HOA ĐẦU MÙA

Bà Lan đang bước đi chậm rãi trên những máng cỏ mới tan tuyết để lộ những cọng cỏ xanh tươi đang nhú lên, chúng cố xuyên qua những chiếc lá vàng và những cành khô đã bỏ lại từ mùa thu năm trước. Những tia nắng ấm của một ngày đầu xuân thật êm đềm, bà nhẹ nhàng bước đi bằng đôi chân đã mòn mỏi, mỗi bước đi là mỗi cái nhìn xuyên thấu mặt đất, lòng vui sướng thưởng thức sự hồi sinh của cây cỏ. Có lúc bà phải cẩn thận để khỏi đạp lên những chồi non của những loài hoa đang đội đất để hấp thụ ánh nắng mặt trời trong bầu không khí còn lạnh, suýt nữa bà dẫm lên một đóa hoa tím với những đốm vàng đang nở sát mặt đất, có lẽ đây là đóa hoa đầu tiên bà thấy được trong năm nay. Bà cúi xuống ngắm nhìn sự tươi tắn lẻ loi của loài hoa khiêm tốn đang khoe cánh chào đón ánh dương. Bà đang thật sự sống trong những giây phút của chính mình, nhìn cỏ cây đang nảy nở qua từng tế bào, và từng phân tử diệp lục đang được tổng hợp.

Bà tiếp tục bước đi trong cái công viên quá quen thuộc, những hàng cây cổ thụ không lá tạo nên một quang cảnh trơ trụi trên những ngọn đồi to nhỏ lên xuống như đan vào nhau tạo ra một khung trời thật đẹp. Xa xa là mặt hồ lung linh với những lớp sóng lăn tăn theo làn gió nhẹ. Bà hít thở từng hơi một như cố hấp thụ nắng nước và gió của trời đất để được hồi sinh như cọng cỏ sau những ngày tháng đông giá. Bà cảm thấy mình thật may mắn được hưởng thụ những dưỡng chất trên vùng đất này mà không tốn một đồng bạc, và cũng không bỏ một chút công sức nào để chăm sóc. Nếu giàu có để sở hữu mảnh đất này bà sẽ phải bỏ bao nhiêu tiền bạc để gìn giữ nó mới hưởng được những giờ phút như vầy.

Mỗi bước đi của bà đều theo sự chú ý đến những mầm cây cỏ trên mặt đất như thiền hành, đã có lần bà nghe chữ thiền hành từ người chị bà con ở Calgary nhưng chưa bao giờ được chỉ bày và thực tập. Giờ thì bà có thể cảm nhận được điều đó, trí óc tập trung theo từng bước chân, tiếp nhận năng lượng của trời đất theo cùng một nhịp. Bà nghe nói thiền hành là cách tu sữa để tìm đến sự an lạc, khỏi bị những cảm xúc đời thường quấy nhiễu, cũng như giúp cho hành động của mình theo đúng với lời nói và ước mong, không nói một đường làm một nẻo, không lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, … Lòng bà cảm thấy lân lân như đang học được một cách thư dãn hữu hiệu.

Trong thành phố ồn ào bon chen này thỉnh thoảng bà nghe người ta nói đến chữ Mindfulness, Meditation, và chữ Zen nhưng bà nào có thể tưởng tượng được mình có thể ngồi yên không suy nghĩ tới chuyện gì trong cuộc sống, vì bộ não của con người  luôn làm công việc “ think “, nghĩ chuyện này rồi bắt qua chuyện kia như thân cây chia nhánh phân chồi, chưa hết chuyện chợ búa thì bà đã mỉm cười với chuyện thằng cháu ngoại nói nịnh, rồi nhảy qua chuyện bà Liên nhờ mua bao gạo, rồi qua chuyện phải giặt áo quần vì hết đồ thay…liên tục như những sợi dây thần kinh này nhanh chóng chạm qua dây thần kinh kia để đối phó với những chuyện thường nhật hay biến động bên ngoài. Có mấy khi bà nghĩ đến những diễn biến bên trong con người của bà, như chuyện thương yêu, ghét bỏ, giận hờn có đúng lý hay không, phải tính thế nào để ăn ngủ cho yên vì yêu nhiều thì yếu, ghét nhiều thì bệnh,.. rồi chuyện lắng nghe những thay đổi trong cơ thể để biết được có gì khác lạ, nhiều người bệnh gần chết mới hay… và những câu hỏi tại sao, tại sao đời mình phải thế …Bà thấy thiền hành có vẻ hợp cách tu sữa của bà vì chân bà quen đi rồi, mà ngồi một chỗ để tu nhiều khi khó lòng cho bà theo được.

