, quên cả đường tu. (Có điều lạ là các nhân vật này không biết làm nghề gì ngoài cố luyện công tìm bí kíp, it thấy giúp gì cho xã hội giàu có ấm no. Chẳng biết tiền đâu mà Đoàn Dự, Lệnh Hồ Xung... cứ đi ta bà sơn tận thủy cùng, ăn nhậu hoài hoài.)

 

Lại có giang hồ thỏa chí lớn nam nhi, đền ơn nước nợ nhà, như tráng sĩ qua sông Dịch lạnh băng sang Tần làm thích khách:

 

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!

Mẹ thà coi như chiếc lá bay.

Chị thà coi như là hạt bụi,

Em thà coi như hơi rượu say. (Thâm Tâm)

 

Trong đời thằng đàn ông có 3 người phụ nữ quan trọng gần gũi: Mẹ, Chị và Em. Mẹ công dưỡng dục, chị công dạy dỗ thế cha, em là em gái mà có thể là người yêu chăn gối. Cả 3 đều là lá bay, hạt bụi và hơi rượu cay. Giang hồ nó cuốn hút đời trai là vậy! Con đường đi thì nhỏ mà chí thì lớn, mộng đầy mà tay thì trắng. Nên không bao giờ nói trở lại. Ba năm mẹ già cũng đừng mong...

Lại có chốn giang hồ thanh cao cho các kẻ sĩ thanh bạch ưa tìm về: sông, nước, mây, trời...Nơi vắng vẻ an trú cho tan đi phiền não:

 

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chỗ lao xao

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp

Nhìn xem phú quý, tựa chiêm bao.

 

Nơi vắng vẻ ấy cũng là chốn giang hồ sông nước ao bèo. Hẳn cụ  Nguyễn Bỉnh Khiêm ăn chay 2 mùa thu và đông, chỉ toàn ăn măng trúc và giá đậu xanh. Tắm hồ sen, tắm ao bèo thì khỏi nói, vừa tắm vừa nhẩn nha hạt sen non, xem con cá lòng tong, nhìn bèo dạt mây trôi mà thấy lòng phơi phới cõi an nhàn. Cụ lại kén nơi uống rượu: rượu uống ở gốc cây mới tràn đầy thi hứng, uống ở nhà chắc hẳn không vui(?) Một thời cụ làm thơ, mà văn chương hạ giới rẻ như bèo, nên phú qúy như giấc chiêm bao là vậy!

Lại có giang hồ nửa mùa và giang hồ vặt. Giang hồ nửa mùa là nửa mùa rong chơi, nửa mùa làm lụng. Ngày làm đêm chơi, nửa khuya khơi khơi dậy đi...tiểu. Giã men say người cứ buồn buồn. Giang hồ mà nặng lòng luyến ái phu phụ. Cứ chập chờn tiến thoái lưởng nan, một cuộc chơi không trọn, một kiếp sống không tràn. Và giang hồ vặt là giang hồ trong cái nhỏ bé của cái hòn non bộ, cứ ngồi mân mê với tiểu cảnh rong rêu mà mơ về những phương trời viễn mộng. Sóng nước nhỏ như cái chậu rửa mặt mổi buối sáng nhớ về đêm vui vừa qua bên mạn thuyền. Nhỏ như cái hồ thu trong mắt em, như cái đuôi mắt ai bám theo ngày tháng mộng huyễn.

Giang hồ vặt có lẽ dễ thương và thật thà nhất. Bởi lẽ đã thấu hiểu lòng mình hơn ai hết. "Tôi nghe tiếng nước reo trên bếp" Đó là tựa đề một bài tùy bút trong Sổ Tay của Nguyễn Xuân Hoàng, mà Nhà văn Nguyễn Xuân Thiệp đã cảm hứng để nhớ về tiếng nước reo trên bếp. Pha cà phê phin, pha trà, hâm nóng những hoài cảm trùng trùng dịu ngọt của hạnh phúc ấm êm vợ chồng, của những tách trà bên bạn bè như lửa ấm chiều hôm.(Tim Nguyễn)

 