Những giây phút được đi bộ như hôm nay làm bà cảm thấy như được “ reset “ cái bộ ba mind, body, spirit làm chúng trở lại vị thế thẳng hàng với nhau, những data không cần thiết trong đầu đang được delete, bà cảm thấy nhẹ nhàng hẳn.

Bà bước đến ngồi vào bộ bàn ghế của những gia đình có người thân đã từng qua đây và đã ra đi, họ hiến tặng những bộ bàn ghế đó để mọi người có thể ngồi nghỉ chân. Hôm nay là một ngày đẹp trời, không nóng không lạnh, không mưa không gió, bầu trời trong xanh có mây trắng lững lờ, bà cảm thấy quá may mắn so với những bạn bè còn làm việc để kiếm sống. Những ngày tháng còn đi làm, nhiều lần bà lái xe vào công viên đi bộ một vòng cho dãn gân cốt nhưng bà có thấy gì đâu, cả trên trời lẫn dưới đất, nhìn mà không thấy, không cảm nhận được vì trong đầu bà chứa đựng bao nhiêu điều phải lo toan. Giờ đây nhìn hình ảnh đóa hoa tím lẻ loi nhỏ bé bên đường bà có thể thấy nó, khiêm tốn đến nỗi phải nằm sát đất để chịu rủi ro bị dẫm đạp, vẫn cố nhoi đầu lên để mang tín hiệu mùa đông đã qua.

Bỗng bà Hoa đang chạy bộ trong công viên gọi và tìm đến gặp bà Lan, cả hai bà đến ngồi giãn cách ở chiếc bàn bên cạnh để chuyện trò. Khi bà Lan mới đề cập đến chuyện hành thiền thì bà Hoa liền bảo tôi không hiểu tại sao người ta phải thiền, ngồi yên một chỗ làm sao máu huyết lưu thông, đi thì chậm chạp như mấy bà già, mà để được gì chơ, tui chạy suốt ngày chưa làm hết việc. Mấy vụ này toàn là scam mê hoặc con người tin vào đó rồi làm tiền. Tôi thấy như mấy ông CEO của công ty …, của hãng architect gì đó…đang làm ăn ngon lành tự nhiên bỏ vợ con lên núi thiền rồi nói chuyện như ông trời con toàn là hoang tưởng.

Bà Lan cãi lại “ Mấy ông đó đã có vấn đề rồi mới tìm đường giải cứu, chứ đang còn làm ăn phơi phới, gia đình an vui thì chẳng ai nghĩ tới chuyện thiền, thì giờ đâu mà thiền. Mấy ông làm việc quá độ nên bị “cháy máy“ burn out mới tìm đến thiền để củng cố lại đầu óc. Có ai bắt mình đóng tiền đâu mà bảo làm tiền.” Bà Hoa càng cãi hơn: 

“Nếu tôi là mấy ông đó, muốn cải thiện lại cái đầu thì tôi chỉ ăn một bữa cho ngon, rồi đi ngủ một giấc tới sáng, ngày mai đi tập thể dục, aerobic, nhảy đầm…thế là yên.” Bà Lan báo “Chị nói yên sao mấy hôm trước chị than đau đầu gối vì thấp khớp, đường máu cao không dám ăn ngọt, huyết áp cao phải uống thuốc…tui nghe chi rên mỗi ngày phải uống cả nắm thuốc tây, phải không?“

Bà Hoa nhìn vào mặt bà Lan bão: “Ừ, có bệnh thì phải uống thuốc chứ ngồi một chỗ làm sao lành.”

Bà Lan tiếp tục cãi: “Vậy bệnh chị có lành không, chị uống thuốc mấy chục năm rồi, càng ngày tui thấy chị càng than. Có những bệnh không cần thuốc chỉ cần nghỉ dưỡng, uống thuốc có khi càng thêm bệnh. Nhiều gia đình khi nhìn bên ngoài thấy êm ấm nhưng bên trong cũng đủ vấn đề nên người ta cần thiền để nhìn lại quãng đời của mình một cách đúng đắn, mình đã làm gì chưa phải, chưa thật sự đúng nên mới sinh bệnh, mới đổ vỡ…nhiều khi mình để tình cảm và sự ham muốn che mờ sự thật, rất thật mà mình không biết đến, chỉ khi lắng lòng đến độ trong suốt mới có thể thấu hiểu được.

Muốn lắng lòng thì phải cho máy chạy ở “slow mode“ hoặc “stop mode“ rồi từ từ mới thấy đường để tu sửa chứ chạy như lái xe trên highway làm sao thấy được gì. Đơn giản vậy thôi, tui không biết gì cao siêu hơn.”

Bà Hoa chẳng chịu thua: Chứ thiền thì bao giờ mới hết bệnh, cũng kéo dài năm này qua năm nọ vậy.

Bà Lan từ tốn bão: “Ừ, chị thì trị bệnh bằng cách đánh từ ngoài vô trong, cứ cho thuốc vào là xong, có người thì phải đánh trong ra ngoài nên phải nhen nhúm lại cái nôi lực bên trong để đối phó với bệnh tật.“

Bà Lan còn bồi thêm: “Chị nói tui đi như mấy bà già, tui già thì tui đi như bà già chứ sao, gồng mình đi như trẻ làm gì cho mệt. Còn chị mấy tuổi rồi mà không cho mình là già, chị hơn tôi bốn tuổi chớ bộ chị trẻ lắm sao? Tôi thấy chị cứ gồng hoài, ngày nào cũng xông xáo làm đủ chuyện nên càng ngày càng rên rỉ. Chị làm nhiều mà có bao giờ hết việc chưa?“

Bà Hoa liền đáp lại: “Ở cái xứ này mà nói kiểu yếu xìu vậy làm sao sống nỗi, thấy hiền là người ta lên đầu mình ngồi, kể cả chồng con, phải gồng lên chơ, gồng đến lúc nào không gồng được thì chết luôn.“

Với nụ cười lạt trên môi bà Lan bão: “Chết còn sướng, không chết không sống mới khổ. Thôi chị sống theo cách của chị, tôi sống theo cách của tôi. Chị không phải là tôi, tôi không phải là chị, cãi làm gì cho hao hơi tổn sức.“

Bà Hoa thôi cái nhìn bà Lan mỉm cười rồi rủ nhau đi ăn bún bò, đang đi ngoài lạnh mà thưởng thức được tô bún bò Huế thì quá đúng điệu, là dân miền Nam bà Hoa cũng mê mùi chanh sả ớt hành này không kém gì dân miền Trung.

Một tuần sau hai bà Lan và Hoa cũng gặp lại nhau trong công viên đó, lần này họ cùng đi bộ với nhau và không cãi nhau nữa. Những bụi hoa xưa cổ được trồng cả nửa thế kỷ trước và hoa tím dại bắt đầu nở rải rác trên triền dốc ở hai bên lối đi, những loại hoa này khó có thể diệt bỏ tận gốc, chi cần sót lại chút rễ là nó phát triển trở lại, mà triệt nó làm gì nhỉ, nó cũng là một loài hoa, xấu đẹp gì nó cũng mang hương sắc và sự tươi tắn để trang điểm cho đời, có hại ai đâu, chỉ dăm ba ngày rồi lụi tàn. Ngày trước người ta còn dùng cả thuốc diệt cỏ dại để làm những đám cỏ trồng phẳng lì như tấm thảm nửa kia, nhưng rồi họ nhận ra rằng, đẹp thì chưa hẳn đã đẹp nhưng quá tốn công và có thể hại cho chim chóc nên họ bỏ luôn. Cái đẹp tùy theo sự cảm nhận của mình, đâu phải to lớn, sắc sảo, thẳng hàng thẳng lối mới đẹp, nhiều khi cái răng khểnh cũng duyên dáng lắm cơ. Mái tóc cắt thẳng như tóc thề hay cắt trọc như binh đơ trả có mười đô, còn cắt tỉa chỗ dài chỗ ngắn hoặc xù như tổ rơm người ta phải trả tới trăm đô hay nhiều hơn nữa đó sao.

Hồi lâu rồi bà Lan có bà bạn tên Lâm tự nhiên trở nên giàu vì nhờ lấy được ông chồng làm business có tiền, và bà bắt đầu học cách tiêu tiền. Một hôm bà rủ bà Lan xuống phố du lịch mua sắm ở những tiệm high end. Hai bà đi vào một tiệm bán đồ mỹ nghệ. Bà Lâm đứng nhìn một cái bình hoa bằng sứ, làm bằng tay màu ngọc bích rất đẹp, từ nuớc sơn đến tay nghề khỏi chê nhưng trên miệng bình bị bóp méo lại thành một đường cong uốn lượn hài hoà và cũng như để biểu hiện sự khác biệt. Anh bán hàng đến hỏi bà Lâm cần giúp gì không? Bà Lâm đáp lại: “Anh có cái bình nào như vầy nhưng miệng bình tròn không? tôi thích cái này nhưng miệng bình bị méo mất rồi.“