Đi giang hồ thì hẳn nhớ nhiều, bởi cái gì nơi xa cũng lạ. Lạ ngay cả giọt nước mưa hứng lấy để pha trà ở trời Tây cũng khác giọt nước mưa từ tàu lá chuối trời Đông. Nên thấy tóc vàng thì nhớ tóc huyền, thấy mắt nai xanh lơ thì nhớ mắt bồ câu đen tròn như hột nhãn. Thấy "da em trắng anh chẳng cần ánh sáng" thì nhớ da em xưa khét mùi nắng, sậm màu bần quân...Ấy thế mà nhớ tiếng nước reo trên bếp, cái nhớ nhỏ nhoi mà chợt thảng thốt như lá rung khẽ trên mặt hồ của lòng đang trầm tư suy nghiệm. Đúng như câu thơ thật tuyệt của Phạm Hữu Quang:

 

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà

 

Nhớ nhà thì ai cũng có, cứ xem "thường thôi", chuyện nhỏ như con thỏ. Ấy vậy mà Tây thì gọi là bệnh. Bệnh nhớ nhà - homesick. Bệnh này không chửa thì sanh ra trầm cảm. Khổ lắm đa.

Người xưa thì ước lệ bóng bẩy, cứ chiều xuống nhìn khói lam chiều, hay khói sóng trên sông thì chạnh sầu. Nhật mộ hương quan hà xứ thị. Yên ba giang thượng sử nhân sầu. Cái nhìn thấy làm lòng buồn nhớ nhà thì nhiều lắm. Bởi con mắt cứ gắn liền hình ảnh này với hoài niệm nọ "Ngàn mai lác đác, chim về tổ. Dặm liễu bâng khuâng, khách nhớ nhà". Bà Huyện Thanh Quan thấy mai nở khi xuân đến, thấy chim bay về tổ, đường xa liểu rũ thì phải nhớ nhà lắm. Rồi có khi chẳng thấy gì, như Hồ Dzếnh một chiều chậm đưa chân ngày, chợt nhớ nhà! "Nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói huyền bay lên cây."


Tiếc là không ai cũng có thể châm một điếu thuốc rồi hết nhớ nhà. Vì bao nhiêu giác quan cảm thụ ở chốn giang hồ xa lạ đều đánh thức những lối mòn quen thuộc quê nhà. Một vầng trăng thượng huyền, một tiếng cuốc gọi hè, một tiếng ve lạc loài, một tiếng dế hờn dỗi, một tiếng hát vọng cổ trời xa. Người Tây coi bộ cao-bồi bạt mạng, rày đây mai đó, luôn ham mạo hiểm khám phá những miền đất mới, ấy vậy mà họ thủy chung với quê hương ghê lắm. You can take the girl out of the country, but you can't take the country out of the girl! Bạn có thể mang cô gái ra khỏi làng, nhưng không thể lấy làng quê ra khỏi cô gái. Hơn 100 năm rồi cái dây nịt to bảng, cái mũ cowboy, đôi giày ủng cao cổ và cái giọng miền Nam sến nhão nhẹt vẫn hiện diện thường ngày trên phố thị xa hoa New York, Hollywood...

 

Sau cái nhìn là đến cái nghe, nghe giọng nói xa xăm và nhớ. Nghe tiếng nước sôi reo mà nhớ nhà thì quả có phần thanh tao, bởi cuộc rượu gần tàn, trăng sắp lên thì hương trà hay cà phê mang ra. Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình. Nhưng nghe tiếng cơm sôi réo mà nhớ nhà thì quả là gần gũi ấm cúng. Một mâm cơm nghi ngút khói, đồ ăn xào mặn canh nằm trong lồng bàn. Cả nhà quây quần bên manh chiếu. Có khi trải ra trước sân dưới bóng tre. Gió chiều vi vu tới, cánh diều muộn còn bay trên đê và nắng chưa tắt hẳn để sót chút vàng lụa trên áo em phơi rào giậu thưa.


...Viết đến đây thì cell phone rung đến giật mình, suýt làm đổ ly cà phê starbucks trên laptop. "Anh đi mô giờ chưa về? nắng quá đọt tre rồi! Về sớm mà tưới mấy cây rau dền, lá lốt. Nhớ ghé chợ mua cho em ít thịt bò, hủ mắm ruốc, hộp salonpaz. À! dầu gió xanh nữa! Nhớ đó." Nhét điện thoại vào túi, gấp laptop, về thôi! Mình đúng là giang hồ vặt. Nghe tiếng phone reo bổng nhớ nhà. Mà phải ghé chợ mua đồ. Tiện mua luôn mấy chai Heineken. Bạn nhậu gọi là dầu gió xanh đây! Chiều nay có món bò nướng lá lốt, rau dền chấm tôm kho đánh.

 

 

Bảo Sinh

 

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.