Anh bán hàng liền trả lời: “Dạ thưa bà ở đây chúng tôi không có, muốn tìm cái bình miệng tròn thi ra China town có nhiều lắm. “Bà Lâm tìm đến bà Lan, mặt mày bí xị bảo: “Thôi đi ra khỏi đây đi, tao hỏi mua cái bình miệng tròn mà thằng đó bão tao ra chợ Tàu mua, coi bộ nó chê tao không có tiền, đồ cà chớn“. Từ đó là bà Lan hiểu được nghệ thuật là cảm nhận cái đẹp qua nhiều đường nét và góc cạnh khác nhau.  Bà Lâm vẫn còn tỏ vẻ bực bội nên rủ nhau ra nhà hàng VN ăn một bụng no nê để quên giận thay vì tiếp tục shopping.

Hằng năm gần cuối tháng May người ta thường đến công viên này rất đông để thưởng thức những cây anh đào ra nụ. Dạo sau này người dân Toronto cũng bắt chước những nước khác trên thế giới gọi là Lễ hội anh đào _ Cherry Blossom Festival. Những cây hoa anh đào được chính phủ Nhật hiến tặng trong tình hữu nghị với Canada, chúng khác hơn loại anh đào bản địa, dáng cây ẻo lả, hoa có năm cánh màu hồng nhạt hoặc những hoa kép nhiều cánh, những cây này đã trồng cả mấy chục năm về trước. Tuần lễ hội anh đào trở nên đắt khách vì theo phong tục người Nhật thì những ai đi lễ hội này thì sẽ được may mắn trong tình yêu và sức khoẻ nên những đôi tình nhân và mấy chị trẻ đua nhau đi lễ hội, mấy chị trung niên lớn tuổi cũng hăng hái đến nhìn hoa nở để được dồi dào sức khỏe. Thật hư không biết nhưng mọi người đều biết rằng đây là cơ hội để gia đình hội tụ với nhau, trai gái có cơ hội gặp gỡ. Mấy anh trai trẻ không tin chuyện mê tín cũng lấy cớ đem cha mẹ đi xem hoa để cầu may mắn trong gia đình, nhưng chủ yếu là để liếc mắt nhìn những cô gái xuân trong nắng mới dưới những cành đào yêu kiều. Những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư cũng mang những dụng cụ chụp hình đến để lấy được những hình ảnh rạng rỡ sinh động của những ngày Xuân. Hai năm nay vì đại dịch nên lễ hội anh đào bị cấm sợ đám đông tụ tập, chi có lẻ tẻ vài người vào xem hoa nở, mấy cây anh đào được rào lại vì mấy chị trẻ thấy vắng người là ưa bẻ một nhánh để lấy hên trong tình yêu như người ta thường đi hái lộc đầu năm.  Thế mới biết mấy cô cậu ở thành phố này vẫn mong ước được yêu, xin chúc mừng vì con cái biếng yêu cha mẹ mới buồn.

Đến công viên nầy quanh năm đều có chuyện để kể, Xuân Hạ Thu Đông mùa nào cũng thú vị. Mấy tháng trước đây khi trời còn tuyết lạnh bà Lan rủ bà Liên và bà Hoa ở gần nhà vào công viên nhìn vùng đất trắng tinh với những hàng cây trơ trụi, bà ngồi trên triền dốc trắng xoá nghịch tuyết như trẻ con rồi nằm dài ngửa mặt nhìn bầu trời vô tận, thật sung sướng. Giữa không gian bao la ấy bà chỉ còn biết mình ta với bạn ta.

Trong những tháng năm của đại dịch cô vít, những người cao tuổi dễ bị cô lập và buồn chán ở nhà nên họ thường tìm đến một niềm vui nào đó ở out door, và bà Lan đã chọn được cái công viên High Park gần nhà, bà được thưởng thức những giây phút tuyệt vời sâu lắng mà bà chưa bao giờ biết đến. Trong những ngày weekdays vào mùa đông hoặc đầu xuân khi trời còn lạnh, công viên vắng vẻ, bà cảm thấy mình như là chủ nhân của một đồn điền, cỡi con ngựa sắt đến rồi thả bộ dạo quanh thăm viếng mảnh đất quen thuộc, bà chiêm ngưỡng từng ngọn cỏ đến những hàng cây cổ thụ, từng cánh hoa lẻ loi đơn độc đến những bồn hoa muôn màu muôn cánh. Đối với bà còn gì hơn thế nữa. 

Life is beautiful! 

 

Lê Cẩm Tú

 

 

 


Tháng 8, 2024

Tháng 7, 2024

Tháng 6, 2024

Tháng 5, 2024

Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.